XÂY DỰNG BẢO TÀNG
KHOA HỌC Ở VIỆT NAM?
Tác giả: Pierre Darriulat
Trong bối cảnh lãnh đạo đất nước
đang mong mỏi nâng cao tinh thần đổi mới, nếu Việt Nam có ý tưởng xây dựng một
bảo tàng khoa học thì đây là một sáng kiến hết sức đáng hoan nghênh.
![]() |
Cung điện Khám phá ở Paris là một dạng bảo tàng khoa học, luôn thu hút khách tham quan. Ảnh: Palais de la Découverte |
Khi còn là một cậu bé ở Paris,
tôi nhớ đã vô cùng thích thú khi được thăm Cung điện Khám phá1, một
dạng bảo tàng khoa học, nhưng là một bảo tàng sống động, mang đến cho những vị
khách trẻ cơ hội tương tác với những thiết bị thí nghiệm nhỏ. Chắc chắn đây là
cách tốt nhất để khoa học đến được với công chúng, giúp họ nâng cao hiểu biết,
khơi dậy trí tò mò, khiến họ tôn trọng tri thức hơn tiền bạc, và giới thiệu cho
họ vẻ đẹp cùng sự nghiêm cẩn trong thế giới khoa học.
Trong bối cảnh lãnh đạo đất nước đang mong mỏi nâng cao tinh thần đổi mới, nếu Việt Nam có ý tưởng xây dựng một bảo tàng như vậy thì đây là một sáng kiến hết sức đáng hoan nghênh. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm kích thích trí tò mò của công chúng, khuyến khích họ suy nghĩ và phát huy khả năng phán đoán cùng tư duy phản biện đều đáng được nhiệt liệt hoan nghênh và xem như một bước gần hơn với sự tiến bộ. Chúng ta nên nhớ lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
Việc xây dựng một Bảo tàng Khoa học
ở Việt Nam sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định một hình thức
phù hợp. Tôi cho rằng một nhóm công tác chuyên trách sẽ cần khoảng một năm để
thực hiện công việc này một cách đúng đắn. Nhóm này, ngoài những người Việt, phải
có cả những thành viên nước ngoài có tầm cỡ, vừa có cái nhìn rộng về khoa học
đương đại, lại có kinh nghiệm trong việc phổ biến khoa học. Nhóm phải hoạt động
hoàn toàn độc lập, không chịu sự chi phối trước những thiên kiến chủ quan: các
thành viên phải là các nhà khoa học thuần túy. Một thông lệ tốt trong trường hợp
này là mời một thành viên cấp cao của bộ, ở đây là Bộ Khoa học và Công nghệ, chẳng
hạn như một thứ trưởng, tham gia nhóm công tác với vai trò tổng thư ký; tuy
nhiên, vị này không nên là thành viên của nhóm.
Một bảo tàng như vậy cần mang
tính sư phạm cao, dạy những kiến thức cơ bản và không nên quá tham vọng. Ta nên
lựa chọn trình bày những gì đã được giới khoa học hiện đại công nhận rộng rãi
nhưng vẫn khơi dậy sự tò mò và kinh ngạc của công chúng. Chúng ta không cần nói
về lạm phát vũ trụ, năng lượng tối, vật chất tối, lỗ đen và đa vũ trụ – những
khái niệm thời thượng để tỏ vẻ hiểu biết. Chỉ cần giải thích được cho người
tham quan rằng chúng ta sinh ra từ những hạt bụi sao, rằng các ngôi sao và
thiên hà đã hình thành như thế nào sau đêm trường của vũ trụ, khi chỉ chứa
hydro và heli, đã là một bước tiến lớn. Một bước tiến lớn so với Thuyết sáng thế
cho rằng thế giới là do thần thánh tạo ra đang thịnh hành trong nhiều cộng đồng
ở Mỹ. Chúng ta nên nói về phân tử, nguyên tử và hạt nhân, nhưng hãy tránh xa cơ
chế Higgs và lý thuyết siêu dây. Tôi không có ý cho rằng chúng ta nên che giấu
những chủ đề chính mà khoa học hiện đại đang tập trung nghiên cứu, giải quyết;
nhưng chúng ta chỉ nên đề cập đến chúng như những bằng chứng cho thấy còn rất
nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời, đôi khi là những câu hỏi rất cơ bản, chẳng hạn
như sự không tương thích giữa vật lý lượng tử và thuyết tương đối rộng ở thang
Planck. Những câu hỏi, những vấn đề mở này khiến người xem vừa trở nên khiêm
nhường hơn và vừa muốn nghiên cứu sâu thêm nữa.
Sứ mệnh chính của một Bảo tàng Khoa học như vậy nên là làm cho công chúng quen thuộc với văn hóa khoa học, ca ngợi những giá trị làm nên phẩm giá của nó: sự chính trực và năng lực, sự nghiêm túc về trí tuệ và đạo đức.
Khi rời khỏi bảo tàng, hy vọng rằng
người thăm quan sẽ có một vài câu trả lời cho những câu hỏi mà họ đã có từ trước;
nhưng quan trọng hơn, nhiều câu hỏi mới sẽ nảy ra trong đầu họ. Hiểu biết của họ
có thể thêm chỉ một chút, nhưng trí tò mò và khát khao làm chủ tri thức của họ
sẽ tăng lên nhiều, đây là tài sản thiết yếu cho tiến bộ. Chuyến tham quan nên mở
ra một cửa sổ mới trong tâm trí người tham quan về những câu hỏi mang tính khoa
học hoặc triết học mà trước đây họ chưa nghĩ đến. Đặc biệt, nó nên mời gọi họ
tiếp cận các ý tưởng và tín ngưỡng tôn giáo với một cái nhìn cởi mở hơn, bác bỏ
chúng khi chúng tuyên bố thay thế khoa học, nhưng đồng thời ca ngợi và trao cho
chúng phẩm giá cao hơn khi chúng khiến nhân loại đoàn kết để đối mặt với bí ẩn
mà khoa học sẽ không bao giờ có thể làm sáng tỏ: Tại sao lại có sự tồn tại thay
vì hư vô?
Một trong những thông điệp mà
chuyến thăm Bảo tàng Khoa học như vậy nên truyền tải là khoa học không có biên
giới. Khoa học ở California, Việt Nam và Zululand đều như nhau. Các nhà khoa học
là công dân của thế giới. Một minh chứng ngay lập tức hiện lên trong tâm trí
tôi là trường hợp của Alexandre Yersin, một nhà khoa học xuất sắc đã cống hiến
cả cuộc đời mình để thúc đẩy khoa học ở Việt Nam. Với tư cách là một nhà khoa học,
ông Việt Nam hơn cả người Pháp hay Thụy Sĩ. Cuộc đời ông là một chuỗi các sự kiện
tạo nên một hình mẫu đáng chú ý và tấm gương cho thế hệ các nhà khoa học Việt
Nam tương lai. Nên có một phòng trong Bảo tàng để vinh danh ông. Người xem nên
được nhắc nhở về các hành động của các nhà khoa học vì hòa bình, chẳng hạn như
tuyên bố Erice, được các nhà khoa học từ Đông và Tây thúc đẩy chung trong Chiến tranh Lạnh, kêu gọi một nền khoa
học không bí mật và không biên giới; hay nhà toán học Laurent Schwartz đã hành
động chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam.
![]() |
Một góc Bảo tàng Alexandre Yersin tại Nha Trang. Ảnh: nashaplaneta.net |
Ca ngợi khoa học Việt Nam và vinh
danh các nhà khoa học Việt Nam nên là một sự tri ân dành cho những người đã
giúp Việt Nam trong cuộc chiến chống lại sự thiếu hiểu biết. Một ví dụ hiện lên
trong tâm trí tôi là Hồ Đắc Di, người đã tham gia cùng Bác Hồ và giúp Bác xây dựng
các trường đại học trong nền cộng hòa non trẻ.
Ta cần thận trọng để tránh “nhận
vơ” những đóng góp khoa học trên thế giới có sự tham gia của người Việt. Một
trong những ví dụ có thể kể đến là các nhà khoa học Việt kiều. Tôi nghĩ đến hai
nhà khoa học đương đại gốc Việt nằm trong những gương mặt tầm cỡ quốc tế, Ngô Bảo
Châu và Đàm Thanh Sơn. Sẽ không đúng nếu tự hào về họ vì họ là người Việt Nam,
như thể người Việt có một tố chất gì đó làm nên tài năng như vậy. Một cái tên
khác mà tôi nghĩ tới là GS. Trần Thanh Vân cùng với người vợ của mình là GS. Lê
Kim Ngọc lập ra tại Quy Nhơn Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành
(ICISE) và một một Bảo tàng Khoa học với quy mô nhỏ, ExploraScience. Ông lại là
một ví dụ về Việt kiều có những đóng góp lớn đối với sự tiến bộ khoa học của Việt
Nam.
Có rất nhiều cạm bẫy mà một dự án
bảo tàng có thể mắc phải, nhiều mối nguy cần phải tránh. Một trong số đó là trở
thành con mồi của những kẻ lợi dụng danh tiếng của khoa học để phục vụ lợi ích
riêng, chẳng hạn như những người ủng hộ netzero hay trí tuệ nhân tạo. Khi rời khỏi bảo
tàng, người xem nên biết sự sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra với
tốc độ nhanh hơn sự dâng lên của mực nước biển một bậc độ lớn, và về những
nguyên nhân gây ra sự sụt lún này. Họ nên nhận thức được sự cân bằng mong manh cần thiết để duy trì
điều kiện sống phù hợp cho con người trên Trái đất, một ví dụ điển hình là lỗ
thủng tầng ozone và vai trò của khí CFC trong các thiết bị làm lạnh và bình xịt
aerosol. Đồng thời, người tham quan nên hiểu rằng, trái ngược hoàn toàn với những
gì xảy ra trong thực tế, môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu là những vấn đề nghiêm
túc và phức tạp cần được giải quyết một cách lý trí, khách quan, với sự nghiêm
cẩn về trí tuệ và đạo đức mà khoa học đòi hỏi.
Một Bảo tàng Khoa học nên giúp thế hệ trẻ tiếp nhận với một thái độ suy luận phê bình, nhìn thế giới xung quanh với đôi mắt rộng mở và suy nghĩ về những gì họ thấy với một tâm trí rộng mở; họ cần học hỏi quan điểm của người khác để làm phong phú thêm quan điểm của chính mình khi chia sẻ cùng quan điểm và để chống lại chúng một cách hiệu quả khi không đồng tình.
Hy vọng rằng, khách tham quan sẽ
học được cách phân biệt giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, và giữa
khoa học và công nghệ; tất cả đều đáng được tôn trọng, nhưng không nên bị nhầm
lẫn. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và dữ liệu lớn không nên bị
nhầm lẫn với khoa học; chúng là những công cụ thiết yếu đóng một vai trò quan
trọng trong sự tiến bộ của khoa học đương đại, nhưng chúng không phải là khoa học;
không may là một số nhà quản lý khoa học lại không phân biệt được điều này. Hy
vọng rằng, khách tham quan của Bảo tàng cũng sẽ nhận thức được sự khó khăn
trong việc tìm ra sự cân bằng hợp lý giữa nghiên cứu ứng dụng và cơ bản, đặc biệt
là trong trường hợp một nước đang phát triển như Việt Nam, nơi những đặc thù cần
được xem xét một cách đúng đắn. Họ sẽ hiểu rằng khoa học vừa có những ứng dụng
phục vụ sự tiến bộ của xã hội và có ứng dụng khác, rằng các nhà nghiên cứu dĩ
nhiên rất vui khi thấy khoa học cơ bản có ứng dụng, nhưng đó không phải là động
lực thúc đẩy họ trong hành trình tìm kiếm những khám phá mới.
Một nhiệm vụ rất khó khăn mà Nhóm
công tác sẽ phải đối mặt là chọn chủ đề nào trong số rất nhiều chủ đề khoa học
có thể trình bày trước công chúng. Lấy một ví dụ về Khoa học Sự sống, ngành mà
sinh học phân tử đã cách mạng hóa trong nửa sau của thế kỷ trước. Lý tưởng nhất,
công chúng nên được tìm hiểu về thành phần cơ bản của DNA, đường, phosphate và
các bazơ nitơ xếp chồng lên nhau và ghép cặp để tạo thành những bậc thang của
chuỗi xoắn kép; về tổ chức của DNA thành các nhiễm sắc thể được lưu trữ trong
nhân của tế bào nhân thực; về gene và cách chúng mã hóa một protein cụ thể và
cách DNA được đóng gói quanh các protein để tạo thành nhiễm sắc thể, trong đó
con người có 23 cặp; về RNA và cấu tạo của nó; về 22 loại axit amin khác nhau kết
hợp với nhau để tạo thành protein; về enzyme, chủ yếu là protein nhưng cũng có
các phân tử RNA, giúp tăng tốc các phản ứng hóa học mà không bị tiêu hao trong
quá trình này. Một lần nữa, lý tưởng nhất là công chúng nên được biết về sự
hình thành những phân tử đầu tiên của sự sống trong bầu khí quyển của các ngôi
sao đang chết, và về hiểu biết hiện tại về nguồn gốc sự sống, từ một trạng thái
như súp tiền sinh học giả định đến sự hình thành của các tế bào đầu tiên. Họ
nên được cung cấp đủ thông tin để nhận thức được nhiều câu hỏi mà các vấn đề
này đang đặt ra, về mức độ sâu sắc và cơ bản của chúng. Họ nên được đưa ra đủ
các ví dụ thuyết phục để chấp nhận thuyết Darwin và vượt qua khó khăn mà tất cả
chúng ta đều phải đối mặt khi chấp nhận tiến hóa, một lý thuyết phản trực giác
cho rằng Ngẫu nhiên và Tất yếu chi phối số phận của chúng ta. Đó mới chỉ là một
chủ đề đầu tiên về khoa học sự sống, các chủ đề trưng bày tiếp theo có thể là về
sự chuyển đổi từ sinh vật nhân sơ sang sinh vật nhân thực và các sinh vật đa
bào đầu tiên; nhưng hãy để tôi dừng lại ở đây. Tôi chỉ muốn cho thấy sự phức tạp
trong nhiệm vụ lựa chọn chủ đề khơi dậy tốt nhất trí tò mò ở người xem và khuyến
khích họ tự học hỏi. Một chủ đề thiết yếu khác mà Bảo tàng phải đề cập liên
quan đến cách bộ não của con người hoạt động. Chúng ta đã biết đủ về các cơ chế
liên quan đến thị giác, từ võng mạc đến vỏ não thị giác, để có thể nói cho công
chúng về những sự thật nổi bật nhất. Một lần nữa, nội dung trưng bày không phải
là để gây choáng ngợp cho người xem, cũng không có tham vọng biến họ thành một
học giả uyên bác. Nhưng họ nên được biết đủ về tế bào thần kinh và chất dẫn
truyền thần kinh, về vỏ não thị giác và sáu khu vực riêng biệt của nó để thấy rằng
những tuyên bố so sánh máy tính và cái gọi là công nghệ nơ-ron với những gì diễn
ra bên trong não bộ là lừa dối và sai lầm như thế nào.
![]() |
Khách tham quan cuộc trưng bày về Các nhà khoa học đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2020 do Trung tâm Di sản các nhà khoa học tổ chức. Ảnh: Mỹ Hạnh |
Tôi muốn nhấn mạnh rằng để bao gồm được sự bùng nổ phi
thường của khoa học hiện đại trong nửa sau của thế kỉ 20 cần không gian trưng
bày lớn. Hơn nữa, bên cạnh các lĩnh vực và các khám phá đương đại, chúng ta vẫn
cần cân nhắc xem xét có tính phản biện những nội dung kinh điển được trưng bày
trong các bảo tàng ở nước ngoài cho phép Việt Nam lựa chọn những gì quan trọng,
hấp dẫn và phù hợp nhất với mình. Toán học, lĩnh vực khoa học mà Việt Nam thành
công nhất, phải được trình bày một cách thích đáng. Tôi nghĩ, công trình nhà bảo
tàng sẽ cần tối thiểu là 30 phòng để có thể truyền tải một bức tranh tương đối
toàn diện về thế giới khoa học.
Sứ mệnh chính của một Bảo tàng
Khoa học như vậy nên là làm cho công chúng quen thuộc với văn hóa khoa học, ca
ngợi những giá trị làm nên phẩm giá của nó: sự chính trực và năng lực, sự
nghiêm túc về trí tuệ và đạo đức, từ chối các lập luận dựa trên uy quyền, giáo
điều và học thuyết, khước từ những ảnh hưởng của sự quan liêu chính trị. Chúng
ta nên nhớ rằng vụ Lysenko đã gây ra sự hổ thẹn lớn cho một nền khoa học Liên
Xô vốn rất rực rỡ. Trong nhiều năm, tôi đã kêu gọi trên Tia Sáng để
thúc đẩy một nền văn hóa như vậy2, nhưng những lời kêu gọi đó chưa
được lắng nghe. Chúng ta hãy hy vọng rằng những thông điệp thúc đẩy tiến bộ mà
lãnh đạo đất nước đang đưa ra sẽ cho chúng ta cơ hội để cuối cùng cũng thực hiện
được một bước tiến như vậy.
Việt Nam cần chuyển đổi từ một nền
kinh tế dựa trên lao động giá rẻ sang một nền kinh tế tri thức. Điều đó có
nghĩa là đất nước phải đào tạo một thế hệ công dân có trách nhiệm, có tư duy cởi
mở và khả năng phán đoán phê bình, cho phép họ tự quyết định con đường cần theo
đuổi vì lợi ích tốt nhất của đất nước.
Khoa học là một ngôi trường tuyệt
vời cho việc đào tạo như vậy: nó bác bỏ các lập luận dựa trên uy quyền, nó từ
chối che đậy những lập luận mâu thuẫn với lý thuyết của nó. Khoa học không phải
là tôn giáo: nó không có niềm tin, lý thuyết của ngày hôm nay là những gì tốt
nhất và sẽ được thay thế vào ngày mai bằng một lý thuyết tốt hơn, chính xác hơn
và tổng quát hơn: khoa học không có tham vọng tự nhận là người giữ chân lý tuyệt
đối duy nhất. Điều quan trọng trong khoa học không phải là tin hay không tin,
mà là kiến thức hay sự thiếu hiểu biết.
Một Bảo tàng Khoa học nên giúp thế
hệ trẻ tiếp nhận với một thái độ suy luận phê bình, nhìn thế giới xung quanh với
đôi mắt rộng mở và suy nghĩ về những gì họ thấy với một tâm trí rộng mở; họ cần
học hỏi quan điểm của người khác để làm phong phú thêm quan điểm của chính mình
khi chia sẻ cùng quan điểm và để chống lại chúng một cách hiệu quả khi không đồng
tình.
Phạm Ngọc Điệp dịch
Chú thích
[1] www.palais-decouverte.fr
[2] Các ví dụ là kết luận của bài
báo tháng 11/2015 về “Khoa học và Công nghệ ở Nhật Bản và Đông Á”, bài báo
tháng 8/2019 về “Tài trợ cho Nghiên cứu Cơ bản” và bài báo năm 2021, viết nhân
dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, về “Các nhà khoa học có thể nói gì với đồng bào của
mình để giúp họ xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn?”.
Nguồn bản dịch: Xây dựng Bảo tàng Khoa học ở Việt Nam?, Tia Sáng, 12/2025.
