22.2.15

Công bằng



Công bằng

Justice
® Giải Nobel: ARRROW, 1972 BUCHANAN, 1986 NASH, 1994 SEN, 1998 VICKREY, 1996

Việc nghiên cứu những tiêu chuẩn công bằng phân phối là một lĩnh vực mà nhiều nhà kinh tế lưỡng lự xem như là hoàn toàn thuộc về bộ môn của mình. Tuy nhiên lĩnh vực này tập hợp một kinh văn quan trọng, mà sự phát triển đã tăng tốc từ những năm 1970. Trong lúc trước thời điểm ấy ít có những công trình tổng hợp thì gần đây nhiều tác phẩm đã xuất hiện chỉ ra rõ ràng tầm quan trọng của những công trình trong lĩnh vực này (đặc biệt xem Arrow et al., 1997; Fleurbaey, 1996; Kolm, 1997; Moulin, 1988, 1995; Roemer, 1996; Young, 1994). Quả thật rằng ảnh hưởng của triết lí đạo dức và chính trị trong bộ môn này là rất mạnh và đôi lúc ranh giới giữa hai bộ môn là mong manh (ví dụ xem Haussman & McPherson, 1995; Sen, 1987). Sự nghiệp triết lí của Rawls và của những người tiếp nối tác giả này đã để dấu ấn sâu đậm trong kinh tế học về công bằng phân phối, bằng cách khuyến khích những cách tiếp cận bình đẳng (xem Rawls, 1987). Nhưng cách tiếp cận kinh tế là đặc thù cả trong phương pháp (mô hình hoá toán học) và cả trong những đối tượng nghiên cứu của nó (gồm có nhiều vấn đề kinh tế vi mô, chứ không chỉ vấn đề công bằng xã hội một cách tổng quát). Chính xác hơn, có thể xác định lĩnh vực này như việc nghiên cứu những qui tắc lựa chọn xã hội và phân bổ từ những nguyên lí đạo đức tổng quát được thể hiện bằng những mô hình đặc biệt dưới dạng tiên đề, nghĩa là từ những đặc tính toán học mà những qui tắc này đòi hỏi.

Những nguyên lí đạo đức tổng quát

Một số nguyên lí được viện đến trong hầu hết mọi công trình. Chẳng hạn, tính không thiên vị đối với các cá thể là một nguyên lí cơ bản từ đó bắt nguồn những tiên đề về tính vô danh (qui tắc phải có tính trung lập đối với những hoán vị của những đặc điểm của các cá thể), đối xử bình đẳng (những cá thể giống nhau phải được thụ hưởng giống nhau) hay không độc tài (không một ai được áp đặt những sở thích của bản thân cho cộng đồng). Tuy nhiên khó mà thoả mãn tiêu chuẩn này khi mà dân số có kích cỡ vô tận, như trong các mô hình tăng trưởng. Một nguyên lí thông dụng khác là tính hiệu quả theo nghĩa của Pareto, gợi ý cho những điều kiện tôn trọng những sở thích cá thể, và tôn trọng sự nhất trí. Đôi lúc ngay cả nguyên lí này là đáng ngờ, đặc biệt trong bối cảnh bất trắc với những xác suất chủ quan, vì sự nhất trí dựa trên những tin tuởng khác nhau có thể là ảo tưởng. Một nguyên lí được ứng dụng rất phổ biến là tính độc lập của những biến không xác đáng, theo đó qui tắc được tìm kiếm phải không nhạy cảm với những dữ liệu không xác đáng. Điều này đòi hỏi là trước tiên phải xác định đâu là những dữ liệu xác đáng và đâu là những dữ liệu không xác đáng, và thường đây là một công việc tế nhị. Xin ghi nhận rằng nguyên lí không thiên vị thật ra xuất phát từ nguyên lí tổng quát về tính độc lập. Một ví dụ ứng dụng khác: tiên đề tách theo đó các tác nhân bàng quan trước hai mệnh đề đối chọn không có tác động đến việc lựa chọn, cho dù mức độ thoả mãn của họ là như thế nào đi nữa. Khi một biến không xác đáng là một đặc điểm cá nhân, tác động đến phúc lợi thì nguyên lí độc lập để cho biến này tự do xác định những bất bình đẳng giữa các cá nhân, và điều này là biện minh được khi ta để cho cá nhân chịu trách nhiệm của biến được xem xét và những hệ quả của nó.
Có nhiều nguyên lí khác mà tầm quan trọng giới hạn ở những lĩnh vực ứng dụng đặc biệt. Chẳng hạn, nguyên lí bình đẳng, một nguyên lí mong muốn rằng những tình thế cuối cùng của các tác nhân đều bằng nhau, được áp dụng vào những trường hợp có thể tiến hành những so sánh giữa các cá thể. So sánh này có thể nhằm vào những mức phúc lợi, hay vào những nguồn lực mà các cá thể có thể sử dụng. So sánh những nguồn lực là phức tạp hơn khi chúng có nhiều chiều kích (nhiều sản phẩm) (phúc lợi cũng có thể có nhiều chiều kích, như trong lí thuyết những functionings của Sen, 1987). Và có nhiều hệ tiên đề nhằm xác định những dạng bình đẳng trong bối cảnh này. Chẳng hạn, việc không thèm muốn, một tiên đề đòi hỏi là mọi cá nhân thích những nguồn lực mình nhận được hơn là những nguồn lực của tất cả các cá nhân khác, hay sự bình đẳng tương đương, một điều kiện đòi hỏi là mỗi người bàng quan giữa những gì mình có và một rổ sản phẩm qui chiếu. Cũng có thể xếp vào hạng những ứng dụng của nguyên lí bình đẳng những tiên đề về sự liên đới trách nhiệm (đoàn kết) theo đó một thay đổi của những tham số chung của nền kinh tế (nguồn lực sẵn có, dân số, những đặc điểm của các bộ phận dân số) tác động cùng chiều đến những cá thể không trực tiếp liên can. Khi những cá thể có những đặc điểm mà ta muốn triệt tiêu tác động thì nguyên lí bình đẳng trở thành một nguyên lí bù trừ nhằm lập lại sự bình đẳng giữa những kết quả cuối cùng bằng những chuyển nhượng bù đắp.
Đôi lúc thế chỗ cho nguyên lí bình đẳng là nguyên lí tỉ trọng, đặc biệt được áp dụng trong những bối cảnh sản xuất và chia sẻ chi phí, vận dụng đến, cho mỗi cá thể, một thù lao và một đóng góp. Cuối cùng, có thể đối lập với nguyên lí bình đẳng và nguyên lí tỉ trọng nguyên lí công lợi, theo đó điều quan trọng là tổng những lợi ích cá thể chứ không phải việc phân bổ tổng này. Theo nguyên lí này, những nguồn lực phải ưu tiên được hướng đến nơi mà chúng tạo ra một ích lợi lớn nhất.

Những qui tắc lựa chọn và những phân bổ chính

Những lĩnh vực nghiên cứu là đa dạng và có thể phân loại thành ba. Lĩnh vực trừu tượng nhất được lí thuyết lựa chọn xã hội, do Arrow (1951) đề xuất, nghiên cứu. Những đối chọn trừu tượng, không có đặc trưng, phải được sắp xếp theo thứ tự sở thích, bằng cách tổng hợp những sở thích cá thể. Cách tiếp cận này là tiện lợi để phân tích những vấn đề bầu cử. Lí thuyết này có nhiều kết quả tiêu cực, đứng đầu là định lí Arrow nổi tiếng, do sử dụng ít thông tin. Tuy nhiên những qui tắc bầu cử truyền thống như qui tắc đa số, hay qui tắc Borda, bằng cách vận dụng cách tiếp cận này cũng đã được công nhận giá trị trên cơ sở tiên đề hóa. Bên lề cách tiếp cận này, còn có thể kể việc nghiên cứu những chỉ số bất bình đẳng, cũng nhắm đến việc sắp xếp những vectơ số thực.
Một lĩnh vực gần với lĩnh vực trên là lí thuyết trò chơi hợp tác và, trong lí thuyết này, lí thuyết mặc cả, được Nash (1950) đề xuất, có một vị trí nổi bật (đối tượng của lí thuyết mặc cả là những trò chơi hợp tác trong đó những liên minh hình dung được chỉ là những cá thể cách li nhau và tổng thể được nghiên cứu). Trường hợp hai đấu thủ thường được nghiên cứu nhất (xem V. Roth, 1979; Peters, 1992; Thomson, 1996). Trong hầu hết các công trình, các dữ liệu kinh tế nằm ở tầng sâu được đánh giá là không xác đáng và lập luận chỉ được tiến hành trên các vectơ lợi ích. Đó là những mô hình trong đó tập những lợi ích thực hiện được là đối tượng cơ bản của suy tư, vấn đề đặt ra là tìm một điểm trong tập này. Những qui tắc phân bổ chính trong lí thuyết mặc cả có hai đấu thủ là lời giải Nash, một lời giải nhằm tối đa hóa tích thu hoạch của các đấu thủ và lời giải Kalai-Smorolinski làm bằng nhau những thu hoạch tương đối (tỉ số những thu hoạch có được trên thu hoạch tối đa hình dung được). Trong lí thuyết tổng quát hơn về những trò chơi hợp tác có n đấu thủ, giá trị Shapley gán thêm cho mỗi đấu thủ một thu hoạch trung bình do việc thực hiện những liên minh mà đấu thủ có thể  tham gia, và hạt nhân, một khái niệm áp dụng tiêu chuẩn maximin từ điển cho những thu hoạch của những liên minh khác nhau, là những lời giải chính.
Cuối cùng, lí thuyết công bằng kinh tế, đặc biệt do Kolm (1972) đề xuất, tập trung vào một loạt những bối cảnh kinh tế đa dạng và ít nhiều cụ thể, trong số đó có thể kể: việc phân phối những sản phẩm không được sản xuất; phân bổ những hạn mức; việc sản xuất một sản phẩm tư nhân hay công cộng, bằng những đóng góp cá thể về nhân tố sản xuất; việc phân phối một sản phẩm trong trường hợp có sự bảo hoà có thể của các tác nhân; việc phân phối một hay nhiều sản phẩm không chia nhỏ được có khả năng, hay không, đền bù tiền tệ; việc bù đắp những thiệt thòi bằng một nguồn lực chuyển nhượng được. Vấn đề là xác định một qui tắc phân bổ những nguồn lực, tuỳ theo những tham số của nền kinh tế bao gồm dân số và những đặc điểm của dân số (sở thích, tài năng), cũng như những sản phẩm và kĩ thuật sẵn có lúc ban đầu (từ công bằng lúc nguyên thuỷ đã được đồng nhất với sự không thèm muốn, nhưng ngày nay từ này được sử dụng theo một nghĩa tổng quát hơn và bao phủ tất cả những tiêu chuẩn phân bổ các nguồn lực kinh tế). Ta cũng ghi nhận là trong cách tiếp cận này, thường những hàm lợi ích của các cá thể không được xem là những dữ liệu xác đáng, do đó cách tiếp cận vẫn thuần tuý thứ tự và tránh những so sánh lợi ích giữa các cá thể với nhau. Trong số những qui tắc phân bổ được nghiên cứu trong lĩnh vực này, có nhiều biến thể của cân bằng walrasian với ngân sách bằng nhau, đặc biệt có lợi thế là thoả mãn tiêu chuẩn không có sự thèm muốn. Một họ những qui tắc phân bổ quan trọng khác được suy ra từ nguyên lí bình đẳng tương đương, lợi ích của những qui tắc phân bổ thuộc họ này, ngược lại với những qui tắc trên, là thường chúng thoả mãn những tiên đề đoàn kết (những khái niệm bình đẳng tương đương và đoàn kết đã được định nghĩa ở trên). Cũng có thể gắn cùng với khuôn khổ lí thuyết này cách tiếp cận marxian lấy khái niệm bóc lột làm trung tâm, một khái niệm gắn với nguyên lí tính tỉ lệ giữa đóng góp và thù lao trong những mô hình sản xuất.  
Tuy nhiên ba lĩnh vực này được phát triển một cách ít nhiều độc lập với nhau, không có sự khác biệt chủ yếu nào và đều có thiên hướng nhập vào nhau trong một khuôn khổ thống nhất. Sự khác biệt, một thời gian dài được coi là chủ yếu, giữa việc tìm kiếm một điểm tối ưu (lí thuyết mặc cả, lí thuyết công bằng) và việc tìm kiếm một sắp xếp tất cả những đối chọn (lí thuyết lựa chọn xã hội) ngày nay hiện ra là thứ yếu, ví dụ với sự xuất hiện của những công trình đề nghị những sắp xếp trong lí thuyết công bằng. Sự khác biệt giữa các mô hình trừu tượng (lí thuyết mặc cả, lí thuyết lựa chọn xã hội) và mô hình kinh tế (lí thuyết công bằng) thật ra cho phép xử lí cả một thang bậc trong thông tin có tính đến một qui tắc xã hội có thể dẫn đến một lí thuyết hợp nhất áp dụng cho một loạt những mô hình từ những mô hình trừu tượng nhất đến những mô hình cụ thể nhất. Sự khác biệt giữa cách tiếp cận phi thứ tự (qui chiếu về những lợi ích cá thể) và cách tiếp cận thuần tuý thứ tự (qui chiếu về những sở thích cá thể) có xu hướng được lồng vào một sơ đồ chung có tính đến một cách ít nhiều đầy đủ những đặc điểm cá thể, tuỳ theo mức độ xác đáng được đánh giá theo một quan điểm đạo đức.

ARROW K. J., Social Choice and Individual Values (1951), (bản dịch tiếng Pháp, Choix collectives et préférences individuelles, Paris, Calman-Lévy, 1973).  ARROW K. J., SEN A. K. & SUZUMURA K. (chủ biên), Social Choice Re-exxamined, London, Macmillan, 2 tập, 1997. FLEURBAEY M., Théorie économique de la justice, Paris, Économica, 1996. HAUSMAN D. M. & MCPHERSON M. S., Economic Analysis and Moral Philosophy, Cambridge, Cambridge University Press, 1995. KOLM S. C., Justice et Equité, Paris, CNRS, 1972; Modern Theories of Justice, Cambridge (Mass.) MIT Press, 1997. MOULIN H., Axioms of Cooperative Decision Making, Cambridge, Cambridge University Press, 1988; Cooperative Microeconomics: A Game-Theoretic Introduction, Englewood Clifs, Prentice-Hall, 1995. NASH J. F., The Bargaining Problem, Econometrica, 18, 155-162, 1950. PETERS H. J. M., Axiomatic Bargaining Game Theory, Kluwer, 1992. RAWLS J., Théorie de la justice, Paris, Le Seuil, 1987. ROEMER J. E., Theories of Distributive Justice, Harvard University Press, 1996. ROTH A. E., Axiomatic Models of Bargaining, Blackwell, 1987. SEN A. K., On Ethics and Economics, Blackwell, 1987. THOMSON W., Bargaining Theory: The Axiomatic Approach, Academic Press, 1997.  YOUNG H. P., Equity. In Theory and Practice, Princeton University Press, 1994.
Marc FLEURBAEY
Giáo sư đại học Cergy-Pontoise
Nguyễn Đôn Phước dịch

® Bất bình đẳng; Định lí bấtkhả; Hiệu quả đối lại công lí; Lí thuyết trò chơi; Phúc lợi và lựa chọn xã hội.
Print Friendly and PDF