16.12.22

Đa dạng sinh học: bảo vệ 30% hành tinh… còn 70% còn lại thì sao?

ĐA DẠNG SINH HỌC: BẢO VỆ 30% HÀNH TINH… CÒN 70% CÒN LẠI THÌ SAO?

Đăng ngày 17 tháng 3, 2022; Cập nhật ngày 8 tháng 12, 2022

Didier Babin, Christian LeclercDidier Bazile

Năm 2003, một cậu bé đang nhìn bọt sùi lên mặt nước do nồng độ chất tẩy rửa gây ra trên sông Tiete ở Brazil. MAURICIO LIMA/AFP

Đầu tháng 12 năm 2022, các cuộc đàm phán quốc tế về COP15 đã diễn ra tại Montréal. Các cuộc thảo luận này có mục tiêu là thiết lập một khuôn khổ mới để bảo vệ sự đa dạng sinh học trong thập kỷ tới.

Biện pháp hàng đầu của chiến lược toàn cầu mới này, đã được xây dựng từ năm 2020, liên quan đến việc thiết lập mục tiêu 30%, hoặc thậm chí 50%, các khu vực cần được bảo vệ trên thế giới, bao gồm ít nhất 10%, nếu có thể, những khu vực được gọi là cần được bảo vệ “mạnh”.

Nhìn lại hội nghị Nagoya 2010

Khuôn khổ mới này sẽ tiếp nối khuôn khổ đã được thông qua ở Nagoya vào năm 2010, và được đặc trưng bởi 20 mục tiêu được gọi là các mục tiêu Aichi, nhắm đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững sự đa dạng sinh học từ nay đến năm 2020.

Sự nhận định khoa học và chính sách về khuôn khổ Nagoya mang tính dứt khoát: việc triển khai các mục tiêu trên gần như là một thất bại hoàn toàn. Mục tiêu duy nhất đạt được, một cách tương đối, liên quan đến diện tích các khu vực cần được bảo vệ trên phạm vi toàn cầu: 17% diện tích đất đai và các vùng nước nội địa, và 10% diện tích biển và các vùng ven biển. Vì sao chỉ đạt được có mục tiêu này, và duy nhất có mục tiêu này mà thôi?

Chi tiết về 20 mục tiêu Aichi. United Nations

Các khu vực cần được bảo vệ đứng đầu danh sách

Mục tiêu này là một trong những mục tiêu cụ thể nhất và có thể đo lường được trong khuôn khổ toàn cầu được thông qua ở Nagoya. Mặt khác, cộng đồng bảo tồn thiên nhiên đã được tổ chức khá tốt từ nhiều năm qua để có thể thiết lập và quản lý các khu vực mới cần được bảo vệ.

Mục tiêu này đã tận dụng những ưu điểm của một “mô hình kinh doanh” đích thực trong lĩnh vực này, liên kết nhiều tác nhân khác nhau với các lợi ích sinh thái (tách biệt thiên nhiên khỏi các áp lực của con người góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học), các lợi ích chính trị (thiết lập các các khu vực cần được bảo vệ là một hành động chính trị dễ truyền thông), và các lợi ích tài chính (nhiều tổ chức khác nhau duy trì một nền kinh tế bảo tồn, từ các nhà tài trợ đến các tổ chức phi chính phủ, các cấp chính quyền thụ hưởng và các cộng đồng có liên quan).

Trong giai đoạn 2010-2020, không dễ để biết được các tác nhân đã đầu tư phần nào và đã huy động nguồn lực nào vào mục tiêu duy nhất nói trên về tăng trưởng diện tích các khu vực cần được bảo vệ. Nhưng nỗ lực này chắc chắn đã có một tầm quan trọng lớn hơn rất nhiều so với nỗ lực dành cho các mục tiêu Aichi khác.

Ít nhất 30% diện tích đất đai và 30% diện tích đại dương

Thật hợp lý khi tin rằng việc bảo vệ nghiêm ngặt một phần hành tinh sẽ góp phần bảo tồn ít nhất một phần sự đa dạng sinh học. Cách nhìn này không được chia sẻ rộng rãi, đặc biệt bởi người dân bản địa và cộng đồng địa phương, những người thường dung hòa khá tốt sự đa dạng sinh học với nền sản xuất nông nghiệp.

Cách nhìn này gắn rất chặt với cách tiếp cận lịch sử của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã một cách nghiêm ngặt, giống như việc bảo vệ các công viên lớn ở miền Tây nước Mỹ... ngay cả khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất không phải là nước đàm phán về thỏa thuận toàn cầu trong tương lai, Hoa Kỳ và Vatican không phải là “các bên” ký kết Công ước về đa dạng sinh học.

Bản đồ trình bày sự phân bố các khu vực cần được bảo vệ trên toàn thế giới. Hiện tại, có hơn 22,5 triệu km² các vùng đất đai và 28 triệu km² các vùng biển và ven biển cần được bảo vệ. protectedplanet.org, CC BY-NC-ND

Hãy nhớ lại mục tiêu hàng đầu của các cuộc đàm phán hiện tại: bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất đai và ít nhất 30% diện tích đại dương, từ nay đến năm 2030. Mục tiêu này cũng là mục tiêu chính của Liên minh tham vọng cao vì thiên nhiên và các dân tộc [High Ambition Coalition for Nature and People], do Costa Rica, Pháp và Vương quốc Anh đồng chủ trì, và ra mắt tại Paris vào ngày 11 tháng 1 năm 2021 tại Hội nghị thượng đỉnh Một hành tinh [One Planet Summit] về đa dạng sinh học.

Tập trung vào các khu vực cần được bảo vệ… một ý tưởng sai lầm?

Ngay cả khi việc mở rộng các khu vực cần được bảo vệ là một công cụ thiết yếu của các chính sách bảo vệ sự đa dạng sinh học, nhưng người ta đã chứng minh rằng “không thể đạt được các mức độ tham vọng cao về bảo tồn và phục hồi sự đa dạng sinh học […] nếu không có những thay đổi mang tính đột phá”.

Những thay đổi như thế chắc chắn là phức tạp và khó giải quyết hơn rất nhiều về mặt chính trị và kinh tế, so với việc thiết lập các khu vực cần được bảo vệ. Theo báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2019 của IPBES, (Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services, Diễn đàn khoa học và chính sách liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái), đó là:

vấn đề tái cấu trúc tổ chức cơ bản trên phạm vi toàn hệ thống, thông qua các nhân tố công nghệ, kinh tế và xã hội, kể cả các mô thức, các mục tiêu và các giá trị, cần thiết cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững sự đa dạng sinh học, cho phúc lợi con người trong dài hạn và cho sự phát triển bền vững.”

Các nhân tố xuống cấp đã được nhận diện một cách rõ ràng

Văn kiện đang được đàm phán cho khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu mới này, phải được hoàn tất vào năm 2022, ủng hộ những thay đổi mang tính đột phá này, trong khi ngược lại, một số Nhà nước khác thì thể hiện sự quan tâm đối với hiện trạng.

Như trong khuôn khổ trước [ở Nagoya], các khu vực cần được bảo vệ không phải là mục tiêu duy nhất được xác định. Và tầm quan trọng của các nỗ lực và phương tiện để triển khai cho toàn bộ các mục tiêu là điều cần thiết, vì tất cả các mục tiêu đều có mối quan hệ tương tác với nhau.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực hoặc tài trợ chủ yếu cho các khu vực cần được bảo vệ làm chệch hướng sự chú ý khỏi những thách thức thiết yếu cần giải quyết.

Thế nên, các kịch bản về tiến độ triển khai, được đề xuất trong báo cáo đánh giá mới nhất về sự đa dạng sinh học toàn cầu, đã cho thấy, nếu không kết hợp các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái với các hành động cụ thể khác, nhắm đến những thay đổi mang tính đột phá, thì xu hướng xuống cấp hiện nay của sự đa dạng sinh học vẫn sẽ tiếp diễn.

Các hành động bổ sung cụ thể cần đặc biệt nhắm đến năm nhân tố trực tiếp chính dẫn đến sự xuống cấp, đã được IPBES xác định trong báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2019: những thay đổi trong việc sử dụng đất đai và [tài nguyên] biển; sự khai thác trực tiếp một số tế bào; sự biến đổi khí hậu; tình trạng ô nhiễm; các giống loài xâm hại lạ.

Mỗi giờ, có 11 hecta đất đai biến mất ở châu Âu do quá trình mở rộng đô thị. Shutterstock

Chuyển đổi hệ thống kinh tế toàn cầu

Điều dễ hiểu là khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sắp tới là cần phải quan tâm đến 70% các khu vực chưa được bảo vệ.

Thách thức nằm ở khả năng chuyển đổi hệ thống kinh tế sang các nền sản xuất bền vững hơn các hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là thực phẩm; giảm bớt tiêu dùng, chất thải và lãng phí; hỗ trợ quá trình chuyển đổi sinh thái của các hệ thống nông lương và hệ thống các thành thị với cơ sở hạ tầng xanh hơn; giảm bớt áp lực lên các hệ sinh thái về nước sinh hoạt…

Tóm lại, là huy động mạnh vào mục tiêu thứ hai của Công ước về đa dạng sinh học, nhắm đến mục tiêu “sử dụng bền vững” sự đa dạng sinh học.

Các đánh giá về nhu cầu tài chính để triển khai khuôn khổ toàn cầu mới này đã ước tính rằng các nước chỉ nên dành khoảng 50% nỗ lực cho các khu vực cần được bảo vệ. Vì thế, điều cần thiết là cần phải đầu tư vào việc ngăn chặn và/hoặc chuyển đổi các hoạt động và các thông lệ thực hành không bền vững, chứ không phải chỉ tập trung chủ yếu vào nỗ lực trực tiếp bảo tồn thiên nhiên.

Mạnh dạn đầu tư vào những thay đổi mang tính đột phá

Bản báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2019 của IPBES đã đánh giá có thể không đạt được 80% các Mục tiêu phát triển bền vững cho năm 2030, nếu sự đa dạng sinh học tiếp tục xuống cấp.

Bên cạnh những lợi ích khác nhau, còn có những lợi ích chung có thể giúp tiến tới một quỹ đạo đúng đắn hơn và bền vững hơn. Các nhà đàm phán cho khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu phải đối mặt, đặc biệt, với vấn đề trợ cấp – khoảng 475 tỷ euro mỗi năm – nhắm đến việc hậu thuẫn cho các hoạt động gây hại đối với sự đa dạng sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc thủy sản.

Các khoản trợ cấp gây hại đối với sự đa dạng sinh học này làm nổi bật sự thiếu nhất quán của các chính sách công và nhấn mạnh đến sự cần thiết cần phải vượt ra ngoài các cách tiếp cận theo ngành nghề. Do đó, điều cấp bách là phải dừng lại và chuyển hướng các dòng chảy tài chính này, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của các lĩnh vực hoạt động đang có vấn đề và hiệu quả không bền vững.

Sống chung với trái đất

Với cách hành xử của con người, người ta có cảm giác là con người đang gây chiến với hành tinh và với toàn bộ các loài sinh vật khác. Và, theo một cách nào đó, trong trung hạn và dài hạn, họ đang gây chiến với chính bản thân họ. Thế mà, cách nhìn về chính sách đến năm 2050 đối với khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu mới là… “sống hài hòa với thiên nhiên”.

Vào lúc mà các cuộc đàm phán quốc tế về sự đa dạng sinh học đang bước vào giai đoạn cuối, điều cấp bách, vì thế, là cần phải tập trung nhiều vào các mục tiêu “70% còn lại” nói trên.

Các tác giả

Didier Babin, Christian Leclerc và Didier Bazile

Didier Babin, nhà nghiên cứu, Giao diện chính sách-khoa học về đa dạng sinh học, CIRAD [Centre de coopération internationale en recherche agronomique pour le développement – Trung tâm hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển]

Christian Leclerc, nhà sắc tộc sinh thái học, CIRAD

Didier Bazile, nhà nghiên cứu chuyên về bảo tồn sự đa dạng sinh học nông nghiệp, phụ trách về chủ đề đa dạng sinh học, CIRAD

Tuyên bố công khai

Didier Babin là chủ tịch hiệp hội MAB (Man And the Biosphere – Con người và Sinh quyển) – Pháp. Ông hiện là cố vấn khoa học cho dự án “Sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu cho khuôn khổ đa dạng sinh học, sau năm 2020”.

Didier Bazile là thành viên của Ủy ban IPBES của Pháp, của Ủy ban IUCN của Pháp và của Hội đồng Khoa học của FRB.

Christian Leclerc không làm việc, không tham vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kì công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có mối quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Biodiversité: protéger 30% de la planète… quid des 70% restants?, The Conversation, ngày 08/12/2022.

Print Friendly and PDF