8.2.17

Liệu có nên thiết lập một chế độ thu nhập cơ bản không?



LIỆU CÓ NÊN THIẾT LẬP MỘT CHẾ ĐỘ THU NHẬP CƠ BẢN KHÔNG?
Benoît Hamon (phải) bảo vệ chế độ thu nhập cơ bản trong khuôn khổ vận động thành ứng cử viên tổng thống của đảng xã hội Pháp. Ý tưởng này cũng đã được Manuel Valls (trái) sử dụng lại. ©DENIS ALLARD/REA
Vào mùa thu năm nay, vấn đề chế độ thu nhập cơ bản (hay còn được gọi là thu nhập sinh tồn hoặc thu nhập phổ quát, theo các sở thích về ngữ nghĩa) là trung tâm của các cuộc tranh luận công khai. Benoît Hamon, một dân biểu thuộc đảng xã hội của tỉnh Yvelines, đã lấy đó làm biện pháp tiêu biểu cho chiến dịch tranh cử thành ứng cử viên tổng thống của đảng mình, trong khi ở phía đối diện Nathalie Kosciusko-Morizet cũng đã chọn chủ đề nói trên như một dấu ấn của phe cánh hữu. Các thượng nghị sĩ thuộc cánh hữu Jean-Marie Vanlerenberghe (UDI, Union des Démocrates et Indépendants – Liên hiệp các thành phần dân chủ và độc lập) và cánh tả Daniel Percheron (đảng xã hội) về phần họ cũng đã trình bày một báo cáo về chủ đề này. Cụ thể hơn, tỉnh Gironde muốn thử nghiệm chính sách nói trên vào năm 2018, trong khi Thủ tướng Manuel Valls cũng đã nắm lấy ý tưởng này vào tháng 9, tiếp theo một báo cáo của Christophe Sirugue vào mùa xuân năm ngoái. Và vô số các cuộc tranh luận và bài viết về chủ đề này, cả trên các diễn đàn công dân lẫn trong giới học thuật, chẳng hạn như Ngày nghiên cứu của trung tâm OFCE (Observatoire Français des Conjonctures Economiques, là một trung tâm nghiên cứu về kinh tế của Đại học Sciences Po – ND) hôm 13 tháng 10.
1/ MỘT Ý TƯỞNG CŨ VỚI HƯƠNG VỊ MỚI
Nhưng chính xác thì đó là vấn đề gì? Đối với hầu hết những người bảo vệ nó, đó là một chế độ thu nhập mang tính phổ quát, cá nhân và vô điều kiện. Tính phổ quát có nghĩa là chi trả thu nhập cho mọi người, không phân biệt thành phần. Tính cá nhân có nghĩa là không xem xét tình trạng gia đình của người thụ hưởng, trái với hầu hết các mức trợ cấp xã hội tối thiểu hiện hành. Và tính vô điều kiện có nghĩa là Nhà nước không đòi hỏi bất cứ một sự bù đắp nào cho việc chi trả thu nhập này.
Ý tưởng phát sinh từ Thomas More, tác giả của cuốn sách Utopia vào thế kỷ 16
Thomas More (1478-1535)

Đây là một ý tưởng cũ. Nói chung, nó có xuất xứ từ Thomas More, tác giả của cuốn sách Utopia (Xã hội không tưởng) vào thế kỷ 16. Sau đó, qua nhiều thế kỷ sau, ý tưởng này đã được Thomas Paine, một nhà cách mạng vĩ đại người Mỹ gốc Pháp vào thế kỷ 18, hay gần gũi với chúng ta hơn ngày nay, nhiều người khác chẳng hạn như nhà triết học John Rawls, mục sư Martin Luther King hoặc nhà kinh tế theo trường phái tự do cực đoan Milton Friedman, sử dụng lại.
Nhưng ngày nay, điều thu hút chúng ta đến với ý tưởng về chế độ thu nhập cơ bản, tại Pháp cũng như tại nhiều nước phát triển khác, tất nhiên là vì chiều sâu của cuộc khủng hoảng mà các nền kinh tế của chúng ta đã trải qua kể từ hơn bốn mươi năm nay. Các hệ thống xã hội thừa hưởng từ thời kỳ Ba mươi năm vinh quang, trong thực tế, có nhiều khó khăn nghiêm trọng để đối phó với sự gia tăng tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trong một bối cảnh thất nghiệp dai dẳng. Nhưng tương tự với những ý tưởng đã từng dấy lên một sự hứng thú gần như nhất trí cao vào một thời điểm nào đó, chúng ta cần phải xem xét kỹ hơn...
2/ MỘT CHẨN ĐOÁN SAI
Margaret Thatcher (1925-2013)
Ronald Reagan (1911-2004)
Rất nhiều người trong số những ai bảo vệ chế độ thu nhập phổ quát, lập luận rằng toàn dụng lao động sẽ là một mục tiêu không thể đạt được và rằng những tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số sẽ tất yếu làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp trong tương lai. Vì vậy, thu nhập phổ quát sẽ là một cách để thích nghi với tình trạng thất nghiệp kéo dài, mà trong đó chỉ có một phần nhỏ dân số trong độ tuổi lao động sẽ tạo ra được của cải và có được việc làm có trả lương (bất luận dưới hình thức lao động độc lập hoặc làm công ăn lương). Hẳn là nửa thế kỷ qua đã biện hộ cho chiều hướng đó, nhưng cũng có đủ lý do để cho rằng chính việc vận dụng dai dẳng các chính sách kinh tế sai lầm, được thừa hưởng từ chủ nghĩa tự do của Margaret Thatcher (nguyên thủ tướng Anh – ND) và Ronald Reagan (nguyên tổng thống Hoa Kỳ – ND), là nguồn gốc của sự thất bại này. Đặc biệt việc sử dụng một cách tự nguyện hơn các chính sách giảm thiểu thời gian làm việc có thể cho phép giải quyết hiệu quả hơn tình trạng thất nghiệp đại trà.
Chiếc xe lăn đường của sự tự động hóa không phải là nguồn gốc của những khó khăn hiện tại của chúng ta
Dù sao đi nữa chiếc xe lăn đường của sự tự động hóa không phải là nguồn gốc của những khó khăn hiện tại của chúng ta: trái lại, kể từ Thế Chiến thứ II trong tất cả các nền kinh tế phát triển, chưa bao giờ sự gia tăng năng suất bị giới hạn như trong những năm gần đây. Và trong tương lai, khi kỹ thuật số làm đảo lộn hầu hết các hoạt động và loại bỏ nhiều công ăn việc làm, và điều này không còn nghi ngờ nữa, thì không có lý do gì để cho rằng hiện tượng đó sẽ làm cho tình trạng thất nghiệp nói chung trầm trọng thêm. Cũng không trầm trọng hơn các trường hợp trước đây như việc áp dụng các máy dệt cơ khí trong thế kỷ 19 hay các dây chuyền sản xuất trong thế kỷ 20.
Nếu trong tương lai không còn lao động có trả lương của con người, thì cũng sẽ chẳng còn của cải về mặt tiền tệ để thu thuế và phân bổ thu nhập...
Ý tưởng cho rằng máy móc có khả năng tạo ra của cải thay cho chúng ta, những của cải mà chúng ta có thể không khó thu thuế và phân bổ cho những người thất nghiệp là một niềm tin sai lầm và nguy hiểm. Đó là một ảo tưởng: chỉ có lao động của con người mới có khả năng tạo ra thêm những của cải về mặt tiền tệ. Máy móc chỉ làm cái việc đưa vào lại trong các dịch vụ và sản phẩm mà nó đã giúp sản xuất ra, lao động của con người từng cần thiết để tạo ra chính bản thân máy móc đó. Nói cách khác: nếu trong tương lai thực sự không còn lao động có trả lương của con người, thì cũng sẽ chẳng còn của cải về mặt tiền tệ để thu thuế và phân bổ thu nhập...
3/ LỢI ÍCH CỦA THU NHẬP PHỔ QUÁT
Mặc dù vậy, ý tưởng về thu nhập phổ quát có nhiều lợi thế. Trước hết, nó giúp đơn giản hóa công việc của Nhà nước, Nhà nước không còn phải bận tâm với việc tìm hiểu và kiểm tra người nào đáp ứng được tiêu chí này hay tiêu chí khác để được hưởng một mức trợ cấp xã hội tối thiểu này hay mức khác. Với đối phần, và điều này thậm chí còn quan trọng hơn về mặt gắn kết xã hội, là ít hạch sách hơn và ít thủ tục kiểm soát quan liêu hơn đối với những người nghèo thụ hưởng. Thật vậy để cho chính sách bảo trợ xã hội mang tính hào phóng và hiệu quả, thì chính sách đó trong thực tế phải luôn mang tính phổ quát. Nếu bản thân người giàu không hưởng lợi gì, thì họ sẽ luôn gây áp lực để người nghèo được hưởng lợi ít hơn và bị kiểm soát nhiều hơn ... Và thường họ sẽ thành công khi làm vậy.
Với thu nhập phổ quát, một cá nhân không còn bị buộc phải chấp nhận bất cứ việc làm nào có mức lương thấp với các điều kiện làm việc tồi tệ
Thu nhập phổ quát cũng tạo ra một áp lực tích cực cho chất lượng của những việc làm được cung cấp: do cá nhân người lao động được hưởng một thu nhập cơ bản vô điều kiện, nên họ không còn bị buộc phải chấp nhận bất cứ việc làm nào có mức lương thấp với các điều kiện làm việc tồi tệ. Điều này buộc một nước phải tự định vị lại mình khác hơn với lựa chọn chi phí thấp trong sự phân công lao động quốc tế. Tuy nhiên, lợi thế này nhanh chóng gặp phải những hạn chế trong bối cảnh hiện tại của sự toàn cầu hoá: nếu áp lực này làm cho có quá nhiều việc làm bị biến mất để phải di dời hoạt động đến những nơi khác, thì sẽ không còn đủ của cải để phân bổ, để chi trả cho chế độ thu nhập phổ quát... Đây là điều mà ngày nay người ta đã chỉ trích đối với thu nhập tối thiểu hoặc trợ cấp thất nghiệp.
4/ VẤN ĐỀ KINH PHÍ
Và chính trên điểm này gặp vấn đề tế nhị về kinh phí của biện pháp này và việc thu nhập phổ quát thay thế cho những biện pháp nào khác. Một mức thu nhập phổ quát bằng 500 euro mỗi tháng (mức trợ cấp hiện tại của hệ thống RSA (Revenu de Solidarité Active – hệ thống phúc lợi xã hội) là 535 euro mỗi tháng cho một người độc thân không con), chiếm 400 tỷ euro mỗi năm tại Pháp, hay 18% GDP[1]. Nếu muốn chi trả với mức 1.000 euro mỗi tháng, thì phải tăng gấp đôi kinh phí và phải huy động 36% GDP cho chính sách này...
Manuel Valls (1962-)
Christophe Sirugue (1966-)
Sự phân bổ này tất nhiên có thể thay thế nhiều khoản trợ cấp xã hội hiện hành như của hệ thống RSA hoặc khoản lương hưu tối thiểu, ngay cả khi sự hợp nhất này tạo ra không ít khó khăn. Đặc biệt, đây chính là đối tượng suy ngẫm trong báo cáo của Sirugue và các dự án của Manuel Valls, những người trong thực tế nhắm nhiều đến việc hợp nhất và đơn giản hóa các mức trợ cấp xã hội tối thiểu hơn là tạo ra một thu nhập phổ quát thực sự. Nhưng toàn bộ các mức trợ cấp xã hội tối thiểu chỉ chiếm 23 tỷ euro trong năm 2013, hay 1,1% GDP...
Về mặt lô-gic, chúng ta cũng có thể cắt xén một số tiền tương ứng đối với các khoản trợ cấp được cơ quan bảo hiểm thất nghiệp hay các hệ thống lương hưu chi trả ngày nay. Nhưng chúng ta vẫn còn xa mới đạt được vấn đề trên bởi vì vấn đề khó khăn liên quan đến những người không được hưởng các trợ cấp xã hội thuộc loại này, có nghĩa là liên quan đến hầu hết 28 triệu người Pháp có một việc làm có trả lương. Đối với họ, chế độ thu nhập cơ bản này thay thế cho cái gì?
Trong nhãn quan tự do của một Milton Friedman, thu nhập phổ quát phải thay thế hầu như toàn bộ các hoạt động công cộng
Milton Friedman (1912-2006)
Hầu như chỉ có hai khả năng. Khả năng thứ nhất liên quan đến một sự cắt giảm to lớn các khoản chi tiêu công ở những nơi khác. Trong nhãn quan tự do của một Milton Friedman, thu nhập phổ quát phải thay thế hầu như toàn bộ các hoạt động công cộng: chúng ta chi trả một số tiền cho mỗi người và sau đó mỗi người sẽ tự xoay sở để có được các dịch vụ giáo dục, y tế, giao thông, nhà ở, v.v. trên thị trường của các tác nhân kinh doanh tư nhân vì mục đích lợi nhuận.
Khả năng thứ hai liên quan đến việc gia tăng ở mức tương ứng các khoản thu thông qua thuế hoặc đóng góp xã hội, và như vậy giảm thiểu ở mức tương ứng các khoản tiền lương ròng... Nói cách khác, điều này có nghĩa là Nhà nước từ giờ sẽ phải bù đắp một phần lớn tiền lương thay cho các doanh nghiệp.
Guillaume Duval
Dù khả năng nào được lựa chọn, một sự cắt giảm to lớn các khoản chi tiêu công cộng khác hay một sự gia tăng tương ứng các khoản thu bắt buộc, thì sự đồng thuận rộng rãi hiện nay về thu nhập cơ bản có nguy cơ không qua nổi việc xem xét kĩ lưỡng hơn các điều kiện để triển khai thực hiện nó ...
Guillaume Duval
Trưởng ban biên tập của Alternatives Economiques
Là chuyên gia về các chính sách của châu Âu và Pháp, Duval Guillaume là tổng biên tập của trang Alternatives Economiques. Tốt nghiệp kỹ sư, ông đã công tác trong nhiều công ty đa quốc gia trong hơn mười năm trước khi gia nhập trang Alternatives Economiques vào năm 1995.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Faut-il mettre en place un revenu de base?, AlterEcoPlus, 25/10/2016.




[1] Tuy nhiên, những người ủng hộ thu nhập phổ quát thường xem xét nhiều đến một sự phân bổ ít hơn đối với trẻ em...

Print Friendly and PDF