12.4.19

Căn nguyên của những bất ổn kinh tế của trung quốc là gì ư? Là chính trị đấy, đồ ngốc!


BÙI MẪN HÂN: CĂN NGUYÊN CỦA NHỮNG BẤT ỔN KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC LÀ GÌ Ư? LÀ CHÍNH TRỊ ĐẤY, ĐỒ NGỐC!
Bùi Mẫn Hân
Đánh giá về phản ứng của thị trường tài chính trước hàng loạt tin không tốt gần đây [năm 2015] về tình hình kinh tế của Trung Quốc, rõ ràng là cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu không hề nghĩ rằng “phép màu kinh tế” của Trung Quốc sẽ mau chóng hiện nguyên hình. Nhưng đối với những người quen thuộc với cơ sở lý thuyết kinh tế chính trị về các chế độ chiếm đoạt, sự vấp ngã của Trung Quốc là chuyện không chỉ có thể dự đoán mà còn không thể tránh khỏi.
Douglass North (1920-2015)

Hầu hết các giám đốc điều hành và nhà đầu tư có thể quá bận rộn để đọc một công trình nghiên cứu lý thuyết kinh điển dày cộm như cuốn “Institutions, Institutional Change and Economic Performance” [Thể chế, Thay đổi Thể chế và Thành tựu Kinh tế] của sử gia kinh tế, khôi nguyên giải [tưởng nhớ] Nobel [năm 1993] Douglass North, hay một cuốn sách dễ đọc hơn, “Tại sao các Quốc gia Thất bại” của nhà kinh tế giảng dạy tại Viện Công nghệ Massachusetts, Daron Acemoglu, và nhà kinh tế giảng dạy tại Đại học Harvard, James Robinson. Những nhận thức sâu sắc từ các học giả - những người đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế - là đáng để ta chú ý.
Daron Acemoglu (1967-)
James A. Robinson (1960-)
Khái niệm trung tâm của họ là “nhà nước chiếm đoạt” (predatory state), một thuật ngữ học thuật để chỉ một chính quyền tham tàn. Mặc dù có sự khác biệt bề ngoài trong cách giới cầm quyền “săn mồi” (prey) đối với xã hội, đặc điểm cốt lõi của một nhà nước chiếm đoạt là những nhà cầm quyền sử dụng quyền lực chính trị để tự làm giàu cho chính họ.
Nếu quyền lực của nhà nước bắt nguồn từ sự đồng thuận của người bị cai trị và bị ràng buộc bởi nguyên tắc thượng tôn pháp luật/pháp quyền (rule of law), giai cấp cầm quyền sẽ ít có khả năng để lấy cắp của cải của nhân dân. Tuy nhiên, nếu những nhà cầm quyền đặt bản thân họ lên trên luật pháp và sử dụng bạo lực do nhà nước kiểm soát độc quyền để bảo vệ đặc quyền lấy cắp của họ, họ có thể bòn rút của cải ra khỏi xã hội theo ý muốn. Những ví dụ khét tiếng nhất trong lịch sử gần đây là Ferdinand Marcos ở Philippines và Mobutu Sese Seko của Zaire, cả hai đều đồng nghĩa với những quan chức ăn cướp (kleptocats).

Bòn rút từ từ

Mobutu Sese Seko (1930-1997)
Ferdinand Marcos (1917-1989)
Các nhà nước được cai trị theo chế độ chiếm đoạt có thể làm bần cùng hóa xã hội của họ. Hình thức bần cùng hóa (pauperization) cực đoan và thảm khốc nhất là sự cướp bóc trắng trợn của những kẻ độc tài có tầm nhìn ngắn hạn.
Các chế độ chiếm đoạt tinh vi hơn, thường do các đảng chính trị chuyên chế (authoritarian) được tổ chức chặt chẽ có tầm nhìn dài hạn hơn nhiều, ưa thích một chiến lược tinh tế và bền bỉ hơn bòn rút của cải từ xã hội của họ. Thay vì lấy cắp ngay lập tức và chẳng thèm che dấu vốn có thể phá hủy khối lượng tư bản (capital stock)[1] của quốc gia và do đó đe dọa lợi ích tập thể lâu dài của họ, thì các chế độ chiếm đoạt do các đảng chính trị có tổ chức kiểm soát sẽ dựa vào các biện pháp lấy cắp gián tiếp, được ngụy trang và thường xuyên.
Thông thường, các nhà nước đưa ra các quy tắc phức tạp để hạn chế tính lưu động của tư bản (khi tư bản tự do di chuyển thì khó bị lấy cắp), làm cho các quyền tư hữu trở nên bấp bênh (tài sản không được bảo vệ dễ bị cướp hơn), kiểm soát lĩnh vực ngân hàng (đánh thuế người dân thông qua lãi suất âm và dành các khoản tín dụng cho những người vay ưa thích), duy trì các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước (để chuyển của cải cho những người thuộc giới cầm quyền kiểm soát các công ty này) và nắm độc quyền các lĩnh vực quan trọng (để gián tiếp đánh thuế lên xã hội).
Nếu so sánh, các chế độ chiếm đoạt dựa trên tập thể rõ ràng là tinh vi hơn nhiều so với các chế độ chiếm đoạt mang tính cá nhân và có xu hướng giữ vững quyền lực lâu hơn nhiều. Mặc dù hệ thống lấy cắp từ từ (slow theft) như vậy có thể được ưa thích hơn hệ thống cướp bóc nhanh chóng (fast plunder), nhưng các doanh nhân (entrepreneur) trong khu vực tư nhân và những người dân bình thường cảm thấy ít có sự thoải mái khi phải sống trong chế độ như vậy và nhìn thấy một phần đáng kể của cải khó nhọc kiếm được bị tước đi mà không có sự tán thành của họ. Tuy nhiên, các phương tiện lấy cắp từ từ tinh vi và lén lút có thể là, các doanh nhân trong khu vực tư nhân và người dân cuối cùng sẽ nhận ra bộ mặt thật của hệ thống này và mất động lực làm việc. Hơn nữa, trong khi một hệ thống lấy cắp từ từ có thể tạo ra sự giàu có lớn hơn so với một hệ thống cướp bóc nhanh chóng, thì nó vẫn là một hệ thống kinh tế cực kỳ kém hiệu quả. Trong một hệ thống như vậy, các nguồn lực quý giá sẽ bị lãng phí cho các dự án được các nhà cầm quyền ưa thích bởi vì các dự án này có thể giúp họ đảm bảo sự ủng hộ chính trị hay mang lại lợi ích cho gia đình và phe nhóm thân hữu của họ.
Quan điểm nhà nước chiếm đoạt cung cấp một cái nhìn sâu sắc và đáng lo ngại hơn về nguyên nhân của sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Nếu nhìn vào các thiết chế kinh tế và cách vận hành kinh tế chính yếu của Trung Quốc, ta có thể nhanh chóng phát hiện ra một hệ thống lấy cắp từ từ: tài khoản vốn đóng, sự bảo vệ không đáng kể đối với tài sản tư nhân, duy trì sự độc quyền nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và các ngành công nghiệp chính (như viễn thông và năng lượng), các doanh nghiệp khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước (chiếm ít nhất 1/3 GDP) và ngân sách chính phủ chưa minh bạch toàn bộ.

Thứ ít tệ hơn trong hai thứ tồi tệ

Vấn đề là làm thế nào mà hệ thống lấy cắp từ từ này có thể tạo ra một phép màu kinh tế trong 35 năm qua [từ năm 1978]. Câu trả lời rất dễ tìm thấy. Sự thiếu hiệu quả của nền kinh tế luôn luôn có tính tương đối. Hệ thống lấy cắp từ từ có thể không hiệu quả hơn so với các hệ thống tư bản chủ nghĩa tự do mà trong đó việc cướp đoạt từ những nhà cầm quyền sẽ bị hạn chế đến mức tối thiểu, nhưng nó vẫn hiệu quả hơn so với hệ thống cướp bóc nhanh chóng. Trong trường hợp của Trung Quốc, hai yếu tố - lịch sử và cấu trúc - đã cho phép hệ thống lấy cắp từ từ được tiếp tục mà không làm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ hậu Mao Trạch Đông.
Sự thật lịch sử là hệ thống lấy cắp từ từ đã thay thế một hệ thống tồi tệ hơn nhiều: đó là chế độ Maoist toàn trị đã cấm đoán hoàn toàn tinh thần kinh doanh trong khu vực tư nhân và việc tạo ra sự giàu có. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự năng động trong kinh doanh đã được giải phóng bằng cách từ bỏ chế độ Maoist đã làm cho nền kinh tế Trung Quốc chuyển mình, mặc dù điều này khó có thể định lượng.
Yếu tố khác cho phép hệ thống lấy cắp từ từ tiếp tục mà không phá hủy nền kinh tế là một tập hợp các điều kiện và sự biến ngàn năm có một (one-off) cực kỳ thuận lợi, như lợi tức nhân khẩu học/lợi tức dân số (demographic dividend)[2], làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị, toàn cầu hóa và việc Trung Quốc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Những yếu tố này đã thúc đẩy nền kinh tế đạt thành tựu cao đến mức Trung Quốc có thể đủ khả năng thực hiện hệ thống lấy cắp từ từ, điều này được hiểu rõ nhất là một hình thức đánh thuế khác.
Nhưng khi tụt hơi về mặt kinh tế, Trung Quốc không đủ sức gánh cái giá phải trả. Quan trọng hơn, việc công bố số liệu thống kê kinh tế và tài chính của Trung Quốc, đặc biệt là các khoản nợ chất cao như núi của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước cho thấy rằng hệ thống lấy cắp từ từ được tích lũy dần dần có thể gây tai họa chẳng kém hệ thống cướp bóc nhanh chóng.
Bùi Mẫn Hân (1957-)

Sự phân tích nghiệt ngã này cho thấy thách thức cơ bản đối với Trung Quốc chính là vấn đề chính trị, chứ không phải là vấn đề kinh tế. Điều kiện tiên quyết cho những cải cách thực sự cần thiết để khôi phục cơ năng của nền kinh tế là xóa bỏ nhà nước chiếm đoạt và hệ thống lấy cắp từ từ. Nhưng đây là một nhiệm vụ bất khả thi, bởi vì hoàn thành nhiệm vụ này đồng nghĩa với chuyện phá hủy nền tảng kinh tế của sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những người không bị lý luận này của những nhà tất định luận thuyết phục thì nên đọc quyển “Tại sao các Quốc gia Thất bại” và cũng hãy nhìn vào các nước giàu có nhất thế giới. Họ sẽ thấy rằng ngoại trừ các nước sản xuất dầu mỏ, nơi những kẻ thống trị có thể lấy cắp nguồn tài nguyên thiên nhiên, tất cả các xã hội giàu có khác đều bị chi phối bởi nguyên tắc thượng tôn pháp luật/pháp quyền và tránh khỏi cả hệ thống lấy cắp từ từ lẫn hệ thống cướp bóc nhanh chóng.
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là giáo sư về quản lý nhà nước tại trường Claremont McKenna College và là thành viên cao cấp không thường trực của Quỹ German Marshall của Hoa Kỳ.
Nguyễn Anh Minh dịch




Chú thích của người dịch:

[1] Khối lượng tư bản (capital stock) là khái niệm dùng để chỉ tổng khối lượng tư bản hiện có trong nền kinh tế, tức những hàng hóa đã được đầu tư và đang phục vụ trong quá trình sản xuất. Điều này hàm ý người ta có thể biểu thị khối lượng tư bản hiện có bằng một đại lượng duy nhất và khi tính toán nó, chúng ta phải giả định rằng các bộ phận có nhiều sắc thái khác nhau trong khối lượng tư bản (nhà máy, đường xá, máy móc...) được biểu thị bằng một đơn vị chung và cộng được với nhau để tạo ra một đại lượng rõ ràng về khối lượng tư bản tính bằng hiện vật của xã hội.

Theo Marx, tư bản thực ra chỉ là lao động quá khứ được vật hóa, do đó có thể quy về định giá theo một đơn vị chung là thời gian lao động. Trong kinh tế học, khối lượng tư bản được hiểu là tổng giá trị hàng hóa tư bản hiện có tính theo giá cố định, ví dụ một nền kinh tế có khối lượng tư bản bằng 1000 tỷ đồng.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, 2006)

[2] Lợi tức nhân khẩu học (demographic dividend) hay còn gọi là lợi tức dân số xuất hiện khi dân số trong tuổi lao động tăng lên làm tăng tỷ lệ dân số ở độ tuổi tạo ra thu nhập. Tuy nhiên, giai đoạn này cuối cùng sẽ chấm dứt do quá trình chuyển đổi nhân khẩu tiếp diễn, tốc độ tăng của dân số trong độ tuổi làm việc sẽ trở nên chậm hơn so với tốc độ tăng dân số, dẫn đến sự giảm xuống của tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người và ảnh hưởng tới mức chi tiêu bình quân đầu người.

Print Friendly and PDF