2.6.24

Không có văn hoá ngôn ngữ học thì không có văn hoá khoa học

KHÔNG CÓ VĂN HOÁ NGÔN NGỮ HỌC THÌ KHÔNG CÓ VĂN HOÁ KHOA HỌC

Tác giả: Jean-Marc Lévy-Leblond[*]

Các phương trình không tự chúng diễn đạt được. J.Barande/Ecole PolytechniqueCC BY-SA

Trong một tuyên bố mới đây, một tập thể các nhân sĩ yêu cầu bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục phát triển trong trường học “một văn hóa đọc và viết thực sự”. Trong số những người ký tên có các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nam cũng như nữ. Nhưng không có các nhà khoa học, tưởng chừng như họ không có năng lực cũng như không quan tâm đến ngôn ngữ và từ ngữ.

Sự coi thường vai trò của ngôn ngữ trong làm khoa học là phổ biến. Ngay cả nhà ký hiệu học lão luyện là Roland Barthes cũng đã viết:

“Đối với khoa học, ngôn ngữ chỉ là một công cụ mà người ta cố gắng làm cho nó rõ ràng, trung tính trong chừng mực có thể, tùy thuộc vào chuyên môn khoa học (thao tác, giả thuyết, kết quả) và theo người ta nói, chuyên môn khoa học tồn tại bên ngoài công cụ và đi trước nó: một mặt và trước hết là có những nội dung của thông điệp khoa học vốn là tất cả, và mặt khác tiếp theo là hình thức lời nói để diễn đạt những nội dung này, hình thức này không là gì cả.”

Và nhà vật lý là tôi nhớ lại, pha lẫn hài hước và kinh ngạc, một cảnh trong một phim của Hitchcock (không phải là một trong những phim hay nhất của ông!), Le Rideau déchiré - Bức màn rách - (1966), cảnh hai nhà bác học tranh cãi nhau trước một tấm bảng đen, lần lượt viết rồi xóa những công thức bí ẩn, hầu như không hề trao đổi với nhau một lời nào, một cảnh mà ta gặp lại trong phim Oppenheimer mới đây.

Nhưng khoa học, trái ngược với quân đội, không có sứ mệnh của “một người câm lặng” (lực lượng quân đội bị cấm phát biểu về những vấn đề chính trị, xã hội nhạy cảm - ND), vì sản xuất tri thức, bao gồm cả trong những khoa học được hình thức hoá nhất, như toán học hay vật lý, cũng như sự chia sẻ trí thức, qua giáo dục hay qua trung gian truyền thông, bằng lời nói hay bằng viết, không thể bỏ qua việc nhờ đến ngôn ngữ.

Một “ngôn ngữ khoa học?”

Một số người thừa nhận sự cần thiết này và đề nghị phát triển một ngôn ngữ được cho là “ngôn ngữ khoa học” nhằm tạo thuận lợi cho việc học các khoa học. Nhưng đơn giản là ngôn ngữ này không tồn tại, và đây đúng là ngôn ngữ chung, thứ ngôn ngữ được sử dụng trong mọi giao tiếp xã hội. Vì sự tồn tại những thuật ngữ chuyên môn trong nhiều ngành khoa học khác nhau, cũng như trong mọi hoạt động của con người, trong khâu may và trong nấu ăn cũng như trong khí tượng học và hóa học, không thể xóa nhòa việc sử dụng bắt buộc những quy tắc cú pháp và những từ loại thông dụng vốn tạo nên một ngôn ngữ.

Vấn đề còn lại là khoa học đương đại tỏ ra tự do quá trớn trong việc chọn từ vựng riêng cho mình. Rất thường xảy ra là những thuật ngữ được khoa học sử dụng và phổ biến xuất phát từ những chiến lược truyền thông, thậm chí là những chiêu thức quảng cáo hơn là mối quan tâm về sự tương hợp cú pháp. Vậy là những thành ngữ như trou noirbig bangsupercordesénergie sombre - lỗ đen, lý thuyết vụ nổ lớn, thuyết siêu dây, năng lượng tối -, đó là chỉ mới nói về lĩnh vực vũ trụ học, những thành ngữ này dù hấp dẫn vẫn không hề nêu ra chính xác những đối tượng và hiện tượng liên quan.

Thực ra, một “lỗ đen” không trống rỗng, cũng không thực sự đen, “big bang” không phải là một vụ nổ tức thời và không gây tiếng động, v.v.. Những thành ngữ này được chính các nhà khoa học tạo ra để thu hút những người ngoại đạo, nhưng là đánh lừa họ thay vì soi sáng cho họ.

Một sự phổ biến (khoa học) tốt nhất thiết phải có yêu cầu cao và phải tính đến khó khăn và tính đặc thù của các khái niệm khoa học. Như Euclide đã nói, “không có con đường đế vương” để đạt đến khoa học. Nghịch lý là những dễ dãi về ngôn ngữ này rốt cuộc lại có những hiệu ứng thụt lùi đối với chính các nhà nghiên cứu.

Làm cho các phương trình lên tiếng

Nhiều vấn đề về khái niệm vốn tiếp tục ám ảnh ngành vật lý đương đại (vấn đề tất định luận, hoặc vấn đề nguồn gốc của vũ trụ) tìm thấy nguồn gốc của chúng trong sự lơ là những sức mạnh của ngôn ngữ và trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện; như được minh chứng bởi sự cùng tồn tại một sự đồng thuận khá phổ biến đối với các chủ nghĩa hình thức toán học và những bất đồng về cách diễn giải chúng cho thấy điều đó: quả thật là việc hình thức hoá không hề đủ để phát biểu và nắm vững tri thức mà nó hỗ trợ. Nói cách khác, các phương trình không nói hay đúng ra là không nói gì cả nếu chúng không được kết hợp trong một giao tiếp truyền thông nhất thiết phải bằng ngôn ngữ vì duy nhất cách này mới có thể cho chúng một ý nghĩa.

Trước đây Lavoisier đã viết trong phần giới thiệu quyển sách của ông Traité de chimie élémentaire (tiêu đề đúng là Traité élémentaire de chimie - ND), xuất bản năm 1789: “Mọi khoa học đều bắt buộc được tạo thành bởi ba điều, một chuỗi sự kiện tạo nên nó; những ý tưởng nhắc nhớ đến chúng, những từ ngữ diễn đạt chúng. Kết quả là ta không thể hoàn thiện ngôn ngữ mà không hoàn thiện khoa học, cũng không thể hoàn thiện khoa học mà không hoàn thiện ngôn ngữ, và dù các sự kiện diễn ra chắc chắn như thế nào, dù cho các ý tưởng nảy sinh từ chúng có đúng đắn như thế nào, chúng vẫn chỉ truyền tải những ấn tượng sai lầm, nếu chúng ta không có những cách diễn đạt chính xác để thể hiện chúng.”

Đọc thêm: Petit guide pour bien lire les publications scientifiques -Sách hướng dẫn để đọc hiểu tốt các công bố khoa học

Một thái độ vừa trân trọng vừa phê phán đối với những từ được dùng để diễn tả các ký hiệu và các công thức thường có khả năng soi sáng, cho dù không giải quyết những vấn đề khoa học luận này.

Lấy ví dụ, hãy xem xét “nguyên lý bất định” (principe d’incertitude) được W. Heisenberg đưa vào thuyết lượng tử năm 1927 đã gây ra biết bao nhiêu cách giải thích triết học, ý hệ, văn hóa không có cơ sở. Thế nhưng gần một thế kỷ sau, đã trở nên hiển nhiên rằng nguyên lý ấy hoàn toàn không phải là một nguyên lý căn bản mà chỉ là một hệ quả của những khái niệm lượng tử căn bản và nhất là thuật ngữ “bất định” với những hàm ý tâm lý của nó là hoàn toàn không thích hợp. Do đó từ nay càng ngày người ta càng dùng nhiều hơn thuật ngữ dè dặt hơn và trung tính hơn là “những bất đẳng thức Heisenberg” (inégalités de Heisenberg).

Không khó để chỉ ra rằng tình hình không khác mấy trong nhiều lĩnh vực khác của khoa học ngày nay, bắt đầu với sinh học và di truyền học. Như vậy, từ phép ẩn dụ theo đó ADN (acide désoxyribonucléique) là một “mã di truyền”, nó đã tạo nên “một quyển sách lớn về di truyền”.

Nói thêm rằng những vấn đề được nêu trên đây đã trầm trọng thêm rất nhiều bởi sự thống trị, nhất là trong các khoa học về tự nhiên, của một thứ tiếng Anh lai căng (globish-ngôn ngữ mới toàn cầu xuất phát từ tiếng Anh – ND) như là một ngôn ngữ cầu nối (lingua franca). Thứ ngôn ngữ bị làm nghèo đi này, mất cả nền tảng văn hóa và những hàm ý ngầm của nó, hiển nhiên là không thuận lợi cho một cách diễn đạt vững chải và một sự đánh giá có phê phán những từ mới do yêu cầu của phát triển khoa học.

Sylvain Detey

Vậy là cần yêu cầu các nhà nghiên cứu khoa học, và cả các nhà báo và truyền thông một nhận thức sắc bén hơn về trách nhiệm ngôn ngữ của họ và đưa chủ đề này vào chương trình đào tạo chuyên môn của họ.

Một đóng góp nổi bật cho công cuộc này là do nhà ngôn ngữ học xuất sắc Sylvain Detey đem lại với quyển sách mới đây của ông, Savons-nous vraiment parler? Du contrat linguistique comme contrat social – Chúng ta có thực sự biết diễn đạt không? Về khế ước ngôn ngữ như là khế ước xã hội - (Armand Colin, 2023) -. Mặc dù bàn về vấn đề ngôn ngữ một cách rất tổng quát, nhiều kết luận và đề nghị của ông đáng được nghiên cứu và suy ngẫm cho những ai quan tâm đến các vai trò của ngôn ngữ trong thực hành các khoa học.

Hiểu sai và ngộ nhận

Như vậy, chương đầu, với tiêu đề khá hài hước Truyền thông: một trở ngại đối với mọi người?” nêu rõ những ảo tưởng rất phổ biến về hiệu quả giả định của những phương thức truyền thông tự phát, mà những nhược điểm rất hiển nhiên một khi chúng ta sử dụng một ngoại ngữ lại hầu như không đáng kể trong tiếng mẹ đẻ của chúng ta với những ngộ nhận càng nguy hại hơn vì chúng ít được nhận ra.

Cũng đặc biệt thú vị trong bối cảnh hiện tại là chương 5, “Từ một ngôn ngữ đến nhiều ngôn ngữ”, trong đó Sylvain Detey nêu rõ những khác biệt về cảm nhận và về diễn đạt giữa các ngôn ngữ, và nhấn mạnh lợi ích của việc nắm vững các ngoại ngữ (ít nhất là hai ngoại ngữ, ông khẳng định như vậy!) để phát triển một sự hiểu biết tốt hơn ngôn ngữ của chính mình. Ý thức về sự đa dạng ngôn ngữ vốn được biểu thị cả trong những phạm trù cơ bản của tư tưởng sẽ giúp có một sự hiểu biết hữu ích những đặc điểm và những hạn chế vốn là đặc trưng của những cách sử dụng ngôn ngữ thông thường nhất của chúng ta.

Một ví dụ hàng đầu là ví dụ về cách đếm, người Nhật dùng các tiêu chuẩn, nghĩa là các hậu tố được thêm vào các tên của các số và được xác định bởi hình dáng các vật được đếm (tùy theo chúng dài, hay dẹp, v.v.) hoặc tính chất của chúng (xe hơi, cá, sách, v.v.), trong khi các ngôn ngữ phương Tây có các thuật ngữ về số theo chủng loại.

Từ đó ta hiểu rằng liên quan đến những cách sử dụng khoa học một ngôn ngữ, vấn đề không hẳn là viện dẫn đến tiếng Anh mà là chất lượng của thứ tiếng Anh ấy. Trước đây một quyển sách về hình học sơ cấp dịch từ tiếng Anh đã cung cấp cho tôi một ví dụ khôi hài, đầu đề của một bài tập bắt đầu bằng một câu gây ngạc nhiên như thế này: “cho hai điểm trong một chiếc máy bay”. Sau đó là một phút vô cùng sửng sốt trước khi tôi tìm ra sự lẫn lộn giữa hai nghĩa khả dĩ của từ tiếng Anh “plane” (máy bay hay mặt phẳng).

Tác giả kết luận một cách rõ ràng quyển sách của ông khi viết rằng: “vậy thì trước khi viết trên Internet, và nói trong không gian công cộng, chúng ta hãy học suy nghĩ, và nói hoặc viết, bằng cách tôn trọng tính hợp lý khoa học”. Tôi chỉ xin thêm rằng tính hợp lý khoa học đó, với cách nó được thiết lập trong ngôn ngữ sẽ có lợi rất nhiều.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Sans culture linguistique, pas de culture scientifique”, The Conversation, 19.9.2023.




Chú thích:

[*] Chuyên gia vật lý, khoa học luận, tiểu luận, Giáo sư đại học tại Nice, Đại học Côte d’Azur

Print Friendly and PDF