5.12.16

Châu Á đối mặt với Trump: một con hổ giấy?



Châu Á đối mặt với Trump: một con hổ giấy?
Chân dung của Tổng thống đắc cử Donald Trump trên tạp chí Global People của Trung Quốc, trong một ki-ốt ở Thượng Hải, ngày 14 tháng 11 năm 2016 (Ảnh: AFP PHOTO/Johannes EISELE).
Nạn nhân đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị Tổng thống mới đắc cử cáo buộc là tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc. Thế nhưng, không những ông không tán thành hiệp định mà còn cho đó là một sự xâm lược nước Mỹ! Nhà Trắng đã tuyên bố từ bỏ việc đệ trình hiệp định ra trước Quốc hội trong những tuần cuối cùng của ông Barack Obama sau cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11. Có nghĩa là trong giai đoạn mà Tổng thống chỉ còn là một "con vịt què", người không có quyền lực.
Đánh dấu sự thất bại của chính sách "xoay trục" sang châu Á, sự trở mặt của Mỹ sẽ làm xói mòn vị thế của Mỹ trong khu vực trong một thời gian dài. Vào tháng 8, nhân cuộc họp với Tổng thống Obama, Thủ tướng Singapore đã tuyên bố: "Các quốc gia đối tác của ngài, các quốc gia thân hữu của ngài [...] đã vượt qua các sự phản đối chính trị [...] để đạt được thỏa thuận và nếu, khi họ chờ đợi dưới chân bàn thờ, mà vị hôn thê không đến, [...] thì một số quốc gia sẽ cảm thấy rất bị xúc phạm." Sau những thái độ của Tổng thống Philippines chống lại Tổng thống Obama và chuyến công du của Thủ tướng Malaysia đến Bắc Kinh, sự thất bại của TPP sẽ mở đường cho việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), điều mà Trung Quốc mong muốn, một hiệp định không có tham vọng "vượt ra ngoài ranh giới" của TPP. Cuối cùng, chính sách nước Mỹ trên hết là một tin xấu đối với các nước châu Á, bởi vì nó có nghĩa là một sự công nhận ưu thế của Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh thương mại
Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, người Mỹ đã bầu ra một tổng thống công khai chống lại chính sách tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương mà chính họ là người khởi xướng. Donald Trump đã hứa chấm dứt việc tham gia các hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ đã ký kết và đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những lời hứa hẹn đó chỉ ràng buộc những ai tin chúng, nhưng Trump sẽ phải dàn xếp với đảng [Cộng hòa] của ông bị chi phối bởi một lập trường tự do vững chắc. Liên quan đến chính sách thương mại, ông có một biên độ khá lớn để thao tác. Trong một trăm ngày đầu tiên tại Nhà Trắng, ông sẽ cáo buộc Trung Quốc đã thao túng đồng nhân dân tệ, và đe dọa sẽ tăng 45% thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc. Một con số rất cụ thể, tuy rằng nó không xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên trang web của ông. Ông cũng tuyên bố sẽ bắt buộc các doanh nghiệp di dời các nhà máy quay trở lại nước Mỹ, một đề xuất mà một số đảng viên Cộng hòa sẽ từ chối.
Cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ và đe dọa tăng thuế quan có thể liên quan đến một chiến lược đàm phán. Điều gì sẽ xảy ra nếu sự đe dọa này tỏ ra chưa đủ mạnh? Chúng ta không thể loại trừ một kịch bản chiến tranh thương mại diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Có nghĩa hoặc là một cuộc xung đột công khai nếu Trung Quốc phản ứng bằng cách tăng thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu của Mỹ phối hợp với những biện pháp khác trên các doanh nghiệp: điều này sẽ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế và tình trạng thất nghiệp của hàng triệu người trong các ngành nghề sản xuất hàng trang thiết bị và các dịch vụ có liên quan. Hoặc là một cuộc xung đột bất đối xứng với tình trạng thất nghiệp ở mức hạn chế hơn nếu Trung Quốc phản ứng bằng những biện pháp có chủ đích (ngưng các hợp đồng mua liên quan đến ngành hàng không, ngưng các hợp đồng tư vấn kinh doanh, hoặc ngưng nhập khẩu đậu nành). Hoặc là một cuộc xung đột ngắn hạn nếu cả hai bên nhanh chóng bắt đầu các cuộc đàm phán. Trong mọi trường hợp, kết quả sẽ là "đôi bên cùng thua" và trong số những người thua đó, là những cử tri đã bầu cho Trump, những người sẽ bị thiệt hại vì tình trạng tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng.
Cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ với châu Á từ năm 2000 đến năm 2016.
Các nước trong tầm ngắm
Giữa năm 2000 và năm 2016 (trên cơ sở 9 tháng đầu năm), mức thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ với châu Á đã tăng gấp 2,5 lần, tăng từ 210 lên 550 tỷ USD, có nghĩa là hơn ba phần tư mức thâm hụt của Mỹ, trong khi 40% các mặt hàng nhập khẩu đến từ châu Á. Mức thâm hụt giữa Trung Quốc và Mỹ đến nay là lớn nhất, lớn hơn mức thâm hụt với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Qua nhiều năm, các nước này đã "chuyển" mức thặng dư của họ sang Trung Quốc dưới hình thức một phần sản xuất của họ tại đó. Như vậy, theo các số liệu thống kê của hải quan, Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ để trở thành tiêu trường lớn nhất các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Ngược lại, nếu đo lường giá trị gia tăng trong các mặt hàng xuất khẩu này, thì Hoa Kỳ là tiêu trường lớn nhất của Hàn Quốc.
Trong khi kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ châu Á đã tăng từ năm 2002-2016, thì cán cân thương mại của Mỹ bị âm đối với tất cả các nước châu Á, ngoại trừ Singapore.
Donald Trump cáo buộc hiệp định KorUS, một thỏa thuận thương mại tự do giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã phá hủy 100.000 việc làm và muốn hủy bỏ nó. Việc hủy bỏ hiệp định đó đòi hỏi phải thông báo trước 6 tháng và trong thời gian đầu, quyết định này sẽ không có lợi cho Hoa Kỳ. Thật vậy, tình trạng thương mại song phương sẽ quay trở lại thời kỳ trước KorUS: các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc sẽ được hưởng quy chế tối huệ quốc, với mức thuế quan là 8,8%, trong khi Hải quan của Mỹ áp mức thuế quan là 2% đối với các mặt hàng nhập khẩu của Hàn Quốc.
Việt Nam là nước mà kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã tăng nhanh nhất: họ chào đón các doanh nghiệp đã rút khỏi Trung Quốc để giảm chi phí và là bàn đạp cho các doanh nghiệp Hàn Quốc: Samsung và các nhà thầu phụ của Samsung chiếm gần một phần tư kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đã có thể trở thành nước hưởng lợi chính của TPP, vì vậy việc không phê chuẩn hiệp định là một tin xấu. Tuy nhiên, Việt Nam đã hưởng lợi một phần với sự thâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài.
Philippines ít lo sợ sự tác động đến các giao dịch thương mại so với chính sách cứng rắn liên quan đến vấn đề nhập cư. Hơn một phần ba người di cư Philippines sống tại Hoa Kỳ và họ chuyển tiền về gần với một tỷ lệ hơn 10% điểm GDP của quần đảo này.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau cuộc bầu cử, Donald Trump đã lấy lại các đề xuất của Sanders và Clinton và tuyên bố sẽ khởi động một chính sách về các công trình công cộng. Kết hợp với việc cắt giảm thuế như đã hứa, chương trình này – một chương trình sẽ phải được Quốc hội chấp thuận – sẽ dẫn đến hệ quả là một sự gia tăng các khoản nợ của Mỹ để tài trợ cho dự án. Trung Quốc cũng như các nước châu Á khác có thể sẽ dè dặt hơn để đầu tư các khoản dự trữ của họ vào các trái phiếu kho bạc của Mỹ.
Jean-Raphaël Chaponnière

Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là chủ tịch của Trung tâm châu Á và là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché – Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: L’Asie face à Trump: un tigre de papier?, Asialyst, 17/11/2016.
Print Friendly and PDF