30.6.18

Các con đường tơ lụa mới tới đâu rồi, nói một cách chính xác?


CÁC CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI TỚI ĐÂU RỒI, NÓI MỘT CÁCH CHÍNH XÁC?
Jean-Raphaël Chaponnière
Các quan chức Iran hoan nghênh chuyến tàu lửa đầu tiên nối Trung Quốc với Iran từ con đường tơ lụa cũ vào ngày 15 tháng 2 năm 2016 tại ga đường sắt Tehran (Ảnh: AFP PHOTO / STRINGER)
Vào năm 2013, Tập Cận Bình đã công bố ở Kazakhstan “phiên bản đường bộ” của “Các con đường tơ lụa mới” (“Vành đai”). Vài tháng sau, ông trình bày “phiên bản đường biển” (“Con đường”) ở Jakarta. Kể từ khi có những tuyên bố đó, tên gọi tắt bằng tiếng Anh đã biến đổi. Đầu tiên, là OBOR (ký hiệu những chữ đầu của One Belt One RoadMột vành đai, một con đường), tên gọi này quá tập trung vào lợi ích của Trung Quốc và, đối với những kẻ độc mồm, cụm từ OBOR được dịch thành “Our Bulldozers, Our Rules [Xe ủi đất của chúng tôi, luật chơi của chúng tôi]. Vì thế, Bắc Kinh đã chuyển dần sang một tên gọi khiêm tốn hơn Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI, Belt and Road Initiative). Có giá trị đối với tất cả các phương thức – đường sắt, hàng hải, đường bộ, kỹ thuật số và hàng không – BRI phát triển dọc theo hai trục, mỗi trục có các biến thể khác nhau. Trục thứ nhất đi qua Trung Á và đi tiếp đến châu Âu, qua Nga hoặc qua Iran, và đồng thời với Tuyến đường phía Bắc (Bắc cực). Trục thứ hai chia thành ba hành lang (Pakistan đến cảng Gwadar, Miến Điện đến cảng Kyaukphyu, Lào đến Singapore), và được mở rộng bằng một tuyến đường biển đến Piraeus, để từ đó tiếp tục đến Trung Âu. BRI không giới hạn ở các cơ sở hạ tầng mà còn kết hợp xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất điện và thậm chí cả các dự án khách sạn.
Các con đường tơ lụa mới” tập hợp những dự án do Trung Quốc hoặc các nước tham gia đề xuất, số lượng các nước tham gia đã rất nhiều (65), và danh sách còn dài nữa. Vào tháng 11 [năm 2017], Ma-rốc đã ký một bản ghi nhớ với Trung Quốc và dự án tàu cao tốc giữa Tangiers và Casablanca giờ đây đang hưởng lợi từ “nhãn hiệu”. Đến lượt New Zealand cũng tham gia BRI và vấn đề đang được tranh luận tại Úc.
Trung Quốc đã thành lập một trung tâm nghiên cứu về BRI, là chủ đề của nhiều hội nghị. Để diễn giải một công thức nổi tiếng của Solow, người ta thấy BRI ở khắp mọi nơi ngoại trừ trong các số liệu thống kê! Bốn năm sau, BRI đã tới đâu rồi? Một cách gián tiếp (và một phần) để trả lời cho câu hỏi này là việc đo lường sự tiến triển của các hoạt động trao đổi giữa Trung Quốc (các hợp đồng xuất khẩu, đầu tư và xây dựng) với các nước dọc theo hai tuyến đường bộ: Trung Á, trong đó có Nga, Trung Đông, Trung Âu (những nước đã hội nhập vào cơ chế 16+1).
DIỄN TIẾN CÁC CUỘC TRAO ĐỔI DỌC THEO TUYẾN ĐƯỜNG BỘ
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới đã giảm tính theo giá danh nghĩa từ năm 2013 đến quý 3 năm 2016. Một năm sau, kim ngạch đó vẫn chưa tìm lại được mức cách nay bốn năm. Điều gì đã xảy ra đối với hoạt động xuất khẩu sang các nước dọc theo tuyến đường bộ? Kim ngạch xuất khẩu đang ở dưới mức năm 2013, và người ta thấy sự phục hồi rõ nét hơn ở các nước thuộc vùng Trung Âu. Khi xem xét các nước này, chính các hoạt động xuất khẩu sang Iran (+ 48% so với năm 2013) và Arập Xê-út là tăng nhiều nhất.
Một trong những mục tiêu của BRI là tìm ra những tiêu trường mới cho các doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái các dự án lớn ở Trung Quốc. Vì dữ liệu năm 2016 chưa có, nên việc so sánh trị giá các dự án được thực hiện trong giai đoạn 2010-2012 và 2013-2015 có sức thuyết phục: điều lạ kỳ là các dự án đó không tăng nhiều ở Trung Á (và Nga), trong khi lại tăng mạnh nhất ở vùng Cận Đông và Trung Đông, đặc biệt là ở Arập Xê-út và Iran.
Sau khi tiến triển nhanh cho đến quý 3 năm 2016, các hoạt động đầu tư của Trung Quốc trên thế giới đang rơi tự do: 40% trong nửa đầu năm 2017. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc (MofCom), điều này không liên quan đến các hoạt động đầu tư vào các nước dọc theo con đường tơ lụa (đường bộ): đạt 14,5 tỷ US$ trong năm 2016 và sẽ đạt 10 tỷ US$ trong nửa đầu năm 2017. Ngoài ra, các tập đoàn Trung Quốc đang mua lại nhiều công ty kinh doanh hậu cần (từ 12,9 tỷ US$ trong năm 2016 lên 32 tỷ US$ trong 11 tháng đầu năm 2017), trong đó hai phần ba được chi cho việc mua lại [các công ty] dọc theo ”Các con đường tơ lụa”.
Rome không được xây trong một ngày và người Trung Quốc tính phải cần đến 36 năm để xây dựng Các con đường tơ lụa mới. Các con đường này phải được hoàn thành vào năm 2049, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, người ta có thể ngạc nhiên trước sự chậm chạp của việc triển khai dự án, trái ngược với truyền thống mau lẹ của Trung Quốc. Trong số những giải thích khả dĩ, đó là sự do dự của các nước chủ nhà, với ngoại lệ đáng chú ý là Iran, vốn đang chiếm một vị trí trung tâm.
TRỤC BẮC KINH-TEHERAN
Khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Donald Trump đã mở một cửa ngõ cho Trung Quốc vào châu Á. Một vài tháng sau, khi từ bỏ thỏa thuận được chính quyền Obama đàm phán với Iran, ông củng thêm cố trục Bắc Kinh-Tehran. Nằm ở phía nam Trung Á, quốc gia có 80 triệu dân này trở thành con bài chủ của BRI, vì nó tạo ra một đối chọn cho tuyến đi qua ngã Nga.
Các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ Tehran đã mở đường cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu này đã tăng từ 20% trong năm 2010 lên 45% trong năm 2016. Từ nay, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất của Iran và là tiêu trường dầu hỏa lớn nhất của Iran. Các hoạt động đầu tư của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong lĩnh vực dầu hỏa và ô tô (Geely) cũng như các khoản tín dụng: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã tài trợ 26 dự án (8,5 tỷ US$) và trong tháng 12 này [năm 2017], tập đoàn CITIC đã mở một hạn mức tín dụng trị giá 10 tỷ US$. Còn Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thì đang xem xét một khoản vay 15 tỷ US$.
Iran đã gia nhập BRI và đó là điều hiển nhiên. Trung Quốc tài trợ một tuyến đường cao tốc giữa Tehran, Qom và Isfahan, và điện khí hóa tuyến đường sắt Tehran-Mashhad, tạo nên nhánh đầu tiên của tuyến đường sắt cao tốc được Iran và Trung Quốc lên kế hoạch. Với tuyến đường sắt đã đưa vào sử dụng vào tháng 2 năm 2016, một chuyến tàu hỏa chở hàng đầu tiên đã đến Tehran từ Thượng Hải trong 12 ngày thay vì 30 ngày nếu đi bằng đường biển. Đổi lại, Iran đã giảm thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc.
Nhưng trục giữa hai cường quốc cho phép nhìn xa hơn. Iran đang ở cửa ngõ của Thổ Nhĩ Kỳ: vì thế tàu hỏa có thể kết nối Kashgar với Tân Cương (Trung Quốc) đến Istanbul từ nay đến năm 2020. Như vậy, liệu Iran có tìm lại được thiên hướng lịch sử của họ như là một ngã ba giữa Đông và Tây Âu-Á không. Như King đã chỉ ra, “Các con đường tơ lụa mới” ngày càng giống với một quá trình toàn cầu hóa kiểu “tiền Columbus”.
Jean-Raphaël Chaponnière

Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF