4.3.18

Các chiều bất bình đẳng ở Việt Nam



CÁC CHIỀU BẤT BÌNH ĐẲNG Ở VIỆT NAM
Oxfam VN
BỐI CẢNH
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh trong 30 năm qua, với thu nhập bình quân tăng và số người nghèo giảm đều và đáng kể. Trên thực tế, gần 30 triệu người đã vượt chuẩn nghèo chính thức từ thập niên 1990[1] khi thu nhập GDP tính theo đầu người tăng từ 100 USD vào năm 1990 lên 2.300 USD vào năm 2015. Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam bình quân đạt 5-6% trong ba thập kỷ qua, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân khoảng 6,4% trong thập niên 2000. Mặc dù tăng trưởng nhanh như vậy nhưng so với một số nước, bất bình đẳng ở Việt Nam đã không tăng nhiều. Điều này một phần do những chính sách tích cực của Việt Nam về giảm bất bình đẳng. Mặc dù vậy, hiện nay Việt Nam vẫn phải đương đầu với một thách thức lớn: với sự tăng trưởng chậm lại và tình trạng bất bình đẳng về kinh tế cũng như bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội gia tăng, làm thế nào để Việt Nam có thể tăng trưởng toàn diện và bền vững để tất cả người nghèo cùng hưởng lợi?
Cuộc cải cách Đổi mới, khởi đầu năm 1986, đã dẫn tới những thay đổi chính sách đáng kể. Doanh nghiệp tư nhân phát triển, gồm đầu tư của các công ty nước ngoài. Với việc trở thành thành viên ASEAN và WTO, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Vào năm 2009, Việt Nam đạt vị thế nước có thu nhập trung bình thấp, và gần đây đạt hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng từ 0,476 vào năm 1990 lên nhóm trung bình với mức 0,666 vào năm 2014[2]. Tiến bộ ghi nhận đáng kể ở các chiều phúc lợi khác, gồm tỷ lệ nhập học tiểu học cao, đạt 98,96% trong năm học 2013-2014[3], và các cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong[4].
BẤT BÌNH ĐẲNG KINH TẾ
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và các chính sách theo đuổi trong ba thập kỷ qua đã giúp giảm tỷ lệ nghèo trên cả nước. Nhưng khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng, đòi hỏi những chính sách mới để đảm bảo không tăng bất bình đẳng lẫn nghèo.
Trong khi Việt Nam tiếp tục duy trì chuyển đổi cơ cấu và giảm nghèo, mức tăng trưởng có xu hướng có lợi cho người giàu, với thu nhập từ nông nghiệp và sản xuất công nghiệp chỉ tăng đối với nhóm từ 10% tới 20% giàu nhất[5]. Điều này có nghĩa bất bình đẳng về kinh tế đã tăng lên trong hai thập kỷ qua.
Dù hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã vượt chuẩn nghèo chính thức, nhiều hộ có thu nhập chỉ nhỉnh hơn chuẩn nghèo và vẫn có thể coi là nghèo theo định nghĩa đa chiều. Ở một cực khác của đường phân bố tài sản, khoảng một phần triệu dân số Việt Nam được coi là “siêu giàu”, được định nghĩa là có tài sản[6] trị giá trên 30 triệu USD. Năm 2014, 210 người siêu giàu (có trên 30 triệu USD) ở Việt Nam có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD[7], tương đương 12% GDP cả nước. Knight Frank, một trong những công ty tư vấn tài sản toàn cầu lớn nhất thế giới, ước tính số người siêu giàu sẽ tăng đáng kể ở Việt Nam, sẽ lên đến con số 403 người vào năm 2025[8]. Tính toán của Oxfam cho thấy tại Việt Nam người giàu nhất có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất trong 10 năm[9]. Tài sản của người này, trị giá 2,3 tỷ USD, có thể giúp tất cả người nghèo ở Việt Nam (khoảng 13 triệu người theo tính toán năm 2014) thoát nghèo[10].
Theo NHTG, chỉ số Gini tăng từ 35,7% lên 38,7% trong 20 năm qua từ 1992 đến 2012, cho thấy bất bình đẳng thu nhập đã tăng trong giai đoạn này[11]. Số liệu từ các nguồn này có thể không phản ánh hết thực trạng bất bình đẳng ở Việt Nam vì các lý do khác nhau. Chẳng hạn, thu nhập hay chi tiêu của nhóm giàu không được khai báo và thu thập đầy đủ trong các kỳ điều tra mức sống hộ gia đình; do đó, số liệu đo bất bình đẳng có thể bị giảm[12]. Các thước đo, khung thời gian và mật độ đo khác nhau có thể đưa ra những bức tranh khác nhau về bất bình đẳng ở Việt Nam.
Khi xem kỹ hơn tình trạng phân bố thu nhập và diễn biến của các nhóm thu nhập khác nhau trong thập kỷ vừa qua, chúng ta có thể nhận thấy các nhóm nghèo nhất không được hưởng lợi như các nhóm khác. Trong giai đoạn từ 1992 đến 2012, tỷ lệ Palma (đo tỷ lệ giữa phần thu nhập của nhóm 10% thu nhập cao nhất và nhóm 40% có thu nhập thấp nhất) tăng 17%, từ 1,48 lên 1,74. Xu hướng này chủ yếu là do phần thu nhập của nhóm 40% có thu nhập thấp nhất giảm, từ 19,33% xuống 17,28% (Hình 1).
Hình 1: Diễn biến tăng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam, từ 1992 đến 2012[13]
Bên cạnh đó, hình 2 cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2012, tăng chi tiêu bình quân của bốn nhóm 10% đầu tiên trong mô hình phân bố luôn thấp hơn các nhóm dân khác. Đặc biệt, trong khi chi tiêu của nhóm 10% nghèo nhất tăng 4,8 % mỗi năm, chi tiêu của nhóm 10% giàu nhất tăng 6,3%.
Hình 2: Tăng chi tiêu trung bình hàng năm theo thập phân vị, 1992 đến 2012
Nguồn: PovcalNet (http://iresearch.worldbank.org/PovcalNet/index.htm?0, truy cập ngày 06/09/2016)
Hàm ý của các tốc độ tăng trưởng này có thể thấy rõ hơn ở giá trị chi tiêu tuyệt đối (Hình 3). Trong 20 năm (từ 1992 đến 2012), chi tiêu hàng ngày của nhóm 10% nghèo nhất tăng từ 0,8 USD lên 2,1 USD, trong khi chi tiêu của nhóm 10% giàu nhất tăng từ 7,2 USD lên 24,3 USD.
Hình 3: Chi tiêu trung bình hàng ngày của một số nhóm thập phân vị (1992, 2002, 2012)
Nguồn: PovcalNet (http://iresearch.worldbank.org/PovcalNet/index.htm?0, truy cập ngày06/09/2016)
Hình 4: Thu nhập bình quân đầu người theo ngũ phân vị
Nguồn: Nguyễn Việt Cường, ước tính từ KSMSDC[14]
Hơn nữa, phân bố lợi ích của tăng trưởng kinh tế có xu hướng bất bình đẳng hơn trong những năm gần đây. Nói cách khác, phân bố thu nhập ngày càng phân cực theo thời gian. Hình 4 cho thấy, trong khi chỉ có sự chênh lệch thu nhập nhỏ giữa bốn nhóm ngũ phân vị đầu tiên trong mô hình phân bố (nhóm 80% có thu nhập thấp nhất), có khoảng cách lớn giữa nhóm này và nhóm 20% có thu nhập cao nhất, và khoảng cách này ngày càng rộng ra từ năm 2004.
Xu hướng này nhất quán với kết quả nghiên cứu thực địa về dịch chuyển xã hội do Oxfam tiến hành năm 2016, với sự tham gia của 600 người được hỏi từ 12 xã thuộc ba tỉnh (Lào Cai, Nghệ An, Đắk Nông). Khảo sát này cho thấy mức chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% hộ giàu nhất và nhóm 20% hộ nghèo nhất là 21 lần, cao hơn nhiều so với mức chênh lệch do KSMSDC năm 2010 (8,5 lần) và năm 2012 (9,4 lần) xác định. Các kết quả khác nhau này có thể giải thích một phần là do mẫu của hai cuộc khảo sát khác nhau. Nhưng các kết quả cũng cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở cấp thôn khá lớn và tăng theo thời gian, đặc biệt ở các vùng nghèo và xa, nơi nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính[15]. Các cuộc phỏng vấn sâu trong khảo sát thu nhập hộ ở ba tỉnh cũng khẳng định tình hình này[16].
BẤT BÌNH ĐẲNG THEO CHIỀU NGANG (BẤT BÌNH ĐẲNG THEO DÂN TỘC VÀ THEO VÙNG)
Bất bình đẳng theo chiều ngang hay theo nhóm cũng là một thách thức lớn ở Việt Nam và đang cản trở công cuộc xóa nghèo và giảm bất bình đẳng nói chung trên cả nước. Những khác biệt đáng kể đang tồn tại giữa các vùng và các nhóm dân tộc khác nhau sống tại đây.
Khác biệt đáng kể đầu tiên là giữa các vùng thành thị và nông thôn: theo số liệu KSMSDC năm 2012, 5,4% dân số thành thị sống dưới chuẩn nghèo, so với 22,1% dân số nông thôn. Hình 5 cho thấy, khoảng sách thu nhập tuyệt đối tính theo đầu người giữa các hộ thành thị và nông thôn tăng từ 4.754.000 VND (220 USD) năm 2004 lên 6.344.000 VND (310 USD) năm 2014. Dân số thành thị chỉ chiếm 29,6% tổng dân số nhưng chiếm tới 51,9% nhóm thu nhập cao[17].
Bằng chứng cũng cho thấy giảm nghèo và lợi ích của tăng trưởng phân bổ không đều trên cả nước, bất bình đẳng thu nhập tăng giữa các vùng và, trong chừng mực nhất định, trong nội bộ vùng[18]. Nếu tính theo vùng, Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ được xem là chiếm số đông trong các nhóm thu nhập trung bình, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long chiếm số đông trong nhóm cận nghèo. Tây Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có đông người nghèo. Theo KSMSDC 2012, Đông Nam Bộ có mức thu nhập hàng tháng tính theo đầu người cao nhất cả nước (3.016.000 VND hay 150 USD), cao hơn gấp ba lần thu nhập hàng tháng bình quân ở Tây Bắc (999.000 VND hay 50 USD). Hình 5 thể hiện tỷ lệ nghèo theo vùng ở Việt Nam giai đoạn 2010-2014.
Hình 5: Tỷ lệ nghèo theo vùng ở Việt Nam giai đoạn 2010-2014
Nguồn: NHTG tại Vietnam 2015. Phân tích Hệ thống ở Việt Nam – Ưu tiên Giảm Nghèo, Thịnh vượng Chung và Bền vững
Số liệu KSMSDC (2004-2014) và nghiên cứu mới đây của Oxfam (2016) cho thấy các hộ ở Đông Nam Bộ, vùng giàu nhất Việt Nam, có mức độ dịch chuyển thu nhập cao nhất giữa các vùng. So với các hộ ở Đồng bằng Sông Hồng (nhóm tham chiếu), các hộ ở Đông Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ít có khả năng hơn thoát khỏi nhóm ngũ phân vị thấp nhất. Các hộ ở Đông Nam Bộ có nhiều khả năng hơn thoát khỏi nhóm 40% thu nhập thấp hơn. Về khả năng chuyển xuống nhóm dưới, các hộ ở Duyên hải Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có nhiều khả năng hơn rớt khỏi các nhóm ngũ phân vị thu nhập cao.
Các khác biệt theo vùng này cũng do các yếu tố dân tộc ở Việt Nam tạo ra[19]. Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, gồm 54 dân tộc, trong đó nhóm đa số là người Kinh chiếm 85% dân số. Người Kinh có xu hướng sống ở các vùng đồng bằng, và có mức sống cao hơn các nhóm DTTS khác. Người Hoa cũng là nhóm khá giả và thường sống ở các vùng đồng bằng. Do đó, người Hoa thường được nhóm chung với người Kinh trong các nghiên cứu mức sống hộ gia đình, dù họ có thể vẫn chịu một số phân biệt đối xử do khác biệt dân tộc ở một số khía cạnh.
Tình trạng nghèo thu nhập ở các nhóm DTTS cao hơn rất nhiều. Các nhóm DTTS chiếm chưa đầy 15% dân số cả nước nhưng chiếm tới 70% số người nghèo cùng cực. Kết quả điều tra nghèo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội năm 2014 cho thấy, tỷ lệ nghèo ở DTTS cao tới 46,6%, so với 9,9% ở các nhóm Kinh và Hoa. Trẻ em DTTS có nguy cơ nghèo cao hơn (khoảng 62-78%) so với trẻ em Kinh hay Hoa (24-28%)[20]. Năm 2006, khả năng thuộc nhóm ngũ phân vị nghèo nhất của các hộ có chủ hộ DTTS ở Việt Nam cao gấp 3,2 lần so với các hộ có chủ hộ dân tộc đa số, xác suất này tăng lên 3,5 lần vào năm 2011[21].
Khoảng cách chuyển dịch thu nhập giữa các nhóm dân tộc cũng lớn, và có những dấu hiệu cho thấy khoảng cách này đang tăng theo thời gian. Trong khoảng thời gian 2010-2014, khoảng 19% DTTS thuộc nhóm ngũ phân vị thu nhập thấp nhất chuyển lên nhóm ngũ phân vị thu nhập cao hơn, trong khi con số này ở nhóm Kinh và Hoa là 49%[22]. Ngoài ra, các nhóm DTTS có nhiều khả năng rớt xuống nhóm thu nhập thấp hơn trong khi lại ít khả năng chuyển lên nhóm thu nhập cao hơn, so với các nhóm Kinh/Hoa.
Hình 6 cho thấy cả khoảng cách thu nhập tuyệt đối và tương đối giữa nhóm Kinh/Hoa và các nhóm dân tộc khác tăng theo thời gian. Tỷ lệ thu nhập theo đầu người của nhóm Kinh/Hoa so với các nhóm dân tộc khác tăng từ 2,1 năm 2004 lên 2,3 năm 2014.
Hình 6: Thu nhập theo đầu người phân theo dân tộc và khu vực
Nguồn: Nguyễn Việt Cường 2016, ước tính từ KSMSDC 2004-2014
BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG ĐAN XEN
Một loại bất bình đẳng quan trọng nữa ở Việt Nam là phân biệt đối xử với phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội khác nhau. Trong nhiều thế hệ, phụ nữ chịu thiệt thòi trong khả năng tiếp cận giáo dục để nâng cao trình độ và các cơ hội phát triển do các chuẩn mực về giới bó buộc với vai trò làm mẹ và nội trợ. Ngày nay, phụ nữ vẫn ở vị trí thiệt thòi so với nam giới dù đã có khung pháp lý hỗ trợ bình đẳng giới.
Nam giới chiếm ưu thế trong kiểm soát đất đai và các tài sản có giá trị khác, và hầu hết các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mang tên chủ hộ là nam giới. Tình trạng này có thể khiến phụ nữ bị mất quyền trong trường hợp ly hôn hay hưởng thừa kế. Nam giới thường ra quyết định về đầu tư kinh doanh của hộ gia đình và việc sử dụng thu nhập. Hạn chế trong sở hữu tài sản làm giảm khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các cơ hội tín dụng và đầu tư. Nông dân quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ với trên 50% chưa học xong tiểu học[23], có khả năng tiếp cận chưa bình đẳng tới tri thức, công nghệ và thị trường. Mặc dù phụ nữ đóng góp đáng kể vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn, và sản xuất lương thực, nhưng những đóng góp đó thường không được lượng giá cụ thể. Chẳng hạn, nhóm nông dân nữ có vai trò chủ yếu trong việc mua vật tư và bán sản phẩm nhưng thường không được công nhận là những chủ thể kinh tế cả ở cấp hộ gia đình và trong các chuỗi giá trị.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Duy Lợi và cộng sự (2014)[24]:
• Dù chiếm số đông[25], các lao động nữ chủ yếu thiếu kỹ năng và không qua đào tạo, làm trong các ngành thâm dụng lao động như giày da và may mặc (78,5%), chế biến và sản xuất thực phẩm (66,8%), gốm sứ và thủy tinh (59,2%);
• 24,5% phụ nữ là lao động ăn lương so với con số 35,4% lao động nam hưởng lương;
• Trong khu vực việc làm chính thức, cơ hội việc làm có lương định kỳ của nam và nữ ngang nhau. Tuy nhiên, trong kinh tế phi chính thức và kinh tế hộ, phụ nữ thường không có các cơ hội việc làm bình đẳng. Trong khu vực việc làm phi chính thức[26], cơ hội để phụ nữ có được việc làm trả lương thấp hơn nam giới 64%. Cơ hội thấp nhất đối với nữ giới có được việc làm hưởng lương là 12,4%, trong khi con số này đối với nam giới là 34,7%[27];
• Khoảng 60% lao động nữ và 48,9% lao động nam làm việc thêm trên bốn tiếng mỗi ngày (60 tiếng một tuần trên thực tế so với 40 tiếng một tuần theo luật); khoảng 23% lao động, đặc biệt là nữ, làm việc trong các môi trường nguy hại. Nhiều nghiên cứu cho thấy nữ giới có thu nhập thấp hơn nam. Theo nghiên cứu của Nguyễn Duy Lợi và cộng sự (2014)[28], trung bình lao động nam có thu nhập cao hơn 33% so với đồng nghiệp nữ ở mọi ngành nghề. Khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ nhỏ nhất trong khu vực công, ở mức 7%, trong khi rất lớn trong khu vực phi chính thức (cũng như trong các doanh nghiệp trong nước), lên tới 30%. Nhưng khác biệt lớn nhất (43%) là trong nông nghiệp và các công ty nước ngoài. Khoảng cách này còn lớn hơn nếu tính các lao động không lương với rất đông nữ. Trong khi khoảng cách lương trong khu vực việc làm chính thức đã được thu hẹp dần và hiện ở mức 12% trên cả nước, các ước tính cho thấy nữ giới trong nền kinh tế phi chính thức chỉ có thu nhập bằng 50% thu nhập của nam giới. Một nghiên cứu khác cho thấy khoảng cách lương lớn nhất là ở khu vực có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nơi lao động nữ chỉ có thu nhập bằng một nửa của lao động nam[29].
Các dạng bất bình đẳng này đối với phụ nữ tại nơi làm việc là một nghịch lý nữa của mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao nhất ở Đông Nam Á, chủ yếu là lao động trong ngành nghề xuất khẩu. Phụ nữ di cư ở độ tuổi ngày càng trẻ và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong số dân di cư[30]. Đây là một nhân tố quan trọng trong giảm nghèo[31], hơn nữa, như đã trình bày ở trên, điều này làm duy trì các dạng bất bình đẳng giới và dẫn tới tình trạng bóc lột xảy ra ở một số nhóm phụ nữ, ví dụ như nhóm nữ nhập cư trẻ.
Các phân biệt đối xử đối với phụ nữ thường đan xen và khuyếch đại bởi các thiệt thòi do thuộc các nhóm dễ bị tổn thương hay lề hóa, như các nhóm DTTS. Các khác biệt về vị thế giới còn lớn hơn trong một số nhóm DTTS, do phụ nữ vẫn có khả năng tiếp cận các cơ hội giáo dục và kinh tế thấp. Phụ nữ trưởng thành và các em gái DTTS thường chịu nhiều thiệt thòi hơn do khả năng đọc viết kém, ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tốt, làm việc nhiều giờ, và có vai trò hạn chế trong quá trình ra quyết định tại cộng đồng và trong gia đình. Việc trẻ em DTTS chịu nhiều thiệt thòi khác nhau ngay từ nhỏ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thành công sau này của các em. Về mặt văn hóa, các em cảm thấy mình ở trong tình trạng khó chấp nhận khi “mắc kẹt giữa hai thế giới” – bản sắc văn hóa quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Vấn đề tiến thoái lưỡng nan về bản sắc này có thể cản trở tiếng nói và khả năng tự chủ của các thanh thiếu niên.[32] Vấn đề kỳ thị dân tộc ở các trường vùng xa giữa học sinh DTTS và học sinh Kinh cũng nghiêm trọng và được bộc lộ theo nhiều cách: trêu trọc, nói mỉa, móc máy, đặt tên lóng, và hù dọa, như một học sinh Mường chia sẻ trong câu chuyện dưới đây:

“Cháu hay bị các bạn trêu chọc … tụi nó chọc bố mẹ cháu là “con nhà nghèo, ăn cứt mèo”… Nếu cháu đáp trả thì sẽ bị đánh nên cháu phải im. Tuần trước, bạn Quang Linh trêu và còn đánh vào đầu cháu … các bạn gái cũng trêu cháu là cháu thích cái này cái nọ và tẩy chay cháu. Ngày nào đi học cháu và em Dương (em trai) cũng bị trêu như thế [cháu quay đi và khóc khi nói câu này]”
(Cháu Anh – trường tiểu học Thu Phong, dân tộc Mường, hộ nghèo).

Phụ nữ cũng bị phân biệt đối xử trong việc tham gia vào quyết định kinh tế và chính trị. Trong chính trị và kinh doanh, do phần lớn quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp là nam giới, nên các chính sách liên quan đến phụ nữ thường có khuynh hướng có lợi cho nam giới hơn. Ở tất cả các bộ ngành, bộ trưởng và vụ trưởng là hai vị trí có quyền quyết định trong các chính sách nói chung và các chính sách liên quan tới vấn đề giới nói riêng.
Tuy nhiên, các vị trí này lại chủ yếu do nam giới nắm giữ (số bộ trưởng nữ là 1/20; và số vụ trưởng nữ là 89/1048)[33]. Tương tự, nhiều doanh nghiệp có lãnh đạo nữ đóng góp phát triển kinh tế nhưng vai trò của họ ít được công chúng ghi nhận.
BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ TIẾNG NÓI VÀ CƠ HỘI
Bất bình đẳng về tiếng nói
Bất bình đẳng về thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ công như y tế và giáo dục còn trở nên phức tạp và dai dẳng hơn một phần bởi những người thiệt thòi không thể lên tiếng đòi hỏi dễ dàng như những người khác. Họ vào đời với ít cơ hội hơn và chu kỳ này lại càng được củng cố và tiếp diễn ở giai đoạn sau trong cuộc đời họ.
Nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy các nhóm thiệt thòi thiếu hiểu biết về quyền và có rất ít không gian để lên tiếng về quyền của mình. Các nhóm này thiếu khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật, dịch vụ, thị trường, đất đai[34], bầu cử[35], và bị hạn chế quyền tự do biểu đạt. Họ cũng bị hạn chế tham gia và gây ảnh hưởng trong quá trình ra quyết định, và theo dõi việc thực thi luật pháp[36]. Ví dụ, nông dân quy mô nhỏ ít có tiếng nói trong thị trường hay quyết định chính trị. Mặc dù có một số tổ chức đứng ra bảo trợ cho nông dân, nhưng hầu hết các tổ chức này không thể phát triển mạng lưới hay tự tổ chức để có tiếng nói tập thể nhằm gây ảnh hưởng tới các chủ thể khác trong chuỗi giá trị. Nhìn chung, họ thiếu khả năng thương lượng với doanh nghiệp, khiến phải chịu thiệt thòi lớn về sinh kế và thu nhập.
Các nhóm thiệt thòi có tiếng nói rất hạn chế trong việc ra quyết định và đời sống chính trị. Nghiên cứu của Oxfam về sự tham gia của người dân vào việc ra quyết định và đời sống chính trị ở Việt Nam (2015) cho thấy sự tham gia tương đối thấp, kể cả trong vấn đề đất đai vẫn được xem là đề tài nóng được dư luận quan tâm. Thực tế này cho thấy những lo ngại của người dân không được chuyển thành các hoạt động tham gia dân sự, đặt ra các vấn đề về thiếu niềm tin và thái độ thờ ơ. Việc giám sát của công dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương thông qua các cơ cấu giải trình trách nhiệm theo chiều dọc hiện đang là phần yếu nhất của tham gia trực tiếp. Sự tham gia của người dân thường bị hạn chế bởi các tệ quan liêu cứng nhắc, năng lực hạn chế, thái độ thâm căn cố đế, và việc thiếu các chiến lược và công cụ thực tế cho phép đối thoại hai chiều với người dân mà luật đã qui định[37]. Theo cách nhìn công chức, người dân lãnh đạm và thờ ơ với thông tin được công bố qua hệ thống chính quyền địa phương[38]. Cơ hội tham gia thì có nhưng có thể chưa bình đẳng để tạo ảnh hưởng thực sự tới công tác quản trị nhà nước, dù sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước và sự minh bạch trong phản hồi ý kiến người dân đã được nêu trong Hiến pháp 2013 (Điều 28). Đa phần sự tham gia trực tiếp và gián tiếp “mang tính hình thức” và “chỉ trên giấy tờ” ở các mức độ khác nhau.[39]
Lao động nhập cư là một trong các nhóm xã hội đang bị gạt ra khỏi mô hình tăng trưởng kinh tế nhanh hiện thời ở Việt Nam. Lao động nhập cư chiếm 7,7% tổng dân số (không tính nhóm nhập cư ngắn hạn); đa số (94%) dân nhập cư này đi từ nông thôn ra thành thị, và tới 70% tập trung ở các khu công nghiệp[40]. Thủ tục hành chính và phân biệt đối xử xã hội góp thêm phần vào vấn đề bóc lột lao động nhập cư và khiến họ khó đòi hỏi việc thực thi các quyền về kinh tế và xã hội. Lao động nhập cư và thành viên gia đình họ không được tính tới trong việc hoạch định kế hoạch của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội ở nơi đến/nơi làm việc của họ, do đó các hệ thống dịch vụ công ở địa phương không được thiết kế và phân bố ngân sách để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi của họ. Lao động nhập cư ra thành thị cũng chịu một số định kiến của chính quyền và người dân địa phương. Nhiều cơ quan chính quyền đổ lỗi cho người nhập cư gây ra tình trạng tăng dân số và cơ sở hạ tầng quá tải, mất vệ sinh và các vấn đề xã hội như trộm cắp, ma túy và mại dâm. Người nhập cư thường thấy khó hòa nhập vào xã hội nơi đến. Quy định về đăng ký hộ khẩu khiến họ khó tiếp cận các dịch vụ công. Tình trạng người sử dụng lao động vi phạm luật lao động khá phổ biến nhưng lao động nhập cư không dám lên tiếng vì sợ mất việc. Nhiều lao động không có hợp đồng và do đó không thể bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro về việc làm, sức khỏe, và an toàn. Họ không thể tổ chức thương lượng tập thể đòi tăng lương và bồi thường trong các trường hợp mất việc, ốm đau hay tai nạn.
Lý do chủ yếu khiến các nhóm thiệt thòi thiếu tiếng nói và sự tham gia gồm khả năng tiếp cận thông tin hạn chế và thiếu hiểu biết về quyền của họ. Một khảo sát lớn cho thấy 41% người Việt Nam không biết về Hiến pháp; 89,4% có nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật[41]. Hầu hết người dân có nhận thức hạn chế về chính sách thuế. Nghiên cứu của Oxfam về công bằng thuế và minh bạch ngân sách cho thấy nhiều người cho rằng doanh thu thuế và ngân sách nhà nước là những vấn đề chỉ quan trọng với chính phủ. Người dân cảm thấy họ không có quyền đòi hỏi thông tin hay chất vấn các quyết định về thuế và ngân sách, và cũng không có khả năng hiểu những vấn đề này. Người nghèo, đặc biệt người DTTS, có khả năng tiếp cận rất hạn chế với các thông tin thuế và ngân sách, gồm các quyền lợi của họ hưởng các dịch vụ công, và có xu hướng không biết về các quyền tiếp cận các thông tin thuế và ngân sách theo quy định trong Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước. Phụ nữ, nhất là thuộc các nhóm nghèo và DTTS, không biết về những đóng góp của họ cho thu ngân sách nhà nước và các quyền yêu cầu chính phủ phải giải trình về các khoản chi ngân sách. Thực tế, phụ nữ là nhóm có khả năng tiếp cận thông tin rất hạn chế và không có tiếng nói trong quá trình huy động, phân bổ và chi ngân sách nhà nước[42].
Bất bình đẳng cơ hội
Các quốc gia có mức bất bình đẳng thu nhập cao thường có đặc điểm là có mức phân biệt đối xử và bất bình đẳng cơ hội lớn hơn[43]. Ở Việt Nam, bất bình đẳng về tiếng nói thường đi cùng với sự phân biệt đối xử và thiếu sự tham gia của các nhóm thiệt thòi trong quá trình hoạch định chính sách, và đặc biệt là trong quá trình thực hiện chính sách. Hậu quả là các dạng bất bình đẳng cơ hội, tình trạng lề hóa xã hội và cơ hội chuyển dịch nấc thang xã hội hạn chế. Những người sinh ra đã nghèo có thể mãi vẫn nghèo; họ cũng chính là những người hưởng lợi kém hơn những người khác từ các dịch vụ công có chất lượng và thấy khó được lắng nghe với tư cách cá nhân hay thành viên nhóm.
Nguyên nhân thiếu khả năng dịch chuyển nấc thang xã hội có thể khác nhau ở các quốc gia khác nhau và theo quá trình thời gian, nhưng các mối liên kết giữa các yếu tố bất bình đẳng trình bày ở đây cho thấy các nguyên nhân chính sách chính đang hạn chế khả năng tiếp cận, cơ hội và tiếng nói, và cách thức các chính sách này đang được quyết định bởi những nhà lãnh đạo chịu ảnh hưởng nghiêng về những người có thu nhập cao và ảnh hưởng chính trị.
Phân biệt đối xử vẫn là một thách thức thực sự ở Việt Nam. Dù Hiến pháp (Điều 16) đảm bảo không phân biệt đối xử với mọi công dân nhưng nhiều người thiệt thòi đang bị kỳ thị, khiến họ không được hưởng một số chính sách và dịch vụ[44]. Thường các phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục, dân tộc, tôn giáo, hay tình trạng khuyết  tật. Một khảo sát toàn quốc (UNDP, Chỉ số Công lý 2015) cho thấy những người tình dục đồng tính, lưỡng tính, người chuyển giới, người mắc HIV, người nhập cư và DTTS chịu phân biệt đối xử nhiều nhất[45]. Nghiên cứu cũng cho thấy mức lề hóa xã hội đối với thanh niên DTTS nghèo nghiêm trọng rất cao so với thanh niên dân tộc đa số có gia đình khá giả. Thanh niên DTTS nghèo, đặc biệt những người thuộc các nhóm DTTS nhỏ nhất, có xu hướng chịu nhiều dạng lề hóa liên quan tới dịch vụ, ngôn ngữ, văn hóa, và kỳ thị. Các tác động tiêu cực thường hướng vào các nhóm DTTS này với những vấn đề về giáo dục hay sức khỏe, gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, mức sống và các cơ hội trong đời. Họ cũng có khả năng cao nhất có cha mẹ cũng bị lề hóa. Tình trạng lề hóa này liên quan mật thiết tới trách nhiệm giải trình của cộng đồng và quản trị nhà nước, thể chế hóa quyền trẻ em, chuẩn mực văn hóa, khoảng cách, khả năng dịch chuyển và liên kết mạng lưới[46].

“Con Vua thì lại làm Vua, Con sãi ở Chùa đi quét lá đa.” (Tục ngữ Việt Nam)

Bình đẳng cơ hội dựa trên ý tưởng cho rằng mọi người đều có cơ hội dịch chuyển lên nấc thang xã hội trong quãng đời mình hay từ thế hệ này qua thế hệ sau. Nghiên cứu mới đây của Oxfam về dịch chuyển xã hội (2016) cho thấy Đường Cong Gatsby Vĩ đại (GGC)[47], mô tả quan hệ tỷ lệ nghịch giữa bất bình đẳng thu nhập và dịch chuyển theo thế hệ ở Việt Nam (Hình 7). Độ co dãn theo thế hệ ở Việt Nam là 0,36 có nghĩa là nếu thu nhập của cha mẹ tăng 1% thì thu nhập của con sẽ tăng 0,36%. Mức dịch chuyển theo thế hệ này có thể là thông tin tốt cho các gia đình khá giả nhưng lại là tin không vui cho người nghèo.
Hình 7: Tương quan giữa bất bình đẳng thu nhập và chuyển dịch xã hội (Đường Cong Gatsby Vĩ đại)
Nguồn: Corak 2013; NHTG 2013; Nguyễn Việt Cường 2016
Chúng tôi đã trình bày về các hạn chế dịch chuyển nấc thang xã hội của các nhóm dân tộc; họ có ít khả năng hơn dịch lên tầng thu nhập cao hơn, mà thực ra là có nhiều khả năng dịch xuống hơn, so với các nhóm Kinh và Hoa[48]. Hình 8 cho thấy khoảng cách lớn về dịch chuyển nghề nghiệp giữa các nhóm dân tộc, giữa người dân nông thôn và thành thị, và giữa những người có các trình độ giáo dục khác nhau. Người DTTS và người dân nông thôn có ít khả năng có những việc làm không phải lao động chân tay và đòi hỏi kỹ năng hơn so với người Kinh, Hoa và người thành thị. Họ ít có khả năng đi lên hơn nhưng lại có nhiều khả năng đi xuống hơn trong lĩnh vực việc làm. Khả năng dịch chuyển hạn chế đặc biệt lớn đối với các nhóm DTTS: ở những hộ cha mẹ có nghề đòi hỏi kỹ năng hay không phải lao động chân tay, 67% con em DTTS lại có các nghề không đòi hỏi kỹ năng.
Hình 8: Tỷ lệ phần trăm người dân chuyển từ việc làm không đòi hỏi kỹ năng sang việc làm đòi hỏi kỹ năng
Nguồn: Nguyễn Việt Cường (2016)
Bất bình đẳng tiếng nói và cơ hội đang trở nên phức tạp hơn do nhận thức ngày càng cao và các lo ngại của người dân Việt Nam về các hiện tượng này. Nghiên cứu của Oxfam về nhận thức bất bình đẳng (2013)[49], cho thấy các dạng bất bình đẳng là mối quan tâm lớn đối với người dân Việt Nam thuộc các vị trí kinh tế - xã hội khác nhau và thuộc các vùng miền khác nhau trên cả nước. Nghiên cứu này cũng cho thấy các dạng bất bình đẳng cản trở cơ hội tiến lên của họ, như khả năng tiếp cận y tế và giáo dục có chất lượng, là những vấn đề đáng lo ngại đặc biệt[50].
Việc người dân có chấp nhận hay không tình trạng bất bình đẳng thu nhập tăng phụ thuộc vào nhận thức của họ về các cơ hội bình đẳng để dịch chuyển lên nấc thang xã hội. Hirschman từng có thuật ngữ nổi tiếng cho hiện tượng này là “hiệu ứng đường hầm”[51]. Ban đầu, người dân chấp nhận bất bình đẳng tăng do tăng trưởng kinh tế không đều vì họ kỳ vọng sẽ bắt kịp mức sống và hưởng lợi trong tương lai. Nhưng nếu kỳ vọng này không xảy ra, sự chấp nhận ban đầu có thể biến thành cảm giác tụt hậu, ghen tỵ và tức giận, có để dẫn tới xung đột xã hội. Hầu hết người cấp tin chấp nhận bất bình đẳng thu nhập tăng miễn là họ và con cháu họ cũng có cơ hội đi lên. Khái niệm “bình đẳng xã hội” thường được hiểu theo nghĩa bình đẳng cơ hội, không phải bình đẳng thu nhập.
Dù bất bình đẳng đang tăng với nhiều hình thức, thảo luận công khai về các vấn đề bất bình đẳng còn hạn chế. Thuật ngữ “bất bình đẳng” vẫn ít được sử dụng trong các tài liệu chính thức và trong các thảo luận của người dân, ngoại trừ vấn đề “bất bình đẳng giới”. Thực tế này có gốc rễ từ thái độ do dự cho rằng nói về bất bình đẳng có thể mẫu thuẫn với tư tưởng định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, nhận thức và thảo luận của người dân vẫn tập trung vào “tăng trưởng” và “nghèo” chứ chưa phải “bất bình đẳng”. Rõ ràng, nhận thức về bất bình đẳng và các tác động của vấn đề này vẫn rất hạn chế trong giới hoạch định chính sách và người dân. Thuật ngữ chính xác “bất bình đẳng” được dùng lần đầu tiên một tài liệu chính thức trong dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng Giêng năm 2016.
Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng đang dần dần xuất hiện trong các thảo luận chính trị và của người dân, một phần chịu ảnh hưởng của các cơ quan phát triển quốc tế. Vào tháng 9/2015, Liên Hiệp quốc thông qua Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững Toàn cầu. Lần đầu tiên, giảm bất bình đẳng nằm trong các mục tiêu toàn cầu (Mục tiêu 10). Chủ tịch Nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, đã tham dự hội nghị và khẳng định Nhà nước Việt Nam cam kết huy động mọi nguồn lực, tất cả bộ ngành, địa phương, cơ quan tổ chức, cộng đồng và người dân thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững Toàn cầu.
BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ
Việt Nam đã cải thiện đáng kể các kết quả về giáo dục và y tế, góp phần giảm nghèo như đã thấy trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, bất bình đẳng rõ rệt trong giáo dục và y tế vẫn tồn tại, phản ánh thực trạng nguồn lực công phân bố không đủ và không đều, giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế của các nhóm nghèo và bị lề hóa, đặc biệt các nhóm DTTS, phụ nữ, và trẻ em. Tình trạng này lại được gia cố bởi vấn đề thiếu tiếng nói của các nhóm này, góp phần duy trì bất bình đẳng cơ hội.
Bất bình đẳng về giáo dục
Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục tiểu học. Năm 2011, chỉ khoảng 2% dân số độ tuổi từ 20 đến 25 ở trong tình trạng nghèo cùng cực về giáo dục – nghĩa là trẻ được đến trường dưới hai năm. Có thêm 2% trong tình trạng nghèo tương đối về giáo dục, được đến trường khoảng từ hai đến bốn năm[52].
Tuy nhiên, tiến bộ này chưa nhanh và đủ để đảm bảo giáo dục chất lượng cho mọi người dân. Ví dụ, theo một báo cáo mới đây của UNICEF và Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng một triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 hoặc chưa bao giờ đến trường hoặc đã nghỉ học, trong khi hơn một phần mười trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 14 không tới trường[53].
Bên cạnh đó, dù tỷ lệ nhập học tăng ở mọi cấp, khoảng cách về tỷ lệ nhập học vẫn tồn tại ở các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau. Trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất xã hội và nhóm DTTS chịu thiệt thòi nhiều nhất về giáo dục. Trên thực tế, kết quả học tập của trẻ hộ nghèo không thay đổi nhiều trong 20 năm qua[54], nghĩa là có khoảng cách ngày càng tăng về kết quả học tập giữa con hộ giàu và con hộ nghèo. Tỷ lệ hoàn thành bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông của trẻ thuộc các hộ nghèo nhất và các hộ DTTS thấp hơn rất nhiều. Năm 2012, tỷ lệ nhập học đúng tuổi ở bậc trung học phổ thông là 90% đối với nhóm ngũ phân vị giàu nhất, so với 68% đối với nhóm ngũ phân vị nghèo nhất và 81% với nhóm ngũ phân vị nghèo thứ nhì (hay “cận nghèo”)[55]. Tỷ lệ nhập học trung học phổ thông trên 65% đối với nhóm Kinh và Hoa, nhưng chỉ 13,7% với các nhóm DTTS[56]. Ở cấp trung học phổ thông, khoảng cách giữa các nhóm cao nhất: tỷ lệ nhập học của học sinh Kinh là 84,5%, của học sinh Khmer là 22,8%, và của học sinh H’mong là 13,7%[57].
Khoảng cách ngày càng rộng về cơ hội và kết quả học tập thể hiện rõ không chỉ giữa các nhóm người dân theo thu nhập khác nhau, mà còn giữa vùng thành thị và nông thôn, và giữa các nhóm DTTS. Nếu tính theo vùng, Dự án Những Mảnh đời Trẻ thơ (Young Lives) cho thấy trong khi tất cả trẻ tám tuổi trong mẫu nghiên cứu theo học chính quy ở các vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, và ở các vùng duyên hải miền Trung, 5% trẻ ở vùng núi phía Bắc Việt Nam chưa bao giờ đi học. Trong số trẻ ở độ tuổi từ 11 đến 14, khả năng trẻ thuộc các hộ DTTS không tới trường cao gấp đôi[58].
Các em gái DTTS là nhóm có khả năng tiếp cận giáo dục thấp nhất. Các em gái DTTS có tỷ lệ nhập học thấp hơn nhiều và ít khả năng học lên trung học phổ thông, cao đẳng, và đại học hơn so với các em trai[59]. Tỷ lệ nhập học đúng tuổi của nữ sinh trung học phổ thông các hộ DTTS là 69% so với 87% đối với các em gái các hộ Kinh và Hoa[60].
Nguyên nhân được dẫn nhiều nhất cho những khác biệt này trong khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em nghèo và trẻ em DTTS gồm các yếu tố từ cả bên cung và bên cầu, như các giá trị văn hóa, chi phí, khoảng cách, và quyết định không đi học để đi làm. Trong nhiều thập kỷ, chính sách dạy bằng tiếng Việt không chỉ làm lề hóa các học sinh có tiếng mẹ đẻ không phải tiếng Việt, nhất là các nhóm dân tộc “loại nhỏ” như Dao, Hà Nhì, M’Nông, Ê Đê. Các cách tổ chức của trường học không thuận lợi, chi phí liên quan đến học tập (hay “chi phí cơ hội”), vấn đề kỳ thị và dọa nạt đều góp phần khiến việc đi học, đặc biệt ở cấp trên tiểu học, của trẻ em nghèo và trẻ em DTTS khó khăn hơn[61]. Bên cạnh đó, với cách biên soạn giáo trình ở cấp trung ương và chất lượng giáo dục thấp, việc nhiều trẻ em bỏ học có thể lại là một quyết định có lý.
Vì nghèo nên nhiều hộ không thể cho tất cả các con học tiếp. Trong nhiều trường hợp, một hay hai trẻ trong gia đình, thường là trẻ em gái, phải “hy sinh con đường học hành của mình”, như trường hợp của em Uyên và em Lan dưới đây[62].
Uyên là một học sinh nữ, người Mường. Em 16 tuổi, đã nghỉ học sau khi học hết lớp 8. Mẹ em đã tính rất kỹ xem quyết định cho cho con nào đi học trước khi quyết định chị gái của Uyên phải nghỉ học lớp 9 để dành tiền cho Uyên học tiếp. Nhưng chị gái của Uyên đã làm gương cho em, nên Uyên sau đó cũng quyết định nghỉ ở nhà để giúp mẹ việc nhà.
Em Lan, một học sinh người Dao, là trường hợp khác: gia đình em nghèo đến nỗi cả nhà chịu đói ba tháng mỗi năm. Cả Lan và em gái đều học khá, và cha mẹ các em nói sẽ cố hết sức để cả hai con có thể học xong phổ thông trung học. Ước mơ của Lan là học đại học, nhưng nếu trúng tuyển, gia đình em cũng không có tiền cho con lên thành phố. Em gái của Lan mơ thành nghệ sỹ nhưng phải kìm nén ước mơ bằng cách tự nhủ “học xong trung học phổ thông, mình sẽ về nhà đi làm thuê để giúp đỡ gia đình”.
Bất bình đẳng về y tế
Các nhóm thiệt thòi chịu các gánh nặng bất bình đẳng qua hệ thống chi cho y tế. Tổng ngân sách theo kế hoạch cho y tế ở Việt Nam tăng gần gấp đôi về giá trị tiền từ 64.000 tỷ VND (tương đương 3,2 tỷ USD) năm 2011 lên 117.000 tỷ VND (tương đương 5,8 tỷ USD) năm 2015. Tổng chi cho y tế theo phần trăm GDP tăng từ 4,9% năm 1998 lên 6,7% năm 2012; ngân sách y tế theo tỷ lệ phần trăm của tổng ngân sách nhà nước tăng từ 8,8% năm 2011 lên 9,4% năm 2015[63]. Tuy nhiên, tới 90% ngân sách y tế được dành cho chi thường xuyên, như lương và chi phí vận hành cơ sở vật chất. Trong khi đó, dịch vụ công có rất ít tiến triển về nâng cao hiệu quả, và giảm chi phí dịch vụ.
Tài chính y tế ở Việt Nam phụ thuộc vào nguồn chi của tư nhân, nhất là chi trả tự túc của hộ gia đình. Giá trị chi trả tự túc tăng từ 43,5% năm 2012 lên 48% tổng chi cho y tế năm 2013 (tỷ lệ cao nhất trong tổng chi cho y tế)[64], khiến nhiều hộ dân, đặc biệt hộ có chủ hộ là nữ, hộ nghèo nông thôn và hộ DTTS) có nhiều nguy cơ bị nghèo. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức dưới 30% do WHO đề xuất. WHO nhận thấy chi trả tự túc cao thường dẫn tới vấn đề chi phí “thảm họa” cho y tế ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, tỷ lệ chi phí “thảm họa” (tức chi phí y tế chiếm bằng hoặc trên 40% khả năng chi trả) và nghèo hóa do chi phí y tế khá cao (dù đang giảm) trong giai đoạn 1992 - 2012, đặc biệt ở các nhóm dân thiệt thòi như người nghèo, người có khả năng tiếp cận giáo dục thấp và người dân nông thôn. Theo nghiên cứu của Hoàng Văn Minh và Nguyễn Thị Phương (2015), có tới 583.724 hộ gia đình Việt Nam bị rớt xuống hay lún sâu vào cảnh nghèo do chi tiêu y tế ở Việt Nam vào năm 2012[65]. Tỷ lệ nghèo hóa do chi phí “thảm họa” cao hơn trong nhóm các hộ nghèo và các hộ nông thôn. Các chính sách giảm nghèo cũng như việc phân bố ngân sách và chi cho y tế công chưa đạt hiệu quả cao do quá trình xây dựng phát triển chính sách chưa dựa trên bằng chứng sát thực, quản trị y tế chưa hiệu quả, thiếu hoạt động theo dõi thường xuyên và có cơ chế kiểm soát chất lượng đáng tin cậy cũng như thiếu tiếng nói của xã hội dân sự[66].
Độ bao phủ của bảo hiểm y tế đã tăng theo thời gian (65% năm 2012 và 75% năm 2015). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân Việt Nam chưa có bảo hiểm y tế, tất yếu dẫn tới bất bình đẳng về khả năng tiếp cận y tế và dựa vào chi trả tự túc[67]. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ y tế kém và thiếu trầm trọng trang thiết bị và nhân viên y tế ở cấp huyện và xã ở vùng sâu, vùng xa, cũng như chi phí bảo hiểm y tế tăng từ đầu năm 2016 đã củng cố thêm dạng bất bình đẳng về y tế.
Bất bình đẳng về khả năng tiếp cận các dịch vụ có chất lượng và bất bình đẳng về mức độ được hưởng lợi từ các dịch vụ có chất lượng vẫn là vấn đề quan trọng của hệ thống y tế. Vấn đề sức khỏe kém ở Việt Nam tập trung trong các nhóm nghèo[68]. Người nghèo lại sử dụng các dịch vụ y tế ít hơn người giàu, trong khi các nhóm thu nhập cao hơn “có nhiều khả năng hơn” sử dụng nhiều loại dịch vụ nội và ngoại trú và cũng có điều kiện tới bệnh viện khám và điều trị nhiều hơn. Các nhóm thu nhập thấp hơn thường hay sử dụng các trung tâm y tế của nhà nước, chủ yếu là trung tâm y tế xã có chất lượng kém. Các nhóm DTTS thường có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế kém hơn do nhiều yếu tố như: thu nhập thấp hơn, chỉ dựa vào tiền túi, hệ thống y tế quan liêu, kỳ thị dân tộc, và các yếu tố nội tại của các nhóm DTTS, như chế độ phụ hệ, tôn giáo và thế giới quan[69]. Số liệu cho thấy phụ nữ có thai ở các hộ nghèo tại Việt Nam có khả năng không đi khám thai cao gấp ba lần[70]. Nghiên cứu cho thấy khả năng tiếp cận dịch vụ chất lượng cho các nhóm DTTS chỉ có thể tăng được nếu các yếu tố sau được xem xét: nhận thức, chi phí cơ hội, rào cản ngôn ngữ, niềm tin, lễ bái, văn hóa, kiêng kị, và các thói quen mạng lưới[71].
Nguồn: Thu hẹp khoảng cách: cùng giảm bất bình đẳng ở VN. Oxfam, NXB Lao Động Xã hội, Hà Nội, 2016, tr.12-26.




[1] NHTG 2012. “Khởi đầu tốt nhưng chưa hoàn thành: Thành tích giảm nghèo ấn tượng của Việt Nam và nhưng thách thức mới”.

[2] Xem http://hdr.undp.org/sites/default/files/hdr_2015_statistical_annex.pdf

[3] Nguyễn Thị Ngọc Anh 2014. Bình đẳng và chi tiêu công cho giáo dục ở Việt Nam. http://veam.org/wp-content/uploads/2016/08/115.-Nguyen-Thi-Ngoc-Anh.pdf

[4] NHTG 2012. “Khởi đầu tốt nhưng chưa hoàn thành: Thành tích giảm nghèo ấn tượng của Việt Nam và những thách thức mới”.

[5] Saumik và cộng sự 2016. Thay đổi cơ cấu và bất bình đẳng ở Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu ADBI.

[6] Nguồn tài sản của những người siêu giàu này chủ yếu là cổ phiếu, bất động sản, ngân hàng, các dịch vụ giải trí (khu nghỉ dưỡng, sân golf, nhà hàng…). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguồn tài sản không rõ và không minh bạch.

[7] Wealth X và UBS 2014. Báo cáo Tài sản Siêu giàu trên Thế giới.

[8] Knight Frank 2016. Báo cáo Tài sản.

[9] http://www.forbes.com/profile/pham-nhat-vuong/
http://english.vietnamnet.vn/fms/special-reports/149203/10-richest-people-on-vietnam-stock-exchange-in-2015.html

[10] Theo tính toán của Nguyễn Việt Cường, dựa vào KSMSDC (Khảo sát mức sống dân cư) năm 2014.

[11] Các thống kê này được tải xuống từ cơ sở dữ liệu trực tuyến Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI) của NHTG.

[12] NHTG 2012. “Khởi đầu tốt nhưng chưa hoàn thành: Thành tích giảm nghèo ấn tượng của Việt Nam và những thách thức mới”.

[13] Nguồn: PovcalNet (http://iresearch.worldbank.org/PovcalNet/index.htm?0, truy cập ngày 21/09/2016)

[14] KSMSDC do TCTK thực hiện với sự trợ giúp kỹ thuật của NHTG. KSMSDC được thực hiện hai năm một lần. Cuộc khảo sát mới nhất có thông tin được công bố là KMSDC 2014.

[15] Tới 40%, theo Báo cáo Dịch chuyển Xã hội của Oxfam, 2016.

[16] Oxfam tại Việt Nam 2016. Dịch chuyển Xã hội ở Việt Nam.

[17] Nguyễn Trần Lâm và cộng sự 2015. Biến thái của Bất bình đẳng cơ hội: Nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam. Bài trình bày tại Phiên hội nghị “Bình đẳng ở Đông Nam Á”, Hội nghị Eurosea, Vienna, tháng 8/2015.

[18] Nguyễn Trần Lâm 2016. Thay đổi xã hội và bất bình đẳng ở Việt Nam. Bài trình bày tại hội thảo của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) về thay đổi cơ cấu và tăng trưởng toàn diện, Tokyo, Nhật bản, 20-21 tháng 9, 2016; Saumik và cộng sự 2016. Thay đổi cơ cấu và bất bình đẳng ở Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu ADBI

[19] McCaig, Benjamin và Brandt 2015. Tăng trưởng có bình đẳng: Bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam. Truy cập từ https://drive.google.com/file/d/0B5Kjg1b9s7JRZk95SmZzcmJJLWs/view

[20] Nguyễn Trần Lâm và cộng sự 2013. Lề hóa xã hội trong các nhóm DTTS ở Việt Nam. Bài trình bày tại Hội nghị liên kết đại học ACFID 2013 “Tương lai phát triển: Những cách giảm nghèo khác”, Sydney, Ốt-xtrây-li-a.

[21] Bhatkal, Tanvi và Chiara Mariotti (2016) “Ai bị bỏ lại sau ở châu Á? Dẫn chứng ở Bangladesh và Việt Nam”. Báo cáo. Luân Đôn: Viện Phát triển Hải ngoại.

[22] Oxfam Việt Nam 2016. Dịch chuyển xã hội ở Việt Nam.

[23] UNWOMEN Việt Nam 2016. Để phụ nữ hưởng lợi từ tăng trưởng toàn diện.

[24] Nguyễn Duy Lợi và cộng sự 2014. Việc làm, thu nhập và bảo trợ xã hội cho lao động nữ trong khu vực phi chính thức ở Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu EADN số 84.

[25] Hiện nay, 47,4% lực lượng lao động Việt Nam làm trong ngành nông nghiệp, 30% làm dịch vụ và 21,1% làm trong ngành công nghiệp (Phân tích Bối cảnh Chung, 2015). Theo TCTK (2011), Việt Nam có dân số khoảng 87,84 triệu người, với 50,54% là nữ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có khoảng 51,4 triệu người, với 24,93 triệu (48,5%) là nữ.

[26] Khu vực phi chính thức của Việt Nam đóng góp 20% tổng GDP, gồm một phần tư tổng lực lượng lao động hay 50% các hoạt động phi nông nghiệp (82% nếu tính lao động trong các ngành nghề phi chính thức). (Nguyễn Trần Lâm và Sita Sumrit 2015. Bất bình đẳng: Phân tích nghiên cứu chính sách. Tài liệu nghiên cứu).

[27] Tỉ lệ lao động nữ không có hợp đồng cao hơn nhiều so với nam (24,4% so với 16%). Nguyễn Trần Lâm và Sita Sumrit 2015. Bất bình đẳng: Một Phân Tích Nghiên Cứu Chính Sách.

[28] Nguyễn Duy Lợi và cộng sự 2014. Việc làm, thu nhập và bảo trợ xã hội cho lao động nữ trong khu vực phi chính thức ở Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu EADN số 84.

[29] http://vietnamnews.vn/society/258266/women-face-discrimination-at-work.html#4vsli24zRQFJkiqt.97

[30] Oxfam 2015. Rào cản pháp lý và thực thi đối với lao động nhập cư trong tiếp cận bảo trợ xã hội.

[31] Nguyễn Trần Lâm và cộng sự 2016. Di cư và sức khỏe – Nghiên cứu trường hợp về người di cư ở Việt Nam. Bài trình bày tại Hội nghị diễn đàn học giả thế kỷ 21 lần thứ tư tại Đại học Harvard, Mỹ, 20-22 tháng 3, 2016.

[32] Lâm, NT, Mrk P và Robertson J, 2013. Phất triển bất bình đẳng và chương trình nghị sự hậu 2015: Nghiên cứu trường hợp ở Vùng Núi Đông Nam Á. Bài viết cho Hội nghị tham vấn theo chủ đề toàn cầu về giải quyết bất bình đẳng.

[33] UNDP 2015. Sẵn sàng để thành công: Khóa học trực tuyến cho các nữ ứng viên tiềm năng cho bầu cử tại Việt Nam.

[34] Trong báo cáo cho giai đoạn 2013-2015, tranh chấp và khiếu kiện đất đai đứng đầu trong số các vấn đề pháp lý phổ biến nhất (Chỉ số Công lý, 2015).

[35] Bỏ phiếu thay rất phổ biến ở Việt Nam. Ở một số vùng xa, tỷ lệ bỏ phiếu thay có thể lên tới 95-100%. Andrew Wells-Dang, Lê Kim Thái và Nguyễn Trần Lâm 2015. Giữa niềm tin và cơ cấu – Sự tham gia của người dân và bầu cử địa phương ở Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu chính sách chung về quản trị nhà nước và sự tham gia theo đặt hàng của Oxfam Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ở Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: tháng 8/2015.

[36] Giang Đặng và cộng sự 2015. Tự do thế nào được coi là tự do? Thái độ của người dân về tự do biểu đạt và các hạn chế ở Việt Nam. CECODES; Nguyễn Trần Lâm 2016. Thay đổi xã hội và bất bình đẳng ở Việt Nam. Bài trình bày tại hội thảo của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) về thay đổi cơ cấu và tăng trưởng toàn diện, Tokyo, Nhật bản, 20-21 tháng 9, 2016; Andrew Wells-Dang, Lê Kim Thái và Nguyễn Trần Lâm 2015. Giữa niềm tin và cơ cấu – Sự tham gia của người dân và bầu cử địa phương ở Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu chính sách chung về quản trị nhà nước và sự tham gia theo đặt hàng của Oxfam Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ở Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: tháng 8/2015.

[37] Hồ sơ tài chính và kỹ thuật 2015. Hỗ trợ quản trị địa phương có trách nhiệm và nhanh nhạy ở tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, Việt Nam. Chương trình Hợp tác Phát triển của Bỉ.

[38] Xem https://vietnam.oxfam.org/m-score.

[39] Andrew Wells-Dang, Lê Kim Thái và Nguyễn Trần Lâm 2015. Giữa niềm tin và cơ cấu – Sự tham gia của người dân và bầu cử địa phương ở Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu chính sách chung về quản trị nhà nước và sự tham gia theo đặt hàng của Oxfam Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ở Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: tháng 8/2015.

[40] Oxfam 2015. Rào cản pháp lý và thực thi đối với lao động nhập cư trong tiếp cận bảo trợ xã hội.

[41] UNDP Việt Nam 2015. Chỉ số Công lý – tiến tới một hệ thống tư pháp vì dân.

[42] Xem https://vietnam.oxfam.org/m-score.

[43] Paolo Brunori, Francisco Ferreira và Vito Peragine, Bất bình đẳng Cơ hội, Bất bình đẳng Thu nhập và Chuyển dịch Kinh tế: Một số So sánh Quốc tế, Tài liệu Nghiên cứu 2013-284, ECINEQ: Hội Nghiên cứu Bất bình đẳng Kinh tế.

[44] Nguyễn Trần Lâm và cộng sự 2013. Lề hóa xã hội trong các nhóm DTTS ở Việt Nam. Bài trình bày tại Hội nghị liên kết đại học ACFID 2013 “Tương lai phát triển: Những cách giảm nghèo khác”, Sydney, Ốt-xtrây-li-a.

[45] Chỉ số Công lý của UNDP 2015.

[46] Nguyễn Trần Lâm và cộng sự 2013. Lề hóa xã hội trong các nhóm DTTS ở Việt Nam. Bài trình bày tại Hội nghị liên kết đại học ACFID 2013 “Tương lai phát triển: Những cách giảm nghèo khác”, Sydney, Ốt-xtrây-li-a.

[47] GGC cho thấy mức độ chuyển dịch thấp hơn ở nơi có bất bình đẳng cao hơn.

[48] Oxfam Việt Nam 2016. Dịch chuyển xã hội ở Việt Nam.

[49] Nghiên cứu này áp dụng cả định tính (5 tỉnh/thành phố; 69 thảo luận nhóm - 417 người cấp tin; và 45 phỏng vấn sâu) và định lượng (4 tỉnh/thành phố với 1.645 phiếu hỏi).

[50] Nhận thức về bất bình đẳng có thể khác kết quả dùng số liệu khảo sát để đo bất bình đẳng do các chiều được xem xét, đơn vị phân tích, nhóm tham chiếu và các thước đo bất bình đẳng dùng để ghi nhận các thay đổi về bất bình đẳng.

[51] Hirschman, Albert O.; Rothschild, Michael (1973): Thái độ chấp nhận bất bình đẳng thu nhập đang thay đổi trong tiến trình phát triển kinh tế. Trong Tạp chí Kinh tế Quý số 87 (4), trang 544–566.

[52] Bhatkal, Tanvi và Chiara Mariotti (2016) “Ai bị bỏ lại sau ở châu Á? Dẫn chứng ở Bangladesh và Việt Nam”. Báo cáo. Luân Đôn: Viện Phát triển Hải ngoại.

[53] UNICEF và Bộ GDĐT 2014. Sáng kiến toàn cầu cho trẻ không tới trường. Nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam.

[54] Lò Thị Đức và Nguyễn Thị Ngọc. Phát hiện từ KSMSDC 2012. TTTK-NHTG.

[55] KSMSDC 2012.

[56] UNDP Việt Nam 2016. Báo cáo quốc gia về phát triển con người.

[57] Nguyễn Thị Ngọc Anh 2014. Bình đẳng và chi tiêu công cho giáo dục ở Việt Nam. http://veam.org/wp-content/uploads/2016/08/115.-Nguyen-Thi-Ngoc-Anh.pdf.

[58] KSMSDC 2012.

[59] London 2016. Nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ ở Việt Nam – Giáo dục, y tế và phấn đấu vì một xã hội thịnh vượng và công bằng.

[60] KSMSDC 2012.

[61] Lâm, NT và cộng sự, 2015. Tính năng động của bất bình đẳng cơ hội: Trường hợp của Việt Nam. Bài viết cho Nhóm ‘Bất bình đẳng ở Đông Nam Á”, Hội nghị Euroseas, Vienna, tháng 8/2015.

[62] Nguyễn Trần Lâm và cộng sự 2013. Lế hóa xã hội trong các nhóm DTTS ở Việt Nam. Bài trình bày tại Hội nghị liên kết đại học ACFID 2013 “Tương lai phát triển: Những cách giảm nghèo khác”, Sydney, Úc.

[63] Hoàng Văn Minh và cộng sự 2016. Phân tích ngân sách và chi y tế ở Việt Nam.

[64] Dự án chính sách y tế 2016. Tài chính y tế ở Việt Nam. PEPFAR/USAID.

[65] Hoàng Văn Minh và Nguyễn Thị Phương 2015. Chi tiêu cho y tế từ tiền túi của hộ gia đình Việt Nam 1992-2014.

[66] PAHE (Đối tác hành động vì công bằng y tế) 2016. Công bằng y tế ở Việt Nam – Góc nhìn của xã hội dân sự.

[67] Hoàng Văn Minh và cộng sự 2016. Phân tích ngân sách và chi y tế ở Việt Nam.

[68] London 2016. Nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ ở Việt Nam – Giáo dục, y tế và phấn đấu vì một xã hội thịnh vượng và công bằng.

[69] Malqvist và cộng sự 2012. Sử dụng chăm sóc sức khỏe bà mẹ ở Việt Nam: tăng bất bình đẳng dân tộc; PAHE (Đối tác hành động vì công bằng y tế) 2016. Công bằng y tế ở Việt Nam – Góc nhìn của xã hội dân sự.

[70] Malqvist và cộng sự 2012. Sử dụng chăm sóc sức khỏe bà mẹ ở Việt Nam: tăng bất bình đẳng dân tộc.

[71] Lâm, NT 2016. Thay đổi xã hội và bệnh truyền nhiễm ở miền núi phía bắc Việt Nam. Trong: A. Sleigh, C.H. Leng, P. K. Hong và cộng sự (bt) Biến động dân số và bệnh truyền nhiễm ở châu Á. World Scientific, Singapore, trang 138-157; Nguyễn Trần Lâm và cộng sự 2016. Tính biến động của bất bình đẳng ở Việt Nam. Bài trình bày tại Diễn đàn Học thuật Thế kỷ 21, tháng 3/ 2016, Đại học Harvard.

Print Friendly and PDF