MỐI LIÊN HỆ ĐÁNG NGẠC NHIÊN CỦA CUỘC CHIẾN UKRAINE VỚI KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH NĂM 2008 - VÀ MỐI LIÊN HỆ TƯƠNG ĐỒNG VỚI NĂM 1939
Tác giả: Ronen Palan
Sự sụp đổ của Lehman là tâm chấn của cuộc khủng hoảng năm 2008. Ảnh: Frances Roberts/Alamy |
Các điểm tương đồng lịch sử thật kỳ lạ. Một thập kỷ hoặc lâu hơn sau hai cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc nhất trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, vào năm 1929 và năm 2008, một cuộc xung đột khủng khiếp đang bắt đầu ở châu Âu có nguy cơ lôi kéo toàn thế giới vào cuộc. Cho đến nay, cuộc chiến Ukraine rõ ràng là có trình tự khác với chiến tranh thế giới II, nhưng sự xung đột của các hệ tư tưởng cũng là cơ bản.
Nếu những điểm tương đồng này không thu hút được nhiều sự chú ý, tôi nghi ngờ đó là vì bề ngoài, chúng không có ý nghĩa gì nhiều. Điều quan trọng là nhận ra rằng các cuộc khủng hoảng tài chính và chiến tranh lớn đều là triệu chứng của các vấn đề cấu trúc sâu sắc hơn trong các xã hội - những chuyển động kiến tạo cơ bản đã tạo ra những vết nứt trên bề mặt.
Một điều gì đó quan trọng đã xảy ra với chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỷ 19. Cho đến lúc đó, nhân loại sống một cuộc sống bấp bênh. Nguồn cung hàng hóa phụ thuộc vào thời tiết, nhưng cầu thường không phải là vấn đề. Cầu đã thay đổi cùng với phương pháp sản xuất khoa học trong nông nghiệp và chế tạo sản phẩm, đưa ra những thứ như phân bón và máy móc mạnh mẽ. Bắt đầu từ Hoa Kỳ, quốc gia tiên phong về công nghệ, giờ đây quá nhiều hàng hóa đang tìm kiếm quá ít người có đủ tiền để mua hàng.
Điều này về cơ bản đã làm mất ổn định chủ nghĩa tư bản, tạo ra các tình huống những người cho vay được mở rộng quá mức trong khi nhà sản xuất không thể tìm thấy đủ khách hàng khiến họ không trả được nợ. Có rất nhiều cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 - cho đến lúc ấy và sau đó là ngoạn mục nhất vào năm 1929. Và theo cái được biết là lý thuyết điều tiết của Pháp, cung vượt quá cầu về hàng hóa là cốt lõi của vấn đề.
Có thể lập luận rằng chiến tranh thế giới II là một trận chiến lớn giữa bốn mô hình công nghiệp mà mỗi mô hình đưa ra giải pháp riêng cho vấn đề này. Giải pháp của Anh là cố gắng tái tạo nền kinh tế đế chế trước chiến tranh thế giới I tập trung vào Anh (trong đó, đúng vậy, Ukraine và Nga đã đóng vai trò là nhà sản xuất ngũ cốc).
Stalin: ‘nyet’ (nói ‘không’) với mô hình đế chế Anh. Ảnh: Wikimedia |
Vào đầu những năm 1920, ngay sau cuộc cách mạng Nga, người Anh đã tạo cơ hội cho Liên Xô tái hòa nhập vào tầm nhìn về một hệ thống thương mại coi trọng việc buôn bán. Điều này cuối cùng đã bị bác bỏ trong cuộc tranh luận diễn ra sau đó ở Nga.
Nhưng cuộc tranh luận một phần đã dẫn đến mô hình “chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia“ của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin (trái ngược với quan điểm của Karl Marx rằng chủ nghĩa cộng sản đòi hỏi phải có cuộc cách mạng thế giới). Hệ thống của Stalin là một nền kinh tế kế hoạch hóa, nơi cung và cầu hàng hóa công nghiệp sẽ do nhà nước tổ chức.
Trong khi người Anh xoay trục sau sự sụp đổ năm 1929 để tự bảo vệ thông qua một hệ thống thương mại áp đặt thuế quan cao bên ngoài đế chế, thì những người theo chủ nghĩa xã hội dân tộc của Đức đã phát triển một mô hình khác. Họ dự tính một nền kinh tế bán kế hoạch hóa, về cơ bản là tư bản chủ nghĩa nhưng các ngành công nghiệp chủ chốt đã được quốc hữu hóa, cùng với các công đoàn.
Có một biến thể khác đến từ Hoa Kỳ - “New Deal (Thỏa thuận mới)”. Mô hình này kết hợp các hệ thống tiện ích, quốc phòng, giáo dục và lương hưu được quốc hữu hóa với một nền kinh tế doanh nghiệp có kế hoạch do các tập đoàn lớn điều hành, nhưng tất cả đều được xây dựng dựa trên quyền sở hữu tư nhân. Có nhiều điểm tương đồng với mô hình của Đức, mặc dù mô hình của Hoa Kỳ cuối cùng được xây dựng dựa trên nền dân chủ.
Năm 1939, bốn hệ thống khác nhau này xảy ra chiến tranh. Phiên bản thứ tư đã chiến thắng. Nó đã được điều chỉnh phần nào trong thời gian trên, nhưng về cơ bản chúng ta gọi đây là chiến thắng, là toàn cầu hóa. Công cuộc toàn cầu hóa đó hiện đang gây tranh cãi, và trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh ý thức hệ tương đương ngày nay.
Cuộc khủng hoảng năm 2008 không tàn khốc như năm 1929, nhưng nó đã phá hủy nghiêm trọng mô hình thống trị của nền kinh tế tư bản thị trường. Trong nhiều thập kỷ, mô hình kinh tế này đã được bán cho các cử tri dưới tiêu đề “tự do”, nghĩa là quyền ưu tiên của tài sản tư nhân kết hợp với quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng. Điều này phù hợp chặt chẽ với một “thị trường tự do” được thống trị bởi các tập đoàn đa quốc gia chuyển vùng một cách tự do trên toàn thế giới trong khi vẫn tránh né thuế và các nghĩa vụ của cá nhân và của công ty.
Một hình thức khác của chủ nghĩa tư bản xuất hiện từ cuối thế kỷ 20 chỉ chia sẻ một số giả định đó. Nga quay trở lại chủ nghĩa tư bản do nhà nước thống trị sau khi trả giá tốn kém cho việc tán tỉnh kinh tế học tân tự do vào những năm 1990. “Giải pháp” đó là cơ sở cho sự nổi tiếng và quyền lực của Putin.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thận trọng mở cửa nền kinh tế từ cuối những năm 1970 như một cách để tránh sụp đổ. Có lẽ quan sát kinh nghiệm những năm 1990 của Nga, nước này đã dự kiến tiến xa hơn nhiều, đảm bảo rằng phiên bản chủ nghĩa tư bản của Trung Quốc vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Trong một biến thể thứ ba, các quốc gia vùng Vịnh khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và hàng tỷ đô la đầu tư vào quốc gia của họ, nhưng luôn nằm dưới sự kiểm soát của một số sheikh[*] và gia đình cầm quyền của họ. Đối với họ, cách tiếp cận độc đoán này về cơ bản phản ánh những gì họ đã luôn từng là - và sẽ là điều dự đoán được trong tương lai gần.
Chủ nghĩa tư bản kiểu Ả Rập được trưng bày tại Dubai Expo. Ảnh: EPA |
Những phiên bản này của chủ nghĩa tư bản bề ngoài đang trên đà phát triển trong suốt những năm 2010, đặc biệt là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cuộc khủng hoảng đã làm giảm sút niềm tin của mọi người rằng thị trường có khả năng giải quyết vấn đề, đồng thời gây tổn hại niềm tin vào chính tầng lớp chính trị và nền dân chủ. Với việc các ngân hàng được cứu trợ trong khi người dân phải thắt lưng buộc bụng, thật dễ dàng để nghĩ rằng Trung Quốc, Nga hoặc một số hương vị của chủ nghĩa dân túy phương Tây có thể là tương lai.
Cho đến nay, mỗi nhánh khác nhau của chủ nghĩa tư bản độc tài dường như là một hòn đảo riêng của nó, chỉ thỉnh thoảng liên kết với một nhóm khác, nhưng chiến tranh ngày nay dường như đã thay đổi tất cả những điều đó. Nó đang nhanh chóng biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa dân chủ chuyên quyền và dân chủ tự do. Trung Quốc, các quốc gia vùng Vịnh, có thể là Ấn Độ - và các đảng viên Cộng hòa ủng hộ Trump ở Hoa Kỳ - trong trường hợp tốt nhất có thái độ nước đôi đối với cuộc chiến của Nga, trong khi phần còn lại của thế giới thì không.
Ai sẽ là người chiến thắng? Nga có thể đang gặp khó khăn về mặt quân sự ở Ukraine, nhưng sẽ không thể thắng cuộc chiến ủy nhiệm vì tương lai của chủ nghĩa tư bản này bằng tên lửa Stinger. Thật kỳ lạ, vấn đề là phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ và EU, đã xoay sở để đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ không tàn khốc như nó có thể xảy ra. Họ đã làm điều này với sự kết hợp của thắt lưng buộc bụng, cắt giảm lãi suất xuống 0 và tăng ồ ạt cung tiền thông qua nới lỏng định lượng.
Điều này đi kèm với một thẻ giá cao. Bất bình đẳng ngày càng trở nên tồi tệ hơn, ngay cả trước khi lạm phát tăng mạnh gần đây. Một lần nữa, chúng ta gặp phải vấn đề về cầu: nếu mọi người không đủ khả năng mua hàng hóa và dịch vụ mà các nhà sản xuất đang bán, thì bất ổn kinh tế sẽ ngày càng gia tăng. Vì vậy, trong khi chủ nghĩa độc tài có vẻ kém hấp dẫn hơn khi Putin đang đánh đổ Ukraine, các điều kiện tạo ra chủ nghĩa dân túy chỉ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Ronen Palan (1957-) |
Trừ khi và cho đến khi phương Tây thực sự hình dung lại chủ nghĩa tư bản - có lẽ với phiên bản những năm 2020 của thỏa thuận mới - cuộc chiến ủy nhiệm năm 2022 có thể sẽ tiếp tục tìm kiếm những mặt trận mới.
Về tác giả
Ronen Palan là Giáo sư Chính trị Quốc tế, Đại học London. Ông nhận tài trợ từ European Research Council Advanced Grant (Viện trợ cấp cao của Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu). Ông là cố vấn cấp cao của Tax Justice Network (Mạng lưới Tư pháp Thuế).
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “Ukraine war’s surprising links to the 2008 financial crisis and the parallels with 1939“, The Conversation, ngày 21.03.2022