21.9.14

Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế

Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế học

Giả định là đã giải quyết xong vấn đề kinh tế học có phải là một khoa học không. Ví dụ, chúng tôi mời bạn tham khảo những nhận xét cuối cùng của G. G. Granger trong bài “Khoa học luận kinh tế” trong bộ Bách khoa kinh tế[2] này. Hay là ta chấp nhận rằng bản thân câu hỏi trên là thứ yếu. Dù sao thì trong công việc nghiên cứu của nhà kinh tế, vẫn phải có một số quyết định về phương pháp luận hay khoa học luận để có thể tiến triển trong quá trình nhận thức. Những quyết định này bị những câu trả lời cho câu hỏi sau chi phối: đâu là những công cụ cho phép xác định rằng một lí thuyết, một lối giải thích là đúng hay sai? Đó là vấn đề đánh giá (appraisal) hay là vấn đề những tiêu chí của tính khoa học.
Bằng cách này đương nhiên là ta gặp vấn đề tính khoa học hay không của những diễn ngôn kinh tế, vì chỉ có thể mượn những “tiêu chí” trong phương pháp luận khoa học, do chỉ có phương pháp này mới có, ít ra là trên nguyên tắc, những phương tiện để phân biệt giữa chân lí và sai lầm.
Mục tiêu này, bề ngoài đơn giản và đương nhiên, thật ra là đầy tham vọng. Nếu ta lướt nhìn trạng thái của kinh văn thì ta thấy nhiều dấu hiệu của một bộ môn không hoạt động như một khoa học. Trước hết bộ môn này có nhiều rạn nứt ý thức hệ: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa marxist, thể chế luận ... , những rạn nứt đó có vẻ làm cho những người có cảm tình với những chủ nghĩa này miễn nhiễm đối với mọi ý muốn thảo luận.
Vả lại ngay cả cộng đồng khoa học những nhà kinh tế dường như cũng chia thành nhiều trường phái cạnh tranh nhau, không quyết định được kết cuộc của những cuộc tranh luận lớn: đó là trường hợp của cuộc tranh luận giữa học thuyết trọng tiền và học thuyết Keynes. Còn cuộc tranh luận giữa những người bảo vệ và chống lại lí thuyết kinh tế vi mô về doanh nghiệp tuy đã không còn gay gắt nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Có nhiều trường phái đối lập với nhau hoặc khác nhau: có một học thuyết Keynes chính thống (hay đúng hơn là - ND) phiên bản thủy động lực học của học thuyết này[*], một học thuyết Keynes về mất cân bằng, một kinh tế học tân cổ điển (hay cổ điển “mới”), một trường phái tân Áo, v.v ... Tất nhiên trong khoa học luôn có những cuộc tranh luận, và sự thống nhất tư tưởng chỉ đạt được sau nhiều cuộc đối đầu lâu dài và chỉ trong một thời gian giới hạn. Nhưng dường như trong kinh tế học, các nhà nghiên cứu có xu hướng từ bỏ sự đối nghịch để tự giam mình trong những quan điểm của bản thân, bằng cách đi vào chi tiết tinh vi hay trình bày hình thức mà không thật sự quan tâm đến những phản bác có thể nêu lên đối với họ. Như thế đôi lúc người ta có thể đi đến một kết luận làm nản lòng và thật sự phản khoa học là trong kinh tế học có thể bảo vệ đồng thời những ý kiến trái ngược nhau, và những nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng có những phương tiện để quyết định ý kiến nào là đúng đắn nhất (ví dụ xem Klamer, 1988). Tuy nhiên không có bộ môn nào lại có thể không cần đến những tiêu chí phân biệt cái sai và cái đúng nếu không muốn trở thành không nhất quán. Do đó ta phải điểm qua những phương pháp khác nhau hoặc được các nhà kinh tế vận dụng hoặc được các nhà triết học hay những sử gia của các khoa học thiết kế nhằm liệt kê những tiêu chí rõ ràng hay ngầm ẩn về tính khoa học và xem xét sự tương thích của những tiêu chí này với những vấn đề đặc biệt của kinh tế học.                     

1. Chủ nghĩa tiên nghiệm trong kinh tế học

Nếu muốn bàn đến những tiêu chí về tính khoa học thì những lí thuyết kinh tế cần phải có một nội dung thực nghiệm, nghĩa là sản xuất ra được những khẳng định thuộc lĩnh vực thí nghiệm và do đó có thể kiểm định được.
Việc khẳng định tính thực nghiệm hay thực nghiệm-hình thức của khoa học kinh tế là khó tương thích với hai quan điểm phương pháp luận cực đoan là chủ nghĩa tiên nghiệm và chủ nghĩa duy lí thuần túy (đối lập với chủ nghĩa duy lí phê phán của Popper).
Chủ nghĩa tiên nghiệm là một quan điểm xưa trong kinh tế học (xem Latsis, 1976). Nó được Senior và E. Cairnes (1875) bảo vệ và khẳng định mạnh mẽ rằng những lí thuyết kinh tế không thể nào bị phủ nhận bằng cách đơn giản so sánh những hệ quả của những lí thuyết với các sự kiện. Nhưng phát biểu hiện đại và triệt để nhất của chủ nghĩa tiên nghiệm là của Lionel Robbins (1932) cho rằng những tiên đề chủ yếu của lí thuyết kinh tế là hiển nhiên và không cần phải bàn cãi, và càng không cần đến những phương thức bác bỏ hay kiểm tra. Ông viết: “Chúng ta không cần đến những thí nghiệm kiểm tra để xác lập hiệu lực của những tiên đề: chúng là tố chất của đời sống hằng ngày chúng ta nên chỉ cần nêu lên là chúng được nhìn nhận như là một điều hiển nhiên”.
Nếu tiên đề chính của lí thuyết giá trị, theo Robbins, là việc “cá thể có thể sắp xếp những ưa thích của mình theo thứ tự và thật sự đã làm như thế” thì cũng rõ rằng một sự quan sát đơn giản đủ để chứng minh thiếu sót và giới hạn của nguyên lí này. Hình như trên điểm này ông đã có một quan điểm cực đoan và sau này đã từ bỏ ít nhiều khi công bố quyển tiểu sử tự thuật của ông (Robbins, 1971).
Một trong những lí do tồn tại của khẳng định tiên nghiệm có lẽ là mong muốn biến kinh tế học thành một bộ môn hoàn toàn diễn dịch. Nhưng đó là một ảo tưởng trong chừng mực là mọi người đều thừa nhận rằng những lí thuyết kinh tế phải đưa ra được một hình ảnh trung thực của thế giới hiện thực và cung cấp những công cụ hành động.   
Ngày nay chủ nghĩa tiên nghiệm bị hầu hết các nhà kinh tế bác bỏ. Tuy nhiên có thể tìm thấy một âm vang của nó trong trường phái Áo hiện đại dựa trên những tác phẩm của Menger lẫn của Von Mises (1985) và Friedrich Hayek (1948 và 1980). Von Mises trình bày rất rõ chủ nghĩa tiên nghiệm này:
Điều phong cho khoa học kinh tế một vị trí đặc biệt trong lĩnh vực của tri thức thuần túy cũng như trong việc sử dụng thực tiễn sự hiểu biết, là những định lí riêng của khoa học này không có khả năng được kiểm tra lẫn bị phủ nhận trên cơ sở của kinh nghiệm [...]. Một kinh nghiệm như thế dù sao đi nữa luôn là một thí nghiệm lịch sử, nghĩa là một kinh nghiệm của những hiện tượng phức tạp. Điều này, không thể, như đã được chứng minh, chứng minh hay phủ nhận bất kì định lí tất định nào”. (Von Mises 1985: 309).  
Quan điểm này gắn với định nghĩa của Von Mises và Hayek về kinh tế học như một khoa học hành động (praxéologie) hay khoa học về những lựa chọn. Như là khoa học về những lựa chọn gắn với phương pháp luận cá thể, và trong chừng mực này, nội quan hiện ra như một thành phần có giá trị của phương pháp luận kinh tế. Như thế trường phái Áo, khi nhấn mạnh đến những lựa chọn cá thể và định nghĩa tất cả những khái niệm kinh tế bằng những định nghĩa gắn với một quyết định cá thể, hiện ra như một chủ nghĩa chủ quan. Hơn nữa trường phái này chống đối sâu sắc những đại lượng kinh tế vĩ mô cho dù đó là vốn, thu nhập quốc gia, hay ngay cả chỉ số giá cả. Nó bác bỏ mọi kiểm định định lượng và hoàn toàn chống lại kinh trắc học.     
Tuy nhiên trên một bình diện khác, thái độ của một tác giả như Mises hay Hayek có thể có một bài học có ích. Toàn bộ kinh tế học đương đại mong muốn là hoàn toàn khách quan: nghĩa là nó toan kiến giải hành động của con người chỉ qua những kết quả của những hành động này (nếu được, dưới dạng số liệu), như nhà vật lí tìm những định luật chuyển động của các hạt trong những vết in lại trên phim. Như vậy con người toan tính nắm bắt chính bản thân mình như một chủ thể thuần túy qua tiến hoá của những đại lượng tổng hợp và giả thiết duy lí. Nhưng như thế là không biết đến mọi khác biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mà khoa học xã hội lại tức khắc gặp ngay những ý nghĩa (về tất cả những điểm này xem Wiseman, 1983). Như F. Hayek nói: “Những chủ thể của hoạt động kinh tế không thể được định nghĩa một cách khách quan, nhưng chỉ được quy chiếu về một mục đích của con người. Không một “hàng hoá”, một “sản phẩm kinh tế”, một “thức ăn”, một “tiền tệ” nào có thể được định nghĩa một cách vật lí mà chỉ có thể được định nghĩa theo những quan niệm các cá thể có được về những vật đó”.       
Như thế chủ nghĩa tiên nghiệm trong những khoa học xã hội hiện ra như mặt kia của cách giải thích duy lí về hành vi con người (Latsis, 1976: 7). Nó dựa trên ý cho rằng hành động của các tác nhân kinh tế không được quyết định một cách ngẫu nhiên, nhưng là những câu trả lời thích hợp cho những tình thế trong đó những hành động này diễn ra. Đó là điểm xuất phát của thuyết “phương pháp luận nhị nguyên”: những “qui luật” của khoa học kinh tế không phải là những định luật thực nghiệm thể hiện những tất định ở bên ngoài con người. Đúng hơn đó là những nguyên lí tổng hợp tiên nghiệm thể hiện một dạng khác của tất yếu chi phối bản chất con người. Như thế nguyên lí duy lí là yếu tố trung tâm của mọi giải thích vì nó là sợi dây nối liền những hoạt động tâm thần của con người và những trở ngại con người gặp phải trong thế giới bên ngoài. Tất nhiên hành vi của một tác nhân có thể là không duy lí, nhưng giả thiết duy lí là cần thiết vì nó cung cấp “chiếc cầu” để có thể lập luận theo suy diễn. 
Cách tiếp cận này phần nào đó là thỏa đáng trong chừng mực mà nó nhấn mạnh đến nội hàm (Verstehen: về sự đối lập giữa nội hàm và giải thích trong tư tưởng Đức, xem Raynaud, 1987: 111-122) chúng ta có thể có về hành động con người qui chiếu với chính ngay trạng thái ý thức của chúng ta và nhắc nhở là có thể nghiên cứu hành động con người theo một cách khác hơn là nghiên cứu những hạt cơ bản. Tuy nhiên cách tiếp cận này có những nguy cơ sau:
những nguyên lí tạo lập là không chắc chắn. Đó là trường hợp của nguyên lí duy lí, mà đối với Popper vừa là sai vừa là cần thiết ...
có thể sử dụng nghững nguyên lí này một cách tất định và trong nghĩa nhân quả.
cuối cùng (và nhất là) những khẳng định mà chủ nghĩa tiên nghiệm dẫn đến thường không thể kiểm định được, vì không thể đi ngược từ một khẳng định thực tiễn lên đến những tiên đề tổng quát một cách chặt chẽ.
Trong chừng mực mà quan niệm này không thể là đối tượng của một phê chuẩn thực nghiệm thì chỉ có thể xem nó một cách thận trọng: quan niệm này có vẻ khó tương thích với tinh thần của khoa học thực nghiệm.               

2. Chủ nghĩa duy lí và chủ nghĩa hình thức: tư tưởng của Walras

Chủ nghĩa duy lí thuần túy hay duy lí cartesian như được Walras (1874) làm rõ, theo chúng tôi, tương tự với quan điểm của chủ nghĩa tiên nghiệm trong nghĩa là nó không cho phép đối chiếu lí thuyết với thế giới thực nghiệm, do tập trung vào việc xây dựng một mô hình có thể tận dụng được sức mạnh và tính chặt chẽ của toán học.
Điểm xuất phát của thiết kế lí thuyết này là quyết tâm của Walras xây dựng khoa học kinh tế như một khoa học “tự nhiên” tương tự như vật lí học của Newton. Tuy nhiên do Walras ý thức sâu sắc rằng kinh tế không xa lạ với đạo đức và sự can thiệp của Nhà nước trong nhiều trường hợp là biện minh được, nên ông còn phân biệt, bên cạnh kinh tế học, kinh tế xã hội thuộc về đạo đức học và kinh tế ứng dụng thuộc về nghệ thuật. Chỉ có kinh tế thuần túy mới đồng thời là “thực nghiệm và duy lí”: thực nghiệm vì nó có tham vọng mô tả một cách chặt chẽ và chính xác một nền kinh tế cạnh tranh tự do và duy lí vì nó đạt được mục tiêu trên nhờ vận dụng toán học dưới dạng một hệ phương trình đồng thời.    
Lí thuyết cân bằng chung, do Walras tưởng tượng và từ 1930 được hoàn thiện và tiên đề hoá với sự đóng góp của những nhà kinh tế đương đại lớn nhất, chắc chắn là lí thuyết xuất sắc nhất của khoa học kinh tế; điều này là không thể chối cãi.
Song lí thuyết này có giá trị thực nghiệm không? Nghĩa là lí thuyết có thật sự tượng trưng cho quá trình thực tế đạt đến cân bằng của một một nền kinh tế không?
Đối với Walras, trạng thái cân bằng là một “trạng thái lí tưởng và không thực tế” ... “Nhưng đó là trạng thái bình thường trong nghĩa đó là trạng thái mà sự vật tự hướng đến dưới chế độ cạnh tranh tự do”. Tuy nhiên nhìn kĩ hơn thì người ta thấy là có nhiều lí lẽ vững chắc để phê phán tính tương thích của mô hình cân bằng chung với những thực tế của nền kinh tế (de Bernis, 1975).         
    Trong thực tế, không có cân bằng trên tất cả các thị trường: ví dụ có thất nghiệp. Có nghĩa là mô hình không tính đến tính chất đặc biệt của thị trường lao động. Hơn nữa, sự tồn tại của một vài mất cân bằng còn tỏ ra là cần thiết cho sự hoạt động tốt của nền kinh tế: chính những cơ hội có được lợi nhuận (do đó những khả năng vượt quá lợi nhuận còn lại hay lợi nhuận trung bình) ấn định đầu tư. Không có những “mất cân bằng” này thì nền kinh tế đình trệ.
   Một số đặc tính toán học của cân bằng chung là khó tương hợp với tính chất của những hiện tượng kinh tế. Đó là trường hợp của giả thiết lồi, tính độc lập của những tập hợp sản xuất và tiêu dùng, v.v...
   Cuối cùng và nhất là việc thiết lập cân bằng chung trong thời gian đặt ra những vấn đề được Walras lí giải một cách sai lầm. Ý tưởng “dò dẫm” đòi hỏi phải tạm hoãn thời gian lại và viện dẫn đến giả thiết người xướng giá thị trường, cũng như tính tức thì của sản xuất; tất cả những điều này ít ra là một việc trừu tượng hoá tồi hiện thực.
Tuy nhiên nhiều tác giả cho rằng cân bằng chung vẫn có một giá trị lớn (Hahn, 1973): “để bác bỏ mọi loại quan điểm chính trị không có cơ sở chắc chắn ...” hay (Ménard, 1986) “để nhận diện ba vấn đề chính cho lí thuyết tổ chức kinh tế: bản chất và vai trò của thông tin, bản chất và đặc tính của những quá trình và cơ quan ra quyết định, vị trí của những điều tiết cơ bản, đặc biệt là tiền tệ”. Lí thuyết cân bằng chung do đó chủ yếu có tính sư phạm nhưng, theo Hahn, phải từ bỏ “tham vọng cung cấp những mô tả cần thiết của trạng thái cuối cùng của những quá trình kinh tế”.
Để tóm tắt, có thể nói rằng cân bằng chung biểu trưng tốt cho tác động qua lại của những thị trường và của những quyết định kinh tế, tốt đến độ mà nó đã gợi ý cho một kĩ thuật nghiên cứu thống kê và kế hoạch hoá: phân tích đầu vào/đầu ra của Leontief. Nhưng do sự nặng nề và những ràng buộc của bộ máy toán học, nó chỉ biểu trưng những tương tác này một cách cố định và sau cùng, khiến cho những tương tác giữa các thị trường và vai trò của giá cả có lẽ được Hayek làm rõ hơn mà không cần đến bộ máy toán học và từ quan điểm chủ quan của ông đã trình bày một cách thực tế hơn sự vận động thật sự của hệ thống giá cả và bản chất cùng vai trò của thông tin.
Do đó với lí thuyết cân bằng chung ta đứng trước một lí thuyết có thể gọi là hình thức theo một nghĩa gần với nghĩa được Bertrand Russel định nghĩa. Những lí thuyết này là không đúng lẫn không sai: đó là những tập hợp có tổ chức của những “hàm mệnh đề”, tức là những mệnh đề không thể có ý nghĩa thực nghiệm do việc lí tưởng hoá cực kì của một số phần tử của mô hình: tính đồng đẳng với những hiện tượng mà những mệnh đề này có tham vọng mô tả bị những phần tử được giữ lại trong mô hình -do chính những yêu cầu của việc hình thức hoá ấn định- giới hạn một cách nghiêm ngặt.
Ta đứng trước một trong những vấn đề cơ bản của phương pháp luận những mô hình: bằng cách nào bảo đảm được là mô hình lí thuyết, một hình ảnh thu gọn đơn giản chính đáng của nền kinh tế thực tế cung cấp một mô phỏng tốt của sự vận hành của nền kinh tế này? Rõ ràng là phải đòi hỏi nhà kinh tế có một lập luận qua lại hai chiều để bảo đảm tính tương thích giữa những đặc tính toán học của mô hình và những tính chất hiện thực của những hiện tượng được biểu trưng.               
Từ cuộc bàn luận trên đây về cân bằng chung có thể rút ra hai kết luận:
    Trong một lí thuyết hình thức hoá đến mức như lí thuyết cân bằng chung, thường có sự quyến rũ lập luận trên những tính chất logic hay toán học của mô hình và rút ra từ đó những kết luận ta nghĩ rằng có thể áp dụng vào thế giới kinh tế hiện thực. Đây là một sai lầm càng dễ vấp phải bao nhiêu khi việc mô hình hoá càng phức tạp và thỏa mãn lí trí bấy nhiêu. Những hệ quả thực tiễn của lí thuyết cân bằng chung là vô cùng hạn hẹp. Như Morishima (1984: 64-71) đã viết , “một mệnh đề rút ra từ một hệ tiên đề tách rời với những sự kiện không có khả năng dự báo”. 
    Trái với một ý kiến thường được phát biểu, và trong chừng mực mà kinh tế học có tham vọng là một khoa học thực nghiệm, thì phải gạt bỏ lời kêu gọi sử dụng hình thức hoá trong kinh tế như một tiêu chí của tính khoa học. Điều chắc chắn của hình thức hoá là việc vận dụng một ngôn ngữ chính xác và một sự kết nối chặt chẽ những mệnh đề. Nhưng nó chỉ đảm bảo cho chính sự chặt chẽ của bản thân nó thôi. Không thể quên được tính tương thích với hiện thực cho dù hệ thống hình thức là mạnh đến bao nhiêu đi nữa.    

3. Chủ nghĩa duy lí phê phán: chiến lược phản bác và xác minh 

Sau khi T. Hutchison gạt bỏ, trong tác phẩm then chốt của ông (1938), chủ nghĩa tiên nghiệm thì phương pháp luận kinh tế lần hồi xích gần đến những luận điểm popperian[3], qua hình ảnh quyến rũ của một tập những hiểu biết luôn tiến triển, theo chuẩn của chủ nghĩa duy lí phê phán và theo tiến trình: ý thức về một vấn đề phát biểu một lí thuyết thử thách lí thuyết bằng một mưu toan phản bác nó. Sức mạnh của thái độ phương pháp luận này trước hết dựa trên việc từ chối phép qui nạp: như Hume đã chỉ rõ, những lí thuyết hay định luật tự nhiên không thể được xác lập trên việc tích lũy những quan sát có lợi cho lí thuyết. Người ta không bao giờ có thể khẳng định rằng một giả thiết hay lí thuyết tất yếu là đúng vì nó được thiết lập sau một số lớn quan sát cho thấy rằng giả thiết hay lí thuyết đó phù hợp với những sự kiện. Ngược lại chỉ cần một khẳng định duy nhất trong chiều ngược lại đủ để bác bỏ một mệnh đề phổ biến. Chính sự mất đối xứng này biện minh cho tiêu chí popperian về tính phản bác và học thuyết về khả năng sai lầm cho rằng tăng trưởng của tri thức là kết quả của việc sửa sai những sai lầm. 
Do đó các lí thuyết phải có thể phản bác được, nghĩa là từ đó rút ra những hệ quả có thể kiểm định được. Lí thuyết phải có một giá trị giải thích khá rộng (không thể là một lí thuyết ad hoc). Kiểm định một lí thuyết do đó là rút ra từ lí thuyết đó, bằng cách thêm một số điều kiện ban đầu, một số dự báo chính xác và đối chiếu những dự báo này với các quan sát.
Một quan sát duy nhất không đủ để bác bỏ một lí thuyết; Popper còn đòi hỏi rằng có thể lặp lại quan sát này. Nếu lí thuyết không bị phản bác thì lí thuyết được xác minh, nghĩa là đã qua được kiểm định. Nếu một lí thuyết cũ gặp phải những mâu thuẫn, nhà bác học phải lập một lí thuyết có khả năng giải thích những hiện tượng đã được những lí thuyết trước giải thích và cả những sự kiện mà những lí thuyết trước không giải thích được hay đã làm cho chúng mất hiệu lực. Nếu nhà bác học thành công, Popper (1972) cho rằng lí thuyết mới còn phải thỏa mãn ba requisits[4]
1.   lí thuyết mới cần bắt nguồn từ một ý thống nhất đơn giản và mạnh làm nổi rõ một mối quan hệ mà đến bây giờ người ta chưa nghĩ đến giữa những yếu tố hay những thực thể lí thuyết.
2.   lí thuyết mới phải có thể được kiểm định một cách độc lập, điều này đòi hỏi là nó phải dự báo những hiện tượng mới có khả năng kiểm định được.
3.   lí thuyết mới cần phải vượt qua được một số kiểm định mới và rất chặt chẽ.
Từ một phương pháp luận nghiêm ngặt như thế không nên suy ra rằng hoạt động khoa học có một thái độ chủ yếu tiêu cực và quan tâm chính đến việc phản bác hiểu biết hiện có. Điều Popper mô tả là một khoa học thường xuyên trong trạng thái cách mạng, trong đó việc phản bác là một biến cố tích cực vì nó kêu gọi đến trí tưởng tượng và việc mở rộng những kiến thức. Mặt khác do việc phản bác nhất thiết gồm có việc chấp nhận một lí thuyết thỏa đáng hơn và mạnh hơn nên nó là nguồn gốc của “những thắng lợi mới trên điều chưa biết”. 
Phương pháp luận này được quan niệm trước hết từ việc xem xét lịch sử của vật lí học và hoá học và do đó đặc biệt áp dụng cho những “khoa học cứng”. Nhưng đối với các khoa học xã hội Popper cũng đã phát biểu rõ ràng luận điểm tính thống nhất của phương pháp và mô tả cho những khoa học này một phương pháp luận bằng thử và sai lầm, về mọi mặt giống với phương pháp luận ông đề xuất cho những khoa học tự nhiên (xem Boyer, 1987: 5-25).
Về tính khoa học của kinh tế học, hầu tước K. Popper trong Misère de lHistoricisme, đã có một đánh giá rất thuận lợi khi viết “thành công của kinh tế toán học cho thấy là có ít nhất một khoa học xã hội đã trải qua cuộc cách mạng galilian” (xem Latsis, 1976: 186). Nhưng sau đó ông đã xét lại khẳng định quá lạc quan này, dựa trên ý không đúng là có thể đánh giá tính khoa học của một bộ môn theo mức độ hình thức hoá bộ môn này. 
Trong một đóng góp gần đây hơn, được hỏi cũng về vấn đề trên K. Popper (1986: 490-540) đã có nhiều dè dặt và thừa nhận là không thể đánh giá một cách tổng quát. Theo ông, kinh tế học “đôi lúc và từng phần” là khoa học. “Một vài phần (của khoa học kinh tế) không phải là khoa học vì chúng không thỏa mãn tiêu chí này (tính phản bác được) vì chúng quá phức tạp”.
Theo chúng tôi, quan niệm này, một quan niệm tinh tế hơn, đối với kinh tế học là đúng đắn hơn. Nó nhấn mạnh, một cách chính đáng, đến sự phản bác. Bàn luận sau đây về những vấn đề tổng quát mà tiêu chí này đặt ra sẽ giúp chúng ta hiểu là về mặt này khoa học kinh tế có, và trong chừng mực nào, một vị thế đặc biệt và những kháng cự của các nhà kinh tế đối với những đòi hỏi của việc phản bác là do tính chất riêng của bộ môn hay xuất phát từ một quan điểm phương pháp luận sai trái.

4. Một khó khăn của sự phủ nhận: vấn dề Duhem

Một trong những khó khăn logic mà sự phản bác gặp phải được nhà vật lí và sử gia khoa học Pháp Pierre Duhem trình bày và nhà triết học Mĩ Quine lấy lại trong một bài viết nổi tiếng (xem Boyer, 1985: 31-93). Khó khăn này sẽ được trình bày trên cơ sở lập luận của Duhem, một lập luận trước hết có giá trị cho vật lí học nhưng không phải là không có hệ quả cho những bộ môn khác.
Đối với Duhem, “trong vật lí học không thể tách những lí thuyết với những phương thức thí nghiệm đặc thù để kiểm tra những lí thuyết này”. Thật vậy, nhà vật lí kiểm định những giả thiết vật lí nhưng trong thí nghiệm cũng sử dụng những giả thiết vật lí: ví dụ, những giả thiết của quang học hình học để nghiên cứu ánh sáng. Trong trường hợp những lí thuyết thực nghiệm thì thí nghiệm có một vị thế không rõ ràng vì nếu hiện tượng được chờ đợi không xảy ra “thì toàn bộ thiết kế lí thuyết mà nhà vật lí sử dụng là có thiếu sót”: như vậy ta biết rằng là có ít nhất một sai lầm vì một mâu thuẫn đã xuất hiện nhưng ta không biết nó nằm ở đâu. Thậm chí mọi toan tính bác bỏ vận dụng đến toàn bộ hiểu biết đã hình thành (background knowledge) và do đó là vô vọng.
Nếu chấp nhận quan điểm này thì sẽ rơi vào chủ nghĩa qui ước thuật ngữ để chỉ một triết lí theo đó những lí thuyết không được thí nghiệm bác bỏ và phải được lựa chọn vì tính “tiện lợi”, “đơn giản” hay quá lắm là tính nhất quán của chúng. Khoa học trở thành một diễn ngôn qui ước không có tham vọng có một sự thích hợp nào với thế giới.
Chủ nghĩa qui ước trong kinh tế học được Pareto thừa nhận (xem Latsis, 1976: 9) khi ngay từ 1909 và có qui chiếu đến Poincaré, ông đã viết:
Cùng những sự kiện có thể được vô số lí thuyết giải thích vì tất cả các lí thuyết này đều tái tạo lại những sự kiện phải giải thích. Chính trong nghĩa này mà Poincaré có thể nói rằng từ việc đơn giản là một hiện tượng cho phép một cách giải thích cơ học, nó cho phép có vô số cách giải thích ...”
Như chúng ta sẽ thấy trong phần sau, có thể xem rằng Friedmann và Machlup đều chủ trương một phương pháp luận qui ước.  
Đứng trước chủ nghĩa qui ước, Popper duy trì những đòi hỏi của chủ nghĩa hiện thực khoa học, như là ý cho rằng đối tượng, rõ ràng hay ẩn tàng, của những lí thuyết là làm cho hiện thực là có thể hiểu được. Nếu không phải thế thì thành công của lí thuyết và việc ứng dụng nó là không thể giải thích được. 
Hơn nữa, ông cho thấy là, nếu ta đứng trước hai lí thuyết cạnh tranh nhau mà thí nghiệm phải phân định đúng sai, và nếu ta thừa nhận là mỗi lí thuyết đều bao quát hiểu biết đã hình thành thì “như thế ta lựa chọn giữa hai hệ thống chỉ đối lập nhau ở hai lí thuyết tranh chấp nhau”. Như vậy khả năng kiểm định phát biểu tách bạch của toàn bộ tri thức được bảo toàn.
Trong lĩnh vực kinh tế, cũng có thể so sánh với phương pháp nên theo: trong việc phê phán vốn là cơ sở kiểm tra những hiểu biết khoa học cần phân tách những hệ thống lí thuyết phức hợp và xem xét vào chi tiết những khâu khác nhau. Trong những trường hợp đơn giản nhất, có thể bắt đầu bằng cách nêu lên những “điều kiện có thể”, ít nhiều ngặt nghèo, của lí thuyết được xem xét và như thế giới hạn phạm vi hiệu lực thực nghiệm của lí thuyết ấy.        
Hình như những cuộc tranh luận đương đại về những lí thuyết có nội dung thực nghiệm đã diễn ra theo cách trên. Cuộc tranh luận về định lí của Heckscher-Ohlin-Samuelson trước nghịch lí Leontief (xem Blaugh, 1980) dường như đã đưa ra ánh sáng những điều kiện cực kì nghiêm ngặt chi phối hiệu lực của quan điểm chính thống và như thế cung cấp những yếu tố phản bác nghiêm túc lí thuyết này, tuy rằng lí thuyết vẫn còn hiệu lực như một cách giải thích vô cùng đơn giản về cấu trúc những trao đổi giữa các nước.
Trường hợp của cuộc tranh luận nổi tiếng về học thuyết cận biên trong những năm bốn mươi và năm mươi của thế kỉ hai mươi, với sự tấn công của những người bảo vệ việc ấn định giá theo qui tắc “chi phí đầy đủ” (full cost) là phức tạp hơn, như P. Mongin (1986) chỉ rõ. Dường như những người chống học thuyết cận biên đã không biết tận dụng những yếu tố thực nghiệm khá mạnh họ đã thu thập chống lại việc ấn định giá theo chi phí cận biên; việc ấn định giá theo chi phí đầy đủ đã không bị phản bác thật sự nhưng đã bị, có thể gọi là, lí thuyết chính thống về tối đa hoá lợi nhuận hấp thụ.
P. Mongin cho thấy là, một cách lạ lùng, giả thiết tối đa hoá lợi nhuận không được xác minh bằng chiến thắng của những người bảo vệ nó, bằng chứng là sự nở rộ trong những năm năm mươi và sáu mươi của thế kỉ hai mươi của những lí thuyết về doanh nghiệp dựa trên những nguyên lí khác. Nhưng tất cả những nhà cách tân dựa trên những “lập luận tiên nghiệm, những sự kiện cách điệu hoá và một phê phán bên trong” hơn là trên những sự kiện thực nghiệm do những người chống học thuyết cận biên cung cấp. Theo tác giả này, điều đó khiến cho phương pháp luận phản bác có vẻ là không có tính quyết định trong diễn tiến của cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận này có “cấu trúc của một vấn đề Duhem và của giải pháp bảo thủ mà ta có thể gán cho vấn đề này: chưa bao giờ một phát biểu riêng lẻ nào bị phản bác, mà chỉ có những phát biểu phức hợp bị phản bác và mỗi lần như thế việc bác bỏ được kiến giải như là nhằm vào những giả thiết bổ trợ hơn là vào giải thiết được kiểm định” (Mongin, 1989: 49).                
Một tình thế như vậy hình như là kết quả của những cách thực hành phương pháp luận vô cùng lỏng lẻo của các nhà kinh tế cũng như của những hệ quả thật sự của vấn đề Duhem.
Tuy nhiên một khó khăn khác của việc ứng dụng có phê phán những lí thuyết xét lại sự tách biệt một số yếu tố của hiểu biết, hiện ra khi người ta muốn kiểm định những lí thuyết giải thích lớn tranh chấp nhau trách nhiệm hướng dẫn chính sách kinh tế, ví dụ như học thuyết trọng tiền và học thuyết Keynes. Kinh tế học không ngừng đụng đến những vấn đề chính trị khiến cho những lí thuyết kinh tế lớn không chỉ là những “chương trình nghiên cứu khoa học” mà còn là những chương trình hành động chính trị. Đây là một lí do tốt để những người bảo vệ một trong những lí thuyết này, một lí thuyết do đó đồng thời vừa là một tập hợp những phát biểu khoa học, một quan điểm ý thức hệ, và vừa là một chương trình những biện pháp kinh tế ứng dụng cho hiện tại, không coi trọng một cách thích đáng đến những yếu tố phản bác mà những bác bỏ thực nghiệm có thể mang tới.
Như thế người ta nhận thấy là vấn đề Duhem, hay có thể là rộng hơn, những vấn đề tách biệt những yếu tố của các lí thuyết kinh tế, gây nên những khó khăn nghiêm trọng cho sự vận hành của một phương pháp luận phản bác.
Nhưng trong việc trốn tránh những đòi hỏi của một phương pháp luận thực nghiệm, các nhà kinh tế tìm thấy một đồng minh, thật ra là một đồng minh không rõ ràng, nhưng đặc biệt nổi tiếng và được họ quí trọng vì do một đồng nghiệp đề xướng: chủ nghĩa công cụ của Milton Friedman.              

5. Quan điểm của Milton Friedman: chủ nghĩa thực nghiệm và chủ nghĩa công cụ

Cuộc tranh luận về học thuyết cận biên ít nhất đã có công cho thấy tính chất then chốt của những vấn đề phương pháp luận và cũng nhờ nó ta có một tiểu luận của Milton Friedman, một tiểu luận đã trở thành cổ điển dù cho những kết luận của nó là nhập nhằng: Essays in Positive Economics (1953).
Trước những nhà tiên nghiệm chủ nghĩa, M. Friedman thẳng thắn nhắc nhở rằng thiên hướng của kinh tế học là một khoa học thực nghiệm, tức là một khoa học phải được đối chiếu với “tính hiển nhiên của sự kiện” (factual evidence). Do đó để cho kinh tế học thực chứng (ở đây được đối lập với kinh tế học chuẩn tắc) tiến triển cần phải định nghĩa những tiêu chí phê chuẩn tính hiệu lực hay không, tương tự như những tiêu chí của những khoa học tự nhiên (vì Friedman ủng hộ tính thống nhất của phương pháp).
Bởi thế phải xét lí thuyết trên “khả năng dự báo lớp những hiện tượng mà lí thuyết được xem là có thể giải thích”. Chỉ có chứng cứ hiển nhiên thực nghiệm của sự kiện mới phê chuẩn hay không một lí thuyết.
Nhưng quan niệm độc đáo của Friedman hiện rõ khi ông cho rằng kiểm định duy nhất thích đáng để phê chuẩn hiệu lực của một lí thuyết là việc so sánh những dự báo của lí thuyết với thực nghiệm. “Kiểm định những tiên đề (hay giả thiết cơ bản) là một ý sai lầm và từng gây tác hại lớn. Những giả thiết cơ bản không nhất thiết phải thực tế, mà còn có lợi nếu chúng là không thực tế”. Một lí thuyết muốn được coi là quan trọng phải giải thích được nhiều hiện tượng bằng một số ít yếu tố, nghĩa là phải làm hiện ra, bằng một quá trình trừu tượng hoá, những yếu tố then chốt trong vô số những hoàn cảnh bao quanh hiện tượng phải giải thích. Như thế để có được tính sâu sắc và tính giải thích, một lí thuyết, về mặt mô tả, phải có những tiên đề sai.
Friedman, chủ yếu nghĩ đến cuộc tranh luận về tổng chi phí và chi phí cận biên, dễ dàng chứng minh là những giả thiết cơ bản không thể là thực tế trong nghĩa mô tả của từ này vì chúng phải tính đến tất cả những biến của bối cảnh mà không để sót một biến nào. Ngược lại lí thuyết phải đơn giản hoá hành vi của những tác nhân và những điều kiện ban đầu: do đó lí thuyết nhất thiết phải là “phi thực tế”.
Tuy nhiên, có thể hiểu tính phi thực tế này theo nhiều cách:
   Trong một nghĩa đầu, lí thuyết, theo logic friedmanian, có thể so sánh với loại hình lí tưởng weberian (dựa trên việc đơn giản hoá và sơ lược hoá) mà tính hiệu lực có thể được phê chuẩn bằng những kiểm định các dự báo của lí thuyết. Trong nghĩa này lập luận là có thể chấp nhận được mặc dù không thấy rõ vì sao những giả thiết cơ bản phải là phi thực tế.
    Trong một nghĩa thứ nhì, có thể hiểu phi thực tế một cách triệt để hơn: ta chấp nhận, ví dụ, rằng hành vi thực tế của các tác nhân khác một cách sâu sắc với những giả thiết cơ bản. Đó là điều xảy ra trong cuộc tranh luận về chủ nghĩa cận biên khi nhận thấy rằng các doanh nghiệp ấn định giá, mà không qui chiếu về chi phí cận biên và cầu trên thị trường nhưng lại áp dụng qui tắt tổng chi phí hay bất kì quy tắc nào khác theo tập quán.
Trường hợp này dẫn đến phương pháp luận “như thể”[5], nghĩa là đến chủ nghĩa công cụ. Lí thuyết không có tham vọng biểu trưng hành vi thực tế của các tác nhân: lí thuyết chỉ khẳng định là tất cả diễn ra “như thể” các tác nhân tuân thủ qui tắc ấn định giá theo chi phí cận biên. Friedman thừa nhận là các doanh nghiệp không có những thông tin cần thiết để tính chi phí cận biên hay đường cầu nhưng ông bổ sung một lập luận kiểu tiến hoá luận theo đó thì trong một thời gian ít nhiều dài, nếu hành vi của các doanh nghiệp không tương hợp với việc tối đa hoá doanh thu thì doanh nghiệp không sống sót được. Quá trình đào thải tự nhiên do đó giúp phê chuẩn hiệu lực của lí thuyết hay đúng hơn lí thuyết tóm tắt một cách thích hợp những điều kiện sống còn của doanh nghiệp.
Phương pháp luận công cụ cũng chịu phải những phản bác của Popper mà những nét chủ yếu là như sau:
1.   Nếu như Friedman nghĩ, kiểm định duy nhất để cho một lí thuyết có hiệu lực là sự phù hợp của những dự báo của lí thuyết với thực nghiệm thì lí thuyết hoạt động mà không có một giải thích nhân quả nào về hiện tượng được nghiên cứu. Trong thực tiễn điều này làm biến mất khỏi lĩnh vực khoa học tính nhân quả. Nhưng như thế cũng là làm biến mất, cùng với chủ nghĩa hiện thực khoa học, sự qui chiếu về chân lí. Mặt khác, do lí thuyết không được coi là cung cấp một hình ảnh xấp xỉ đúng về những hiện tượng được phân tích nên thành công của những dự báo là không thể giải thích được.
2.   Phương pháp luận công cụ biến những lí thuyết thành đơn thuần là những công cụ tính toán (Popper, 1972), nhưng đồng thời nó cũng che khuất vị trí trung tâm của nguyên lí phản bác trong việc xây dựng khoa học. Popper cho là “một công cụ chỉ để đơn giản làm dự báo không thể là đối tượng của sự phản bác”. Cách kiến giải công cụ chủ nghĩa như thế bất lực trong việc tính đến những kiểm định thực sự là những mưu toan phủ nhận: qua đấy đến lượt tiến bộ của những lí thuyết khoa học cũng trở nên không giải thích được. Chủ nghĩa công cụ hiện ra như một thái độ dễ dãi và bảo thủ.
Bởi thế cách kiến giải công cụ chủ nghĩa của quan điểm của Friedman là không thể chấp nhận được (xem ví dụ Meidinger, 1987: 129-153).
Nếu muốn cứu vớt phần nào quan điểm này thì phải gán cho nó một nghĩa thứ ba bằng cách thêm vào khái niệm lĩnh vực ứng dụng. Trong nghĩa này, mệnh đề friedmanian đưa đến việc “phát biểu lại những tiên đề sai như những mệnh đề đúng trong một lĩnh vực nhất định”. Hình như thái độ này ứng với nỗi hoài nghi và thế phòng thủ của Friedman, ít ra là đối với lí thuyết tân cổ điển về doanh nghiệp mà có vẻ là ông không tin rằng “một ngày nào đó nó phải nhường chỗ cho một lí thuyết bao quát hơn”.
Dù có chọn cách kiến giải nào đi nữa thì phương pháp luận friedmanian vẫn sai trái và dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong cách thực hành của các nhà kinh tế: trước hết, nó mâu thuẫn vì tuy vẫn chủ trương thực nghiệm và kiểm định, phương pháp này tước đi tính hiệu quả phương pháp luận. Và mặc dù kính cẩn ngã mũ trước Popper, phương pháp luận friedmanian là phản Popper.
Hơn nữa việc tấn công vào tính thực tế của những tiên đề đã phát sinh một thái độ có hại hơn nữa cho việc sửa sai những phương pháp thường được các nhà kinh tế dùng. Đi theo Friedman, các nhà kinh tế không quan tâm đến việc sửa sai những tiên đề trên đó họ xây dựng những mô hình hình thức hoá. Như Leontief[6] (1974) đã nhấn mạnh: “khi một mô hình mới được ra mắt, người ta thường chú trọng đến việc phát sinh từng bước các đặc tính hình thức của mô hình [...] Khi đến lúc giải thích các kết luận trọng yếu, người ta đã đủ thì giờ để quên các giả thiết trên cơ sở đó mô hình được xây dựng lên” . Và ông tiếp: “điều mà người ta thật sự cần là vệc xác định và kiểm tra các giả thiết với các hiện tượng quan sát được; một việc rất khó và hiếm khi được làm tốt”.           
Phương pháp luận “như thể” do đó hiện ra như sự biện minh cho một nền kinh tế hoàn toàn giả định, hay đúng hơn là tư biện. Nó trở thành phương sách cuối cùng để các nhà kinh tế bám vào, do không có khả năng xây dựng những giả thiết thực tế nên đành tự bằng lòng với một kiểm định thực nghiệm và tiềm tàng những kết luận của mô hình của họ.
Điều lí thú cần ghi nhận là quan điểm của Friedman trái ngược với phương pháp của Alfred Marshall, nhà kinh tế cho đến giữa thế kỉ XX vẫn là điểm qui chiếu của tất cả những nhà kinh tế anglo-saxon, và là người hoàn toàn cố ý đi tìm tính thực tiễn của những giả thiết bằng sự hiểu biết cụ thể những điều kiện của nền công nghiệp. Có thể nhắc lại rằng là nhờ ông nên đã có những nghiên cứu về năng suất trong doanh nghiệp, sự phân biệt ngắn, trung và dài hạn, những khái niệm tính kinh tế theo quy mô (bên ngoài và trong nội bộ), và do đó nhiều phát triển lí thuyết tiếp đấy mà, theo tôi, chứng minh cho tính phong phú của những giả thiết thực tế.  

6. Lịch sử các khoa học[7] và những tiêu chí đánh giá của Kuhn

Không thể đề cập đến vấn đề đánh giá những lí thuyết trong kinh tế học mà không xem xét đóng góp của Th. Kuhn (1983), nhà sử học và triết gia khoa học, người đã đề xướng những cách nhìn hoàn toàn mới, mà ngày nay ta không thể bỏ qua, trong quan niệm về tiến hoá của các khoa học. Theo Kuhn, tiến trình của một khoa học gồm có bốn giai đoạn tiếp nhau: khoa học chuẩn định, khủng hoảng, cách mạng khoa học, và trở lại một khoa học mới (Có thể tìm thấy một tóm tắt và bàn luận đặc biệt xác đáng những mệnh đề của Kuhn trong Hacking, 1989. Tác phẩm này là một trình bày tốt nhất tôi biết được về những vấn đề hiện nay của triết học về những khoa học thực nghiệm).
Khoa học “chuẩn định” tượng trưng cho giai đoạn phát triển khoa học trong đó một hệ chuẩn hoạt động một cách thỏa đáng. Thuật ngữ hệ chuẩn[8] (paradigme) được Kuhn biến thành thời thượng, lúc đầu có nghĩa là lược đồ hay mô hình. Kuhn sử dụng nó một cách lỏng lẻo và người ta đã đếm trong The Structure of Scientific Revolutions đến hai mươi mốt nghĩa khác nhau. Tuy nhiên có thể giới hạn thuật ngữ ở hai nghĩa chính. Nghĩa thứ nhất liên quan đến hệ chuẩn như sự hoàn thành. Thật vậy khoa học mang dấu ấn của một vài thành tựu mẫu mực như là lời giải của một vấn đề cổ điển bằng những khái niệm và phương pháp mới. Thành tựu này là khuôn mẫu cho những nhà nghiên cứu mới và là một tấm gương để xây dựng khoa học chuẩn định. 
 Trong nghĩa thứ nhì, hệ chuẩn là một tập hợp những khái niệm và giá trị chung cho một nhóm những nhà nghiên cứu. Nhóm này cùng chia sẻ một số phương pháp, chuẩn hành vi và giả thiết cơ bản. Những phương pháp, chuẩn hành vi và giả thiết cơ bản này được truyền cho sinh viên qua sách giáo khoa và hợp thành chuẩn mực tham chiếu để từ đấy xác định loại nghiên cứu phải tiếp tục theo đuổi và tổ chức việc nghiên cứu này. Sự “hoàn thành” là một trong những giá trị chung. Nó áp đặt một chuẩn thành tựu và xác định những “bất thường” mà việc thử thách dường như hứa hẹn những thành tựu khoa học.
Thật vậy, trong những giai đoạn khoa học chuẩn định, các nhà nghiên cứu làm việc trong một lĩnh vực được xác lập vững chắc và chỉ có những đụng độ nhỏ với lí thuyết hiện hành. Họ lí giải những “câu đố”, tức tìm những thay đổi thứ yếu của lí thuyết cho phép bác bỏ những phản bác vụn vặt hay để hợp nhất những sự kiện mới vào mô hình. Nhóm khoa học cũng quan tâm đến hình thức hoá toán học để cho lí thuyết trở thành hiển nhiên hơn và phù hợp hơn với thực tế, và cuối cùng là tinh chế những đo đạc định lượng được xem là quan trọng.   
Nhưng khoa học chuẩn định hoàn toàn không lo đến việc xác minh, kiểm tra hay phản bác.
Tuy nhiên đôi lúc, những “câu đố” vốn là món ăn hằng ngày của khoa học chuẩn định trở thành những điều “bất thường”. Những bất thường này chồng chất và huy động công sức của nhiều nhà nghiên cứu nhưng vẫn không có giải pháp: thất bại của lí thuyết nối tiếp nhau và cả bộ môn bị khủng hoảng. Thường giải pháp nằm ở trong một cách tiếp cận hoàn toàn mới, dựa trên một cách đặt vấn đề và những khái niệm mới. Những hiện tượng trước đó là những trở ngại cho lí thuyết cũ đột nhiên, dưới ánh sáng của những ý mới, trở thành dễ hiểu. Những ý mới này ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận. Có thể nói là một cuộc cách mạng khoa học vừa hoàn thành và một khoa học chuẩn định mới đã ra đời.
Điểm mới trong cách nhìn của Kuhn là ông quan niệm những thay đổi của các hệ chuẩn như những cuộc cách mạng hay những cuộc cải đạo. Ông nhấn mạnh đến những yếu tố tâm lí hay xã hội làm những nhà nghiên cứu đảo từ một niềm tin này sang một niềm tin khác: việc thay đổi niềm tin là không duy lí, dù cho nó đánh dấu bước chuyển từ một học thuyết ít hợp lí sang một học thuyết hợp lí hơn. Như thế Kuhn mời gọi chúng ta xét lại quan niệm về sự phát triển của khoa học chỉ phụ thuộc vào những chuẩn mực của lí tính và logic. Sau một sự thay đổi hệ chuẩn, theo ông chúng ta sống “trong một thế giới khác”.
Nếu hệ chuẩn mới về mọi mặt là ưu việt hơn hệ chuẩn cũ thì chúng ta có thể thừa nhận là ta đã theo một quan điểm rất popperian và rằng cuộc cách mạng khoa học là khá giống với sự phản bác. Nhưng đối với Kuhn không thể diễn tả những ý của lí thuyết trước trong ngôn ngữ của lí thuyết mới: hai hệ chuẩn là “không thể so sánh được”. Thường không thể tìm ra một ngôn ngữ trung lập cho phép so sánh những hệ chuẩn. Như vậy quan niệm popperian về những lí thuyết ngày càng bao phủ nhường chỗ cho một cách nhìn ít duy lí hơn theo đó tri thức tiến triển không bằng tích lũy nhưng bằng những cách kiến giải lại và tiêu hủy.
Ta nhận xét là quan niệm của Kuhn không chỉ là một tiến công vào lí tính trong sự phát triển của tri thức: nó còn nhắm vào chủ nghĩa hiện thực khoa học. Vì nếu sự thay đổi hệ chuẩn kéo theo một thay đổi của cách nhìn thế giới, thì không nhất thiết là đã có một tiến bộ đến chân lí, một bước tiến đến hình ảnh thật sự của thế giới vì không có một hình ảnh như thế (Hacking, 1989: 119). Chỉ có cải tiến công nghệ và tiến bộ trong hướng tiêu cực: trong chừng mực là ta từ bỏ những ý tưởng mà ta có lẽ sẽ không bao giờ bị quyến rũ để lấy lại chúng nữa. Đây là một điểm Kuhn đến gần với Popper.

7. Tư tưởng của Kuhn có thể áp dụng cho kinh tế học không?

Thoạt nhìn tư tưởng của Kuhn, dù trước hết được lịch sử của vật lí học và hoá học gợi ý, dường như cho được một cách kiến giải đầy sức quyến rũ về tình hình của kinh tế học. Người ta nói rằng hiện nay kinh tế học đang “khủng hoảng”, như bộ môn này trong lịch sử của nó đã từng nhiều lần bị khủng hoảng. Và những cuộc tranh luận dai dẳng hay sự phân chia thành trường phái cạnh tranh nhau khiến cho có xu hướng nghĩ rằng kinh tế học bị chia thành nhiều hệ chuẩn cạnh tranh nhau, cùng sống chung và ứng với một nhóm đặc biệt trong cộng đồng khoa học. Cách nhìn này có tính đến những khía cạnh phi lí và ít nhiều có tính ý thức hệ, những khía cạnh này được Kuhn thừa nhận là có mặt trong việc chọn lựa một hệ chuẩn và là một điều hiển nhiên trong những lí thuyết và học thuyết kinh tế.
Nhưng xét kĩ hơn thì một quan niệm như trên có vẻ là không tương hợp với triết lí làm cơ sở cho cách nhìn của Kuhn về lịch sử khoa học. Thật vậy trong cách nhìn này, hệ chuẩn được quan niệm như một mô hình thống nhất không chỉ thực tiễn phương pháp luận của một khoa học, mà còn cả những cách nhìn thế giới và những giá trị gắn với cách nhìn này. Không tìm thấy được một điều tương tự như vậy trong lĩnh vực kinh tế, nơi mà những lí thuyết, phương pháp, quan điểm chính trị hay ý thức hệ không ngừng đối chọi nhau. Như thế nên chăng phải thừa nhận là kinh tế học đang ở trạng thái chưa định hình và “tiền hệ chuẩn” trước buổi khai sinh của một khoa học? Làm như vậy là coi nhẹ những cố gắng nhằm trao cho kinh tế học một vị thế khoa học và những kết quả đạt được từ thế kỉ XVIII.
Làm cách nào liệt kê những hệ chuẩn và những cuộc cách mạng khoa học trong kinh tế học? Đây là một công việc khó khăn và có khá nhiều nhập nhằng. Bởi thế chúng tôi chỉ giữ những phân biệt tập hợp được đa số nhà bình luận. Có thể xem rằng hệ chuẩn cơ bản là hệ về “cá thể tối đa hoá trong một thị trường tương đối tự do”. Đó là hệ tìm thấy được ở Smith, và có lẽ ngay cả ở Hume, và có thể coi là hệ chuẩn này ngày nay vẫn còn thống trị. Nhưng chính Ricardo là người đã thật sự sáng lập tư tưởng cổ điển bằng cách đặt cơ sở cho phương pháp luận của ông trên sự trừu tượng hoá và việc sáng tạo ra mô hình lập luận kinh tế (trên những điểm này, xem những tiêu chí của De Vroey M., “Lịch sử phân tích kinh tế”[9] trong bộ Bách khoa kinh tế này).             
Về mặt nội dung, đặc trưng của tư tưởng cổ điển là lí thuyết giá trị lao động, nguyên lí dân số, lương sinh tồn, và một cách nhìn toàn thể trong việc nghiên cứu động thái xã hội.
Tư tưởng cổ điển đã thống trị ở Anh trong nhiều năm, rồi bị phản bác và cuối cùng bị thay thế trong những thập niên cuối của thế kỉ XIX bằng một lí thuyết hoá xuất phát chính từ Stanley Jevons và Alred Marshall. Chính bước ngoặt quan trọng này được gọi là cuộc “cách mạng cận biên” và có lẽ là giai đoạn duy nhất trong lịch sử tư tưởng có thể được phân tích bằng những phạm trù thật sự kuhnian, như một cuộc cách mạng khoa học trong kinh tế học. Cuộc cách mạng cận biên là một cuộc cách mạng kuhnian vì nó gồm có một thay đổi sâu sắc của cách đặt vấn đề và của cấu trúc lí thuyết: nó thay thế những câu hỏi lớn liên quan đến tăng trưởng kinh tế và phân phối giữa lợi nhuận, lương và địa tô bằng một vấn đề kinh tế được định nghĩa lại như sự phân bổ những nguồn lực hiếm hoi giữa những mục đích đối chọn. Cuộc cách mạng này nhấn mạnh đến lựa chọn cá nhân và tính duy lí và do đó chuyển hướng thống trị từ khách quan sang chủ quan. Trên bình diện phương pháp, nó mang đến việc mở rộng lập luận cân biên, một điều tạo thuận lợi cho việc toán học hoá bộ môn.
Do đó có thể nói rằng cách mạng cận biên là một trong những trường hợp rất hiếm, trong kinh tế học, mà một lí thuyết hình như đã thắng một lí thuyết khác và thế chỗ của nó, và như thế đã tuân theo sơ đồ kuhnian.
Tuy nhiên những khó khăn về mặt kiến giải bắt đầu xuất hiện khi ta thử đưa vào trong sơ đồ tiến hoá của tư tưởng kinh tế, những lí thuyết khác với những lí thuyết hợp thành trào lưu chính hay những biến thể của hệ chuẩn.
Ví dụ, phải đối xử như thế nào với chủ nghĩa marxist? Trên nhiều phương diện, học thuyết này là một biến thể của lí thuyết cổ điển, đặc biệt là trong phiên bản ricardian của lí thuyết này: do đó chủ nghĩa Marx được nhiều tác giả xem như một sự trỗi dậy của hệ chuẩn cổ điển. Tuy nhiên, phân loại này là không thỏa đáng trong chừng mực mà nội dung của lí thuyết marxist và phương pháp luận marxist là hoàn toàn xa rời những quan điểm của Ricardo. Mặt khác, coi Marx như một nhà ricardian, là phải chăng quên đi những cách kiến giải hegelian của sự nghiệp ông mà, trên một số mặt, là lí thú và mới hơn (ví dụ xem Denis, 1980-1984). Cuối cùng tất nhiên cũng có thể xem chủ nghĩa Marx tự bản thân đã là một hệ chuẩn, do hệ thống ý thức hệ và cách nhìn thế giới hợp nhất trong kinh tế học marxist, và do nhiều phát triển lí thuyết đa dạng mà học thuyết này đã sinh ra.
Những khó khăn tương tự cũng đi cùng với cách đọc có thể gán cho cuộc cách mạng cận biên một khi ta vượt qua bối cảnh của những năm 1870-1900 ở Anh. Rõ ràng là tư tưởng của Walras và trào lưu cân bằng sinh ra từ tư tưởng này là một nhánh của hệ chuẩn tân cổ điển. Tuy nhiên không thể xem tư tưởng này là xuất phát từ cuộc khủng hoảng của hệ chuẩn cổ điển vì tư tưởng cổ điển chưa bao giờ cắm sâu ở Pháp. Ta biết rằng lí thuyết walrasian lấy cảm hứng từ công trình đầu tiên thử toán học hoá kinh tế học do Cournot khởi xướng năm 1838 và việc Walras chấp nhận một chủ nghĩa cartesian nhất định đã gợi ý cho ông quan niệm về kinh tế được xem như một cỗ máy duy lí (Berthoud, 1988: 65-93).
Do đó tư tưởng cân bằng chung có nguồn gốc Pháp nhiều hơn là Anh, như những qui chiếu ngắn gọn về Jevons trong tác phẩm Eléménts déconomie politique pure minh chứng.
Còn sự nghiệp của Menger, và trường phái bắt nguồn từ ông, cũng tỏ ra rất khác biệt với những cảm hứng của Jevons và Walras. Menger là một người theo thuyết “bản chất”, không tin vào cân bằng lẫn tính duy nhất của giá cả, nhưng lại rất quan tâm đến chiều kích lịch sử và những thể chế. Bởi thế, hệ chuẩn ông qui chiếu đến, dù không nghi ngờ gì đó là hệ chuẩn cận biên, trên nhiều phương diện là rất khác. Hơn nữa tiến hoá của những ý tưởng và phương pháp của trường phái Áo sau ông, ví dụ như Hayek là người chống đối phiên bản walrasian của cân bằng chung, cho thấy rõ điều này.     
Một khó khăn khác nổi lên khi ta muốn đánh giá, dựa vào cách nhìn kuhnian về lịch sử các khoa học, vị trí của lí thuyết keynesian. Người ta đã nói đến cuộc “cách mạng keynesian”, nhưng có thể nào nói, theo thuật ngữ của Kuhn, rằng Keynes đã thật sự sáng tạo ra một hệ chuẩn mới không?
Hỗ trợ cho luận điểm này, có thể nói là Keynes một cách nào đó đã từ bỏ phương pháp luận cá thể: hàm cầu của ông không được suy ra từ hành vi duy lí của người tiêu dùng, đúng hơn nó là một “suy diễn táo bạo” dựa trên quan hệ được giả định giữa tổng tiêu dùng và thu nhập quốc gia.        
Đóng góp thật sự mới của Keynes là lập luận với những đại lượng tổng gộp, việc mô hình hoá nền kinh tế bằng sơ đồ ba thị trường tương tác lẫn nhau: thị trường sản phẩm, tiền tệ và lao động, và cuối cùng là ý tưởng cho rằng những điều chỉnh trước những thay đổi của các điều kiện kinh tế phát huy ảnh hưởng trên sản xuất và việc làm hơn là trên giá cả. Hơn nữa, lí thuyết keynesian không những viện đến những “sự kiện mới”, nhưng còn có những dự báo mới về những hiện tượng quen thuộc: đó là xu thế kinh niên sản sinh ra thất nghiệp của những nền kinh tế thị trường.
Ngược lại, năng suất cận biên của tư bản và ưa thích thanh khoản được suy ra từ hành vi tối đa hoá của những tác nhân, và Keynes đã dựa trên những khái niệm cân bằng, cạnh tranh hoàn hảo và so sánh tĩnh vốn là những cơ sở của kinh tế marshallian, phiên bản thực nghiệm của cân bằng chung.
Như vậy ta thấy là một cách đọc bằng những hệ chuẩn không giúp ích gì mấy để đánh giá các lí thuyết kinh tế. Vả lại còn có nhiều lí do, mà chúng tôi sẽ nêu lại trong phần kết luận, khiến cho lịch sử tư tưởng kinh tế không thể kiến giải được theo sơ đồ của lịch sử vật lí học hay thiên văn học ...    
Tuy nhiên, ngạc nhiên trước một số bình luận do lí thuyết ông gây ra trách rằng ông đã từ bỏ thái độ duy lí trước những vấn đề của khoa học, Kuhn đã lặp lại, trong những công trình tiếp sau tác phẩm về “cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” là những tình thế trong đó các nhà nghiên cứu buộc phải từ bỏ một lí thuyết hay một hệ chuẩn để tiếp nhận một một lí thuyết hay một hệ chuẩn khác là không thể chứng minh được (cannot be resolved by proof) và tiếp đó nêu lên năm đặc tính của một lí thuyết khoa học tốt (Kuhn, 1977: 320-340). Theo ông, một lí thuyết phải chính xác, nghĩa là khớp với những dữ kiện thực nghiệm. Lí thuyết không chỉ nhất quán với chính nó, nhưng còn phải nhất quán với những lí thuyết hiện hành khác. Nó phải có tầm quan trọng lớn, nghĩa là tầm ứng dụng vượt ra ngoài những sự kiện đặc biệt mà lí thuyết lúc đầu nhằm giải thích. Nó phải đơn giản, tổ chức được một cách dễ hiểu những sự kiện mà, nếu không có nó, sẽ bị cô lập hay là hỗn độn. Cuối cùng nó phải phong phú, đem đến những sự kiện và những quan hệ mới, chưa được biết đến, giữa những hiện tượng đã biết. 
Năm đặc tính này chính xác, nhất quán, tầm quan trọng, đơn giản và phong phú tạo nên cơ sở cho việc lựa chọn các lí thuyết. Tuy nhiên Kuhn thừa nhận rằng năm tiêu chí này, hay những tiêu chí khác cùng loại, không bao giờ đủ để có thể lựa chọn một cách chắc chắn giữa hai lí thuyết cạnh tranh nhau. Không có một thuật toán nào có thể thay thế cho chất lượng phán xét và dự báo nằm ở cội nguồn của những thành công khoa học.
Và như thế phương pháp luận được nhắc nhở là nên có một sự khiêm tốn nhất định! 

8. Lakatos và phương pháp luận những chương trình nghiên cứu

Lakatos, nhà triết học và sử gia các khoa học, người chống đối học thuyết mang tính “xã hội” của Kuhn, đến gần với những quan điểm popperian và xây dựng một lí thuyết của tiến hoá khoa học cho phép việc tái thiết kế duy lí sự tăng trưởng của tri thức. Ông cho rằng Kuhn đã bỏ rơi mọi qui tắc đánh giá duy lí những lí thuyết và thực hành xã hội học hay một “tâm lí học đại chúng”. Đây là một nhận định có thể tranh cãi nhưng đưa ông đến việc xây dựng phương pháp luận có tham vọng là chặt chẽ và bảo đảm tính khách quan cho cách tiếp cận. Lakatos trước hết là một sử gia về toán học và đối với ông chứng minh toán học là khuôn mẫu của khoa học chân chính. Do đó ông rất phê phán đối với những khiếm khuyết của phương pháp luận truyền thống, khi nhận xét, ví dụ, là phương pháp luận truyền thống không có ranh giới rõ ràng giữa lí thuyết và quan sát, hay giống như Duhem, cho rằng các lí thuyết được kiểm tra thông qua những giả thiết bổ trợ. Ông còn cho rằng một lí thuyết là tốt hơn một lí thuyết khác khi lí thuyết ấy có nhiều dự báo mới hơn.
Cái ông gọi là phương pháp luận của những “chương trình nghiên cứu” được Lakatos xem là công cụ cho phép đánh giá một phát triển nhất định của khoa học: một chương trình nghiên cứu khoa học là cách mà một số lí thuyết có thể phát triển trong những giai đoạn dài hay ngắn hay ngược lại cách mà những lí thuyết này co cụm lại để rồi rơi vào quên lãng.
Những chương trình nghiên cứu là tốt hoặc xấu, tiến bộ hoặc suy biến. Một chương trình khoa học gồm những lí thuyết T1, T2, T3, ...  nối tiếp nhau, mỗi lí thuyết phải giải thích những hiện tượng được những lí thuyết trước bao quát rồi. Nối tiếp của những lí thuyết là tiến bộ nếu đến lượt nó, mỗi lí thuyết mới có vài dự báo không được lí thuyết trước hình dung. Lí thuyết là tiến bộ một cách thực nghiệm nếu vài dự báo của lí thuyết được kiểm nhận là đúng. Một chương trình không tiến bộ là một chương trình suy biến.
Một chương trình gồm có một hạt nhân rắn (hard core), nghĩa là tập hợp những nguyên lí cơ bản được xem là không thể bác bỏ và không thể bao giờ bị xét lại. Bên ngoài hạt nhân rắn là “vành đai bảo vệ” trong đó có những bất thường và những vấn đề phải qua thử thách của thực nghiệm. Những phản bác có thể có đơn giản là không được biết đến. Như vậy Lakatos giải thích vì sao, dù Popper không muốn, kiểm tra vẫn là quan trọng trong khoa học: người ta quyết định làm việc trên một số vấn đề, và nếu tìm ra được một giải pháp, thì lựa chọn đó được biện minh.
Như thế, đối với M. Blaugh (trong Latsis, 1976: 164-165), không một tí nghi ngờ lí thuyết keynesian là một chương trình nghiên cứu tiến bộ: lí thuyết này có những “sự kiện mới”, làm những dự báo về những hiện tượng đã được biết đến như thất nghiệp dai dẳng. Bản thân sự kiện thất nghiệp không cần phải thảo luận nhưng tất cả những giải thích về sự kiện này được đưa ra trước Keynes là những giải thích ad hoc, giữ nguyên vẹn những hệ quả của lí thuyết đang ngự trị theo đó tình hình này đáng lí không tồn tại. Vả lại, cũng theo Blaug, hầu hết những nhà kinh tế tân cổ điển đều đồng ý với những chính sách chống suy thoái, nhưng những biện pháp này về thực chất là mâu thuẫn với lí thuyết của họ. Trong một nghĩa nào đó, lí thuyết keynesian đã thành công vì cung cấp cho các nhà kinh tế này một cách hợp lí hoá tốt những biện pháp chính trị mà họ bảo vệ. Có thể xem là lí thuyết keynesian như sự thay thế một chương trình nghiên cứu suy biến bằng một chương trình tiến bộ với một nội dung thực nghiệm rộng hơn.
Tất cả những điều trên là tốt đẹp nhưng đâu là tiêu chí đánh giá một lí thuyết? Lakatos không đề ra một phương pháp nào để giúp lựa chọn giữa hai lí thuyết cạnh tranh nhau. Với những tiêu chí của ông nhiều lắm là ta có thể nhìn lui và nói vì sao chương trình này đã tiến bộ và chương trình khác đã suy biến. Đó là một đánh giá hồi cố. Còn về tương lai, phương pháp luận của Lakatos chỉ cung cấp được ít mốc. Thật ra đương nhiên là không có một qui luật chung nào cho phép dự đoán tương lai của một lí thuyết khoa học cả.
Một nhà kinh tế Anh, Rod Cross (1984: 78-100), đã nghĩ là có thể sử dụng tiêu chí lakatosian về “nội dung được xác minh” để đánh giá những thành tựu của học thuyết trọng tiền và của một số lí thuyết cạnh tranh với học thuyết này. Ở đây không thể nêu chi tiết lập luận của ông. Theo ông, học thuyết trọng tiền trải qua một giai đoạn tiến bộ từ 1956 đến 1967, tiếp đến giai đoạn thứ nhì với đặc trưng là có thêm giả thiết tỉ suất thất nghiệp tự nhiên, một giai đoạn trong đó chương trình nghiên cứu trọng tiền có một nội dung tăng dần và được xác minh. Từ 1973, không thêm yếu tố lí thuyết nào mới ngoại trừ những giả thiết ad hoc được tạo ra để chống lại những sự kiện trái với lí thuyết trọng tiền. Do đó từ mười lăm năm nay chương trình trọng tiền là suy biến.
Theo Rod Cross, một điều tương tự cũng xảy ra cho phiên bản chính thống của học thuyết Keynes, cũng như cho kinh tế học vĩ mô của những nhà “cổ điển mới”. Duy chỉ học thuyết Keynes về mất cân bằng có dáng dấp của một lí thuyết tiến bộ và sản sinh ra một “nội dung có thực chất mà phần lớn chưa được kiểm định do thiếu chỉ định những điều kiện ban đầu”.                         
Trong trường hợp này cũng thế, chúng ta đứng trước một dạng lịch sử tăng trưởng của tri thức một hiểu biết chỉ có thể là hồi cố nhưng không có gì là dự báo và chỉ liên quan một cách thứ yếu đến việc đánh giá những lí thuyết, và khi mọi chuyện đã xong.
*
*     *
Chúng ta đã tìm trong những qui định của phương pháp luận khoa học và trong những kiến giải mới nhất về lịch sử các khoa học, một tiêu chí đánh giá các lí thuyết. Những tiêu chí vững chắc nhất không có tính quyết định thế mà ta phải quyết định nếu muốn tri thức kinh tế tiến triển.
Nhằm mục đích đó, ta còn phải nhắc lại, một mặt những nét riêng của lĩnh vực kinh tế giải thích những đặc thù của lịch sử tư tưởng kinh tế và cách chúng được lí thuyết hoá, và mặt khác, những đòi hỏi của phương pháp luận khoa học và của tư duy duy lí.
Dù những nguyên lí kiến giải lịch sử các khoa học của Popper, Kuhn và Lakatos là những công cụ làm việc và tìm hiểu đáng chú ý, cần phải hiểu rằng kinh tế học không thể có, so với những tiêu chí khoa học, cùng một hành vi như trong những khoa học thực nghiệm được gọi là chín muồi như vật lí học và hoá học. Ví dụ, cần phải giải thích vì sao, nếu ta theo Hicks, kinh tế học có thể trải qua những “cuộc cách mạng” mà không có những bước phát triển trong nghĩa khoa học, vì sao sự phản bác không có cùng một vai trò như trong những khoa học tự nhiên hay vì sao những lí thuyết không tương hợp nhau vẫn tồn tại song song, v.v...
Những đặc điểm trong thực tiễn khoa học gắn liền với một số nét được tóm tắt qua bốn nhận xét sau:
1.   Đối tượng của khoa học kinh tế lĩnh vực nhận thức của bộ môn này là một đối tượng lịch sử. Những hiện tượng được khoa học này nghiên cứu là không thường trực cũng không lặp lại như những hiện tượng hợp thành cơ sở của các khoa học tự nhiên, và do đó những đều đặn các nhà kinh tế thử phát hiện luôn là mong manh và ngẫu nhiên. Như Hicks viết (1975: 307-327), “những hiện tượng kinh tế thay đổi không ngừng và thay đổi mà không lặp lại”. Trong những hiện tượng này, một số có tính duy nhất (một lạm phát hay một giai đoạn của tăng trưởng kinh tế trong một nước nào đó). Mỗi doanh nghiệp, mỗi người tiêu dùng cũng có một lịch sử riêng và không dễ quen với những đều đặn mà những lí thuyết gia quan tâm đến. Thế mà các nhà lí thuyết phải lựa trong những hiện tượng này, đơn giản hoá và loại bỏ để tìm ra những dạng với những chi tiết không lặp lại nữa. 
Hơn nữa, do tính duy nhất của sự kiện lịch sử, thật là hoài công khi hi vọng tìm ra những qui luật hay những tất định chặt chẽ. Nhiều lắm là có thể phát hiện trong những sự kiện ấy những xu hướng mà không phải lúc nào cũng có thể dự báo những điểm đảo ngược (một điều quả là đáng quí). Do dó, tìm kiếm những qui luật hay khiêm tốn hơn những đều đặn kinh tế có ý nghĩa, là gần như tìm kiếm những quan hệ bất biến giữa những hiện tượng di chuyển trong cùng hướng nhưng theo những vận tốc và nhịp độ khác nhau trong thời gian. Ta hình dung là tham vọng này không ngừng đặt ra những vấn đề phương pháp luận không bao giờ giải quyết được một cách dứt điểm.  
   
Cuối cùng, cần nhắc lại rằng kinh tế học không phải là một khoa học thật sự thực nghiệm, vì ta không thể thật sự tái tạo lại những tình thế như trong phòng thí nghiệm; đúng hơn là một khoa học quan sát, như thiên văn học hay khí tượng học, và điều này không ngăn cản vận dụng những phương pháp khoa học, nhưng tất nhiên khiến việc áp dụng những kiểm định chặt chẽ đối với những phát biểu lí thuyết khó khăn hơn. 
2.   Những hiện tượng kinh tế, do bản chất của chúng, không chỉ bị chuyển động lịch sử cuốn hút, nhưng sự quan tâm của các nhà kinh tế đến những hiện tượng này cũng thay đổi và do tính cấp bách tương đối của những “vấn đề” thời cuộc ấn định. Có thể nghĩ rằng những thay đổi chủ yếu trong các lí thuyết là những câu trả lời cho những vấn đề mới do những điều kiện mới về kinh tế, thể chế, v.v... đặt ra (Hutchison, 1978). 
Wesley Mitchell, F. H. Knight, M. Friedman là những tác giả trong số những nhà kinh tế nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những biến cố hiện hành trong việc ấn định nội dung và dạng của những lí thuyết. Còn đối với J. R. Hicks, đây là yếu tố trung tâm trong sự kiến giải của ông về lịch sử tư tưởng kinh tế.
Theo ông, một số lí thuyết bị từ bỏ không phải vì chúng bị phản bác và thay thế bằng một lí thuyết tốt hơn nhưng vì với thời gian chúng đã không còn thích hợp nữa. Chính vì thế, trong kinh tế học, ta không có những cuộc “cách mạng khoa học” theo nghĩa kuhnian: phần lớn những cuộc cách mạng này là những “thay đổi mối quan tâm” hay thay đổi sự chú ý. Cuộc cách mạng keynesian là một thay đổi chủ yếu trong nghĩa trên. Không thể hình dung là Lí thuyết tổng quát được viết vào năm 1900. Keynes đã viết tác phẩm này dựa vào thời buổi ông sống và sự “thay đổi mối quan tâm” thể hiện trong những trước tác của ông là do những biến động và tai hoạ tiền tệ những năm 1920-1935 gây nên.    
Theo quan niệm này, những lí thuyết mới, có thể gặt hái những thành công lớn, không nhất thiết đem lại cho khoa học một “lợi thế thường xuyên”. Không có hiện tượng không thể đảo ngược hay hiện tượng tích lũy lí thuyết. Lí thuyết hoá phụ thuộc mật thiết vào những vấn đề lịch sử đặt ra cho bối cảnh trong đó việc lí thuyết hoá được tiến hành. Điều này giải thích sự lặp lại của những lí thuyết cũ, ví dụ, sau Keynes, có sự đổi mới mà ta đã biết của tư tưởng cổ điển. 
Quan niệm này là một kiểu nhìn từ bên ngoài (externaliste) về lịch sử tư tưởng kinh tế. Không nghi ngờ gì đó là nội dung lớn của lối giải thích này; nhưng trong phiên bản của R. J. Hicks, không còn vị trí nào cho tiến hoá nội tại của những lí thuyết cũng như cho những đổi mới thường xuyên được đưa vào phân tích kinh tế, dù cho đó là trường hợp của ví dụ được ưu tiên là lí thuyết keynesian, hay cho những cải tiến phương pháp luận mà Hicks công nhận tính hữu ích: các kĩ thuật kinh trắc học, qui hoạch tuyến tính, v.v...     
  
3.   Lí do chủ yếu khiến kinh tế học không tuân thủ những qui tắc phương pháp luận như những khoa học thực nghiệm khác là do tính chất của một khoa học “đạo đức và chính trị”, nghĩa là bộ môn này không ngừng liên can đến cuộc bàn luận và ra quyết định về những vấn đề cần có sự can thiệp của Nhà nước hay/và những đánh giá đạo đức hay chính trị. 
Do đó rất khó tách biệt lí thuyết ra khỏi ứng dụng của nó, mặt chuẩn tắc và mặt thực chứng của lí thuyết, mặt này tác động đến mặt kia trong một một mối tương quan qua lại không có ranh giới rõ ràng. Tình hình này kéo theo nhiều lệch lạc trong việc đánh giá có phê phán, mà trong các khoa học vật lí không có những lệch lạc tương tự.
Ví dụ, đó là trường hợp của cạnh tranh hoàn hảo được xem là một tình thế đưa đến một phân bổ tối ưu trong nghĩa Pareto. Như Samuelson đã viết: “cảm tưởng là trong một nghĩa nào đó cạnh tranh hoàn hảo tượng trưng cho một tình thế tối ưu chưa bao giờ vắng mặt trong những tác phẩm chính của kinh văn”. Các nhà kinh tế khi vấp phải một phản bác thực nghiệm của một mệnh đề kinh tế thực chứng trong đó bao gồm giả thiết cạnh tranh hoàn hảo, có xu hướng gạt bỏ phản bác này vì việc hơn thua vượt quá mệnh đề đặc biệt này và đụng ngay đến toàn bộ khái niệm hiệu quả kinh tế. 
Một ví dụ khác về tác động ngược của những đánh giá chuẩn tắc trên nội dung thực chứng có thể thấy được trong cách mà lí thuyết những dự kiến duy lí[10] được phát triển. Cuộc tranh luận về học thuyết trọng tiền không chỉ cáo giác một lí thuyết mô tả, mà còn liên quan nhiều đến những biện pháp kinh tế và những đánh giá chính trị. Lí thuyết những dự kiến duy lí không dựa trên việc đâu là lí thuyết có khả năng đúng nhất về sự hình thành những dự kiến. Ngược lại, ý cho rằng các tác nhân kinh tế đồng tình xem một mô hình đặc biệt X là cách mô hình hoá đúng đắn sự vận hành của nền kinh tế là một ý ít có khả năng xảy ra do có quá nhiều mô hình kinh tế cạnh tranh nhau. Ý này cũng không dựa trên sự kiểm định về những dự báo của nó.
Do đó tiếng tăm của giả thiết những dự kiến duy lí không do khả năng có thật của giả thiết này hay của nội dụng được xác minh của nó nhưng là vì hình như giả thiết này có thể bảo vệ và làm trẻ lại quan niệm trọng tiền trong kinh tế học vĩ mô. Bởi thế chính những hệ quả chuẩn tắc của giả thiết, chứ không phải giá trị khoa học, thực chứng của nó, giải thích sự thành công của giả thiết này. 
Trong nhiều trường hợp tương tự, những khía cạnh chính trị của một lí thuyết lấn át những khía cạnh phân tích và làm đảo ngược quá trình của phương pháp luận khoa học.
4.   Cuối cùng có thể nhắc lại những quan sát của T. W. Hutchison, trong tác phẩm Về những cuộc cách mạng và sự tiến bộ của tri thức kinh tế (1978: 319-320). Hutchison mạo hiểm đề xuất ý là có lẽ kinh tế học đã trở nên quá “đồ sộ”, về mặt đối tượng cũng như kích thước của nội dung khoa học của bộ môn này, khiến cho ngày nay không thể có một cuộc “cách mạng” nào, hiểu trong nghĩa của một lí thuyết tổng quát hay coi kinh tế học như một thể thống nhất. Ông cho rằng bộ môn đã trở nên đa dạng và chia thành nhiều nhánh (kinh tế học công cộng, kinh tế học giao thông vận tải, kinh tế học sức khỏe, kinh tế học giáo dục, kinh tế học văn hoá, kinh tế học quốc phòng, v.v...) và mỗi lĩnh vực có con đường đi riêng, khá độc lập với một “trung tâm” do những lí thuyết tổng quát hợp thành.  
Tuy nhiên, T. W. Hutchison thêm rằng có lẽ có thể dự đoán một cuộc cách mạng khác, một cuộc cách mạng phương pháp luận nhằm chấm dứt việc thiết kế những lí thuyết “tổng quát” theo một chương trình được đề xướng từ cuối thế kỉ XVII mà ngày nay, như J. S. Mill và Alfred Marshall đã linh cảm, chỉ có những năng suất vô cùng giảm dần. “Thay vì chờ đợi một Newton hay một Einstein mới, có thể là sẽ nhiều hứa hẹn hơn khi đi tìm lại những thành tố lịch sử, thể chế và tâm lí của đề tài chúng ta, đã được gói trọn thật khéo léo trong Của cải của các dân tộc”.                 
Những điểm chúng tôi vừa nêu góp phần giải thích vì sao, ở cấp độ những sự kiện, kinh tế học không có tính chất thường gặp trong thực tiễn của những phòng thí nghiệm của các khoa học chính xác.
Sự thật là khoa học kinh tế gồm có những tri thức chuẩn tắc bên cạnh những tri thức thực chứng, và thường thì sự phân biệt này không phải bao giờ cũng rõ ràng. Tình hình này không chỉ là chấp nhận được, chính đáng; đó còn là một trong những lí do tồn tại của kinh tế học. Nhưng phải nhắc lại rằng khoảng cách gần nhau giữa sự chuẩn tắc và thực chứng không làm cho việc lẫn lộn chúng trở nên chính đáng, vì nằm ở giữa còn có yếu tố quyết định là sự đánh giá đạo đức hay chính trị. Nhà kinh tế nào muốn có một thái độ khoa học trước hết cần phải làm cho những ưa thích ý thức hệ chính đáng của mình che khuất làm lu mờ đi đánh giá của mình về những hiện tượng thuộc về tri thức thực chứng, để khỏi có lẫn lộn giữa điều mình mong muốn với cái tồn tại.
Nhằm mục tiêu này, việc hiểu biết và sử dụng một phương pháp luận khoa học nhất định có thể là một khuyến nghị cho các nhà kinh tế vì đây là một việc không tự nhiên đối với họ và họ cũng chưa được học lúc được đào tạo lí thuyết. Điều này có thể giúp tránh việc vận dụng đến những mưu mẹo miễn nhiễm (stratagèmes immunisateurs) thường được dùng để phục vụ cho những niềm tin chính đáng hay không (xem một chứng minh xuất sắc trong Le Pen, 1987: 119-129; xem thêm Walliser, 1987: 153-165 và Walliser và Prou, 1988, III, 3). Nếu nhà kinh tế muốn xứng đáng với danh hiệu một nhà khoa học thì phải từ chối một thái độ thuần túy phòng thủ, nghĩa là gạt bỏ mọi phản bác đối với những luận điểm của mình và những bác bỏ có thể có, nếu không sẽ có nguy cơ là tình hình tương tự như hiện nay, khi ta thấy là nhân danh khoa học nhiều lí thuyết trái ngược nhau được bảo vệ, sẽ còn duy trì mãi.
Có thể người ta cho rằng điều này là không thể được và rằng những tri thức khoa học chỉ là công cụ tu từ phục vụ cho những mục tiêu chính trị cơ bản mà những nhà kinh tế chỉ là những luật sư biện hộ? Tất nhiên việc đánh giá những lí thuyết là khó khăn và không chắc chắn, luôn có thể bị tiến trình lịch sử xét lại. Nhưng phải nhấn mạnh đến cái gì là khách quan trong hiểu biết kinh tế và nhắc lại rằng một đánh giá chuẩn tắc, dựa trên những hiểu biết đã được kiểm định, là vững chắc hơn một quan niệm có nguồn gốc ở sự phòng thủ ý thức hệ hay ở tình cảm độ lượng và hào hiệp. Tức là trong công việc nghiên cứu không thể có sự phân chia giữa điều gì thuộc về hệ tư tưởng và điều gì thuộc về khoa học nếu không có một cố gắng của nhà nghiên cứu để đảm nhận cả hai mặt này và chấp nhận một khoảng cách nhất định giữa hai mặt.

Thuật ngữ then chốt:

Cách mạng (khoa học)
Chủ nghĩa công cụ
Chủ nghĩa duy lí
Chủ nghĩa hình thức
Chủ nghĩa thực nghiệm
Chủ nghĩa tiên nghiệm
Chương trình nghiên cứu
Giả thiết
Hệ chuẩn
Phủ nhận
Xác minh    

Tài liệu tham khảo

Berthoud A. (1988), “Économie politique et morale chez Walras”, Oeconomia, série PE de la revue Economie et Sociétés, n0 9, mars.
Blaugh M. (1980), The Methodology of Economics, Cambridge Surveys of Economic Literature, Cambridge
Boyer A. (1985), “Le problème de Duhem”, in Travaux dépistémologie générale, Cahiers du CREA, n0 5
Boyer A. (1985), “Karl Popper face aux sciences sociales”, Oeconomia, n0 8
Cross R. (1984), “Monetarism and Duhem Thesis”, in: Wiles P. and Routh G., Economics in Desarray, Basil Blackell, Oxford
De Bernis G. (1976), “Les limites de l’analyse en termes d’équilibre genéral”, Revue Economique, novembre
Denis H. (1980), Léconomie de Marx. Histoire dun échec, PUF, Paris
Denis H. (1984), Logique hégélienne et systèmes économiques, PUF, Paris
Friedman M. (1963), “The Methodology of Positive Economics”, Essays in Positive Economics, University of Chicago Press, Chicago
Hacking J. (1989), Concevoir et experimenter, trad. fr., Christian Bourgeois, Paris
Hahn F. H. (1973), On the Notion of Equilibrium in Economics, Inaugural Lectures, Cambridge University Press, Cambridge
Hayek F. (1948), Individualism and Economic Order, Routledge and Kegan, London
Hayek F. (1980), Droit , législation et liberté, 3 vol., PUF, Paris
Hicks J. (1975), “The Scope and Status of Welfare Economics”, Oxford Economic Papers, vol. 27, november
Hutchison T. W. (1938), The Significance and Basic Postulates of Economic Theory, Cambridge University Press, Cambridge
Hutchison T. W. (1978), On Revolutions and Progress in Economic Knowledge, Cambridge University Press
Klamer A. (1988), Conversations with Economists, Rawman and Allenhed, Totowa (New Jersey) [bản dịch tiếng Việt: Phỏng vấn các nhà kinh tế Mĩ. Về những nhà kinh tế cổ điển mới và những đối thủ của họ, 2004]
Kuhn T. (1977), The Essential Tension. Selected Studies in Scientific Tradition and Change, University of Chicago Press, Chicago
Kuhn T. (1970), The Structure of Scientific Revolutions, University of Chicago Press, 2nd ed.
Latsis S. (1976), “A Research Programme in Economics”, in: Method and Appraisal in Economics, Cambridge University Press, Cambridge
Leontief W. (1974), “Theoretical Assumptions and Nonobserved Facts”, American Economic Review, 61, 1-7
Le Pen C. (1987), “Falsifiabilité et théorie économique ou comment rendre une théorie économique infalsifiable”, in: La pensée de Karl Popper et la science économique, Oeconomia, n0 8
Meidinger C. (1987), “L’empirisme et le statut des hypothèses ad hoc en physique et en économie”, Oeconomia, n0 8
Ménard C. (1988), “Loin du politique”, in: Jacquard A., Les enjeux politiques de la science, Hachette, Paris
Mongin P. (1986), “La controverse sur l’entreprise (1940-50) et la formation de l’irréalisme méthodologique”, Economie et Sociétés, série Oeconomia, n0 5, trang 91-151.
Mongin P. (1986), “Revisiting the Full Cost Controversy of the 40’s and 50’s”, Working Paper, Departement des Sciences Economiques, Université Catholique de Louvain
Morishima M. (1984), “The Good and Bad Uses of Mathematics”, in: Wiles P. and Routh G., Economics in Desarray, Basil Blackell, Oxford
Popper K. (1986), “Entretien sur l’économie”, Revue FranVaise dEconomie, n0 2, Automne
Raynaud P. (1987), Max Weber et les dimensions de la raison moderne, Paris, PUF
Robbins L. C. (1932), An Essay on the Nature and Significance of Economic Science, dẫn theo Koopmans T. C., Readings in the Philosophy of Social Sciences, Macmillan, London, 1968
Robbins L. C. (1932), Autobiography of an Economist, Macmillan, London
Von Mises (1985), Laction humaine. Traité déconomie, trad. fr., PUF, Paris
Walliser B. (1987), “Le problème de l’induction et de la réfutation en économétrie”, in La pensée de Karl Popper et la science économique, Oeconomia, n0 8
Walliser B. et Prou C. (1988), La science économique, Seuil, Paris
Walras L. (1874-1877), Eléments déconomie politique pure ou théorie de la richesse sociale, Paris, Guillaumin, réed.: Paris, Economica, 1988
Wiseman J. (ed.) (1983), Beyond Positive Economics, Macmillan, London
---------------

Phiếu số 1 : Sách nên đọc

Blaugh M. (1980), The Methodology of Economics, Cambridge Surveys of Economic Literature, Cambridge
Kuhn T. (1970), The Structure of Scientific Revolutions, University of Chicago Press, 2nd ed.
Hacking J. (1989), Concevoir et expérimenter, trad. fr., Christian Bourgeois, Paris
Mingat A., Salmon P. và Wolfelsperger A. (1985), Méthodologie économique, PUF, Paris
Popper K. R., (1959), The Logic of Scientific Discovery, New York: Harper Torchbooks 
Popper K. R., (1972), Conjectures and Refutations. The Growth of Scientific Knowledge, London: Routledge & Keagan Paul
Walliser B. và Prou C. (1988), La science économique, Seuil, Paris
La pensée de Karl Popper et la science économique, Oeconomica, n0 8, 1987, (Economie et Sociétés - Cahiers de l’ISMEA, série PE).

Hubert Brochier[1]
Nguyễn Đôn Phước dịch
 
Nguồn: “Critères de scienticifité en économie” của Hubert Brochier trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 25-54.



[1] giáo sư đại học Paris I - Panthéon-Sorbonne

[2] Xem bài “Khoa học luận kinh tế” (ND).

[3] Có thể tham khảo thêm phần “chủ nghĩa duy lí phê phán” (trang 590-594) trong Lịch sử triết học (Nguyễn Hữu Vui chủ biên), nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998 (ND)

[4] điều kiện cần thiết (ND).

[5] Xem mục “Như thể” trong Từ điển phân tích kinh tế của Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[6] Xem bài Giả thiết lí thuyết và sự kiện không quan sát (ND).

[7] Có thể tham khảo thêm phần “phương pháp luận lịch sử” (trang 594-598) trong Lịch sử triết học (Nguyễn Hữu Vui chủ biên), nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998 (ND).

[8] Trong những ấn phẩm tiếng Việt, còn được dịch là hệ ý, hệ hình, phạm thức, v.v. (ND).

[9] Xem bài Lịch sử phân tích kinh tế (ND).

[10] Xem mục “Dự kiến duy lí” trong Từ điển phân tích kinh tế của Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[*] Xem Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes của Michel Beaud và Gilles Dostaler, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008, trang 107-109 (ND).

Print Friendly and PDF