12.1.23

Ai tư duy trừu tượng?

AI TƯ DUY TRỪU TƯỢNG?

Georg Wilhelm Friedrich Hegel

Tác giả: Hegel, viết vào khoảng năm 1808;

Nguồn: Kaufmann, Walter. Hegel: Texts and Commentary;

Nhà xuất bản: Garden City, NY: Anchor Books, 1966, trang 113-118.

Tư duy? Trừu tượng? — Sauve qui peut! Ôi Chúa, hãy cứu tôi! Hẳn tôi sẽ nghe thấy một tên phản bội đã bị kẻ thù mua chuộc đang gào thét những lời ấy hòng phủ nhận khảo luận này vì nó bàn về siêu hình học. Bởi lẽ, hệt như từ trừu tượng, và gần giống với từ tư duy, siêu hình học cũng là một từ ít nhiều bị mọi người xa lánh hệt như khi họ xa lánh những người mắc bệnh dịch.

Song chẳng có gì là xấu khi mục đích thực sự của bài báo này là nhằm giải thích việc tư duy là gì và trừu tượng là gì. Trong thế giới tươi đẹp này, chẳng gì khó chịu hơn những lời giải thích. Bản thân tôi cũng cảm thấy khủng khiếp khi ai đó bắt đầu đưa ra lời giải thích, bởi vì nếu thấy cần thiết thì tôi sẽ tự tìm hiểu mọi sự. Ở đây, sự giải thích về tư duy và trừu tượng hóa ra là hoàn toàn thừa thải; bởi lẽ chính vì thế giới tươi đẹp này đã biết rõ trừu tượng là gì rồi, nên mới xa lánh nó. Hệt như khi không ham muốn những điều mình không biết, thì ta cũng chẳng thể ghét bỏ nó được.

Khảo luận này cũng không có ý định hòa giải thế giới tươi đẹp này với tư duy hay cái trừu tượng bằng sự ranh mãnh, chẳng hạn dưới dáng vẻ của cuộc nói chuyện phiếm, để tư duy và cái trừu tượng được ẩn giấu cho tới khi chúng bất tri bất giác len lỏi vào trong xã hội mà không gây ra bất kỳ sự chán ghét nào; thậm chí [ắt] còn được xã hội đó tiếp thu một cách không hề hay biết, hoặc – như cách nói của người vùng Schwabe – được rào trước đón sau [hereingezäunselt], trước khi tác giả của vấn đề phức tạp này bất thình lình vạch trần vị khách xa lạ, tức cái trừu tượng, mà bấy lâu nay cả cộng đồng vẫn đối xử và công nhận dưới một danh xưng khác như là một thứ rất quen thuộc. Những cảnh thừa nhận như thế, vốn có ý muốn dạy cho thế giới này đi ngược với ý chí của nó, sẽ phạm phải một lỗi lầm chẳng thể tha thứ được, đó là chúng đồng thời gây ra nỗi hổ thẹn, còn kẻ giật dây thì ra sức dùng tài khéo của mình để giành lấy một chút tiếng tăm; khiến cho nỗi hổ thẹn và sự háo danh ấy sẽ hủy hoại đi sức tác động, vì chúng đã xóa đi mãi mãi một bài học được mua bằng chính cái giá này.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc tạo ra một bản kế hoạch như vậy ắt đã bị hủy hoại rồi, vì việc thực thi kế hoạch đó ngay từ đầu đã đòi hỏi người ta không được nói ra từ then chốt cho câu đố. Thế nhưng điều này quả đã xuất hiện ngay trên nhan đề [của bài báo này]. Nếu khảo luận này hành xử theo một cách ma mãnh như vậy, thì những từ đó [Tư duy và Trừu tượng] lẽ ra không nên xuất hiện ngay từ đầu; mà giống như vị bộ trưởng trong vở hài kịch, lẽ ra y cứ phải khoác áo đi lòng vòng trên sân khấu, và chỉ trong cảnh cuối mới cởi cúc ra, để lộ ra ngôi sao trí tuệ chói sáng trên ngực áo. Chắc chắn rằng việc cởi cúc áo khoác siêu hình học trông sẽ không đẹp bằng việc cởi chiếc cúc trên ngực áo của vị bộ trưởng, bởi những gì được mang ra ánh sáng chỉ là một vài từ, và phần thú vị nhất của trò đùa này thực sự phải nằm ở chỗ nó chỉ ra rằng xã hội đã chiếm lĩnh bản thân sự việc này từ rất lâu rồi; vì thế rốt cục, những gì mà họ giành được sẽ chỉ là những danh xưng thuần túy, trong khi ngôi sao trên ngực áo của vị bộ trưởng biểu thị cho một thứ gì đó rất thực tế — một túi tiền.

Trong một xã hội tốt, người ta tiền giả định rằng mỗi con người đang hiện diện đều biết tư duy là gì, trừu tượng là gì, và chắc chắn là chúng ta đang sống trong một xã hội tốt. Câu hỏi duy nhất là ai tư duy trừu tượng. Như đã được chỉ ra ở trên, tôi không có ý định hòa giải xã hội với những từ này, không mong đợi xã hội giải quyết điều gì đó khó khăn, cũng không khơi dậy lương tâm của nó vì đã bất cẩn lãng tránh những gì phù hợp với thứ bậc và địa vị của những hữu thể được phú bẩm lý tính. Đúng hơn, ý định của tôi là hòa giải thế giới tươi đẹp này với chính nó, mặc dầu dường như nó không cắn rt lương tâm gì khi lãng quên như thế; song, ít nhất sâu trong tâm khảm, thế giới này vẫn có sự tôn kính nhất định dành cho tư duy trừu tượng như một thứ gì đó cao vời vợi và lảng tránh tư duy trừu tượng không phải vì đối với nó, tư duy trừu tượng có vẻ quá thấp kém mà là vì nó quá cao vời; không phải vì tư duy trừu tượng có vẻ quá tầm thường mà là quá cao quý, hay ngược lại, vì tư duy trừu tượng có vẻ là một Espèce [Loài/Loại], một thứ gì đó đặc biệt; thứ gì đó không làm cho mình nổi bật gì trong xã hội chung, như những bộ trang phục mới, mà ngược lại, như là một thứ gì đấy, qua đó ta tách mình ra khỏi xã hội hoặc khiến cho mình trở nên lố bịch trong xã hội — giống như mặc những bộ trang phục tồi tàn, hay những bộ trang phục sang trọng, kể cả khi chúng được đính thêm những viên đá quý xưa cũ hay hình thêu thùa phong phú, đa dạng song từ lâu đã là kiểu cách của người Trung Hoa.

Ai tư duy trừu tượng? Đó là những kẻ thiếu giáo dục, chứ không phải những người có giáo dục. Đó là lý do tại sao xã hội tốt không tư duy trừu tượng bởi việc ấy quá dễ dàng, vì việc ấy quá thấp kém, sự thấp kém này không liên quan đến địa vị bên ngoài — cũng không phải vì sự ra vẻ bề trên trống rỗng tự đặt mình lên trên những gì mình không thể làm được, mà vì sự thấp kém bên trong của bản thân sự việc.

Định kiến ​​và sự tôn kính dành cho tư duy trừu tượng còn to lớn đến mức những người có khứu giác nhạy cảm sẽ bắt đầu ngửi thấy ngay mùi châm biếm hay mỉa mai ở đây; song vì đều là độc giả của tờ báo sáng Morgenblattes, họ biết có một giải thưởng dành cho những lời châm biếm và biết rằng tốt hơn tôi nên tin mình xứng đáng đạt giải thưởng này và vì thế nên tranh giành nó như đã làm được ở đây mà không cần làm gì thêm nữa.

Tôi chỉ cần dẫn ra một vài ví dụ cho mệnh đề của mình, mà ai ai cũng thừa nhận, rằng họ đều tư duy trừu tượng. Một tên sát nhân được đưa tới nơi hành quyết. Với công chúng, hắn chỉ là một kẻ giết người. Các quý cô có lẽ nhận xét rằng hắn là một gã đàn ông mạnh mẽ, bảnh trai và thú vị. Công chúng thấy nhận xét này thật khủng khiếp: Cái gì cơ? Một kẻ sát nhân bảnh trai ư? Làm sao họ có thể suy nghĩ xấu xí đến thế và gọi một kẻ sát nhân là gã bảnh trai cơ chứ; không nghi ngờ gì nữa, bản thân họ cũng là hạng người chẳng tốt lành gì hơn! Đây là sự suy đồi luân lý đang ngự trị trong giới thượng lưu – có lẽ một vị tu sĩ vốn biết rõ mọi chuyện và lòng người sẽ nói như vậy.

Người biết tâm tính con người tra xét quá trình đào luyện giáo dục của tên tội phạm, người ấy sẽ tìm thấy lịch sử trưởng thành tồi tệ của hắn, mối quan hệ gia đình tệ hại giữa cha hắn với mẹ hắn, và tìm thấy việc hắn phải chịu hình phạt nặng nề khi chỉ phạm vài lỗi nhỏ, những điều ấy đã khiến hắn trở nên ghét cay ghét đắng trật tự xã hội tư sản — phản ứng đầu tiên của hắn là chống lại trật tự này, thứ trật tự đã đẩy hắn ra ngoài, và thế là điều này đã mang lại cho hắn con đường duy nhất để có thể sinh tồn là phạm tội ác. — Rất có thể sẽ có người khi nghe như vậy sẽ thốt lên rằng: kẻ ấy muốn biện hộ cho tên sát nhân này! Nhớ lại hồi trẻ, tôi đã nghe ngài thị trưởng lúc ấy phàn nàn rằng những kẻ viết sách đã đi quá xa và đang tìm cách loại bỏ hoàn toàn cả Kitô giáo lẫn sự công chính; ai đó đã viết một bài biện hộ cho sự tự sát; khủng khiếp, quả thật quá khủng khiếp! — Các vấn đề khác cho thấy rằng ắt người ta sẽ hiểu được cuốn Nỗi đau của chàng Werther [Goethe, 1774].

Tư duy trừu tượng có nghĩa là: không nhìn thấy gì ở tên sát nhân ngoài sự trừu tượng rằng hắn là kẻ sát nhân, và qua sự định tính đơn giản đó, loại bỏ tất cả bản chất người trong hắn. Điều này hoàn toàn khác với một thế giới Leipzig tinh tế, đầy cảm thông. Thế giới ấy rải và buộc hoa vào bánh xe hành hình và vào người kẻ phạm tội đang bị trói trên đó. — Nhưng, một lần nữa, đây cũng lại là sự trừu tượng theo hướng ngược lại. Hẳn có lẽ là, những người Kitô hữu [ở nơi này] chỉ đang thực hành theo thuyết Thánh giá Hoa hồng, hay đúng hơn là thực hiện cây thập tự giá-hoa hồng, bằng cách quấn đầy hoa hồng quanh cây thập tự giá. Thập tự giá thật ra chính là chiếc giá treo cổ hoặc bánh xe hành hình vốn từ xưa đã được thánh hóa. Nó đã mất đi mặt ý nghĩa phiến diện là công cụ hành hình đáng ghê tởm, mà trái lại, nó gợi ra biểu tượng về nỗi đau khổ tột cùng và sự buông bỏ sâu sắc nhất, cùng với niềm thiên phúc hân hoan và vinh quang của Thiên Chúa. Mặt khác, việc chiếc bánh xe hành hình ở Leipzig được phủ đầy hoa tử linh lan và hoa anh túc là sự hòa giải theo kiểu Kotzebue, một kiểu xoa dịu bừa bãi giữa sự cảm thông và cái xấu xa.

Một cách hoàn toàn khác, có lần tôi tình cờ nghe một bà lão bình dân đang làm việc trong một nhà thương đã giết chết việc trừu tượng hóa tên sát nhân và phục hồi danh dự cho hắn. Cái đầu đã bị chặt của hắn được đặt trên giàn giáo, và lúc đó những tia nắng mặt trời rọi vào. Bà ấy nói thật đẹp làm sao, ánh mặt trời ân điển của Thiên Chúa đang soi rọi lên đầu Kẻ sát nhân! — Mi không xứng để ánh mặt trời chiếu rọi, một người nào đó đã nói như thế với một kẻ đê tiện mà hắn căm tức. Bà lão này thấy rằng cái đầu của tên sát nhân đã bị ánh nắng chiếu rọi và như thế là vẫn xứng đáng nhận được điều đó. Bà đã nhấc hắn ra khỏi hình phạt của giàn giáo lên để vào trong ân điển ánh mặt trời của Thiên Chúa, và thay vì thực hiện việc hòa giải bằng hoa tử linh lan và sự phù phiếm của tính cảm thông, bà thấy hắn được đón nhận vào ân điển trong ánh mặt trời trên cao.

Bà già, trứng của bà bị thối! Người thiếu nữ nói với bà lão bán trứng ở chợ. Cái gì? Bà đáp, trứng của tôi bị thối ư? Có cô mới thối đấy! Cô dám nói thế về trứng của tôi ư? Cái cô này? Chẳng phải cha cô bị rận ăn thịt trên đường sao? Chẳng phải mẹ cô bỏ trốn theo quân Pháp sao, và chẳng phải bà nội cô chết trong nhà thương công sao? Ai đó lấy cho cô ta một chiếc áo đàng hoàng để thay cho chiếc khăn quàng cổ mỏng tanh này đi; ai cũng biết tỏng cô lấy chiếc khăn quàng và những chiếc nón này ở đâu: nếu không vì những gã quan chức, thì nhiều người ắt sẽ không ăn mặc như cô lúc này, và nếu phu nhân nhân hậu của họ quan tâm nhiều hơn đến việc gia đình, thì nhiều người như cô ắt lúc này đang ngồi trong tù rồi. Cô hãy lo mà vá những lỗ thủng trên đôi vớ của mình đi! — Tóm lại, bà lão bán trứng không bỏ sót một sợi chỉ nào ở cô gái. Bà tư duy trừu tượng và hoàn toàn chỉ thâu gồm chúng — chiếc khăn quàng cổ, nón, áo, v.v., các ngón tay và những bộ phận khác của cô, cũng như dựa vào cha cô và toàn bộ những người thân của cô — vào dưới cái tội là cô đã tìm ra những quả trứng thối. Mọi thứ về người thiếu nữ đều hoàn toàn bị nhuộm màu những quả trứng thối này, trong khi những kẻ quan chức mà bà lão bán trứng ở chợ nói tới — nếu họ có liên quan đến chuyện này một cách đáng ngờ — thì có lẽ lại nhìn thấy những điều rất khác về cô.

Denis Diderot (1713-1784)

Giờ tôi sẽ chuyển từ người thiếu nữ sang người hầu, chẳng người hầu nào có cuộc sống tồi tệ hơn kẻ làm người hầu cho một người thuộc tầng lớp thấp và có thu nhập thấp; và người hầu càng có cuộc sống tốt hơn bao nhiêu thì người chủ của y càng cao quý bấy nhiêu. Một lần nữa, kẻ thường dân lại tư duy trừu tượng hơn, gã ra vẻ bề trên đối với người hầu và chỉ hành xử với người hầu đúng như người hầu; hắn bám vào cụm vị ngữ duy nhất rằng Người hầu cảm thấy mình tốt đẹp nhất khi làm người hầu cho người Pháp. Quý tộc thì thân thiết với người hầu, người Pháp thậm chí còn xem người hầu là bạn tốt. Khi ở riêng với nhau, người hầu có thể còn nắm quyền quản lý: hãy đọc cuốn Jacques và ông chủ [Jacques et son maître] của Diderot mà xem; người chủ không làm điều gì khác ngoài việc hít thở và liếc nhìn đồng hồ, còn mọi việc khác thì người hầu lo toan hết. Quý tộc biết rằng người hầu không chỉ đơn thuần là người hầu, mà y còn biết những tin tức mới nhất của thành phố, biết rõ các cô gái trẻ và trong đầu thường những kế sách hay; người chủ hỏi y về những vấn đề này, người hầu có thể nói những gì y biết về những điểm chính yếu được hỏi. Với một ông chủ người Pháp, người hầu không những được phép làm điều này; mà y còn được phép khơi ra chủ đề, có những ý kiến ​​riêng và khẳng định chúng; và khi muốn một điều gì đó, người chủ không được phép ra lệnh, mà trước hết phải bàn luận và thuyết phục người hầu về ý kiến ​​ca mình và thêm lời trìu mến để đảm bảo rằng ý kiến ​​ca mình sẽ chiếm thế thượng phong.

Trong quân đội cũng có sự khác biệt tương tự. Ở quân đội Áo, một người lính có thể bị đánh đập, vì thế người lính ấy là tiện nhân; vì bất cứ cái gì có quyền thụ động là bị đánh đập thì đều là tiện nhân. Vì vậy, đối với sĩ quan, lính trơn là khái niệm trừu tượng [abstractum] về một chủ thể có thể bị đánh đập được, mà một quý ông mặc quân phục và đeo gươm [port d’epée] cần xử lý — và điều này có thể dẫn người ta tới chỗ đầu hàng quỷ dữ.

Lưu ý của Walter Kaufman:

Trong ấn bản thế kỷ XIX Werke của Hegel, bài báo này (Wer denkt abstrakt?). Xuất hiện trong tập XVII, 400-5. Rosenkranz lược khảo về nó (355 f.) và ông nói rằng bài báo này cho thấy “Hegel ... đã tham gia vào đời sống thường nhật ở Berlin nhiều đến nhường nào.

Glockner in lại bài báo này ở ấn bản Werke trong tập XX (1930), ấn bản này có tựa là: Vermischte Schriosystem aus der Berliner Zeit. Ông xếp nó vào [một trong] “bốn tiểu phẩm Hegel đã viết cho các tờ báo địa phương trong những năm cuối của thời kỳ sống ở Berlin của mình. Nhưng Glockner thừa nhận rằng: “thật chẳng may là tôi không biết đích xác tòa soạn nào ấn hành nó.”

Ấn bản quan trọng Berliner Schriosystem: 1818-1831 (1956) của Hegel do Hoffmeister thực hiện thì toàn diện hơn nhiều so với ấn bản của Glockner (800 trang so với 550 trang), không bao gồm bài báo này. Trong một cước chú ở cuối trang, ông nói rằng bài báo này thuộc về “thời kỳ Jena (1807/08)” của Hegel. Đây là một sơ suất bất thường: đầu năm 1807, Hegel đến Bamberg, sau đó vào năm 1808 thì tới Nürnberg; và vào những tuần đầu tiên của năm 1807, trước khi rời Jena, chắc chắn Hegel không có đủ thời giờ và sự bình tâm để viết bài báo này.

Trong số “bốn tiểu phẩm” [ở ấn bản] của Glockner, Hoffmeister chỉ giữ lại một tiểu phẩm, và đó thực sự là một bức thư gửi cho một tờ báo, phản đối việc họ đánh giá một vở kịch mới. Hoffmeister không đưa ra lý do đề thời điểm tờ báo này được ấn hành sớm hơn như Rosenkranz và Glockner đã đề. Có thể, lời nhận xét chê bai về Kotzebue (một nhà viết kịch người Đức, 1761-1819) gợi ý về việc bài báo này được ấn hành một ngày trước khi Kotzebue bị một học viên thần học người Đức đâm chết. Điều khó xảy ra nhất là việc tác phẩm được viết ở Jena: nó rất khác so với các bài báo — và tác phẩm Hiện tượng học Tinh thần — mà Hegel đã viết trong những năm tháng phiền não và bất hạnh ở thành phố này. Nhưng Hoffmeister có thể đã đúng khi cho rằng bài báo này được viết vào năm 1807 hay vào năm 1808.

Các tác phẩm của Hegel trên trang Marxists.org

Nguyễn Việt Anh dịch từ bản dịch tiếng Anh của Walter Kaufmann.

Hoàng Phú Phương hiệu đính từ bản gốc tiếng Đức

Nguồn bản tiếng Anh: Who Thinks Abstractly?, Marxists, 2006.

Print Friendly and PDF