17.7.25

Tôi đã nghiên cứu về tín ngưỡng và văn hóa trên khắp thế giới. Đây là cách để nền tài chính bao trùm và bền vững hơn

TÔI ĐÃ NGHIÊN CỨU VỀ TÍN NGƯỠNG VÀ VĂN HÓA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI. ĐÂY LÀ CÁCH ĐỂ NỀN TÀI CHÍNH BAO TRÙM VÀ BỀN VỮNG HƠN

Krailath/Shutterstock

Các sản phẩm tài chính đang ngày càng trở nên tinh vi hơn – các vụ gian lận liên quan đến những thứ như tiền mã hóa, tin tặc và chiếm đoạt tài sản qua mạng cũng thế. Nhiều người bị choáng ngợp trước các vấn đề tài chính và việc không thể quản lý tiền có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Nhưng về cơ bản, tiền là một cấu trúc xã hội và văn hóa. Con người tạo ra nó để phục vụ nhu cầu hằng ngày của mình về thức ăn, quần áo và nơi trú ẩn. Tuy nhiên, bạn có thể lập luận rằng người đầy tớ này của xã hội nay đã trở thành chủ nhân. Tiền len lỏi vào mọi khía cạnh đời sống, bao gồm sức khỏe, hạnh phúc và tình yêu – ngay cả các mối quan hệ cũng có thể bị vật chất hóa.

Loài người đã gây ra thiệt hại to lớn cho hành tinh. Chúng ta cần khẩn trương xem xét lại các động cơ tài chính và thể chế của mình để nuôi dưỡng Trái Đất, thay vì khai thác, cướp bóc và phá hủy nó.

Trong khi đó, trong 50 năm qua, ngành tài chính đã phát triển về tầm ảnh hưởng lẫn phạm vi. Trên thực tế, hầu hết các ngành khác trong kinh doanh, chẳng hạn như tiếp thị, hành vi tổ chức và quản lý, đã lệ thuộc vào tài chính. Mối ưu tiên là tối đa hóa lợi nhuận để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng liên tục về doanh thu và tài sản cổ đông. Gọi là sự tài chính hóa.

Điều này, cùng với bất bình đẳng gia tăng, khiến đây là thời điểm thích hợp để kiểm nghiệm hệ thống kiến ​​thức (nhận thức luận) và niềm tin (bản thể luận) của tài chính. Các nguyên tắc đạo đức cốt lõi của nó là gì, chúng đi chệch hướng từ khi nào và nên cải cách các nguyên tắc đó ra sao để giúp định hình một xã hội bền vững trong tương lai?

Với sự đa dạng văn hóa và tôn giáo phong phú trên Trái Đất, cũng như những thách thức toàn cầu về bất bình đẳng và tính bền vững, tôi đã xem xét đủ loại trải nghiệm, niềm tin và quan điểm khác nhau về tiền bạc trong cuốn sách mới của mình, Organic Finance (tạm dịch: Tài chính hữu cơ – ND).

Thành quả là một khuôn khổ tương tự như canh tác hữu cơ, nơi sức khỏe của đất, không khí và nước được tôn trọng. Truyền thống, đạo đức, văn hóa và niềm tin giữ vai trò trọng yếu trong việc xây dựng các xã hội bền vững. Việc kiếm tiền được đặt vào bối cảnh văn hóa và hành tinh lành mạnh. Tôi đã xem qua thái độ đối với tiền bạc trong khắp các nền văn hóa và phát lộ sự khôn ngoan bị lãng quên.

Nhiều tôn giáo có quan điểm rạch ròi về tiền bạc, nợ nần và vai trò của chúng trong việc xây dựng hòa bình và sự cố kết. Hầu hết đều bác bỏ việc tích lũy của cải vì tư lợi, và cảnh báo về các giới hạn của lòng tham và chủ nghĩa vật chất. Nhưng những nguyên tắc này lại là phản đề của cách thức kinh tế và tài chính trừu tượng hiện đại đang được mô hình hóa và giảng dạy trên toàn thế giới. Điều này đã tiếp tay cho suy thoái môi trường thông qua khai thác và vắt kiệt tài nguyên.

Vô số nền văn hóa và truyền thống đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ họ hàng, từ thiện, tình nguyện và phụng sự trong xây dựng cộng đồng và các mối quan hệ xã hội. Niềm tin và sự tương hỗ là trọng tâm của nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng nhưng lại bị các giáo lý của nền tài chính hiện đại ngó lơ và làm xói mòn nghiêm trọng.

Ngược lại, đối với nhiều truyền thống bản địa, tiền bạc xưa nay chỉ đóng vai trò nhỏ trong sinh kế. Ví dụ, người Jain có một ghi chép dài hàng trăm năm về hoạt động thiện nguyện cho con người, động vật và môi trường.

[a1] Ngôi đền Hindu Neasden ở London được xây dựng bởi những người tị nạn châu Á gốc Uganda vốn đến đây trong cảnh nghèo đói nhưng với tinh thần cộng đồng mạnh mẽ. Ảnh tác giả cung cấp.

Chương đầu tiên trong tác phẩm của tôi có tựa đề “Tài chính xấu xa”, phác thảo cách một số người bị định nghĩa bằng sự cạnh tranh, bóc lột và tước đoạt. Các tập đoàn đa quốc gia đã tích lũy được quyền lực toàn cầu đáng kể, và rất khó để quản lý hay điều chỉnh chúng. Điều này thường được chấp nhận như một thực tế khoa học, trong khi thực ra, hành vi như vậy là không bền vững.

Thiên nhiên và khía cạnh tinh thần rất quan trọng khi nói đến việc định hình một tương lai có ý thức và có trách nhiệm cho tài chính. Một cách tiếp cận tài chính từ gốc rễ bao gồm lòng tốt đối với các sinh vật sống, kể cả cộng đồng ở nông thôn và động vật, sẽ giúp duy trì sự quan tâm đến sức khỏe của đất, độ tinh khiết của nước và không khí trong lành. Và nó sẽ đảm bảo con người biết khiêm tốn và vun đắp (cho hành tinh).

Niềm tin trước lợi nhuận

Trên toàn thế giới, có hàng triệu doanh nghiệp nhỏ chỉ đơn giản muốn cung cấp dịch vụ có giá trị và nuôi sống gia đình họ. Họ không có tham vọng tăng trưởng theo cấp số nhân và muốn duy trì sự mở rộng trong phạm vi có thể quản lý được. Và vì họ muốn truyền lại doanh nghiệp cho các thế hệ tương lai, tính bền vững được đan xen sâu sắc vào văn hóa kinh doanh của họ. Niềm tin và các mối quan hệ được coi trọng hơn lợi nhuận hay của cải.

Trong cuốn sách, tôi cũng xem xét lợi nhuận và sự tối đa hóa của cải dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế nào, với các tác dụng phụ bao gồm ô nhiễm và công việc bấp bênh. Đáng buồn thay, nhiều thập kỷ nghiên cứu và kinh nghiệm giảng dạy cho tôi thấy rằng những từ như đạo đức, lòng tin, mối quan hệ và cộng đồng đang dần biến mất khỏi các giáo trình tài chính doanh nghiệp và ngân hàng, vốn khuyến khích sự ích kỷ và tư duy tính toán.

Trừ khi chúng ta quay trở lại với những điều cơ bản về bản chất văn hóa, đạo đức và giới hạn của tiền bạc, các cải cách về tài chính như tiêu chí đầu tư ESG (environmental, social and governance – môi trường, xã hội và quản trị) hoặc mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ chỉ miếng vá tạm cho các định chế thị trường về cơ bản là chỉ quan tâm cái lợi trước mắt, tham lam và ích kỷ.

Đối với những người làm trong lĩnh vực tài chính, điều quan trọng là hiểu được giới hạn của chủ nghĩa duy vật. Tài chính có thể một lần nữa trở thành người đầy tớ của xã hội và thiên nhiên, giúp thúc đẩy các giá trị của gia đình và cộng đồng. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách đặt đạo đức và văn hóa làm trọng tâm của việc đào tạo kế toán, kinh tế và tài chính.

Khi chúng ta cho phép sự tự phản tư và các nền văn hóa và truyền thống đa dạng đi vào chương trình giảng dạy tài chính, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho những cuộc đối thoại phong phú, những khuôn khổ đạo đức vững chắc và khả năng đặt tiền bạc về đúng vị trí của nó. Tái thiết tài chính như vậy sẽ tôn trọng các nền văn hóa và truyền thống đa dạng, cho phép họ học hỏi lẫn nhau và cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng và hành tinh lành mạnh.

Tác giả

Atul K. Shah

Atul K. Shah

Giáo sư Kế toán và Tài chính, City St George's, Đại học London

Tuyên bố công khai

Atul K. Shah không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào được hưởng lợi từ bài viết này và không tiết lộ bất kỳ mối liên kết có liên quan nào ngoài việc bổ nhiệm làm giáo sư.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: I’ve studied faiths and cultures around the world. Here’s how finance can be made more inclusive and sustainable, The Conversation, June 23, 2025.

Print Friendly and PDF