21.2.19

“Sự thông cảm, phần cao quý nhất của bản chất chúng ta”


“SỰ THÔNG CẢM, PHẦN CAO QUÝ NHẤT CỦA BẢN CHẤT CHÚNG TA”
 Charles Darwin (1809-1882)
Charles Darwin (1809-1882)

Trong tác phẩm The Descent of Man [Dòng dõi con người]” (1871), Darwin khẳng định rằng, giống như nhiều loài động vật cao cấpkhác, con người cảm thấy thông cảmvới đồng loại của mình theo bản năng, song bản năng này lại đối lập với một bản năng khác: việc bảo vệ lợi ích của bản thân. Ở con người văn minh, sự thông cảm được củng cố và mở rộng bởi lý trí, dẫn đến việc bảo vệ người yếu nhất; do đó, sự tiến bộ của các xã hội loài người phụ thuộc ít vào sự chọn lọc tự nhiên của những người mạnh nhất hơn là vào sự phát triển của giáo dục và đạo đức.
Con người, một động vật xã hội có lý trí
Tất cả các loài động vật đều có tính xã hội; chúng ta thậm chí còn tìm thấy những loài riêng biệt sống chung với nhau, ví dụ như một số loài khỉ ở châu Mỹ, và các đàn hợp nhất những con quạ mỏ hẹp, quạ gáy xám và chim sáo đá. Con người cho thấy tình cảm tương tự trong tình yêu mãnh liệt đối với loài chó, đến độ chó đáp lại con người với nhiều lợi ích. Hẳn mọi người đã chú ý đến mức độ đau khổ của những con ngựa, con chó, con cừu, v.v. khi chúng bị tách khỏi đồng loại của chúng, và nhận thấy tình cảm mãnh liệt lẫn nhau của hai loài đầu tiên, ít nhất là như vậy, khi chúng lại ở bên nhau. Chúng tôi sẽ giới hạn sự chú ý đến các loài động vật xã hội cao cấp hơn, và không đề cập đến các côn trùng, mặc dù một số loài trong số đó cũng mang tính xã hội và cũng tương trợ lẫn nhau theo nhiều cách quan trọng khác nhau. Sự giúp đỡ qua lại phổ biến nhất ở các loài động vật cao cấp là sự cảnh báo lẫn nhau về một nguy cơ, bằng những giác quan được tập hợp từ tất cả các thành viên của cộng đồng. [...] Các động vật cũng trao đổi cho nhau những sự giúp đỡ quan trọng hơn: ví dụ như những con sói và một số thú dữ khác đều săn mồi theo bầy đàn, và giúp nhau tấn công con mồi của chúng. Những con chim bồ nông cùng nhau bắt cá. Những con khỉ đầu chó Hamadryas giở đá lên để tìm côn trùng; và khi đối mặt với một hòn đá lớn hơn, chúng tụ tập lại càng nhiều càng tốt xung quanh hòn đá, cùng nhau giở hòn đá đó lên và chia sẻ chiến lợi phẩm. Các động vật xã hội bảo vệ lẫn nhau. Những con bò rừng bizon đực ở Bắc Mỹ, khi thấy xuất hiện một mối nguy, liền lùa các con bò rừng cái và các con bê vào phía giữa của đàn, trong khi chúng bảo vệ phần ngoại vi. [...]
Chúng ta thường giả định rằng động vật vốn đã mang tính xã hội từ lúc ban đầu và, do đó, chúng cảm thấy không thoải mái khi bị tách rời nhau, và cảm thấy thoải mái khi ở cùng nhau; nhưng điều có khả năng xảy ra nhiều nhất có vẻ như là những cảm giác này được phát triển trước tiên theo cách sao cho các loài động vật, những loài hưởng lợi từ cuộc sống xã hội, được khuyến khích sống chung với nhau, theo cách giống như cảm giác đói và niềm vui ăn uống, tất nhiên rồi, có được trước tiên để khiến các loài động vật ăn uống. Tình cảm vui sướng có được từ cuộc sống xã hội hẳn là một sự mở rộng những tình cảm yêu mến của cha mẹ hoặc của con cái, vì rằng bản năng xã hội có vẻ như phát triển ở những giới trẻ sống lâu với cha mẹ hơn; và việc mở rộng này có thể được quy một phần do thói quen, nhưng chủ yếu là do sự chọn lọc tự nhiên. Ở những loài động vật hưởng lợi từ cuộc sống kết đoàn chặt chẽ này, những cá thể có niềm vui lớn nhất từ đời sống xã hội này, là những loài tránh được nhiều nguy cơ khác nhau một cách tốt nhất; trong khi những loài ít gắn bó hơn với đồng đội của mình, và những loài sống cô độc, thì bị diệt vong với số lượng lớn. [. . . ]
Mọi người sẽ thừa nhận rằng con người là một bản thể xã hội. Chúng ta thấy điều đó ở sự ác cảm của con người đối với sự cô độc và ở mong muốn có một cuộc sống xã hội vượt ngoài phạm vi gia đình của bản thân. Chế độ tù giam là một trong những hình phạt nghiêm trọng nhất có thể tuyên án. Một số tác giả cho rằng con người, trong thời kỳ ban đầu, sống trong những gia đình cô lập; nhưng, ngày nay, mặc dù vẫn có những gia đình đơn lẻ, hoặc chỉ có hai hoặc ba gia đình sống chung với nhau, rong ruổi tìm kiếm những nơi vắng vẻ của một số vùng đất hoang dã, họ luôn duy trì, theo như tôi biết, các mối quan hệ thân thiện với những gia đình khác sống trong cùng khu vực. Các gia đình này thỉnh thoảng hội họp lại nhau ở các hội đồng và đoàn kết lại để bảo vệ lợi ích chung của họ. Chúng ta không thể chấp nhận việc trong thực tế có những bộ tộc sống ở các khu vực lân cận hầu như luôn có chiến tranh với nhau là một lập luận chống lại ý tưởng cho rằng con người hoang dã là một động vật xã hội; bởi vì bản năng xã hội không bao giờ mở rộng ra cho tất cả những cá thể của cùng một loài. [...].
Mặc cho con người, như con người hiện tại, có ít bản năng đặc biệt, do đã đánh mất tất cả những bản năng mà tổ tiên lâu đời nhất có thể từng có, thì điều này không hề có nghĩa là con người đã không bảo tồn được, từ một giai đoạn cực kỳ xa xôi, một mức độ yêu thương và thông cảm nào đó theo bản năng đối với đồng loại của mình. Thực ra, chúng ta đều biết mình có những cảm xúc thông cảm như vậy; nhưng nhận thức của chúng ta không cho biết liệu chúng có tính bản năng hay không, từng xuất hiện từ lâu theo cách tương tự như ở các loài động vật cấp thấp, hoặc được từng người trong chúng ta tiếp thu trong những năm tháng trẻ tuổi của mình. Do con người là một động vật xã hội, nên gần như chắc chắn rằng con người phải thừa kế một xu hướng trung thành với đồng đội của mình, và tuân theo mệnh lệnh của người lãnh đạo bộ lạc của mình; bởi vì những phẩm chất này được hầu hết các động vật xã hội chia sẻ. Do đó, con người phải có một khả năng tự kiểm soát nào đó. Con người phải sẵn sàng, căn cứ vào xu hướng di truyền, để bảo vệ đồng loại của mình, cùng đoàn kết với những người khác; và sẵn sàng giúp đỡ người khác theo bất cứ cách nào miễn không lấn áp quá nhiều phúc lợi hoặc ham muốn sâu sắc của chính mình.
Alexander Bain (1818-1903)
Các động vật xã hội, những loài ở cấp thấp của bậc thang, được hướng dẫn, trong phạm vi trợ giúp dành cho các thành viên của cùng một cộng đồng, gần như duy nhất bởi các bản năng đặc biệt, và những loài ở bậc thang cao hơn cũng được hướng dẫn bởi các bản năng tương tự trên diện rộng; nhưng chúng cũng được thúc đẩy hành động như vậy một phần vì tình yêu và thông cảm lẫn nhau, hẳn là có sự hỗ trợ của một mức độ lý trí nào đó. Mặc dù con người, như chúng tôi vừa lưu ý, không có những bản năng đặc biệt mách bảo họ biết làm thế nào để giúp đỡ đồng loại mình, song họ có động lực, và, nhờ sự cải thiện các khả năng trí tuệ của mình, con người được hướng dẫn rất nhiều, trong lĩnh vực này, bởi lý trí và kinh nghiệm, một cách tự nhiên. Sự thông cảm theo bản năng cũng đồng thời dẫn dắt con người xem trọng sự tán thành của các đồng loại; bởi vì, theo như M. Bain[*] đã chỉ ra một cách rõ ràng, sự yêu thương và ca tụng, và tình cảm mãnh liệt của sự vinh quang, và sự khiếp sợ còn mãnh liệt hơn nữa của sự khinh miệt và ô nhục, “đều do các hiệu ứng của sự thông cảm”. Do đó, con người bị ảnh hưởng, ở mức cao nhất, bởi những mong muốn, tán thành và chê trách của đồng loại, được thể hiện qua cử chỉ và ngôn ngữ. Như vậy, bản năng xã hội, được con người tiếp thu ở một giai đoạn rất sơ khai, và thậm chí từ các tổ tiên giống khỉ lâu đời, vẫn tạo ra xung lực cho một số hành động tốt nhất của mình; nhưng các hành động đó được xác định ở mức cao nhất bởi những mong muốn và phán xét của đồng loại, và điều không may là rất thường xuyên bởi những ham muốn ích kỉ của bản thân. Nhưng khi sự yêu thương, sự thông cảm và sự tự chủ càng được củng cố bởi thói quen, và khi khả năng suy luận càng được khẳng định, dẫn con người đến việc thừa nhận một chân giá trị đối với những phán xét của đồng loại, thì họ sẽ cảm thấy được thúc đẩy, không phân biệt bất kỳ niềm vui hay hình phạt nhất thời nào, để cân nhắc chấp nhận một số đường hướng hành động nhất định. Khi đó họ có thể tuyên bố – cho dù một người man rợ hay một người không có văn hóa không thể nghĩ ra–: Tôi là người phán xét tối cao về hành xử của bản thân, và, để sử dụng lại những lời của Kant, tôi sẽ không vi phạm chân giá trị của nhân loại ở chính bản thân mình.
Trích từ The Descent of Man [Dòng dõi con người], chương IV. Tiêu đề là của ban biên tập.
Từ cuộc đấu tranh để sinh tồn đến đạo đức
Để trở thành con người xã hội, con người nguyên thủy, hoặc tổ tiên giống khỉ của con người, phải tiếp thu cùng những tình cảm bản năng, thứ đã thúc đẩy các động vật khác sống bầy đàn với nhau; và họ đã cho thấy, không có gì nghi ngờ, cùng một tâm tính chung. Họ hẳn sẽ cảm thấy lo lắng khi bị tách khỏi đồng đội, những người mà họ cảm thấy có một mức độ yêu thương nào đó; họ phải cảnh báo lẫn nhau về một mối nguy, và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc tấn công hoặc phòng thủ. Tất cả điều này bao hàm một mức độ thông cảm, trung thành và can trường nào đó. Những phẩm chất xã hội nói trên, mà tầm quan trọng tối cao đối với các loài động vật cấp thấp không bị bất kỳ ai tranh cãi, chắc chắn được những tổ tiên của con người tiếp thu theo cách tương tự, cụ thể là nhờ vào sự chọn lọc tự nhiên, được hỗ trợ bởi thói quen di truyền. Khi hai bộ tộc người nguyên thủy, sống trong cùng một nước, cạnh tranh với nhau, nếu (các hoàn cảnh khác giống nhau) một bộ tộc tập hợp được một lượng lớn những thành viên đầy sinh khí với lòng dũng cảm, thông cảm và trung thành, những người luôn sẵn sàng cảnh báo cho nhau về một mối nguy, để giúp đỡ lẫn nhau và để bảo vệ lẫn nhau, thì bộ tộc đó sẽ có khả năng thành công nhiều hơn và bắt bộ tộc khác phải phục tùng bằng sự chinh phục. [...]
Ở những người man rợ, những người yếu đuối về thể chất hoặc tinh thần sẽ sớm bị loại bỏ; và những người sống sót thường là những người có sức khỏe mạnh mẽ. Ngược lại, chúng ta là những người văn minh, chúng ta làm mọi thứ trong khả năng để kìm hãm quá trình loại bỏ [lẫn nhau]; chúng ta xây nhà cứu tế cho những kẻ ngốc, những người què quặt và những người bệnh tật; chúng ta thiết lập các luật đối với người nghèo; và các bác sĩ của chúng ta thể hiện tất cả các kỹ năng của họ để duy trì cuộc sống của mỗi người cho đến giây phút cuối cùng. [...]
Sự giúp đỡ mà chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để mang lại cho những người thiếu thốn, về cơ bản, là một hệ quả cố hữu của bản năng thông cảm, thứ vốn được tiếp thu như là một phần của các bản năng xã hội, nhưng sau đó, như chúng tôi đã chỉ ra trước đó, bị làm cho trở nên tinh tế hơn và mở rộng hơn. Chúng ta không thể cản trở sự thông cảm của mình, ngay cả dưới áp lực của một lý trí khắt khe, mà không làm tổn hại đến phần cao quý nhất trong bản chất của chúng ta. [...]
Ở những quốc gia có nền văn minh cao, sự tiến bộ liên tục phụ thuộc vào sự chọn lọc tổng quát ở một mức độ thứ yếu; bởi vì những quốc gia đó không chiếm đoạt và tiêu diệt lẫn nhau, như ở những bộ lạc man rợ. Tuy nhiên, những thành viên thông minh nhất trong cùng một cộng đồng sẽ có khả năng thành công cao hơn trong dài hạn so với những người ít thông minh hơn, và sẽ đẻ con đẻ cái nhiều hơn, và đó là một hình thái chọn lọc tự nhiên. Những nguyên nhân dẫn đến sự tiến bộ hiệu quả nhất dường như bao gồm một sự giáo dục tốt khi còn trẻ, trong khi não bộ dễ bị ảnh hưởng, và một khả năng hoạt động xuất sắc ở một cấp độ cao mới, được khắc sâu bởi những người có năng lực nhất và giỏi nhất, được hợp thành trong các luật, phong tục và truyền thống của dân tộc, và được áp đặt bởi công luận. [...]
Sự tiến bộ về phúc lợi của nhân loại là một trong những vấn đề phức tạp nhất. Con người, giống như bất kỳ loài động vật nào khác, chắc chắn đã tiến triển đến điều kiện cao hiện tại nhờ vào một cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn, hệ quả của sự nhân rộng nhanh chóng; và nếu còn có thể tiến cao hơn nữa, thì e rằng con người phải đấu tranh nghiêm ngặt. [...] Tuy nhiên, nếu cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn từng là và vẫn còn là quan trọng đến thế, thì đối với những gì liên quan đến mức cao nhất của bản chất con người, sẽ có những nhân tố khác quan trọng hơn nữa. Bởi vì các phẩm chất đạo đức tiến triển, một cách trực tiếp hay gián tiếp, phụ thuộc rất nhiều vào các hiệu ứng của thói quen, khả năng lý luận, giáo dục, tôn giáo, v.v., hơn là phụ thuộc vào sự chọn lọc tự nhiên; cho dù ta có thể quy cho, với toàn bộ sự vững tin, nhân tố cuối cùng này, các bản năng xã hội, là những thứ đã làm nên nền tảng cho sự phát triển của ý thức đạo đức.
Trích từ The Descent of Man [Dòng dõi con người], chương V và XXI. Tiêu đề là của ban biên tập.
Bản dịch do Michel Prum phối hợp, dưới sự chủ biên của Patrict Tort (Champion Classics, 2013).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “La Sympathie, Plus Noble Partie De Notre Nature”, Le pouvoir de bienveillance, Số đặc biệt L’OBS n099, juillet 2018.




Chú thích:

[*] Alexander Bain (1818-1903), nhà tâm lý học người Scotland.

Print Friendly and PDF