28.6.18

Những điểm chung giữa Marx và Nietzsche

NHỮNG ĐIỂM CHUNG GIỮA MARX VÀ NIETZSCHE

Karl Marx (1818-1883) và F. Nietzsche (1844-1900)
Hai nhà triết học chính trị có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 19, Karl Marx và Friedrich Nietzsche, vẻ bên ngoài thì hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Marx đứng bênh vực lý tính thì Nietzsche đấu tranh cho niềm đam mê. Trong khi người trước tin tưởng vào tập thể, thì người sau bênh vực cho cá nhân. Marx là một nhà đấu tranh của quần chúng và những người bị áp bức. Nietzsche ghê tởm "bầy đàn" và tin rằng đó là điều thấp kém nhất trong xã hội nên được kiểm soát. Marx thì vì [xã hội] bình đẳng. Nietzsche thì vì [xã hội] trật tự thứ bậc.
Tuy nhiên, họ có nhiều điểm chung. Hiển nhiên cả hai đều là người Đức, và đều sống lưu vong - ở Anh và ở Thụy Sĩ và cả ở Ý. Cả hai đều gặp vấn đề về tiền bạc, bị bệnh tật, cùng với những vết sẹo vì danh dự [duelling scars] và bộ râu oai nghiêm đã trở thành thương hiệu của họ. Cả hai đều có thể viết ra những tranh biện mang tính đả phá, nhưng cả hai không bao giờ hoàn thành những gì họ tin là kiệt tác tối hậu của họ: Tư bản [Capital] và Ý chí vươn tới Quyền lực [The Will To Power]. Phần lớn cuộc đời của họ bị phớt lờ, chỉ những tác phẩm của họ đạt được danh tiếng và ô nhục sau khi họ mất. Là người bạn trung thành nhất của Nietzsche, nhà soạn nhạc Peter Gast, tuyên bố tại tang lễ của Nietzsche vào ngày 28 tháng 8 năm 1900: “Chúng ta nguyện tên ngài sáng cho tất cả các thế hệ tương lai!” Khi Friedrich Engels tuyên bố tại lễ tang của Marx ngày 17 tháng 3 năm 1883: “Tên ông mãi lưu danh hậu thế.”
Frank Furedi (1947-)
Tuy nhiên, cuối cùng cái thống nhất họ là một bi kịch khủng khiếp. Marx và Nietzsche đã được sự ca ngợi sau khi mất, nhưng đó là một thảm họa cho cả hai khi mà những đệ tử của họ kém thông minh hơn những con người thiên tài này - và còn ghê tởm hơn cả cả hai.
Trong tháng mà chúng ta đánh dấu lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của Marx, điều này đã tạo ra những cuộc bút chiến và những tiếng riu ríu tức giận hướng về con người này và di sản ở thế kỷ 20 của ông – vì hàng chục triệu người đã chết trong tay những chế độ xưng mình là người Mác-xít – đó là điều đáng xem xét lại cái hố thẳm giữa ông và các đệ tử của ông. Như Frank Furedi đã nhắc nhở chúng ta vào cuối tuần: ‘Những gì được cho chủ nghĩa Mác thực sự là thứ biếm họa xuyên tạc chủ nghĩa Mác. Không phải chính Marx đã nói, "Tất cả những gì tôi biết là tôi không phải là người Mác-xít"?
Friedrich Engels (1820-1895)
Đầu tiên, Marx không bao giờ sử dụng thuật ngữ 'ý thức lầm lạc' [false consciousness]. Thứ hai, ông không phải là một người hoang tưởng đơn chứng về đấu tranh giai cấp và các đoàn thể, vì Marx tin vào sự phát triển của cá nhân. Triết học có tính cộng đồng luận [communalistic philosophy] của ông đã được đặt nền móng bởi chính niềm tin cho rằng chỉ trong xã hội như vậy, các cá nhân mới có thể đạt được tự do và phát triển đầy đủ bản thân. Ông và Engels đã viết trong cuốn Hệ tư tưởng Đức vào năm 1846: "Chỉ trong cộng đồng [với những thứ khác thì mỗi] cá nhân có phương tiện trau dồi những tài năng của mình theo mọi hướng; chỉ trong cộng đồng này, do đó, thì tự do cá nhân có thể đạt được.’
Quan trọng hơn, Marx không phải là 'kẻ chống tư bản' theo nghĩa của các nhà hoạt động phản đối McDonald ngày nay. Marx tin rằng chủ nghĩa tư bản đã mang lại sự tiến bộ và sự thịnh vượng vô cùng to lớn. Trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản (1848), ông và Engels đã viết về cách mà chủ nghĩa tư bản đã chứng tỏ 'những gì hoạt động của con người có thể mang lại' và ‘đã tạo ra những kỳ quan hoành tráng những kim tự tháp Ai-cập, những cầu dẫn ở nước La-mã, những nhà thờ kiểu Gô-tích; nó đã tiến hành những cuộc viễn chinh vượt hơn hẳn những cuộc di cư của các dân tộc và những cuộc thập tự chinh.’ Nhưng Marx cũng tin rằng chủ nghĩa tư bản đã hết thời và rằng điều bắt buộc đối với xã hội là tiến lên cấp độ tiếp theo, chủ nghĩa cộng sản.
Francis Wheen (1957-)
Hầu hết các học giả Mác-xít đều mong muốn thu hút sự chú ý đến sự khác biệt giữa những gì Marx đã nói và những gì đã được thực hành dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa toàn trị, trại lao động, đày ải và thanh lọc sắc tộc, ngược lại, không liên quan gì nhiều đến các tác phẩm và triết học của Karl Marx. Ông 'sẽ đã bị kinh hoàng bởi những tội ác được tiến hành nhân danh mình', Francis Wheen đã viết trong cuốn tiểu sử nổi tiếng năm 1999 của mình về người đàn ông này. 'Chưa bao giờ kể từ Chúa Jêsus có một kẻ nghèo vô danh... đã bị hiểu lầm một cách tai hại như vậy.'
Cũng giống như Marx có thể thoái lui trong kinh hoàng trước chủ nghĩa Stalin, Nietzsche sẽ kinh hãi trước Đức quốc xã và việc chúng chiếm dụng sai trái những tác phẩm của ông. Ngay từ đầu, Nietzsche đã ghê tởm những kẻ bài Do Thái, ở họ ông đã thấy sự hiện thân của tinh thần oán hận và lòng ghen tỵ. Chủ nghĩa bài Do thái là cảm xúc của những kẻ yếu đuối, thấp kém, mà 'ai đó phải bị đổ lỗi cho việc tôi cảm thấy không khỏe'. Trong cuốn Human, All Too Human [Người, quá đỗi con người] (1878), ông viết về những người kém cỏi căm ghét người Do Thái vì 'năng lượng và trí thông minh cao hơn của họ, vốn tinh thần và ý chí của họ, tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác trong trường kỳ khổ đau của họ', và rằng sự thành công của những người thượng đẳng này 'đánh thức sự ghen tỵ và lòng hận thù', làm cho người Do Thái trở thành ‘vật tế thần cho mọi bất hạnh có thể xảy ra cho công chúng và cá nhân'.
Ông thậm chí còn so sánh theo kiểu bênh vực người Do Thái chống lại những người đồng hương (người Ky-tô giáo) của ông: "Thật là phước lành khi là người Do Thái trong đám người Đức! Hãy nhìn sự ngớ ngẩn, tóc nâu vàng, mắt xanh, và thiếu trí tuệ trên khuôn mặt, ngôn ngữ, và thói điệu; thói quen lười biếng của việc duỗi chân tay và nhu cầu nghỉ ngơi ở người Đức.'
Nietzsche căm ghét không chỉ đơn thuần là đồng hương của ông, mà cả chủ nghĩa quân phiệt Đức. Đây là chủ đề của một trong những tiểu luận của ông trong cuốn Untimely Meditations [Những suy nghĩ không hợp thời] năm 1876, trong đó ông đã dự đoán đúng rằng chiến thắng gần đó của Đức trong cuộc chiến chống lại Pháp sẽ dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt ở nước ông và sự suy thoái văn hóa của nó (hiệu ứng đối ngược ở Pháp). Như một nhà bình luận người Anh đã viết vào đầu Thế chiến thứ nhất, một cuộc chiến tranh mà nhiều người ở Anh đổ lỗi cho sự tôn thờ Nietzsche vào đầu thế kỷ 20: ‘Teutomania [Nỗi ánh ảnh với nước Đức và mọi thứ của Đức - ND]… đã rất xa cách con tim và linh hồn của Nietzsche. Đó là trái tim của tinh thần ái quốc cực đoan của Phổ được bao bọc dưới bộ da của Nietzsche.’ (A Wolf, Philosophy of Nietzsche [Triết học của Nietzsche], 1915.)
Khi Nietzsche sử dụng từ Kampf, ý ông không phải là đấu tranh vũ trang, càng không phải là chiến tranh – ý ông là sự đấu tranh của cá nhân để vượt lên trên ý kiến áp bức của kẻ khác, để tự mình tốt hơn, dám trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Nietzsche là một người siêu độc lập [arch-individualist], người dị ứng với các cuộc mít-tinh tại Nuremberg, khi các cuộc mít-tinh này minh hoạ chính xác thứ tâm lý bầy đàn và hành vi tập thể vô ý thức mà ông cực kỳ thương hại.
Nhưng liệu chúng ta có thể miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của Nietzsche hay Marx khỏi những tội ác phạm phải nhân danh họ bởi những chế độ phát xít và cộng sản ở thế kỷ 20? Trong khi không ủng hộ chiến tranh hay kêu gọi các trại tập trung, người ta có thể cãi rằng họ, theo thứ tự, là vô trách nhiệm và ngây thơ. Nietzsche vô trách nhiệm trong việc sử dụng ngôn từ chiến tranh. Các tác phẩm của ông được truyền tải với những ẩn dụ về quân sự và thuật hùng biện thích gây chiến về sự sống còn, với việc nói về ‘những chủ nô’ và cuộc đấu tranh không ngừng của họ chống lại 'những người suy đồi, 'những nô lệ' và 'những kẻ yếu'. Đây là món ngon cho những người phân biệt chủng tộc, những người theo thuyết ưu sinh học và những người phát xít tôn sùng quyền lực. Phần lớn lời mạt sát hiếu chiến này có trong cuốn di cảo mang tên The Will To Power [Ý chí vươn tới quyền lực], một cuốn sách dựa trên những ghi chú hoặc tư tưởng chưa hoàn thành mà ông không cảm thấy hài lòng. Đó là bi kịch mà cuốn sách này - do chị gái của ông biên soạn, người đã kết hôn với một kẻ bài Do Thái và đã trở thành một người theo chủ nghĩa phát xít - đã trở thành một trong những cuốn sách được những người theo chủ nghĩa phát xít đọc nhiệt tình nhất trong thập niên 1920 và 1930.
George Orwell (1903-1950)
Marx, cũng vậy, không thể thoát khỏi sự chỉ trích vì tính ngây thơ của ông. Như Edmund Burke đã dự đoán về cuộc Cách mạng Pháp, nếu bạn xây dựng một xã hội mới dựa theo ảo tưởng cho rằng nhân cách con người về cơ bản là nhân từ, và nếu được lựa chọn mọi người sẽ hợp tác và trở nên vị tha, thì sau đó những kẻ tồi tệ nhất sẽ vươn lên đứng đầu và nắm lấy quyền lực. Đây là bài học từ cuốn Animal farm [Trại súc vật] của George Orwell.
Giống như những nhà cách mạng Pháp, Marx mắc phải niềm tin sai lầm rằng sự tự do và bình đẳng có thể đi đôi với nhau, khi thực sự chúng đang cạnh tranh với nhau. Bạn có càng nhiều cái này, bạn càng ít có thể có cái kia. Trong một xã hội tự do mọi người bị bỏ lại một mình, một số người sẽ trở nên thành công hơn và giàu có hơn những người khác. Ngược lại, cách duy nhất để ngăn điều này xảy ra và duy trì sự bình đẳng là để cho nhà nước mạnh mẽ phân phối lại của cải.
Vô trách nhiệm và ngây thơ, có lẽ vậy, nhưng đổ lỗi cho Nietzsche vì Đức quốc xã và cho Marx vì chủ nghĩa Stalin là một lỗi cực kì nghiêm trọng và bôi bác. Thay vào đó, chúng ta phải đổ lỗi cho những tín đồ và đệ tử lầm đường lạc lối của họ. Và từ điều này, bài học rất rõ ràng: đừng trở thành đệ tử. Hãy nghĩ cho chính mình. Như chính Nietzsche đã bày tỏ: 'Ta chẳng cần lũ đệ tử. Hãy để bọn chúng trở thành tín đồ chân chính của riêng mình.'
Và, vâng, tôi thấy sự trớ trêu trong đó.

Giới thiệu tác giả

Patrick West là một nhà bình luận của báo spiked. Cuốn sách mới nhất của ông: Get Over Yourself: Nietzsche For Our Times, được xuất bản bởi Societas.
Huỳnh Kim Bảo dịch
NguồnWhat Marx and Nietzsche had in common, spiked-online, 11 May 2018.

Print Friendly and PDF