11.12.16

Trung Quốc và Lý thuyết hợp đồng không đầy đủ



TRUNG QUỐC VÀ LÝ THUYẾT HỢP ĐỒNG KHÔNG ĐẦY ĐỦ

Andrew Sheng[1], Xiao Geng[2]

HONG KONG – Năm nay, Giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế đã được trao cho Oliver Hart thuộc Đại học Harvard và Bengt Holmström thuộc Đại học MIT vì những công trình tiên phong của họ trong kinh tế học về quyền sở hữu và lý thuyết hợp đồng. Vào thời điểm mà Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi một cách khó khăn từ một hệ thống hợp đồng không đầy đủ sang một chế độ quyền sở hữu mạnh mẽ, thì tầm quan trọng thực tế của những đóng góp này là điều hiển nhiên.
Không có hợp đồng nào có thể xác định được tất cả các tình huống. Vì vậy, các hợp đồng, thay vào đó, phải giải thích rõ ràng sự phân cấp các quyền "kiểm soát" – người nào có thể đưa ra quyết định và trong những hoàn cảnh nào. Đối với một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đang nỗ lực phân cấp nhiều quyền hạn hơn cho thị trường, thì những kiểu hợp đồng như vậy là điều vô giá – ít nhất là lúc ban đầu.
Xiao Geng
Andrew Sheng (1946-)
Đây là điều mà các nhà cải cách Trung Quốc đã không bỏ qua. Từ giữa những năm 1980 đến đầu những năm 1990, họ đã giới thiệu "hệ thống trách nhiệm đối với các hộ gia đình nông thôn" và "hệ thống trách nhiệm đối với các hợp đồng của doanh nghiệp" cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Những hệ thống đó về cơ bản ủy thác nhiều quyền hạn ra quyết định hơn, cũng như thừa nhận một số lợi nhuận, cho người nông dân và người lao động, để họ có một động lực mạnh mẽ hơn để làm việc hiệu quả hơn trong các công xã và các doanh nghiệp nhà nước.
Trung Quốc đã thông qua một chiến lược tiếp cận tương tự trong cải cách tài khóa năm 1994 để giải quyết vấn đề chia hưởng số tiền thu từ thuế giữa chính quyền trung ương và địa phương, với việc phân cấp các quyền kiểm soát liên quan đến đất đai và phát triển kinh tế địa phương cho các quan chức địa phương, đặc biệt ở cấp đô thị và tỉnh thành. Điều này đã giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho các quan chức địa phương lạm dụng các lợi ích linh tinh – một cách làm mà sau này biến thành nạn tham nhũng trắng trợn.

Gần đây hơn, chiến lược tiếp cận dựa trên hợp đồng không đầy đủ cũng đã được sử dụng trong lĩnh vực nghiệp vụ ngân hàng ngầm. Các nhà điều tiết cho phép đổi mới trong các ngành dịch vụ tài chính trung gian dựa trên hợp đồng không đầy đủ, chẳng hạn như các công ty tín thác và các nền tảng dựa trên Internet, trong khi vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ trong lĩnh vực nghiệp vụ ngân hàng chính thức.
Qua việc xác định một phần các quyền ra quyết định và thừa nhận các lợi ích, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cho các bên liên quan có động lực để cạnh tranh hiệu quả với các đồng nghiệp của họ, mà không từ bỏ hoàn toàn quyền hạn của mình. Theo hướng đó, các kiểu hợp đồng không đầy đủ này đã đặt nền móng cho sự cạnh tranh định hướng theo thị trường tại Trung Quốc, trước khi có thể – do những rào cản về thể chế và hệ tư tưởng – hoàn tất các quyền sở hữu tư nhân được xác định một cách rõ ràng.
Chiến lược tiếp cận dựa trên hợp đồng không đầy đủ là điều cần thiết trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nhưng đó không phải là một giải pháp mang tính lâu dài. Trung Quốc còn cần phải xác định các quyền sở hữu một cách rõ hơn và có bảo đảm, được củng cố bởi một khung pháp lý và tư pháp hiệu quả. Trong thực tế, các sơ hở trong hợp đồng không đầy đủ đang hủy hoại sự tiến bộ của nền kinh tế.
Một trong những vấn đề kéo dài của hệ thống trách nhiệm đối với các hộ gia đình nông thôn, ví dụ, là quyền sở hữu không rõ ràng liên quan đến đất nông nghiệp, một quyền hợp pháp vẫn còn thuộc sở hữu tập thể của các nông dân địa phương, mặc dù quyền sử dụng đất đã được ký kết hợp đồng với các hộ gia đình cá thể trong 30 năm. Nếu không có chính sách cổ phần hóa, người nông dân không thể bán đất của mình theo giá thị trường cho các dự án phát triển đô thị, tạo điều kiện cho nạn lạm dụng và tham nhũng, cũng như sự bất ổn xã hội, đặc biệt do sự chênh lệch đáng kể giữa giá trị đất đô thị và đất nông thôn trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc.
Tương tự như vậy, hệ thống hợp đồng của doanh nghiệp cũng thất bại trong việc làm cho các DNNN hoạt động có khả năng sinh lời. Không giống như nông dân, những người không vay tiền ở đâu cả, các DNNN vay tiền rất mạnh tay từ các ngân hàng nhà nước. Khi sinh lời, họ chia tiền lời thu được với các nhà quản lý và nhân viên. Nhưng khi thua lỗ – ví dụ, trong những năm 1990 – thì các ngân hàng phải đương đầu với các khoản vay khó đòi khổng lồ.
Chu Dung Cơ (1928-)
Chính phủ Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Chu Dung Cơ đã cố gắng giải quyết vấn đề nợ bằng cách gán các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước cho bốn công ty quản lý tài sản nhà nước, và đa số các DNNN vừa và nhỏ làm ăn thua lỗ đã được cổ phần hóa. Các ngân hàng lớn và các doanh nghiệp lớn còn lại của nhà nước sau đó hoạt động kinh doanh có lãi, phần lớn nhờ vào vị thế độc quyền của họ, cho phép họ được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hồng Kông, Thượng Hải và Thẩm Quyến. Trong những năm tiếp theo, họ có những đóng góp then chốt đối với các dự án cơ sở hạ tầng công cộng khổng lồ của Trung Quốc.
Nhưng các DNNN cũng là cội nguồn của nhiều vấn đề nghiêm trọng. Họ sử dụng các nguồn vốn tài chính và nhân lực ít hiệu quả hơn so với các đối tác của họ trong khu vực tư nhân, và đã trở thành nguồn gốc chính của nạn tham nhũng và bóp méo giá cả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, sự thống trị của họ trên thị trường chứng khoán đã cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn của Trung Quốc; họ không những chèn lấn các nguồn lực khan hiếm cho nguồn vốn cổ phần, mà còn làm phức tạp thêm sự vận hành bình thường của thị trường sáp nhập và mua lại.
Ngày nay, sẽ rất khó để tiến hành những thay đổi theo hướng thị trường về quyền sở hữu và kiểm soát doanh nghiệp đối với các DNNN được niêm yết. Tuy nhiên, những kiểu thay đổi đó sẽ mang tính quyết định để cải thiện tài quản trị và khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, kiến thức, và định hướng đổi mới, những khu vực sẽ là động cơ cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Có điều chắc chắn là Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành một số bước để kiềm chế và kiểm soát khu vực nhà nước. Kể từ năm 2012, chính phủ của ông đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn, nhằm kiểm soát những hoạt động không hiệu quả và nạn lạm dụng phát sinh từ một sự thiếu vắng cơ chế kiểm tra thích hợp đối với các cấp thẩm quyền được giao nhiệm vụ. Nhưng điều đó chưa đủ để nhổ tận gốc nạn tham nhũng, và vẫn còn các vấn đề khác như ô nhiễm, sản xuất thừa, và nợ, những việc chỉ có thể được giải quyết thông qua một chương trình cải cách cấu trúc rộng lớn bên phía cung.
Nói tóm lại, các hợp đồng không đầy đủ của Trung Quốc cần phải được bổ sung. Điều mấu chốt là một sự cải cách tư pháp và sự phát triển một quá trình có trật tự và mang tính thể chế để giải quyết các quyền sở hữu và tranh chấp hợp đồng. Một đạo luật về phá sản mạnh mẽ hơn, ví dụ, sẽ giúp các ngân hàng Trung Quốc và các cơ quan nhà nước củng cố kỉ luật về tín dụng, không dung thứ những cá nhân và tập thể hoạt động yếu kém hoặc không có khả năng trả nợ ra khỏi hệ thống.
Để tiếp tục tiến tới cương vị quốc gia có thu nhập cao, Trung Quốc cần phát triển một hệ thống các quyền sở hữu mạnh mẽ và toàn diện dựa trên những hợp đồng đầy đủ hơn. Các nhà lãnh đạo của họ nên tìm đọc tác phẩm của Hart và Holmström như là một sách chỉ dẫn.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: China’s Incomplete Contracts, Project Syndicate, Oct 31, 2016.




[1] Andrew Sheng, là thành viên danh dự của Viện Quốc tế Châu Á tại Đại học Hồng Kông và là thành viên Hội đồng cố vấn của UNEP về Tài chính bền vững, là cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai Hồng Kông, và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là From Asian to Global Financial Crisis (Từ Châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu).

[2] Xiao Geng, Viện trưởng Viện Tài chính Quốc tế (IFF) Hồng Kông, là giáo sư tại Đại học Hồng Kông.

Print Friendly and PDF