“CÁC CON ĐƯỜNG TƠ LỤA”: VÌ SAO SỰ CẢNH GIÁC ĐANG GIA TĂNG Ở CHÂU Á
Tại Malaysia, tân Thủ tướng Mahathir Mohamad muốn giảm bớt những dự án lớn với Trung Quốc trong khuôn khổ các “Con đường tơ lụa mới”. (Nguồn: South China Morning Post)
Chấp nhận các khoản tín dụng của Trung Quốc để tài trợ cho các cơ sở hạ tầng, để rồi sau đó mất tất cả mọi thứ vì khoản nợ phát sinh ư? Từ Miến Điện đến Pakistan qua Malaysia, đã có nhiều nước ngày càng cảnh giác với các “Con đường tơ lụa mới”. Để từ đó chọn một lối đi khác chăng?
TIỀN LỆ CẢNG HAMBANTOTA CỦA SRI LANKA
Theo truyền thống, Sri Lanka luôn duy trì mối quan hệ tuyệt hảo với Trung Quốc. Các quan hệ đó đã được tăng cường vào cuối những năm 2000 khi châu Âu lên án cách hành xử của chính phủ Rajapakse đối với người Tamils. Ảnh hưởng của Trung Quốc đã được củng cố và ngân hàng Eximbank [Trung Quốc] đã tài trợ việc xây dựng một cảng [biển] ở Hambantota, thành phố quê hương của tổng thống Sri Lanka. Khi được khánh thành nhân dịp sinh nhật năm thứ sáu mươi của tổng thống, cảng này đã được cứu khỏi tình trạng phá sản bằng những khoản vay mới tốn kém hơn của Trung Quốc. Tiền của Trung Quốc cũng được sử dụng để tài trợ cho việc xây dựng một sân bay quốc tế, một sân vận động bóng cricket và một đường cao tốc.
Mặc dù được Bắc Kinh ủng hộ, Rajapakse đã thua trong các cuộc bầu cử trước Maithripala Sirisena. Maithripala Sirisena đã thừa hưởng một tình hình tài chính tệ hại: nợ công bằng ngoại tệ đã tăng thêm 30 tỷ US$, trong đó một phần năm nợ là với Trung Quốc. Cảng biển và sân bay tại Hambantota đã bộc lộ ra là những công trình vô ích và đắt đỏ không thể đáp ứng các thời hạn hoàn trả nợ. Kết quả là chính phủ Sri Lanka đã buộc phải nhượng lại cảng [Hambantota] và 6000 ha đất cho công ty China Merchant, một liên doanh với 80% cổ phần của công ty Trung Quốc, để xây dựng một khu công nghiệp trong thời hạn 99 năm. Nếu khả năng sinh lời của cảng này, so với đối thủ cạnh tranh là cảng Colombo, còn là điều bất định, thì lợi ích chiến lược của nó đối với Trung Quốc là điều không thể chối cãi bởi vì nó cho phép Trung Quốc kiểm soát các tuyến đường biển đi đến Ấn Độ.
Việc cung cấp tín dụng cho các nước láng giềng để tài trợ các cơ sở hạ tầng mà các công ty Trung Quốc xây dựng cho phép Bắc Kinh vừa kết bạn vừa kiếm được những lợi tức lớn hơn những gì mà họ đầu tư vào các Trái phiếu kho bạc. Tuy nhiên, bằng cách ép Sri Lanka ký hợp đồng cho thuê [đất] dài hạn – gợi nhớ đến hợp đồng mà Anh đã ép Trung Quốc cho thuê dài hạn các vùng lãnh thổ mới của Hồng Kông sau cuộc chiến tranh nha phiến – Trung Quốc đã không đo lường tác động của quyết định này. Các nước khác trong khu vực đã phát hiện mặt trái của các khoản tín dụng Trung Quốc! Vì thế, tiền lệ cảng Hambatota giải thích cho thái độ dè đặt ở Miến Điện, Malaysia và Pakistan.
XEM XÉT LẠI THEO CHIỀU GIẢM DỰ ÁN KYAUKPYU TẠI MIẾN ĐIỆN
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thúc đẩy chế độ Miến Điện ngã vào vòng tay của Trung Quốc, đối tác hỗ trợ chính của họ cho đến năm 2011. Việc chính phủ Naypyidaw đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone đã làm cho phương Tây đẩy nhanh việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà không làm tổn hại đến các quan hệ giao dịch với Trung Quốc. Ngược lại, các quan hệ này đã được tăng cường sau khi đưa vào vận hành một đường ống dẫn ga và một đường ống dẫn dầu dài 770 km giữa Kyaukpyu trên Ấn Độ Dương với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Năm 2015, trong khuôn khổ các “Con đường tơ lụa mới”, Bắc Kinh đã đề xuất một dự án đầy tham vọng: hơn 10 tỷ US$ để xây dựng một cảng container tầm cỡ của Manila, một khu công nghiệp rộng 1600 ha và một thành phố mới. Một công ty Trung Quốc-Miến Điện đã thắng thầu để quản lý trong 70 năm. Công ty này có không dưới 70% cổ phần thuộc về Quỹ Đầu tư Nhà nước CITIC của Trung Quốc, phần còn lại thuộc về các cổ đông Miến Điện trong đó có Nhà nước.
Dự án mang tính chiến lược này, cho phép Trung Quốc thoát khỏi eo biển Malacca, đã thành chủ đề của các cuộc tranh luận ở Miến Điện, khi tiền lệ cảng Hambantota đã làm nguội đi sự nhiệt tình. Người Miến Điện, đến lượt họ, sợ rơi vào cái bẫy nợ nần. Vào tháng 5 năm 2018, một ủy ban do Bộ trưởng Tài chính Miến Điện đứng đầu đã đề xuất việc mạnh tay xem xét lại dự án, vốn sẽ được giảm xuống còn 1,3 tỷ US$.
MALAYSIA THAY ĐỔI chính kiẾn
Chính phủ mới của Malaysia cũng dự kiến xem xét lại, một cách nghiêm túc, việc giảm bớt các dự án của Trung Quốc. Trung Quốc đã không tiếc nỗ lực để đảm bảo Najib tái đắc cử, người bị vướng vào vụ bê bối “1MDB” trong nhiều năm qua. Ở Malaysia, cũng như ở Sri Lanka trước đây, sự ủng hộ này là chưa đủ. Bắc Kinh – giống như hầu hết các nhà quan sát – đã ngạc nhiên khi Mahathir quay trở lại chính trường, người mà trong chiến dịch tranh cử của mình đã lên án sự chi phối của Trung Quốc. Phải nói rằng nguồn vốn của Trung Quốc đã ồ ạt thâm nhập thị trường bất động sản của Malaysia. Mahathir đã không ngừng chỉ trích việc xây dựng một thành phố mới ở các vùng lân cận của Johore Baru, và đặt nghi vấn về cơ hội và chi phí của nhiều dự án song phương về cơ sở hạ tầng (đường sắt cao tốc Đông-Tây và Bắc-Nam, đường ống dẫn khí và đường ống dẫn dầu). Vì thế, người sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ đã kêu gọi xem xét lại “các hiệp ước bất bình đẳng” mà Najib đã ký với Trung Quốc.
Trong khi nợ của chính phủ liên bang đã giảm nhẹ (50,8% GDP vào cuối năm 2017), thì các khoản bảo lãnh cho các dự án lớn đã tăng đáng kể kể từ năm 2009. Một trong những quyết định đầu tiên của chính phủ mới là hoãn lại nhiều dự án lớn có giá trị lên đến 22 tỷ US$. Biện pháp này mở ra một cơ hội cho Nhật Bản, nước được Mahathir ve vãn vào những năm 1980 trong khuôn khổ “Chính sách Hướng Đông” của ông. Vị Thủ tướng mới sẽ tới Bắc Kinh vào mùa thu và trong khi chờ đợi, luật pháp sẽ xác nhận liệu ngân hàng EximBank [Trung Quốc] có tham gia vào vụ bê bối 1MDB hay không.
NHỮNG THÁCH THỨC CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG Ở PAKISTAN
Mười tỷ US$ ở Miến Điện, nhiều hơn gấp đôi ở Malaysia... Và nhiều hơn gấp sáu lần cho dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC)! Xuất phát từ Tân Cương, hành lang này dẫn đến Biển Ả Rập ở thành phố cảng Gwadar, thuộc tỉnh Balochistan nhiều biến động, sát với Iran. Được đưa vào hoạt động vào năm 2016, thành phố cảng Gwadar, giống như Kyaukpyu, sẽ cho phép tàu thuyền của Trung Quốc tránh được eo biển Malacca. Chỉ được trang bị với bốn bến cảng, cảng này có tham vọng trở thành một cửa ngõ vào Trung Quốc và là một thành phố cảng tương đương với Dubai. Dự án CPEC, thành phần tham vọng nhất của dự án các “Con đường tơ lụa mới”, bao gồm việc cải thiện hơn 1.000 km đường bộ đến đèo Khunjerab, xây dựng nhiều nhà máy điện mới để tăng thêm 6.000 MW điện và hàng chục đặc khu kinh tế để thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Các cơ sở hạ tầng này sẽ được hoan nghênh nếu khi đưa vào hoạt động sẽ cải thiện được năng suất. Nhưng hiện tại, chúng còn lâu mới tạo ra được ngoại tệ cho phép hoàn trả các khoản tín dụng đã được sử dụng để tài trợ cho chúng.
Sự tăng tốc các công trình của Trung Quốc đã làm thất bại những dự báo của IMF. Năm 2016, định chế tài chính này đã chúc mừng [thành tựu] quản lý [kinh tế] của chính phủ Pakistan. Hai năm sau, Imran Khan – Thủ tướng kế tiếp [của Pakistan], nếu các kết quả bầu cử được xác nhận – kế thừa một đất nước trong cuộc khủng hoảng. Đồng rupee đã mất giá 10% kể từ tháng 4, các khoản dự trữ chưa đủ để đảm bảo hai tháng [kim ngạch] nhập khẩu và Pakistan sẽ không thể đáp ứng các thời hạn [thanh toán] tài chính vào năm 2019. Cựu đội trưởng đội tuyển cricket quốc gia [Imran Khan] có thể buộc phải cầu cứu đến IMF mà các quyết định sẽ được giám sát bởi “cái ghế của Mỹ”. Vừa rồi, [Ngoại trưởng Mỹ] Mike Pompeo đã cảnh báo: Hoa Kỳ sẽ phản đối một sự can thiệp để cứu trợ các ngân hàng Trung Quốc bằng tiền của Mỹ.
Trung Quốc vừa là nguyên nhân vừa là một trong các giải pháp cho cuộc khủng hoảng mới này của Pakistan – đây là lần thứ 14 kể từ năm 1980! Là nguyên nhân bởi vì việc giải ngân các khoản tín dụng của Trung Quốc chiếm tới 40% mức tăng các khoản nợ công nước ngoài từ năm 2013 đến năm 2017. Sự cất cánh của hàng nhập khẩu Trung Quốc đã đào sâu thêm mức thâm hụt thương mại, trong đó mức thâm hụt với Trung Quốc chiếm một phần ba. Nhưng Bắc Kinh cũng là giải pháp, nếu thủ tướng mới của Pakistan không muốn từ bỏ những lời hứa khi tranh cử của mình bằng cách thực hiện một cuộc cải cách về thuế – 1% dân số trả tiền thuế – thay vì xây dựng một nhà nước phúc lợi.
Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, Thủ tướng [Pakistan] sẽ cầu cứu đến IMF hay Trung Quốc? IMF sẽ đặt điều kiện cho sự can thiệp của mình vào các biện pháp tài chính và vào tính minh bạch về các khoản cho vay của Trung Quốc. Trung Quốc có thể yêu cầu “thế chấp” như đã làm ở Sri Lanka. Trong cả hai trường hợp, cách giải quyết cuộc khủng hoảng này có thể làm tổn hại hình ảnh của Nhà nước Trung Quốc trên thế giới và ở Trung Quốc.
MÙA HÈ ĐẦY bẤt mãn
Thật vậy, cuộc khủng hoảng này theo sau cuộc khủng hoảng của Venezuela. Bắc Kinh đã cho Caracas vay hơn 60 tỷ US$, tức một nửa các khoản nợ của Venezuela. Ngoài ra, một phần ba các khoản vay (419 tỷ US$) vốn tài trợ cho những dự án của “Con đường tơ lụa mới” kể từ năm 2013 đang có vấn đề. Những mặt trái này làm nảy sinh những chỉ trích công khai về cơ hội các khoản chi này của Trung Quốc, vốn có những nhu cầu đáng kể. Bổ sung cho những chỉ trích này là những chỉ trích về việc điều hành cuộc xung đột thương mại với Hoa Kỳ. Như lưu ý của những người đối thoại người Trung Quốc với Mark Leonard, giám đốc think tank Hội đồng Quan hệ đối ngoại của châu Âu, rằng Tập Cận Bình đã đánh giá sai nguy cơ cuộc tấn công của Donald Trump và nhận định rằng sự đáp trả của Tập Cận Bình quá nặng tay. Người ta trách Tập đã quên lời khuyên của Đặng Tiểu Bình: “Hãy giấu sức mạnh của mình, chờ thời cơ, đừng bao giờ ra mặt trước.” Và trách [Tập] đã nghĩ rằng thời cơ của Trung Quốc đã đến. Sáu tháng sau thắng lợi tại Đại hội Đảng lần thứ 19, Tập Cận Bình đang trải qua một “mùa hè đầy bất mãn”.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière |
Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Routes de la Soie”: pourquoi la défiance monte en Asie, Asialyst, 09/08/2018.