8.2.24

COP28: một thoả thuận chưa từng có, nhưng lại thiếu vắng ý chí hành động khẩn cấp

COP28: MỘT THỎA THUẬN CHƯA TỪNG CÓ, NHƯNG LẠI THIẾU VẮNG Ý CHÍ HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP

Các tác giả:

Alexandre Lillo

Giáo sư Khoa Pháp Lý, Đại Học Quebec ở Montréal (UQAM)

Lynda Hubert Ta

Giáo sư Khoa Luật, Đại Học Ottawa

Nessan Akemakou

Nghiên cứu hậu tiến sĩ, Đại Học Ottawa

Rachel Nadeau

Nghiên cứu tiến sĩ, Đại Học Laval

Giám đốc khí hậu Liên Hợp Quốc Simon Stiell, bên trái, cùng Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber và Hana Al-Hashimi, trưởng đoàn đàm phán COP28 của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vào cuối hội nghị thượng đỉnh, vào ngày 13 tháng 12 năm 2023, tại Dubai. (Ảnh AP/Peter Dejong)

Trong COP28 vừa kết thúc tại Dubai, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm nặng nề đưa ra bản tổng kết về việc thực hiện Thỏa thuận Paris, 8 năm sau khi được thông qua.

Mục đích của bản tổng kết này là đánh giá các tiến bộ chung, cập nhật và tăng cường các biện pháp được thực hiện để chống biến đổi khí hậu.

Quyết định được cộng đồng quốc tế thông qua tại Dubai là một sự thỏa hiệp. Đó là một COP đã tránh được thất bại tuy không công bố những thay đổi đáng kể cần thiết để tránh điều tồi tệ nhất.

Làm công tác nghiên cứu tại các trường đại học UQAM (Montréal), Đại học Ottawa và Đại học Laval, chúng tôi là quan sát viên của Trung tâm Luật Môi trường Québec/Centre québécois du droit de l’environnementTrung tâm Luật Môi trường và Tính bền vững trên toàn thế giới/Centre du droit de l’environnement et de la durabilité mondiale. Chúng tôi đã theo dõi COP28 từ xa và trực tiếp. Dưới đây là những yếu tố chính chúng tôi ghi nhận được.

Cách tổ chức hậu cần loại trừ một số tổ chức

COP28 sẽ được ghi lại trong ký ức của các đại biểu không phải VIP có mặt tại chỗ như một sự kiện mà việc di chuyển và định hướng trên địa điểm Expo City Dubai rộng lớn gặp nhiều khó khăn. Điều này làm cho việc tham dự các cuộc họp và sự kiện trở nên trắc trở. Số lượng các cuộc họp và sự kiện này bị hủy hoặc trì hoãn mà không báo trước cũng rất đáng kể.

Nếu sau khi kết thúc hành trình vượt chướng ngại vật này, một đại biểu bình thường đã đến được một sự kiện hoặc cuộc họp đang diễn ra, việc vào phòng vẫn có thể bị từ chối do thiếu số lượng ghế ngồi rất hạn chế. Người ngồi đó cũng có thể gặp phải rào cản ngôn ngữ vì các bản dịch sang các ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc, ngoài tiếng Anh, không phải bao giờ cũng có.

Những người biểu tình hiếm hoi đã phải đối mặt với những hạn chế về không gian dân sự và những thay đổi trong chương trình nghị sự đã hạn chế khả năng huy động và tác động của họ.

Các thành viên Greenpeace biểu tình tại COP28 vào ngày 13 tháng 12 tại Dubai. Những người biểu tình đã phải đối mặt với nhiều hạn chế. (Ảnh AP/Rafiq Maqbool)

Bấy nhiêu trở ngại, trên thực tế, đã phản ánh sự thiếu hòa nhập và công bằng nhất định.

Tương lai của nhiên liệu hóa thạch: một ly nước nửa vơi hay nửa đầy?

Các cuộc đàm phán về tương lai của nhiên liệu hóa thạch đã diễn ra gay gắt giữa Phương Bắc và Phương Nam. Là kết quả của một thỏa hiệp, văn bản được thông qua hôm thứ Tư thôi thúc thế giới “chuyển đổi ra khỏi nhiên liệu hóa thạch […], một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng, bằng cách tăng tốc hành động trong thập kỷ mấu chốt này, nhằm đạt được mức carbon trung tính vào năm 2050”.

Như vậy, thỏa thuận không còn đề cập đến việc thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch (phase-out) mà đến quá trình quá độ/chuyển tiếp rời xa (transitioning away) chúng. Công thức không chính xác và mơ hồ này gây bối rối, ngay cả khi văn bản này có ưu điểm là lần đầu tiên đề cập đến tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch.

Văn bản cũng kêu gọi “tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu” và “đẩy nhanh” sự phát triển năng lượng hạt nhân, như một nguồn điện tạo ra ít carbon. Do đó, thỏa thuận Dubai là chưa từng có, nhưng nó không mang tính lịch sử trong chừng mực tình trạng khẩn cấp về khí hậu đòi hỏi những quyết định đầy tham vọng, dũng cảm và mang tính ràng buộc hơn.

Tài chính cho khí hậu: thêm một thất bại nữa và một tia hy vọng

Một lần nữa, cộng đồng quốc tế đã không thể huy động được 100 tỷ USD mỗi năm cần thiết để tài trợ cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Cần nhớ rằng sau cam kết được thông qua tại COP15 năm 2009, phải đạt được mục tiêu này vào năm 2020.

Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên của COP28 (điều này quá hiếm nên đáng được ghi nhận), một thỏa thuận về việc xây dựng một quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại đã được thông qua. Mục tiêu của quỹ này là tài trợ cho những thiệt hại không thể tránh khỏi do biến đổi khí hậu gây nên. Tuy vậy, rất ít quốc gia phát triển cam kết tài trợ cho quỹ này. Khoảng 700 triệu USD đã được hứa hẹn, so với mức cần thiết là 400 tỷ USD hàng năm.

Việc thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” tuy cung cấp nguồn lực cho cộng đồng quốc tế, nhưng điều này không đảm bảo rằng các khoản đóng góp tài chính sẽ đáp ứng được nhu cầu. Và, như chúng ta đã thấy trong lịch sử tài chính dành cho khí hậu, các quốc gia không vội rút sổ séc.

Một COP trông giống như một hội chợ thương mại

Giữa các phòng trưng bày ô tô điện, các hội nghị về cơ hội kinh doanh do quá trình chuyển đổi năng lượng tạo ra và các cơ hội kết nối, COP28 mang lại cảm giác như một hội nghị thượng đỉnh dành cho các doanh nhân, với số lượng đông đảo hơn bao giờ hết tham gia vào một COP về khí hậu.

Gần 2.500 nhà vận động hành lang gắn kết với lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch đã nhận được sự ủy nhiệm để tham gia sự kiện này, trong đó có một số là thành viên của các phái đoàn chính thức của các quốc gia. Có mặt tại các cuộc đàm phán và có đặc quyền tiếp cận các cuộc đàm phán, ảnh hưởng của những người này đối với quá trình thương thảo đã bị các thành viên khác của xã hội dân sự lên án.

Các công ty và tổ chức tài chính có mặt tại COP28 nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động hơn nữa khu vực tư nhân và đặt cuộc vào cơ chế thị trường cũng như tiềm năng của nó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách tạo cơ hội cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, theo các tổ chức tài chính, một số dự án khó có thể mang lại lợi nhuận (bankable). Các dự án dựa trên giá trị xã hội hoặc môi trường không nhất thiết có giá trị tiền tệ cao. Vậy thì liệu chúng ta có thể để những tổ chức tài chính này quyết định dành ưu tiên cho một số dự án hứa hẹn hơn về mặt kinh tế, khi lợi ích chung đang bị đe dọa không?

Bản tổng kết của Canada bị lu mờ vì căng thẳng ở cấp quốc gia

Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada, Steven Guilbeault, mô tả thỏa thuận đạt được tại COP28 như một sự đồng thuận lịch sử nhằm xa lánh các nhiên liệu hóa thạch và duy trì mục tiêu hạn chế sự tăng nhiệt độ ở mức 1,5°.

Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada, Steven Guilbeault, phát biểu với giới truyền thông trong COP28 vào ngày 8 tháng 12 năm 2023, tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ông đã đặt Canada vào vai trò hàng đầu trong cuộc họp. (Ảnh AP/Peter Dejong)

Ông đã hành động trong các cuộc đàm phán với tư cách là một trong những bộ trưởng tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện triển khai (ví dụ: hỗ trợ tài chính), đặt Canada vào vai trò hàng đầu trong COP này. Ông cũng công bố việc ban hành quy chế quốc gia nhằm đạt mức trần cho sự phát thải khí nhà kính từ ngành dầu khí.

Tuy nhiên, vai trò hàng đầu và thông báo đáng chú ý này đã không đủ để xóa tan những căng thẳng to lớn ở cấp quốc gia. Alberta, bang nhận được một trong những giải thưởng “Hóa thạch của ngày” do Mạng lưới hành động vì khí hậu trao tặng, đã nhanh chóng chỉ trích thông báo về sự giới hạn phát thải khí nhà kính, gọi đây là một cuộc tấn công vào nền kinh tế Alberta. Bang Saskatchewan, cũng đưa ra một số điểm khác biệt về chính sách môi trường, và đã thuê gian hàng riêng cho mình trên địa điểm COP28 thay vì chia sẻ không gian với chính phủ liên bang.

Quebec tương đối kín đáo, nhưng vẫn tận dụng sự kiện này để công bố vai trò đồng chủ tịch mới của Liên Minh “Vượt lên dầu khí” cùng với Costa Rica và Đan Mạch. Việc đạt được các cam kết về khí hậu của Canada sẽ không thể được dễ dàng hơn vì những khác biệt mạnh mẽ giữa các bang và các phương tiện được triển khai để đạt được những cam kết này.

Hướng tới Baku

Kết quả của COP này khác nhau tùy thuộc vào việc chúng ta thấy ly nước nửa vơi hay nửa đầy... Ít nhất, cũng có được một ly và một cái gì đó bên trong. Đã có những tiến bộ đáng chú ý, ngay cả khi tham vọng về nhiên liệu hóa thạch bị hạn chế trong khi thời gian không còn nhiều.

Dubai dường như đã bỏ lỡ cơ hội tạo ra bước đột phá thực sự trong cách chúng ta chống lại biến đổi khí hậu. Mọi cái nhìn nay hướng tới Baku, ở Azerbaijan, nơi COP29 sẽ diễn ra. Hình dáng của đất nước dầu mỏ và chuyên chế này chắc hẳn sẽ gây ra nhiều tranh cãi.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:COP28 : un accord inédit, mais sans l’urgence d’agir”, The Conversation, 15.12.2023.

----

Bài có liên quan: COP28: một thoả thuận lịch sử tuy vẫn không đủ

Print Friendly and PDF