29.8.18

Báo động về ngành kinh doanh khoa học giả mạo (2)



“TÔI ĐÃ MẮC BẪY HAI LẦN”

S. Fo. DL
Các tạp chí săn mồiphát triển mạnh dựa trên yêu cầu buộc các nhà nghiên cứu phải xuất bản nhiều [bài báo khoa học]. Nước Pháp nói muốn lành mạnh hóa bầu không khí này.
Nước Pháp không thoát khỏi hàng giả mạo khoa học. Các nhà báo của dự án hợp tác “Khoa học giả mạo”, tập hợp khoảng hai mươi tờ báo quốc tế trong đó có Le Monde, đã truy cập những cơ sở dữ liệu của các công ty từng xuất bản những tạp chí đáng ngờ hoặc từng tổ chức những cuộc hội thảo khoa học giả mạo.
Nghiên cứu của Pháp nằm trong số mười nước cộng tác lớn nhất trong danh mục chú dẫn của công ty Waset, có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 1.700 tham chiếu trong số 70.000 bài báo khoa học và thuyết trình tại các cuộc hội thảo. Trong danh mục chú dẫn của các nhà xuất bản Omics và Scidom, Pháp nằm trong số hai mươi nước cộng tác hàng đầu, theo thứ tự với 800 và 700 bài báo khoa học, tuần tự trên tổng số là 58.400 và 74.000 bài báo khoa học.
Marin Dacos (1971-)
Những con số này khác với các ước tính của Bộ Giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới. “Chúng tôi theo dõi rất sát chi phí xuất bản của các nhà nghiên cứu Pháp, theo lời giải thích của Marin Dacos, cố vấn về khoa học mở của Bộ trưởng Frédérique Vidal. Năm 2015, đã có khoảng 60.000 bài báo khoa học được các nhà nghiên cứu tại các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu công của Pháp công bố, trong đó có 2.500 bài có phát sinh chi phí xuất bản, với số tiền khoảng 4 triệu euro. Nhưng chỉ có chưa đến 50 bài báo khoa học trong số này được xuất bản trên các tạp chí đáng ngờ, với tổng số tiền là 46.000 euro. Điều này tất nhiên là đáng tiếc, nhưng đó là một tỷ lệ rất nhỏ.
Tuy nhiên, các số liệu của Bộ không xem xét đến những trường hợp mà các nhà nghiên cứu phải trả chi phí xuất bản bằng tiền túi của họ. Trong những trường hợp khác, các nhà nghiên cứu Pháp cũng có thể là người đồng ký tên các bài báo khoa học đáng ngờ với tư cách là tác giả phụ – thông thường chính tác giả đứng đầu là người thanh toán các chi phí – bên cạnh các nhà khoa học nước ngoài. Đối với các chi phí đăng ký tham dự các cuộc hội thảo giả mạo, thì còn khó theo dõi hơn.
Khi tiếp xúc với Le Monde, phần lớn các nhà nghiên cứu Pháp có liên quan đều cho rằng mình đã bị lừa. Tôi đã mắc bẫy hai lần”, theo lời của Bernard Gay, giáo sư danh dự về hưu trường Đại học Bordeaux, cựu giám đốc khoa y tế tổng quát. Năm 2013, ông được mời, qua email, viết bài cho tạp chí Journal of General Practice (của tập đoàn Omics). Ông vui vẻ nhận lời nhưng rồi lại phản đối, tám ngày sau đó, khi được yêu cầu thanh toán các khoản lệ phí xuất bản.
“Những tạp chí được gọi là 'nghiêm túc' đôi khi là những doanh nghiệp thân hữu, và việc xuất bản ở đó trở thành điều rất khó.
ÉRIC FILIOL, giám đốc phòng thí nghiệm
“Danh sách trắng”
Vì thế tạp chí đề xuất hủy bỏ các khoản lệ phí xuất bản nếu ông đồng ý trở thành thành viên của ban biên tập. “Tôi đã vấp phải sai lầm thứ hai! Tôi không có bất cứ điều gì để làm trong ủy ban này, không hiệu đính bài viết cũng chẳng có cho ý kiến gì. Và tôi không thể nào gở bỏ tên tôi khỏi uỷ ban này”, theo lời của vị bác sĩ, người giờ đây đang lấy sự bất hạnh của mình để cảnh báo các đồng nghiệp.
Trong các cơ sở dữ liệu của những nhà xuất bản đáng ngờ, người ta thống kê có khoảng ba mươi bài báo khoa học được một thành viên của Đại học Aix-Marseille đồng ký tên. Đại học Aix-Marseille là một trong những định chế của Pháp hiện diện nhiều nhất trong tập hợp này. “Đã có một số nhà nghiên cứu bị lừa do còn thiếu hiểu biết về kỹ thuật số trong giới này, theo ghi nhận của Marie Masclet de Barbarin, phó chủ tịch trường đại học. Chúng tôi xác nhận không có khoản phí xuất bản nào mà trường đại học đã trả chạy vào túi của các nhà xuất bản săn mồi. Các khoản phí xuất bản có lẽ được thanh toán bởi những định chế đối tác khác.”
Eric Filiol (1962-)
Eric Filiol, giám đốc phòng thí nghiệm về virus học và mật mã học tại Esiea Ouest, một trường đào tạo các kỹ sư kỹ thuật số, đã có ý kiến ​​giảm nhẹ đối với các tạp chí này, trong đó ông đã xuất bản một vài bài báo khoa học. Ông đánh giá có một số báo “không trung thực” bởi vì “họ đã sử dụng tên của tôi trong ban biên tập của họ, mà không có sự cho phép của tôi, và tôi đã bị đe dọa khi muốn gở bỏ tên tôi [ra khỏi ban biên tập].Nhưng chúng ta cần phải hiểu lý do tại sao những tạp chí săn mồi này tồn tại, điều mà tự bản thân nó cũng là một vụ bê bối”, ông nói tiếp, đề cập đến áp lực mà các nhà nghiên cứu phải chịu đựng để công bố một số lượng lớn các bài báo khoa học.
Những hội thảo và những tạp chí được gọi là 'nghiêm túc' đôi khi là những doanh nghiệp thân hữu thực sự, và việc công bố ở đó trở thành điều bất khả hoặc điều rất khó, ông nói thêm. Thế giới học thuật đã trở nên điên rồ, và nội dung và chất lượng khoa học không còn là điều ưu tiên mà là hàng tá nhiều thứ khác không liên quan gì tới khoa học. Chính vì thế mà đã có một số người quay sang những tạp chí này, điều đó vẫn là một sai lầm.
Chúng tôi có nhiều nỗ lực sư phạm với các nhà nghiên cứu, theo lời quả quyết của ông Dacos, bằng cách dựa vào các bản danh sách trắngcủa các tạp chí được ưu tiên. Sự tồn tại của các tạp chí săn mồi được khuyến khích bởi các phương pháp đánh giá hiện hành trong nghiên cứu, mang tính định lượng rất cao. Bà nữ bộ trưởng đã thông báo một cuộc cải cách trong công tác đánh giá nghiên cứu, mang tính định tính nhiều hơn, điều này đặc biệt sẽ có tác dụng làm cho các tạp chí này trở nên kém hấp dẫn hơn.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Je me suis fait doublement piéger”, Le Monde, p. 6, 20 juillet 2018.

* * *

TRÒ ĐỘI LỐT CÁC HỘI THẢO KHOA HỌC, MỘT CÔNG VIỆC KINH DOANH BÉO BỞ
David Larousserie
Để thu hút việc đăng ký tham dự các cuộc họp giả tạo hoặc kém chất lượng, các công ty mượn danh tiếng các nhà nghiên cứu mà họ không hề hay biết
Các nguỵ hội thảo hiếm khi có một ban tổ chức ở địa phương và chỉ có một ban tổ chức chung - đôi lúc giả tạo. THE PAPER BOAT CREATIVE LTD / GO VISION / PHOTONONSTOP
Bài phóng sự
Vào các ngày 17 và 18 tháng 5, Paris chắc phải trở thành thủ đô của khoa học trên thế giới. Người ta đã dự kiến có không ít hơn năm mươi hội thảo trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, cơ khí, năng lượng, môi trường, kỹ thuật dân dụng, kinh tế, công nghệ thông tin, khoa học xã hội hoặc thậm chí hóa học, cùng tụ tập ở một nơi. Đến đúng ngày, tại một khách sạn gần nhà ga Montparnasse, quả bóng đã xì hơi: một căn phòng khoảng 60m2, được cho thuê với giá 500 euro chỉ trong nửa ngày, và có không quá ba mươi người hiện diện. Rõ ràng, đã có chừng ấy người hủy bỏ sự tham gia của họ, bằng chứng là các bản tên chưa có chủ, được đặt trên một chiếc bàn.
Trò đội lốt một hội thảo khoa học quốc tế đã được công ty World Academy of Science, Engineering and Technology (Waset) tổ chức. Công ty nhân rộng các dạng sự kiện này, được thu hồi vốn với hai hoặc ba người tham gia, những người phải trả vài trăm euro lệ phí đăng ký. “Tôi sẽ không tham gia lần thứ hai! Công tác tổ chức rất kém, và đây không phải là một hội thảo khoa học, theo lời nổi nóng của Atilla Atli, giảng viên nghiên cứu tại Trường Công giáo đào tạo Nghệ thuật và Nghề nghiệp Lyon (ECAM-Lyon), một trường đào tạo các kỹ sư. Tôi đã nói trong năm phút trước những người không hề biết gì về chủ đề của tôi.” Bài thuyết trình của ông đã được chấp nhận một cách nhanh chóng, không có bất kỳ câu hỏi kỹ thuật nào,” ông lưu ý.
Khi được hỏi về lợi ích sự hiện diện của mình, một người tham gia khác người Pháp, đang làm luận án, đã từ chối trả lời. Theo vị giám đốc luận án của cô ấy, cô ấy “bị tác động vì đã sử dụng tiền túi của mình cho một hội thảo có thể không đáng để đầu tư, và cô ấy không muốn nói về điều đó nữa”. Không phải mọi người đều thất vọng. Một cô gái trẻ người Kosovo, sinh viên ngành quản trị, chào đón em gái và em họ đến gặp cô ở Paris. Không thể đặt quá nhiều câu hỏi đối với vài người tham dự hiếm hoi; nhà tổ chức, một người hoạt bát, lịch sự đưa chúng tôi trở lại quầy lễ tân của khách sạn.
“Cần phải báo động”
Một tháng sau, ở Noisy-le-Grand (Seine-Saint-Denis) – chứ không phải ở Paris như các tờ rơi giới thiệu loan báo ầm ĩ –, một đối thủ của Waset tổ chức khá hơn một chút. Công ty Conference Series, một chi nhánh của công ty Ấn Độ Omics Publishing Group, đã đặt các phòng họp trong một khách sạn, trong suốt một tuần, để luân phiên tổ chức các hội thảo về ung thư học, thận học, kỹ thuật dân dụng, hóa học hoặc thậm chí khoa học về khí hậu. Tuy nhiên, vào ngày 20 tháng 6, có một điều ngạc nhiên nhỏ: các hội thảo về thận học và huyết học trong ung thư học chia sẻ cùng một phòng họp và cùng một chương trình...
Khi tôi thấy tên mình xuất hiện trong ban tổ chức, mà không hề được hỏi ý kiến, tôi đã giựt bắn người và đã hủy bỏ việc đến tham dự, theo lời của nhà nghiên cứu thần kinh nội tiết học Marie-Pierre Junier, nữ giám đốc nghiên cứu (Học viện quốc gia về y tế và nghiên cứu y học). Tôi sẽ yêu cầu bồi hoàn lại tiền [đăng ký tham dự] và cảnh báo các đồng nghiệp của tôi về những cách xấu xa này.
Tại hiện trường, có nhiều người [tham dự] hơn một chút so với ở Paris. Một nữ bệnh lý học, đến từ Hoa Kỳ, thừa nhận đến Paris để tìm gia đình. Một đồng nghiệp người Thụy Sĩ, người thừa nhận không có nhiều người thú vị ở hội thảo này, đã đăng ký [tham dự] để tận hưởng Thành phố Ánh sáng. Năm ngoái, tôi đã chọn Toronto với cùng lý do đó”, ông ta nói không giấu diếm.
Một điều kỳ lạ khác: vào ngày hôm đó, có ba công ty khác nhau cùng chia sẻ một người tại quầy tiếp tân, người phải hướng dẫn cho nhiều phiên hiệu màu cờ khác nhau. Đó là cho công ty Omics, và còn cho cả công ty Meetings International của Singapore và công ty EuroSciCon của Anh. Hai công ty đầu thuộc tập đoàn Pulsus, trong khi công ty EuroSciCon giải thích trên trang web của mình là có hợp đồng với công ty Meetings International cho một số tổ chức.
Chúng ta phải cảnh báo về những cách làm này. quá nhiều nhà nghiên cứu không biết điều này. Các nhà tổ chức không làm điều này vì khoa học, mà vì tiềntheo Thibaut Sylvestre, giám đốc nghiên cứu (CNRS) tại Học viện Femto-ST de Besançon (Doubs). Giống như các nhà khoa học khác, ông đã bị bất ngờ một cách khó chịu khi thấy tên mình trong danh sách các thành viên ban tổ chức một cuộc hội thảo của Omics về quang học và laser. Ông không hề yêu cầu và cũng chẳng được thông báo trước. Mặc cho ông nhiều lần nhắc nhở việc loại tên mình [khỏi danh sách ban tổ chức], tên của ông vẫn tồn tại.
Chiến thuật đưa tên các nhà nghiên cứu, mà họ không hề hay biết, vào các ủy ban khoa học của các hội thảo giả mạo, đạt được hiệu ứng: mồi câu này tỏ ra hiệu quả. “Tôi đã đăng ký [tham dự hội thảo] đó là vì tôi thấy tên một nhà nghiên cứu mà tôi biết trong ban tổ chức, theo lời của Caroline Kulcsar, nữ giáo sư tại Đại học Paris-Sud. Ban tổ chức đã mời tôi làm diễn giả trong một buổi họp toàn thể, đó là dấu hiệu của sự công nhận.” Cuối cùng bà quyết định không tham dự và sẽ cảnh báo các đồng nghiệp về sự tồn tại của những thực hành như vậy. Bà cũng yêu cầu bồi hoàn lại tiền đăng ký, nhưng không có kết quả.
Những lời tán dương
Không phải tất cả các nhà nghiên cứu đăng ký cho các hội thảo giả mạo này đều là nạn nhân của những hành động tai tiếng này. Một số người xem đó như là một cách để đi tham quan theo tiền tài trợ của định chế của mình, để gặp người thân ở nước ngoài, để đi du lịch... Mà không nhận ra rằng, theo một cách nào đó, họ đã tham gia vào việc lạm tiêu quỹ công – các chi phí đó thường được các định chế chủ quản của họ (trường đại học, viện nghiên cứu, v.v.) chi trả.
Sự ngây thơ của một số người cũng ở mức đáng ngạc nhiên, họ dễ bị quyến rũ bởi những email quảng cáo tâng bốc, đầy ry những lời tán dương cho các công trình khoa học của họ, hứa hẹn những mức giá ưu đãi cho việc tham dự một cuộc hội thảo nào đó hoặc cho việc xuất bản một bài báo khoa học mới.
Tuy nhiên, không khó để ngửi được thủ đoạn gian trá: không giống như các hội thảo khoa học, các cuộc họp đáng ngờ được một số doanh nghiệp vô lương tâm tổ chức không được sự ủng hộ của giới học thuật, các trường đại học hoặc thậm chí các doanh nghiệp nổi tiếng về một lĩnh vực hoạt động nào đó. Họ hiếm khi có một ban tổ chức địa phương mà chỉ có một ban tổ chức chung – đôi khi còn giả mạo nữa. Thử lướt qua các chương trình được tổ chức trước đây, người ta cũng không thấy bất kỳ “nhân vật nổi tiếng” nào trong giới khoa học.
Đôi khi, chỉ cần lướt qua trang web của Waset là đủ để có được một ý tưởng: các cuộc hội thảo được công ty tổ chức – mà Le Monde không thể liên lạc được – đều được lên kế hoạch trước cho đến đầu những năm 2030. Cuộc hội thảo cuối cùng được đăng ký trong chương trình sẽ diễn ra vào các ngày 28 và 29 tháng 12 năm 2031, tại Paris. Những nhà nghiên cứu nào muốn trình bày công trình của mình phải nộp bản tóm tắt công trình trước ngày 28 tháng 11 năm 2031...
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les parodies de conférences scientifiques, une affaire juteuse, Le Monde, p. 7, 20 juillet 2018.
Print Friendly and PDF