4.2.19

Nếu nhìn lại những nhà kinh tế tân tự do, bạn sẽ phát hiện ra những người giàu ở đó: Các lí thuyết kinh tế đã phục vụ cho những doanh nghiệp lớn như thế nào

NẾU NHÌN LẠI NHỮNG NHÀ KINH TẾ TÂN TỰ DO, BẠN SẼ PHÁT HIỆN RA NHỮNG NGƯỜI GIÀU Ở ĐÓ: CÁC LÍ THUYẾT KINH TẾ ĐÃ PHỤC VỤ CHO NHỮNG DOANH NGHIỆP LỚN NHƯ THẾ NÀO
Đường về nô lệ – được các doanh nghiệp lớn tài trợ
Các tầng lớp xã hội luôn đón nhận những ý tưởng và triết lí xã hội. Không chỉ để hiểu và diễn giải thế giới thực, mà quan trọng nhất còn để thay đổi nó vì lợi ích của họ. Các lí thuyết này (chủ yếu trong khoa học xã hội) đã trở thành những ý tưởng được vũ trang – gọi là các hệ tư tưởng, vì chúng được sử dụng để gây ảnh hưởng hơn là để hiểu thế giới loài người. Tất nhiên, cả hai điều này có quan hệ với nhau: bản chất sự hiểu biết của ta, tức những gì ta xem là quan trọng và những gì ta bỏ qua từ khung lí thuyết của mình, được gọi là mô hình hóa.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mô hình hóa chỉ là một uyển ngữ cho các hệ tư tưởng hiện đại? Hãy nghĩ về những nỗ lực của kinh tế học vĩ mô tân cổ điển – chẳng hạn như các mô hình DSGE – nhằm tìm kiếm khái niệm triết học về trạng thái cân bằng – không màng đến bản chất không cân bằng của thế giới thực – chưa kể cả về những bất bình đẳng về thu nhập. (Nhưng cũng nghĩ về nghịch lí của Mannheim rằng sự phê phán của một hệ tư tưởng – giống như bài viết này – cũng mang tính ý thức hệ.)
Nhà kinh tế vĩ đại người Áo Friedrich Hayek tuy không ủng hộ mô hình hóa toán học, nhưng ông có các mô hình triết học rõ ràng trong đầu. Một trong những tuyên bố nổi tiếng nhất của ông có liên quan đến con đường trơn trượt dẫn về chế độ độc tài: khi bạn bắt đầu để cho nhà nước tham gia một chút vào nền kinh tế, bạn đã bước vào con đường hỗn độn dẫn tới thân phận nô lệ này rồi. Mục đích chính của mô hình này là nhằm kêu gọi hành động và nâng cao ý thức chống lại các chính phủ ngày càng gia tăng [quyền lực] trong kỉ nguyên mà cuộc chiến giữa phương Tây và phương Đông vẫn chưa ngã ngũ.

Friedrich Hayek (1899-1992)
Mô hình của Hayek đã hoạt động như một hệ tư tưởng trong đời sống thực tế, không khác gì mô hình của phía Liên Xô. Ít nhất chúng ta có ấn tượng này khi nhìn vào bản hoạt hình của cuốn Đường về Nô lệ [Road to Serfdom] của Hayek. Đây là công trình chính của ông về triết học xã hội và kinh tế học, ủng hộ chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do. Lập luận về việc bảo vệ một nhà nước tối thiểu của Hayek vững chắc đến nỗi tập đoàn General Motors quyết định tài trợ cho việc sản xuất phiên bản truyện tranh này.
Vì vậy, mảng triết học xã hội được viết tốt của Hayek đã trở thành một thế giới trắng-đen được cách điệu hóa, ở đó việc chính phủ nắm giữ các vai trò kế hoạch hóa thời chiến dẫn đến kế hoạch hóa cả việc suy nghĩ, giải trí lẫn kiểm soát tất cả các cá nhân.
Sự ủng hộ các chính sách tân tự do của một trong những công ty lớn nhất đã biểu thị phương thức mà lí thuyết kinh tế được các doanh nghiệp lớn chấp nhận – và biến đổi – trong thế kỉ 20.
Những đổi mới lí thuyết như một phần của hệ tư tưởng chống-nhà nước
John M. Keynes (1883-1946)
Roger E. Backhouse (1951-)
Thời kì Keynes kéo dài trong một thời gian dài, đem đến sự ổn định và làm tăng các khoản tiền lương thực cho người lao động. Vào những năm 1970, một sự thay đổi chấn động hệ ý (paradigm) đã xảy ra với sự trở lại của những ý tưởng tân cổ điển tiền-Keynesian. Roger E. Backhouse (2005) đã đưa ra rất nhiều lí do cho sự thay đổi hệ ý này. Giai đoạn toàn dụng lao động kéo dài quá lâu đến mức người ta dễ quên rằng đó không phải là một trật tự tự nhiên mà là kết quả của các chính sách có ý đồ. Trong thế giới này, những bất lợi của thị trường đã bị các chính phủ năng động che giấu, mở ra khả năng hướng sự chú ý mang tính phê phán tới nhà nước. Đặc biệt là theo chân cuộc khủng hoảng kinh tế mới đã dẫn đến tình trạng đình đốn và lạm phát (stagflation) [lạm phát cao nhưng không tăng số lượng công việc hoặc hoạt động kinh doanh – ND]. Kinh tế học Keynesian đã không được chuẩn bị cho môi trường kinh tế mới cũng giống như đối thủ tân cổ điển của nó đã bị sốc trước cuộc khủng hoảng [kinh tế] năm 1929.
Milton Friedman (1912-2006)
Cuộc cách mạng trí tuệ chống lại nhà nước đã được xây dựng trên một vài lí thuyết mới, tranh luận về sự thiếu hiệu quả của các chính sách kinh tế. Phải cần đến những lí thuyết này nhằm thuyết phục các viện sĩ về các giá trị trí tuệ của kinh tế học tân cổ điển, cho phép họ thông cảm với khuôn khổ [lí thuyết] tân tự do. Milton Friedman cho rằng các chính sách tài khóa và tiền tệ tuỳ nghi là có hại hoặc không hiệu quả do, trong số một vài vấn đề khác, vấn đề xác định thời điểm. Đối với chính sách tài khóa, giả thuyết thu nhập thường xuyên cố lập luận rằng việc quản lí cầu ngắn hạn là không hiệu quả bởi nếu người ta nghĩ rằng thu nhập là tạm thời, họ sẽ tiết kiệm khoản thu nhập tăng thêm từ chính phủ thay vì chi tiêu nó. Kinh tế học vĩ mô cổ điển mới được xây dựng dựa trên lí thuyết tương đương Ricardo cũng cho thấy điều tương tự – rằng việc cắt giảm thuế tạm thời sẽ không thúc đẩy tiêu dùng, vì mọi người đều biết rằng họ sẽ phải trả các khoản chi phí của chính sách đó sau này. Friedman cũng giải thích hiện tượng mới là đình đốn và lạm phát, chỉ ra rằng mọi người đều điều chỉnh kì vọng của mình, do đó, việc tăng cung tiền sẽ chỉ dẫn đến hệ quả là lạm phát cao hơn, nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên.
Những lí thuyết này đã truy nguyên các hiện tượng đình đốn và lạm phát về những sai lầm trong chính sách của chính phủ. Giả thuyết kì vọng hợp lí cho rằng chính sách kinh tế không thể đánh lừa mọi người được lâu vì người dân sẽ sử dụng hợp lí mọi thông tin mới có sẵn khi họ phản ứng với các chính sách của chính phủ hành động. Tính thiếu nhất quán theo thời gian của chính phủ cũng có nghĩa là các chính sách tuỳ nghi có thể dẫn đến tổn thất về mặt kinh tế, do đó, xét về dài hạn, các chính sách và sự cam kết dựa trên-quy tắc của chính phủ sẽ đáng tin cậy và hiệu quả.
Gordon Tullock (1922-2014)
James M. Buchanan (1919-2013)
Một hướng khác của các lí thuyết tập trung trực tiếp vào những sai lầm của các chính trị gia và chính phủ. Các lí thuyết lựa chọn công áp dụng các lí thuyết kinh tế chuẩn cho các chính trị gia và nền chính trị – đưa lĩnh vực chính trị ra khỏi vùng an toàn và biến nó thành khu vực chịu sự chi phối của các lực của thị trường – thì nhấn mạnh rằng những người ra quyết định cũng chỉ là các tác nhân tư lợi duy lí như bao người khác. Kết luận đưa ra là chúng ta không thể mong đợi các chính trị gia xác định và hướng đến lợi ích công. Sẽ tốt hơn khi hạn chế họ càng nhiều càng tốt – theo lập luận của James M. Buchanan, Gordon Tullock và George Stigler, những người này vốn là những thành viên tận tuỵ của hội Hayekian, tức hội Mont Pelerin Society tân tự do, cái nôi của chủ nghĩa tân tự do, ra đời vào năm 1947. Tullock đã phát triển lí thuyết khác: khái niệm về sự mưu tìm-đặc lợi (rent-seeking) để lưu ý đến việc các nhóm lợi ích nắm nhà nước.
Song song đó, các mô hình kinh tế vĩ mô mới – giống như hầu hết các phiên bản của lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế – đã nhìn thấy một nền kinh tế mà chính phủ chẳng có vai trò gì nữa: biến động kinh tế không có nghĩa là nền kinh tế có vấn đề. Không chính phủ, không nước mắt (và luôn luôn ở trạng thái cân bằng) – [đây là khẩu hiệu mà] mô hình RBC [Chu kì Kinh tế Thực – Real Business-Cycle] về thời gian luôn hò reo lên như thế.
Kenneth Arrow (1921-2017)
Eugene Fama (1939-)
Các lí thuyết gia tân cổ điển đưa ra một giải pháp thay thế: đưa các lực của thị trường và các quyền sở hữu vào trong mọi giai tầng trong xã hội. Eugene Fama đã phát triển giả thuyết thị trường hiệu quả ở Chicago [Hoa Kì], có nghĩa là mức giá trên thị trường tài chính luôn phản ánh tất cả các thông tin xác đáng và có sẵn. Hệ quả là thị trường nên để chính nó tự vận hành, việc này cho phép các nhà quản lí công ty tối đa hóa giá trị cổ phiếu vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế. Định lí bất khả của Kenneth Arrow cũng chứng minh rằng có tồn tại cân bằng kinh tế chung, hoàn hảo, điều này kéo theo tính hiệu quả của các thị trường cạnh tranh.
Arrow phát triển lí thuyết của mình tại tổ chức RAND Corporation, một think tank[*] về Chiến tranh Lạnh do chính phủ Hoa Kì thành lập, vốn là một tác nhân chính trên chiến trường lí thuyết giữa Hoa Kì và Liên Xô. Như Sonja Amadae (2003) lập luận, một số lí thuyết được đề cập ở trên – như khung lựa chọn duy lí – cung cấp quyền uy lí thuyết cho nền dân chủ tự do phương Tây với một nhà nước hạn chế. Bà cho thấy đã có những nỗ lực đáng kể của chính phủ ở Hoa Kì sau Thế chiến thứ 2 nhằm tạo ra những ý tưởng mới, chứng minh tính hiệu lực và ưu thế của nền dân chủ tự do trong một thế giới mà kế hoạch hóa của những nhà xã hội chủ nghĩa cũng được giới trí thức và xã hội phương Tây ngưỡng mộ.
Francis Fukuyama (1952-)
Không ngạc nhiên khi Francis Fukuyama – cũng là thành viên của RAND Corporation – đã đưa ra tuyên bố về mặt chính trị vào năm 1989 rằng nền dân chủ tự do với hệ thống kinh tế tân tự do của nó là hệ thống tốt nhất và chung cuộc trong lịch sử của chúng ta.
Các ý tưởng có được quyền lực trong thực tế
Kỉ nguyên Keynesian kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng do các yếu tố chính trị. Các doanh nghiệp lớn muốn có một sự thay đổi chính sách bởi vì giới lao động đã đạt được các vị thế chính trị ngày càng mạnh mẽ vào giữa năm 1950 và 1970 (Harvey, 2007). Các chính sách về việc làm của Keynes cung cấp quyền lực vững chắc cho các nghiệp đoàn lao động, vốn là những đồng minh chính trong việc định hình các chính sách kinh tế. Nhưng điều này dẫn đến tình trạng giảm tỉ suất lợi nhuận. Một quá trình toàn cầu hóa mới, dựa trên tư duy tân tự do về tính tập thể (collective) là phản ứng của giới doanh nghiệp, với vị thế bị gạt sang bên lề một cách tương đối trong việc điều hành, nhằm gia tăng sức mạnh đàm phán của họ (Backhouse, 2005; Skidelsky, 2010). Và các tập đoàn kinh tế đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc cách mạng trí tuệ (Mirowski & Plehwe 2009), tạo ra tính không tưởng cuốn hút của thị trường, trong đó chính phủ là một tác nhân không cần thiết. Trong thế giới này, nhà kinh doanh là người anh hùng tạo ra-giá trị, là một tác nhân kinh tế hoàn hảo, và cũng cần nhận được ủng hộ mạnh mẽ – từ một nhà nước nhỏ và thụ động, cũng như từ phần còn lại của xã hội.
Augusto Pinochet (1915-2006)
Nhưng điều này dẫn đến nghịch lí chính của chủ nghĩa tân tự do. Hệ thống kinh tế của nó cần một nhà nước mạnh, thậm chí với cái giá phải trả là hạn chế nền dân chủ, nhằm đảm bảo các quyền sở hữu và sự vận hành của thị trường tự do, đồng thời chủ động duy trì quy tắc của triết lí xã hội tân tự do mới. Đồng thời một số người ủng hộ có xu hướng loại bỏ các nhà nước mạnh (Mirowski, 2013). Trong thực tế, tự do kinh doanh là điều cuối cùng mà những người theo chủ nghĩa tân tự do muốn đạt được. Lập trường có tính nghịch lí này về nhà nước đã khiến Milton Friedman, nhà kinh doanh chính sách (policy entrepreneur) trở thành cố vấn của nhà độc tài Chile, Augusto Pinochet nhằm biến Chile thành một sân chơi chính sách.
Nghịch lí xuất hiện khi Hayek chấp nhận sự tài trợ của tập đoàn General Motors. Việc này đã diễn ra, bởi ông luôn đối lập chủ yếu với bất kì loại hình kế hoạch hóa nào trong nền kinh tế. Những vấn đề này đã được những người trí thức chủ chốt của hội Mont Pelinin Society – như Mirowski (2013) lập luận – biết đến nhưng không được truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rõ ràng là sai khi có thông tin cho rằng Hội này là tổ chức kế thừa trường phái cổ điển về mặt lí thuyết.
Nghịch lí này không ngăn tư tưởng hayekian về chủ nghĩa tập thể sẽ trở thành một hệ tư tưởng. Họ tuyên bố rằng mục tiêu chính [của họ] là thay đổi cách mọi người nghĩ: mục tiêu chính của Hội [Mont Pelinin Society] không phải là phát triển các lí thuyết khoa học – có nhiều trường phái tư tưởng khác nhau có đại diện trong Hội – mà là bảo vệ và phát huy những giá trị mà họ tin tưởng. Chiến lược có ý đồ này hướng đến việc trở thành dòng [tư tưởng] chủ lưu là một đặc điểm khác biệt của những người theo chủ nghĩa tân tự do.
Sự xuất hiện của các doanh nhân thành đạt như Antony Fisher biểu trưng cho việc các doanh nghiệp lớn chấp nhận những ý tưởng tân tự do như thế nào. Cuốn Đường về Nô lệ đã làm ông ngạc nhiên, vì thế ông đã đến gặp Hayek vào năm 1945 tại Trường Kinh tế London [Anh]. Giống như David Ricardo hơn 100 năm trước, Fisher muốn đi vào giới chính trị nhằm gây ảnh hưởng lên chính sách.
Fisher nhận xét về Hayek như sau:
"Tôi chia sẻ tất cả những nỗi lo và mối bận tâm của ông như đã thể hiện trong cuốn Đường về Nô lệ và tôi sẽ đi vào giới chính trị và chấn chỉnh nó lại."
Câu trả lời của Hayek là:
“Không, không phải! Tiến trình của xã hội sẽ được thay đổi chỉ bằng một sự thay đổi trong các ý tưởng. Đầu tiên bạn phải tiếp cận với giới trí thức, nhà giáo và nhà văn, với lập luận có lô-gích. Khi sự ảnh hưởng lên xã hội của họ trở nên áp đảo, thì các chính trị gia sẽ đi theo.” (Hayek, 2001: p.19).
Mặc dù 8 thành viên của Hội [Mont Pelinin Society] đã giành được giải thưởng kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel, nhưng Hội đã không đặt ra các tiêu chuẩn học thuật cao cho các thành viên của mình nhằm lôi kéo các đại diện của các doanh nghiệp lớn và những người có ảnh hưởng khác.
Để thay đổi các ý tưởng của công chúng, những người theo chủ nghĩa tân tự do tạo ra một tòa tháp lí thuyết với các tầng nấc khác nhau. Tầng móng là phương pháp luận của kinh tế học thực chứng, tầng trên nó là các lí thuyết kinh tế còn lại. Và tầng cao nhất là hệ tư tưởng tân tự do thần thánh như Claude Hillinger (2006) lập luận (đây là điều mà Mirowski (2013) gọi là một con búp bê Nga).
George Stigler (1911-1991)
Milton Friedman và George Stigler – với sự giúp đỡ của các tập đoàn cũng như với sự ủng hộ về mặt chính trị – đã tìm ra công cụ thích hợp để các ý tưởng của họ có được quyền lực, đó là mạng lưới các think-tank, việc sử dụng học bổng do chúng cấp và sử dụng truyền thông với cường độ cao. Think-tank không phải để tạo ra những ý tưởng mới, mà là để trở thành tổ chức gác cổng và phổ biến các ý tưởng hiện có, và phổ biến “triết học tự do”. Không chỉ Backhouse (2005), mà cả nhà làm phim tài liệu người Anh Adam Curtis (2011) cũng nghiên cứu việc bằng cách nào mà Fisher đã tạo ra mạng lưới think-tank toàn cầu của mình, truyền bá các giá trị tự do của tự do cá nhân và tự do kinh tế – nhưng không bao giờ là tự do xã hội và tự do chính trị cả –, và cũng là sự tự do cho giới tư bản thoát khỏi nhà nước.
Theo Curtis (2011), “các tổ chức PR với động cơ ý thức hệ” nhằm đạt được một hệ thống kĩ trị, tinh hoa nhất, bảo tồn các cấu trúc quyền lực thực tế. Như ông đã lưu ý, các doanh nhân thành công đã tạo ra tổ chức Atlas Economic Research Foundation [Quỹ Nghiên cứu Kinh tế Atlas] vào năm 1981, thành lập 150 think-tank trên toàn cầu. Các tổ chức này được thành lập dựa trên mô hình Institute for Economic Affairs [Viện các Vấn đề Kinh tế] (IEA), một think tank do Fisher thành lập vào năm 1955, một ví dụ điển hình về việc bằng cách nào mà nhóm các nhà tư tưởng tân tự do nằm ngoài lề đã nắm quyền lực chính trị và quyền lực trí tuệ. Ngày nay, có “hơn 450 tổ chức ủng hộ thị trường tự do tại hơn 90 quốc gia” phục vụ cho “lí tưởng tự do” (cause of liberty) thông qua mạng lưới. Mạng lưới của Fisher phần lớn do các thành viên của hội Mont Pelerin Society (Djelic, 2014) định hướng.
Philip Mirowski (1951-)
Vì vậy, chúng tôi có thể thêm một tầng tưởng tượng ở trên vào tòa tháp tân tự do, qua đó các nhà bình luận của các think tank dường như độc lập lại đại diện cho những ý tưởng rất giống nhau – mà không thông báo cho công chúng biết về hệ tư tưởng, việc này không phải là sự tự do lựa chọn. Đồng thời, như Mirowski (2013) cho thấy, việc mạng lưới tự quảng bá chính nó hướng đến các nhà đầu tư lập luận rằng các công ty nên đầu tư vào quá trình sản xuất các ý tưởng mang tính chuyển đổi, cuối cùng trở thành sản phẩm chính sách cho sự tiêu dùng cuối cùng. (Các nhà đầu tư này được Rob Johnson (2017) gọi là các nhà kinh doanh giáo dục (edupreneur), Rob Johnson đã đưa ra một nội dung tiết lộ rằng bằng cách nào mà các nhà mạnh thường quân tái tạo mô hình mới mạnh thường quân – khách hàng thân thiết của thời Phục hưng trong khoa học hiện đại.)
Những kẻ buôn đồ cũ (second-hand dealer) về các ý tưởng có thể tạo ra một sự khác biệt chính trị thực sự. Như Oliver Letwin, nghị sĩ người Anh lập luận: “Không có Fisher, thì cũng không có IEA; không có IEA và các tổ chức tương tự nó, thì sẽ không có Thatcher cũng như hoàn toàn không có Reagan; không có Reagan, thì cũng không có Chiến tranh giữa các Vì sao; không có Chiến tranh giữa các Vì sao, thì cũng không có sự sụp đổ kinh tế của Liên Xô. Một chuỗi các hệ quả cho một gã nông nuôi gà!”.
Đạt được một sự tái phân phối tốt hơn thành công
Trên quan điểm của các doanh nghiệp lớn, hệ tư tưởng tân tự do đã thành công. Thập niên 80 [thế kỉ 20] được đánh dấu bằng việc tỉ trọng lương bắt đầu suy giảm trên toàn thế giới, khi quá trình phân phối giá trị gia tăng sản xuất phản ánh quá trình phát triển của tư bản toàn cầu. Trong những năm này, bắt đầu có sự nới rộng khoảng cách năng suất – tiền lương thực, dẫn đến hiện tượng chưa từng thấy trước đó, đó là hiện tượng thu nhập của tầng lớp trung lưu đứng lại. Đồng thời, do kết quả của việc giảm thuế – lấy cảm hứng từ chương trình chính trị tân tự do, thu nhập của giới nhà giàu thuộc tốp 10% bắt đầu tăng lên đáng kể ở Vương quốc Anh và Hoa Kì, đây cũng chính là quê hương của cuộc phản cách mạng tân tự do (Alvaredo et al., 2013; Piketty-Saez, 2014).
Nguồn: Haldane (2015)
David Colander (1947-)
Những sai lầm chính sách, phát sinh từ bản chất triết học và bản chất hệ tư tưởng của kinh tế học tân tự do nhằm đạt được sự bãi bỏ quy định, được phản ánh qua số lượng của những cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế đang ngày càng gia tăng. Margaret Thatcher, người từng đích thân góp phần vào việc phát triển các think-tank tư bản vô chính phủ, đã thấy tỉ lệ thất nghiệp tăng cao bất chấp việc thực hiện các chính sách tân tự do, vào năm 1985 bà cho rằng bà không bao giờ tin vào các lí thuyết của những người theo chủ nghĩa trọng tiền. Đồng thuận Washington, dựa trên kinh tế học tân cổ điển tĩnh tại, đã nhắm mắt làm ngơ trước những hiện tượng năng động của các thể chế, do đó góp phần vào sự suy thoái sâu sắc ở các quốc gia hậu xã hội chủ nghĩa ở Trung Âu. "Điểm cộng cho chủ nghĩa tân tự do không phải là tạo ra một mô hình phù hợp hơn với thế giới thực, mà là làm cho thế giới thực ngày càng tương thích hơn với mô hình của nó" – Simon Clarke (2005) lập luận. Trong khi đó, theo David Colander (2004), kinh tế học tân tự do đã đảo ngược thái độ của các nhà tư tưởng cổ điển, kết luận rằng thị trường là tốt nhất, trong lúc những người tiền nhiệm của họ trong thế kỉ 18-19 lại nói rằng thị trường là cái ác ít tệ hại nhất.
Dean Baker (1958-)
Chủ nghĩa tân tự do tạo ra nhà (kinh tế học) theo chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa duy kinh tế, làm giảm tính đa nguyên trong kinh tế học. Các cơ chế này nhồi sọ các học giả trẻ tin vào các mô hình đơn giản nhưng thường là không xác đáng thì cần thiết nhằm ổn định hệ ý khoa học và hệ thống kinh tế xã hội được xây dựng dựa trên nó (Earle et. al, 2016Kwak, 2016). Đặc điểm khác biệt của hệ thống này – như Dean Baker (2016) cho thấy – là sự bảo hộ của giới tư bản và duy trì sự tái phân phối tốt hơn cho họ, gây thiệt thòi cho sự tăng trưởng của tiền lương của lực lượng lao động – đây chính là lí do tại sao chủ nghĩa tân tự do phải nắm nhà nước.
Nhưng đâu là những gì ẩn sau nhà (kinh tế học) tân tự do? Hãy hy vọng rằng đó không phải là con đường dẫn tới thân phận nô lệ.
Tài liệu tham khảo
Alvaredo, F. et al. (2013): “The Top 1 Percent in International and Historical Perspective”, Journal of Economic Perspectives, 27(3). Summer. pp 3–20
Amadae, S. (2003): Rationalizing Capitalist Democracy: The Cold War Origins of Rational Choice Liberalism, University of Chicago Press, Chicago-London.
Backhouse, R. (2005): The Rise of Free Market Economics: Economists and the Role of the State since 1970. History of Political Economy. 37(Suppl. 1). pp 355-392 Online: http://public.econ.duke.edu/~erw/190/BackhouseNeoliberalism.pdf (2017.06.17.)
Clarke, S. (2005): The Neoliberal Theory of Society. In: A. Saad-Filho – D. Johnston (ed.) Neoliberalism: A Critical Reader. Pluto Press: London. pp 50-59
Colander, D. (2004): Economics as an Ideologically Challenged Science. Middlebury College Economics Discussion Paper No. 04-22. Online: http://community.middlebury.edu/~colander/articles/Economics%20as%20an%20Ideologically%20Challenged%20Science,pdf.pdf (2017.06.17.)
Curtis, A. (2011): The Curse of TINA. BBC Blog. Online: http://www.bbc.co.uk/blogs/adamcurtis/2011/09/the_curse_of_tina.html (2017.05.12.)
Djelic, M.L. (2014): Spreading Ideas to Change the World: Inventing and Institutionalizing the Neoliberal Think Tank. In: Gersten, C.-Sörbom, A. (ed.): Political Affair: Bridging Markets and Politics. Celtenham: Edward Elgar. pp 1-41
Earle, J. et al. (2016): The Econocracy: The Perils of Leaving Economics to the Experts, Manchester University Press, Manchester
Haldane, A. G. (2015): Labour’s Share. Trades Union Congress, London, November 12. Online: http://www.bankofengland.co.uk/publications/Documents/speeches/2015/speech864.pdf (2017.06.12.)
Harvey, David (2007): A brief history of neoliberalism. Oxford University Press, Oxford.
Hillinger, C. (2006): Science and Ideology in Economic, Political, and Social Thought. Munich Discussion Paper No. 2006-35. Department of Economics, University of Munich. Online: https://epub.ub.uni-muenchen.de/1246/1/001_Science.pdf (2017.06.13.)
Kwak, J. (2017): Economism: Bad Economics and the Rise of Inequality, Pantheon, New York
Mirowski, P., – Plehwe, D. (Eds.). (2009): The Road from Mont Pelerin: The Making of the Neoliberal Thought Collective, Harvard University Press, Cambridge
Piketty, T.-Saez, E. (2014): Inequality in the long run. The Science of Inequality. 344(6186) pp 838-843, Online: http://science.sciencemag.org/content/344/6186/838.full (2017.06.15.)
Dániel Oláh
Skidelsky, R. (2010): “The Crisis of Capitalism: Keynes versus Marx”, Indian Journal of Industrial Relations, 45(3), pp 321-335
DÁNIEL OLÁH
Dániel Oláh là một nhà phân tích kinh tế vĩ mô tại Bộ Kinh tế Quốc gia, Đơn vị Dự báo và Mô hình hóa [Hungary]. Ông nhận bằng thạc sĩ kinh tế học tại Đại học Central European [Budapest, Hungary].
Nguyễn Việt Anh dịch




Chú thích của người dịch:

[*] Think tank, thật ra, chỉ một định chế đặc thù của những xã hội trong đó có sự tách biệt giữa nhà nước và xã hội dân sự. Chính xác hơn, Think tank là một định chế thuộc xã hội dân sự (định chế tư), độc lập với hệ thống nhà nước (một cơ quan như Hội đồng tư vấn kinh tế của tổng thống Hoa Kì không thể gọi là Think tank). Tuy là nghiên cứu và giám định chủ trương, chính sách của nhà nước, nhưng đối tượng trực tiếp của Think tank không phải là nhà nước, mà xã hội dân sự: hoạt động của Think tank nhằm trước hết là tạo ra công luận và, từ đó, tác động đến người làm ra chính sách. Cho nên hoạt động của Think tank không chỉ là sản xuất ra ý kiến và đề nghị, mà còn là công bố công khai những ý kiến và đề nghị đó trong xã hội. Có thể nói rằng Think tank khác với các nhóm tư vấn cung cấp ý tưởng cho lãnh đạo chính quyền ở hai điều: quy chế của nó là tư nhân, độc lập với chính quyền (dù nó có thể cùng quan điểm, lập trường với chính quyền), và hoạt động của nó là công khai, hướng tới công luận. (Trích Trần Hải Hạc, “think tank”, DienDan.Org

Print Friendly and PDF