10.2.18

Hãy triệt hạ xã hội học phê phán!



HÃY TRIỆT HẠ XÃ HỘI HỌC PHÊ PHÁN!
Sau “vụ Cahuc/Zylberberg” trong kinh tế học vào năm ngoái, phải chăng xã hội học cũng sẽ có “vụ Bronner/Géhin”. Dù thế nào đi nữa thì hiện nay đang có một bầu không khí đằng đằng sát khí trong ngành từ khi hai tác giả trên đã cho xuất bản vào tháng mười vừa rồi quyển Sự nguy hại của xã hội học (PUF).

“Cơn phong ba đối với xã hội học”, đó là lời mở đầu của quyển sách. Thật vậy Gérald Bronner và Etienne Géhin nhấn mạnh đến cơn gió trái chiều đang thổi trên khoa học xã hội khi mà nó đã bị “đuổi” ra khỏi các trường đại học Nhật và đang bị đe dọa ở Thụy Sĩ. Đối với hai tác giả thì điều này không phải chỉ là hậu quả độc hại của một thời buổi phản động, mà còn là dấu hiệu của một sự tiến hóa đáng ngại của xã hội học khi tính chiến đấu lấn át sự chặt chẽ khoa học một cách quá thường xuyên. Những người bị nhắm ở đây là những nhà nghiên cứu gắn với xu hướng thường được gọi là “xã hội học phê phán”: Michel Foucault, Pierre Bourdieu, Loic Wacquant, Bernard Lahire hay Christine Delphy, một nhân vật lịch sử của các nghiên cứu về giới.
Xu hướng lên án âm mưu (của xã hội học phê phán)
Etienne Géhin
Gérard Bronner (1969-)
Một trong những phê phán của Gérard Bronner và Etienne Géhin đối với xã hội học phê phán là thường “xuất phát từ việc ghi nhận những bất bình đẳng xã hội để dẫn đến ý tưởng cho rằng những điều này là do “xã hội”, “chủ nghĩa tư bản”, “giới chủ nhân”, “nhóm giàu có”, v.v. gây nên một cách có chủ ý”. Một luận điểm mang “tính quyết định luận” như vậy có nghĩa là có những ý đồ được các thực thể tập thể như trên nuôi dưỡng, những thực thể vốn chỉ là những sự trừu tượng hóa không có tính hiện thực ngoài hành động của các cá nhân mà những thực thể này tập hợp. Như vậy, các nhà xã hội học “quyết định luận” là những nạn nhân của cách “suy diễn lệch lạc từ tác nhân” cho rằng đằng sau diễn tiến của các sự việc tất yếu có một ý đồ bị giấu diếm. Nhưng, theo hai tác giả, thì một mặt có một “một sự liên tục về nhận thức, hay nói một cách khác, một cái dốc trơn trợt” giữa lối suy nghĩ này với những lý thuyết về các âm mưu đang tràn ngập hiện này, và thường cũng dựa trên những lệch lạc nhận thức giống nhau.
Émile Durkheim (1858-1917)
Mặt khác, tử tưởng phê phán này, mà họ cho rằng bắt nguồn từ tư tưởng của Emile Durkheim, vốn chỉ xem cá nhân như là những con rối của các cơ cấu xã hội, hoàn toàn không có sự tự do trong hành động và tư duy. Gérard Bronner và Etienne Géhin cho rằng một “cách tiếp cận như vậy lại làm cho những người nghĩ và nói, như Manuel Valls (nguyên thủ tướng Pháp từ 2014 đến 2016 – ND), là có lý, khi ông này cho rằng, khi gắn những hành vi (của các cá nhân) với những nguyên nhân nằm ở bên ngoài họ, thì xã hội học chứng tỏ một sự khoan dung quá đáng đối với những côn đồ và những kẻ giết người”. Như vậy những nhà nghiên cứu phê phán bị phê bình là đã “làm cho các ý tưởng về công lao (merite), trách nhiệm và đạo đức bị lũng đoạn”. Khi được phổ biến, những lý thuyết này còn có thể trở nên những lời tiên tri tự thực hiện, bằng cách thuyết phục các cá nhân, đặc biệt những người bị thua thiệt nhất, rằng mọi chuyện đã được yên bài (quyết định) và họ không thể làm gì cả để thay đổi điều này.
Một xã hội học bị “cuồng ám”
Nathalie Heinich (1955-)
Tạp chí Le Débat vứa mới tiếp sức cho sự phê phán trên khi cho xuất bản một hồ sơ mang tựa “Xã hội học có nguy cơ bị lệch hướng”. Có những nhân vật quan trọng trong ngành ghi nhận những chứng tật của một xã hội học bị ám ảnh bởi sự “săn tìm” các tương quan lực lượng “trong mọi cách hành xử và trong mọi sự sản xuất ra ý nghĩa” trong đó “mọi sự sắp xếp định chế và chính trị đi lệch hướng với mục tiêu của một sự công bằng triệt để” đều bị lên án như là một “ảo tưởng” (Pierre-Michel Menger), sự “tố giác” trở nên một “mệnh lệnh” (Dominique Schnapper). Nhưng có lẽ Nathalie Heinich là người đánh mạnh nhất vào sự “khốn cùng” của xã hội học phê phán mà “sự quy tội những mưu đồ có hại” biểu lộ cái “nền tảng mang tính cuồng ám (của nó)” và đã trở thành “cái tương đương của một tư tưởng sáng thế chủ nghĩa (créationniste), cho rằng nguyên nhân của mọi việc đều nằm nơi một siêu thực thể có sẵn một ý đồ”. Như vậy cũng quá đủ rồi!
Những sự phỏng chừng
Bernard Lahire (1963-)
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Ta không thể trách tất cả các nhà nghiên cứu này về sự cảnh giác của họ đối với những phương thức giải thích xã hội của các nhà xã hội học “phê phán”. Đôi khi họ chỉ ra, một cách xác đáng, những luận điểm phỏng chừng hay các tu từ học dễ dãi đôi khi được các nhà xã hội học phê phán sử dụng. Nhưng sự buộc tội này quá thô thiển để có thể thuyết phục ta. Trước hết là vì rất khó để xác định ai là đối tượng của những sự phê phán được đưa ra. Thật vậy, ta rất khó nhận ra những luận đề phức tạp của một Bourdieu hay của một Bernard Lahire về sự kết hợp những chiều kích khách quan và chủ quan của cái xã hội đằng sau quyết định luận máy móc mà Bronner và Gehin gán cho họ chỉ dựa trên những sự trích dẫn đã được lựa chọn kỹ càng.
Muốn tiết lộ những chứng tật của một “phong cách” xã hội học, nhưng Natalie Heinich (cũng như Dominique Schnapper) dứt khoát từ chối đưa ra tên của những nhà nghiên cứu mà những lời nói bị bà chế nhạo. Rất tiếc cho bà là Luc Boltanski và Arnaud Esquerre đã nhận ra trong những trích dẫn của bà những đoạn trong quyển sách sau cùng của họ, Sự làm giàu… Không mấy thích cách sử dụng những trích đoạn đã bị “đưa ra khỏi bối cảnh của nó” khiến cho những giả thuyết đôi lúc trở thành những sự khẳng định, lấy làm tiếc cho tính “đả kích” của những bình luận, họ đã bày tỏ “sự sửng sốt trước những cách thức phục vụ cho một chiến lược gieo nghi vấn”. Nói một cách ngắn gọn, cũng giống như trong vụ Cahuc/Zylberberg những lời kêu gọi long trọng về tính chặt chẽ khoa học cao nhất lại đi cùng một cách đáng kinh ngạc với một cách ứng xử quả thật là coi nhẹ các văn bản và sự kiện.
Đó là một cảm tưởng được củng cố bởi sự thờ ơ của Gérad Bronner và Etienne Géhin đối với sự đa dạng của các “trường phái” xã hội học, ở Pháp cũng như ở những nơi khác và đối với những cuộc nghiên cứu cụ thể được xây dựng từ những ý tưởng của các trường phái này. Người ta cứ nghĩ rằng xã hội học là một khoa học thực nghiệm, với một sự tranh luận được tiến hành trên những “chứng cứ” (phương pháp thâu thập dữ liệu, tính đáng tin của những số liệu thông kê, sự diễn giải và khái quát hóa …). Nhưng khi đọc Gérard Bronner và Etienne Géhin, sự lựa chọn phải được thực hiện mà không cần đến chứng cứ, giữa hai lập trường siêu hình: hoặc là các cá nhân là những nạn nhân vô thức của cơ cấu xã hội đầy thế lực (đó là phiên bản của “xã hội học phê phán”), hoặc là các sự kiện chỉ là kết quả hình thành từ sự kết tụ hành động của những cá nhân theo đuổi mục tiêu riêng của họ (phiên bản “xã hội học phân/giải tích”).
Cá nhân chống lại tập thể, quyết định luận hay tự do, Durkheim chống lại Weber: quay ngược trở về lại một quá khứ tưởng đã qua rồi, quyển Sự Nguy hại của xã hội học khơi lại những sự đối lập mà sự vượt qua là một trong những thành quả của xã hội học trong ba mươi năm vừa qua. Còn về ý tưởng cho rằng “xã hội học phê phán” làm cho cá nhân đánh mất tinh thần trách nhiệm, nhà xã hội học Denis Colombi đã cho thấy nó thật sự không vững vàng chút nào.
Vấn đề nhập cư: phải chăng xã hội học lại tự che mắt mình?
Phải chăng xã hội học về sự nhập cư nuôi dưỡng sự “phủ nhận” những khó khăn, thậm chí sự thất bại của sự hội nhập các người di dân ở Pháp? Đó là lời tố cáo mà nhà xã hội học Pierre Galland đã đưa ra trong hồ sơ của tạp chí Le Débat. Mục tiêu của ông là cuộc điều tra Trajectoires et origines (TeO)/(Hành trình và nguồn gốc) được hai viện INSEE và INED thực hiện vào năm 2008-2009 mà ông cho rằng “hoàn toàn được xây dựng xung quanh một quan niệm biến những người dân nhập cư thành nạn nhân”. Đúng là ông công nhận rằng tầm quan trọng của những phân biệt đối xử mà người di dân phải gánh chịu được cuộc điều tra này làm nổi bật, là “không thể chối cãi”. Nhưng, trong khi nước Pháp đang phải hứng chịu những cuộc tấn công khủng bố, cuộc điều tra không cho phép chúng ta biết được “mức độ mà cảm tưởng mình (người nhập cư) là nạn nhân lại không gắn với một sự từ khước xã hội vốn có thể nuôi dưỡng sự quá khích về mặt tôn giáo và chính trị, cũng như nó không thể đo lường được mức độ mà những người nhập cư và con cái của họ chấp nhận những phong tục, giá trị và nền văn hóa của xã hội đã tiếp nhận họ”. Trong khi những kết quả đầu tiên của một cuộc điều tra mà ông đã thực hiện trên những học sinh trong những khu bình dân có một tỷ lệ dân nhập cư cao, cho thấy một tinh thần bảo thủ quan trọng trong các thanh niên gốc Bắc Phi và những thanh niên theo đạo Hồi, qua thái độ của họ đối với vấn đề đồng tính, về vai trò của người phụ nữ và về thế tục (laicite). Đó là một thế giới của những giá trị, nếu được kết hợp với tư tưởng chuyên chế tôn giáo vốn là một đặc tính của một bộ phận của số thanh niên này, sẽ tạo nên “một sự tương phản thật rõ nét với thế giới của những giá trị của những thanh niên gốc Pháp hay của những thanh niên Công giáo hay không theo tôn giáo nào”.
Patrick Simon
Bị phê phán một cách đích danh, nhà dân số học Patrick Simon, một trong những người chủ trì cuộc điều tra TeO, đã dứt khoát phản bác những lời buộc tội này. “Olivier Galland cáo buộc cuộc điều tra TeO đã không cung cấp thông tin về những “giá trị” của người nhập cư. Đó là vì điều này không phải là mục đích của cuộc điều tra vồn là để phân tích tác động của nguồn gốc xuất thân trên điều kiện sinh sống và hành trình xã hội của cá nhân. Chúng tôi đã muốn mô tả những vị trí và những thực tiễn hơn là dò xét cái tưởng tượng của những người được điều tra”. Hoàn toàn không có một xã hội học nào về “cảm tưởng là nạn nhân” trong cuộc điều tra này. “Nếu cuộc điều tra TeO cho thấy rằng đối với một số người là con em của những người nhập cư, đặc biệt những người đến từ vùng Maghreb (Bắc Phi) hay từ vùng Châu Phi hạ Sahara, nguồn gốc và những phân biệt đối xử mà họ phải gánh chịu là những yếu tố chủ chốt để giải thích vị trí lệ thuộc mà họ có trong xã hội Pháp, thì đó không phải là trường hợp của những người là con cháu của những người nhập cư gốc Ý, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha vốn có được một sự thành công xã hội nhất định (thăng tiến xã hội, một sự hội nhập tốt vào thị trường lao động). Những kết quả này được ghi nhận trên cơ sở những dữ liệu được thu thập, chứ hoàn toàn không phải suy ra từ những câu hỏi được đặt”.
Trong khi chờ đợi có thêm thông tin về cuộc điều tra của Olivier Galland để có thể có ý kiến về vài kết quả đã được giới thiệu, Patrick Simon vẫn cho rằng: “Sự diễn giải các câu trả lời như là sự biểu hiện của xu hướng quá khích hay của sự từ chối cái luật chung là không đáng tin cậy”. Một cách tổng quát hơn, đối với ông, những cuộc điều tra về giá trị, dù là hoàn toàn chính đáng, vẫn là một “thực địa khó có thể kiểm soát (trơn trợt/terrain glissant), vì các “giá trị” không thể tự chúng đứng vững, chúng gắn với những điều kiện sinh sống và với hành trình của các cá nhân. Thêm nữa cũng rất khó xác định được đâu là những giá trị của một xã hội nhất định: chúng không bao giờ được chia sẻ bởi tất cả mọi người, và trong lãnh vực này thì có rất nhiều cuộc xung đột”. Còn về lời kêu gọi cuối cùng của Olivier Galland về một xã hội học đảm nhận “một vị trí ở bên ngoài và trung lập so với những tác nhân xã hội và sự dấn thân của họ”, Patrick Simon cho rằng: “những nghiên cứu xã hội học không mang tính trung lập, kể cả những công trình của Olivier Galland và của tôi! Chúng có sử dụng một phương pháp khoa học hay không, đó là một vấn đề hoàn toàn khác”. Còn ông thì đứng trên lập trường của một “xã hội học để biến đổi xã hội mà mục tiêu là xác định những cơ chế và những động lực xã hội mang tính bất bình đẳng trái ngược với những nguyên lý và những mục tiêu mà một xã hội và những chính phủ nối tiếp nhau đã không ngừng khẳng định. Điều này hoàn toàn không ép chúng ta phải từ bỏ những đòi hỏi của phương pháp khoa học và của sự trình bày trung thực các kết quả nghiên cứu”.
Sau cùng, lời mời mà Gérard Bronner và Etienne Géhin đã đưa ra đối với những đồng nghiệp để vượt qua “nổi sợ vô cớ” các khoa học về nhận thức, để quan tâm đến tính phức tạp của bộ não và những sự lựa chọn thường xuyên mà nó phải làm, có vẻ như là đáng được hoan nghênh. Hơn nữa lời mời này không đi kèm với bất cứ sự tôn sùng nào đối với các khoa học “cứng” này. Tuy nhiên họ vẫn bỏ qua việc cuộc đối thoại này đã được triển khai một cách nghiêm túc, nhưng trong khuôn khổ của một quan niệm mang tính phê phán, vì ở đây cũng có hai quan niệm về “cái xã hội” đối lập nhau. Thật vậy, trong mối quan hệ gần gũi với hai nhà xã hội học “phân tích”, các khoa học về bộ não dành ưu tiên cho những lập luận của các cá nhân, và như vậy thì cái xã hội có xu hướng chỉ được xem như là “một mối quan hệ liên cá nhân nhất thời và được xác định rõ ràng (sự bắt chước, sự đồng cảm, sự quyến luyến, sự hợp tác, sự cạnh tranh, sự thống trị, v.v.) như Laurence Kaufman và Fabrice Clément đã giải thích. Trong khi đó thì đa số những trào lưu xã hội học đương đại vẫn tiếp tục mô tả thế giới xã hội như là một thế giới có một bề dày lịch sử, được những định chế, những quy tắc định hình và bị những bất bình đẳng xuyên suốt.        
Vượt lên trên những lập luận quá tinh vi mang tính nhận thức luận, dường như đó chính là vấn đề mà những người bài xích “xã hội học phê phán” buộc phải đối phó. Cũng như Denis Colombi đã ghi nhận, “điều khó chấp nhận, nếu ta theo lập luận của Gerard Bronner và Etienne Géhin, là việc xã hội học phát hiện những sự bất bình đẳng hơn là cách mà xã hội học giải thích nó”. Sự phô biển rộng rãi mà tác phẩm của họ và hồ sơ của tạp chí Le Débat đã nhận được trên các phương tiện truyền thông đại chúng, xác nhận đang có một “sự căm thù các nguyên nhân” trong bầu không khí tư tưởng hiện nay, cũng như Joseph Confraveux đã từng ghi nhận cách đây hai năm. Sự căm thù các nguyên nhân khiến cho “mọi cố gắng để giải thích về mặt lịch sử hay để phân tích về mặt xã hội học một hiện tượng xã hội đều bị xem như là không có cơ sở vì nó là một mưu toan để bào chữa”. Cái mới ở đây là ở điểm sự tố giác “những mưu toan để thoái thác của xã hội học” xuất phát ngay trong nội bộ của ngành xã hội học, điều này càng làm cho nó có một trọng lượng nặng hơn nữa.
Sự “đứt đoạn xã hội học” mà các cuộc tấn công này đã phơi bày có lẽ là không sâu sắc như sự đoạn tuyệt giữa các nhà kinh tế học chính thống và không chính thống, cơ sở của lập luận của Pierre Cahuc và André Zyberberg – chỉ vì, trong trường hợp này, các cuộc tấn công xuất phát từ một “phe” thiểu số trong ngành. Tuy vậy cũng cần phải xem xét lại mức độ mà tính thống nhất (tương đối) của ngành đã bị lung lay. Và cách mà các nhà xã hội học còn có thể can thiệp trong cuộc tranh luận công, nơi mà tiếng nói của các khoa học xã hội học càng ngày càng gặp khó khăn để được tiếp nhận ….
ĐỂ BIẾT THÊM
·         Le danger sociologique
   > Gérald Bronner et Étienne Géhin, Puf 2017
   > Le Débat, n° 197, 2017/5
   > Denis Colombi, blog Une heure de peine
   > Philippe Coulangeon, La vie des idées, 14 novembre 2017
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Feu sur la sociologie critique”, Alternatives économiques, 12.12.2017
Print Friendly and PDF