4.6.24

Hạ tầng cơ sở mới của thế giới: châu Âu đối mặt với dự án phản bá quyền của Trung Quốc

HẠ TẦNG CƠ SỞ MỚI CỦA THẾ GIỚI: CHÂU ÂU ĐỐI MẶT DỰ ÁN PHẢN BÁ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC


“Trung Quốc cho chúng ta một sân bay. Mỹ cho chúng ta một bài học đạo đức.”

Để chống lại Washington, Bắc Kinh muốn thiết lập sự tái tổ chức chủ nghĩa tư bản toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm. Chương trình của Trung Quốc không phải là trực diện: nó đòi hỏi phải triển khai một dự án phản bá quyền rộng lớn với nhiều chiều hướng. Benjamin Bürbaumer đề nghị xem xét chiến lược này một cách nghiêm túc - và những giới hạn của sự hiểu biết về nó đối với một Châu Âu không rẽ hướng được.

LE GRAND CONTINENT

Tài liệu học thuyết - Chủ nghĩa tư bản chính trị trong chiến tranh

Benjamin Bürbaumer

Công nhân của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc làm việc trong một đường hầm tại công trường xây dựng Đường sắt Thành phố Hangde ở Tiểu khu Kangqian, Huyện Deqing, Thành phố Hồ Châu, Tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 2 tháng 2 năm 2023. © CFOTO/Sipa USA

Toàn cầu hóa là nạn nhân của sự thành công của chính nó. Sự thành công phi thường nhất của nó – Trung Quốc – có ý định thay thế toàn cầu hóa bằng một thị trường toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm. Tất nhiên, Bắc Kinh không hề chống đối ý tưởng về một thị trường toàn cầu. Nhưng Bắc Kinh tranh cãi về quá trình toàn cầu hóa thực sự đang diễn ra, tức là một quá trình dưới sự giám sát của Mỹ. Đây là lý do cơ bản của sự tranh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Lịch sử dường như được lặp lại. Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tích lũy quá mức những năm 1970, Hoa Kỳ đã thúc đẩy việc xây dựng tiến trình toàn cầu hóa[1]. Trung Quốc, khi đó đang trong quá trình chuyển đổi tư bản chủ nghĩa, đã tự lồng mình vào tiến trình toàn cầu hóa với tư cách là nhà cung cấp lao động giá rẻ. Lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ tăng lên lại và tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bùng nổ. Tuy nhiên, bên dưới cặp đôi có vẻ như đôi bên cùng có lợi này, những mâu thuẫn vẫn đang diễn ra và được thể hiện một cách công khai ngay từ những năm 2000.

Bắc Kinh không hề phản đối ý tưởng về một thị trường toàn cầu. Nhưng Bắc Kinh tranh cãi về quá trình toàn cầu hóa thực sự đang diễn ra, tức là một quá trình dưới sự giám sát của Mỹ. Đây là lý do cơ bản của sự tranh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Rất lâu trước khi Donald Trump và Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã bị cáo buộc tràn ngập thị trường nước ngoài bằng hàng hóa mình sản xuất. Thật vậy, với tư cách là học trò giỏi của chủ nghĩa tư bản, Trung Quốc cũng đã cố gắng chuyển sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô trong nước ra bên ngoài bằng cách chinh phục các thị trường nước ngoài và, một cách cơ bản hơn là, thiết lập cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho sự hướng ngoại kinh tế này[2]. Ngoại trừ việc không giống như cuộc khủng hoảng tích lũy quá mức ở Mỹ những năm 1970, thị trường thế giới đã nằm dưới sự kiểm soát bá quyền của Mỹ. Để loại bỏ nó, việc tái tổ chức chủ nghĩa tư bản toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm mà Bắc Kinh đang kêu gọi đòi hỏi phải triển khai một dự án phản bá quyền[3].

Thặng dư hàng hóa chế biến công nghệ, tính theo % GDP thế giới

Biểu đồ: Le Grand Continent - Nguồn: United Nations, Brad W. Setser và Michael Weilandt (2024) – Biểu đồ động được tạo bằng Datawrapper

Quyền bá chủ toàn cầu

Trong cuộc tranh luận chính trị và trí tuệ đương thời, sự nổi lên rất nhanh chóng của thuật ngữ “quyền bá chủ” đã làm mất đi tính phong phú về mặt phân tích của nó một cách nghịch lý. Thường thì nó bị đơn giản hóa thành từ đồng nghĩa với sự thống trị. Tuy nhiên, theo Antonio Gramsci, quyền bá chủ không chỉ rõ khả năng của một cường quốc trong việc áp đặt lựa chọn của mình lên người khác, mà quyền này nêu lên khả năng được người khác coi là nhân từ. Chính xác hơn, trong tư tưởng của Gramsci, quyền bá chủ dựa trên sự ưng thuận và sự cưỡng bức. Giám sát thế giới đòi hỏi phải xử lý cẩn thận cả hai khía cạnh. Một cường quốc chỉ sử dụng vũ khí cưỡng bức sẽ khiến cả thế giới tập hợp lại để chống lại nó và sớm hay muộn nó cũng sẽ suy tàn. Tương tự như vậy, một cường quốc chỉ sử dụng đòn bẩy quyến rũ có thể tạo dựng được ảnh hưởng quốc tế đáng kể nhưng vẫn dễ bị bạo lực làm tổn thương. Cơ cấu của nó sẽ mỏng manh như một lâu đài giấy. Quyền bá chủ, cũng như việc thách thức nó, chỉ được xây dựng bằng sự kết hợp của vũ lực và sự ưng thuận.

Công nhân của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc làm việc trong một đường hầm tại công trường xây dựng Đường sắt Thành phố Hangde ở Tiểu khu Kangqian, Huyện Deqing, Thành phố Hồ Châu, Tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 2 tháng 2 năm 2023. © CFOTO/Sipa USA

Chúng ta hãy áp dụng khung phân tích này vào đặc điểm chính của thế giới đương đại: thách thức của Trung Quốc đối với quyền bá chủ của Mỹ đã được thiết lập vững chắc kể từ thời kỳ hậu chiến. Do đó, vấn đề là phải hiểu được sự được lòng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các quốc gia ở ngoại vi chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Với bản chất độc tài của chế độ chính trị, diễn tiến này thực sự có thể gây ngạc nhiên và vì thế đáng được xem xét chi tiết hơn.

Trong tư tưởng của Gramsci, quyền bá chủ dựa trên sự ưng thuận và sự cưỡng bức. Giám sát thế giới đòi hỏi phải xử lý cẩn thận cả hai khía cạnh.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Sức quyến rũ của Các Con đường tơ lụa mới

Dự án Các Con đường tơ lụa mới ra đời vào năm 2013, trước hết nhắm mục đích giảm bớt tình trạng sản xuất quá mức của Trung Quốc. Thật vậy, bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, Trung Quốc thành công trong việc xuất khẩu hàng hóa và vốn dư thừa. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu quy dự án này thành một kế hoạch bê tông hóa khổng lồ một số khu vực rộng lớn của Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Bởi theo quan điểm của các nước tham gia Các Con đường tơ lụa mới, Trung Quốc đáp ứng được những nhu cầu thực sự. Theo Liên Hợp Quốc, cần phải đầu tư hàng năm từ 1.000 đến 1.500 tỷ USD để giải quyết tình trạng thiếu vốn quá rõ ràng cho cơ sở hạ tầng ở vùng ngoại vi. Các Con đường tơ lụa mới làm giảm khoảng cách giữa nhu cầu và thiết bị hiện có, đặc biệt là khoảng cách này đã được mở rộng trong khuôn khổ của quá trình xây dựng sự toàn cầu hóa của Mỹ. Quả thực, các chương trình thắt lưng buộc bụng áp đặt lên các nước kém phát triển thông qua Sự Đồng thuận Washington những năm 1980 và 1990 đã làm suy giảm đáng kể chất lượng cơ sở hạ tầng địa phương.

Lo ngại về việc Hoa Kỳ mất đi ảnh hưởng, cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đã trích dẫn câu nói xót xa này của một người ra quyết định ở một quốc gia ngoại vi: “Trung Quốc cho chúng ta một sân bay. Mỹ cho chúng ta một bài học đạo đức”[4]. Sự đối lập này phản ánh khá trung thực sự khác biệt giữa các hệ tư tưởng giao tiếp và các hệ tư tưởng phi giao tiếp, được phát triển bởi Fredric Jameson.

Trong khi mục đích của những hệ tư tưởng đầu là thống nhất các không gian khác nhau thông qua các giá trị của một trong số chúng, thì mục đích những hệ tư tưởng sau kết nối các các vùng lãnh thổ khác nhau đồng thời vẫn ghi nhận điều mà Fernand Braudel gọi là “sự độc đáo không thể bị xóa đi” của những vùng này[5]. Các điều kiện xóa bỏ việc điều tiết nền kinh tế gắn với các kế hoạch điều chỉnh cơ cấu hoặc chủ nghĩa tự do chính trị do Washington thúc đẩy là những ví dụ về hệ tư tưởng giao tiếp mà qua đó Hoa Kỳ cố gắng truyền tải các giá trị của mình sang các quốc gia khác. Ngược lại, Các Con đường Tơ lụa Mới đi theo cách tiếp cận phi giao tiếp, do đó có sức quyến rũ rất lớn. Chúng nhắm vào sự tắc nghẽn trong cuộc sống thực - tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng - khắc phục nó mà không áp đặt các điều kiện đặc biệt về mặt chế độ chính trị, và khi làm như vậy, đã nuôi dưỡng danh tiếng của Bắc Kinh ở nước ngoài.

Tất nhiên, việc triển khai Các Con đường Tơ lụa Mới trên thực tế không hề suôn sẻ và tuyến tính như vậy. Nó tiềm ẩn những rủi ro về tham nhũng và nợ nần quá mức cũng như các mối quan hệ phụ thuộc mới. Nhưng sự thật vẫn rõ ràng: ngoài Hoa Kỳ và một số đồng minh thân cận nhất, Các Con đường Tơ lụa Mới tạo nên một hình ảnh tích cực về hành động của Trung Quốc trên thế giới.

Con đường Tơ lụa Mới đi theo cách tiếp cận tư tưởng phi giao tiếp, do đó có sức quyến rũ đáng kể.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Quyền lực mềm với những nét đặc trưng của Trung Quốc

Joseph Nye được biết đến là người đã chính thức hóa ý tưởng về quyền lực mềm. Trong công thức ban đầu, khái niệm này gắn liền với sự tồn tại của một nền dân chủ tự do trao cho công dân của mình một số quyền cơ bản nhất định. Những quyền này được cho là nhằm thúc đẩy sự phát triển sáng tạo hơn nữa của người dân. Theo logic này, các nền dân chủ tự do phát triển một đời sống văn hóa hấp dẫn hơn, có khả năng lan rộng ra kể cả ở ngoài biên giới của chúng. Sự hấp dẫn này nhận được sự phản hồi tích cực đến vị thế quốc tế của nước có thể chế trên. Một cách nhất quán, Nye nghi ngờ khả năng chuyển đổi khái niệm của ông sang chế độ độc tài Trung Quốc.

Thế nhưng, Trung Quốc đã chứng minh ông sai. Ít nhất đó là điều mà sự phát triển của hệ thống đại học ở đây gợi ý. Hệ thống đại học (của Trung Quốc) hiện đứng ở vị trí thứ tư trong số các quốc gia chào đón nhiều sinh viên nước ngoài nhất. Thành tích này càng ấn tượng hơn vì tiếng Trung ít phổ biến hơn nhiều bên ngoài lãnh thổ gốc của nó so với tiếng Anh. Thực tế này được thể hiện qua sự ghi nhận rằng ba vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng lần lượt là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada. Đối với giới trẻ châu Phi, Pháp tiếp tục thu hút số lượng lớn nhất, nhưng Trung Quốc đã vượt qua Vương quốc Anh và đứng ở vị trí thứ hai.

Cũng như trong các lĩnh vực khác, tốc độ tăng trưởng mức độ được lòng của Trung Quốc là đáng kể. Một mặt, nước này chỉ bắt đầu chính sách ngoại giao giáo dục vào đầu những năm 2000 và mặt khác, không giống như ngôn ngữ của những người thực dân trước đây, tiếng Trung ít hiện diện trong các hệ thống giáo dục ở nước ngoài. Trái ngược với một số nước phương Tây tăng phí đăng ký đại học cho sinh viên nước ngoài, thành công này có thể được tìm thấy trong việc thiết lập một hệ thống học bổng.

Tỷ lệ những người ra quyết định trong tương lai và những công chức cấp cao từ các nước ngoại vi được đào tạo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với các kiến ​​thức công nghệ và các phương pháp hành chính công và quản lý kinh doanh phổ biến ở Trung Quốc ngày càng tăng.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Tuy nhiên, sẽ là hời hợt nếu hiểu những chính sách này như một nỗ lực nhằm “mua” sinh viên quốc tế. Trên thực tế, trong sự lựa chọn của sinh viên nước ngoài đến Trung Quốc, yếu tố tài chính không quan trọng hơn sự hấp dẫn về văn hóa hay sự phát triển kinh tế của đất nước này, nhưng nó khiến việc học tại Trung Quốc trên thực tế trở nên khả thi. Nếu những trao đổi học thuật này không tạo ra hàng trăm nghìn nhà bán ngoại giao sẽ ngoan ngoãn mang tiếng nói của Trung Quốc đến với thế giới, thì phải nhìn nhận rằng tỷ lệ những người ra quyết định trong tương lai và những công chức cấp cao từ các nước ngoại vi được đào tạo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với các kiến thức công nghệ và các phương pháp hành chính công và quản lý kinh doanh phổ biến ở Trung Quốc ngày càng tăng. Thêm nữa, trong quá trình học, họ tiếp thu kiến ​​thức văn hóa và ngôn ngữ có lợi cho việc tăng cường mối quan hệ giữa đất nước họ và Trung Quốc. Ngay cả khi được thúc đẩy bởi một quốc gia thiếu dân chủ tự do, quyền lực mềm vẫn mang lại kết quả.

© CFOTO/Sipa USA

© CFOTO/Sipa USA

Tuy nhiên, sinh viên đi du học chỉ chiếm một phần nhỏ dân số nước họ. Do đó, việc phổ biến một hình ảnh tốt đẹp về Trung Quốc chỉ thông qua phương tiện này có một giới hạn rõ ràng về mặt mức độ. Với mục tiêu tiếp cận nhiều thành phần dân cư nước ngoài hơn, Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới truyền thông rộng lớn bằng tiếng nước ngoài cũng như một chính sách ngoại giao y tế hiệu quả.

Ngay cả khi được thúc đẩy bởi một quốc gia thiếu dân chủ tự do, quyền lực mềm vẫn mang lại kết quả.

BENJAMIN BÜRBAUMER

An ninh quốc tế không đạo đức giả

Nếu Washington hiện thất bại trong việc chống lại hệ tư tưởng phi giao tiếp, điểm tựa của dự án bá quyền của Trung Quốc, thì cách Hoa Kỳ xử lý các vấn đề địa chính trị lớn đương thời thậm chí có thể phản tác dụng đối với quyền bá chủ của mình.

Gần đây, nhà khoa học chính trị Matias Spektor đã đăng một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs nêu bật mức độ đạo đức giả của Hoa Kỳ và các đồng minh đã làm suy yếu quyền lực mềm của họ[6]. Theo Spektor, các nước ngoại vi không hiểu tại sao cuộc xâm lược Ukraine của Nga lại đáng lên án hơn cuộc xâm lược Iraq của Mỹ, khi cả hai đều không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tiêu chuẩn kép này cũng như dự đoán về sự suy yếu chính trị của Washington trong tương lai gần giải thích tại sao nhiều quốc gia trong số này không tuân theo các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, vì cho rằng chúng gây thêm cho họ những vấn đề vì sự giá tăng giá của năng lượng và lương thực. Phát biểu về những rủi ro đè nặng lên an ninh lương thực của hàng triệu người châu Phi, cựu chủ tịch Liên Minh Châu Phi và Sénégal Macky Sall tuyên bố: “Chúng tôi thực sự không tranh luận xem ai sai, ai đúng. Chúng tôi chỉ muốn được tiếp cận với ngũ cốc và phân bón”[7].

Ngày càng có nhiều quốc gia coi Trung Quốc là một cường quốc có khả năng thúc đẩy việc giảm căng thẳng.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Cảm giác đạo đức giả càng gia tăng sau các vụ đánh bom ở Gaza từ mùa thu năm 2023. Nhiều quốc gia cay đắng ghi nhận cách đối xử đặc biệt chỉ dành cho các nạn nhân người Ukraine, người Châu Âu, so với hàng chục nghìn nạn nhân ở Palestine hoặc ở những nơi khác. Họ cũng nhận thấy rằng những khoản tiền luôn khó giải ngân cho sự phát triển lại được huy động dễ dàng để trang bị cho Ukraine hoặc Israel. Trước tình hình này, một nhà ngoại giao cấp cao của một nước G7 đã rơi vào thuyết định mệnh: “Chúng ta chắc chắn đã thua trong cuộc chiến cho Phương Nam Toàn Cầu. […] Tất cả những gì được thực hiện [theo hướng] này […] liên quan đến Ukraine đã bị xóa bỏ. […]. Hãy quên đi các quy tắc, hãy quên đi trật tự thế giới. Họ sẽ không bao giờ nghe lời chúng ta nữa”[8]. Ngược lại, ngày càng nhiều quốc gia coi Trung Quốc là một cường quốc có khả năng thúc đẩy việc giảm căng thẳng.

Điều quan trọng cần lưu ý là sự được lòng ngày càng tăng của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các nhà lãnh đạo của các nước ngoại vi. Một loạt thăm dò dư luận ​​cho thấy ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, hình ảnh của Trung Quốc đã được cải thiện rõ rệt[9]. Bất chấp sức mạnh mềm đã được xây dựng từ lâu đời của Mỹ, Trung Quốc vẫn đang theo sát, thậm chí còn vượt qua Mỹ. Rõ ràng, chế độ chính trị nội bộ của một nước muốn thực hiện dự án bá quyền không quan trọng bằng nhận thức về trật tự thế giới mà nước này đề xuất. Do đó, đây là một thảm họa kép đối với Hoa Kỳ: sự chỉ trích thói đạo đức giả ngăn cản Hoa Kỳ tận dụng sức hấp dẫn của nền dân chủ tự do và những hậu quả lạm phát của các biện pháp trừng phạt của họ đối với Nga đã mở ra một đại lộ cho một Trung Quốc vốn được coi là quan tâm hơn đến nhu cầu phát triển của các nước ngoại vi.

Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một thảm họa kép: sự chỉ trích thói đạo đức giả ngăn cản nước này tận dụng sức hấp dẫn của nền dân chủ tự do và những hậu quả lạm phát của các biện pháp trừng phạt của họ chống lại Nga đã mở ra một đại lộ cho một Trung Quốc vốn được coi là quan tâm hơn đến nhu cầu phát triển của các nước ngoại vi.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Cái bẫy của quyền bá chủ

Nếu kết quả của các cuộc khảo sát như vậy cần được diễn giải một cách thận trọng, bức tranh vẫn rất ấn tượng, đặc biệt khi nó phù hợp với các phân tích định tính. Hệ tư tưởng truyền thông của Hoa Kỳ đang mất dần sức hấp dẫn. Ngược lại, lập trường của Trung Quốc trong các xung đột quốc tế có vẻ gắn liền hơn với hệ tư tưởng phi giao tiếp mà nước này đã triển khai đặc biệt kể từ khi Các Con đường Tơ lụa Mới được thiết lập.

Trước việc không thể đổi mới sức quyến rũ của mình, Hoa Kỳ có xu hướng làm mất sự cân bằng hỗn hợp của chủ nghĩa bá quyền để thiên về phía vũ lực. Nhưng bám vào những điểm cũ của sức mạnh quân sự thay vì đối mặt với cái mới của sự trỗi dậy của quyền lực mềm Trung Quốc là một cái dốc trơn trượt: nước bá chủ gặp rắc rối càng hành động độc tài thì càng làm suy yếu tính chính đáng của mình trong mắt của các quốc gia trên thế giới mà không cơ bản cản trở được dự án bá quyền của Trung Quốc. Đây là cái bẫy của quyền bá chủ. Chỉ có phản ứng ở cấp độ phi giao tiếp – hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các nhu cầu phát triển khác mà không áp đặt các điều kiện hạn chế chính sách kinh tế quốc gia của các nước được hưởng lợi – như Trung Quốc đang làm, mới có thể đạt được điều này.

Trước việc không thể đổi mới sức quyến rũ của mình, Hoa Kỳ có xu hướng làm mất sự cân bằng hỗn hợp của chủ nghĩa bá quyền để thiên về phía vũ lực.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Nhưng ngày nay, cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra sôi nổi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc không chỉ tăng gấp 5 lần trong 20 năm mà còn ngày càng hướng vào việc đóng tàu, tàu sân bay và tàu ngầm. Đây là cơ sở vật chất cho các hoạt động ngày càng gia tăng của nước này ở Biển Đông, bị các nước láng giềng coi là hành vi quấy rối hàng hải. Tuy nhiên, trước sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh, các quốc gia này dường như châm chước nó, thậm chí còn xích lại gần Trung Quốc hơn. Đây là phân tích của chuyên gia quan hệ quốc tế Đông Nam Á David Shambaugh. Tất nhiên, ngoại giao không phải là điều cố định mãi mãi. Cuộc tranh luận về liên minh trong khu vực đang diễn ra sôi nổi và có thể phát triển tùy thuộc vào nguyên thủ quốc gia. Nhưng rõ ràng diễn biến chính là “sự chuyển dịch của các quốc gia này sang quỹ đạo của Trung Quốc kể từ năm 2017”[10]. Hiện tại, lợi ích mà Các Con Đường Tơ Lụa mới mang lại một số đặc quyền quân sự cho Bắc Kinh – đó là dấu hiệu cho thấy sự ưng thuận mà các nước láng giềng dành cho Bắc Kinh.

Mặc dù Trung Quốc đang tiến gần đến mức chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc cho đến nay vẫn là bộ quốc phòng giàu nhất thế giới. Ngay cả trong thời điểm nóng nhất của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ cũng không chi nhiều cho vũ khí như ngày nay. Với gần 400 căn cứ quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, một mạng lưới đồng minh ở Đông Nam Á và sự tập trung lực lượng quân sự xung quanh Trung Quốc kể từ chính sách xoay trục sang Châu Á năm 2011, chúng ta đang chứng kiến ​​một “sự leo thang âm thầm”[11]. Với việc Hoa Kỳ mắc vào bẫy bá quyền, những vụ va chạm giữa cỗ máy chiến tranh của Mỹ và Trung Quốc để giành quyền kiểm soát thị trường toàn cầu có nguy cơ gia tăng.

Với việc Hoa Kỳ mắc vào bẫy bá quyền, những vụ va chạm giữa cỗ máy chiến tranh của Mỹ và Trung Quốc để giành quyền kiểm soát thị trường toàn cầu có nguy cơ gia tăng.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Không nắm bắt được vấn đề cơ bản của việc tổ chức lại thị trường thế giới và không có dự án bá quyền của riêng họ - kết luận đầu tiên của báo cáo Draghi sắp được công bố là minh họa mới nhất cho điều này -, các nước Châu Âu có nguy cơ dự thính một cách bất lực tiến trình của sự bất ổn của thế giới đang diễn ra trước mắt chúng ta.

Công nhân của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc làm việc trong một đường hầm tại công trường xây dựng Đường sắt Thành phố Hangde ở Tiểu khu Kangqian, Huyện Deqing, Thành phố Hồ Châu, Tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 2 tháng 2 năm 2023. © CFOTO/Sipa USA

Được tác giả trình bày như một “sự thay đổi căn bản”, tổng quan của báo cáo được công bố trong các trang này đề xuất ba biện pháp chính: hợp lý hóa sản xuất và tự do hóa các quy định để hưởng lợi tốt hơn từ tính kinh tế theo quy mô ở cấp lục địa; tập trung hóa một số chi tiêu công ở cấp độ Châu Âu; cuối cùng, đảm bảo cung cấp các nguồn lực và các đầu vào được coi là thiết yếu.

Thông qua ba điểm này, các khuyến nghị của Mario Draghi chủ yếu nhắm mục đích tăng thị phần của các công ty Châu Âu trên thị trường thế giới. Nhưng sự cạnh tranh Trung-Mỹ không chỉ liên quan đến thị phần mà đến toàn bộ thị trường thế giới. Chiều sâu của sự cạnh tranh giữa hai cường quốc chỉ có thể được hiểu từ sự ghi nhận rằng Trung Quốc quyết tâm thay thế sự toàn cầu hóa dưới sự giám sát của Mỹ bằng việc định hướng lại thị trường thế giới lấy Trung Quốc làm trung tâm. Bởi vì việc giám sát thị trường toàn cầu giúp khắc phục những bất ổn kinh tế - chính trị trong nước, đồng thời thu được lợi ích kinh tế khổng lồ và quyền lực chính trị to lớn bên ngoài lãnh thổ. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc ngày nay đang xây dựng cơ sở hạ tầng – tiền tệ, vật chất, kỹ thuật, quân sự, kỹ thuật số – cạnh tranh với những cơ sở hạ tầng mà Hoa Kỳ đã xây dựng từ lâu. Hoa Kỳ cố gắng chống lại: các biện pháp trừng phạt công nghệ và thương mại khác nhau minh họa cho cách tiếp cận này đã được tiến hành kể từ thời chính quyền Obama. Liên Minh Châu Âu dường như không nắm bắt được vấn đề cơ bản này. Vào thời điểm các quy tắc của thị trường toàn cầu đang thay đổi, Liên Minh đang cố gắng chơi tốt hơn theo các quy tắc cũ lấy Mỹ làm trung tâm – vốn đã không hề có lợi cho Châu Âu. Xét về nhận thức về quy mô của cơn bão đang lung lay tiến trình toàn cầu hóa, báo cáo Draghi sẽ là mũi nhọn hàng đầu của Châu Âu. Tuy nhiên, trọng tâm của dự án Trung Quốc vẫn lọt khỏi tầm nhận thức của họ. Mọi thứ diễn ra như thể Châu Âu đang tiến về phía trước mà không thực sự hiểu được chiều sâu của các đường đứt gãy hiện nay.

Nếu Châu Âu quyết định phản ứng, sẽ có hai lựa chọn: hoặc Châu Âu tham gia vào cuộc đua giống như Trung Quốc và Mỹ và cố gắng mở rộng quyền kiểm soát của mình đối với cơ sở hạ tầng của thị trường thế giới - thông qua một chính sách công nghiệp thực sự có thể dựa vào sự gia tăng đáng kể về khả năng can thiệp quân sự -; hoặc Châu Âu quyết định tách khỏi thị trường toàn cầu một cách có chọn lọc – thu hẹp chuỗi giá trị có kiểm soát, đặt điều kiện về môi trường, chính sách tái phân phối.

Các khuyến nghị của Mario Draghi chủ yếu nhắm mục đích tăng thị phần của các công ty Châu Âu trên thị trường thế giới. Nhưng sự cạnh tranh Trung-Mỹ không chỉ liên quan đến thị phần mà đến toàn bộ thị trường thế giới.

BENJAMIN BÜRBAUMER

Tùy thuộc vào phương án được chọn, vấn đề về quyền bá chủ sẽ được đặt ra một cách khác nhau: phương án đầu đòi hỏi phải xây dựng một cách rất tích cực một dự án bá quyền toàn cầu; phương án thứ hai sẽ đặt câu hỏi về tính thích đáng của việc phát triển một dự án bá quyền toàn cầu. Trên thực tế, sự cạnh tranh Trung-Mỹ đánh dấu thời điểm Châu Âu phải đối mặt với sự thật: quỹ đạo trong quá khứ không còn khả thi nữa, trước nguy cơ một sự thụt lùi ngày càng tăng so với hai siêu cường, Châu Âu phải rẽ hướng.

Về tác giả

Benjamin Bürbaumer là một nhà kinh tế học, giảng viên chính ở trường Sciences Po Bordeaux. Là chuyên viên về tiến trình toàn cầu hóa và trong ngành kinh tế học quốc tế, ông là tác giả cuốn Le Souverain et le Marché/Quốc Vương và Thị Trường (NXB Amsterdam, 2020), Chine/États-Unis, le capitalisme contre la mondialisation, La Découverte, 2024.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: La nouvelle infrastructure du monde: l’Europe face au projet contre-hégémonique chinois, LegrandContinent.Eu, 07/05/2024.




Nguồn tham khảo:

[1] Sự ghi nhận cách tiếp cận mang tính chính trị rõ ràng của Mỹ trong việc xây dựng thị trường thế giới khiến chúng ta nghi ngờ tiềm năng phát hiện của khái niệm “chủ nghĩa tư bản chính trị”, được Branko Milanovic sử dụng về mối quan hệ với Trung Quốc trong cuốn Chủ nghĩa tư bản, không có đối thủ: Tương lai của hệ thống đang thống trị thế giới/Le capitalisme, sans rival: L’avenir du système qui domine le monde, Paris, La Découverte, 2020. Việc sử dụng chính trị cho mục đích kinh tế không tạo nên tính đặc thù của Bắc Kinh.

[2] Động thái đã tăng tốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Từ năm 2006 đến năm 2022, tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ trên toàn cầu đã giảm từ 30,4% xuống 20,2%; của Trung Quốc tăng 0,6% lên 7,4%. Trong cùng thời kỳ, tỷ trọng của Mỹ trong tổng xuất khẩu thế giới giảm từ 10% xuống 9,1%; của Trung Quốc tăng từ 6,6% lên 12,9%.

[3] Bản chất được đặt sâu trong chủ nghĩa tư bản muộn của sự cạnh tranh Trung-Mỹ khiến cho những giải thích mang tính xuyên lịch sử thuộc loại “Bẫy Thucydide” khó được áp dụng.

[4] Gideon Rachman, “How the Ukraine war has divided the world”, Financial Times, 17 avril 2023.

[5] Fredric Jameson, Archéologies du futur, Paris, Éditions Amsterdam, 2021, p.303307.

[6] Matias Spektor, “The Upside of Western Hypocrisy. How the Global South Can Push America to Do Better”, Foreign Affairs, 21 juillet 2023.

[8] Henry Foy, “Rush by west to back Israel erodes developing countries’ support for Ukraine, Financial Times, 18 octobre 2023.

[9] Benjamin Bürbaumer, Chine/États-Unis, le capitalisme contre la mondialisation, Paris, La Découverte, 2024, p.248252.

[10] David Shambaugh, Where Great Powers Meet: America and China in Southeast Asia, New York, Oxford University Press, 2021, p.244.

[11] Pierre Grosser, L’autre guerre froide? – La confrontation États-Unis/Chine, Paris, CNRS éditions, 2023, p.79.

Print Friendly and PDF