8.2.19

Liệu có thể mô hình hoá xã hội hay không? + Bảng phả hệ cái nhìn “phức hợp” về xã hội

LIỆU CÓ THỂ MÔ HÌNH HÓA XÃ HỘI HAY KHÔNG?
Pablo Jensen, phòng thí nghiệm vật lý của trường École Normale Supérieure ở Lyon
Giống như hình ảnh một đám đông khán giả, một hệ thống phức hợp được hình thành từ nhiều yếu tố tương tác lẫn nhau mà không cần sự phối hợp trung tâm.
Cả đến cấu trúc xã hội có vẻ cũng đáp ứng định nghĩa về một hệ thống phức hợp. Ví dụ các nhà tin học và các nhà khoa học xã hội đang nỗ lực sử dụng những kỹ thuật mô hình hóa toán học để giải thích và dự đoán các hành vi xã hội. Nhưng tính phức hợp của con người chống lại việc xây dựng các mô hình ổn định.
Sự tương tác “tự phát” giữa các “yếu tố” – con người – không có một kế hoạch tổng thể được hình thành trước, đã cho phép xuất hiện một cách nhìn “phức hợp” về xã hội, được xác thực bởi hai ví dụ cụ thể, một thuộc lý thuyết thuần túy và một sử dụng các dữ liệu thực.
Thomas Schelling (1921-2016)
Năm 1971, nhà kinh tế học người Mỹ Thomas Schelling đã tưởng tượng ra một mô hình đơn giản về sự phân biệt chủng tộc đang hoành hành ở hầu hết các thành phố của Hoa Kỳ[1]. Hãy tưởng tượng một bàn cờ, nơi các ô vuông tượng trưng cho chừng ấy nơi cư trú, có thể được sử dụng bởi một “tác nhân” da màu xanh, hoặc một “tác nhân” da màu đỏ, nhưng cũng có thể bị tạm thời bỏ trống. Giả sử sau đó tất cả cư dân của những nơi cư trú này thích có môi trường láng giềng hỗn hợp, có số các tác nhân da màu đỏ cũng như da màu xanh bằng nhau. Nếu phần lớn các láng giềng có cùng màu da với họ, thì mức độ hài lòng của họ bị giảm xuống một nửa. Nếu tất cả láng giềng có màu da khác [với họ], thì mức độ sự hài lòng của họ bằng không. Động thái của thế giới nhỏ bé này như sau: mỗi ngày, một cư dân được chọn ngẫu nhiên để dọn đến một căn hộ trống, cũng được chọn ngẫu nhiên.
Phân biệt hoàn toàn
Câu hỏi đặt ra là liệu việc dọn nhà này có làm tăng mức độ hài lòng của cư dân có liên quan hay không. Nếu có, họ đồng ý dọn đi. Nếu không, họ từ chối. Ngày hôm sau, đến lượt một cư dân khác và một căn hộ trống khác, và người ta bắt đầu lại. Trực giác của chúng ta cho biết, căn cứ vào thực tế cho rằng cư dân chỉ dọn nhà để cải thiện mức độ hài lòng của họ và rằng mức độ hài lòng đó là tối đa khi các khu phố có hỗn hợp cư dân da màu, thì thành phố nên có khuynh hướng đi theo sự hỗn hợp đó. Ngược lại, mô hình cho thấy thành phố cuối cùng sẽ đi đến tình trạng bị phân biệt hoàn toàn, trong đó các cư dân không hài lòng, làm mất hiệu lực sự mô hình hóa ngầm ẩn của chúng ta.
Bối cảnh
Một hệ thống phức hợp được hình thành từ một lượng lớn các yếu tố tương tác mà không có kế hoạch cố định và dẫn đến sự xuất hiện của các “cấu trúc phức hợp”, khác với các hệ thống phức tạp, được sắp xếp theo một kế hoạch đã định trước. Từ định nghĩa này, các nhà khoa học đã nỗ lực mô hình hóa xã hội.
Ý tưởng về nguyên tử xã hội coi con người là Ô-tô-mát
Nghịch lý có thể được giải thích bởi việc người dọn nhà không tính đến sự hài lòng của láng giềng mình, những láng giềng trong quá khứ và trong tương lai. Mô hình này được các nhà nghiên cứu hệ thống phức hợp đánh giá cao, bởi vì đó là một ví dụ điển hình của cái “tổng thể” (phân biệt tổng thể) nổi lên từ những hành động tự phát của các tác nhân, không có kế hoạch tổng thể, và ngay cả khi không có người nào lấy sự phân biệt đó làm mục tiêu. Ví dụ thứ hai, sử dụng dữ liệu thực, quan tâm đến sự gia tăng số lượng các “trung tâm đô thị”, có nghĩa là các cực tập trung các doanh nghiệp, các trung tâm tạo việc làm, một khi mà số lượng dân cư tăng lên trong thành phố. Thông thường, một thành phố nhỏ chỉ có một trung tâm đô thị, trong khi các thành phố lớn thì có rất nhiều trung tâm đô thị, ví dụ như trung tâm đô thị La Défense hoặc Les Halles đối với Paris. Mô hình tạo ra một thành phố ảo với nhiều trung tâm đô thị, mỗi trung tâm đô thị là một khu vực việc làm tiềm năng, mỗi khu vực có một mức lương khác nhau. Trong bối cảnh này, mỗi cư dân là một “nguyên tử xã hội”, mối quan tâm hàng đầu là tìm ra trung tâm đô thị nào có công việc được trả lương tốt nhất, song vẫn tính đến chi phí vận chuyển để đến đó. Khi số lượng dân cư thấp, thì mật độ giao thông cũng thấp và tất cả cư dân đều đến trung tâm đô thị duy nhất có hoạt động để làm việc ở đó. Nhưng khi dân số tăng lên, mật độ giao thông cũng tăng lên và tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng tăng lên. Trong trường hợp này, những trung tâm đô thị nào có lương thấp hơn một chút có thể trở nên lôi cuốn, bởi vì chi phí vận chuyển thấp để đi từ nhà đến nơi làm việc sẽ bù lại cho khoản tiền lương bị mất[2]. Vì thế, thành phố đông dân hơn sẽ dựa nhiều hơn vào các trung tâm đô thị thu hút được cư dân sinh sống gần đó[3]. Ngoài đặc điểm trực quan, mô hình đơn giản này có lợi thế tái tạo, một cách khá chính xác, mức tăng thực tế về số lượng các trung tâm đô thị tuỳ theo số lượng dân cư. Hai ví dụ này dựa trên ý tưởng cho rằng các “nguyên tử xã hội”, những con người được coi là những Ô-tô-mát, có những hành động có thể được lập phương trình bởi công thức toán học “hành động = các đặc điểm nội tại ÷ bối cảnh hiện tại”. Sự giống nhau giữa tác nhân xã hội và nguyên tử vật lý gây ấn tượng mạnh: nguyên tử vật lý được xác định bởi các “đặc điểm nội tạiổn định, chẳng hạn như khối lượng và những lực tương tác với các nguyên tử khác, cho phép dự đoán “hành động” của chúng, có nghĩa là sự chuyển động của chúng. Vì thế, những đặc điểm nội tại của các tác nhân của Schelling được tóm lược bởi sở thích của họ, được cố định vào lúc ban đầu và xác định hành động của họ một khi biết được bối cảnh – cơ cấu láng giềng. Tương tự như vậy với hầu hết các mô hình “phức hợp” của xã hội, như đã được các tổng hợp gần đây mô tả[4]. Tuy nhiên, cách nhìn này là đáng phê phán. Trước hết, về mặt phương pháp luận. Để công thức được chú ý, cần phải tính đến các đặc điểm nội tại, vốn phải bất biến trong các tình huống biến động. Thế nhưng, trong thực tế, điều này hiếm khi xảy ra. Nói một cách sâu sắc hơn, ý tưởng về một tác nhân xã hội mang trong mình những nguyên nhân cho hành động của tác nhân ấy đặt thành vấn đề: các thực thể xã hội không có một lõi ổn định, tương đương với lõi của các nguyên tử vật lý, điều này làm cho chúng khó có thể dự báo được. Về mặt chính trị, mô hình hóa này không mang tính trung lập. Thật vậy, nó thường được thực hiện bên ngoài quá trình xã hội, bởi một trung tâm tính toán, một phòng thí nghiệm khoa học hay một cơ quan có kết nối bằng cách này hay cách khác với chính quyền trung ương. Mô hình cần có những thực thể được chuẩn hóa và những cơ chế tương tác tương đối đơn giản để có thể dựa vào đó mà định hướng hành động của nó. Bởi vì, theo cách kiến tạo, các mô hình này được giả định rằng các tác nhân không có khả năng hiểu được và kiểm soát được các hiện tượng tập thể, mà chỉ có những người mô hình hóa mới tiếp cận được. Để sử dụng lại một hình ảnh của James C. Scott, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Yale ở Hoa Kỳ, con người được mô hình hóa, giống như ở nhà máy của Taylor, là những phân tử của một cơ thể mà não nằm ở bên ngoài. Nói cách khác, mô hình hóa giả định rằng động thái thay đổi đến từ bên ngoài tình hình, chứ không phải từ các suy nghĩ và sáng tạo của những tác nhân có liên quan. Một cách nhìn khác thì cho rằng “tổng thể hơn các bộ phận[5], hoặc có nhiều tính phức hợp hơn trong cá thể so với trong tổng thể. Thật vậy, cần phải tập hợp rất nhiều yếu tố để tạo ra một con người cụ thể: một ngôn ngữ được chia sẻ, các giấy tờ chính thức xác nhận nhân thân của họ...
Các thực thể xã hội không có một lõi ổn định và khó dự đoán
Không có thực thể cao cấp
Vì vậy, con người của các mô hình là một thực thể phức hợp, mà người ta đã chiếm hết tất cả các quan hệ kết nối của họ. Và tổng thể nhỏ hơn các yếu tố, bởi vì khi là một thành phần của tổng thể thì điều đó không có nghĩa là thành phần đó nằm bên trong một thực thể cao cấp. Đối với mỗi cá nhân, đó là chia sẻ một phần bản thân với các cá nhân khác, mà không ai đánh mất bất kỳ bản sắc đa dạng nào của mình. Như vậy, một bản dàn bè có chú thích sẽ tóm lược những lựa chọn để một ban nhạc chơi cùng nhau. Hình thức được chuẩn hóa này đơn giản hóa phần nào [công việc của] các nhạc sĩ để cho phép họ phối hợp với nhau. Nhưng điều đó cũng làm cho họ giàu kinh nghiệm hơn, bởi vì không ai có thể, bằng cách riêng lẻ, tạo ra một bản dàn bè như vậy. Duy trì tính phức hợp của con người, cách nhìn cụ thể về tình huống, mô tả chính xác thực tiễn... ngần ấy cách tiếp cận làm đảo ngược toàn cảnh và giúp đỡ các tác nhân hơn là giúp đỡ quyền lực trung ương. Vì thế liệu có nên dừng lại việc mô hình hóa xã hội như là một hệ thống phức hợp hay không? Dù thế nào đi nữa, có vẻ như đã đến lúc cần tự hỏi các mô hình này có thể phục vụ những gì – và những ai...
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
* * *
BẢNG PHẢ HỆ CÁI NHÌN “PHỨC HỢP” VỀ XÃ HỘI
Benjamin Constant
Benjamin Constant (1767-1830)
Jeremy Bentham (1748-1832)
Khoa học phức hợp xuất phát từ những nghiên cứu được tiến hành sau Chiến tranh thế giới thứ hai xung quanh máy tính (điều khiển học, vận trù học, lý thuyết trò chơi... ), nhằm mục đích mở rộng cái nhìn cơ học sang thế giới sinh học và xã hội, nhờ vào sự hợp tác giữa các nhà vật lý học, các nhà toán học và các kỹ sư[1]. Để có thể thực hiện đúng các tính toán của mình, các khoa học phức hợp đã vay mượn từ truyền thống tự do cái nhìn về con người như là một nguyên tử xã hội tối ưu hóa và đã xem chính phủ như là một “phép tính trên một phép tính”, theo công thức của nhà triết học người Anh Jerremy Bentham. Chẳng hạn, nhà vật lý Albert-Lászió Barabási, một trong những tác giả nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này, viết rằng các nghiên cứu này nhằm mục đích mở rộng “tri thức của chúng ta về các cơ chế xã hội [... nhằm cho phép] quá trình tự thân tối ưu hóa toàn bộ xã hội[2]. Khoa học phức hợp nhằm mục đích tìm ra các quy luật xã hội mà con người sẽ làm phát sinh mà không hề hay biết hoặc mong muốn, và rằng chính phủ các nước sẽ chỉ cần phê chuẩn mà thôi. Như một tác giả khác theo thuyết tự do, Benjamin Constant, đã nói từ năm 1815: “Luật chỉ là biểu hiện của các mối quan hệ đang tồn tại giữa con người với nhau, và các mối quan hệ này được xác định bởi bản chất của chúng, tạo ra một luật mới chỉ là một tuyên bố mới về những gì đã tồn tại trước đó. [... ] Vai trò của nhà lập pháp đối với trật tự xã hội cũng giống như vài trò của nhà vật lý đối với tự nhiên. Newton [... ] hẳn không hề tưởng tượng rằng mình là tác giả của các định luật [hấp dẫn][3].”
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Généalogie de la vision “complexe” de la société, trong nguyệt san La Recherche số 537-538, tháng 7-8 năm 2018.




Chú thích bài 1:

[1] T. C. Schelling, J. Math. Sociol., 1, 143, 1971.

[2] R. Louf et M. Barthelemy, Phys. Rev. Lett., 111, 198702, 2013.

[3] Alain Barrat, Marc Barthelemy, Alexandro Vespignani, Dynamical Process on Complex Networks [Quá trình động trên các mạng phức hợp], Cambridge University Press, 2012.

[4] C. Castellano et al., Rev. Mod. Phys., 81, 591, 2009 ; J.-P. Bouchaud, J. Stat. Phys., 151, 567, 2013.

[5] B. Latour et al., Réseaux, 177, 197, 2013.


Chú thích bài 2:

[1] Philip Mirowski, Machine Dreams, Cambridge University Press, 2002.

[2] G. Palla et al., Nature, 446, 664, 2007.

[3] Cité par J.-P. Dupuy, Revue du MAUSS, 24, 310, 2004.

Print Friendly and PDF