28.2.24

RSE, một “trò lừa lớn”: và nếu Elon Musk đúng?

RSE, MỘT “TRÒ LỪA LỚN”: VÀ NẾU ELON MUSK ĐÚNG?

Đối với tạp chí “The Economist”, chỉ cần xem xét một tiêu chí khách quan để đánh giá một công ty về vấn đề thách thức khí hậu: lượng phát thải CO2.

Olivier Ubertalli

Elon Musk là người có tính khí dễ nóng và bao giờ cũng sẵn sàng càu nhàu trên tài khoản Twitter của ông. Tháng 5 năm vừa qua, ông đã nổi giận chống lại S&P Dow Jones, một trong những nhà cung cấp hàng đầu về chỉ số tham chiếu thị trường chứng khoán. Công ty sản xuất ô tô điện Tesla, do ông làm Tổng giám đốc, vừa bị loại khỏi chỉ số S&P 500 ESG. ESG, vốn có ba cột trụ, E là chữ viết tắt của [Environnement] “Môi trường”, S [Social] “Xã hội” và G [Gouvernance] “Quản trị”, là một khái niệm gắn chặt với khái niệm RSE, trong tiếng Pháp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp [tiếng Anh, CSR – corporate social responsibility - ND]. Việc công ty Tesla bị loại khỏi S&P 500 ESG được thúc đẩy bởi các khiếu nại về phân biệt chủng tộc chống lại công ty, việc công ty phản đối thành lập tổ chức công đoàn trong các nhà máy của họ và việc xử lý cuộc điều tra của chính phủ Hoa Kì sau khi xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến hệ thống tự lái của những chiếc ô-tô điện do họ sản xuất.

Nếu hệ thống chỉ số S&P Dow Jones thừa nhận sự đóng góp của Tesla trong việc thúc đẩy một hệ thống vận tải bền vững, thì họ trừng phạt công ty này vì các vấn đề về điều kiện làm việc và thực hành quản trị tốt. Tình huống thật hài hước: trong khi S&P 500 ESG, vốn đưa ra nốt nhạc la để đánh giá xem công ty này hay công ty kia có phẩm chất đạo đức hay không, trừng phạt công ty tiên phong trong ngành sản xuất ô-tô điện, thì gã khổng lồ ExxonMobil của Mỹ, một trong những công ty gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, lại vẫn có mặt trên bảng chỉ số tham chiếu. Trên Twitter, Elon Musk kịch liệt phản kháng: “ESG là một trò lừa lớn, một trò bịp [“a scam” trong tiếng Anh, BBT Le Point]. Điều này đã được công cụ hóa bởi các chiến binh giả mạo về công bằng xã hội.”

Quá nhiều tính chủ quan

Lúc đó, Tổng giám đốc của Tesla không phải là người duy nhất cho rằng việc trừng phạt là vô lý. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhiều nhà quản lí các công ty quản lý quỹ, tức là những công ty có trọng lượng trong giới tài chính, những người quyết định nên đầu tư hàng tỷ tỷ đô la ở đâu và có thể gây ảnh hưởng đến hành vi của nhiều nhà đầu tư, cũng đã tham gia tranh luận. Ngay cả các nhà sản xuất vũ khí, từng bị nhũng người ca tụng ESG tránh xa trước  khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, ngày nay cũng tỏ ra bối rối khi được một số kẻ ca tụng trên xem là những “người bảo vệ nền dân chủ”. Về mặt trách nhiệm xã hội và môi trường (trong tiếng Pháp, RSE - Responsabilité Sociale et Environnementale; trong tiếng Anh, SER - Social and Environmental Responsibility – ND), thì cần xem tiêu chí nào là nghiêm túc? Liệu có thể trừng phạt các công ty trong những vấn đề phức tạp về đạo đức, mà ở đó tồn tại một phần lớn tính chủ quan? Vả lại, khi nào thì kết thúc tính khách quan và khi nào thì bắt đầu tính chủ quan?

Trong số báo thú vị đề ngày 23 tháng 7, tạp chí The Economist đã đặt ra các vấn đề nêu trên. Không đi quá xa đến mức gọi S&P Dow Jones là theo “chủ nghĩa hoạt động lập dị” (“wacktivism” trong tiếng Anh) như Elon Musk, tạp chí Anh lưu ý đến mức độ mà các khoản đầu tư ESG đã trở thành một mốt thời thượng – vả chăng, các tác nhân tài chính đang lợi dụng cơ hội này để tăng phí hoa hồng trên phân khúc thị trường này – và đang ngày càng gây ảnh hưởng đến hành vi của các công ty. Theo công ty quản lý tài sản Morningstar, các tài sản ESG trong nội bộ các quỹ tương hỗ và các quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) hoặc những “người săn [cổ phiếu giá hời]” ngày càng có trọng lượng trong giới tài chính toàn cầu: gần 2,8 nghìn tỷ đô la (quy mô dài hạn, BBT Le Point) vào cuối tháng 3 năm 2022, gần bằng với quy mô của thị trường tiền mã hóa.

Một tiêu chí thích đáng: lượng phát thải CO2

Tuy thế, các công ty xếp hạng chứng khoán được cho là đánh giá tiêu chí ESG của các công ty khác thường biểu lộ một hệ thống không nhất quán. Sau khi nghiên cứu sáu trong số các công ty đó, tạp chí The Economist nhận thấy họ sử dụng 709 tiêu chí khác nhau trong số 64 hạng mục. Chỉ có khoảng mười hạng mục là chung. Chưa hết, họ thậm chí còn không đưa vào một công cụ đo lường thiết yếu: lượng phát thải khí nhà kính. Đó thường là thế giới đảo lộn, một số công ty đánh giá ESG đo lường rủi ro mà sự biến đổi khí hậu gây ra cho một công ty, hơn là mối đe dọa mà công ty này có thể gây ra đối với khí hậu. Tạp chí The Economist trích lời của John Gilligan, thuộc quỹ Big Issue Invest, chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp theo định hướng xã hội và nhân từ, tóm tắt mức độ chủ quan vốn có về các chủ đề này: “Ý tưởng đo lường ESG, John Gilligan nói, giống như việc cố gắng đánh giá đứa con yêu thích của bạn.” Hàm nghĩa: người ta luôn cố gắng tìm ra những tiêu chí rất dễ dãi, và trên hết là những tiêu chí rất chủ quan, để biến đứa trẻ đó thành một con người mẫu mực.

Tuy nhiên, phép đo đúng đắn RSE lại tỏ ra đích thực là tiêu chí mấu chốt cho tương lai của hành tinh. Thế mà, vì quá quan tâm đến các vấn đề xã hội và quản trị, mà bỏ qua vấn đề phát thải khí nhà kính, người ta không khuyến khích giới lãnh đạo chính trị thực thi những biện pháp đích thực khi đối mặt với biến đổi khí hậu, theo tạp chí The Economist. Vì sao vẫn chưa có các loại thuế thật sự có tính quốc tế, phối hợp giữa các quốc gia, đánh lên khí carbon? Đối với tạp chí nước Anh, đã đến lúc quay trở lại những điều cơ bản: đo ít hơn, nhưng tốt hơn và, trước hết là đo lượng phát thải khí carbon. Bằng cách gây áp lực lên các công ty về dấu ấn khí thải carbon của họ và bằng cách thưởng cho những công ty làm tốt, người ta sẽ có những công ty có phẩm chất đạo đức được đánh giá cao hơn trên thị trường và từ đó sẽ được tiếp cận với nguồn vốn rẻ hơn. Một cách để chuyển đổi nhanh hơn chủ nghĩa tư bản thế giới khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Olivier Ubertalli

Tác giả:

OLIVIER UBERTALLI

Olivier Ubertalli, nhà báo về kinh tế và là một phóng viên lớn ở nước ngoài, đã có 10 năm làm phóng viên của tạp chí Le Point ở Châu Mỹ Latinh trước khi gia nhập ban biên tập, vào năm 2015, với tư cách là trưởng ban biên tập và nhà báo truyền thông. Từng là biên tập viên mục tin vặt và là giáo sư về báo chí kỹ thuật số ở Paris và Buenos Aires, ông là tác giả nhiều cuốn sách viết về Argentina.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: La RSE, une “vaste arnaque”: et si Elon Musk avait raison?, Le Point, ngày 26/07/2022

Print Friendly and PDF