26.4.19

Một thời phát triển mới của các địa điểm thông thương của thực dân


Khi các công ty xuyên quốc gia áp đặt luật lệ của mình

MỘT THỜI PHÁT TRIỂN MỚI CỦA CÁC ĐỊA ĐIỂM THÔNG THƯƠNG CỦA THỰC DÂN

Edward Goldsmith (1928-2009)
Phải chăng chúng ta đã đi vào một giai đoạn mới của lịch sử của thực dân? Cho đến thế kỷ thứ XIX, các xã hội công nghiệp đã thi hành một chính sách chiếm đoạt các thị trường của Phương Nam, rồi sau đó đến chiếm đóng quân sự và thôn tính; trong hậu bán thế kỷ thứ XX, và sau khi sự độc lập đã được giao trả, những chính sách được gọi là “phát triển” đã được thể hiện qua những hình thái hoàn toàn mới lạ về sự kiểm soát và chư hầu hóa. Ngày nay, vào thời kỳ của toàn cầu hóa, một hình thái mới của tiến trình thuộc địa hóa đang phát triển nhanh; nó không còn được các Nhà Nước chỉ đạo, mà do các công ty xuyên quốc gia to lớn thực hiện.  
Edward Goldsmith
Ý tưởng, đã có từ rất lâu, về một mô hình phát triển, giống như tiến trình phát triển của một phôi thai, dẫn từ một tình trạng nghèo khổ đến một sự phồn thịnh toàn bộ, một cách liên tục và ngày càng tăng, là một ý tưởng nguy hiểm hơn là ta có thể nghĩ – giống như các thuyết cứu thế. Một nhà kinh tế học Pháp, Francois Partant, đã hiểu được điều đó. Ông khẳng định: “Các nước phát triển đã khám phá cho chính mình một sứ mệnh mới: giúp đỡ Thế Giới Thứ Ba tiến triển trên con đường phát triển vốn chỉ là con đường mà Người Phương Tây đã có tham vọng vạch rõ cho phần còn lại của nhân loại từ biết bao nhiêu thế kỷ rồi …[1].”
Francois Partant (1926-1987)
Randall Baker (1944-)
Thoạt nhìn tình trạng của Phương Nam cho thấy một sự liên tục không thể chối cãi và đầy nghi vấn từ thời thuộc địa cho đến nay: không có sự điều chỉnh biên giới mới nào của các nước mới giành được độc lập; không có bất cứ sự khôi phục nào của các mô hình văn hóa tiền thực dân; không có sự thay đổi nào của các thực tiễn thực dân trong lãnh vực quản lý đất đai. Các nông dân nghèo vốn “đã đồng nhất cuộc đấu tranh cho độc lập với cuộc đấu tranh giành lại đất đai”, đã không có được những mảnh đất để canh tác. “Độc lập dân tộc đã chứng kiến việc đất đai bị một nhóm thực dân mới chiếm đoạt[2]”. Theo nhà bình luận Randall Baker, “về bản chất, đó chính là lịch sử của một sự liên tục[3]”.
Jules Ferry (1832-1893)
Hai từ “phát triển” và “chủ nghĩa thực dân” (ít nhất là trong pha cuối cùng của nó, sau năm 1870) phải chăng chỉ một hiện tượng duy nhất hưởng tới cùng một mục tiêu? Ta có thể nghĩ như vậy, khi ta thấy rằng mục tiêu này đã được các người tán thành nó một cách cuồng nhiệt nhất xác định một cách trắng trợn. Chẳng hạn như Jules Ferry đã từng tuyến bố trước Quốc Hội ở Paris vào tháng 5 năm 1885: “Đối với một nước như nước ta, mà chính đặc tính của nền công nghiệp gắn liền với những xuất khẩu to lớn, thì vấn đề thuộc địa là vấn đề trọng yếu cho sự chiếm đoạt những thị trường. Trên phương diện đó, sự thiết lập một thuộc địa là sự thành lập một thị trường.” Paul Leroy-Beaulieu, tác giả của một quyển sách có ảnh hưởng rất lớn, Về công cuộc thực dân của các dân tộc hiện đại, vào năm 1874, cũng không nói gì khác, cũng như Cecil Rhodes hay Lord Lugard ở Anh.
Tuy nhiên, có nhiều nước ở Á Châu hay ở nơi khác, đã không muốn dâng lên cho các cường quốc Tây Phương những thị trường, cũng như những nhân công, những nguyên liệu được thèm muốn của họ. Họ cũng không muốn để cho các công ty hoạt động trên lãnh thổ của họ hay mở ra những công trường “phát triển” to lớn về hệ thống đường xá hay các hầm mỏ. Các nước thực dân đã thực hiện vô số các áp lực. Chẳng hạn, đã cần đến hai cuộc chiến tranh để ép buộc Trung Quốc mở các cảng của họ cho việc mậu dịch với Anh và Pháp.
Sự phát triển của chủ nghĩa thực dân đòi hỏi những nhượng địa ngày càng lớn, tạo nên những điều kiện ngày càng có lợi cho các công ty Âu Châu. Khi mà sự kháng cự tại địa phương quá mạnh, khi mà một chính quyền quốc gia hay dân túy được thành lập, các cường quốc Âu Châu lại dùng đến sự chiếm đóng quân sự và thôn tính. Một sử gia Anh đã viết “Chủ nghĩa thực dân không phải là một sự lựa chọn mà là phương cách cuối cùng[4].”
Dưới tác động của chủ nghĩa thực dân và các giá trị Tây Phương, các xã hội truyền thống, ở Á Châu và ở Phi Châu, dần dần tan rã. Và điều này càng làm cho việc duy trì các điều kiện thuận lợi cho mậu dịch và sự xâm nhập của Phương Tây càng được dễ dàng hơn. Vào giữa thế kỷ XX, vào thời điểm của cuộc phi thực dân hóa và sự thành hình các nền độc lập, các nhà đầu tư và các thương gia Châu Âu cuối cùng cũng đã “hoạt động được theo ý muốn của mình trong khuôn khổ của đa số các quốc gia bản địa được tái thiết, giống như những người tiền nhiệm của họ đã mơ ước thực hiện vào thế kỷ XIX, nhưng lại không phải đối phó với những vấn đề đã từng buộc xây dựng một đế chế như là một kế sách cần thiết[5].”
Nói một cách khác, chủ nghĩa thực dân đã không bị diệt vong vì các cường quốc Châu Âu đã buộc phải bỏ những lợi nhuận mà nó mang lại; mà chính vì, ở thời điểm đó, họ có thể có được những lơi nhuận này với những phương pháp dễ được chấp nhận hơn. Và cũng có hiệu quả hơn. Đó là những gì mà các nhà ngoại giao và các nhà lãnh đạo kinh tế đã nghĩ khi họ họp tại Washington vào năm 1939, dưới sự bảo hộ của Ủy Ban Mỹ về Quan Hệ Quốc Tế. Họ cố gắng tìm những phương tiện để làm cho kinh tế thế giới phải phục tùng những quyền lợi của nền thương mại của Mỹ, một khi chiến tranh chấm dứt. Những cuộc thảo luận này sẽ dẫn đến Hội Nghị nổi tiếng đã diễn ra ở Bretton Woods năm 1944[6], đánh dấu sự thành lập Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Ở thời điểm đó, người ta coi tự do mậu dịch là “một cuộc cạnh tranh trên một sân chơi bằng phẳng” mà không có những lợi thế bất chính. Nhưng khi kẻ mạnh tấn công người yếu, ngay cả trên một sân chơi bằng phẳng, kết cuộc của cuộc chơi phải chăng đã được ấn định trước? Vào thời điểm của Bretton Woods, Mỹ hoàn toàn kiểm soát lĩnh vực chính trị - kinh tế, công nghiệp Châu Âu đã bị chiến tranh tàn phá, và Nhật thì bị chiếm đóng và lệ thuộc.
Eric J. Hobsbawm (1917-2012)
Một thế kỷ trước đó, chính Anh là nước cổ vũ cho tự do mậu dịch, cũng với những lý do trên: vì Anh thống trị nền kinh tế thế giới, tự do mậu dịch phục vụ cho những quyền lợi thương mại của nó. Từ năm 1860 đến 1873, London đã thành công trong việc tạo ra cái hạt nhân đầu tiên của “một hệ thống thế giới toàn diện về những luồng trao đổi được coi như là vô hạn về vốn, hàng hóa và người lao động” như nhà sử học Eric Hobsbawm đã nhận định. Chỉ Mỹ vẫn triệt để theo đuổi một chính sách bảo hộ, chỉ chấp nhận giảm thuế quan từ năm 1832 đến 1860, rồi từ năm 1861 đến 1865, sau cuộc Nội chiến.
Khoảng năm 1870, Anh đã bắt đầu mất lợi thế của mình đối với các đối thủ của mình. Xuất khẩu của họ đã tụt giảm từ năm 1873 đến 1890, rồi sau đó vào cuối thế kỷ. Cũng vào thời điểm đó, những cơn khủng hoảng kéo dài của những năm 1870 và 1890 đã làm xói mòn niềm tin vào sự hiệu nghiệm của tự do mậu dịch. Đặc biệt trong những năm 1890, các nước Âu Châu, ngoại trừ Bỉ, Anh và Hà Lan, đã tăng thuế quan của họ. Khi thấy các thị trường của họ bị thu hẹp, các công ty đã hướng tới những thị trường của Phi Châu, Á Châu, Châu Mỹ La Tinh và Thái Bình Dương, nay có thể tới được nhờ các tàu chở hàng nhanh và có trọng tải lớn. Để thực hiện được điều này, thì cần phải xâm chiếm và bắt các nước nào khả dĩ có thể mua các sản phẩm của họ với một lợi nhuận cao phục tùng, mà không e ngại sự cạnh tranh, không cần phải quan tâm đến sự cạnh tranh của các nước Âu Châu khác có hiệu quả cao hơn[7]. Đó là thời điểm của sự đổ xô tới các thuộc địa. Năm 1878, 67% các vùng đất cao hơn mức nước biển trên thế giới đã bị người Châu Âu chiếm lấy. Đến năm 1914, tỷ lệ này đã tăng lên đến 84,4%.
Cách tốt nhất và thông minh nhất để mở những thị trường là tạo ra ngay tại chỗ một thành phần ưu tú Âu hóa, đã chịu phục tùng sự tiến bộ kinh tế, và thờ ơ về những hậu quả của nó trên đời sống của đa số đồng bào của họ. Điều này, vẫn đúng hiện nay, giải thích vì sao quyền lợi của các chính phủ các nước Phương Nam thường “đối lập với quyền lợi của phần đông những người bị cai trị[8]” như Francois Parlant đã nhấn mạnh.
Tất nhiên, sự cần thiết phải xây dựng những thành phần ưu tú như vậy đã được các cường quốc lĩnh hội. Sau cuộc nổi dậy ở Ấn Độ vào năm 1857, đề tài thảo luận chính trong giới chính trị ở London là, để ngăn chặn những biến loạn mới, phải chăng đã đến thời điểm đào tạo một thành phần ưu tú được Anh hóa, ủng hộ mậu dịch, hay là vẫn tiếp tục duy trì sự chiếm đóng quân sự, theo ý kiến phổ biến nhất[9].
Tất nhiên, những thành phần ưu tú này phải được trang bị với vũ khí để có thể áp đặt một chính sách phát triển đòi hỏi sự trưng dụng hay sự bần cùng hóa của phần đông người dân. Đó vẫn còn là một mục tiêu chính của các chương trình viện trợ để phát triển: hai phần ba viện trợ của Mỹ cho các nước Phương Nam liên quan đến sự hỗ trợ về phương diện an ninh, và đặc biệt là bao gồm chương trình huấn luyện quân sự và sự chuyển giao vũ khí[10]. Phần lớn các chính phủ đã nhận được sự viện trợ về mặt an ninh đều là những chế độ độc tài quân phiệt. Đó là trường hợp, vào những năm 1960 và 1970, của Nicagarua, Salvador, Guatemala, Chili, Argentina, Uruguay, Paraguay, Brazil và Pérou.
Jacobo Arbenz (1913-1971)
Joao Goulart (1918-1976)
Cho nên, khi mà một chính phủ bất lợi cho những quyền lợi của Phương Tây lên nắm quyền lực ở Châu Mỹ La Tinh, Washington đã làm tất cả những gì có thể để lật đổ nó. Năm 1954, Mỹ đã tổ chức một đảo chánh chống lại chính phủ Guatemala của ông Jacobo Arbenz đã quốc hữu hóa các đồn điền trồng chuối của Bắc Mỹ. Vào những năm 60, họ đã lặp lại việc này chống lại Cuba và chế độ của Fidel Castro bằng cách tổ chức cuộc đổ bộ ở Vịnh Con Heo vào năm 1961; và chống lại Brazil khi Joao Goulart muốn thực hiện một cuộc cải cách ruộng đất và kiểm soát các hoạt động của các công ty đa quốc gia của Mỹ; rồi vào năm 1965, chống lại nước Cộng Hòa Dominica. Và thêm nữa, vào năm 1973, chống lại Chili của tổng thống Salvador Allende, rồi chống lại nước Nicaragua theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, rồi chống lại Granada và vào năm 1989 chống lại Panama.
Cũng với cách đó, dưới thời thực dân, các cường quốc Châu Âu đã không ngừng gởi quân đội để giúp đỡ các chế độ lệ thuộc đối đầu với những cuộc nổi dậy của nhân dân. Pháp và Anh đã đóng góp vào việc trấn áp cuộc nổi dậy của Phong Trào Thái Bình Thiên Quốc (1854) và sau đó vào việc đè bẹp cuộc nổi dậy chống nước ngoài của Phong Trào Nghĩa hoà đoàn (1900); năm 1882, London cũng đã gởi quân để giúp đỡ thủ lãnh Ismail dẹp cuộc nổi dậy dân tộc của Ai Cập.
Léon M'ba (1902-1967)
Omar Bongo (1935-2009)
Hiện nay các quyền lực Tây Phương cũng không làm gì khác hơn. Vào năm 1964, khi một cuộc đảo chánh đe dọa tổng thống độc tài Mba ở Gabon, Pháp đã gởi lính nhảy dù để tái lập quyền lực của ông này. Những đội quân này đã ở lại với người kế vị, tổng thống Omar Bongo mà nhà báo Pierre Péan định nghĩa như là “người đã được một nhóm người Pháp có quyền lực tuyển lựa để duy trì ảnh hưởng của Pháp sau độc lập”. Mỹ và Vương Quốc Anh cũng đã không có bất cứ sự đắn đo nào trong vùng ảnh hưởng của họ khi cần thiết[11].
Khi mà các thuộc địa cung cấp cho các chính quốc một thị trường cho các sản phẩm công nghiệp được xuất khẩu, nhân công rẻ tiền và những nguyên liệu, thì họ cũng bị tước đi những sản phẩm này cho chính khu vực sản xuất của họ. Do đó nền kinh tế nội địa của họ bị suy yếu rất nhiều, các xí nghiệp bản địa thì chỉ có thể phá sản mà thôi. Chính theo cách như vậy mà Anh đã giết công nghiệp dệt bản địa ở Ấn Độ vốn là dòng máu đã tưới nền kinh tế của bán lục địa này. Ở Tây Phi, vào năm 1905, mọi sản phẩm công nghiệp không có xuất xứ từ Pháp hay từ một nước không nằm dưới quyền cai trị của Pháp đều phải chịu một loại thuế khiến cho giá của nó tăng lên, làm cho các nhà buôn bán và các thợ thủ công bị sạt nghiệp.
Sự yếu đuối như thế đã được duy trì trong giai đoạn hậu chiến. Tây Phương đã chỉ cho phép sản xuất một số rất ít các sản phẩm xuất khẩu. Thí dụ điển hình là đường: dưới áp lực của Ngân Hàng Thế Giới, đã có những vùng rộng lớn ở Phương Nam được dành cho việc trồng mía, trong khi Liên Minh Châu Âu, cũng như Mỹ, vẫn tiếp tục tài trợ cho ngành sản xuất đường của chính họ, với hậu quả là một sự suy sụp của giá đường. Trong tình huống này thì làm sao mà có thể ngạc nhiên về sự suy sụp của các tỷ số mậu dịch với nước nghèo của Phương Nam.
Từ năm 1950 đến 1980, khi một trong những nước đó tìm cách đa dạng hóa nền sản xuất của mình, thì nó lại bị tố là đã muốn có một chiến lược “thay thế cho các sản phẩm nhập khẩu”, một cái tội không thể chấp nhận được và lập tức bị Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trừng phạt bằng cách từ chối mọi khoản vay để điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Vả lại “các sản phẩm xuất khẩu của các nước phải chịu những chương trình để điều chỉnh cơ cấu sản xuất có xu hướng tăng lên, trong khi tổng sản lượng nội địa của họ không nhất thiết tăng lên vì phải chịu sự co lại không thể tránh khỏi của nền kinh tế của họ[12], như Walter Bello đã ghi nhận.
Cho các thành phần ưu tú đồng lõa của một nước không công nghiệp chắc chắn vay nhiều là biện pháp tốt nhất để có thể tiếp cận thị trường và các nguồn nguyên liệu của nước này. Để có thể trả lãi, chính phủ của nước đã vay buộc phải đầu tư trong những khu vực sản xuất có hiệu quả cao mà còn phải có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vì cả sự hoàn trả được thanh toán bằng ngoại tệ, thường là đô la Mỹ.
Than ôi! chính phủ của nước ở Phương Nam này có rất ít khả năng đạt đến mục tiêu đó. Khoảng 20% của số vốn được vay lại rơi vào trong túi của những chính trị gia và công chức của nước này. Một số lớn số tiền này được thanh phần ưu tú xài để mua sắm các sản phẩm xa xỉ, được đầu tư trong những công trình hạ tầng khổng lồ vốn chỉ đem lại lợi ích trong tương lai xa, nếu không phải là không bao giờ, và trong việc mua vũ khí để tránh sự nổi dậy của chính những nạn nhân của loại hình phát triển này. Một nước vay nhiều sẽ sớm phải chịu áp lực của nợ nần và do đó cũng sẽ bị các nước cho vay khống chế. Lúc đó, thì những nước này sẽ thể hiện sự thống trị của họ trong thực tại, bằng cách buộc con nợ phải chịu sự kiểm soát của một định chế (hiện nay là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) vốn sẽ chi phối kinh tế (của nước vay mượn) để bảo đảm các lãi được trả một cách đều đặn. Nước đi vay biến thành một loại thuộc địa “không chính thức”.
Cho vay, một phương tiện kiểm soát
Kỹ thuật của “chủ nghĩa thực dân không chính thức” không phải là mới. Nó đã thường được sử dụng dưới thời thực dân, ở Ai Cập cũng như ở Tunisia. Người lãnh đạo (Bey) của Tunis đã vay rất nhiều để củng cố quân đội và để nới lỏng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Một phần lớn của số tiền đã được vay tương ứng với những trái phiếu do một số người Pháp nắm giữ. Những người này đã yêu cầu sự can thiệp của bộ Ngoai Giao Pháp và đã được chấp thuận. Sự quản lý lãnh thổ Tunis phải chịu sự giám sát, một kỹ thuật đã được Pháp và Anh thử thách và nay vẫn được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế sử dụng.
Ủy ban hỗn hợp Pháp-Tunisia, được thành lập năm 1869, đã áp đặt những điều kiện khắt khe. Nó tự ban cho mình quyền thu thuế và phân phối thu nhập của Nhà Nước nhằm bảo đảm rằng các cổ đông là những người đầu tiên được chi trả. Tổng thống William Clinton cũng vừa mới ép buộc Mêhicô phải chấp nhận một hiệp ước tương tự, bằng cách cầm cố tài nguyên chính của mình là dầu hỏa, để có thể vay được một số tiền lên đến hàng tỷ đô la, được sử dụng như là sự bảo lãnh dành cho các nhà tài phiệt của Wall Street.
Harry Magdoff (1913-2006)
Bắt đầu từ năm 1869, “nền tài chánh công của Tunisia, tức là chính phủ thật sự của nó, đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của nước ngoài[13]”. Tunisia đã trở thành một thuộc địa “không chính thức”, những áp lực của nước ngoài cho việc trả lãi gia tăng, lãnh đạo đã buộc phải tăng thuế, và do đó nhân dân cũng bắt đầu nhốn nháo và tố cáo chính phủ đã bị bán cho nước ngoài. Sự thôn tính thật sự đã xảy ra năm 1881 (có lẽ là nó đã không xảy ra nếu không có nỗi lo sợ bị Ý phỗng tay trên). Một câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở Ai Cập. Harry Magdoff đã tóm tắt nó một cách hoàn hảo: “Sự mất đi quyền tự quyết của Ai Cập làm ta nhớ đến tiến trình đã xảy ra ở Tunisia: tín dụng dài hạn được các nước Châu Âu cấp một cách dễ dàng, sự phá sản, sự kiểm soát gia tăng của ủy ban về khoản nợ nước ngoài, sự bóc lột giới nông dân để có thể thu được số tiền cần thiết cho việc trả lãi, sự khuấy động dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng, sự xâm chiếm quân sự bởi một quyền lực nước ngoài[14]”.
Tất nhiên, thời đại phát triển đã cải tiến kỹ thuật cho vay như là phương tiện kiểm soát. Từ nay, cái chủ yếu đã được che giấu dưới danh từ mỹ miều “viện trợ”, được biện minh bởi tình trạng “nghèo khổ” của Thế giới Thứ Ba, một triệu chứng của sự chậm tiến, mà sự phát triển được coi như là giải pháp tạm thời tất yếu. Để thoát khỏi được tình trạng chậm tiến, cần phải có vốn và kỹ thuật, đó cũng chính là những gì mà hệ thống các công ty Phương Tây có thể cung cấp. Theo chính những từ của John M. Galbraith, “chúng ta đã có vắc-xin, do đó chúng ta đã sáng tạo ra bệnh giang mai”.
Ngày nay, các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore hay Hongkong được tôn lên thành những mẫu mực. Tuy nhiên cả Singapore lẫn Hongkong đã không vay nhiều để phát triển. Đài Loan cũng có vay chút ít, lúc ban đầu, nhưng đã biết chống lại áp lực của Mỹ ép họ phải chi tiêu nhiều hơn. Chỉ có Hàn Quốc đã vay một cách đáng kể. Nếu Hàn quốc đã thành công khi các nước khác đã thất bại, và mua lại khoản nợ nhờ vào hàng xuất khẩu, đó chính là vì họ đã biết chống cự lại áp lực của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ép họ phải mở rộng thị trường của mình. Sự kiểm soát hàng nhập khẩu và vốn đầu tư đã được Seoul duy trì, cũng như Nhật bản trước đây. Nhà kinh tế học Cheryl Payer đã ghi nhận rằng “trong thế giới hiện nay, sự khan hiểm thật sự không phải là vốn mà là thị trường[15]”.
Hiện nay, viện trợ được xem như là một công cụ rất tốt để mở ra những thị trường vì một phần lớn của sự viện trợ gắn với việc mua những sản phẩm do nước viện trợ xuất khẩu. Giống như các thuộc địa trước đây bị ép buộc phải mua những hàng hóa được chính quốc chế biến. Thay vì dành những tín dụng có được để giảm bớt sự nghèo khổ và tình trạng kém dinh dưỡng, các nước hưởng được những tín dụng này đã buộc phải dùng đến gần 70% số tiền vay để mua những trang thiết bị không thích hợp và những sản phẩm công nghiệp của những nước cho vay hào phóng. Và nếu họ dám từ chối mua, họ sẽ sớm bị khuất phục chỉ bằng sự đe dọa hủy bỏ những tài nguyên mà họ càng ngày càng lệ thuộc.
Được thiết kế như vậy, sự viện trợ thường là vô ích đối với những người nghèo của Phương Nam vì lý do đơn giản là nền kinh tế địa phương, vốn là phương tiện nuôi sống họ, hoàn toàn không cần đến những xa lộ, những đập lớn, những giống lai, những phân bón và thuốc diệt trùng của cuộc “cách mạng xanh”. Những sản phẩm này chỉ liên quan đến nền kinh tế toàn cầu hoá đang phát triển chống lại nền kinh tế địa phương, mà môi trường bị nền kinh tế toàn cầu hoá này phá hủy, những cộng đồng bị làm tan rã, những tài nguyên bị hút dần dần: nước, rừng, đất … và nhân công.
Cơn khủng hoảng về nợ vào đầu những năm 1980 đã làm cho đầu tư tư nhân vào các nước Phương Nam bị cạn đi, và tiền vay mượn mới được các ngân hàng phát triển đa quốc gia đề nghị được dùng để chi trả các khoản lãi trên những tín dụng mà các nước con nợ đã vay các ngân hàng tư nhân. Mọi chuyện đã thay đổi chỉ trong vòng vài năm. Đầu tư tư nhân trong một vài nước của Phương Nam - nay được gọi là “các nước mới nổi” - đã tăng lên từng bước nhảy vọt để lên đến 200 tỷ một năm, trong đó phần nửa là vốn đầu tư dài hạn, và phần nửa còn lại là những vốn đầu tư đầu cơ ngắn hạn.
Tăng trưởng to lớn này được giải thích một phần bởi sự không tương hợp giữa những khối tiền khổng lồ sẵn có ở Mỹ và các nước công nghiệp khác vốn tìm cách đầu tư nó, và sự thiếu hụt những cơ hội đầu tư ở các nước phát triển. Một phần nữa là, khắp thế giới các điều kiện không thể ưu đãi hơn đã được dành cho các công ty đa quốc gia: một khối nhân công không lành nghề dồi dào, nhưng cũng có những kỹ thuật viên và cán bộ có kỹ năng rất cao, với một đồng lương rất thấp. Hơn nữa, những công ty này có thể sử dụng tất cả các dịch vụ tài chánh và các kỹ thuật mới nhất về tin học hóa sản xuất và quản lý.
Thêm nữa, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới từ nay buộc các nước Phương Nam phải chấp nhận các khoản đầu tư từ nước ngoài, phải đối xử như là “công ty quốc gia” mọi công ty nước ngoài thiết lập trên đất nước của họ hoạt động trong nông nghiệp, hầm mỏ, công nghiệp và dịch vụ, phải loại bỏ các thuế quan và các mức hạn chế về việc nhập khẩu mọi sản phẩm, kể cả các sản phẩm nông nghiệp, và bãi bỏ “những trở ngại phi thuế quan về thương mại” như luật về lao động, sức khỏe và môi trường khả dĩ có thể làm cho các chi phí sản xuất tăng lên.
Không có bất cứ chính phủ nào, kể cả ở Phương Bắc, còn có thể kiểm soát được các công ty đa quốc gia. Nếu có một luật nào đó gây trở ngại cho sự phát triển của họ, họ liền đe dọa sẽ bỏ đi, và họ có thể làm điều đó ngay lập tức. Họ có quyền di chuyển khắp thế giới để lựa chọn nơi nào có nhân công rẻ nhất, có môi trường ít bị luật lệ kiểm soát nhất, có chế độ thuế nhẹ nhất, cung cấp những khoản hỗ trợ cao nhất. Nay không cần phải bị đồng hóa với một nước nào cả hay để một gắn bó tình cảm (dù nó là tinh thần yêu nước đi nữa) gây trở ngại cho dự án của họ. Họ hoàn toàn thoát khỏi mọi sự kiểm soát.
Khi một số ít các công ty chiếm lĩnh thị trường thế giới về những sản phảm được các công ty này sản xuất và phân phối, thì sự cạnh tranh giữa họ càng ngày càng ít tương ứng với quyền lợi của họ. Sự cạnh tranh làm cho các lời bị thu hẹp; ngược lại, sự hợp tác giúp họ gia tăng sự chi phối đối với các chính phủ, và đối phó với sự chống đối ngày càng lớn của các phong trào dân túy, dân tộc hay khác, muốn hạn chế ảnh hưởng và thế lực của họ. Các công ty ngày càng có chính sách hợp nhất theo chiều dọc giúp cho họ kiểm soát mọi giai đoạn của sự vận hành trong lãnh vực của họ, chẳng hạn từ việc khai thác các khoáng sản đến việc xây dựng các nhà máy, sản xuất và tồn kho các sản phẩm, phân phối đến các chi nhánh ở nước ngoài, bán sỉ và lẻ. Làm như vậy, họ nắm được quyền ấn định giá cả ở từng công đoạn, chớ không phải là thị trường, như họ muốn cho ta nghĩ[16].
Paul Ekins (1950-)
Những giao dịch trên thế giới ngày càng xảy ra giữa các các công ty đa quốc gia và các chi nhánh của họ. Đây thật sự không còn là mậu dịch nữa, mà là kết quả của một kế hoạch hóa tư nhân tập trung trên phạm vi thế giới. Đối với Paul Ekins, nhà kinh tế học và sinh thái học người Anh, các công ty đa quốc gia đã trở thành “những khu vực kế hoạch hóa theo kiểu quan liêu khổng lồ trong một nền kinh tế vốn vẫn giữ tính chất thị trường[17]”. Theo ông, một sự tương đồng cơ bản vẫn còn tồn tại giữa một công ty khổng lồ và một công ty Nhà Nước. “Cả hai đều sử dụng những cấu trúc chỉ huy được tổ chức theo thứ bậc để phân bổ những tài nguyên trong phạm vi của tổ chức của họ, thay vì quay về với thị trường”.
Ta có thể hỏi: Có cách ngăn chặn nào có thể làm cho 50%, 60% hay 80% của nền thương mại của thế giới lại không diễn ra trong nội bộ của những tổ chức này? Bước đột phá này có thể dẫn đến thời kỳ kế hoạch hóa tập trung trên phạm vi của toàn thế giới: chủ nghĩa thực dân của các công ty. Những thế lực thực dân mới này chỉ chịu trách nhiệm về hành vi của họ trước những cổ đông của họ mà thôi. Họ chỉ là những guồng máy để gia tăng lợi nhuận tức thời cho cổ đông của mình[18]. Nhưng họ lại có cái quyền lực để ép buộc một chính phủ bảo vệ, khi cần, quyền lợi của họ chống lại quyền lợi của nhân dân đã bầu ra chính phủ này.
Chủ nghĩa thực dân mới này của các công ty xuyên quốc gia có nguy cơ trở thành trâng tráo và bạo lực nhất chưa từng thấy. Nó có thể tước đoạt, làm cho con người càng nghèo đi và càng bị gạt ra ngoài lề xã hội hơn, phá hủy ngày càng nhiều các nền văn hóa, gây ra nhiều thảm họa sinh thái hơn những gì mà chủ nghĩa thực dân trước đây hay sự phát triển trong năm mươi năm vừa qua đã làm. Nó còn sẽ tồn tại trong bao nhiêu năm nữa? Có thể là vài năm hay vài chục năm nữa, nhưng một nền kinh tế gây ra sự khốn khổ ở một quy mô như vậy khó có thể tồn tại lâu dài.
Edward Goldsmith
Nhà sáng lập tạp chí The Ecologist (London), tác giả của Bản Báo Cáo về Trái Đất, NXB Stock, 1990
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Une seconde jeunesse pour les comptoirs coloniaux”, Le Monde diplomatique, Avril 1996




Chú thích:

[1] François Partant, La Fin du développement, François Maspéro, Paris, 1982.

[2] Eric Jacoby, “Agrarian Unrest in South East Asia”, New York, 1961, cité in George Beckford, Persistent Poverty, Zed Books, Londres, 1983.

[3] Randall Baker, “Protecting the environment against the poors”, The Ecologist, Londres, vol. 14, no 2, mai-avril 1984.

[4] D. K. Fieldhouse, Economics and Empire, 1830 to 1914, Macmillan, Londres, 1984.

[5] Idem.

[6] David Korten, The Failures of Bretton Woods, in Jerry Mander et Edward Goldsmith The Case Against the Global Economy, Sierra Club Books, San Francisco (à paraître en septembre 1996).

[7] D. K. Fieldhouse, op. cit.

[8] François Partant, op. cit.

[9] D. K. Fieldhouse, op. cit.

[10] Kevin Danaher, Betraying the National Interest, Grove Press, New York, 1988.

[11] Marcus Colchester, “Slave and Enclave; Towards a Political Ecology of Equatorial Africa”, The Ecologist, vol. 23, no 5, septembre-octobre 1993.

[12] Walden Bello, Dark Victory, Pluto Press, Londres, 1994.

[13] D. K. Fieldhouse, op cit.

[14] Harry Magdoff, Imperialism: From the Colonial Age to the Present, Monthly Review Press, New York, 1978.

[15] Cheryl Payer, Lent and Lost: Foreign Credit and Third World Development, Zed Books, Londres, 1991.

[16] Cité par John Hultgren, “International Political Economy and Sustainability”, contribution non publiée, Oberlin College, mai 1995.

[17] Paul Ekins, “Trade and Reliance”, The Ecologist, vol. 19, no 5, septembre-octobre 1989.

[18] Jerry Mander, “The Corporations as a Machine”, in Jerry Mander and Edward Goldsmith, op. cit.

Print Friendly and PDF