3.2.18

Romer, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, nói kinh tế học vĩ mô đang có vấn đề

ROMER, NHÀ KINH TẾ TRƯỞNG CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI, NÓI KINH TẾ HỌC VĨ MÔ ĐANG CÓ VẤN ĐỀ

Andrew Mayeda và Craig Torres
Romer nói, vấn đề với thế giới quan này là một khi các bạn loại trừ chính sách hoặc người dân khỏi vai trò là chất xúc tác thay đổi, thì thường sẽ không có giải pháp thay thế nào mang tính thuyết phục: "Mọi thứ đều có thể xảy ra vì những cú sốc từ bên ngoài tác động vào."
Paul Romer (1955-)
Paul Romer nói rằng ông thực sự không có ý định phê phán kinh tế học vĩ mô như một giả khoa học bị ám ảnh bởi toán học. Hoặc chọc giận vô số các đồng nghiệp khác. Đó chỉ là điều xảy ra mà thôi.
Ý định thực sự của ông là viết một bài báo vinh danh những tiến bộ trong sự hiểu biết về những gì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng khi ngồi xuống để viết bài báo đó vào những tháng trước khi lên làm nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, Romer nhanh chóng thấy rằng con tim ông không chú tâm được vào việc đó.
Dù sao thì nền kinh tế thế giới đã không tăng trưởng nhiều; và toán học mà nhiều đồng nghiệp đã sử dụng để mô hình hóa nền kinh tế có vẻ không thực tế. Ông đã xem một phim tài liệu về Church of Scientology [Nhà thờ Khoa luận giáo], và bị ấn tượng bởi khả năng hoạt động của tư duy tập thể.
Vì vậy, Romer đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới Washington, "Tôi chỉ nghĩ rằng, OK, tôi sẽ nói ra những gì tôi nghĩ. Tôi không biết liệu tôi có đúng không, nhưng không có ai khác nói. Vì vậy, tôi sẽ nói ra vậy".
Kết cục là, bài "The Trouble With Macroeconomics [Rắc rối với kinh tế học vĩ mô]", một bài phê bình gay gắt xuất hiện giữa các đồng nghiệp của Romer giống như một quả lựu đạn. Trong thời buổi mà chính trị lên cơn sốt, với các cuộc nổi dậy chống giới quyền uy khởi phát khắp mọi nơi, niềm tin vào các nhà kinh tế học đã suy giảm: Họ bị trách cứ vì không dự báo được cuộc Đại suy thoái đang tới và, sau đó, là vì không gợi ý được các biện pháp khắc phục hiệu quả. Rồi đến việc một trong những nhà thực hành hàng đầu của thế hệ này nói rằng những người hoài nghi đã tìm thấy một thứ gì đó rất quan trọng.

Sự thụt lùi

"Trong hơn ba thập kỷ qua, kinh tế học vĩ mô đã đi thụt lùi", bài báo đã mở đầu như vậy. Romer kết thúc lập luận của mình, khoảng 20 trang sau đó, bằng cách cáo buộc một nhóm các nhà kinh tế học đã đi chệch hướng khoa học, quan tâm nhiều đến việc gìn giữ danh tiếng hơn là kiểm định các lý thuyết của họ với thực tế, "gắn bó nhiều với bạn bè hơn là với sự kiện." Ở giữa bài báo, ông đưa ra một giễu nhại độc ác về một lập luận vĩ mô hiện đại: "Giả sử A, giả sử B,... blah blah blah... và như thế chúng tôi đã chứng minh rằng P là đúng."
Vấn đề được mất vượt xa những cảm giác tổn thương của những ai ở trong tháp ngà. Các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách khác sử dụng những mô hình mà Romer cho là có chỗ hỏng. Ý tưởng cho rằng người tiêu dùng và các doanh nghiệp luôn luôn có những lựa chọn duy lý đang thâm nhập khắp kinh tế học dòng chính. Romer cho rằng đó không chỉ là điều sai, mà còn có thể dẫn đến kết luận sai lạc cho rằng các biện pháp của chính phủ không thể khắc phục được những vấn đề lớn.
John M. Keynes (1883-1946)
Cuộc tranh luận quay lại ít nhất về John Maynard Keynes, người cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động táo bạo hơn để giải quyết sự thiếu hụt sâu sắc về cầu từng kéo dài thời kỳ Đại suy thoái. Đến những năm 1970, các ý tưởng của Keynes mang tính chủ đạo – nhưng các chính sách ra đời từ các ý tưởng này đã thất bại trong việc ngăn chặn tình trạng thất nghiệp và lạm phát cao.
Các nhà kinh tế cố gắng tìm hiểu điều gì không ổn đã sáng tạo các lý thuyết về các dự kiến duy lý và "chu kỳ kinh doanh thực tế" – những điều mà Romer triệt phá. Họ lập luận rằng các mô hình keynesian đã không giải thích một cách thoả đáng cách mà người tiêu dùng và các doanh nghiệp điều chỉnh lại hành vi của họ để tính đến sự thay đổi của các chính sách.

“Người ta làm gì”

Ví dụ, chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn, bỏ vào túi của người tiêu dùng nhiều tiền hơn. Nhưng, theo lý thuyết, chính những người tiêu dùng này có thể nhìn thấy xa và thực tế trong tương lai, và sẽ không bị lừa: Họ sẽ tính rằng các loại thuế cuối cùng sẽ phải tăng để chi trả cho các khoản trợ cấp này. Vì vậy, khi dự đoán như vậy họ giữ lại tiền mặt của họ, và kết quả là trong dài hạn cả đôi bên đều không có lợi.
Romer nói, vấn đề với thế giới quan này là một khi bạn loại trừ khả năng chính sách hoặc người dân vai trò là chất xúc tác thay đổi, thì thường sẽ không có giải pháp thay thế nào khác mang tính thuyết phục: "Mọi thứ đều có thể xảy ra vì những cú sốc từ bên ngoài tác động vào."
Đó là lý do vì sao tất cả các mô hình kinh tế công nghệ cao đã không giúp được gì nhiều trước một câu hỏi cơ bản nhưng rất quan trọng như: Tại sao năng suất bị đình trệ? Romer đã giúp mở ra ý tưởng cho rằng vốn con người và đổi mới, những thứ mà chính phủ có thể có những hành động nuôi dưỡng, sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Ông cho rằng một cách tiếp cận mang tính thực nghiệm hơn sẽ có ý nghĩa hơn: Các nhà kinh tế học nên đặt ra câu hỏi "điều gì có thể gây ảnh hưởng đến hành động của người ta?" ông nói. "Điều gì thực sự dẫn đến một sự cải tiến năng suất trong một nhà máy?"
Đối với những nhà kinh tế học hoạch định chính sách thật sự – tại Fed [Cục Dự trữ Liên bang], ví dụ – lý thuyết có thể chỉ một vai trò ít nổi bật.
"Một trong những hệ lụy quan trọng của những dự kiến duy lý cho rằng chính sách tiền tệ không có tác dụng đối với hoạt động kinh tế trong chừng mực nó được dự đoán trước," Benjamin Friedman, một giáo sư về kinh tế chính trị tại Đại học Harvard, đã cho biết. "Cục Dự trữ Liên bang không tin vào điều đó."

Gọi đích danh [các nhà kinh tế học]

Romer đồng ý rằng các mô hình kinh tế không ra lệnh cho các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Fed; nhưng ông cho rằng chúng vẫn ảnh hưởng thái quá, đặc biệt trong "đội quân những người trẻ tuổi trong các bộ phận nghiên cứu, những người bị cuốn vào kiểu tư duy tập thể này."
Janet Yellen (1946-)
Tất nhiên, các cú sốc đối với nền kinh tế thực có cách để làm thay đổi các lý thuyết liên quan đến nó, như Janet Yellen, Chủ tịch của Fed, đã chỉ ra vào hồi tháng trước.
Bà trích dẫn "những cách suy nghĩ mới về hiện tượng kinh tế" nảy sinh từ cuộc Đại suy thoái và từ tình trạng lạm phát và đình đốn của những năm 1970, và cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 "cũng có thể chứng minh đây là một bước ngoặt kiểu tương tự." Và, hòa cùng với Romer, bà Yellen đã chỉ ra những hạn chế của thế hệ các mô hình kinh tế hiện tại, cho rằng khi giả định một hộ gia đình "trung bình", chúng không thể nắm bắt được những phản ứng khác nhau đối với cuộc khủng hoảng tài chính.
Robert Lucas (1937-)
Edward C. Prescott (1940-)
Bà Yellen đã có một thái độ tương đối ngoại giao. Một lý do khiến các đồng nghiệp của Romer tức giận – một số học giả được ông trích dẫn đã từ chối nói chuyện với ông – là việc ông gọi đích danh họ. Bộ ba những nhà kinh tế học đoạt giải thưởng Nobel kinh tế đã dẫn kinh tế học đi chệch đường, theo lời của ông, là: Robert Lucas, Thomas Sargent và Edward Prescott, các kiến trúc sư của những dự kiến duy lý.

Sửa chữa chiếc xe
Thomas Sargent (1943-)
Lucas và Prescott đã không trả lời những yêu cầu bình luận về bài viết của Romer. Sargent thì có. Ông nói rằng ông đã không đọc [bài viết của Romer], nhưng gợi ý rằng Romer có thể đã không tiếp xúc với những cách mà các nhà kinh tế học theo thuyết dự kiến duy lý đã điều chỉnh các mô hình của họ để phản ánh cách hành xử thực sự của người dân và các doanh nghiệp. Sargent đã viết trong một e-mail rằng Romer tự bản thân cũng đã dựa rất nhiều vào những hiểu biết của trường phái [kỳ vọng duy lý], trước đây khi ông "còn làm công tác khoa học về kinh tế cách đây 25 hoặc 30 năm."
Đồng minh của ba nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel đã có những lời bình thẳng thắn hơn, và nhiều người trong số họ đã chỉ ra rằng Romer – không giống như Keynes vào những năm 1930 – đã không cung cấp được một khuôn khổ mới để thay thế cho mô hình mà ông nói đã thất bại.
"Thiêu huỷ cả cơ ngơi, và nói rằng chúng tôi sẽ tìm hiểu để xây dựng những gì trên nền móng đó sau này, dường như không giống với một cách tiến hành có tính xây dựng" V. V. Chari, một giáo sư về kinh tế học tại Đại học Minnesota, đã nói.
Romer đã giận dữ phản pháo lại lập luận thường gặp trên: "Tôi nói, 'chiếc xe đã bị hỏng.' Và mọi người lại nói, 'Romer là một gã khủng khiếp, bởi vì hắn ta không thể sửa chữa chiếc xe'."
Tại Ngân hàng Thế giới, ông có thể được kỳ vọng giúp sửa chữa các vấn đề. Các khoản vay của ngân hàng thường đi kèm với các khuyến nghị về chính sách, và nghiên cứu của ngân hàng có ảnh hưởng đối với những ai nghiên cứu về cách thức các nước nghèo có thể tiến lên trên các bậc thang phát triển kinh tế. Tuy vậy, nó có thể trở thành một chuyến đi gập ghềnh tại ngân hàng trong những năm tới: Không có điều gì rõ ràng cho thấy cách mà ngân hàng cho vay truyền thống do Hoa Kỳ dẫn đầu, với cam kết tạo dòng chảy nguồn lực từ các nước giàu sang các nước nghèo, sẽ thích ứng với nghị trình đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Giống như Han Solo[*]" 

Xem lại các phản ứng đối với bài viết của mình, Romer nói rằng sự nghiệp đa dạng của mình có thể làm cho các đồng nghiệp không mến chuộng ông. Ông gián đoạn công trình học thuật của mình để thành lập một công ty phần mềm thiết kế các bài tập trực tuyến làm ở nhà cho các sinh viên đại học; công ty đã được bán đi vào năm 2007.
David Warsh
Một năm trước đó, Romer đã giữ một vai trò chính trong lịch sử các tư tưởng kinh tế theo David Warsh, "Knowledge and the Wealth of Nations [Kiến thức và Sự giàu có của các quốc gia]." Romer nói, cuốn sách đó mô tả ông "giống như Han Solo, và đó là những người nổi loạn chống lại Đế quốc, và tôi là nhà kinh tế học giỏi nhất kể từ Keynes. Các bạn có thể tưởng tượng mức độ nhận được phản hồi (tốt/xấu) từ các đồng nghiệp của tôi."
Tên của ông thường được nêu trong mùa trao giải thưởng Nobel – năm nay, với sự thất vọng thật nhiều, đối với nơi cuối cùng mà ông đã xây dựng sự nghiệp học thuật của mình. Hồi đầu tháng 10, Đại học New York đã công bố một cuộc họp báo để chúc mừng Romer được trao giải thưởng, sau đó đã phải xin lỗi vì đã nhầm lẫn đăng một tài liệu đã được chuẩn bị trước trong trường hợp ông giành được giải thưởng. Nhưng ông đã không được giải.
Romer nói ông hy vọng rằng ít nhất đã làm gương, cho các nhà kinh tế học trẻ tuổi, về cách thức tiến hành một cuộc điều tra khoa học – theo đường lối của thời kỳ Khai sáng. Không có cây đa cây đề nào có thể điều khiển sự tôn kính tự nhiên, hoặc được đặt cao hơn sự phê phán, và không nên bỏ qua những tiếng nói đến từ bên ngoài những nhóm có cùng chí hướng. Ông lo rằng các nguyên tắc này đang lâm nguy, ngay cả ở ngoài chính lĩnh vực nghiên cứu của ông. "Tôi đã suy nghĩ về sự tiến bộ trong toàn bộ sự nghiệp của tôi. Có một chút lo sợ khi nghĩ rằng tất cả điều đó có thể bị bỏ qua."
ở cấp độ sâu hơn, ông cho rằng chính sự hiểu lầm về khoa học đã dẫn rất nhiều nhà kinh tế học đi chệch đường. Ông nói, "Về cơ bản, niềm tin của họ là toán học có thể giúp khám phá những bí mật sâu thẩm nhất của vũ trụ". 
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch



[*] Nhân vật trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao (ND)

Print Friendly and PDF