TẠI HOA KỲ, CÁC HỌC GIẢ ĐẠI HỌC TRONG TÂM ĐIỂM CỦA CUỘC CHIẾN GÂY ẢNH HƯỞNG LÊN CÁC GMO
Các thư điện tử cho thấy cách thức mà các doanh nghiệp về hóa chất nông nghiệp đã mua chuộc sự tín nhiệm của các học giả khoa học.
Áp phích chống GMO hiển thị trong một siêu thị lớn ở Seattle, Washington, Hoa Kỳ. © JASON REDMOND/REUTERS |
Chiến dịch minh bạch có ích về một trong những chủ đề môi trường gây tranh cãi nhiều nhất? Thủ đoạn nhằm bôi nhọ uy tín của các nhà nghiên cứu ủng hộ các sinh vật biến đổi gen (GMO, Genetically Modified Organisms)? Ở phía bên kia Đại Tây Dương, nơi mà người nông dân đã ồ ạt ứng dụng các GMO, cuộc tranh luận đã diễn ra nhanh chóng kể từ khi tờ New York Times công bố, vào hôm Thứ Bảy 5 tháng 9 năm 2015, các thư tín được trao đổi qua lại giữa các học giả trong đại học – các nhà nông học, các nhà sinh học, v.v. – , với các nhân viên điều hành ngành công nghiệp hoá chất nông nghiệp hoặc với Ketchum, công ty về quan hệ công chúng đại diện cho các lợi ích của các công ty Monsanto, Bayer, Dow Chemical, DuPont, v.v..
Các thư điện tử được công bố cho thấy cách thức các doanh nghiệp về hóa chất nông nghiệp sử dụng uy tín và thẩm quyền của các nhà khoa học thuộc giới hàn lâm trong cuộc chiến giành ảnh hưởng mà họ tiến hành chống lại các đối thủ của mình. Những người này không mang ơn ai. Theo điều tra của tờ nhật báo Mỹ, các nhà sản xuất nông nghiệp sinh học sử dụng, trên một quy mô nhỏ hơn, các chiến lược tương tự.
Hầu hết các thư từ được công bố đã được hiệp hội Quyền được biết của Hoa Kỳ USRTK [US Right to Know] thu thập, thông qua một thủ tục theo luật của Mỹ về quyền được tiếp cận các tài liệu hành chánh, có tên là FOIA (Freedom of Information Act – Đạo luật Tự do Thông tin của Hoa Kỳ).
“Tôi hứa với ông một lợi suất đầu tư vững chắc”, một nhà nghiên cứu đã viết như thế cho Monsanto vào tháng 8 năm 2014
Trong trường hợp này, hiệp hội USRTK đã yêu cầu 43 trường đại học công lập của Mỹ chuyển tất cả các tài liệu nội bộ – kể cả các thư điện tử của các nhân viên làm công tác khoa học – có chứa từ “Monsanto”, “cây trồng biến đổi gen”, “Ketchum”, v.v.. Cho đến lúc này, chỉ có 9 trường đại học đã cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của hiệp hội. “Các thư tín này tiết lộ cách thức Monsanto và các đối tác của họ sử dụng “bên thứ ba”, những nhà khoa học được giới thiệu như là những người độc lập, để chuyển tải các thông điệp của họ”, hiệp hội USRTK khẳng định trong một tuyên bố vào ngày 5 tháng 9.
Kevin Folta (1967-) |
Kevin Folta, một nhà sinh học phân tử và giáo sư tại Đại học Florida, là một trong số những nhà khoa học nói trên. Thư từ của ông gửi cho những người có trách nhiệm của Monsanto và của Ketchum cho thấy “ông đã nhanh chóng trở thành một thành viên của một nhóm các chuyên gia tư vấn của ngành, các nhà vận động hành lang và các quan chức, suy nghĩ về một chiến lược cản trở quyết tâm của một số quốc gia để làm cho việc dán nhãn GMOs trở nên bắt buộc và, gần đây hơn, để thúc đẩy quốc hội Mỹ ngăn chặn bất cứ bang nào thông qua một đạo luật như vậy”, tờ New York Times đã viết.
Đặc biệt ông Folta đã đến Pennsylvania và Hawai để điều trần trước các quan chức chính quyền địa phương về vấn đề này. Ông thường xuyên báo cáo về các hoạt động của ông cho ngành, và được ngành trang trải các chi phí – điều mà ông đã không khai báo. Người ta cũng yêu cầu ông trả lời những câu hỏi từ người dùng Internet về GMOs, và công bố các câu trả lời của ông trên trang mạng GMOAnswers.com, một trang mạng Internet do các chuyên gia truyền thông của Ketchum quản lý. Nhiều lần, ông đã đồng ý ký một bài trả lời đã viết sẵn, được soạn trước bởi công ty về quan hệ công chúng. Tháng 8 năm 2014, Monsanto quyết định trả cho ông một “nguồn tài trợ không giới hạn” lên đến 25.000 US$ (22.000 euros) để giúp ông tiếp tục làm công việc gây ảnh hưởng. “Tôi hứa với ông một lợi suất đầu tư vững chắc”, nhà nghiên cứu này đã viết.
Trong một bài thanh minh dài đăng trên blog của mình, ông Folta khẳng định không bao giờ nói hoặc viết bất cứ điều gì mà không dựa trên bằng chứng. Ngoài ra ông cũng khẳng định việc ông bảo vệ các công nghệ sinh học về thực vật diễn ra trước khi có những tiếp xúc với ngành.
David R. Shaw |
Những thư điện tử của David Shaw, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển kinh tế của Đại học Mississippi, cũng rơi vào trong hồ sơ của hiệp hội USRTK. Trong suốt thập niên qua, các công trình của David Shaw đã được Monsanto tài trợ lên đến 880.000 US$ (785.000 euros). Các thư từ của ông cho thấy các viên chức của công ty Creve Coeur (Missouri) đã yêu cầu ông, vào tháng 6 năm 2013, ra làm chứng trước Bộ Nông nghiệp Mỹ ủng hộ việc cấp phép cho một giống cây trồng biến đổi gen mới (bông và đậu nành), kháng được thuốc diệt cỏ. Công ty Dow Chemical cũng yêu cầu một công việc tương tự, cho một giống cây GMO tương tự – một viên chức của công ty thận trọng nhắc nhở ông về sự hỗ trợ tài chính cho trường đại học của ông. Monsanto và Dow cuối cùng đã thành công, các sản phẩm của họ đã được chấp thuận, mà không hề nêu lên vai trò khả dĩ của ông Shaw trong việc cấp phép này. Ông Shaw đã không trả lời các yêu cầu của tờ Le Monde.
“Cuộc săn phù thuỷ”
Bruce M. Chassy |
Đồng thời nằm trong tầm nhắm của hiệp hội USRTK là Bruce Chassy, giáo sư về dinh dưỡng con người tại Đại học Illinois, nhà khoa học cũng đã hưởng một khoản trợ cấp của Monsanto để quảng bá các công nghệ sinh học về thực vật. Các cuộc trao đổi thư từ của ông với các viên chức của công ty cho thấy ông đã đặc biệt gây sức ép lên Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ để họ từ bỏ một dự án hạn chế việc sử dụng các thuốc trừ sâu. Được tờ Le Monde liên lạc, ông Chassy kịch liệt đả kích một “cuộc săn phù thủy”. “Họ thăm dò các mối quan hệ của chúng tôi với các nhà sản xuất bởi vì họ không thể tranh cãi sự thật các lập luận của chúng tôi”, ông nói. Nhà nghiên cứu tin rằng việc sử dụng sai trái đạo luật FOIA là một đe dọa đối với sự tự do của các nhà khoa học. “Trong trường hợp hiện tại, chính sự hậu thuẫn của ngành cho trường đại học của tôi đã cho phép tôi thể hiện quyền tự do học thuật của mình”, ông giải thích.
Còn lại vấn đề là hiệp hội USRTK đã không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào đối với những tài liệu nhắm đến ngành nông nghiệp hữu cơ. Và lý do là vì đây là nhà tài trợ chính của hiệp hội. Vì vậy, tờ New York Times đã đưa ra các yêu cầu bổ sung cho nhiều trường đại học, lần này để tìm kiếm các mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu của đại học với các công ty đặt cuộc vào ngành nông nghiệp hữu cơ. Có những mối quan hệ như vậy cho dù, theo ghi nhận của tờ nhật báo Mỹ, “các chi phí cho vận động hành lang và cho quan hệ công chúng của ngành nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những chi phí của các công ty về công nghệ sinh học”.
Charles Benbrook (1949-) |
Ví dụ, nhà nông học Charles Benbrook, lúc bấy giờ ở Đại học bang Washington, đã có những cuộc tiếp xúc chặt chẽ với các công ty Stonyfield Farm, Whole Foods, Organic Valley và United Natural Foods. Các thư từ của ông với các công ty này cho thấy lợi ích của các công ty này trong việc làm nổi bật, qua một học giả đại học, những lợi ích của ngành nông nghiệp hữu cơ, và cả những rủi ro liên quan đến GMO. Ông Benbrook đã biện hộ, không những trước các cơ quan điều tiết mà còn trên các báo khoa học, cho việc dán nhãn GMO trong ngành thực phẩm, và còn chống lại việc cho phép các giống cây biến đổi gien mới kháng thuốc diệt cỏ. Trong một bài báo được chuyên san New England Journal of Medicine công bố vào tháng 8, ông đã không đề cập đến mối quan hệ của mình với các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sau đó đã sửa chữa lời tuyên bố của ông về các quan hệ có khả năng gây xung đột lợi ích.
Nhà báo Le Monde
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Aux Etats-Unis, des universitaires au cœur de la guerre d’influence sur les OGM, Le Monde, 08/09/2015.