30.7.14

Coase Ronald H.

The Problem of Social Cost
Author(s): R. H. Coase Source: Journalof Law and Economics, Vol. 3 (Oct., 1960), pp. 1-44
Published by: The University of Chicago Press

Khi Ronald Coase công bố đóng góp “The Problem of Social Cost” [Vấn đề chi phí xã hội], ông đã được cộng đồng các nhà kinh tế thừa nhận là tác giả từng làm sáng tỏ một vấn đề thiết yếu: vì sao người ta tạo ra những định chế kinh tế và với qui mô nào? Sinh năm 1910, ông học đại học Dundee rồi London School of Economics, nơi ông được phong làm giảng viên năm 1947 và dạy những vấn đề liên quan đến các dịch vụ công. Các nghiên cứu của ông dẫn ông đến khoa học quản lí, vì tự nhận mình ít có khiếu về các môn nhân văn và không thích toán học. Ông đặt câu hỏi sau: vì sao người ta giám sát các công ti theo các thứ bậc mà không kiểm tra toàn bộ nền kinh tế theo cùng cách ấy? Ông trả lời là khi xem xét các bên tham gia trong các cuộc trao đổi càng ở xa nhau hay càng chuyên biệt thì những chi phí thông tin và phối hợp mà cách tổ chức theo thứ bậc kéo theo sẽ trở nên quá đáng và không nhất thiết có đối phần là sự gia tăng giá trị của sản phẩm thuần. Do đó có những ranh giới cho doanh nghiệp và có thể quyền lợi của doanh nghiệp là để cho thị trường cung cấp cho mình những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp từ bỏ việc tự sản xuất lấy. Đó là nội dung của đóng góp thiết yếu đầu tiên của ông năm 1937, “The Nature of the Firm” [Bản chất của công ti]. Bằng cách nhận diện các chi phí giao dịch này để đối lập với các chi phí sản xuất, hay chi phí về thời gian và nỗ lực cần thiết cho việc chuẩn bị, thiết lập và theo dõi các hợp đồng, ông đi đến kết luận rằng như vậy công ti xuất hiện khi việc huy động và tổ chức trực tiếp các nhân tố sản xuất là ít tốn kém hơn việc tìm mua các nguồn lực được sản xuất bên ngoài doanh nghiệp. Qui mô của doanh nghiệp tăng đến điểm mà chi phí tổ chức nội bộ của việc sản xuất lớn hơn các chi phí giao dịch gắn với việc thị trường cung cấp các sản phẩm ấy. Do đó công ti hiện ra như một chùm những “hợp đồng nội bộ”. Bằng cách giải thích sự ra đời của định chế doanh nghiệp bằng các chi phí giao dịch, Coase khai trương một truyền thống từ đây không ngừng kích thích những nghiên cứu, giải thích và đề xuất (Williamson, 2000).  
Năm 1960, Coase nối dài và vượt qua phân tích trên, sau khi rời nước Anh năm 1951 để sang Hoa Kì lần lượt giảng dạy tại các đại học Buffalo và Virginia.

Luật pháp ấn định các quyền, thương thảo xác định tính hiệu quả
Suy tưởng về chi phí xã hội, Coase tìm cách giải quyết vấn đề sau: làm thể nào xử lí những biến đổi, theo hướng tiêu cực hay tích cực, của phúc lợi mà một số tác nhân tạo ra cho những tác nhân khác tuy rằng các biến đổi này không phải là đối tượng của một giao dịch thị trường, do chính là vì không có một thị trường như thế? Khi có những ngoại ứng tiêu cực, ví dụ có những doanh nghiệp gây ô nhiễm không khí hay sông ngòi, thì các tác nhân sẽ sản xuất nhiều hơn mức họ sẽ sản xuất nếu họ không bị buộc phải gánh chịu những khoản bồi thường do họ gây ra. Trong trường hợp có những ngoại ứng tích cực, ví dụ những hiệu ứng ngoại lai tích cực do những người làm vườn tạo ra, bằng việc thông qua việc chăm sóc vườn tược đã giúp sản xuất ra mật, thì các tác nhân sẽ hành động ít hơn mức đáng mong muốn nếu họ được trả thù lao cho toàn bộ dịch vụ mang lại chứ không chỉ bằng một phần của dịch vụ này. Sự tồn tại của một chi phí hay một phần lời xã hội tràn ra ngoài giá dẫn đến những phân bổ không tối ưu. Truyền thống do Pigou khai trương nhằm để cho Nhà nước can thiệp và ấn định những giải pháp có tính quy chế: vượt ra ngoài việc định nghĩa các quyền sở hữu, Nhà nước quy định những lệ phí hay trợ cấp dẫn đến việc xác định lượng hoạt động mong muốn (Pigou, 1920). Tất cả nỗ lực của Coase nhằm chỉ ra rằng giải pháp này là không tốt và có thể dẫn đến những tình thế không kém phần không thỏa đáng như tình thế xuất phát, do thiếu thông tin xác đáng. Nhằm mục đích này, ông thay đổi tức thì phương pháp của Pigou: chắc chắn rằng một doanh nghiệp gây ô nhiễm là gây thiệt hại, nhưng kìm hãm hay ngưng nó hoạt động cũng sẽ hủy hoại việc làm và phúc lợi. Vấn đề mang tính hai chiều trong lúc lại xem xét nó theo một chiều, bởi thế phải xuất phát từ đây.
Gạt sang một bên trường hợp nổi tiếng của Pigou – một chiếc xe lửa đánh rơi bụi than cháy dở làm cháy một phần mùa màng của nông dân –, Coase nghiên cứu trường hợp của những người chăn nuôi phải chăn đàn gia súc của mình dẫm lên đất và gặm cỏ của những nông dân. Như vậy nhà chăn nuôi gây nên những ngoại ứng tiêu cực khiến nhà nông bị thiệt hại. Coase hình dung những giải pháp mà việc bàn luận và trao đổi giữa hai tác nhân này có thể dẫn đến. Trên biểu đồ dưới đây lượng gia súc được đo trên trục hoành và số tiền lời và chi phí cận biên của nhà chăn nuôi và nhà nông được đo trên trục tung. Tiền lời cận biên của nhà chăn nuôi được biểu diễn bằng hàm AF, một hàm cho biết số tiền bồi thường trả cho những người này nếu ta muốn họ từ bỏ dẫn đàn gia súc qua đồng ruộng. Chi phí cận biên của nông dân dưới dạng thất thu được biểu diễn bằng hàm DO, do đó hàm này cho biết thu hoạch họ hưởng được nếu ta giảm số lượng gia súc lưu thông. Dễ dàng nhận thấy rằng phân bổ tối ưu (trong trường hợp này là số gia súc được chăn qua đồng ruộng) nằm tại điểm E: ở bên trái điểm này, việc giảm chăn nuôi tiêu hủy nhiều hơn là tạo ra giá trị; ở bên phải điểm này, việc tiếp tục chăn nuôi cũng tiêu hủy giá trị hơn là tạo ra nó.

Nếu luật pháp công nhận quyền của người chăn nuôi thì người nông dân giới hạn thiệt hại của mình bằng cách mua từ nhà chăn nuôi việc hạn chế hoạt động hay số lượng gia súc mà người này di chuyển. Nhưng nhà chăn nuôi chỉ làm điều này nếu khoản lợi thu được từ việc cắt giảm này (tiết kiệm về mặt chi phí cận biên của nhà chăn nuôi) lớn hơn sự bồi thường mà nhà nông đòi hỏi (sụt giảm của khoản lời cận biên của nhà nông), nói cách khác khi khoản lợi của nông nghiệp cao hơn khoản lợi của chăn nuôi, điều này dẫn đến dịch chuyển từ điểm F sang điểm E. Ngược lại, nếu luật pháp công nhận quyền của người nông dân thì người chăn nuôi chỉ có thể phát triển hoạt động của mình nếu chịu bồi thường thiệt hại áp đặt cho người nông dân. Cái giá phải trả cho việc bồi thường này (hay sự bù đắp cho sụt giảm của khoản lời cận biên của người nông dân) do đó phải thấp hơn khoản lời cận biên thu được; hay là khoản lợi của chăn nuôi phải lớn hơn khoản lợi của nông nghiệp, và điều này dẫn đến dịch chuyển từ điểm G sang điểm E. Cho dù quyền của ai được công nhận thì ta vẫn đến E, điểm phân bổ hiệu quả nhất. Ở đây việc thương thảo những điều kiện thực thi các quyền sở hữu đảm bảo tình thế phúc lợi tối đa (E) trong khi nếu thiếu thông tin xác đáng giải pháp bằng những quy định thường dẫn đến những giải pháp không tốt bằng. Thật thế, giải pháp bằng những quy định có thể buộc nhà chăn nuôi ngưng hoạt động trong khi hoạt động này tạo ra nhiều phúc lợi hơn hoạt động của nhà nông: đó là, ví dụ, trường hợp R khi ngăn cản phát triển một hoạt động mà khoản lời cận biên cao hơn chi phí cận biên và nếu được tiếp tục thì hoạt động này cho phép tạo ra cho cộng đồng một khoản lời thuần GC. Ngược lại, giải pháp hành chính này có thể khiến các nhà chăn nuôi tiếp tục hoạt động trong khi khoản lợi cho xã hội thấp hơn chi phí của nó: đó là, ví dụ, tình thế H khi người ta cho phép phát triển một hoạt động trong lúc chi phí cận biên lớn hơn khoản lời cận biên của hoạt động ấy. Tại điểm này, một sụt giảm của số lượng cho phép tạo ra cho cộng đồng một khoản lời thuần G¢C¢. Coase đề xuất một kết luận thứ nhất: sự trao đổi các quyền sở hữu dẫn đến việc tối đa hóa phúc lợi trong lúc việc quy định hóa thường không đưa đến kết quả này.
Nhưng sự dàn xếp tư nhân này chỉ dẫn đến tối ưu xã hội nếu những chi phí thương thảo và triển khai thực hiện giải pháp được chọn, tức là các chi phí giao dịch, là bằng không. Giả sử, với giả thiết rằng quyền của người chăn nuôi được công nhận, các chi phí giao dịch mà người nông dân phải gánh chịu để có được sự dàn xếp mà người chăn nuôi đòi hỏi là không bằng không. Hệ quả là hàm DO dịch chuyển thành D¢O. Từ nay khoản lời người nông dân thu được do việc người chăn nuôi giảm hoạt động bị trừ đi chi phí này, và điều này khiến họ gánh thêm nhiều lần gia súc di chuyển ngang đồng ruộng (OH thay vì OE, tương ứng với một phân bổ không tối ưu).
Như thế Coase đề xuất một kết luận thứ hai: sự trao đổi các quyền sở hữu chỉ là tối ưu khi các chi phí giao dịch bằng không. Kết luận này chỉ đặc trưng hóa kết luận đầu, cho dù đây thường là kết luận được giữ lại.
Kết hợp hai kết luận trên, được Stigler vài năm sau gọi bằng “định lí Coase”, xác định kiến trúc đáng mong muốn giữa luật pháp và trao đổi (Stigler, 1966, 1972). Luật pháp chỉ định người có quyền, hay người mà các bên khác phải thương thảo, điều này không phải là không có hệ quả cho việc phân phối lại các nguồn lực, còn sự thương thảo ấn định số lượng sản xuất, điều này đảm bảo sự phân bổ tối ưu các nguồn lực. Trình bày cô đọng nhất toàn bộ các mệnh đề này vẫn là trình bày của Coase: “bao giờ cũng có thể thay đổi bằng những trao đổi sự phân bổ ban đầu các quyền sở hữu […] nếu các chi phí giao dịch của những trao đổi như thế bằng không thì việc tái phân phối các quyền sẽ làm tăng giá trị của sản xuất” (Coase, 1960).

Vả lại Coase là người đầu tiên chỉ ra cách sử dụng “định lí” của ông. Trong bài viết “The Federal Communication Revolution” [Cuộc cách mạng truyền thanh liên bang] (Coase, 1959), ông tra vấn sự hỗn loạn do các đài phát thanh gây nên trên những tần số tự chọn. Ông tố cáo ý cho rằng sự hỗn loạn này là kết quả của thị trường cho nên cần phải có những quy định. Đối với ông, sự hỗn loạn này là kết quả của sự thiếu vắng những quyền sở hữu được phân bổ rõ ràng. Một “hệ thống đấu giá và giải quyết các tranh chấp” có thể làm chấm dứt tình hình này bằng cách đảm bảo là những ai có được những tần số đem đến thu hoạch xã hội cao nhất (Coase, 1959). Hiệu ứng của một hệ thống như thế là loại bỏ những đặc quyền được một số tác nhân tư nhân tùy tiện nắm giữ và trao chúng lại cho người tiêu dùng. Trong một bài viết khác, ông chỉ ra bằng cách nào hệ thống hải đăng Anh trong một thời gian dài đã biết tổ chức có hiệu quả nhờ những thỏa thuận giữa các tác nhân tư nhân (Coase, 1974).
 
Một hệ ý (paradigma) hơn là một công thức
Chắc chắn rằng ứng dụng gây ấn tượng nhất của định lí Coase ngày nay nằm ở việc thiết lập một kinh tế học về môi trường. Đứng trước sự ô nhiễm, nên chăng chọn những quy định công cộng với nguy cơ trước hết công nhận một cách quá đáng quyền của người gây ô nhiễm hay quyền của người bị ô nhiễm, hay nên chăng bán đấu giá các quyền gây ô nhiễm mà tổng số lượng là sao cho chúng không gây tổn hại cho sự phát triển bền vững?  Có thể đạt được nhiều hiệu ứng tích cực về mặt tính hiệu quả: cuộc chiến chống ô nhiễm được tiến hành mà không gây thiệt thòi cho tăng trưởng kinh tế và bảo đảm được tính bền vững; các doanh nghiệp được những quyền gây ô nhiễm là những doanh nghiệp có kết quả tốt nhất vì chính họ mới có thể rao giá cao nhất; còn một số doanh nghiệp không có được những quyền này được khuyến khích chọn những công nghệ ít ô nhiễm hơn.
Ví dụ này về các quyền gây ô nhiễm tất nhiên đi xa hơn ví dụ của bụi than cháy dở, những con ong, những ngọn đèn biển hay đàn gia súc mà người ta thường ít nhiều đồng nhất định lí Coase với các hình ảnh thơ mộng điền viên này. Lợi thế của ví dụ trên là đặt ra rõ ràng những vấn đề hiệu quả, có tính đến những nguyên tắc cố hữu có qua có lại cho sự vận hành của một nền kinh tế thị trường. Nhưng nó không thể che khuất một số tranh luận do bản văn cơ bản của Coase gợi lên và được củng cố bởi tính đa dạng và tính xác đáng của những trường ứng dụng khác nhau có thể của định lí.
Cuộc tranh luận thứ nhất liên quan đến tính chặt chẽ của sự chứng minh tùy theo số tác nhân. Để hoàn thành sự dàn xếp đáng mong muốn giữa các tác nhân tư nhân thì số các tác nhân này phải tương đối hạn chế. Vả lại luận chứng này là rõ ràng ngay trong chính phiên bản của Coase do các chi phí giao dịch phải bằng không (hay không đáng kể). Nhưng khi số tác nhân càng hạn chế thì ta có thể ngại rằng động cơ của họ sẽ đưa đến những hành vi chiến lược ngăn cản hoàn thành sự phân bổ tối ưu các quyền sở hữu. Điều này càng có khả năng xảy ra khi thị trường các quyền này thuộc về lớp trò chơi tổng không hơn là một trò chơi tổng dương. Trong trường hợp này, trao đổi chỉ phân phối lại các quyền từ một vị thế được luật pháp ưu đãi mà không làm nổi lên những thu hoạch để chia cho nhau, gieo sự hoài nghi đối với khả năng trao đổi thành công.
Cuộc tranh luận thứ hai nhằm vào sự tồn tại của tô. Nếu một số nhà chăn nuôi ngay từ đầu hưởng những tô chênh lệch hay ricardian, thì ta không hiểu vì sao nhà nông lại phải bồi thường cho nhà chăn nuôi cho sự mất mát có thể của các tô này, một điều cần thiết cho việc hoàn thành sự dàn xếp. Một cách tổng quát hơn, mọi hiện tượng tô khiến cho sự hoàn thành các cuộc dàn xếp khó khăn hơn một khi chính những người nắm giữ các quyền được công nhận ban đầu lại thụ hưởng các tô này.
Cuộc tranh luận thứ ba, ngày càng trở nên quan trọng, nhằm vào tính không đối xứng giữa các đối tác. Trong các thương thảo kiểu song phương, việc sẵn sàng chi trả của một tác nhân phải tương ứng với việc sẵn sàng nhượng bộ của tác nhân kia. Thế mà những hiệu ứng thu nhập cũng như những hiệu ứng của cải có thể ngăn cản điều này. Trước một hiệu ứng thu nhập, xu hướng nhượng bộ có thể mạnh hơn xu hướng chi trả: người gây ô nhiễm mà quyền đã được công nhận sẽ rất cương quyết để chấp nhận giảm hoạt động của mình, ví dụ do người này ngại rủi ro hay do thiếu những khả năng thay thế. Hơn nữa, việc công nhận quyền có thể tạo ra một hiệu ứng của cải làm lệch việc triển khai và tầm quan trọng của sự dàn xếp được mong ước. Khi thừa nhận quyền được yên tĩnh, người ta tạo nên một của cải khuyến khích một số tác nhân đòi hỏi sự yên tĩnh nhiều hơn nữa, nếu đó là một sản phẩm bình thường hay cao cấp. Coase không xét đến hiệu ứng của cải này vì nó đã được tính đến trong giá trị của những sản phẩm được sở hữu, ví dụ một căn nhà. Nhưng, trong một cuộc tranh luận với Baumol (Baumol, 1972), ông buộc phải làm cho giải đáp của mình thêm phong phú. Trước áp lực của những người đòi hỏi hạn chế nhiều hơn nữa quyền gây ô nhiễm, một điều có thể dẫn đến việc cấm những hoạt động vốn đáng mong muốn, cần phải đánh thuế người gây ô nhiễm vì những thiệt hại người này tạo ra, vừa đánh thuế người bị ô nhiễm vì những thiệt hại gây ra cho người gây ô nhiễm.   
Cuối cùng, sự có mặt quá đông của các công ti trên thị trường có thể mở ra một cuộc tranh luận khác. Việc thừa nhận quyền của người gây ô nhiễm có thể dẫn đến sự gia tăng của số doanh nghiệp gây ô nhiễm, và việc thừa nhận quyền của người bị ô nhiễm có thể dẫn đến sự gia tăng của số doanh nghiệp bị ô nhiễm. Do đó vấn đề đặt ra là nên chăng dành các quyền này chỉ cho các doanh nghiệp có mặt trên thị trường vào lúc luật được thông qua mà không mở rộng cho các doanh nghiệp khác muốn nhảy vào để tận dụng luật này.
Những phê phán vội vàng định luật Coase trình bày nó như một giải pháp bất công và chất lượng thấp cho vấn đề các ngoại ứng. Thế mà tất cả nỗ lực của Coase nhằm chỉ ra rằng có một sự độc lập nhất định giữa các vấn đề công bằng và các vấn đề hiệu quả, và không phủ nhận tầm quan trọng của các vấn đề đầu đối với các vấn đề sau.
Định lí Coase nằm ở giao diện của những quan hệ thị trường-Nhà nước và những hiện tượng hiệu ứng ngoại lai không ngừng làm nổi bật những chênh lệch giữa tối ưu tư nhân và tối ưu xã hội. Thông báo của Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển trao giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel thừa nhận là ông đã kết hợp các quyền sở hữu như những hạt cơ bản của khoa học kinh tế với các chi phí giao dịch như là nguyên lí giải thích các thể chế kinh tế. Như vậy phân tích của ông có thể cho phép người làm luật cũng như thẩm phán đặt tốt hơn vấn đề đánh đổi các quyền, lợi thế và chi phí của chúng trước những tình huống đặc biệt (Posner, 1986): có thể đọc lại định lí Coase dưới lăng kính của luật pháp sau khi đã đọc nó dưới lăng kính của thị trường, vì định lí cho phép thẩm phán tìm ra những tiêu chuẩn hợp thức hóa (hay không) những tình thế thực tế hay để chỉnh sửa chúng một cách ít mù quáng hơn cách của Pigou.
Như thế Coase trở thành một điểm tham chiếu không thể né tránh trong nhiều trường của phân tích kinh tế: kinh tế học công cộng trong chừng mực mà ông chỉ ra rằng những thất bại của Nhà nước có thể tương ứng với những thất bại của thị trường; kinh tế học về luật vì ông làm rõ những được mất của sự phân bổ cũng như những được mất tái phân phối của sự phân phối và của việc thương thảo các quyền; kinh tế học về môi trường vì ông làm rõ những khả năng và giới hạn của những cách khác nhau làm giảm sự ô nhiễm. Việc có một trong những bài viết được nhắc đến nhất không phải là điều ngẫu nhiên mà đúng hơn là nhờ sự đột phá mà Coase đã mở ra trong tư tưởng kinh tế học chuẩn. 
Xavier Greffe
Đại học Panthéon-Sorbonne (Paris I)

Thư mục
Coase R. H. (1937), “The Nature of the Firm”, Economica, NS, 4.
Coase R. H. (1959), “The Federal Communication Commission”, Journal of Law and Economics, 2, p. 1-40.
Coase R. H. (1974), “The Lighthouse in Economics”, Journal of Law and Economics, 2, p. 357-376.
Baumol (1972), “On Taxation and the Control of of Externalities”, American Economic Review, 62, p. 7-22.
Cheung S. (1973), “The Fable of the Bees: An Economic of Investigation”, Journal of Law and Economics, 16, p.11-33.
Cooter R. (1982), “The Cost of Coase”, Journal of Legal Studies, 11, p. 1-34.
Greffe X. (1999), Économie des politiques économiques, 2è éd., Dalloz.
Pigou A. C. (1920), The Economics of Welfare, London, Macmillan, 4th ed., 1932.
Posner R. (1986), Economic of the Law, 3rd ed., Boston, Little Brown & Co.
Stigler G. (1966), The Theory of Price, New York, Macmillan.
Stigler G. (1972), “The Law and Economics of Public Policy: A Plea to the Scholars”, Journal of Legal Studies, 1, p.1-12.
WilliamsonO. E. (2000), “The New Institutional Economics: Taking Stock, Looking Ahead”, Journal of Economic Litterature, 38,p.595-613.

Buchanan và Tullock, The Calculus of Content, Posner, Economic Analysis of Law, Stigler, The Citizen and the State, Williamson, Markets and Hierarchies

 Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Xavier Greffe, Jérôme Lallement, Michel de Vroey, Dictionnaire des grandes oeuvres économiques, Dalloz, Paris, 2002, trang 97-104.



Print Friendly and PDF