6.12.22

Annie Ernaux, nữ văn sĩ của thế kỷ phụ nữ

ANNIE ERNAUX, NỮ VĂN SĨ CỦA THẾ KỶ PHỤ NỮ

Tác giả: Aurélie Adler

Giảng sư văn học – Đại học Picardie Jules Verne

Ngày 11 tháng 12, Annie Ernaux sẽ đọc diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm. Từ nay đến đó sẽ là cơ hội đọc hoặc đọc lại các tác phẩm được thực hiện trong một khoảng thời gian dài, và như thế, qua việc lan tỏa những hình ảnh về mình trong những người khác, đã tạo nên một cộng đồng phụ nữ xuyên thế hệ và xuyên biên giới.

Khi trao giải thưởng Nobel Văn học cho Annie Ernaux, Viện Hàn Lâm Thụy Điển công nhận tác phẩm của một nhà văn nữ dấn thân đã biết khám phá “kinh nghiệm của một cuộc đời được đánh dấu bởi những chênh lệch lớn về giới, ngôn ngữ và giai cấp”. Một mặt giải thưởng gây tiếng vang mạnh mẽ với thời sự - kỷ niệm 5 năm phong trào #MeToo, một phong trào giải phóng tiếng nói của phụ nữ mà Annie Ernaux đã có dịp chào đón -, mặt khác giải “Nobel chính trị” này, theo cách nói của chính nữ văn sĩ[1], mời gọi chúng ta đọc lại toàn bộ tác phẩm được viết ra về một thời gian dài, một cách bền bỉ nhưng với nhiều hình thức khác nhau, nói đến lịch sử của giải phóng phụ nữ theo một lối viết được quan niệm như một hành động “phản kháng” (“transgression”)[2] và một “môi trường đồng điệu giữa nhà văn và các độc giả của bà[3].

Về chương trình được ghi lại vào năm 1963 trong nhật ký riêng, “Tôi sẽ viết để trả thù cho dòng giống của tôi”, với đòi hỏi được can dự qua phương tiện sách báo, diễn đàn hoặc bằng lời nói qua các cuộc trò chuyện, Annie Ernaux, vốn tự đặt mình trong mối liên hệ kép của chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hiện sinh, đã không ngừng xem văn chương như là một hành động chính trị, chấp nhận về mình câu nói của André Breton: Thay đổi cuộc sống, Rimbaud đã nói, biến đổi thế giới, Marx đã nói, hai khẩu hiệu này chỉ là một”. Các bài viết như “L’écrivain en terrain miné” (1985) [Nhà văn trên mảnh đất có mìn], “Littérature et politique” (1989) [Văn học và chính trị], “La littérature comme arme de combat” (2005) [Văn học là vũ khí chiến đấu] hay “C’est quoi être de gauche?” (Politis, 2014) [Khuynh tả là gì?], làm sống dậy một chức năng đạo đức và chính trị của văn học (“đưa người ta vào một tầm nhìn khác với đa số[4]), chức năng ấy đang được cập nhật rộng rãi trong văn học thời sự về những cuộc đời bị thống trị về mặt xã hội và những bằng chứng về bạo lực tình dục, từ nay chiếm một vị trí quan trọng trong sản xuất văn học đương đại.

Tất nhiên Annie Ernaux không phải là người duy nhất đã góp phần làm mới sự dấn thân cho nữ quyền, nhưng niềm vui của các nữ độc giả được ồ ạt phổ biến và thông tin trên các mạng xã hội sau khi giải Nobel được công bố chứng tỏ vai trò quyết định được quy cho các tác phẩm của bà trong lịch sử phụ nữ, việc tìm kiếm sự giải phóng của họ ở mức độ cá nhân hay tập thể hoặc ý chí của họ muốn dứt điểm với nỗi xấu hổ xã hội và tình dục. Bằng cách xây dựng tất cả các tác phẩm của mình chung quanh “bằng chứng qua thân thể”, theo lối diễn đạt đẹp đẽ thay cho đề tựa của một bài tưởng niệm nhà xã hội học Pierre Bourdieu, Ernaux kêu gọi những người đọc bài ấy tham gia vào một quá trình kiểm chứng bằng cách so sánh với trải nghiệm của bản thân bà.

Isabelle Charpentier
Lyn Thomas

Qua nghiên cứu của Lyn Thomas và Isabelle Charpentier, khối thư từ đồ sộ giữa các nam nữ độc giả và nhà văn chứng thực không những cho giá trị của sự thật, mà còn là giá trị của quyền năng giải phóng được trao cho các văn bản này. Phải thêm vào các thư từ này nhiều chứng từ và những lời ngưỡng mộ của nhiều người ẩn danh, nam nữ học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà văn, diễn viên, nhà làm phim, nhà biên kịch v.v. trên báo chí, trang blog, mạng xã hội, và cả trong “Cahier de l’Herne” mới đây do Pierre-Louis Fort phối hợp thực hiện. Những biểu hiện này dường như xác nhận sự khẳng định theo phong cách Proust, mà Ernaux trích dẫn trong cùng bài báo về Bourdieu, theo đó: “Tự bản thân việc thừa nhận chính mình, bởi độc giả, về điều quyển sách nêu ra, là bằng chứng sự thật của quyển sách ấy.”

“Một người phụ nữ của thế kỷ”

Svetlana Alexievich (1948-)

Ta còn nhớ trong “Diễn từ Stockholm” của mình phát biểu tại lễ trao giải thưởng Nobel văn học năm 2015, Svetlana Alexievich xuất hiện như một phụ nữ lắng nghe” (femme-oreille). Cũng giống như nhà văn kiêm phóng viên Belarus, Annie Ernaux tìm cách thu thập “cuộc sống của thời đại của mình”. Nhưng trong khi tác giả của La Guerre n’a pas un visage de femme [Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ] viện đến các kỹ thuật thu âm và thu thập các tiếng nói đặc trưng của phóng sự để viết lịch sử của tâm hồn Nga, Annie Ernaux kể câu chuyện kép của chủ nghĩa tư bản đang chiến thắng và của cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ tại Pháp xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân đã xác định lập trường.

Một cách ngắn gọn, chúng ta hãy nhớ lại rằng Ernaux tự xác định vị trí của mình qua hành trình xã hội và bởi thân phận phụ nữ trong khoảng giữa, giữa thế giới của “những người bị trị” và thế giới của “những kẻ thống trị”, giữa văn hóa bình dân và văn hóa bác học, giữa kinh nghiệm tha hóa và khẳng định một sự tự do.

Ra đời ở Lillbonne năm 1940, Annie Ernaux được nuôi nấng bởi cha mẹ gốc nông dân, và sau một thời gian làm công nhân ở nhà máy, họ đã mua trả góp một tiệm cà phê kiêm tạp hóa vào năm 1941, và sau đó vào năm 1945 chuyển về định cư ở thành phố Yvetot, nơi đang gặp nhiều khó khăn của thời hậu chiến. “Cách nhìn về một thế giới mà tất cả đều đắt đỏ” (La Place) và tất cả đều là hy sinh cho sự thành công ở trường trung học và đại học của đứa con gái độc nhất đã phần nào quyết định các chủ đề và văn phong mà Ernaux lựa chọn để “viết về cuộc đời”, lấy theo tựa đề của tuyển tập Quarto khi tập hợp một phần lớn các tác phẩm của bà.

“Rối loạn tâm thần của kẻ đào ngũ giai cấp” (Vincent de Gaulejac), với sự tiếp cận văn hóa của tầng lớp trung lưu nhờ học vấn và kết hôn với một nam sinh viên học trường Khoa học chính trị để trở thành tầng lớp lãnh đạo trong tương lai, củng cố thêm cảm giác tội lỗi và sự ô nhục xã hội: Bà ấy bán khoai tây và sữa từ sáng đến tối để tôi được ngồi đây nghe giảng về Platon” tác giả của Une femme [Một người phụ nữ] viết như vậy về mẹ của bà. Hành trình từ thế giới tuổi ấu thơ với người mẹ là “khuôn mặt thống lĩnh, là luật lệ” (Une femme) đến “thế giới của tầng lớp trung lưu và có học” (La Place) ở tuổi trưởng thành qua đó việc trở thành phụ nữ bao hàm phải chịu đựng sự thống trị của nam giới gây nên một tình trạng khó chịu ngày càng tăng.

Trong những năm sáu mươi, sự hứa hẹn giải phóng xã hội phải đối mặt với thực trạng kiểm soát đối với tình dục phụ nữ trước khi có đạo luật Veil về IVG [Interruption volontaire de grossesse - tự nguyện chấm dứt việc có thai - ND], nhưng cũng còn gặp phải thực trạng kết hôn và những bó buộc đè nặng lên người phụ nữ thuc tầng lớp trung lưu vào những năm 1970 (La Femme gelée – Người đàn bà đóng băng). Như vậy là một “hồi ức thiếu nữ” bị hạ nhục về mặt xã hội và tình dục đã định hướng việc tìm sự giải phóng của tác phẩm, quyết định việc viện đến “văn phong xúc cảm”, với giọng văn của Louis-Fernand Céline, trong những quyển sách đầu tiên (Les Armoires videsCe qu’ils disent ou rien – Những cái tủ trống, Những gì họ nói hay sẽ không có gì hết ), và về sau là sự lựa chọn một tính thẩm mỹ của phép trừ[5], nó lược bỏ khỏi bài viết tính trữ tình, sự hài hước, và cả những kết nối logic thời gian của câu chuyện.

Được xây dựng dựa trên sự phân mảnh, tính thẩm mỹ của phép trừ đưa vào trong các quyển sách sự thiếu vắng bị áp đặt bởi khoảng cách xã hội (La PlaceUne femme – Chỗ đứng, Một người đàn bà –) hay dành ưu tiên cho bản liệt kê các dấu hiệu chống lại việc sắp xếp trật tự của câu chuyện (Passion simpleLa Honte – Niềm đam mê đơn giản, Ô nhục –). Hơn nữa, tính thẩm mỹ này có thể biểu lộ những trở ngại chống lại việc nắm bắt trở lại hồi ức những cảm giác về quá khứ (Les Années – Những năm tháng –) hoặc chống lại việc công khai chia sẻ một kinh nghiệm khó tả (Mémoire de fille – Hồi ức thiếu nữ –).

Lối viết phân mảnh tăng cường uy tín của tiếng nói được phát ra - lưỡi dao sắc bén của “viết như một lưỡi dao” -, nhưng nó gây trở ngại cho tư thế vượt cao lên, nó sẽ loại trừ độc giả. Trái lại, Ernaux chọn phân mảnh vì nó tạo thành một dạng mở, có khả năng truyền đạt một kinh nghiệm thuộc loại hiện tượng luận, tháo gỡ sự ngăn cách các thế giới văn hóa với phương pháp liệt kê danh sách các từ, một phương pháp viết chủ yếu đã được Nathalie Froloff phân tích[6]. Phân mảnh còn kết nối riêng tư với xã hội, thời gian cá nhân với thời gian tập thể, cái “tôi” với “chúng ta”, như Francine Dugast-Portes đã nhắc lại khi trích dẫn một trang trong L’Atelier noir [Xưởng tối đen]: những kinh nghiệm khác nhau của cảm giác về thời gian và từ ngữ, về Lịch sử… Một loạt các sơ đồ ít nhiều cố định của một thời kỳ nào đó: 1945, 1950, v.v.”. Như vậy, phân mảnh tham gia đầy đủ vào việc soạn thảo “toàn bộ tự truyện” được tạo nên bởi tác phẩm Les Années và góp phần kết nối các liên hệ giữa Erneaux và thế kỷ.

Ngày 6 tháng tư năm 1998, Ernaux viết như thế này trong nhật ký làm việc của mình:

““Người phụ nữ của thế kỷ”, đó là tương đương với điều Chateaubriand đã làm, hoặc đã muốn làm, cũng như Sartre, “lịch sử của một thế hệ”. Liệu tôi có thể làm điều đó không? Làm gì với điều không khoan nhượng, như viết lách? Hay chỉ là cá nhân (như 52, đã được viết)? Nhưng, thực ra, tôi nhận ra rằng tôi có rất ít điều thực sự là cá nhân. Cả Chateaubriand, cả Sartre đều không thể tự đồng nhất với một thế hệ, như tôi cảm nhận điều đó, cho tôi, một cách sâu sắc.” (L’Atelier noir, Gallimard, ”L’Imaginaire”, trang.115).

Khi suy nghĩ về mối liên hệ giữa cái tôi và Lịch sử, Ernaux đem cách thể hiện hiệu quả nhất của chủ đề trong tác phẩm của Chateaubriand về một chiều kích khiêm tốn hơn và dân chủ hơn. Khi gạt bỏ cảnh được kể ra trong La Honte (“52, đã được viết”) nhà văn khẳng định “có rất ít điều thực sự là cá nhân”, điều này chứng thực cho việc sử dụng rộng rãi các đại từ cô ấy, người ta chúng ta (elleon và nous) trong Les Années. Giữ khoảng cách với ý tưởng về một tính đơn nhất không khoan nhượng (Sartre đã sử dụng nó trong Situations IV), nhưng Ernaux kế thừa phạm trù của Sartre “universel-singulier” [cái phổ quát và cái đơn nhất] mà Jean-François Louette xem như “hình ảnh đại diện cuối cùng của mộng tưởng mang tính ái kỷ thêu dệt chung quanh chủ đề lãng mạn (và đứng đầu là Victor Hugo) của vĩ nhân của thế kỷ[7].

Tuy nhiên, không trở lại với cái “mộng tưởng ái kỷ” này, Ernaux tìm cách “làm tan rã” cái tôi trong khoảng rộng thời gian đã trải qua trong Les Années. Được trình bày như một “tự truyện rỗng”, quyển sách này gợi nhớ đến giấc mơ của Sartre về sự xuất hiện của một xã hội không có giai cấp, ở đó văn học sẽ xa rời tính đơn nhất (singularité) (một cách diễn đạt trữ tình của tính chủ thể): “Đi vào cùng một cuộc phiêu lưu với độc giả và đặt mình như họ trong một tập thể không chia rẽ, nhà văn khi nói về họ sẽ nói về chính mình, khi nói về chính mình thì nói về họ.” Trích từ Qu’est-ce que la littérature? [Văn học là gì?], câu này nhắc nhớ đến đoạn cuối của Les Mots [Ngôn từ] (“Một người được làm bằng tất cả mọi người, và có giá trị như tất c những người đó, và có giá trị như bất kỳ người nào”), nó đã nuôi dưỡng quan niệm dân chủ của “tự truyện khách quan”.

Khi tiếp nhận hình thức của một “câu chuyện len lỏi vào một sự bất toàn liên tục”, Ernaux nhắm đến “thể hiện chiều kích đã được trải nghiệm của Lịch sử”, hòa quyện “số phận phụ nữ” của bà với sự tái tạo “một thời gian chung, cái thời gian đã lách vào từ rất lâu cho đến bây giờ” (Les Années). Là một quyển sách “hồi ức về hồi ức tập thể trong một hồi ức cá nhân”, tuy nhiên Les Années không phải là sự thể hiện theo trường phái hậu tổng thể của một “tập thể thống nhất, không chia rẽ”. Những đại từ nhân xưng người ta hay chúng ta (on, nous) khi thì nói đến tôi (je) của nhà văn, khi thì nói đến một chủ thể số nhiều – cặp vợ chồng, thế hệ, lớp tuổi, những phụ nữ cánh tả - họ đảm nhận một chức năng là “người phiên dịch đầu đàn, người phê phán gay gắt sự rập khuôn, những ý kiến và hành vi chung kế tiếp nhau của xã hội[8].

“Chủ nghĩa nữ quyền đã là một ý hệ xưa cũ có tính trả thù và không có óc hài hước, mà các phụ nữ trẻ không cần nữa và xem thường, và họ không nghi ngờ gì về sức mạnh và sự bình đẳng của họ […] “Cám ơn những người đàn ông đã yêu những người đàn bà”, một tờ báo dành cho phụ nữ đã lên tiêu đề như vậy. Sự quên lãng đã rơi xuống cuộc chiến đấu của họ, chỉ hồi ức là không được làm sống lại một cách công khai.

Với thuốc ngừa thai, phụ nữ đã làm chủ đời mình, nhưng điều đó đã không được phổ biến. Chúng tôi, những người đã phá thai trong nhà bếp, đã ly hôn, đã tin rằng những nỗ lực để giải phóng chúng tôi sẽ giúp ích những người khác, chúng tôi đã rất mệt mỏi.

Chúng tôi còn không biết cách mạng của phụ nữ đã xảy ra hay chưa.” (Les Années)

Dòng chảy có vẻ như đồng thuận trong Les Années – một phát biểu tập thể dường như xây dựng một chốn hồi ức bằng cách cứu vãn sự quên lãng các dấu hiệu, các biến cố, các đồ vật hay các bùa hộ mệnh vốn nhào nặn nên xã hội Pháp từ sau chiến tranh đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX – không thể che khuất sự gián đoạn và sự cởi mở của một áng văn vốn nhường chỗ cho những rạn nứt, cho khoảng cách thời gian, xã hội, thậm chí cho sự bất đồng giữa chúng ta, người ta, họ (nam và nữ) (và có thể cả nam, nữ độc giả, giữa cô ấy và thế giới, giữa cô ấynhững hình ảnh cô có về mình, rời rạc, tách khỏi nhau như những con búp bê Nga.”

Hơn cả tổng hợp công trình quan trọng của người phụ nữ thế kỷ, Les Années chuẩn bị việc nghiên cứu được thực hiện bởi “một phụ nữ của thế kỷ” - bởi vì cô ấy (elle) thuộc chủng loại và khác biệt giới, mẫu hình[9], nhưng cũng tiến bộ và bênh vực nữ quyền – để cứu hoàn cảnh của mình”. Phụ lục của quyển sách, Les Années Super 8 (2022), những hình ảnh được người chồng cũ Philippe Ernaux quay phim, con trai David Ernaux-Briot dựng phim, và lời bình của nhà văn, tạo nên những mảnh của một tự truyện gia đình” và chính xác là nó tác động đến sự căng thẳng giữa người quay phim và người nói, giữa tài liệu trình bày những nghi thức xã hội của tầng lớp trung lưu những năm 1970 và tiếng nói bộc lộ bộ mặt bị che giấu của các hình ảnh: ước muốn tự do của “người đàn bà đóng băng”.

Hiểu biết nhờ các vực thẳm

Trong L’Atelier noir, Ernaux ghi: Tôi thấy tự truyện rỗng có vẻ ổn định hơn, những dự án khác là những vực thẳm nguy hiểm. Chỉ làm một trong những dự án này làm tôi sợ”. Những công trường viết lách mở này song song với việc viết Années chỉ rõ trong trường hợp này: 58” và “A63”, hai dự án liên quan đến một lịch sử về mình khó để thiết kế vì nó chứa đựng một ký ức về sự hổ thẹn xã hội và tình dục không thể xóa nhòa được. Như Barbara Havercroft đã chỉ ra, chủ nghĩa nữ quyền của Annie Ernaux được đọc trong chuyện kể về “nhiều sang chấn tâm lý mà tác giả đã trải qua, một số trong đó liên quan chặt chẽ với thân phận phụ nữ[10]. Những sang chấn này ảnh hưởng đến tất cả các độ tuổi của cuộc sống.

Chứng kiến cha bà đã có ý định giết mẹ bà một ngày chủ nhật năm 1952, Ernaux đã làm cho cơn bột phát giết phụ nữ này thành một cảnh nền tảng trong La Honte (Ô nhục): một “cơn điên” đã chiếm lấy người cha, nó đặt lại vấn đề một cách dữ dội những chuẩn mực đã dệt nên những tập tục xã hội của gia đình và chấm dứt sự ngây thơ của đứa trẻ 12 tuổi khi đó thấy mình, “một cách khó tả, đứng về phía những người mà bạo lực, nghiện rượu hay rối loạn tâm thần đã cung cấp chất liệu cho những câu chuyện được kết luận bởi câu “dù sao cũng đau khổ khi thấy việc này”. Sự cập nhật nỗi ô nhục xã hội này là không thể tách rời một quan niệm bí ẩn về viết lách được trình bày như một sự gây nguy hiểm cho chính mình, do sự phản kháng hay vạch trần một điều cấm kỵ, nhân danh việc chia sẻ chung: Hãy cầm lấy và đọc vì cái này là thân thể và máu của tôi sẽ được đổ ra cho tất cả mọi người” (La Honte).

Sau đó, Ernaux sẽ viết từ những điều không nói ra và từ sự che giấu xã hội về bệnh tật: bệnh Alzheimer mà mẹ bà phải chịu đựng (“Tôi đã không bước ra khỏi đêm tối của tôi”), bệnh ung thư vú của bà (L’Usage de la photo – Sử dụng hình ảnh). Nếu những quyển sách này nuôi dưỡng suy nghĩ hiện nay về tuổi già và tính dễ bị tổn thương của cơ thể phụ nữ, như tác phẩm Le Jeune homme (2022) đề nghị một cách khác khi đề cập vấn đề tuổi già dưới góc độ tình dục, tôi cũng muốn dừng một tí với hai dự án “vực thẳm” (A63 và 58), được biết nhiều hơn với cái tên L’Événement (2000) và Mémoire de fille (2016). Là kết quả của một nghiên cứu chính thức khó khăn mà “nhật ký nỗi đau” là L’Atelier noir xác nhận, những quyển sách này là đối tượng của một sự chú ý ngày càng tăng ủng hộ việc nêu trở lại những yêu sách về nữ quyền.

L’Événement kể lại việc phá thai bất hợp pháp mà nhà văn đã trải qua năm 1963 trong khi bà đang học văn khoa ở Đại học Rouen. Được xuất bản năm 2000, vào một giai đoạn mà những cuộc đấu tranh về quyền được phá thai dường như đã thuộc về câu chuyện cũ, tác phẩm được Audrey Diwan chuyển thể thành phim năm 2021, vào lúc có mối đe dọa cấm phá thai xuất hiện trở lại ở Ba Lan hay ở Texas, L’Événement biến sự im lặng chung quanh một điều cấm kỵ xã hội thành một “biến cố không thể quên”. Ernaux thay cho hồi ức về nỗi ô nhục bằng câu chuyện một biến cố được kể theo cách một nghi thức đánh dấu một sự chuyển mình: Trong nhà vệ sinh của ký túc xá sinh viên, tôi đã cho ra đời cùng lúc một sự sống và một sự chết. Lần đầu tiên tôi cảm thấy bị lôi cuốn vào một chuỗi phụ nữ mà các thế hệ đã đi qua đó. Đó là những ngày đông xám xịt. Tôi nổi bồng bềnh trong ánh sáng giữa lòng thế giới.”

Chính xác “cái chuỗi phụ nữ” này là cái sáp nhập người nữ sinh viên vào chu trình của sự sống và làm cho cô giao tiếp xã hội trở lại, chính cô người đã trải qua việc mang thai ngoài ý muốn trong cô độc – chàng sinh viên đã làm cô có thai thì ở xa và không giúp ích gì cụ thể – và nỗi lo bị giáng cấp về mặt xã hội:

“Tôi đã bối rối khi thiết lập một mối quan hệ giữa giai cấp xã hội của tôi và điều đã xảy ra cho tôi. Là người đầu tiên học đại học trong một gia đình công nhân và tiểu thương, tôi đã thoát khỏi xưởng máy và quầy bán hàng […]. Tôi đã bị tình dục đuổi kịp và cái mầm đang lớn lên trong tôi là thất bại xã hội theo một cách nào đó. (L’Événement)

Người kể chuyện [nhà văn] đã dùng một ngôn ngữ vật chất”, và kìm hãm cảm xúc, để nói đến sự tìm kiếm rất vất vả cho việc phá thai, từ những toan tính cá nhân (nhấn sâu kim đan len vào âm đạo) cho đến những lần khám y tế nhục nhã. Khi bình luận những lựa chọn cách viết ở một trong những ghi chú về siêu tự sự được nhấn mạnh đều đặn kể từ tác phẩm La Place, Ernaux viết: “Có thể là một câu chuyện như vậy gây ra giận dữ, hay sự ghê tởm, nghĩa là bị cho là thiếu thẩm mỹ. Đã trải qua một sự việc, dù nó là thế nào chăng nữa, cũng cho một quyền bất diệt là được viết nó ra. Không có sự thật thấp kém. Và nếu tôi không đi đến tận cùng của việc kể lại chính xác trải nghiệm này, điều đó có nghĩa là tôi góp phần làm đen tối thực tại của phụ nữ và tôi đứng về phía sự thống trị của nam giới trên thế giới.”

Như vậy, từ chối làm đen tối nghĩa là nêu ra những gì vẫn còn được xem là thô tục - không được nêu ra công khai - và đem lại một tầm ảnh hưởng chung cho kinh nghiệm được thuật lại. Do sự chú ý đến một vài chi tiết (chậu tráng men, ống thông màu đỏ, v.v.), sự mô tả căn phòng của người giúp phá thai, Bà P.R., được chuyển thành những chi tiết rõ ràng của một bức tranh tưởng tượng (ekphrasis): trái ngược với L’Atelier du peintre – xưởng vẽ của họa sĩ – “Xưởng của người giúp phá thai” không xuất hiện “trong bất kỳ bảo tàng nào của thế giới”, và đó lại là một thực tại liên quan đến những phụ nữ bị buộc phải ở trong bóng tối của lịch sử.

Quyển sách của Ernaux không chấp nhận sự xóa bỏ những phụ nữ đã phá thai và sự quên lãng bạo lực không những về mặt thai sản mà còn là về mặt xã hội mà các bác sĩ gây ra trong thời kỳ còn tuân thủ sự cấm đoán của pháp luật. Được giao phó làm ngưng băng huyết có thể nguy hiểm đến tính mạng của cô sinh viên, bác sĩ nội trú của bệnh viện đã thốt ra một câu nhớ đời: Tôi không phải là thợ sửa ống nước!” Một vết thương còn nhức nhối, câu nói này tiếp tục lưu lại 30 năm sau khi sự việc xảy ra, để “chia cắt, như những cú quất gậy, các bác sĩ với các công nhân và phụ nữ phá thai, những kẻ thống trị với những người bị trị.”

Bạo lực tình dục và phân biệt giới tính cũng là trọng tâm của Mémoire de fille (Hồi ức thiếu nữ), mà điểm khởi đầu là mùa hè năm 1958, trong mùa hè ấy, Annie Duchesne, huấn luyện viên trong trại hè ở Sées (thuộc tỉnh Orne, Pháp - ND), lần đầu tiên thoát khỏi sự giám sát của mẹ. Ba ngày sau khi cô đến trại hè, một cuộc “liên hoan khiêu vũ” được tổ chức. Không lâu sau khi nàng xuất hiện trên sàn nhảy, Annie D bị huấn luyện viên trưởng H tấn công, nhanh chóng kéo nàng về phòng của anh ta và hãm hiếp nàng[11]. Mô tả mối quan hệ tình dục đầu tiên này, Ernaux ghi lại rằng, sau đêm ấy, bà đã không cảm thấy “ghê tởm hay xấu hổ”: Chỉ là vâng theo điều xảy ra, không thấy ý nghĩa của điều xảy ra.”

Phục tùng sự thống trị của nam giới song hành cùng sự sững sờ, một cảm giác không thấu hiểu nghiêng về “sự ghê rợn” mà những cảnh tiếp theo làm tăng thêm – những cảnh khinh miệt cá nhân hay tập thể đối với một thiếu nữ không hiểu điều gì đã xảy ra. Nạn nhân của những sỉ nhục xã hội và tính dục trong lòng trại hè, cô gái bị hẩng hụt: Một đứa con gái không ra gì [đứa con gái giẻ rách]” không tỉnh táo, không còn sức lực như Wanda, nhân vật trong phim của Barbara Loden, luôn hiện diện trong quyển sách. Thêm vào những cảnh tan nát này là những dấu hiệu về thể chất – chứng háu ăn, mất kinh nguyệt – của một sang chấn mà thời gian không xóa đi các dấu vết.

Khoanh lại bởi lối viết phân mảnh, sự xen kẽ giữa diễn ngôn và câu chuyện, “lỗ hổng tồi tệ không tả được” của mùa hè 58 là không thể tách rời một mục đích xã hội và chính trị: Khi điều khó nói trở thành sự viết lách, đó là chính trị” (Le Vrai lieu). Việc rửa nhục cho phụ nữ còn thông qua sự tìm kiếm một phát ngôn “xuyên cá nhân”. Ernaux thuật lại một cảnh của trại hè: bức thư riêng mà Anne D viết cho người bạn thân là Odile để kể cho cô ấy về tình yêu của cô đối với H đã được dán lên ở nhà ăn.

Trong khi cô gái trẻ lập lại với người chịu trách nhiệm về hành động này, thì người đầu bếp, vốn không có quyền phanh phui chuyện riêng tư của cô, đã dựng lên một bức tường cười nhạo chung quanh cô”. Người kể chuyện bình luận như thế này:

“Ngày nay, tôi thấy sự tương tự của cảnh bức thư và cái đêm cùng với H: cũng là không thể thuyết phục, làm nổi rõ quan điểm của tôi. Khi tôi hồi tưởng cảnh này, nó mất dần tính cá nhân. Không còn là tôi hay Annie D ở trung tâm. Điều đã xảy ra trong hành lang của trại hè thay đổi thành một tình huống chìm trong một thời gian xa xưa và nó đi khắp trái đất. Mỗi ngày và khắp nơi trên thế giới có những người đàn ông vây quanh một phụ nữ, sẵn sàng ném đá cô ta.” (Mémoire de fille)

Hélène Devynck (1966-)

Thế nhưng phải chờ hơn 50 năm sau khi sự việc xảy ra thì Ernaux mới có thể đặt bút viết lên những lời để nói điều không được nói rõ về sự ô nhục tính dục. L’Atelier noir mang những dấu vết của vụ việc Polanski và DSK [Dominique Strauss Kahn] đã củng cố thêm cho Ernaux trong tác phẩm Mémoire de fille. Ngày nay ta không thể không nghĩ đến hiệu ứng khởi động những khiếu nại chống lại PPDA với nhiều lời chứng của phụ nữ. Nhưng như phóng viên và tác giả của quyển sách Impunité [Không trừng phạt] Hélène Devynck nhắc lại với đài France Culture ngày 10 tháng mười vừa qua, đó cũng là các sách của những phụ nữ khác, trong đó có sách của Annie Ernaux, những sách này khuyến khích cuộc vận động nói trên và giúp thoát ra khỏi một vài “vực thẳm”.

Một sự đoàn kết phụ nữ

Nếu ta có thể đọc các sách của Annie Ernaux dưới góc độ “tính tác nhân gây ảnh hưởng” (agentivité) như Barbara Havercroft đề nghị và vui mừng thấy rằng những hành vi của nhà văn trong lĩnh vực viết lách và giải phóng tình dục đem lại “hy vọng và can đảm” cho những phụ nữ đã trưởng thành (Le Jeune homme, nhưng cũng cần nhắc đến Passion simpleSe perdre) cũng như cho toàn bộ phụ nữ, về phần tôi, tôi muốn kết luận rằng qua sự lan tỏa những hình ảnh của mình trong những người khác, tác phẩm tạo nên một cộng đồng phụ nữ xuyên thế hệ và xuyên biên giới.

Khi bà lang thang một mình trên những con đường ở Rouen để tìm một bác sĩ có thể giúp phá thai, Annie Ernaux tìm thấy một trợ lực tinh thần trong bài hát Dominique do Sœur Sourire trình bày. Nhiều năm sau, khi biết tin nữ tu dòng Đa Minh vốn đã ly khai với dòng tu qua đời, Annie Ernaux tỏ ra xúc động vì cùng chung “sự cô đơn, chỉ khác là thời gian lệch nhau”:

“Sœur Sourire thuộc trong số những phụ nữ chưa bao giờ gặp, sống hay chết, có thực hay không, mà mặc dù tất cả những khác biệt, tôi cảm giác có điều gì chung. Họ tạo nên trong tôi một chuỗi vô hình ở đó kề cận nhau là những nghệ sĩ, nữ văn sĩ, nữ nhân vật tiểu thuyết và những phụ nữ của tuổi thơ của tôi.

Tôi có cảm tưởng câu chuyện của tôi nằm trong họ.” (L’Événement)

Tham chiếu Sœur Sourire làm sáng tỏ nhiều hơn sự viết lách của Annie Ernaux mà những tham chiếu văn hóa bình dân, sự thơ mộng của bài hát, với “những điệp khúc ngây ngô” và “nhịp điệu hồn nhiên” mà Rimbaud yêu thích, minh chứng cho một ước muốn lớn hơn về phi hàn lâm hóa [làm giảm bớt tính hàn lâm - désacadémisation]” (F. Dugast-Portes) hiện diện trong toàn bộ tác phẩm. Từ sự từ chối, được diễn đạt trong Les Armoires vides, làm cho văn học như nó được định nghĩa bởi giới học giả thành mong ước “ở dưới văn học theo một cách nào đó” được nêu rõ trong Une femme, cũng cùng việc tìm tòi lối viết ngoài những thể loại được thiết lập và những hình thức cứng nhắc bắt đầu xuất hiện trong những bản thảo, các tạp chí văn học, các bình luận được ghi ngay trong tác phẩm.

Aurélie Adler

Nhưng xa hơn “dự án phản văn học này”, sự tham chiếu ít theo quy chuẩn đến Sœur Sourire nói lên chân trời dân chủ của tác phẩm của Annie Ernaux, người ta không thích xem chúng như một tượng đài mà là như một nơi giao lưu ở đó những người phụ nữ với tuối tác, trải nghiệm cuộc đời và văn hóa khác nhau tự do di chuyển. Điểm chung của họ là gì? Một đoạn văn trong báo ảnh của bộ sưu tập Quarto đem lại một câu trả lời:

“Cảm nhận được hợp thành bởi nhiều mảnh phụ nữ: ví dụ, trong tôi có Dalida, Yourcenar, Beauvoir, Colette, Và cả Sand, Sœur Sourire! Có những phụ nữ nào mà tôi không có gì từ họ? Thực sự không có gì? Tất cả những phụ nữ tự họ đã không là gì cả. Trên tất cả họ là hình mẫu người mẹ.”

Aurélie Adler

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Annie Arnaux, l’ecrivaine du siècle des femmes”, AOC, 20.10.2012

----

Bài có liên quan




Chú thích:

[1] La Suite dans les idées, 8 octobre 2022.

[2] Elise Huguény-Léger, Annie Ernaux: une poétique de la transgression, Bern, Peter Lang, 2009.    

[3] Michèle Bacholle-Bošković, Annie Ernaux: de la perte au corps glorieux, Rennes, Presses Universitaires de Rennes, 2011.

[4] “Entretien avec Pierre-Louis Fort” in Annie Ernaux: un engagement d’écriture, Paris, Presses de la Sorbonne Nouvelle.

[5] V. Thomas Hunkeler, “Bien vu, mal dit: la littérature selon Annie Ernaux”, in F. Best, B. Blanckeman, F. Dugast-Portes (dir.), Annie Ernaux: le temps et la mémoire, Paris, Stock, 2014.

[6] “L’art de la liste chez Annie Ernaux: “entre l’illusion de l’achevé et le vertige de l’insaisissable”, in A. Adler et J. Piat (dir.), Annie Ernaux, les écritures à l’œuvre, 2020, fabula, en ligne.

[7] Jean-François Louette, “Ecrire l’universel singulier”, dans M. Contat (éd.), Pourquoi et comment Sartre a écrit “Les Mots”, Paris, Presses Universitaires de France, 1997.

[8] Francine Dugast-Portes

[9] Voir Véronique Montémont, “Les Années: vers une autobiographie sociale” in Danielle Bajomée, Juliette Dor (dir.), Annie Ernaux. Se perdre dans l’écriture de soi, Klinsieck, p. 117-132.

[10] Barbara Havercroft, ““Je ne suis pas le plombier!” Annie Ernaux et le féminisme”, in Pierre-Louis Fort (dir.), Annie Ernaux, L’Herne, 2022.

[11] Về khó khăn của Annie Ernaux để nói về hiếp dâm trong quyển sách này, xem Anne Grand d’Esnon, “Vous avez raison et maintenant j’ai raison de dire viol (Bạn có lý và bây giờ tôi có lý khi nói hiếp dâm)”Fixxion, n°24, 2022.

Print Friendly and PDF