10.6.24

Tiến bộ hay bảo thủ?

TIẾN BỘ HAY BẢO THỦ?

Clémence Royer (1830-1902) là một nhà nữ quyền người Pháp, được nhiều người biết đến nhờ quyển sách của Geneviève Fraisse (Clémence Royer: philosophe et femme de sciences, La Découverte, 1985 - Clémence Royer: triết gia và là nhà khoa học nữ, Nhà xuất bản La Découverte, 1985). Là một người tự học xuất sắc, Royer là tác giả của một tác phẩm quan trọng về khoa học xã hội, về sinh học và vật lý, nhưng vì không có vị trí trong giới học thuật, bà lần lượt làm các nghề: giáo viên dạy tiếng Pháp và âm nhạc, thợ thêu, diễn thuyết, viết truyện và phiên dịch.

Chúng tôi sẽ cố gắng trả lời câu hỏi của tựa đề vào cuối bài báo.

MỘT PHÂN TÍCH ĐỘC ĐÁO VỀ THUẾ

Năm 1860, quận Vaud ở Thụy Sĩ muốn cải cách chế độ thuế khóa và mở một cuộc thi quốc tế về thuế; Clémence Royer nộp một luận văn 400 trang. Vào dịp này, một hội nghị quốc tế họp tại Lausanne; Clément Royer lắng nghe các diễn giả từ diễn đàn của quần chúng, vì phụ nữ không được chấp nhận cho tham gia vào các cuộc thảo luận. Những vấn đề được đề cập đến liên quan đến những cặp phạm trù thông thường: thuế trực tiếp hay gián tiếp? đánh thuế trên vốn hay trên thu nhập? đánh thuế duy nhất một lần hay nhiều lần? thuế thương vụ hay cá nhân? thuế theo tỷ lệ hay lũy tiến?

Giải thưởng và hai giải khuyến khích của cuộc thi không được phát, nhưng được biến thành một số quà tặng: nhà xã hội chủ nghĩa Proudhon nhận 1000 quan; luật sư Lassaut, 800 quan; Royer, 400 quan. Hai năm sau Royer công bố tác phẩm của mình và từ đó bà được xem hoàn toàn là một nhà kinh tế học. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được chấp nhận tham gia vào buổi họp hàng tháng của Hội chính trị kinh tế học, khi mà giờ họp muộn màng này dường như không tương thích với một sự hiện diện chân chính của phụ nữ.

Clémence Royer chấp nhận những nguyên tắc lớn của các nhà kinh tế tự do vào thời của bà. Như vậy thuế công bằng phải tỷ lệ với “của cải”, nghĩa là với vốn. Tuy nhiên bà yêu cầu một cách đánh thuế lũy tiến, với một lập luận độc đáo: thuế phải bù đắp những bất bình đẳng về gia đình đã hình thành trước đây một cách bất hợp pháp. Ví dụ, ngày trước ở nước Pháp dưới chế độ cũ (quân chủ) (Ancien Régime), Nhà Nước đã ưu đãi một cách không công bằng một số gia đình và gây bất lợi cho những gia đình khác; những gia đình đó dần dần tích lũy một số vốn vật chất và tinh thần quan trọng giúp cho họ ngày nay trở nên giàu có hơn nhiều so với nếu họ chỉ dựa vào chính những nghề nghiệp của họ. Do đó, tạm thời những người thừa kế của các gia đình ngày xưa được ưu đãi này phải trả lại những lợi ích sai trái đã được nhận trước đây.

Nhưng Royer không thúc đẩy bình đẳng của những hoàn cảnh cá nhân. Thuế phải là lũy tiến để sửa chữa những bất công trong quá khứ, nhưng một khi xã hội đã trở nên công bằng, thì thuế sẽ phải theo tỷ lệ; lúc đó mỗi người sẽ được tưởng thưởng tùy theo sự xứng đáng của cá nhân và tùy theo chi phí của sự bảo hộ mà Nhà Nước bảo đảm cho cá nhân.

THUYẾT TIẾN HÓA

Clémence Royer nhiệt thành ủng hộ những luận điểm mà Charles Darwin phát triển trong tác phẩm L’Origine des espèces (Nguồn gốc của các loài) năm 1859. Bà cung cấp bản dịch tiếng Pháp đầu tiên của tác phẩm này năm 1862. Trong một lời nói đầu dài và nhiều ghi chú, bà khai triển những luận điểm của riêng bà; đặc biệt, Darwin còn chưa dám khẳng định, nhưng lý thuyết của bà được áp dụng một cách hoàn hảo cho nhân loại và bà triệt để chống lại đạo Thiên Chúa. Bởi vì sự chọn lọc tự nhiên nơi loài người sẽ bị cản trở bởi một một sự tử tế mù quáng vốn “hy sinh cái mạnh cho cái yếu, những người tốt cho những người xấu, những người tài năng về thể lực và tinh thần cho những kẻ xấu xa và èo uột.” Darwin bác bỏ cách diễn giải này trong một lần xuất bản mới mà ông giao phó cho một người phiên dịch tiếng Pháp khác từ năm 1873.

Clémence Royer áp dụng một cách có hệ thống trong các phân tích xã hội của bà hai ý tưởng chính của Darwin: trước tiên, sự tiến bộ là kết quả của cuộc “đấu tranh sinh tồn” (“struggle for life), tiếp đến là vai trò của sự đa dạng sẽ là chính yếu trong sự tiến hóa. Bà áp dụng hai ý tưởng này vào một “dân tộc” bao gồm nhiều cá nhân, cho một “chủng tộc” bao gồm nhiều dân tộc, và cho nhân loại, bao gồm nhiều “chủng tộc”.

Từ đó ta suy ra rằng “chính là nhờ chiến thắng của những nhóm dân tộc hoàn hảo nhất, nhờ sự biến mất của những nhóm thấp kém, nhờ sự cạnh tranh của các nhóm ngang bằng nhau, mà mức trung bình chung của sự phát triển đặc thù liên tục được nâng cao”. Royer còn nhấn mạnh đến sự đa dạng tột đỉnh của các giống người, từ những giống văn minh nhất, như “các chủng tộc phương Tây”, cho đến những “chủng tộc thấp kém”. Ví dụ, sự thấp kém được gán cho người Úc là do không có thú săn nguy hiểm, như những con voi ma-mút buộc ta phải hoàn thiện khí giới và những chiến lược phức tạp. Royer nhấn mạnh nhiều đến sự đa dạng của các chủng tộc đến nỗi bà đi đến chỗ phản bác sự thống nhất của loài người:

“Ta còn có thể nói mà không e sợ rằng về phương diện trí thức, một người Mincopie, một người Boschiman, một người Papou hay cả người Lapon là bà con gần gũi hơn không chỉ với loài khỉ hay chuột túi (kangaroo), mà cả với một Descartes, một Newton, một Goethe hay một Lavoisier”.

Vì loài người được tạo thành bởi nhiều chủng tộc và nhiều dân tộc rất đa dạng, những loài “tiến hóa” nhất phải loại bỏ hay thống trị những loài khác, nhưng không nhiều quá, để duy trì một sự đa dạng nhất định, một “sự cạnh tranh” nhất định giữa chúng. Tuy nhiên, bà cũng tố cáo sự hành xử của các thực dân giáng xuống các dân tộc bản địa vào cuối thế kỷ XIX, ví dụ ở Madagascar, áp đặt tôn giáo của thực dân và chiếm lấy của cải của họ.

Gustav Schmoller (1838-1917)

Clémence Royer tin là đã chứng minh “một cách khoa học” tính ưu việt của chủng tộc châu Âu, và chính xác hơn, bà đặt nước Pháp trên đỉnh của “chủng tộc La tinh” và cao hơn giống Germains hiện đại”. Cùng lúc đó, nhà kinh tế học Đức Gustav Schmoller, với những tiền đề và phương pháp cũng “có tính khoa học”, kết luận rằng người Germains ưu việt hơn người La tinh nhiều…

Clémence Royer xem xét các cấu trúc gia đình trong quá khứ mà không phán đoán đạo đức theo nghĩa thông thường. Ý tưởng về “một sự di truyền những khả năng trí tuệ” là quan trọng trong thuyết tiến hóa của bà. Nhờ sự truyền tải này, nhân loại có thể không những tiến bộ bằng cách loại bỏ “những chủng tộc thấp kém”, mà trong nội bộ những “chủng tộc văn minh”, mỗi thế hệ có thể xuất hiện với những thiên hướng trí tuệ ưu việt hơn những thiên hướng của thế hệ đi trước:

“Giáo dục có thể thay đổi các thói quen của chúng ta; nhưng nếu di truyền không hoạt động, nếu sự chọn lọc không hoàn thành công việc của mình, nếu ở mỗi thế hệ người đàn ông mới giao phối giống trẻ trung của mình với những phụ nữ vẫn tiếp tục thuộc về thế giới cũ, thì thói quen sẽ không bao giờ trở thành bản năng: mỗi thế hệ sẽ phải bắt đầu lại tấm vải muôn thuở của nàng Pénélope mà nhân loại dệt từ những thử nghiệm đầu tiên về tính xã hội của trí tuệ.”

Francis Galton (1822-1911)

Ý tưởng chung về sự di truyền những đặc điểm có được đã được chấp nhận bởi những người đầu tiên theo thuyết tiến hóa vào thế kỷ XIX, nhưng tính di truyền này lúc đầu liên quan đến những đặc điểm hình thể, như độ dài cái cổ của những con hươu cao cổ, nhưng nói chung di truyền không được chấp nhận đối với những đặc điểm tinh thần như trí thông minh; tất nhiên có nhiều thiên tài đã có cha mẹ rất thông minh, nhưng giáo dục của họ đủ để giải thích những tài năng của họ. Francis Galton, khi diễn giải một loại điều tra được thực hiện trong vòng thân thuộc của ông vào năm 1865, đã kết luận rằng những phẩm chất tinh thần cũng mang tính di truyền. Darwin nhanh chóng xác nhận kết quả của người em họ: “Ngày nay, nhờ công trình tuyệt vời của Galton, chúng ta biết rằng thiên tài […] có xu hướng di truyền”.

Theo Royer, trình độ của một nền văn minh có thể tiến bộ dần nếu giới tinh hoa cải thiện những năng lực trí tuệ của họ và thành công trong việc truyền tải chúng, tương tự như những con hươu cao cổ truyền tải những thuận lợi của chúng, theo Lamarck.

Clémence Royer xem xét cấu trúc gia đình trong mối quan hệ với sự tiến hóa của các xã hội. Bà tin rằng gia đình phụ quyền không bỗng nhiên mà được áp đặt, rằng những cấu trúc gia đình khác – ví dụ gia đình theo chế độ mẫu quyền sẽ tiếp nối gia đình phụ quyền, tôn trọng hơn tự do của phụ nữ và phù hợp hơn với tiến bộ xã hội.

Để đi trước sự tiến hóa này, Clémence Royer đề nghị một cách phân tích táo bạo trên tờ báo rất tự do Journal des économistes, năm 1869. Bà khẳng định một lý tưởng kinh tế là “người công nhân du mục cùng với gia đình, như những nhóm dân chăn nuôi đi theo đàn gia súc của mình đến những nơi có cỏ mọc để nuôi chúng”. Làm thế nào để đạt đến đó? Phải xây dựng những nơi ở giống nhau, gần các nhà máy, với nhà ăn và cửa hàng gần kề; như vậy một công nhân muốn thay đổi công việc sẽ dễ dàng rời nơi ở của mình để đi đến một nơi ở khác. Nhưng gia đình sẽ như thế nào nếu vợ anh ta muốn giữ công việc hiện tại? Đôi vợ chồng sẽ chia tay nhau êm ái, trước khi một người nhanh chóng tìm lại được một người phối ngẫu mới. Để làm như vậy, “phải phá vỡ tính bền chặt của hôn nhân, biến hôn nhân thành một hợp đồng dân sự, một hợp đồng tự do, mà thời hạn luôn luôn tùy thuộc vào ý chí và lợi ích của các bên ký hợp đồng[*]. Về phần con cái, chúng thuộc về người mẹ, còn người cha có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho việc học của con.

Nhưng sau này, Clémence Royer nhận thấy phụ nữ không thể hài hòa công việc chuyên môn nghề nghiệp và việc nhà một cách hiệu quả. Do đó, những cặp vợ chồng trẻ phải sống cùng tập thể và chẳng hạn như mỗi bà mẹ luân phiên nhau chăm sóc tất cả những đứa trẻ.

NHỮNG LÝ THUYẾT XÃ HỘI

Clémence Royer chấp nhận nhiều nguyên tắc của các nhà kinh tế học tự do: bà nhìn thuế khóa hơi giống họ; bà ghét chủ nghĩa xã hội; bà theo cộng hòa, bà vinh danh Cách mạng 1789. Như đa phần trong số họ, bà tố cáo Đệ Nhị Đế chế (Second Empire - Vương triều Bonaparte - ND) và sẽ theo phe ủng hộ Dreyfus, như một số người, bà là một nhà tư tưởng tự do và nhất là rất chống giáo hội. Bà cũng theo chủ nghĩa công lợi (utilitariste) nhưng lại bác bỏ một cách trớ trêu chủ nghĩa cá nhân:

“Cũng như chúng tôi đã xác lập, cái hạn chế quyền của cá nhân trong loài người, cũng như trong mọi loài khác, đó chỉ có thể là lợi ích chung của chính loài ấy, lợi ích tập thể mà vì nó phải hy sinh mọi lợi ích khác; đó là lợi ích của Nhà Nước, lợi ích của sự cứu rỗi của công chúng. Các luật pháp, thể chế, bộ luật, hiến pháp, cảnh sát, tòa án, quân đội, luân lý, tất cả những điều đó chỉ có mục đích bảo đảm sự bảo vệ lợi ích chung này chống lại sự ghê sợ hay thù địch của lợi ích cá nhân ích kỷ vốn không ngừng đe dọa lợi ích chung và nó chỉ chính đáng chừng nào nó không phương hại đến lợi ích tập thể và ngược lại ích lợi cho lợi ích cá nhân”.

Ta thấy đó là đối kháng với các luận điểm mang tính cá nhân chủ nghĩa và tự do của các nhà kinh tế học Pháp: cá nhân không phải là tất cả, Nhà Nước không phải là không có gì. Đặc biệt là, “chế độ lợi ích cá nhân tự do và không giới hạn” sẽ nâng cao giá trị của hiện tại một cách quá đáng gây thiệt hại cho tương lai. Khi quá tin tưởng vào điều này, ta có nguy cơ mất đi một số giống loài, ví dụ, hiện nay chúng là vô ích nhưng có thể trở nên hữu ích cho nhân loại trong một tương lai xa. Đa dạng sinh sinh học cần được bảo tồn bằng mọi giá, vì không ai biết được các kỹ thuật sẽ tiến triển như thế nào và chúng sẽ cần những chất liệu gì, trong khi sáng kiến cá nhân sẽ không có khả năng tính đến sự bất định của tương lai.

Lý tưởng xã hội do Clémence Royer nêu ra là lý tưởng của sự tiến bộ, nhưng là lý tưởng của loài chứ không phải của cá nhân. Bà minh họa ý tưởng này với một ví dụ của động vật. Trong nội bộ của một đàn cừu, những con cừu đực yếu ốm có lẽ có một cuộc sống ít dễ chịu hơn, vì những con cừu đực mạnh sẽ không cho chúng tiếp xúc với cừu cái, nhưng như vậy đàn cừu sẽ ngày càng mạnh lên. Và cũng lập luận này được áp dụng cho những đàn cừu yếu so với các đàn cừu mạnh, thiệt hại cho một số cừu nhưng lợi ích cho loài. Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa giữa loài vật và loài người. Nếu “vì lợi ích của loài xét trong toàn bộ mà các loài ưu việt hơn thay dần các loài thấp kém”, sẽ không tốt nếu, trong nội bộ của cùng một loài hay của cùng một dân tộc, các cá thể thấp kém bị loại bỏ theo hướng có lợi cho các cá thể cao hơn. Thực vậy, các xã hội loài người tiến bộ dần nhờ sự phân công lao động và như thế các xã hội được hưởng lợi từ sự đa dạng của những năng lực cá nhân. Vả lại, sự đa dạng này sẽ rất lớn ở các cá thể của các giống loài cao hơn, và ít hơn ở thú vật cũng như ở các cá thể của các giống thấp kém.

Royer muốn phát triển những phẩm chất của loài người, nhưng chính xác hơn là những phẩm chất của một giới tinh hoa mà ta cần dành ưu tiên cho sự tái sản xuất của giới này. Ví dụ, bà muốn rằng những cá nhân có tài nên có nhiều con “thông minh và tráng kiện”; còn với những cá nhân yếu kém nhất, phải cấm họ sinh con. Thậm chí “nếu phá thai hay giết trẻ em có thể được cho phép, thì chỉ trong trường hợp này thôi”. Ý tưởng này xuất hiện trong một dự thảo bài báo mà hội nhân học Paris đã từ chối không đăng lên (Royer là người phụ nữ đầu tiên được nhận vào hội này, năm 1870).

Clémence Royer khuyến khích sự đa dạng vốn thuận lợi cho sự phân công lao động và sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy mỗi người làm tốt hơn. Như vậy, hạnh phúc tập thể lớn nhất cần có những bất bình đẳng xã hội quan trọng, với điều kiện những bất bình đẳng này tương ứng với những bất bình đẳng về tài năng. Trái lại, nguyên tắc bình đẳng sẽ đồng thời có hại và bất hợp lý, xuất phát từ đạo Thiên Chúa và từ biến tướng hiện đại của nó là chủ nghĩa xã hội: “Một người không hoàn toàn bình đẳng với một người khác, không khác gì loài vật không bình đẳng với loài người, vì nó sinh ra, sống, chết, ăn và ngủ như loài người”.

Saint-Simon (1760-1825)

Clémence Royer chê bai kịch liệt hầu hết những người đi trước bà về triết học xã hội; mỗi người sẽ vô cùng dốt nát, còn thấm nhuần những tư tưởng của đạo Thiên Chúa và hoàn toàn không có khả năng đóng góp cho khoa học. Ngoại trừ duy nhất một người: Saint Simon, đáng ngưỡng mộ như là một con người và như là một nhà tư tưởng. Bà đã thu thập lại những tư tưởng gì từ con người vĩ đại này? Trước tiên là tầm quan trọng của sự tiến bộ, kết hợp với công nghiệp, với Lý trí và với khoa học; và sự phân chia xã hội thành hai tầng lớp đối kháng nhau, những người nhàn rỗi và những người hoạt động; Lý trí và công lý ra lệnh thúc đẩy những người hoạt động, làm thiệt hại cho ngững người nhàn rỗi. Tất cả mọi cá nhân phải được xét đoán và tưởng thưởng tùy theo sự xứng đáng của cá nhân họ và tùy theo những đóng góp của họ cho nền văn minh. Quyền lực chính trị phải thuộc về một “giới quý tộc trí thức”, không nhất thiết phải là những người mà sự cạnh tranh kinh tế tự phát đặt họ vào vị trí tối cao. Cũng như vậy, Royer nghi ngờ tính mị dân và sự bất tài của những hội đồng được bầu qua phổ thông đầu phiếu.

May thay Cách mạng đã phá tan những đẳng cấp được ưu đãi cũ, nhưng cách mạng đã sai khi làm việc này nhân danh bình đẳng chứ không phải nhân danh sự xứng đáng. Cách mạng chỉ phạm lại một sai lầm cũ hơn nhiều. Thực vậy, Phúc âm đã dạy cái “lý thuyết khó tin” về sự ưu việt về tinh thần của những tầng lớp thấp kém.

DÂN SỐ

Thomas Malthus (1766-1834)

Clémence Royer khâm phục Malthus và chấp nhận những định luật của ông, nhưng bà lập luận theo một quan điểm khác, với hai nguyên do lo lắng rất tầm thường vào cuối thế kỷ. Trước tiên, bà sợ rằng những “giống thấp kém” sẽ thắng về số lượng, đặc biệt là với những người châu Á, quá chăm chỉ, khéo léo, sinh sản quá nhiều và quá tiết kiệm; tiếp đó bà sợ, ngay trong nội bộ một dân tộc đã tiến hóa như nước Pháp, khả năng sinh sản thấp của các tầng lớp giàu có. Do đó, bà cổ vũ sự phát triển của dân số Pháp, và đặc biệt là sự phát triển của thành phần có học. Chống lại mọi điều có vẻ như thật, bà cáo buộc Giáo hội đã kiềm chế sự sinh sản, chắc hẳn bây giờ ít hơn trước kia, bằng cách khuyến khích sự tiết chế và đời sống tu sĩ.

Royer giải thích sự sinh sản bằng ý chí của các gia đình: họ điều tiết số con của họ căn cứ vào dự đoán tình trạng của họ trong tương lai và chi phí cho việc học của con cái. Thế nhưng một gia đình nghèo có thể có nhiều con mà không quá tốn kém để nuôi chúng, và không có đứa con nào trong số đó sẽ nghèo hơn cha mẹ của nó. Trong khi đó một gia đình giàu sẽ tìm cách cho mỗi đứa con một phòng riêng, ví dụ vậy, và vốn khởi đầu khiêm tốn của mỗi đứa con không gia tăng dễ dàng như vốn của cha chúng.

Bên cạnh chi phí cho con cái và mối bận tâm về tương lai của chúng, Royer đổ sự giảm mức sinh cho cấu trúc gia đình ở thời của bà. Những lập luận của bà ngầm liên quan đến những gia đình của tầng lớp đại tư sản. Bà nhấn mạnh đến sự suy đồi của các phong tục ở thời của bà, cũng như nhiều phong tục khác sau năm 1870, nhưng kết hợp sự suy đồi này với một cấu trúc gia đình cụ thể:

“Gia đình khép kín, nhỏ, chỉ bao gồm một cặp vợ chồng và các con của họ, như gia đình hiện nay, đó là cái chết của xã hội trong chủ nghĩa cá nhân ích kỷ; đó cũng là sự giảm dân số, vì kiểu gia đình này kéo theo việc kết hôn muộn.”

Royer tố cáo tính ích kỷ của người vợ thời hiện đại. Tốt hơn phụ nữ phải phục vụ, nhất là không phải cho chồng của họ, mà cho loài người; xã hội phải cấp cho họ các phương tiện, pháp lý và vật chất:

“Rốt cùng, người phụ nữ không nên xem trong hôn nhân cũng như trong tình yêu một sự mua bán ít nhiều dễ chịu hay ít nhiều có lợi; họ phải hiểu rằng hôn nhân không có mục đích tạo cho họ cơ hội để xuất hiện với áo voan trắng và vòng hoa, để với trang phục của ngày hôm sau xóa đi những người bạn gái của hôm trước hay thậm chí mang theo một em bé trong tay của một cô giữ trẻ ăn mặc đẹp trong những lần đi dạo; hôn nhân phải là cơ hội cung cấp cho Nhà Nước những công dân để bảo vệ Nhà Nước, dạy dỗ chúng một cách nghiêm túc, rất nghiêm túc, với lý trí cũng như tình thương, tự giải thoát mình khỏi những định kiến lâu đời, thay vì khắc sâu những định kiến này vào đầu con trẻ, cơ hội học tập để hướng dẫn việc học của con. Phụ nữ phải hiểu rằng việc sinh đẻ đối với phụ nữ là tương đương với nghĩa vụ quân sự, cũng như nghĩa vụ này, họ gặp những nguy hiểm và khó khăn mà họ phải chịu đựng với lòng can đảm. Phụ nữ phải tự bảo rằng mình nợ loài người những đại diện thông minh và tráng kiện, dũng cảm và lành mạnh để một ngày đi tranh giành những vùng đất mới với những loài thấp kém, và những người tiên phong này của nền văn minh phải trả cho những khí hậu thù nghịch những vật cống nạp không kém phần ghê gớm so với những vật cống nạp mà chiến tranh tiếp tục lấy của họ”.

Năm 1890, Clémence Royer đề nghị “sự giảm dân số nước Pháp” như là chủ đề của cuộc thảo luận của hội nhân học Paris. Bà đặc biệt buộc tội sự xâm chiếm thái quá những bà mẹ trẻ bởi những đứa con, khiến cho người chồng có cảm giác bị bỏ rơi, và từ đó họ tìm đến mại dâm. Các bà mẹ tạo ra “những đứa trẻ hư, những con quỷ nhỏ của tính tai ác: những khối thần kinh dễ nổi giận và luôn luôn nổi giận, bị kích động mọi lúc bởi lòng tham lam, thèm muốn và hay giận dữ, những trẻ này, sau khi là những đứa trẻ quá quắt, gần như chắc sẽ trở thành những người trưởng thành ích kỷ”. Đó là lỗi của Rousseau, một trong những người mà bà chống đối, và là lỗi của những “nguyên tắc sư phạm” của ông.

TIẾN BỘ HAY BẢO THỦ?

Những phân tích và khuyến cáo về xã hội và chính trị của Clémence Royer tạo thành một hệ thống lớn lao và chặt chẽ. Chúng ta hãy tự hỏi, một cách rõ ràng là phi thời gian tính, Clémence Royer sẽ được xét là tiến bộ hay bảo thủ theo nghĩa thông dụng của hai từ này vào năm 2024. Hai câu trả lời có thể thích hợp:

— Clémence Royer là tiến bộ, chống Giáo hội, ủng hộ Dreyfus; chủ trương hòa bình, ủng hộ giáo dục cho công chúng bình dân, nhà nữ quyền triệt để; khoa học là yếu tố dẫn đường duy nhất, chống những ưu đãi của sinh đẻ, đòi hỏi rằng của cải chỉ tưởng thưởng tài năng và đức hạnh, bà tin rằng thị trường, trong những trường hợp quan trọng, đối kháng với lợi ích chung và Nhà Nước phải can thiệp một cách chính đáng.

— Clémence Royer là bảo thủ vì bà tin rằng những bất bình đẳng xã hội luôn phản ánh những bất bình đẳng về tài năng, bà ca ngợi cạnh tranh vì nó khuyên khích những người giỏi nhất và thúc đẩy hoạt động chung, bà theo chủ nghĩa tinh hoa, bà ghét chủ nghĩa bình quân và những điều không tưởng của chủ nghĩa xã hội, bà đối chọi những “chủng tộc thấp kém” với những chủng tộc phương Tây, bà muốn cấm những cá nhân kém cỏi nhất kết hôn và gợi ý nên giết những đứa trẻ mà họ có thể sinh ra, bà tố cáo nền giáo dục nuông chiều con của các bà mẹ quá hiện đại và tính ích kỷ của các bậc cha mẹ không muốn vướng bận vì có nhiều con.

Hai cách phi thời gian tính này để đánh giá Clémence Royer đồng thời đúng và sai. Bởi vì các sơ đồ chính trị thế kỷ XIX không còn là sơ đồ của chúng ta.

Từ khóa: Royer – Sinh học xã hội – Thuế khóa – Chủ nghĩa tự do – Chủ nghĩa nữ quyền

Các tác giả:

François Etner, ENSAE (1971), giáo sư, Leda, Đại học Paris Dauphine PSL

Claire Silvant, giảng sư, Triangle, Đại học Lumière Lyon 2

Năm 2017, hai vị này đã xuất bản tác phẩm Histoire de la pensée économique en France (Lịch sử tư tưởng kinh tế ở Pháp), Economica xuất bản, và họ đã tiếp tục quan tâm đến Clémence Royer.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: “Progressiste ou conservatrice”, Variances, 18.3.2024




Chú thích:

[*] Tại Pháp, ly dị bị cấm cho đến năm 1884. Có lẽ vì lý do này mà Royer không kết hôn với người đàn ông mà bà sống chung.

Print Friendly and PDF