6.2.24

Tại sao chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa tự do vô chính phủ lại hợp nhất? Cái nhìn của một nhà tâm lý học chính trị về ‘tính dễ bị tổn thương của cái ngã hiện đại’

TẠI SAO CHỦ NGHĨA ĐỘC TÀI VÀ CHỦ NGHĨA TỰ DO VÔ CHÍNH PHỦ LẠI HỢP NHẤT? CÁI NHÌN CỦA MỘT NHÀ TÂM LÝ HỌC CHÍNH TRỊ VỀ ‘TÍNH DỄ BỊ TỔN THƯƠNG CỦA CÁI NGÃ HIỆN ĐẠI’

Đã xuất bản: 4 giờ 50 chiều ngày 2 tháng 1 năm 2024 theo giờ GMT


Người được gọi là pháp sư Qanon, Jacob Chansley, tại cuộc bạo loạn ở Điện Capitol. Shutterstock/Johnny Silvercloud

Về mặt logic, chủ nghĩa độc tài (authoritarianism) và chủ nghĩa tự do vô chính phủ (libertarianism) là trái ngược nhau. Những người ủng hộ các nhà lãnh đạo độc tài có chung một trạng thái tinh thần trong đó họ nhận sự chỉ đạo từ một người đứng đầu được lý tưởng hóa và đồng nhất hóa mật thiết với nhóm mà nhà lãnh đạo đó đại diện. Còn chủ nghĩa tự do vô chính phủ là thứ chủ nghĩa coi tự do của cá nhân là nguyên tắc tối cao của chính trị. Nó là phần lõi của kinh tế học và chính trị học của chủ nghĩa tân tự do, cũng như của một số giá trị văn hóa phi chính thống như sự phóng túng.

Là một trạng thái tinh thần, chủ nghĩa tự do vô chính phủ đối lập một cách hời hợt với chủ nghĩa độc tài. Việc đồng nhất hóa với người lãnh đạo hoặc với nhóm là điều đáng ghét và mọi hình thức quyền lực đều bị coi là đáng ngờ. Thay vào đó, lý tưởng hóa là trải nghiệm bản thân như một tác nhân tự do, tự chủ.

Tuy nhiên, có một giai đoạn lịch sử cho thấy hai cái nhìn này đan xen nhau. Hãy xem xét Donald Trump, mà việc có thể tái đắc cử vào năm 2024 sẽ được nhiều người coi là góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trên bình diện quốc tế.

Những người khác có thể thấy ông ta không đủ tập trung để trở thành một nhà lãnh đạo thực sự độc tài, nhưng chúng ta không khó để tưởng tượng ông ta cai trị bằng mệnh lệnh hành pháp và ông ta đã thành công trong việc tìm kiếm mối quan hệ độc tài với những người theo mình. Ông ta là đối tượng của sự lý tưởng hóa và là suối nguồn “chân lý” cho cộng đồng những người đi theo mà ông ta dường như muốn làm đại diện.

Tuy nhiên, đồng thời, bằng tài hùng biện và tính cách của kẻ săn mồi tự do, bằng sự giàu có và thờ ơ với những người khác, Trump hiện thực hóa cao độ một loại tự do cá nhân nhất định.

Chủ nghĩa Trump là sự pha trộn giữa chế độ chuyên quyền và chủ nghĩa tự do vô chính phủ đã được minh chứng trong vụ tấn công ngày 6 tháng 1 ở Washington DC. Những kẻ nổi dậy xông vào Điện Capitol ngày hôm đó cuồng nhiệt muốn đưa Trump lên làm một nhà lãnh đạo chuyên quyền. Rốt cuộc, ông ta đã không thắng cử trong một cuộc bầu cử mang tính dân chủ.

Nhưng những người này cũng đã tiến hành cuộc tuần hành đòi các quyền cá nhân dưới hình thức của một lễ hội hóa trang (carnivalesque), như họ đã xác định, để tấn công nhà nước Mỹ. Trong số họ có kẻ theo thuyết âm mưu kỳ lạ QAnon, những kẻ đã tôn sùng Trump là nhân vật quyền lực anh hùng bí mật lãnh đạo cuộc chiến chống lại một giới tinh hoa tra tấn trẻ em.

Cùng với họ là nhóm Những chàng trai kiêu hãnh (Proud Boys), mà chủ nghĩa tự do vô chính phủ mù mờ đi đôi với niềm tin mãnh liệt rằng chính trị là bạo lực.

Những kẻ bạo loạn ở Capitol là ví dụ điển hình về cách chủ nghĩa độc tài có thể kết hợp với chủ nghĩa tự do vô chính phủ. EPA

Thời đại mới đối mặt với tình trạng chống vắc xin

Các thuyết âm mưu cũng liên quan đến các ví dụ khác gần đây về sự lai tạp giữa chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa tự do vô chính phủ. Một số người có niềm tin rằng vắc xin COVID-19 (hoặc các đợt phong tỏa, hoặc bản thân vi rút) là nỗ lực của một thế lực độc ác nhằm tấn công hoặc kiểm soát chúng ta, và niềm tin này đã được thúc đẩy bởi một đội quân âm mưu ngày một tăng. Nhưng họ cũng được tạo điều kiện thuận lợi bởi các hệ tư tưởng theo chủ nghĩa tự do vô chính phủ vốn lý tính hóa sự nghi ngờ và ác cảm đối với mọi loại chính quyền - đồng thời ủng hộ việc từ chối tuân thủ các biện pháp y tế cộng đồng.

Ở Vương quốc Anh, một số thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn đã chứng kiến ​​làn sóng người tham gia vào nhiu hot động khác nhau ngh thut và th công, y hc thay thế và nhng thc hành sc khe toàn din (wellness) khác, tâm linh và thn bí. Không có nhiu công trình nghiên cu nhưng mt cuộc điều tra gần đây của BBC ở thị trấn Totnes của Anh quốc đã cho thấy làm sao điều này có thể tạo ra một bản tính “thay thế” mạnh mẽ, trong đó các hình thức chủ nghĩa tự do vô chính phủ mềm mại, đậm chất hippie là chiếm ưu thế - và rất dễ tiếp nhận thuyết âm mưu.

Người ta có thể nghĩ rằng Totnes và một số thị trấn khác tương tự sẽ là nơi cuối cùng chúng ta tìm thấy sự đồng cảm với nền chính trị độc tài. Tuy nhiên, cuộc điều tra của đài BBC cho thấy rằng mặc dù có thể không có một nhà lãnh đạo thống trị duy nhất tại nơi làm việc, nhưng tình cảm chống chính quyền ở thời đại mới có thể biến thành sự không khoan dung và những yêu cầu cứng rắn nhằm trừng phạt những người được coi là người dàn dựng các vụ tiêm chủng và và những đợt phong tỏa.

Điều này được phản ánh qua việc một số kẻ theo thuyết âm mưu liên quan đến COVID kêu gọi xét xử những người dẫn dắt hoạt động ứng phó của y tế cộng đồng tại toà án Nuremberg 2.0, một phiên tòa đặc biệt nơi họ phải đối mặt với mức án tử hình.

Khi nhớ rằng cảm giác bất bình sâu sắc đối với kẻ thù hoặc kẻ áp bức, những kẻ phải bị trừng phạt là một đặc điểm thường thấy của văn hóa độc tài, chúng ta bắt đầu thấy những ranh giới giữa nếp suy nghĩ tự do vô chính phủ và quan điểm độc tài đã mờ nhạt như thế nào xung quanh đại dịch COVID.


Các thuyết âm mưu về đại dịch đang lan truyền trong thực tế cũng như trên mạng xã hội


Một cuộc khảo sát đáng lo ngại được thực hiện vào đầu năm nay của trường đại học King’s College London thậm chí còn phát hiện ra rằng có 23% những người tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng xuống đường để ủng hộ thuyết âm mưu “nhà nước ngầm” (deep state). Và trong nhóm đó, 60% tin rằng việc sử dụng bạo lực nhân danh phong trào như vậy là chính đáng.

Một số người chống vắc xin muốn xem các phiên tòa xét xử đối với những người tham gia chương trình tiêm chủng cộng đồng trong thời kỳ đại dịch. Alamy/NurPhoto SRL

Hai phản ứng trước cùng một nỗi âu lo

Cách tiếp cận tâm lý học có thể giúp chúng ta hiểu được động năng của sự lai ghép khó hiểu này. Như Erich Fromm và những nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra, những mối đồng cảm mang tính hệ tư tưởng của chúng ta có liên quan đến các cấu trúc vô thức của cảm giác.

Ở cấp độ này, chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa tự do vô chính phủ là những sản phẩm có thể thay thế cho nhau của cùng một sự khó khăn tâm lý cơ bản: tính dễ bị tổn thương của cái ngã hiện đại.

Các phong trào chính trị độc tài mang lại cho những người tham gia phong trào cảm giác thuộc về một tập thể và được người lãnh đạo mạnh mẽ của tập thể đó bảo vệ. Điều này có thể hoàn toàn viển vông, nhưng dù sao nó cũng mang lại cảm giác an toàn trong một thế giới đầy rẫy những thay đổi và nguy cơ. Với tư cách là những cá nhân, chúng ta dễ có cảm giác bất lực và bị bỏ rơi. Với tư cách là một nhóm, chúng ta cảm thấy được an toàn.

Ngược lại, chủ nghĩa tự do vô chính phủ xuất phát từ ảo tưởng rằng với tư cách là những cá nhân, về cơ bản chúng ta có khả năng độc lập. Chúng ta độc lập với những người khác và không cần sự bảo vệ từ chính quyền. Huyễn tưởng về sự tự do này, giống như huyễn tưởng độc tài chủ nghĩa về người lãnh đạo lý tưởng, cũng sinh ra một cảm giác không dễ bị tổn thương đối với những ai tin vào nó.

Cả hai cái nhìn đều nhằm mục đích bảo vệ khỏi cảm giác áp đảo tiềm ẩn khi sống trong một xã hội mà chúng ta phụ thuộc vào nhưng lại cảm thấy không đáng tin. Tuy khác nhau về mặt chính trị nhưng chúng lại tương đương nhau về mặt tâm lý. Cả hai đều là cách thức để cái ngã dễ bị tổn thương tránh khỏi những nỗi âu lo hiện sinh. Vì thế, có một loại logic phòng vệ hai lớp trong việc thay thế lẫn nhau hoặc thậm chí đồng thời giữ cả hai quan điểm.

Trong bất kỳ bối cảnh cụ thể nào, chủ nghĩa độc tài thường có được sự tập trung và cách tổ chức cần thiết để chiếm ưu thế. Nhưng sự lai ghép giữa nó với chủ nghĩa tự do vô chính phủ sẽ mở rộng cơ sở ủng hộ của nó bằng cách thu hút những người có những thôi thúc chống chính quyền.

Và như tình hình hiện tại, chúng ta có nguy cơ chứng kiến sự phân cực ngày càng tăng giữa một mặt là hình thức chính trị kết hợp mang tính phòng thủ, gây âu lo này và mặt khác là những nỗ lực nhằm duy trì các phương thức diễn ngôn chính trị không mang tính phòng thủ, dựa trên tình hình thực tế.

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ

Barry Richards

Giáo sư Danh dự về Tâm lý học Chính trị, Đại học Bournemouth

Tuyên bố công khai

Barry Richards không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào sẽ được hưởng lợi từ bài báo này, và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: Why have authoritarianism and libertarianism merged? A political psychologist on ‘the vulnerability of the modern self’, The Conversation, Jan 2, 2024.

Print Friendly and PDF