29.1.24

Cuộc chiến vô hình mà Trung Quốc đang chống lại phương Tây

CUỘC CHIẾN VÔ HÌNH MÀ TRUNG QUỐC ĐANG TIẾN HÀNH CHỐNG LẠI PHƯƠNG TÂY

Pierre-Antoine Donnet

Bộ não con người, một chiến trường mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (Nguồn: Washington Times)

một cuộc chiến mà Trung Quốc đang tiến hành một cách bí mật nhất chống lại Phương Tây. Thật ra đây không hẳn là một cuộc chiến quân sự mà là một cuộc chiến về thần kinh và tâm lý. Mục tiêu đầy tham vọng nhưng cũng ghê gớm, thậm chí đáng sợ: xâm chiếm bộ não của con người để làm tê liệt, gây chấn thương, vô hiệu hóa và do đó tiêu diệt mọi ý tưởng chống cự trong hàng ngũ kẻ thù. Đây là những gì các nhà nghiên cứu Mỹ đã khẳng định sau khi khảo sát các nghiên cứu trong lĩnh vực này của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Theo họ, những vũ khí mới được phát triển một cách kín đáo ở Trung Quốc này thật đáng sợ và cần phải cấp bách đưa ra các biện pháp ứng phó trước nguy cơ phải chịu những thiệt hại đáng kể cho cả lực lượng vũ trang và người dân thường.

--------------------------------------------------

Báo cáo gióng lên hồi chuông báo động. Được xuất bản vào tháng 12 năm ngoái, nó có tựa đề “Chiến tranh trong thời đại nhận thức: cuộc tấn công vào thần kinh (NeuroStrike) và các vũ khí & chiến thuật tâm lý tiên tiến của PLA/Warfare in the Cognitive Age: NeuroStrike and the PLA’s Advanced Psychological Weapons & Tactics”. Mối nguy hiểm đã trở nên cực độ vì các nhà nghiên cứu của quân đội Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ rất tiên tiến và ở mức độ hầu như không ngờ, các tác giả của báo cáo - LJ Eads, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, Ryan Clarke, nhà hoạt động kỳ cựu trong ngành phản gián Mỹ, Xiaoxu Sean Lin, trợ lý giáo sư tại Feitian College Middletwon ở New York và cựu sĩ quan quân đội Hoa Kỳ, và Robert McCreight, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia thuộc Đại học Nebraska - cho biết. Nhóm nghiên cứu này được gọi là Sáng kiến ​​về Mối đe dọa sinh học của ĐCSTQ/CCP BioThreats Initiative.

Những vũ khí mới này, được phát triển trong vòng bí mật, nhằm phục vụ ba mục tiêu về sức khỏe thể chất và thần kinh: sự cố sức khỏe bất thường (Anomalous Health Incidents, AHI), tổn thương não bất thường (Unconventionally Acquired Brain Injury, UBI) và cuộc tấn công vào thần kinh (Neurostrike). Một số có tác dụng tạm thời, một số khác gây tổn thương não không thể khắc phục được.

Không nên đánh giá thấp những nghiên cứu đang diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các lĩnh vực này; chúng đều có ý nghĩa và có lý do về mặt chiến lược. Trong thập kỷ qua, các công nghệ được cho là có liên quan đến các rối loạn tâm thần và chấn thương sọ não cũng như tổn thương nhận thức lại phục vụ cho các nghiên cứu có mục tiêu kép”, vừa dân sự và quân sự, nhấn mạnh các tác giả của báo cáo này được công bố vào tháng 12 năm ngoái.

Những quy trình ban đầu nhằm mục đích chữa bệnh này đã bị chuyển hướng để trở thành những nền tảng vũ khí, được phát triển một cách kín đáo và nham hiểm nhằm [cho phép] gây ra tổn thương nghiêm trọng về nhận thức và thay đổi não bộ đối với các cá nhân mục tiêu. Sự phát triển đáng lo ngại này đánh dấu sự mở rộng sang chiều kích thứ sáu của chiến tranh, nơi chiến trường sẽ là cơ thể con người, bộ não. Một cuộc chạy đua địa chính trị quan trọng hiện đang diễn ra nhằm mục đích vô hiệu hóa, răn đe và phòng thủ trước các vũ khí [Trung Quốc] được phát triển để vô hiệu hóa sức khỏe nhận thức và sức khỏe thần kinh của quân nhân, lãnh đạo và cả công dân bình thường. Các hoạt động nghiên cứu do ĐCSTQ thực hiện trong lĩnh vực này đòi hỏi sự quan tâm chặt chẽ hơn và sự thay đổi hoàn toàn trong những chuẩn bị chiến lược của chúng ta nhằm bảo vệ sức khỏe nhận thức, sự an toàn và hạnh phúc của người dân chúng ta”, các tác giả giải thích trong phần mở đầu của báo cáo.

BIÊN GIỚI MỚI CỦA CHIẾN TRANH TÂM LÝ

Một số nhà lãnh đạo Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. “Tôi rất coi trọng sự an toàn, sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên của chúng ta. Do đó, tôi muốn chia sẻ với các bạn một vấn đề gây quan ngại lớn: cái mà chúng tôi gọi là sự cố sức khỏe bất thường”, Lloyd Austin tuyên bố vào tháng 9 năm 2021. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, nhân sự quân sự và ngoại giao Mỹ, đặc biệt là những người đóng quân ở nước ngoài, trong những năm gần đây đã trở thành nạn nhân của những tình huống bất ngờ và vẫn chưa được giải thích.

Những rối loạn này được gọi là “hội chứng Havana”, một thuật ngữ chỉ một tập hợp các triệu chứng mà các nhà ngoại giao, quân nhân và nhân viên tình báo Mỹ và Canada gặp phải ở các quốc gia khác nhau bắt đầu từ cuối năm 2016. Các triệu chứng mà những người liên quan than phiền bao gồm các rối loạn thính giác, chẳng hạn như sự dao động âm thanh, ù tai, việc nghe tiếng ồn định hướng ở một hoặc cả hai tai, rối loạn thị giác, chóng mặt, nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn, mất trí nhớ ngắn hạn, khó chịu toàn thân, mất thăng bằng, đặc biệt là các tổn thương não. Các trường hợp đầu tiên được ghi nhận trong số các nhân viên ngoại giao công tác ở thủ đô Havana của Cuba, do đó tên gọi “hội chứng Havana” đã được gắn cho hội chứng này.

Báo cáo khảo sát các khía cạnh công nghệ của chương trình NeuroStrike, bao gồm việc sử dụng vũ khí vi sóng và năng lượng định hướng, giao diện người-máy và các tiến bộ công nghệ sinh học khác. Tức là sự phát triển của các công nghệ có khả năng nhắm vào não của động vật có vú, nhằm mục đích kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến quần thể lớn. Các tác giả nhấn mạnh việc PLA tích hợp các kỹ thuật chiến tranh tâm lý chưa từng có này. Điều này thể hiện việc coi trạng thái tâm lý của người tham chiến là yếu tố mấu chốt trong sự thành công của các hoạt động quân sự truyền thống.

Những vũ khí này được thiết kế để làm suy giảm chức năng nhận thức, làm giảm nhận thức toàn diện về tình hình và gây ra sự suy thoái thần kinh trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Những công nghệ này nhằm mục đích tác động đến một bộ phận lớn dân số, mở ra những biên giới mới cho chiến tranh tâm lý và kiểm soát thông tin. Hơn nữa, trong quân đội Trung Quốc, những giao diện này có khả năng cải thiện đáng kể năng lực nhận thức và thể chất của binh lính, điều này có thể dẫn đến những khả năng siêu phàm trong các tình huống chiến đấu truyền thống.

NeuroStrike cũng dựa trên những tiến bộ trong khoa học thần kinh, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin. Hơn nữa, việc PLA khảo sát các loại vũ khí sinh học tiên tiến, đặc biệt là những vũ khí nhắm vào chức năng nhận thức hoặc thao túng các trạng thái cảm xúc, cũng đưa đến một khía cạnh mới của chiến tranh tâm lý.

“XÂM NHẬP TÂM TRÍ”, “SÁT THƯƠNG MỀM” VÀ “PHÁ HUỶ CỨNG”

Các tác giả của báo cáo này đề cập đến một chương trình của PLA có tựa đề “Cải thiện khả năng bảo vệ tâm lý để hỗ trợ các trận chiến trong tương lai”. Các tác giả là sĩ quan Quân đội Trung Quốc, Vương Đan (王丹) và Trương Húc (张旭), thuộc các đơn vị 94969 và 96812. Chương trình này nhấn mạnh phạm vi chưa từng có của các công cụ chiến tranh tâm lý mới này và soi sáng sự thay đổi định hướng mà APL đã thực hiện. Đối với APL nay phải nhấn mạnh vào các khía cạnh nhận thức và tâm lý của một cuộc chiến tranh hiện đại mà mục tiêu vẫn như cũ: khuất phục kẻ thù mà không cần động binh (战而屈人之兵, bu zhan er qu ren zhi bing).

Trong cuộc chiến tranh tâm lý như vậy, việc gây ảnh hưởng, thao túng và kiểm soát bộ não của đối phương là chủ yếu. Báo cáo của Mỹ nhấn mạnh việc đưa vào học thuyết mới của PLA khái niệm “sương mù nhận thức/brouillard cognitif” (认知迷雾, ren zhi miwu) được lan toả trong một xã hội bị ảnh hưởng bởi thông tin trở thành thông tin lệch lạc. Một qui trình đưa các nhóm mục tiêu vào một môi trường internet nơi mọi thứ đều diễn ra tức thời và do đó là phù du.

Như vậy, việc phân biệt cái đúng/thật khỏi cái sai/lệch lạc trở nên gần như không thể trong một môi trường mà thông tin được lặp đi lặp lại và có chọn lọc, nơi mà cuối cùng, sự lẫn lộn hoàn toàn chiếm lấy bộ não con người. Đó chính là tác nhân kích thích độc hại thiết lập sự “xâm nhập tâm trí” (, xinmao) khiến tâm trí đối thủ hoàn toàn bối rối.

Thêm vào tất cả những điều này là các khái niệm “sát thương mềm” (软杀伤, ruan shashang) và “phá hủy cứng” (硬摧, ying cuihui) góp phần vào mục tiêu quân sự cuối cùng của PLA: tiêu diệt toàn bộ tinh thần của kẻ thù mà không cần sự hủy diệt vật chất, các tác giả của báo cáo Mỹ kết luận. Họ giải thích thêm về các công cụ đã được biết đến như trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như các công nghệ tiên tiến mới của điện toán lượng tử mà phần lớn vẫn còn ít được biết đến và các vũ khí sinh học.

CHIẾN TRANH THÔNG TIN TẠI ĐÀI LOAN

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà ngoại giao Mỹ và Canada là mục tiêu của các cuộc tấn công này do căng thẳng cực độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ xung quanh Đài Loan, nơi một cuộc bầu cử tổng thống mấu chốt sẽ diễn ra vào ngày 13 tháng 1 cho tương lai của Đài Loan. Chính quyền Đài Loan đã nhiều lần cáo buộc chế độ Bắc Kinh ngấm ngầm mưu toan gây ảnh hưởng đến cử tri có lợi cho ứng cử viên Quốc dân đảng Hầu Hữu Nghi/Hou You-ih (侯友), cởi mở hơn với ý tưởng đàm phán với Bắc Kinh.

Trong thông điệp năm mới được truyền thông Trung Quốc phát sóng rộng rãi, ông chủ của nước Trung Quốc Cộng sản, Tập Cận Bình, đã không bỏ lỡ cơ hội nhắc lại rằng Đài Loan sẽ tái hòa nhập vào Trung Quốc, dù tự nguyện hay bằng vũ lực và bất kể cái giá phải trả, với một giọng điệu đặc biệt cứng rắn và nụ cười trên môi, một lần nữa để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống.

Vào thứ Năm, ngày 28 tháng 12, Ngô Khiêm, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã cáo buộc chính phủ Đài Loan “thổi phồng” mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, trong khi các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đặt người dân Đài Loan trước sự lựa chọn giữa “chiến tranh hoặc hòa bình” khi họ bỏ lá phiếu vào thùng vào ngày 13 tháng 1. “Chính quyền Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) đang cố tình thổi phồng cái gọi là mối đe dọa quân sự từ đại lục và phóng đại sự căng thẳng,” Ngô Khiêm nói với giọng điệu trái ngược với thông điệp “ôn hòa” hơn của Tống Đào (宋濤). Vào cuối tháng 8 năm ngoái, người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Đài Loan tại Bắc Kinh đã nói về “sự lựa chọn giữa hòa bình, chiến tranh, thịnh vượng hoặc suy thoái”.

Ứng cử viên DPP Lại Thanh Đức/Lai Ching-te (賴清德), ​​​​hiện là phó tổng thống và là gà nòi của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, chống đối lại mọi ý tưởng về đàm phán nào dưới sự ép buộc của Bắc Kinh, cả hai gần đây đã tuyên bố rằng tương lai của Đài Loan phải do chính người dân Đài Loan quyết định. Lại Thanh Đức, vẫn giữ một khoảng cách đáng kể trong các cuộc thăm dò mới nhất, đã mời Bắc Kinh chấp nhận ý tưởng chung sống hòa bình giữa hai thực thể ở hai bên eo biển Đài Loan.

Trong danh sách dẫn đầu của các công cụ được chế độ cộng sản sử dụng để chống lại “đảo nổi loạn”, có TikTok, một ứng dụng di động chia sẻ video ngắn và mạng xã hội do các kỹ sư Trung Quốc phát triển. Ra mắt vào tháng 9 năm 2016, TikTok được giới trẻ trên đảo sử dụng rộng rãi. Các video của TikTok đôi khi công khai thiên về những thông tin sai lệch. Chẳng hạn, TikTok phát sóng các video tuyên bố rằng người Mỹ chưa bao giờ đặt chân lên Mặt trăng hoặc người dân ở Đài Loan phải gánh chịu tình trạng thiếu điện và nước tái diễn ở Đài Loan nhưng lại bị chính phủ Đài Loan giấu kín.

Về tác giả:

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Cựu phóng viên AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản “Sự lãnh đạo toàn cầu đang bị nghi ngờ, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ/Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis” tại NXB l'Aube. Ông cũng là tác giả của cuốn “Tibet chết hay sống/Tibet mort ou vif”, được NXB Gallimard xuất bản vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một phiên bản cập nhật và bổ sung. Sau “Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại/ Chine, le grand prédateur”, xuất bản năm 2021 bởi NXB L'Aube, ông đã chỉ đạo tác phẩm tập thể “Hồ sơ Trung Quốc/Le Dossier chinois” (NXB Cherche Midi) vào cuối năm 2022, rồi đầu năm 2023 cuốn “Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát/Confucius aujourd'hui, un héritage universaliste” (NXB L’Aube).

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Cette guerre invisible que la Chine mène contre l’Occident”, Asialyst, 6.01.2024.

Print Friendly and PDF