3.7.25

Kỷ yếu Immanuel Kant ra mắt

IMMANUEL KANT

KỶ YẾU MỪNG SINH NHẬT THỨ 300 RA MẮT

Nguyễn Xuân Xanh

Immanuel Kant (1724-1804) Nguồn: Licentia Poetica

Kỷ yếu Immanuel Kant “Vén Mây Giữa Trời”. Sách đẹp, dày 880 trang, bìa cứng, giá bìa 500.000đ. In đợt đầu 500 quyển.

Thay mặt Ban chủ biên:

TRẦN VĂN ĐOÀN – LƯU HỒNG KHANH – BÙI VĂN NAM SƠN – NGUYỄN XUÂN XANH

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn và người hạnh phúc nhất nhận được sách Kỷ yếu đầu tiên hết

Lời nói đầu

Anh chị thân mến,

Sau những nỗ lực phi thường trong hoàn cảnh rất eo hẹp, và trong điều kiện sức khỏe của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn không tốt, quyển Kỷ yếu Immanuel Kant 300 năm cuối cùng đã chính thức ra mắt độc giả. Tác phẩm vừa là đứa con tinh thần của giới khai sáng còn khiêm tốn Việt Nam, vừa mang thông điệp Khai sáng của Immanuel Kant đến cộng đồng Việt Nam giúp nó lan tỏa thêm vì sự phát triển của đất nước. Đây là sự kiện vui mừng và rất đáng khích lệ, rằng Việt Nam đất nước xa xôi cũng chính thức kỷ niệm Immanuel Kant cùng với thế giới, tiếp theo cuộc Hội thảo Immanuel Kant tại Đại học Văn Lang ngày 19 tháng 7 năm 2024, sự kiện đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp.

Trên bình diện cá nhân, có khai sáng mới vượt lên được chính mình, thoát khỏi sự “chưa trưởng thành tự chuốc lấy”. Trên bình diện quốc gia, có khai sáng mới qua vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đất nước mới tiến nhanh lên phồn vinh bền vững. Sự phồn vinh quốc gia là giao lộ của hai loại khai sáng: Khai sáng Kant và khai sáng A. Smith. Không phải đợi viện dẫn Kant mới có khai sáng Kant: dám biết, sapere aude. Một dân tộc phát triển thì trong chừng mực, hay về mặt nào đó, đã được khai sáng. Và ngược lại một dân tộc cứ loay hoay, thì đó là dấu hiệu còn thiếu sức mạnh của khai sáng trong nội lực của mình.

Các nhà “khải-mông (keimō) của Nhật Bản Minh Trị trong nhóm trí thức khai sáng Minh-Lục-xã (Meirokusha) rất ảnh hưởng có thể chưa viện dẫn Kant hay Hegel cụ thể, nhưng người Nhật vẫn có khai sáng kiểu Kant: dám biết, dám học những cái mới của phương Tây, và cũng dám làm. Họ thức tỉnh. Quá trình khai sáng nào cũng cần sự thức tỉnh. Họ thức tỉnh sâu và toàn diện. Họ hiểu vấn đề của quốc gia một cách toàn diện. Họ thích gọi nhà khai sáng là “khải-mông (keimō) hơn, những người làm thức tỉnh những ‘kẻ mê muội’, hay đang có kiến thức nông cạn, như học giả Vĩnh Sính nói. Ông nhận định, người Nhật, ý thức hay vô ý thức, chuộng dùng chữ keimō thay vì kaimei (khai sáng) là vì lý do, như mục tiêu khai sáng theo cách nhìn của các thành viên trong Minh-lục-xã, muốn “nâng cao kiến thức của quần chúng nói chung chứ không hẳn là làm thức tỉnh lý tính của mỗi cá nhân để họ có thể tự mình suy nghĩ và hành động.” Họ muốn mở rộng minken (dân-quyền) tuy đối với họ có vai trò thứ yếu nhưng cuối cùng sẽ làm cho kokken (quốc-quyền) mạnh mẽ lên, điều là mục tiêu tối hậu của họ. Nhà nước phải mạnh lên, trên cơ sở các cá nhân mạnh lên. Vì thế họ nỗ lực cung cấp kiến thức về nhiều lãnh vực cho công chúng, như luật pháp, kinh tế, chính trị học, quan hệ ngoại giao, thống kê … những ngành còn hoàn toàn mới. Và họ đã ra sức học đủ mọi thứ và nghiên cứu cơ sở triết học của các ngành đó. Những gì giới tinh hoa Nhật Bản làm cụ thể chính là khai sáng Kant. Họ học phương Tây từ thời Tokugawa qua giới học giả (Hà) Lan học (rangaku). Học và dịch thuật kéo dài khoảng 200 năm trong giai đoạn chính quyền Mạc phủ thực thi chính sách bế quan tỏa cảng (sakoku) một cách nghiêm ngặt cho đến khi hạm đội hải quân Mỹ đến Vịnh Tokyo buộc họ phải mở cửa để thông thương tự do (1854). Giới Lan học biết những diễn biến khoa học, y học, công nghệ ở phương Tây, những cái họ rất chú ý. Phong trào dịch thuật này cũng có nét tương đồng như phong trào dịch thuật ở châu Âu cũng kéo dài 200 năm để phát triển sức sống khoa học cho cách đại học Trung cổ trỗi dậy sau đêm dài tăm tối. Người Nhật thật sự thực hiện sapere aude của Kant đã từ rất lâu. Di sản này đã giúp cho cuộc cải cách Minh Trị diễn ra rất nhanh, hơn bình thường nhiều. Họ như đã có bàn đạp, cả về văn hóa đọc và giáo dục.

Tình hình ở Việt Nam cũng phải như thế. Hiểu biết tinh thần khai sáng, phương pháp tư duy, phê phán của Kant thôi chưa đủ, mà người dân còn phải đi vào nhiều lãnh vực khác để học hỏi sâu rộng mở mang tri thức và tầm nhìn. Khai sáng cần phải có nhiều chất liệu để dân-quyền rồi quốc-quyền mạnh mẽ lên. Nhưng sự khác biệt giữa hai quốc gia “đồng văn đồng chủng” là Nhật Bản có văn hóa đọc và giáo dục phát triển hàng đầu thế giới từ thời tỏa quốc Tokugawa trong khi văn hóa đọc của Việt Nam ngay hôm nay còn rất kém phát triển. Hai quốc gia đồng văn đồng chủng nhưng không đồng sự phát triển. Có một khoảng cách rất xa về văn hóa. Cụ Phan Châu Trinh sau khi đi thăm Nhật Bản về kêu gọi người Việt Nam hãy nhanh chóng thay đổi văn hóa. Xem chi tiết ở Lời dẫn nhập của sách Phan Châu Trinh-Việt Nam và Nhật Bản (2018) và Nghệ thuật Thời kỳ Edo Nhật Bản (1615-1868).

Nói tóm lại, văn hóa đọc và học hỏi cái mới của Việt Nam hiện nay vẫn còn rất thấp. Điều đó cản trở cho cuộc khai sáng sapere aude của Kant, và sự phát triển kinh tế của quốc gia. Trong chừng mực đó, Khai sáng Immanuel Kant là rất có ý nghĩa.

Quyển Kỷ yếu này cũng có thể xem như món quà để “tặng những tâm hồn luôn thao thức và nao nức vươn lên” trong tinh thần của Vĩnh Sĩnh, học giả khai sáng và uyên bác mất đúng 11 năm trước.

Để thực hiện số Kỷ yếu, bên cạnh những đóng góp quý báu của các học giả như Lưu Hồng Khanh, Trần Văn Đoàn, thì nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, về tinh thần lẫn chữ nghĩa, là “linh hồn” và động cơ không thể thiếu. Anh là người đã miệt mài gieo những hạt giống triết học khai sáng gần nửa thế kỷ qua ở Việt Nam và đã mở bao nhiêu lớp học đào tạo các nhà triết học trẻ. Những ai bước vào lãnh vực này đều cảm nhận được điều đó. Bản dịch Phê phán lý tính thuần túy, tác phẩm chính của Immanuel Kant, ra mắt đầu tiên năm 2004 là năm kỷ niệm 200 năm ngày mất của Kant. Anh đồng thời nhận được Giải Văn hóa Phan Châu Trinh năm đó.

Mời xem bài viết của tôi trong Kỷ yếu:  Immanuel Kant 300 năm, Bài viết cho Kỷ yếu 

Nguyễn Xuân Xanh

***

MẤY LỜI GIỚI THIỆU

KỶ YẾU 300 NĂM KANT

“… TAM BÁCH DƯ NIÊN HẬU…”

Trong quá trình quan hệ khá lâu dài và đầy sóng gió giữa nước ta và phương Tây, câu nói nổi tiếng sau đây được lưu truyền rộng rãi vào những thập niên đầu của thế kỷ 20 thật đáng chú ý: “Hóa ra Thái Tây cũng có thánh hiền, chẳng hạn như Bá Lạp Đồ và Khang Đức…”. Thái Tây tức là phương Tây, Bá Lạp Đồ là Plato và Khang Đức chính là Immanuel Kant theo cách phiên âm thông dụng lúc bấy giờ. Với nhận định ấy, có lẽ các bậc đại nho và các nhà chí sĩ yêu nước đã bắt đầu nhìn nhận phương tây một cách toàn diện hơn, thậm chí đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về thế giới. Thái Tây không chỉ là một thế lực thực dân hung bạo, một nền văn minh “cơ xảo”, tiêu biểu nhất là sức mạnh vượt trội của vũ khí và công nghệ, mà còn là một nền văn hóa. Khi nền văn hóa ấy đã sản sinh ra những nhân vật được tôn xưng lên hàng thánh hiền theo quan niệm cổ truyền của người phương Đông, việc tìm hiểu, nhìn nhận và tiếp phát lập tức được đặt ra như một nhiệm vụ mới mẻ, đầy hứng khởi với lòng ái mộ và tương kính sâu sắc. Lịch sử tư tưởng nước nhà hơn 100 năm qua chính là cuộc hành trình đầy biến động, nhiều thăng trầm nhưng cũng thật là phong phú và sinh động của cuộc giao lưu ấy.

Kỷ niệm 300 năm sinh của Immanuel Kant (1724 – 2024) quả là một dịp may hiếm có, vừa tình cờ vừa thật trùng hợp, để, thông qua tập Kỷ yếu khiêm nhường này, cùng kết nên một lẵng hoa tinh thần tưởng nhớ nhà hiền triết vĩ đại tuy xa xôi nhưng không còn quá xa lạ. Kỷ yếu kết tinh những tâm tình và suy tưởng, đánh dấu một bước phát triển đáng mừng trong quá trình học hỏi và tiếp thu có phê phán triết học phương tây nói chung và triết học Kant nói riêng của các học giả và trí thức Việt Nam trong và ngoài nước.

Từ vài gợi ý ban đầu, thật vui mừng khi Kỷ yếu đã nhanh chóng hình thành Ban chủ biên gồm mười vị vào ngày 15.04.2024. Ngót một năm trời chuẩn bị (với vài lần triển hạn!), bốn mươi hai bài viết và bài dịch đến từ ba mươi sáu tác giả và dịch giả trong và ngoài nước đã vượt quá sự mong đợi ban đầu! Càng vui mừng hơn khi những bài viết và bài dịch đã bao quát hầu hết mọi lĩnh vực trong tầm nghiên cứu rộng rãi của Immanuel Kant, từ những vấn đề thuộc triết học lý thuyết đến các chủ đề phong phú của triết học thực hành theo nghĩa rộng nhất của từ này (tức nhiều bộ môn thuộc khoa học xã hội và khoa học nhân văn ngày nay). Bên cạnh nhiều bài viết công phu, điểm đặc sắc của Kỷ yếu còn là việc công bố lần đầu tiên nhiều bản dịch sang tiếng Việt những “tác phẩm nhỏ” (kleine Schriften) nhưng rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn của Immanuel Kant, đặc biệt trong các lĩnh vực như lô gíc học, triết học lịch sử, triết học giáo dục và nhân học.

Đúng theo Thể lệ góp bài cho Kỷ yếu trong tinh thần và chủ trương của Ban chủ biên, Kỷ yếu không phải là một tạp chí nghiên cứu được bình duyệt mà là một diễn đàn tự do và tự nguyện, chào đón mọi sự đóng góp không giới hạn về số trang và số bài của mỗi tác giả, dịch giả. Ngoại trừ những lỗi chính tả hiển nhiên, Kỷ yếu công bố nguyên văn và toàn văn các đóng góp ấy và mỗi tác giả, dịch giả tự chịu trách nhiệm về phần đóng góp của mình. Trong điều kiện ấy, sự “trăm hoa đua nở” trong việc dịch thuật các thuật ngữ triết học sang tiếng Việt là điều không thể tránh khỏi. Thiết tưởng, trong tình hình hiện nay, đây là một thuận lợi hơn là một trở ngại, nhờ đó người đọc có sự phong phú để chọn lựa và cân nhắc, trong nỗ lực chung tiến dần đến sự thống nhất thuật ngữ, một nguyện vọng chính đáng nhưng không thể vội vã và cưỡng ép. Người đọc am hiểu về triết học phương Tây nói chung và triết học Kant nói riêng hẳn sẽ không quá khó khăn khi nhận diện và phân định các thuật ngữ được sử dụng trong tập Kỷ yếu này.

***

Kỷ yếu được chia làm ba phần. Sau phần Tổng quan sẽ là Triết học lý thuyết và Triết học thực hành theo cách phân chia đã trở nên kinh điển của và từ Immanuel Kant.

1. Phần tổng quan gồm ba bài viết và một bài dịch:

– Immanuel Kant, sinh nhật thứ 300 (1724-2024) của Nguyễn Xuân Xanh*, tổng lược về bối cảnh lịch sử và triết học, đặc biệt có đối chiếu với khoa học hiện đại, tiêu biểu là Albert Einstein.

– Dẫn vào triết học về Tình yêu nơi Kant của Chơn Hạnh Trần Xuân Kiêm, gồm ba phần: Đốt lò hương cũ (cuộc đời); So tơ phím này (sự nghiệp) và Triết học tình yêu nơi Immanuel Kant.

– Kant là ai?Thái Mai Lan trình bày bằng Đức ngữ, Thái Kim Lan dịch sang tiếng Việt, nhân hội thảo “Để đón Kant trở lại Việt Nam” tại Huế và Hà Nội vào năm 2005, giới thiệu sự ra mắt của bản dịch và chú giải Phê phán lý tính thuần túy của Kant.

Phần Tổng quan kết thúc với Cách ngôn (Aphorismen), tác giả Immanuel Kant, tự tóm tắt triết học của chính mình qua bản dịch của Đỗ Quốc Bảo  Nguyễn Huy Đăng từ nguyên bản tiếng Đức.

2. Triết học lý thuyết gồm lôgíc học, triết học siêu nghiệm (nhận thức luận, khoa học luận, siêu hình học) là một mảng lớn gồm các bài viết và bài dịch sau đây:

– Hai quan điểm về triết học, trích dịch từ Quyển Logik của Immanuel Kant, do học trò của ông, Gottlob Benjamin Jäsche (1762-1842), biên soạn từ những tờ rời của Kant và xuất bản năm 1800, do Nguyễn văn Khoa công bố lần đầu tiên bản dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh, Introduction to Logic của Thomas K. Abbott (1885), có đối chiếu với bản tiếng Pháp, Idée de Logique (1862) của Joseph Tissot.

– Khái niệm lôgíc học, trích từ tác phẩm nói trên, Nguyễn Văn Khoa dịch (công bố lần đầu tiên).

– Kant và câu hỏi tiên nghiệm của Nguyễn Anh Cường.

 – Theo Kant, làm thế nào lý tính có thể có được, hay đâu là khả thể siêu nghiệm của lý tính? của Hoàng Phú Phương, thử đọc lại khái niệm Phê phán (Kritik) trong nhan đề ba tác phẩm chính của Immanuel Kant.

 – Khái niệm thông giác siêu nghiệm của Kant trong tương quan với tính chủ thể thời hiện đại của Dương Anh Xuân. Tiểu luận này tìm hiểu sự tiến triển của khái niệm thông giác nơi Kant trong cả hai ấn bản A và B của quyển Phê phán lý tính thuần túy, đồng thời đặt nó trong diễn ngôn rộng hơn về tính chủ thể thời hiện đại với các nhận định phê phán của Adorno và triết học hậu hiện đại.

– Sơ Đồ Lý Giải Biện Chứng trong Lịch Sử Tư Tưởng Tây Phương của Hà Dương Tuấn.

– Thế giới rỗng không. Tri thức luận Phật học, tác giả K. Schmidt do Thái Kim Lan dịch.

– Lý thuyết nhân quả trong triết học Phật giáo và trong Học thuyết siêu nghiệm của Kant, một nghiên cứu của Thái Kim Lan.

 – Truy tìm nguồn gốc của Trí tuệ Nhân tạo: Lời hồi đáp từ góc nhìn của Kant đối với lời kêu gọi giúp đỡ của McCarthy về mặt triết học. Tác giả Hyeongjoo Kim, Đại học Chung-Ang, do Nguyễn Thị Trà Giang dịch.

 – Nhận thức và Khai sáng – từ Kant tới Sinh học Phân tử của Lê Học Lãnh Vân.

3. Triết học thực hành

Như đã nói trên, triết học thực hành bao quát một mảng rất rộng những vấn đề liên quan đến (1) Đạo đức học; (2) Triết học Tôn giáo; (3) Triết học lịch sử; (4) Triết học chính trị, xã hội và pháp quyền; (5) Mỹ học và văn học; (6) triết học giáo dục; (7) Thông diễn học; (8) Nhân học.

Với (1), ta có ba bài viết và một bài dịch sau đây:

– Immanuel Kant: Tự do là cơ sở để nhận thức sự thiện – tối cao

của Đỗ Thị Thùy Trang.

– Tâm mạn và tự trị: Phật giáo đối thoại cùng Kant về cái Tôi và đạo đức của Phạm Diệu Hương.

 – Đọc và phản biện Kant: Sao sáng trên trời và quy luật đạo đức bên trong ta của Nguyễn Hữu Liêm.

 – Luận cứ của Kant từ những cảm giác luân lý: Tại sao lý tính thực hành không thể là [lý tính] nhân tạo? Tác giả Dieter Schönecker, Đại học Siegen, do Nguyễn Việt Anh dịch.

 Với (2), ta có:

– Immanuel Kant và vấn đề Tôn giáo.

Trò chuyện về tôn giáo:

Chủ đề khái quát: Niềm tin tôn giáo trong xã hội hiện đại.

Chủ đề cơ bản của buổi trò chuyện: Không có Thượng đế, trần gian sẽ không còn ý nghĩa.

Phụ đề: Immanuel Kant có phải là người “phá nát tôn giáo” hay đối với tôn giáo lại là người “đổi mới canh tân”?

Buổi trò chuyện trên Diễn Đàn Công Luận (Publik Forum, Số 7|2024, CHLB Đức), nhân 300 năm ngày sinh của Kant.

Tác giả đối thoại: Gs.Volker Gerhardt.

Phỏng vấn do các biên tập viên Christoph Fleischmann và Michael Schrom của DĐCL.

Bản dịch của Lưu Hồng Khanh.

– Triết học về tôn giáo của Immanuel Kant. Một vài suy nghĩ của Nguyễn Quang Hưng.

Với (3):

– Khai minh và lý tính lịch sử của Trương Trọng Hiếu.

 – Trả lời câu hỏi “Khai minh là gì?” (1784), tác giả Immanuel Kant, Đinh Hồng Phúc dịch.

 – Khởi đầu phỏng đoán về lịch sử loài người (1786), tác giả Immanuel Kant, Đinh Hồng Phúc dịch (công bố lần đầu tiên).

– Một ý niệm về lịch sử phổ quát với mục đích công dân thế giới (1784), tác giả Immanuel Kant, Đinh Hồng Phúc dịch (công bố lần đầu tiên).

 Với (4):

– Học thuyết của Immanuel Kant về pháp quyền, về nhà nước và về tự do của Nguyễn Trọng Chuẩn.

– Quan niệm của Kant về một nền hòa bình vĩnh cửu và ý nghĩa hiện thời của nó của Nguyễn Vũ Hảo.

– Immanuel Kant – Hướng đến nền Hòa bình vĩnh cửu (1795). Một lý thuyết hành động chính trị trên cơ sở triết học luân lý pháp quyền của Lưu Hồng Khanh.

– Luận đề “tính hợp quần bất hợp quần” của Immanuel Kant, một nghiên cứu của Trần Hữu Quang.

– Kant và các “Dân Tộc Ác Quỷ” – Vấn đề bạo lực – chiến tranh: Nguyên nhân và viễn tượng giải pháp của Nguyễn Hoài Vân.

 Với (5):

– Hans-Georg Gadamer phê phán mỹ học Kant của Nguyễn Sỹ Nguyên.

 – Nguyễn Tuân, Nguyễn Tư Nghiêm, Cô Dó, Giấy Dó, hay là In-Betweenness v.s. Logos của Nguyễn Như Huy.

 Với (6):

– “Con người là sinh vật duy nhất cần giáo dục”. Những ý tưởng về giáo dục (1803), tác giả Immanuel Kant, Nguyễn Văn Khoa dịch (công bố lần đầu tiên).

– Trung đạo của nhận thức của Giáp Văn Dương.

– Triết lý giáo dục của Immanuel Kant trong Mô hình Giáo dục Khai phóng của Viện Giáo dục IREDGiản Tư Trung.

 Với (7):

– Kant và thông diễn học triết học, tác giả H. G. Gadamer, Nguyễn Sỹ Nguyên dịch.

 Với (8):

– Tính cách của hai giới tính khác nhau, tác giả Immanuel Kant, Nguyễn Thị Minh dịch (công bố lần đầu tiên).

– Con người giữa hai thế giới: Từ ý niệm của Kant đến vấn đề ý nghĩa của cái chết trong các tác phẩm Antigone, Crito và Người thiếu phụ Nam Xương, Hoàng Phong Tuấn.

4. Về việc tiếp nhận Kant ở các khu vực khác nhau, hân hạnh giới thiệu ba bài:

– Kant, Triết học Tinh thần và Triết học Phân tích thế kỷ XX, tác giả Anil Gomes, Nguyễn Duy Thanh dịch.

– Kant là “người Trung Quốc” tới mức nào? Tác giả: Stephen R. Palmquist, Huỳnh Kim Bảo & Nguyễn Việt Anh dịch.

– Đối chiếu những thuật ngữ quan trọng trong “Phê phán Lý tính thuần túy” giữa bản dịch tiếng Trung và tiếng ViệtThích Nguyên Pháp.

 Sau cùng là cuộc trò chuyện triết học tản mạn của Phạm Diệu Hương với Bùi Văn Nam Sơn:

– “Chỉ có con đường phê phán là còn để ngỏ…”.

Kế tục truyền thống tốt đẹp của nhiều tập Kỷ yếu trước đây nhân kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân văn hóa, khoa học của Việt Nam và thế giới, Kỷ yếu 300 năm Kant được ra mắt là nhờ sự hưởng ứng và cộng tác tích cực của các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, sự khích lệ của đông đảo thân hữu và đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của Công ty sách Trustbook và Nxb Hồng Đức.

Xin chân thành cảm ơn tất cả và hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.

Tháng 03.2025

T.M. BAN CHỦ BIÊN VÀ BAN THƯ KÝ KỶ YẾU

Bùi Văn Nam Sơn – Nguyễn Xuân Xanh

Xin giới thiệu nồng nhiệt với độc giả.

Đón xem Kỷ yếu Adam Smith sắp ra mắt trong tháng Bảy.

Nguồn: KỶ YẾU IMMANUEL KANT RA MẮT, rosetta.vn, 20 Tháng Sáu, 2025.

Print Friendly and PDF