CUỘC ĐIỀU TRA MỚI CỦA QUỐC TẾ NHẰM KHẮC PHỤC VẤN ĐỀ 'KHOA HỌC GIẢ MẠO' VÀ CÁC HIỆU ỨNG ĐỘC HẠI CỦA NÓ
Scilla Alecci
Hàng trăm nghìn nhà khoa học trên thế giới đã công bố các nghiên cứu trên những tạp chí khoa học tự biên mà không cung cấp [các bằng chứng] kiểm tra truyền thống về tính chính xác và chất lượng, theo một cuộc điều tra mới của ngành báo chí.
Hàng chục phóng viên từ các phương tiện truyền thông ở châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ đã phân tích 175.000 bài báo khoa học được năm nền tảng khoa học giả mạo lớn nhất thế giới xuất bản, trong đó có Omics Publishing Group [Tập đoàn Xuất bản Omics] có trụ sở tại Ấn Độ và World Academy of Science, Engineering and Technology [Học viện Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Thế giới], hay Waset, có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài việc không thực hiện việc bình duyệt bài hoặc phê bình của ban biên tập, các công ty phụ trách xuất bản bài báo, còn chấp nhận các bài viết của những nhân viên thuộc ngành dược phẩm và các công ty khác cũng như của những người hoài nghi về biến đổi khí hậu để quảng bá những lý thuyết có vấn đề.
Một số các nhà xuất bản đó đã gửi những email có chủ đích đến các nhà khoa học, những người đang chịu áp lực xuất bản càng nhiều bài báo càng tốt để được thăng tiến và cải thiện chương trình giảng dạy của họ, theo những kết quả mà Norddeutscher Rundfunk (NDR), WDR và Süddeutsche Zeitung đã phát hiện.
Ngoài các phương tiện truyền thông của Đức, một nhóm hơn một chục tổ chức truyền thông, trong đó có New Yorker, Le Monde, Indian Express và Korean Newstapa đã tham gia cuộc điều tra. Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tạo điều kiện cho sự hợp tác.
Mặc dù sự tồn tại của các tạp chí khoa học giả mạo này trên Internet không phải là điều mới và đã được các trường đại học và định chế nghiên cứu cảnh báo, nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng gần đây của chúng – với số lượng các bài được các nhà xuất bản hàng đầu xuất bản đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2013 và liên quan đến khoảng 400.000 nhà khoa học – đã gióng lên lời báo động trong số những nhà khoa học được giải Nobel.
Ferid Murad (1936-) |
Randy Schekman (1948-) |
Độ tin cậy của khoa học đang bị đe dọa, theo lời của bác sĩ người Mỹ Ferid Murad, người đã được trao giải thưởng năm 1998 về về sinh lý học hay y học. Randy Schekman, một nhà sinh vật học tế bào người Mỹ, một trong những người được trao giải thưởng Nobel năm 2013, cho biết ông khiếp sợ các nhà khoa học đã công bố bài trên những tạp chí như vậy. “Cần phải chấm dứt kiểu vấn đề này” theo lời của Robert Huber ở Munich, người đã được trao giải thưởng năm 1988. “Nếu có một hệ thống đứng đằng sau việc này, và [nếu] có người không chỉ bị lừa đảo, mà còn lợi dụng việc này, thì cần phải chấm dứt việc này,” theo lời của Stefan Hell, người đã được trao giải thưởng Nobel về hóa học.
Các tạp chí đó góp phần vào việc sản xuất và phổ biến “khoa học giả mạo” bằng cách không duy trì các tiêu chuẩn cơ bản về kiểm tra chất lượng, báo cáo cho biết. Chỉ tính riêng ở Đức, đã có hơn 5.000 nhà khoa học – trong đó có những nhà khoa học được chính phủ tài trợ – công bố các bài báo của họ trên những tạp chí ngụy tạo như vậy, vốn đã gia tăng trong năm năm qua.
Trong khi các tạp chí xuất bản đó tuyên bố có một hội đồng các nhà khoa học chịu trách nhiệm xác minh tính chính xác của các bài báo, nhưng cuộc điều tra cho thấy các bài báo đã được xuất bản trong vòng vài ngày kể từ ngày nộp mà không có bất cứ quy trình đánh giá nào.
Trong một trường hợp, một bài báo trên tạp chí Journal of Integrative Oncology cho biết một nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy việc chiết xuất keo ong, một chất tiết mà các con ong sử dụng để dán tổ của chúng với nhau, có tính hiệu quả cao hơn phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu này là giả mạo và các tác giả có liên kết với một trung tâm nghiên cứu không tồn tại, theo tường thuật của tờ Le Monde.
Sau khi các nhà báo đặt câu hỏi cho tạp chí về những phát hiện đó, bài viết đã bị xóa nhưng người ta vẫn có thể truy cập trực tuyến một phiên bản lưu.
Omics, cơ quan xuất bản bài báo được đề cập nói trên, tuyên bố đã xuất bản hơn 1 triệu bài báo và hiện đang bị Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kỳ điều tra vì cáo buộc gian lận, theo tờ Indian Express. Một phát ngôn viên [của Omics] đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và bảo vệ tính trung thực của các ấn phẩm của mình.
Phóng viên từ các phương tiện truyền thông tham gia vào cuộc điều tra đã thành công trong việc công bố rất nhiều bài báo phi khoa học tại các nhà xuất bản có những cách thực hành đang bị kiểm tra, và đồng thời cũng tham gia vào nhiều hội nghị của họ.
Giới thiệu tác giả
Scilla Alecci |
Scilla Alecci là phóng viên điều tra và nhà báo quay phim cho ICIJ. Scilla đứng đầu văn phòng Asia Desk [châu Á] của ICIJ, điều phối công việc điều tra của các đối tác và thành viên của ICIJ ở châu Á. Là người gốc Italia, trước khi đến Hoa Kỳ, Scilla làm việc tại Tokyo, nơi bà làm cho Bloomberg News và các tổ chức thông tấn khác. Năm 2016, bà là thành viên của nhóm báo cáo Nhật Bản, tham gia cuộc điều tra Hồ sơ Panama từng đoạt giải Pulitzer. Tác phẩm của bà cũng đã được tờ New York Times, tờ Huffington Post, tạp chí Shukan Asahi của Nhật Bản và những tạp chí khác xuất bản. Scilla có bằng thạc sĩ về nghiên cứu Đông Á và ngành báo chí. Gần đây, bà đã xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Nhật về Hồ sơ Panama và các biên giới mới của ngành báo chí điều tra. Ngoài việc là phóng viên của ICIJ, Scilla được mời trở thành thành viên của ICIJ vào năm 2017.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: New international investigation tackles ‘fake science’ and its poisonous effects, International Consortium of Investigative Journalists, July 20, 2018.