25.8.18

Báo động về ngành kinh doanh khoa học giả mạo (1)


BÁO ĐỘNG VỀ NGÀNH KINH DOANH KHOA HỌC GIẢ MẠO
Stéphane Foucart David Larousserie
Hàng năm, các tạp chí ngụy học thuật xuất bản hàng ngàn bài báo khoa học không có giá trị khoa học.
Danh sách những tạp chí "săn mồi" gây tranh luận: có một vùng xám nằm giữa các tạp chí danh tiếng thấp và những ấn phẩm gian trá. NELSON ALMEIDA / AFP
Một nghiên cứu do các nhà báo tưởng tượng ra đã được chấp nhận trong vòng chưa đầy mười ngày và đã được xuất bản vào ngày 24 tháng 4
Kiến thức cũng không thoát khỏi tệ nạn hàng giả. Phần “khoa học giả mạo” trong các ấn bản khoa học được xuất bản trên thế giới đang gia tăng đáng kể trong thập niên qua, và không hề có dấu hiệu tạm dừng trong tương lai. 23 phương tiện truyền thông quốc tế, trong đó có Norddeutscher Rundfunk (NDR), SüddeutscheZeitung, The New Yorker hay Aftenposten, Le Monde đã tiến hành một công trình hợp tác, có tên gọi là “fake science” (“khoa học giả mạo”), để điều tra mức độ và tác động của hiện tượng khoa học giả mạo này, thứ cũng không miễn trừ nước Pháp.
Khoa học giả mạo có thể trông giống điều gì? Trong một thập niên qua, hàng chục nhà xuất bản vô lương tâm – như Omics và Science Domain (Ấn Độ), Waset (Thổ Nhĩ Kỳ) và Science Research Publishing (Trung Quốc) – đã xuất bản hàng trăm tạp chí dễ dàng đến tay người đọc với những từ ngữ kêu to nhưng rỗng tuếch, có đầy đủ vẻ bề ngoài của những tạp chí học thuật thực sự. Nhưng không giống như các tạp chí học thuật thật, những tạp chí này không có ban biên tập, họ tính phí [xuất bản] các nhà nghiên cứu – vào khoảng một vài trăm euro mỗi bài – và xuất bản những “công trình” không hề được kiểm soát và một cách rất nhanh. Họ không nộp bản thảo các bài báo cáo nghiên cứu mà họ nhận được để (các đồng nghiệp) "bình duyệt" (peer review). Quy trình kiểm soát chất lượng này, điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ ấn phẩm học thuật nào, là một trong những bước then chốt trong công trình xây dựng khoa học.
Cơ chế tương tự cũng được áp dụng đối với các hội thảo khoa học: các nhà nghiên cứu, thường được mời qua email, sẽ tiến hành đăng ký, bằng cách trả tiền, để trình bày các công trình của mình. Nhưng thường không có ai – hoặc không có nhiều người – đến tham dự những hội thảo vờ vĩnh này.
Những dữ liệu bịa đặt
Có rất nhiều động lực từ các nhà nghiên cứu: từ việc phổ biến những thông tin sai lệch đến việc quảng bá dược phẩm, cho đến chủ nghĩa hoài nghi sự biến đổi khí hậu hoặc chống vắc-xin, hay thậm chí đến việc các nhà nghiên cứu muốn “thổi phồng” một cách giả tạo bản lý lịch [của mình]. Năm 2014, những “công trình” được các tạp chí giả mạo như vậy xuất bản đã được trình bày núp bóng hào quang của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, để đặt nghi vấn về trách nhiệm của con người trong sự biến đổi khí hậu đang diễn ra...
Các nhà báo của Süddeutsche Zeitung và NDR đã quyết định tự bỏ tiền túi: họ đã gửi cho tạp chí Journal of Integrative Oncology, do công ti Omics xuất bản, các kết quả của một nghiên cứu lâm sàng cho thấy chiết xuất từ ​​keo ong có hiệu quả cao hơn các phương pháp hóa trị thông thường trong điều trị ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu này là hư cấu, các dữ liệu là bịa đặt và các tác giả, liên kết với một viện nghiên cứu tưởng tượng, cũng không hề tồn tại. Thế nhưng bài viết vẫn được chấp nhận trong chưa đầy mười ngày và được xuất bản vào ngày 24 tháng 4. Sau đó, các nhà báo của dự án hợp tác Fake science (Khoa học giả mạo) đã liên lạc với ông chủ công ti Omics, bài viết đã được gỡ bỏ – nhưng người ta vẫn có thể thấy nó trong bộ nhớ cache của Google.
Jeffrey Beall
Nhà làm công tác tư liệu người Mỹ Jeffrey Beall (Aurora Library, Denver) là người đầu tiên, từ năm 2012 đến năm 2017, thiết lập một danh sách những “tạp chí săn mồi” này, theo tên gọi của các chuyên gia. Ngày nay, danh sách đó đang được nhiều nhà nghiên cứu về “trắc lượng khoa học” sử dụng. Ông Beall đã thống kê không dưới 11.000 tạp chí khoa học đáng ngờ. Tuy nhiên, danh sách này gây tranh luận: có một vùng xám giữa các tạp chí có danh tiếng thấp với các ấn phẩm gian trá.
Đã có những ước lượng khác được đề xuất, cũng không kém phần ấn tượng. Trong một nghiên cứu được xuất bản vào năm 2015 trên tạp chí BMC Medicine, – Cenyu Shen và Bo-Christer Björk (Trường Kinh tế Hanken, Helsinki) ước lượng rằng, theo họ, có khoảng 8.000 tạp chí săn mồi đang hoạt động trong năm 2014. Theo hai nhà nghiên cứu, số lượng những bài báo khoa học đáng ngờ đã tăng lên gấp tám lần từ năm 2010 đến năm 2014, từ 50.000 bài lên khoảng 400.000 bài.
Được truy cập tự do trên mạng, những bài báo khoa học này đôi khi cũng được các cơ sở dữ liệu học thuật lớn như Web of Science, Scopus hoặc Google Scholar chú dẫn. Một tình huống cần phải bàn cãi nhiều hơn nữa, bởi vì các cơ sở dữ liệu này được cộng đồng khoa học, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan chính quyền... sử dụng. Ivan Sterligov, giám đốc Trung tâm trắc lượng khoa học thuộc Trường cao cấp Kinh tế (HSE) của Moscow (Nga), đã thăm dò sự hiện diện của các “tạp chí săn mồi tiềm tàng” (JPP) trong cơ sở dữ liệu của Scopus. Theo kết quả thăm dò của ông, được trình bày trong hội thảo và đang trong quá trình xuất bản, đã có hơn 60.000 bài báo khoa học có liên quan trong năm 2015, tức khoảng 3% trên tổng số bài báo khoa học được chú dẫn trong các cơ sở dữ liệu, được quản lý bởi nhà xuất bản khoa học khổng lồ Elsevier của Anh-Hà Lan.
Đây là một vấn đề lớn và nó chưa cho thấy những dấu hiệu chậm lại. Những hệ lụy nghiêm trọng nhất liên quan đến tính liêm chính trong khoa học và đến thực tế các công trình nghiên cứu dựa trên những dữ liệu giả mạo hoặc chưa được kiểm chứng,” theo lời của phát ngôn viên của Clarivate Analytics, công ty quản lý các cơ sở dữ liệu của Web of Science. Các cơ sở dữ liệu lớn đã bắt tay vào một cuộc săn lùng các tạp chí giả mạo: Web of Science gần đây đã thanh lọc 112 tạp chí khỏi các chú dẫn của họ.
Tác động đến tài chính công
Ivan Sterligov
Theo Ivan Sterligov, ngay cả khi hiện diện trong một cơ sở dữ liệu, những bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí săn mồi tiềm tàng được trích dẫn ít hơn so với các tạp chí khác. “Điều đó xác nhận rằng những gì được tìm kiếmbởi những ai công bố trên các tạp chí – là thêm các dòng bổ sung vào danh sách các ấn phẩm của họ,” ông nói. Và, làm như thế, để làm đẹp bản lý lịch của họ.
Người ta đôi khi bị hoa mắt bởi những con số này. Theo các công trình của ông Sterligov, Kazakhstan có tới 50% các công trình khoa học được xuất bản trên những tạp chí đáng ngờ trong năm 2013. Năm 2015, Indonesia đứng đầu với 32%. Hai năm sau, Indonesia vẫn duy trì ở mức 30% các bài khoa học trong nước trên những tạp chí đáng ngờ, trong khi Kazakhstan đã giảm xuống còn 15%. Các nước châu Âu ở mức dưới 1%. Trung Quốc hoặc Iran gần đây đã áp đặt những quy định đối với các nhà khoa học của họ, hạn chế việc sử dụng các nhà xuất bản này. Tổng cộng, các ngành y học, kỹ thuật và dược học là những lĩnh vực có mặt và phát triển nhiều nhất.
Việc xuất bản các công trình khoa học giả mạo này rõ ràng ảnh hưởng đến tài chính công của những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất: Thông thường chính các phòng thí nghiệm công là những người làm tăng doanh thu của các nhà xuất bản lừa đảo. Nói chung, có nhiều khả năng là phải trả giá cao nhất cho những hội thảo giả mạo, bởi vì ngoài việc đăng ký, còn có rất nhiều chi phí đi kèm khác: chi phí đi lại, lưu trú...”, theo lời của Marin Dacos, cố vấn về “khoa học mở” của Bộ trưởng Giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới, – Frédérique Vidal.
Tại Hoa Kỳ, Ủy ban thương mại liên bang đã tiến hành một vụ kiện hồi mùa xuân chống lại nhà xuất bản Omics vì tội lừa đảo. Theo bản ghi nhớ từ các luật sư của FTC, doanh thu của công ty đã đạt mức cao hơn 50 triệu US$ từ năm 2011 đến năm 2017. Khi được các thành viên của dự án hợp tác Khoa học giả mạo đặt câu hỏi, vị chủ nhiệm của Omics đã cực lực bảo vệ tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh của mình.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Alerte au business de la fausse science, Le Monde, p. 6, 20 juillet 2018.

* * *

THẾ GIỚI CẦN Ý THỨC VỀ NẠN KHOA HỌC GIẢ MẠO
Xã luận của Le Monde
Ngày 20 tháng 7 năm 2018
Đó là một căn bệnh thầm kín đang âm thầm gặm nhấm khoa học, và nó đang lây lan với một tốc độ chóng mặt. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ qua, các công ty vô lương tâm đã tạo ra vô số tạp chí khoa học giả mạo, sẵn sàng được xuất bản, bằng các nguồn tài trợ, những công trình đôi khi mang tính [khoa học] yếu ớt, thậm chí mang tính hoàn toàn lừa đảo hoặc tưởng tượng. Cùng với khoảng hai mươi báo viết và phương tiện truyền thông nghe-nhìn quốc tế, phối hợp để công bố đồng thời kết quả các công trình của mình, báo Le Monde đã điều tra về khoa học giả mạo này.
Một cuộc chiến đấu chính đáng
Khoa học giả mạo đang trong thời kỳ phát triển nở rộ: có khoảng 10.000 tạp chí được gọi là “săn mồi” đang góp phần xây dựng một khoa học “song song”, có nhiều khả năng đánh lừa các cơ quan hành chính công, các doanh nghiệp, và thậm chí cả bản thân các định chế khoa học. Những tạp chí đáng ngờ này đôi khi thay nhau tiếp sức, bằng cách cho họ thấy sự hào nhoáng của khoa học, qua những “công trình” hoài nghi sự nóng lên của khí hậu, chống vắc-xin, hoặc thậm chí những nghiên cứu giả mạo ca ngợi giá trị của thuốc giả. Theo những ước tính gần đây, các công trình được xuất bản này chiếm từ 2% đến 3% danh mục chú dẫn của một số cơ sở dữ liệu lớn về tài liệu học thuật. Con số trên lớn hơn gấp sáu lần so với năm năm trước đây.
Có hai hiện tượng lớn thúc đẩy sự bùng nổ này. Một mặt, cuộc chiến chống lại sự độc quyền của các nhà xuất bản khoa học lớn (Elsevier, Springer, v.v.) và [phong trào] vì một quyền truy cập mở đối với các kết quả nghiên cứu. Được cộng đồng khoa học quảng bá trong gần hai thập kỷ qua, cuộc chiến chính đáng này đã trải qua việc thành lập những tạp chí khoa học mới, thường có chất lượng, dựa trên nguyên tắc “người xuất bản-người trả tiền”: có nghĩa là định chế của các nhà nghiên cứu, những người gửi công trình của mình để công bố, trả phí xuất bản cho tạp chí. Ngược lại, tạp chí đồng ý không tính phí truy cập các công trình được xuất bản.
Mô hình này càng có ý nghĩa đầy đủ khi biết rằng các tạp chí khoa học “kinh điển” thương mại hóa các bài báo khoa học mà họ xuất bản với giá cao đến mức không thể mua được, và như thế làm giàu trên việc giao dịch thương mại các kiến thức thường được tạo ra nhờ vào công tác nghiên cứu công cộng, và qua đó làm chậm quá trình tự do lưu thông kiến thức.
Công bố, công bố nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa
Các nhà xuất bản “săn mồi” đã đánh tráo nguyên tắc người xuất bản-người trả tiền, bằng cách xuất bản một cách dễ dãi những bài báo khoa học không được giám định trước (thể theo quá trình tối thượng “được đồng nghiệp bình duyệt”, hay peer review) trong khi vẫn hưởng những khoản “chi phí xuất bản” béo bở.
Mặt khác, các tạp chí săn mồi cũng làm giàu nhờ các hình thức đánh giá mới trong hoạt động khoa học. Công trình của các nhà nghiên cứu ngày càng được đánh giá dựa trên các tiêu chí mang tính định lượng hơn là định tính. Cần phải công bố, luôn luôn nhiều hơn, luôn luôn nhanh hơn, và do đó ngày càng tệ hơn. Xu hướng này là một động thái thúc đẩy tội phạm hình sự – đặc biệt ở một số nước phương Nam, nơi mà đôi khi có việc thưởng tiền để khuyến khích giới học thuật công bố các công trình nghiên cứu. Việc gửi công trình của mình cho một tạp chí săn mồi hầu như luôn đảm bảo được xuất bản một cách rất nhanh.
Đứng trước tai họa này, các cộng đồng khoa học và các chính phủ cần phải tổ chức lại. Tại Pháp, không phải là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, Bộ Nghiên cứu xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và xúc tiến “danh sách trắng” các tạp chí cần coi trọng. Giờ đây, cần phải thay đổi các chính sách đánh giá trong nghiên cứu theo hướng ít hơn về định lượng và nhiều hơn về định tính. Chỉ có một nhận thức toàn cầu mới có thể khôi phục tính liêm chính cho khoa học.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Fausse science: il faut une prise de conscience mondiale, Le Monde, p. 27, 20 juillet 2018.
Print Friendly and PDF