6.2.17

Có lý do để lo lắng về người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia mới của Donald Trump



CÓ LÝ DO ĐỂ LO LẮNG VỀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU HỘI ĐỒNG THƯƠNG MẠI QUỐC GIA MỚI CỦA DONALD TRUMP
Peter Navarro (1949-)
Ngày mà Ronald Reagan thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm 1984, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Harvard cho xuất bản cuốn sách thứ hai của mình. Cuốn “The Policy Game: How Special Interests and Ideologues are Stealing America [Trò chơi chính sách: Các lợi ích đặc biệt và các nhà tư tưởng đã đánh cắp nước Mỹ như thế nào]” đã phàn nàn rằng các nhóm lợi ích tham lam và các nhà tư tưởng lầm lạc đã dẫn nước Mỹ đến “một điểm mốc trong lịch sử nước này, khiến Hoa Kì không thể phát triển và thịnh vượng được”. Giải pháp: tăng cường sự tham gia chính trị và thay đổi ý thức hệ bằng chủ nghĩa thực dụng.
Vào ngày 20 tháng 1, sinh viên đó, nay là giáo sư, sẽ bước vào Nhà Trắng như là một phần của một cuộc nổi dậy theo chủ nghĩa dân túy. Peter Navarro, một người chống Trung Quốc một cách lập dị, sẽ lãnh đạo Hội đồng Thương mại Quốc gia mới, nổi lên như là bộ não đằng sau sức mạnh cơ bắp của Donald Trump về thương mại. Được Trump ca ngợi như là một người “nhìn xa trông rộng”, ông Navarro có thể sớm trở thành nhà kinh tế quyền lực nhất thế giới, làm việc ngoài một ngân hàng trung ương.
Ronald Reagan (1911-2004)

Ông đã từng ủng hộ thương mại tự do. Toàn bộ một chương “The Policy Game [Trò chơi chính sách]” ca ngợi những phẩm chất của thương mại tự do, gán cho chủ nghĩa bảo hộ của Reagan, người đã ép Nhật Bản giảm xuất khẩu xe ô-tô của họ vào năm 1981, cái nhãn hiệu “nguy hiểm và độc hại”. Có một chút chỉ dấu về chủ nghĩa hoài nghi của ông sau này: ông kêu gọi đền bù nhiều hơn cho người lao động bị mất việc bởi sự cạnh tranh của nước ngoài, và các quy tắc thương mại chặt chẽ hơn ở cấp độ siêu quốc gia. Nhưng có một lợi ích trong các quy định như vậy, ông đã viết, đó là cung cấp cho các tổng thống một “lối thoát khỏi các áp lực bảo hộ trong nước... một vấn đề nằm ngoài tầm tay của họ.”
Dường như ông Navarro đã thay đổi tư tưởng nhiều thập niên sau đó, sau khi ông quan tâm đến Trung Quốc. (Giống như các thành viên khác của chính phủ mới, ông không được phép trả lời phỏng vấn trước lễ nhậm chức.) Con đường của ông đến với Trung Quốc là một chặng đường dài và quanh co: phạm vi nghiên cứu của ông rộng hơn so với chuẩn mực bình thường của một nhà kinh tế. Luận án tiến sĩ của ông nghiên cứu những lý do mà các doanh nghiệp làm từ thiện; đây là bài viết của ông vẫn được trích dẫn nhiều nhất. Ông đã nghiên cứu nhiều về chính sách năng lượng. Năm 2000 hoặc lâu hơn, ông bắt đầu nghiên cứu về giáo dục trực tuyến, và là người ứng dụng sớm nhất các công cụ trợ giúp công nghệ vào chính các bài giảng của mình, Frank Harris, một trong những học viên cũ của ông, đã cho biết.

Có hai chủ đề nổi lên từ nghiên cứu theo đường vòng vèo của ông Navarro, mà từ năm 1989, ông đã theo đuổi tại Đại học California, Irvine. Chủ đề đầu tiên là một ưu tiên cho các vấn đề của thế giới thực so với thế giới trừu tượng. Năm 2000, ông đã viết hai bài báo, cùng với ông Harris, về cách tốt nhất để phát triển năng lượng gió. Chỉ vài tháng sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, ông đã cố gắng tính toán các chi phí kinh tế của các cuộc tấn công đó. Ông đã viết một cuốn sách cho đại chúng về đầu tư, “If It’s Raining in Brazil, Buy Starbucks [Nếu có mưa ở Brazil, thì hãy mua Starbucks]”. Ông là người sáng tác nhiều, nhưng không có công bố nào nằm trong top các tạp chí khoa học hàng đầu.
Richard T. Carson (1955-)
Chủ đề thứ hai là sự quan tâm của ông về phân phối thu nhập. Nhưng trong khi vấn đề tài sản của người giàu và người nghèo thu hút các nhà kinh tế khác, ông Navarro đã “luôn tập trung vào một khu vực rộng lớn của tầng lớp trung lưu”, Richard Carson, một đồng tác giả, đã nói. (Ông Carson đã làm việc cùng với ông Navarro về một bài viết cho rằng sự tăng trưởng của các thành phố nên được gắn với các thước đo về chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như các mức độ giao thông và tình trạng quá tải ở các trường học.) Những mối quan tâm như vậy đã giúp dẫn ông Navarro vào con đường chính trị. Trong những năm 1990, ông đã nhiều lần tranh cử một chức dân cử với tư cách là một người theo đảng Dân chủ, nhưng đều thất bại. Ông dường như thích thú trở lại con đường chính trị của mình: việc ông xuất hiện trên truyền hình có thể dễ biến thành những cuộc hò hét huyên náo. Ông rất thích cường điệu. Khi gửi e-mail, tên đại diện của ông xuất hiện hàng chữ “ComingChinaWars” [Cuộc chiến sắp tới với Trung Quốc].

Martin Sheen (1940-)
Chính công trình gần đây của ông về Trung Quốc đã đưa đến việc ông Trump bổ nhiệm ông, một sự bổ nhiệm không được chờ đợi. Trong thập kỷ qua hoặc lâu hơn, ông Navarro đã viết ba cuốn sách cảnh báo những mối đe dọa đáng sợ mà sự tăng trưởng về kinh tế và sự nổi lên về quân sự của Trung Quốc đặt ra. Cuốn sách thứ hai, “Death by China [Chết dưới tay Trung Quốc]”, đã trở thành một bộ phim tài liệu vào năm 2012. Theo lời kể của Martin Sheen, một diễn viên và thần tượng thuộc cánh tả, bộ phim đã lưu diễn qua các cộng đồng đã bị hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc cạnh tranh, bên cạnh cảnh các nhà máy của Mỹ bị đóng cửa với các xưởng bóc lột công nhân của Trung Quốc.
Những cáo buộc cốt lõi của ông Navarro đối với Trung Quốc không phải là không gây tranh cãi. Ông cáo buộc Trung Quốc duy trì đồng tiền của họ ở mức giá rẻ, một lời buộc tội chung cho đến năm 2015, khi Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào các thị trường tiền tệ theo hướng ngược lại. Ông lên án hành động của Trung Quốc buộc các doanh nghiệp Mỹ phải bàn giao tài sản trí tuệ như là một điều kiện để tiếp cận thị trường của họ. Ông lưu ý, một cách chính xác, rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã tự do gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn và sử dụng lao động trong điều kiện tồi tệ hơn so với các quy định cho phép của Mỹ, và sản xuất các mặt hàng xuất khẩu thường được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính phủ.
Các quan điểm kinh doanh
Do đó, quan điểm của ông được diễn giải một cách rộng lượng là ông không hề là một người theo chủ nghĩa bảo hộ. Thay vào đó, ông chỉ đơn giản phản đối chủ nghĩa trọng thương từ phía Trung Quốc. Năm 2006, ông ước tính Trung Quốc hưởng 41% của lợi thế cạnh tranh về chế biến sản xuất so với Mỹ bắt nguồn từ những hành xử thương mại không công bằng. Trong các cuộc phỏng vấn, ông đã lưu ý sự giống nhau giữa con số này với mức thuế quan 45% mà ông Trump dọa sẽ đánh trên các hàng hóa của Trung Quốc.
Nhưng cách diễn giải này không giải thích các quan điểm kỳ lạ nhất của ông Navarro, chẳng hạn như ý kiến ​​của ông về thâm hụt thương mại. Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, mức thâm hụt thương mại đã bùng nổ cùng lúc với hàng triệu việc làm trong ngành chế biến sản xuất bị biến mất (xem biểu đồ 1). Ông Navarro khẳng định, như một vấn đề về số học, rằng thương mại không cân bằng phải chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2000. Ông Trump cũng có những tuyên bố tương tự, khi nói về thâm hụt thương mại như thể nó đơn giản làm mất đi sự giàu có của người Mỹ.
Đây là kinh tế học đáng nghi. Phân giải cấu trúc mức chi tiêu trong nền kinh tế cho thấy xuất khẩu theo hướng tích cực và nhập khẩu theo hướng tiêu cực. Nhưng một bài toán kế toán tương tự cũng cho thấy mức chi tiêu của chính phủ là một thành phần của GDP [Gross Domestic Product: tổng sản phẩm quốc nội]. Rất ít các nhà kinh tế – và chắc chắn rất ít người theo đảng Cộng hòa – sẽ nói rằng một bộ máy chính phủ càng lớn, thì nền kinh tế càng giàu hơn trong dài hạn. Phương trình cho thấy cách thức các tài nguyên được sử dụng, chứ không phải cách thức chúng được tạo ra.
Lawrence Edwards
Robert Z. Lawrence (1949-)
Liệu khi người Mỹ không thể mua hàng nhập khẩu giá rẻ, thì họ sẽ nghèo hơn, vì có ít tiền hơn để chi tiêu vào những thứ khác. Họ cũng sẽ ít được đào tạo chuyên môn, và do đó làm việc với năng suất thấp hơn. Hai nhà kinh tế Lawrence Edwards và Robert Lawrence ước tính, theo một số giả định, rằng đến năm 2008 mậu dịch về hàng hoá chế biến sản xuất sẽ móc túi 1.000 USD của mỗi người Mỹ. Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư số tiền đó. Nghiên cứu gần đây của Hội đồng cố vấn kinh tế đã chỉ ra rằng các rào cản thương mại, bằng cách tăng giá hàng hóa, có xu hướng gây thiệt hại nhiều nhất cho người nghèo nhất (xem biểu đồ 2). Nếu Trung Quốc bóc lột người lao động của họ và gây ô nhiễm các sông ngòi của họ để người nghèo Mỹ có thể hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ, thì không thể nói là nước Mỹ bị đối xử không công bằng.
Ben S. Bernanke (1953-)
Gordon Hanson (1964-)
Cán cân thương mại là kết quả chủ yếu của các kiểu tiết kiệm và đầu tư. Khi dòng vốn lưu thông theo một hướng, thì hàng hóa và dịch vụ sẽ lưu thông theo một hướng khác. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong những năm 2000 là một hệ quả chủ yếu từ việc Trung Quốc mua các trái phiếu kho bạc [của Mỹ], Gordon Hanson, một chuyên gia về thương mại tại Đại học California, San Diego, cho biết. Điều này không nhất thiết là một điều tốt. Ben Bernanke, cựu Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang, vào năm 2005 đã gợi ý rằng nó đã góp phần vào sự “dư thừa tiết kiệm toàn cầu”. Ông Navarro đôi khi nói bóng gió về điều này với nhiều sắc thái. Một cuốn sách mà ông đã viết vào năm 2010 cùng với Glenn Hubbard, một nhà kinh tế chính thống của đảng Cộng hòa, đã lập luận rằng “châu Á tiết kiệm nhiều quá và Hoa Kỳ tiêu thụ nhiều quá.” Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump về việc cắt giảm thuế và đẩy mạnh chi tiêu về cơ sở hạ tầng, bằng cách thúc đẩy mức thâm hụt ngân sách, sẽ làm cho vấn đề này tồi tệ hơn.
Glenn Hubbard (1958-)

Ông Navarro có lời khuyên gì khi nhậm chức? Ông và ông Hubbard nói rằng Trung Quốc cần phải chịu “các biện pháp phòng thủ thích hợp”. Điều đó chắc chắn có nghĩa là sẽ có nhiều thuế quan trả đũa được áp đặt trên một số hàng hóa của Trung Quốc. Ông Navarro nói rằng ông Trump chỉ đơn thuần đe dọa xem xét lại toàn bộ biểu thuế quan, để ép phía Trung Quốc nhượng bộ. Ông dường như nghĩ rằng một khi họ [Trung Quốc] tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu, thì thâm hụt thương mại sẽ được hạn chế và việc làm trong ngành chế biến sản xuất sẽ quay trở lại với các vùng duyên hải của Mỹ: “Chương trình tạo ra việc làm tốt nhất... là chương trình cải cách mậu dịch với Trung Quốc.”
Đây là một khả năng tưởng tượng. Khi ngành chế biến sản xuất được chuyển ra nước ngoài và sau đó quay trở lại, thì năng suất thường đã tăng trong thời gian chuyển tiếp; và sẽ có rất ít việc làm quay trở lại. Các ông Edwards và Lawrence cho thấy rằng mặc dù thâm hụt thương mại trong ngành hàng hoá chế biến sản xuất vào năm 2010 là khoảng 2,5 lần so với năm 1998, thì số lượng việc làm trong ngành chế biến sản xuất bị mất chỉ tăng rất nhẹ, từ 2,5 triệu đến 2,7 triệu. Trong mọi trường hợp, nếu Trung Quốc mất đi những việc làm có tay nghề thấp, thì các nhà sản xuất sẽ chuyển nhà máy của họ đến các nền kinh tế mới nổi khác có chi phí thấp, không phải là nước Mỹ, Eswar Prasad thuộc Viện Brookings, một viện chính sách, đã cho biết.
David Dollar (1954-)
Eswar Prasad (1965-)
Điều đó có nghĩa là không phải việc Trung Quốc chơi công bằng hơn và cũng chẳng phải việc đánh thuế quan có thể giúp nhiều người lao động Mỹ. Còn có nhiều chiến lược khác hiệu quả hơn. David Dollar, cũng thuộc Viện Brookings, đã trình bày cách thức làm thế nào để một đất nước có thể chơi “cứng rắn có trách nhiệm” với Trung Quốc. Ông khuyến nghị hạn chế việc các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp Mỹ, điều mà chính quyền Obama đã thận trọng bắt đầu làm. Những dòng vốn đầu tư như vậy tượng trưng cho mức tiết kiệm cao của Trung Quốc một cách giả tạo hơn là bàn tay vô hình của thị trường. Cho đến nay, Trung Quốc đã đầu tư chủ yếu vào các trái phiếu kho bạc. Nhưng họ ngày càng quan tâm nhiều đến việc mua lại các doanh nghiệp trong ngành công nghệ của Mỹ. Với việc áp đặt các hạn chế, Mỹ có thể yêu cầu Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ của họ.
Còn vấn đề các tiêu chuẩn về môi trường và lao động thì sao? Theo ông Prasad, cách tốt nhất để cải thiện những vấn đề trên là soạn thảo những thỏa thuận thương mại bao gồm các quy tắc mà Trung Quốc cuối cùng sẽ phải tuân thủ. Đây là một trong những mục tiêu của số phận bi đát của hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Đó là một mục tiêu thực tế hơn thay vì làm cho những việc làm có tay nghề thấp ồ ạt quay trở lại nước Mỹ. Có khả năng là, một khi nhậm chức, ông Navarro sẽ nghiêng về những ý tưởng kiểu này. Nhưng chưa có dấu hiệu nào hết: ông gần đây đã hứa “một sự thay đổi mang tính địa chấn và biến đổi trong chính sách thương mại”. Một ý kiến thay đổi khác về thương mại có thể là điều quá nhiều để hy vọng. Một người đàn ông, người đã chờ đợi 32 năm cho một cuộc cách mạng, chắc chắn đã có sẵn quyết định của mình.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF