12.12.22

Chiếc cúp/cái cốc bị tràn: khi bóng đá được các khoa học xã hội nắm bắt

CHIẾC CÚP/CÁI CỐC BỊ TRÀN: KHI BÓNG ĐÁ ĐƯỢC CÁC KHOA HỌC XÃ HỘI NẮM BẮT[1]

William Gasparini[2]

Học sinh dừng lại trước tấm biển được dựng lên để vinh danh cầu thủ người Argentina Lionel Messi ở Hyderabad, miền nam Ấn Độ, ngày 25 tháng 11 năm 2022. Noah Seelam /AFP

Pier Paolo Pasolini (1922-1975)

Việc FIFA lựa chọn Qatar để tổ chức World Cup thì đã làm dấy lên những lời chỉ trích và tranh cãi ở mức độ chưa từng thấy trước đây. Tuy nhiên, cuộc thi đấu này vẫn tiếp tục thu hút sự theo dõi cuồng nhiệt của hơn 3,5 tỷ người, tức gần một nửa dân số thế giới.

Hơn một màn trình diễn được giới “kinh doanh bóng đá và giới truyền thông cỗ vũ, bóng đá từ nhiều năm nay đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực của xã hội, kể cả giới trí thức và học thuật.

Ngay từ những năm 1950, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và đạo diễn người Ý, Pier Paolo Pasolini, là người trí thức châu Âu đầu tiên viết về các cuộc thi đấu bóng đá cho các tờ báo hàng ngày. Do đó, Pasolini đã đưa tin về một số trận đấu trên đất Ý cho tờ Unità, cơ quan của Đảng Cộng sản Ý, tương đương với tờ L'Humanité (Đảng Cộng Sản Pháp) bên kia dãy núi Alpes.

Norbert Elias (1897-1990)
Norbert Elias (1897-1990)

Đồng thời, trong giới khoa học, mặc dù thể thao chưa phải là một đối tượng nghiên cứu được khoa học xã hội công nhận, các nhà xã hội học Eric DunningNorbert Elias đã đặt ở Anh (nơi khai sinh ra môn thể thao này) những dấu mốc quan trọng để hình thành nên một môn xã hội học về bóng đá.

Kể từ những năm 1980, khi bóng đá trở nên phổ biến, được phát sóng trên truyền hình và trở thành một trong những môn thể thao châu Âu đầu tiên được cấp phép tập luyện và được khán giả truyền hình quan tâm, các nhà xã hội học và sử học mới lấy bóng đá làm đối tượng nghiên cứu.

Những năm 1990: sự bùng nổ của nghiên cứu về bóng đá

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Năm 1992, nhà sử học nổi tiếng người Anh Eric Hobsbawm đã đưa ra một phân tích về bóng đá ngày nay vẫn còn là chỗ dựa cho các nhà nghiên cứu:

“Điều khiến thể thao có một hiệu quả đặc biệt như một phương tiện khắc sâu tình cảm quốc gia, ít nhất là đối với nam giới, là sự dễ dàng mà những cá nhân ít bị chính trị hóa và ít hòa nhập hơn trong lĩnh vực công cộng có thể tự đồng nhất mình với quốc gia được tượng trưng bởi những người trẻ tuổi xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó, nơi mà hầu hết đàn ông đều muốn thành công hoặc đã từng muốn thành công vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Cộng đồng được hàng triệu người tưởng tượng có vẻ thực hơn khi được rút gọn trong mười một cầu thủ mà chúng ta đều biết tên.

Từ những năm 1990, các World Cup đã khơi dậy sự quan tâm của giới khoa học xã hội và giới này đã xuất bản và tổ chức các sự kiện khoa học nhân dịp các sự kiện này.

Tại Pháp, tạp chí sử học Vingtième Siècle lần đầu tiên xuất bản một hồ sơ dành cho bóng đá vào năm 1990, nhân dịp sự kiện xảy ra ở Ý. Năm 1994, đến lượt tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales - do Pierre Bourdieu chủ trì - xuất bản một hồ sơ hoàn toàn dành riêng cho bóng đá. Sau đó, tạp chí Sociétés et représentations đã xuất bản vào năm 1998 một hồ sơ có tựa đề “Bóng đá và xã hội”, kết quả từ một hội nghị lớn được tổ chức tại CNRS (Trung tâm nghiên cứu quốc gia của Pháp - ND) để tổng kết hai mươi năm nghiên cứu quốc tế về bóng đá và các phương thức thực tiễn của nó.

Kể từ đó, các công trình nghiên cứu khoa học xã hội về chủ đề này đã tăng lên gấp bội: luận án tiến sĩ, sách, tạp chí về lịch sử bóng đá, bài báo khoa học, hội nghịxêmina (một trong số đó, “Bóng đá và khoa học xã hội” thậm chí đã diễn ra tại Trường Sư Phạm Cao Cấp phố Ulm danh tiếng/Ecole Normale Supérieure de la rue d’Ulm).

Khó nói chuyện khoa học về bóng đá?

Pierre Bourdieu (1930-2002)

Tuy nhiên, nhà xã hội học Pierre Bourdieu nhấn mạnh rằng, hơn bất kỳ đối tượng xã hội nào khác, bóng đá (và nói chung các môn thể thao được các phương tiện truyền thông tường thuật) được trang trí bằng một màn bao gồm các diễn ngôn đam mê hay được kiến tạo trước, đó là “chướng ngại vật tồi tệ nhất đối với lao động khoa học”:

“Thật khó để nói về thể thao một cách khoa học bởi vì, theo một nghĩa nào đó, nó quá dễ dàng: không có ai mà không có ý kiến ​​​​riêng của mình về chủ đề này và không cảm thấy có thể đưa ra những nhận xét được xem là thông minh.

Diễn cảnh thể thao trên truyền hình thực sự mang đến một thực tế kép: một mặt là sự biểu hiện có thật (thi đấu thể thao theo nghĩa nghiêm ngặt), mặt khác là sự biểu hiện mang tính biểu tượng, được trình bày cùng với các anh hùng và nghi thức của nó, các phương cách dàn dựng được các phương tiện truyền thông bình luận, điều tạo ra “hiệu ứng thực tế, để sử dụng từ của Roland Barthes.

Tiến trình tộc người hóa các mối quan hệ xã hội đã xâm nhập sân chơi

Đó là trường hợp của đội tuyển bóng đá Pháp, được các nhà báo mô tả là black-blanc-beur (đen-trắng-beur[*]) để ăn mừng một mô hình hội nhập hỗn hợp sau chiến thắng tại World Cup năm 1998. Cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ đã tuyên bố hùng hồn: “Zidane, với khả năng rê bóng và lách người, đã làm được nhiều hơn mười hay mười lăm năm chính sách hội nhập”.

Hình tượng vận động viên - xuất thân từ nhóm nhập cư - đã thành công nhờ thể thao đã dần dần nổi lên trong khuôn khổ của tiến trình tộc người hóa các mối quan hệ xã hội. Bóng đá chuyên nghiệp được công nhận, trong số nhiều môn thể thao khác như điền kinh hay quyền anh, như là một không gian để nhận diện những ai mà lịch sử gia đình một mặt phản chiếu các mối liên hệ lịch sử giữa một quốc gia và các cựu thuộc địa của nó và, mặt khác, sự đa dạng của cái nồi dung hợp của đất nước.

Do đó, bóng đá Pháp có hai mặt: mặt phải của nó - sự đóng góp tích cực của việc lai tạo trong các đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ chuyên nghiệp - và mặt trái của nó - sự tôn vinh các nguồn gốc và vic sử dụng mang tính ý thức hệ các nguồn gốc này.

Những sự kiện thể thao này đã dần tạo nên những huyền thoại mang giấc mơ đến cho tất cả các quốc gia trên thế giới, tất cả các tầng lớp xã hội và các thế hệ cộng lại.

Anh hùng dân tộc cho một xã hội phi chính trị hóa

Đối với các nhà sử học, nhà khoa học chính trị và xã hội học, các World Cup là thước đo uy tín của các quốc gia và nhiệm vụ của chúng là củng cố niềm tự hào dân tộc thường đang gặp khó khăn, hoặc thậm chí là đáng ngờ trong những hoàn cảnh khác.

Trong thời gian diễn ra World Cup, biểu hiện của quốc gia và màu cờ sắc áo được đặt trên vai của mười một cầu thủ mà tên, khuôn mặt và lộ trình cá nhân đều được biết đến. Lúc đó, họ trở thành hiệp sĩ của thời hiện đại. Trong xã hội diễn cảnh của chúng ta, hiệu ứng thực tế và hiệu ứng gần gũi này ảnh hưởng đến những người ít bị chính trị hóa nhất và ít tham gia nhất vào các cuộc tranh luận công khai và thúc đẩy hiện tượng đồng nhất hóa.

Sự phối hợp của các luồng hình ảnh nuôi dưỡng các hệ thống biểu hiện được truyền qua nhiều năm và nhiều thế hệ. Trong thiên anh hùng ca hiện đại này, người ta không nhớ nhiều đến những kết quả hạn hẹp, mà đến hành động của những anh hùng hay kẻ phản bội, được chuyển biến thành rất nhiều nhân vật thần thoại: cuộc đụng độ trực diện giữa Battiston-Schumacher trong Giải vô địch bóng đá thế giới ở Seville 1982 và những tác động của nó đối các mối quan hệ Pháp-Đức, “Bàn tay của Chúa của Maradona năm 1986, cú “húc đầu của Zidane trong trận chung kết với Ý năm 2006, cuộc “đình công của đội tuyển quốc gia Pháp và thảm họa Knysna năm 2010…

William Gasparini (1961-)

Cuộc tranh cãi về các điều kiện làm việc tồi tệ của những người lao động nhập cư làm việc tại các công trường xây dựng sân vận động ở Qatar, các vụ vi phạm nhân quyền và chi phí carbon của cuộc diễn đã bổ sung cho bức tranh bằng cách đưa chính trị trở lại trung tâm của trò chơi. Giải vô địch bóng đá thế giới trở thành tấm gương phản chiếu xã hội và sự toàn cầu hóa, khi các cuộc thi đấu tạo thành lịch sử của thời đại chúng ta, được viết theo nhịp điệu bốn năm một lần.

Cuối cùng, ngay cả khi nó che khuất điều này, thể loại bóng đá của các quốc gia và diễn cảnh này có mối liên hệ không thể tách rời với thể loại bóng đá của các câu lạc bộ “từ bên dưới” đi trước nó và cung cấp cho nó những tinh hoa mà chúng đã kiên nhẫn đào tạo. Thể loại bóng đá của các câu lạc bộ tiếp tục chống lại các cơn gió bảo và triều cường để đóng vai trò giáo dục và điều tiết xã hội ở các làng và vùng ngoại ô. Theo nghĩa này, bóng đá không chỉ là tấm gương phản chiếu mà còn là phòng thí nghiệm của xã hội chúng ta.

Phạm như Hồ dịch

Nguồn:Quand la coupe deborde: le football saisi par les sciences sociales, The Conversation, 29.11.2022.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Tựa đề bài này là một trò chơi chữ, vì “coupe” trong tiếng Pháp vừa có nghĩa là “chiếc cúp” thi đấu, vừa có nghĩa là “cái cốc” [để “rửa” giải thưởng bằng sam banh - ND]

[2] Giáo sư, xã hội học thể thao, Đại học Strasbourg



[*] Ở Pháp, từ beur được dùng để chỉ những thanh niên gốc Bắc Phi (Maghreb) sinh ra hay lớn lên ở Pháp trong những gia đình nhập cư.

Print Friendly and PDF