11.1.15

Có một phép màu Hy Lạp không?

Có một phép màu Hy Lạp không?
Phép màu Hy Lạp. Đó là cụm từ Ernest Renan đặt ra để nói về sự phát triển văn hoá thần kỳ mở ra ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Trong vài thành quốc ở bán đảo Hy Lạp, một cuộc cách mạng văn hoá chưa từng có đã nổ ra. Các nhà kiến trúc, nhà điêu khắc, hoạ sĩ tạo ra những tác phẩm đẹp lạ thường: đền Parthénon và tượng Người ném đĩa là những tuyệt phẩm được biết đến nhiều nhất trong số đó. Văn học cũng nở rộ không kém với giai đoạn hoàng kim của sân khấu bi kịch (Eschyle, Sophocle, Euripide) hay hài kịch (Aristophane). Về phần mình, Herodote và Thucydide sáng tạo ra thể loại sử ký: Herodote bằng những câu chuyện kể trong Những cuộc điều tra về phong tục của những người nước ngoài và lịch sử các cuộc chiến tranh với Mèdes[1], còn Thucydide nổi tiếng với tác phẩm Cuộc chiến tranh ở Péloponèse.
Cùng thời, một chuyên ngành học thuật xuất hiện: triết học. Theo chính những người Hy Lạp thì triết học đã nảy sinh ở Ionie, với Thalès Milet. Nhưng phải đợi một thế kỷ sau, cũng vào đúng thời kỳ thiết yếu này, thì ngành học mới này mới thực sự được phát triển, với những triết gia tiền-Socrate (Heraclite, Parménide, Zénon ở Elée, Empédocle, Anaxagore, v.v.), rồi Socrate và Platon. Triết học là một cách mới để tìm hiểu thế giới. Nó đặt ra những câu hỏi về những nguyên tắc tiên khởi của mọi vật – con người, xã hội, vũ trụ – và đưa ra phương pháp dựa trên sự lý luận và sự tìm kiếm những bằng chứng.
Ở thời đại đó, triết học không thực sự tách rời cái mà người ta bây giờ gọi là khoa học. Vì triết gia cũng là một học giả quen thuộc với hình học, với toán và thiên văn học. Truyền thuyết nói rằng Platon đã muốn ghi trên cửa vào Học viện của ông: “Nếu bạn không biết hình học thì đừng bước vào đây”.
Như vậy, chung quanh thế kỷ V trước C.N., ta thấy mở ra trong những thành phố Hy Lạp nhiều lĩnh vực khoa học: từ toán học thuần tuý (hình học và số học), qua toán học áp dụng vào thiên văn, vào nghiên cứu sự hài hoà trong âm nhạc, vào quang học, địa dư, cho tới một y học mới được hình thành ở Cnide hay Cos.
Lý trí không phải là một phát minh của người Hy Lạp
Đâu là những lý do để cuộc cách mạng tinh thần ấy nổ ra ở Hy Lạp giữa các thế kỷ thứ VI và thứ V trước C.N.? Phong cách tư duy mới đó có những đặc trưng gì?
Từ hơn một thế kỷ nay, các nhà sử học tranh luận chung quanh những câu hỏi đó. Từ lâu, lịch sử tư tưởng Hy Lạp đã được mô tả như một bước chuyển từ huyền thoại sang lý trí. Theo cách mô tả này thì, trước đó, trong những thời kỳ xa xưa hơn, cuộc sống của con người chủ yếu là được hướng dẫn bởi các thần linh, những huyền thoại và những niềm tin ma thuật. Rồi đột nhiên, với sự ra đời của triết học và khoa học, loài người đạt được tới tư duy thuần lý…
Câu chuyện đẹp đẽ đó ngày nay không còn được chấp nhận. Bernard Vitrac[2], chuyên gia về toán học cổ đại, khẳng định: “Luận đề cho rằng những nền văn hoá tiền Hy Lạp là không duy lý không được chấp nhận nữa”. Những nền văn minh lớn, Babylone hay Ai Cập, có trước văn minh Hy Lạp, đã phát triển một tập đồ sộ những kiến thức y học, thiên văn học, toán học và thực vật học. “Những kiến thức đó không phải là những niềm tin, mà cũng không chỉ là những kiến thức do kinh nghiệm mà có”, ông nói tiếp. Những người Babylone chẳng hạn, là những nhà thiên văn lớn. Họ biết mô tả chuyển động của các vì sao một cách chính xác, và tiên đoán vị trí của chúng vào một thời điểm nào đó. Trong hình học, họ đã có nhiều khám phá: họ đã biết những tính chất của một tam giác vuông (bình phương chiều dài của cạnh huyền bằng tổng các bình phương của hai cạnh kia), rất lâu trước khi Pythagore chứng minh chúng. Những người Babylone cũng biết giải những phương trình đại số, như các phương trình bậc một và bậc hai. Họ cũng có nhiều kiến thức khác trong y học và thực vật học. Một phần những hiểu biết Hy Lạp phụ thuộc vào những nền văn minh Ai Cập và Babylone.
Những nền văn minh trước Hy Lạp đã có được những kiến thức được xây dựng, không thể quy giản được về một vài niềm tin hay vài công thức kỹ thuật. Và điều này thì cũng giống như phần lớn các nền văn minh khác của nhân loại. “Không có nền văn minh nào mà không có kiến thức”, Maurice Caveing[3], một chuyên gia khác về toán học cổ đại, khẳng định. Từ khi Claude Lévi-Strauss soạn thảo Tư duy hoang dã (La Pensée sauvage) năm 1962, những nhà nhân loại học đã chứng minh rằng trong tất cả các xã hội được coi là “nguyên thuỷ”, có những tập kiến thức – về thực vật, động vật, y khoa, kỹ thuật, v.v. – hoàn toàn không thể quy được vào những niềm tin thần thoại.

Khoa học Hy Lạp là gì?

Như vậy, có phải là khoa học đã bắt nguồn từ Babylon hay Ai Cập? Đó không phải là ý kiến của các nhà nghiên cứu. Theo B. Vitrac, “Những người Babylon thực sự duy lý, nhưng tôi sẽ không dùng từ khoa học để gọi những kiến thức của họ”. Thực vậy, những người Babylon đã tích luỹ một khối lượng lớn những hiểu biết, nhưng họ không bao giờ đặt ra câu hỏi về nguồn gốc sâu xa của những hiện tượng mà họ quan sát. Chẳng hạn, trong thiên văn, họ biết chính xác chuyển động của các vì sao. Nhưng ở họ không có gì so sánh được với những hệ thống vũ trụ luận của người Hy Lạp, những hệ thống (được nghĩ ra) nhằm tìm thấy một trật tự chi phối những chuyển động của các thiên thể. Trong y học, những người Babylon cũng biết nhiều bệnh tật và phương thức chữa trị chúng, nhưng họ cũng không tìm hiểu tại sao. Những người Ai Cập, để ướp xác, đã đạt được nhiều hiểu biết về phẫu thuật và sinh lý học, nhưng không có gì chứng tỏ rằng họ đã tìm cách giải thích sự vận hành của cơ thể.
Hippocrate
Điều đặc trưng cho tính độc đáo của người Hy Lạp chính là: đi từ sự hiểu biết những hiện tượng tới sự tìm kiếm những nguyên nhân của chúng, từ nắm vững một số hiểu biết đến chứng minh giá trị của chúng. Và như thế, trong mọi lĩnh vực của kiến thức: thiên văn, toán học, y học, lịch sử và dĩ nhiên, triết học. Hérodote, sử gia đầu tiên, không tự bằng lòng với việc kể lại những cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và các dân tộc Man di, ông còn tìm kiếm những nguyên nhân của các cuộc chiến đó. Ngay câu đầu của Những cuộc điều tra, ông viết: “Hérodote ở Halicarnase trình bày tại đây những kết quả cuộc điều tra của ông ta, để thời gian không xoá nhoà những công trình của con người, và để những công trình lớn lao của người Hy Lạp hay của người Man di không rơi vào quên lãng; và ông đặc biệt cắt nghĩa lý do của cuộc tranh chấp giữa hai dân tộc này”. Hippocrate ở Cos, người được coi như cha đẻ của y học tây phương, không chỉ thiết lập một danh sách những bệnh tật và những triệu chứng của từng bệnh, mà còn là người đầu tiên đề ra một bệnh căn học (tìm hiểu nguyên nhân của bệnh). Trong toán học, sự tìm kiếm nguyên nhân chính là chứng minh. Trong khi những người Babylon biết tới những tính chất của các góc, các vòng tròn…, thì người Hy Lạp tìm cách chứng minh các tính chất ấy. Toàn bộ công trình Những phần tử của Euclide khác với sự tập hợp đơn thuần những khám phá hình học (của người Babylon) chính ở chỗ tác giả muốn chứng minh từng mệnh đề nêu ra. Những phần tử là kết quả của một công trình tập thể bắt đầu từ hai thế kỷ trước của các nhà hình học Hy Lạp. 
Euclide
Dù là thiên văn học, toán học, y học, lịch sử hay triết học, B. Vitrac nhấn mạnh, “một điểm chung hiện ra trong những hoạt động trí tuệ khác nhau ấy - cùng một phương pháp được đeo đuổi: tìm kiếm những nguyên nhân”.

Sự tìm kiếm bằng chứng

Như vậy, đặc trưng của khoa học Hy Lạp là đây: một tư duy hướng về sự tìm kiếm những nguyên nhân qua các bằng chứng. Nhưng làm sao cắt nghĩa sự nổi lên đột ngột của cuộc cách mạng tinh thần này? Tại sao ở Hy Lạp, và tại sao vào thời điểm đó? Nhiều yếu tố đã được đưa ra nhằm giải thích “phép màu Hy Lạp” đó.
Theo M. Caveing, yếu tố giải trình đầu tiên nằm ở bản chất nền văn minh Hy Lạp. “Chúng ta đứng trước một dân tộc bao gồm những người lữ hành đi khắp vùng Địa Trung Hải, lập nên những khu di dân, khám phá những vùng đất xa hơn eo biển Gibraltar. Trong các thành thị và khu di dân, hình thành một tầng lớp ưu tú bao gồm những thương gia, những nhà hàng hải, những chủ tàu buôn, những doanh nhân. Những người này có tầm nhìn rộng về thế giới”. Giai đoạn này có thể so sánh được với thời kỳ Phục hưng: những khám phá lớn, những gặp gỡ với nhiều dân tộc khác với cách sống khác, ngôn ngữ và phong tục khác. “Tất cả các yếu tố đó góp phần mở rộng trí óc”, M . Caveing nhấn mạnh.
Một yếu tố xã hội-kỹ thuật có thể cũng đã có vai trò: sự phát triển các thành phố trong vùng Địa Trung Hải đặt ra nhiều bài toán cụ thể: những công trình thuỷ lợi, sự xây dựng các đường dẫn nước hẳn đã góp phần vào sự hình thành óc vật lý và hình học. Theo Jean-Pierre Vernant, Ngay từ thế kỷ V trước C.N., một công trình như kênh ngầm do Eupalinos Mégare xây trên đảo Samos đòi hỏi phải giải quyết nhiều bài toán khó về đo đạc”[4].
Nói chung hơn, sự phát triển những kỹ thuật cần thiết cho việc xây dựng các công cụ chiến tranh hay tàu bè có thể đã có vai trò kích thích đối với khoa học Hy Lạp . Ảnh hưởng này của kỹ thuật đã được những sử gia như Benjamen Farrington hay Maurice Daumas[5] đưa ra. Dù có người nhận xét rằng người Hy Lạp thực ra không có nhiều canh tân kỹ thuật lắm, và giới tinh hoa của họ không chú ý lắm tới các vấn đề này, M. Caveing vẫn cho rằng có lẽ người ta đã quá xem nhẹ yếu tố kỹ thuật đó. Khi Archimède làm ra những máy móc phục vụ chiến tranh, sáng chế ra những máy vận hành với ròng rọc, đòn bẩy, đinh ốc, v.v., ông vượt qua rất xa khuôn khổ của một nền thủ công đơn giản để vận dụng một công nghệ thực thụ, tức là, một lý thuyết toán học và vật lý áp dụng vào những bài toán thực tế[6]. “Hãy nhớ rằng người ta biết cả việc lắp ráp và tháo rời những máy móc chiến tranh thành các bộ phận riêng lẻ”, M. Caveing nhận xét. Sự khám phá ra quy luật nổi tiếng về sức đẩy của Archimède rõ ràng cũng liên quan tới vấn đề mà ông ấy đặt ra về những điều kiện làm nổi một chiếc tàu.
Một yếu tố giải trình khác về sự nổi lên của khoa học Hy Lạp thuộc về lãnh vực xã hội chính trị. Ở những đế chế bên cạnh, Ai Cập hay Babylon, chính quyền có tính tôn ti, thứ bậc xếp theo hình tháp. Trong khi đó, người Hy Lạp có một truyền thống lâu dài về cấu trúc chính trị trong đó Quốc hội đóng một vai trò trung tâm. Trong đảo quốc, quyền lực chính trị vận hành chung quanh Quốc hội và các cuộc tranh luận luôn luôn có mặt. “Quốc hội có thể là dành riêng cho giới quý tộc, hay dân chủ. Tranh luận có thể diễn ra trong nội bộ giới tinh hoa hay được mở rộng tới toàn dân. Nhưng trong mọi trường hợp, những quyết định chỉ được lấy sau khi mỗi người được trao quyền nói và bảo vệ phương án này hay phương án khác. Quyết định luôn luôn đi sau tranh luận”, M. Caveing nhắc lại.
Trong thời kỳ Hy Lạp cổ điển, người ta đã chứng kiến sự biến đi của thể chế các nhà vua-giáo sĩ. Chính trị có tính thế tục. Vậy thì không có chỗ cho một Nhà thờ và các giáo sĩ nắm trong tay giáo lý duy nhất. Mỗi người có thể, tuỳ ý mình mà tôn sùng Apolon, Athéna hay Déméter. Tính đa thần cho phép sự tự do lựa chọn tín ngưỡng. Thật ra, có một hệ thần thoại chung, nhưng không bao giờ nó có tính chất giáo điều và tín ngưỡng chính thống. Như vậy, trong các đảo quốc Hy Lạp, không có sự nhất nguyên về tư tưởng như trong các đế chế bên cạnh, trong đó giáo dục thuộc về độc quyền của các thư lại.

Khoa học, đứa con của nền dân chủ?

Khoa học có phải là đứa con của dân chủ? Đây là luận đề trung tâm mà Geofrey Lloyd, tác giả của nhiều công trình về nguồn gốc của khoa học Hy Lạp, đưa ra[7]. Theo sử gia người Anh này, sự “tìm kiếm bằng chứng” có liên hệ với cấu trúc chính trị của các thành phố Hy Lạp. Ở Athènes, các cuộc tranh cãi ý tưởng là thường xuyên dù trong địa hạt chính trị, tôn giáo hay pháp lý. Có một thực tiễn về tranh luận giữa những người tự coi nhau như ngang hàng. Không có chỗ cho một lý lẽ quyền lực nào. Muốn thuyết phục, phải lập luận, chứng minh, đưa ra các bằng chứng. Và từ đó, sẽ phát triển cả một bộ sưu tập những “kỹ thuật lời nói”: thuật hùng biện, sự biện hộ pháp lý, phép biện chứng, thuật tranh biện (là kỹ thuật đẩy đối phương tới mâu thuẫn). Đâu là bằng chứng chứng minh rằng Socrate có tội? Điều gì chứng tỏ rằng quả đất tròn? Tại sao phải tấn công Sparte? Trong mọi lĩnh vực, phải mang lý lẽ tới cho phát biểu của mình: mà lý lẽ, là sự tìm kiếm bằng chứng.
“Ở đây, có ảnh hưởng lớn của những thực tiễn pháp lý”, B. Vitrac nhận xét. Trong lĩnh vực pháp lý, các toà án được vận hành với những bồi thẩm đoàn mà quyết định được đưa ra trong các phiên toà tranh cãi. Điều này buộc các bên buộc tội và bị buộc tội phải lập luận, đưa ra những chứng cớ, vì không có pháp lý thần thánh. B. Vitrac nhắc: “tiếng Hy Lạp, Aitia có nghĩa là lý do, nhưng cũng có nghĩa là kẻ phạm tội”. Trong các lĩnh vực chính trị, pháp lý và triết học, sẽ phát triển những thói quen tranh luận phê phán lẫn nhau, và những kỹ thuật lời nói liên hệ tới cách lập luận. Óc logic, thói quen tìm bằng chứng cũng phát triển.
G. Lloyd đã cố thiết lập một liên hệ chặt chẽ giữa tranh luận dân chủ và sự nổi lên của khoa học. Luận đề hấp dẫn… nhưng còn phải bàn cãi. Một thuyết tất định xã hội học như vậy giữa hình thái xã hội và hình thái tư duy khó lòng qua được một phân tích tinh vi. Vì, ngay cả đối với những người Hy Lạp, “lập luận không có nghĩa là chứng minh”. Platon và Aristote hoàn toàn ý thức được sự khác biệt giữa thuật hùng biện – nhằm thuyết phục người nghe – và sự chứng minh thực thụ – nhằm mang lại chứng cớ, và chả có gì hiển nhiên rằng tinh thần của chứng minh, trong toán học, là sự chuyển vị trực tiếp của những hình thức của tranh luận dân chủ.
Đối với B. Vitrac, dù thực sự đã có sự phát triển có phối hợp giữa triết học, toán và thuật hùng biện, sẽ là sai lầm nếu ta kết nối các ngành đó với nhau một cách cơ học.

Vai trò của chữ viết

Chữ viết có phải là một yếu tố khác của sự phát triển khoa học Hy Lạp? Sự trùng hợp của những sự kiện có vẻ như gợi ra ý tưởng đó. Vào thế kỷ VII trước C.N., người Hy Lạp  đã chấp nhận hệ thống chữ viết với chữ cái do những người Phénicie phát minh ra. Và sự xuất hiện của một nền văn chương thực thụ viết bằng văn xuôi – trong các lĩnh vực triết, toán, y và sử – cũng trùng hợp với thời điểm của phép màu Hy Lạp. Chính tại thời điểm đó mà triết học chuyển từ đối thoại bằng lời (Socrate từ chối viết) sang chuyên luận được viết ra (những Đối thoại đầu tiên của Platon). Trong sử học, chữ viết hẳn nhiên là một điều kiện để chuyển từ những truyện thơ dài truyền miệng (như Iliade và Odyssée, được Homère viết lại) sang một sử viết bằng văn xuôi (Hérodote và Thucydide). Cũng tại thời điểm này mà những chuyên luận đầu tiên về toán và y học được ra đời. Đối với nhà nhân học người Anh Jack Goody, chữ viết đánh dấu sự khởi đầu của một phương pháp tư duy mới: chữ viết cho phép một sự hệ thống hoá tư duy chặt chẽ hơn, một sự ghi nhớ rộng rãi hơn, và sự truyền bá các ý tưởng được diễn ra trong phạm vi lớn hơn.
Ngày nay, các sử gia dè dặt hơn khi đánh giá các đóng góp đích thực của chữ viết. Những người Babylon và Ai Cập đều có chữ viết nhưng họ đâu có phát triển được gì tương đương với khoa học Hy Lạp. Mặt khác, người ta cũng thừa nhận là một phần lớn tư tưởng Hy Lạp vẫn nằm trong khuôn khổ truyền miệng. Chữ viết quả đã có ảnh hưởng trên tư tưởng Hy Lạp, nhưng nó là một trong nhiều yếu tố khác trong một tổ hợp lớn hơn, chứ đó không phải là yếu tố duy nhất và tất định (như sử gia Eric Havelock[8] bảo vệ).

Phép màu Hy Lạp và sự tìm kiếm bằng chứng

Ngày nay, mọi người đều thừa nhận là khoa học và triết học ra đời tại Hy Lạp vào thời kỳ cổ điển. Nhưng đó không phải là một sự xuất hiện màu nhiệm của một hình thái đặc biệt của trí thông minh mà người ta gọi là lý trí, tiếp nối một tinh thần huyền bí. Khoa học Hy Lạp dựa trên những thành quả của những người Babylon và Ai Cập. Phát minh của những người Hy Lạp là một phương pháp trí tuệ mới: sự tìm kiếm một cách hệ thống các bằng chứng.
Từ một nửa thế kỷ nay, có cả một trào lưu các sử gia ăng-lô-xắc-xông đã tìm cách kết nối sự xuất hiện của khoa học Hy Lạp với một yếu tố xã hội hay kỹ thuật: kinh tế tiền tệ theo G. Thomson, kỹ thuật đối với B. Farrington, chữ viết theo E. Havelock, còn theo G. Lloyd thì là dân chủ. Ngày nay, các chuyên gia dè dặt hơn. Người ta chấp nhận ảnh hưởng của những yếu tố xã hội kỹ thật, nhưng khuynh hương chung là thừa nhận tính đa dạng của những nguyên nhân. Tất cả những yếu tố đưa ra đều góp phần soi sáng bí ẩn đã từ lâu bao phủ lên phép màu Hy Lạp.
Jean-François Dortier 
Hà Dương Tường dịch
Khung 1:

Sự ra đời của toán học Hy Lạp

Những bước đầu của toán học Hy Lạp là ở thời điểm nào?   
Chính người Hy Lạp cho rằng những cha đẻ của triết học, toán học và khoa học nói chung là những người, như Thalès và Pythagore, sống ở thế kỷ VI trước C.N. Nhưng, có một phần thuộc về cổ tích và có sự tái tạo quá khứ trong sự vinh danh những “anh hùng” khoa học ấy. Rất khó để phân biệt đâu là đóng góp của họ, đâu là sự vay mượn từ những nền văn minh cận đông (Ai Cập, Lưỡng Hà). Cả luận đề về một điều mới mẻ căn bản và luận đề ngược lại, nhấn mạnh tính kế thừa trực tiếp, đều không đủ lập luận chặt chẽ để đứng vững. Vấn đề xác định gốc thời gian của nền toán học Hy Lạp chắc sẽ mãi mãi không thể sáng tỏ. Điều chắc chắn là từ thế kỷ V trước C.N. – giữa -430 và -320, tức thời kỳ của Platon và Aristote –, người ta chứng kiến một sự “bùng nổ” toán học thực thụ, cùng thời với sự phát triển văn xuôi có chữ viết: cả toán học, triết học và sử học. Trước đó, nơi các triết gia tiền Socrate như Anaxagore, Zénon d’Elée, Protagoras hay Démocrite, các vấn đề toán được trộn lẫn với các tranh luận triết học. Nhưng người ta cũng thấy những nhà toán học thuần tuý, như Hyppocrate de Chios và Théodore de Cyrène. Hyppocrate de Chios là tác giả của tuyển tập Những phần tử đầu tiên, là tiền bối của Những phần tử của Euclide.
Độc đáo của toán học Hy Lạp là gì?
Vài nét về tính độc đáo này: sự phát triển của những áp dụng cơ bản vào thiên văn học và nghiên cứu tính hài hoà của âm nhạc. Những áp dụng này vượt xa thực tiễn thường thấy (đo đạc, kế toán). Các môn toán này có liên hệ với một triết học tự nhiên. Có cả một công trình suy tưởng của những người Hy Lạp về các phần tử “nguyên thuỷ” điều hành vũ trụ; trong trào lưu đó, họ suy nghĩ về bản chất của các con số và các liên hệ giữa chúng. Sau cùng, họ nhấn mạnh tới các trình tự trong lập luận và sự xác nhận giá trị của lập luận. Họ đã sáng chế ra sự chứng minh.
Nói chuyện với B. Vitrac, J.-F. Dortier ghi

Khung 2:

Lý trí không phải là một phát minh của người Hy Lạp

Đâu là đặc điểm của khoa học Hy Lạp?
Sẽ vô ích nếu bạn tin rằng trước những người Hy Lạp, các dân tộc khác sống trong một trạng thái tinh thần sơ khai bao gồm những niềm tin và thần thoại. Nhân học hiện đại chỉ ra ngày càng rõ ràng hơn: tất cả các nền văn hoá đều có những kiến thức rộng về thế giới tự nhiên, cây cỏ, các vì sao. Và những kiến thức đó được phân biệt kỹ càng với các thần thoại. Những người Ai Cập và người Babylon có những hiểu biết sâu về thiên văn, thực vật, y học hay tính toán. Nhưng trong các nền văn minh này, nhiều kiến thức được trình bày dưới dạng những liệt kê. Người ta làm ra những danh sách theo một trật tự không rõ ràng: các phương thuốc, các cây cỏ, các bệnh tật, các kết quả toán học. Trong khi, khoa học đòi hỏi một tập hợp những kiến thức được sắp đặt một cách có phương pháp, và với những bằng chứng được bảo vệ bằng lý luận.
Trong các khoa học tự nhiên, hình dạng của bằng chứng là sự quan sát; trong toán học, đó là sự chứng minh. Những người Babylon đã tìm ra nhiều kết quả toán học, những kỹ thuật tính toán nhưng họ không có chứng minh. Khoa học Hy Lạp là một khoa học chứng minh nhưng không có thực nghiệm. Trường hợp của Claude Ptolémée, tiến hành thực nghiệm trong quang học để tìm ra những định luật về sự phản chiếu, là một ngoại lệ.
Sự tìm kiếm bằng chứng diễn ra trong 4 lĩnh vực của khoa học Hy Lạp: 1/ Toán học thuần tuý (hình học và số học). 2/ Toán học áp dụng vào các hiện tượng tự nhiên (thiên văn, sự hài hoà âm nhạc, quang học, cơ học, địa dư trong nghĩa đo đạc đất đai). 3/ Những khoa học tự nhiên (thực vật học và động vật học), là những nỗ lực xếp loại các sinh vật. 4/ Y học, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, thừa kế từ Hippocrate.
Tất cả những điều đó phải trải qua nhiều thế kỷ mới hình thành, dù không thể chối cãi là có một thời điểm sáng tạo, vào thế kỷ V trước C.N.
Nói chuyện với M. Caveing, J.-F. Dortier ghi
Nguồn: “Y-a-t-il eu un miracle grec”, Histoire et philosophie des sciences, sous la direction de T. Lepeltier, Paris, 2013, Sciences Humaines Éditions, p. 11-20. 





[1] Mèdes là tên cũ của một dân tộc hiện nay là chủ nhân nước Iran, cũng được dùng để chỉ những người Ba Tư. Vào thế kỷ V trước C.N. Mèdes từng tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống Hy Lạp – chú thích của ND.

[2] Xem khung 1: Sự ra đời của toán học Hy Lạp

[3] Xem khung 2: Lí trí không phải là một phát minh của người Hy Lạp

[4] J.-P. Vernant, “Remarques sur les formes et les limites de la pensée technique chez les Grecs”, in Mystères et pensée chez les Grecs, Maspéro, 1974.

[5] B. Farrington, La Science dans l’Antiquité, Grèce, Rome, Payot, 1967; M. Daumart (dir.), Histoire de la science, Gallimard, 1957.

[6] G. Gille, Les Mécaniciens Grecs. La naissance de la technologie, Seuil, 1980.

[7] G. Llyord, Origines et développement de la science grecque. Magie, raison et experience, 1979, trad. fr. Flammarion, 1990.

[8] Xem những đóng góp trong từ điển Le Savoir Grec, J. Brunschwig và G. Lyloyd (dir.), Flammarion, 1996.

Print Friendly and PDF