27.6.22

Tử vong cao vượt mức liên quan đến Covid-19: Châu Á ở tuyến đầu

TỬ VONG CAO VƯỢT MỨC LIÊN QUAN ĐẾN COVID-19: CHÂU Á Ở TUYẾN ĐẦU

Hubert Testard

Các tình nguyện viên tiến hành khử trùng để ngăn chặn sự bùng phát các ổ dịch Covid-19 tại tháp nước Taman Sari, một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Yogyakarta, Indonesia vào ngày 31 tháng 3 năm 2020. (Nguồn: Asia Society)

Trong hai năm, gần 15 triệu người đã chết vì Covid-19, gấp ba lần số người chết được công bố. Đây là ước tính trong một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được công bố vào tháng 5 vừa qua. Người ta đặc biệt thấy rõ sự khác biệt này ở châu Á, nơi chiếm gần một nửa số tử vong dôi ra được quan sát thấy trên thế giới, trong khi các nước châu Á tuyên bố chỉ có hơn một phần năm số ca tử vong liên quan đến đại dịch. Tình hình ở châu Á đã đặc biệt trở nên xấu đi vào năm 2021: lý do là sự chậm trễ trong các chiến dịch tiêm chủng. Sự khác biệt là to lớn giữa các nước này và bốn nước trong số đó – Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Philippines – chiếm hơn 90% số tử vong dôi ra của châu Á.

Với tiêu đề “Décès supplémentaires associés à la pandémie de Covid-19 [Thêm số ca tử vong liên quan đến đại dịch Covid-19]”, báo cáo của WHO đưa ra một loạt bài học về tác động của vi rút lên sức khỏe con người trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng. Chúng ta đã biết là dữ liệu về mức tử vong liên quan đến Covid-19 do các Quốc gia cung cấp có thể gây nhầm lẫn, đặc biệt là do thiếu thông tin về nguồn gốc các ca tử vong ở những nước không có đầy đủ hệ thống y tế. WHO đã chứng minh điều này: số tử vong vượt mức liên quan đến Covid-19, nói chung, cao hơn nhiều so với kết quả từ dữ liệu đã được công bố.

Báo cáo tính đến mức tử vong trực tiếp liên quan đến đại dịch, lẫn mức tử vong gián tiếp do khả năng thiếu tổ chức của hệ thống y tế và các tác động chấn thương về tâm lý-xã hội. Báo cáo cũng không quên tính đến sự sụt giảm của tử vong gắn với lợi ích gián tiếp do sự giảm sút của vận chuyển hoặc của sự giảm lây truyền các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như bệnh cúm mùa.

CHÂU Á CHIẾM GẦN 43% SỐ TỬ VONG TOÀN DIỆN DÔI RA

Trong trường hợp của châu Á, bản phân tích toàn cầu này đưa ra những kết quả đặc biệt thú vị. Trong khi các nước ở lục địa châu Á tuyên bố có hơn 1,3 triệu ca tử vong trong giai đoạn 2020-2021, thì WHO quy cho mức tử vong đó là 6,4 triệu ca, tức là một số nhân gần với năm. Vì vậy, đối với định chế Liên hợp quốc, châu Á là châu lục đầu tiên bị ảnh hưởng bởi số tử vong toàn diện dôi ra, vượt xa châu Âu và châu Mỹ, chiếm gần 43% con số này của cả thế giới.

Tác động của đại dịch lên mức tử vong ở châu Á là đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2021. Trong khi một số nước châu Á đã có thể ngăn chặn đại dịch vào năm 2020, thông qua các chính sách phòng ngừa quyết liệt, thì sự xuất hiện các biến thể mới, dễ lây lan hơn, và sự chậm trễ trong các chiến dịch tiêm chủng ở nhiều nước đã gây ra một cú sốc y tế hung tợn. Trong khi số tử vong vượt mức được giới hạn ở 1,1 triệu ca vào năm 2020, thì con số này đã lên tới 5,3 triệu ca vào năm kế tiếp.

Dữ liệu do WHO cung cấp có độ tin cậy tương đối, vì có khá nhiều nước châu Á chỉ công bố một phần dữ liệu về nguyên nhân tử vong, với một tính chu kỳ thất thường – ví dụ, theo chu kỳ hàng năm đối với Trung Quốc, nhưng lại theo chu kỳ hàng tháng ở Thái Lan. Do đó, công trình của các nhà thống kê của WHO gồm có một phần ước tính, vốn quan trọng đối với các nước đang phát triển ở Châu Á, với một biên độ sai số tăng hoặc giảm khoảng 20%.

SỰ KHÁC BIỆT TO LỚN THEO NĂM VÀ THEO QUỐC GIA

Trong năm 2020, một số quốc gia châu Á có thành quả tích cực về mức tử vong, vì sụt giảm của số tử vong liên quan đến các nguyên nhân tử vong khác vẫn cao hơn sự tiến triển của số tử vong tăng liên quan đến Covid-19. Đặc biệt đây là trường hợp xảy ra ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Sri Lanka, Mông Cổ và Nhật Bản, còn Hàn Quốc và Singapore có mức tử vong rất gần với một kết quả cân đối. Những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vào năm 2020 là Indonesia và các nước Nam Á lớn, như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh.

Trong năm 2021, không có quốc gia châu Á nào duy trì được một kết quả tích cực. Ngay cả Trung Quốc cũng chuyển sang một kết quả tiêu cực với thêm 23,5 nghìn ca tử vong. Kết mức tử vong của các nước Nam Á ngày càng nặng nề hơn. Ấn Độ, vốn đã ghi nhận thêm gần 900.000 ca tử vong vào năm 2020, đã ghi nhận thêm gần 4 triệu ca tử vong vào năm 2021. Số tử vong dôi ra tăng gấp đôi ở Indonesia, Kazakhstan và Bangladesh. Kết quả của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và đặc biệt là Philippines, vốn tích cực vào năm 2020, đã chuyển thành tiêu cực một cách rõ rệt vào năm 2021.

Số tử vong dôi ra tập trung ở một vài nước đang gây ấn tượng mạnh sau hai năm xảy ra đại dịch. Chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm hơn 30% số tử vong dôi ra trên bình diện thế giới, con số này rõ ràng đã vượt quá tỷ lệ dân số của Ấn Độ trên tỷ lệ dân số của hành tinh. Kết quả của Indonesia và Philippines cũng nặng nề không kém, khi tính đến tỷ trọng dân s của họ.

Năm 2022 sẽ còn mang đến một vài điều bất ngờ hơn nữa. Sự thái quá trong chính sách chống Covid ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm bản tổng kết mức tử vong ở Trung Quốc, nếu dựa trên nhiều bằng chứng về những khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong bối cảnh phong tỏa nhiều lần. Ở các nước châu Á khác, bản tổng kết mức tử vong chính thức cho thấy mức tử vong hiện đang giảm mạnh. Nhưng rõ ràng còn quá sớm để đưa ra một bản tổng kết.

Hubert Testard

Thông tin về tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù là ở WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ bốn năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, vào tháng 3 năm 2021 bởi NXB Editions de l'Aube.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Surmortalité liée au Covid-19 : l'Asie en première ligne, Asialyst, ngày 17/06/2022.

Print Friendly and PDF