29.4.24

Hãy hát cùng nhau

HÃY HÁT CÙNG NHAU

Xã hội học karaoke

Christophe Gaudin[*]

Ở Phương Tây, người ta một mình liều lĩnh nhập cuộc với micro trước đám khán giả người lạ. Ở Châu Á, người ta hát cùng nhau, với bạn bè hoặc đồng nghiệp, để tạo ra một nơi náu mình, một bong bóng giữa chúng ta với nhau. Mỗi xã hội đều có van riêng của mình để xả hơi!

-------------------------------------------------------

“Karaoké” là một từ ghép rút gọn, sự kết hợp của karappo, 空っぽ, có nghĩa là trống rỗng và dàn nhạc/orchestra, được phát âm trong tiếng Nhật. Một phép ẩn dụ trong suốt để gợi ý rằng một ca sĩ xuất hiện trên sân khấu mà không cần có nhạc sĩ đi cùng. Nhưng phép ẩn dụ này cũng gây hiểu lầm và đó là lý do khiến nó mang lại nhiều thông tin.

Một sự chuyển dịch nhỏ xảy ra khi chúng ta chuyển dịch từ karaoké sang các ngôn ngữ Phương Tây, một sự chuyển dịch cũng bộc lộ rất rõ cách thức mà khái niệm này được xuất khẩu sang Phương Tây. Không quá đáng khi nói rằng những gì bị bỏ sót trong cách dịch cụm từ “dàn nhạc trống rỗng” theo từng chữ lại chính là điều khiến karaoké trở nên phổ biến ở các xã hội Đông Á.

Một mình trên sân khấu

Nói đến dàn nhạc là nói đến buổi hòa nhạc, ngụ ý có khán giả đến tham dự. Chính dưới hình thức này mà karaoké thường được hiểu nhiều nhất ở Châu Âu và Châu Mỹ. Có rất ít cơ sở chuyên môn. Đây thường là những quán bar hoặc câu lạc bộ tổ chức các buổi tối dành riêng. Những người giấu tên lấy hết can đảm để cầm micro, những khách hàng còn lại đóng vai trò là khán giả. Loại sự kiện tương tự đôi khi diễn ra để đánh dấu ngày sinh nhật hoặc đám cưới, chẳng hạn như trong cảnh bên dưới, từ một bộ phim Mỹ năm 1997, Đám cưới của người bạn thân nhất của tôi/Le Mariage de mon meilleur ami.

Đó là việc phơi bày bản thân trước cái nhìn của một đám đông gồm những người không quen biết. Vì chúng ta lao vào với tất cả những khiếm khuyết của mình, khoảnh khắc đó mang tầm vóc của một thử thách bản thân. Nó nhằm mục đích duy trì một chút độc đáo, và trong mọi trường hợp đều chứa đựng sự căng thẳng kịch tính.

Ở Hollywood, các cảnh karaoké thường thực hiện chức năng của “sự tiết lộ” theo nghĩa rộng, đó là nhân vật bộc lộ bản thân với chính mình và với những người khác như Cameron Diaz ở trên, hay là Mark Ruffalo mà chúng ta thấy thoát khỏi sự trầm cảm của mình trong thời gian thực trước một dàn nhạc gần như trống rỗng, trong một bộ phim thật sự rất đáng quên, khi một nữ ca sĩ đột nhiên xuất hiện không biết từ đâu để cho anh ta nếm trải lại hương vị cuộc sống.

Ở Châu Âu hay Châu Mỹ, trong thực tế cũng như trong tiểu thuyết, thường chúng ta lên sân khấu chỉ có một mình để đối mặt với sự phán xét của người khác. Do đó, mục tiêu sẽ là thể hiện bản thân theo nghĩa đầy đủ và từ nguyên của thuật ngữ này, tức là thể hiện những gì bạn dám làm, phát huy cá tính của mình. Theo nghĩa này, karaoké được thực hành ở Phương Tây có thể được mô tả là mang tính “chủ nghĩa cá nhân”. Ngay cả và đặc biệt là khi gặp một đám đông, trước hết chúng ta có được một trải nghiệm cá nhân. Đó luôn luôn là vấn đề của chính mình.

Phẩm chất hay khuyết điểm không thành vấn đề, miễn là chúng ta cho rằng chúng là đích thực. Nếu công chúng hào hứng với nhân vật Cameron Diaz, thì đó chính là vì cô ấy hát cực kỳ kém, với tất cả tấm lòng của mình – bằng chứng cho sự chân thành, tương xứng với tình yêu mà cô ấy dành cho chồng sắp cưới của mình. Chắc hắn những đặc điểm cá nhân sẽ được chói sáng trong bối cảnh này. Cấu hình thúc đẩy tính lập dị tối đa: cuộc gặp mặt trực tiếp với những người xa lạ này giống như một bước nhảy vào khoảng không, gần giống như một thử thách của Thượng đế.

Căn phòng của những bài hát

Chính trải nghiệm mà họ có được về karaoké, trực tiếp hoặc thông qua hư cấu, phần lớn giải thích sự thiếu hiểu biết của người Phương Tây về vai trò xã hội của karaoké, một định chế thực sự ở Châu Á.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho họ. Bởi vì nếu mọi chuyện xảy ra ở đó giống như ở Châu Âu hay Châu Mỹ, với bạo lực phải có đối với bản thân để trở thành một mồi ngon, ta phải thừa nhận rằng niềm vui mà ta có thể tìm thấy ở đó (đặc biệt là trong một hành động lặp đi lặp lại chứ không phải cho một cuộc thách thức nhất thời) sẽ giữ một cái gì đó bí hiểm. Tại sao lại phải chấp nhận điều này với chính mình? Theo những tiền giả định theo chủ nghĩa cá nhân của chúng ta (người Phương Tây – ND), thật khó để tránh được việc sử dụng các nguyên tắc giải thích như lòng tự ngưỡng mộ hoặc tính khoái cảm đau.

Dù thường được tch dẫn (một cách chính đáng, đến mức nó được sử dụng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, ngay cả trong tiếng Quan Thoại hoặc tiếng Việt), từ nguyên tiếng Nhật có tác dụng gây hiểu nhầm, đặc biệt là bởi sự tách biệt vốn có trong bất kỳ “dàn nhạc” nào giữa khán giả và người hát. Sân khấu, cái hố, toàn bộ thiết bị phức tạp dễ dàng hình thành trong tâm trí chúng ta, trong khi, như trường hợp vay mượn từ các ngôn ngữ xa xôi, từ này được sử dụng một cách lỏng lẻo hơn trong bối cảnh Châu Á.

Kỳ lạ, ý nghĩa này cũng có xu hướng trở nên co giãn. Không có gì đáng ngạc nhiên: điều tương tự cũng xảy ra khi người Phương Tây bắt đầu nói bừa bãi về Thiền, Đạo, phong thủy và những thứ khác. Trên thực tế, dàn nhạc chỉ những người chơi nhạc cùng nhau, điều dẫn đến dàn nhạc giao hưởng, cũng như các nhóm thuộc mọi thể loại – chẳng hạn, ở Nhật Bản, Yellow Magic Orchestra, một bộ ba nhạc pop điện tử nơi Sakamoto Ryuichi bắt đầu được đông đảo công chúng biết đến vào cuối những năm 1970, trong một thể loại khác xa với Barenboim và Karajan.

Khía cạnh có phần đồ sộ của khái niệm này không nhạy cảm cho lắm trong một ngôn ngữ ngoài Châu Âu, đó là lý do tại sao khi chúng ta dịch lại nó sang tiếng Pháp, chúng ta có nguy cơ đưa vào một sự cứng nhắc không phù hợp. Để hiểu những gì chúng ta đang nói đến, cách diễn đạt tiếng Hàn nolébang, 노래방, hay “phòng của các bài hát” (nolé, khúc ca hoặc bài hát, và bang, căn phòng, gian, phòng ngủ), chắc chắn là ít gây ra hiểu sai hơn. Nó phản ánh tốt hơn điều cốt yếu, đó là tất cả những điều này diễn ra một cách kín đáo ở nhiều quốc gia Châu Á khác nhau.

Người ta thuê một căn phòng ít nhiều rộng rãi, ít nhiều sang trọng để hát và nhảy, đồng ca và thay phiên nhau. Dưới đây chúng ta sẽ thấy một cảnh ngắn được lấy từ Reply 1988, một bộ phim thành công rực rỡ ở Hàn Quốc, nơi chúng ta thoáng thấy rằng sự xâm nhập của một người ngoài cũng đủ để gây tổn hại cho loại không gian dành riêng này.

Thậm chí còn có những gian hàng hoạt động bằng tiền xu, được mô phỏng theo gian hàng tự chụp ảnh, được thanh thiếu niên và những người đang yêu thường xuyên lui tới. Tuy nhiên, nguyên tắc này không thay trong những nét chính, vì vấn đề là tạo lại một bong bóng gồm hai hoặc ba người. Đoạn trích cho thấy rõ: thực tiễn này cơ bản mang tính tập thểtheo hai cách, mỗi cách đều gây ra sự phân biệt rõ ràng với Phương Tây.

Karaoke đây đó

Trước hết, ở Châu Á, người ta không hát một mình. Luôn có sẵn hai micrô, đôi khi với giọng nam hoặc giọng nữ được chiếu lên trong màu sắc khác nhau, ngoài ra còn các nhạc cụ nhỏ đi kèm, chẳng hạn như cái trống con do nhân vật nam ở phía sau bên trái cầm. Mọi thứ được thực hiện để khuyến khích sự tham gia rộng rãi nhất có thể, bao gồm cả chế độ thi đua, kèm theo một nốt mà máy đưa ra khi kết thúc mỗi màn trình diễn. Nói đúng ra thì không có “sân khấu” vì không gian được chia sẻ.

Thứ hai – ​​và khía cạnh này được liên kết với khía cạnh thứ nhất – nếu chúng ta có thể nói đến “tập thể”, đó cũng là vì toàn bộ nghi thức này nhằm mục đích củng cố sự đoàn kết của một nhóm nhất định, được thiết lập ngay từ đầu. Sự đoàn kết không bị phó mặc cho người qua đường. Chúng ta ở giữa chúng ta với nhau. Tất nhiên, đây cũng là lý do tại sao người ta thường sử dụng rượu để hòa tan lớp vỏ cá nhân trong hơi men rượu và hòa trộn dễ dàng hơn vào nhóm.

Một ngoặc đơn về chủ đề này. Trên nguyên tắc thường bị cấm, những mưu mẹo đơn giản được lặp lại để đưa rượu vào: ví dụ như đổ đầy chai nước với rượu soju, loại rượu phổ biến của Hàn Quốc, trong suốt. Đó là một bí mật mà mọi người đều biết cả, và chủ quán nhắm mắt làm ngơ. Bản thân sự vi phạm sẽ có tác dụng củng cố hàng ngũ, ý tưởng không phải là vượt qua một ranh giới mà là cùng nhau vượt qua nó.

Dù cuộc tụ tập có diễn ra tự phát hay không, dù đó là kết quả của việc bạn bè tụ tập hay những bữa tiệc nhậu bất tận của doanh mghiệp phổ biến khắp Châu Á, sự khác biệt không mang tính quyết định như người ta nghĩ. Mỗi lần đều là về việc thiết lập hoặc duy trì sự kết nối. Các công ty biết rất rõ họ đang làm gì khi coi loại sự kiện này là bắt buộc (tất nhiên là ngầm nhưng không ai nhầm lẫn) để đoàn kết các đội của mình. Mọi người sẽ khoe khoang về việc họ có thể xử lý được bao nhiêu chai, và nếu có chuyện không ổn, ngày hôm sau họ sẽ giả vờ như không nhớ gì cả.

Karaoke là một loại hình kinh điển tuyệt vời dành cho các buổi tựu trường và các hội thảo, hoặc thậm chí là một bước cần thiết trước khi ký hợp đồng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Trong mọi trường hợp, hầu như không thể tránh khỏi sự cần thiết phải phá băng trong những xã hội ghét việc làm đơn độc (“cái đinh nào nhô ra sẽ bị nhổ trước”, một câu tục ngữ Nhật Bản khẳng định), nhưng với hệ thống phân cấp có mặt khắp nơi, sức nặng của những quy ước gây khó khăn cho việc kết nối trong đời sống hàng ngày.

Cá nhân hóa không có chủ nghĩa cá nhân

Chúng ta hãy tóm tắt: một bên, ở Phương Tây, một người đơn độc trên sân khấu đối mặt với những người lạ, một sự kiện gần như nổi bật và hiếm hoi; một bên, ở Châu Á, sự đồng cảm trong các nhóm nhỏ, là một phần của một tập hợp các nghi lễ đặc trưng của các xã hội đặt nhóm lên trên cá nhân. Hai cấu hình có thể được hiểu từ lục địa này sang lục địa khác, tuân theo logic đối lập nhưng đều mang tính ràng buộc như nhau.

Chang Kyung-sup (1961-)

Nhà xã hội học Hàn Quốc Chang Kyung-sup đưa ra một công thức sáng tỏ cho karaoke cũng như cho một loạt các hiện tượng khác, khi ông nói về “sự cá nhân hóa không có chủ nghĩa cá nhân”[1]. Chang cố gắng nắm bắt một thực tế không tức thì trực quan đối với chúng ta rằng các xã hội ở Viễn Đông không mất đi định hướng nhóm khi chuyển sang chủ nghĩa tư bản.

Tất nhiên, các cương vị xã hội không còn được cố định trước như xưa. Sự cạnh tranh hiện có mặt khắp nơi, đó là lý do tại sao ông nói về sự nhân hóa hay “quá trình trở thành cá nhân”, bám sát nguyên bản tiếng Hàn. Có sự mở rộng của lĩnh vực của những điều có thể, ít nhất là về mặt lý thuyết, chẳng hạn như nghề nghiệp, tôn giáo, việc kết hôn hay không, v.v., tất cả những điều không thể hình dung được dưới thời Nho giáo. Tuy sự thật là cuộc cạnh tranh này vẫn tiếp tục diễn ra giữa công ty này và công ty khác, giữa trường đại học này và trường đại học khác, với cảm giác thuộc về sâu sắc hơn nhiều so với ở Phương Tây. Nhóm không mất đi tầm quan trọng mà, ngược lại, vì đây chủ yếu là sự cạnh tranh giữa các nhóm với nhau. Chúng ta không bao giờ ngừng sống dưới cái nhìn của người khác.

Kết quả của việc điên cuồng tìm kiếm một địa vị xã hội cá nhân không làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân như người ta thường hiểu ở Phương Tây. Tuy nhiên, nếu không phải là không thể tưởng tượng được, thì ít nhất cũng vô cùng đau đớn khi phải tách mình ra khỏi quan điểm chung để sống cuộc sống như ta mong muốn. Hậu tố tiếng Hàn mà Chang chọn, tương đương với “chủ nghĩa” trong các ngôn ngữ Phương Tây, nhằm mục đích đánh dấu sự khó khăn mà quá trình chuyển đổi sang sự giải phóng cá nhân và hành động chính trị thể hiện.

Chủ nghĩa tư bản ở Châu Á không dẫn đến việc nới lỏng các chuẩn mực xã hội như ở Hoa Kỳ chẳng hạn, hoặc ở cùng một tốc độ. Đó không hẳn là một gánh nặng: không có sự thư giãn giả tạo như trong các công ty khởi nghiệp, mà là một diễn tiến được quy định một cách hoàn hảo, nơi mọi người luôn biết cách cư xử, một trò chơi hỏi đáp gần như tự động.

Ngay cả trong một nhóm đồng đẳng, chẳng hạn như giữa sinh viên cùng trường đại học hoặc nhân viên có cấp bậc tương tự trong một công ty, các sắc thái được tái tạo một cách tự nhiên giữa “người tiền nhiệm” và “người kế nhiệm”. Mối quan hệ không phải là một sự thống trị đơn giản. Lòng trung thành của người kế nhiệm được đền đáp bằng sự bảo vệ của người tiền nhiệm mà sự hỗ trợ có thể mang tính quyết định để tìm được việc làm hoặc được thăng chức.

Sự cần thiết của một nơi náu mình

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những xã hội dành sự ưu thế cho nhóm lại có tính cạnh tranh cao vì mọi người dành thời gian so sánh mình với những người khác, và ở đó mọi người, do thiếu “chủ nghĩa cá nhân” theo nghĩa của Chang, lại đấu tranh cho những điều tương tự.

Cái nhìn của người khác sẽ trở thành dầu xoa dịu hay thuốc độc tùy từng trường hợp, một chiếc áo trói hay tấm lưới an toàn đón nhận chúng ta khi mọi thứ xung quanh sụp đổ. Chúng ta không chỉ đi hát karaoke mà còn hát cùng nhau, tức là thường để chữa lành vết thương. Một loạt phim hoạt hình Nhật Bản châm biếm rất thú vị, Aggretsuko, kể về vô số nỗi ức chế của một gấu trúc trẻ ở Tokyo, liên quan đến cuộc sống công sở, cuộc sống tình cảm hỗn loạn của nó, v.v.. Thật là thú vị khi thấy rằng chính quán karaoke được cô dùng như là một lối thoát, rằng cô bí mật đến đó để hét lên hard rock (một hiệu ứng hài hước được đảm bảo, cả bởi sự không phù hợp của hard rock và việc đi một mình), hoặc như trong cảnh bên dưới, cô đến đó cùng các nữ đồng nghiệp và họ hỗ trợ lẫn nhau.

Cảnh tương tự cũng xuất hiện trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc những năm 2010, Protect the Boss, ngoại trừ, việc lần này, ba cô gái trẻ gặp nhau lại trong một căn hộ. Nhưng kết quả còn có ý nghĩa hơn nữa, bởi vì để an ủi một trong số họ đang trải qua khoảng thời gian tồi tệ, đó là một quán karaoke thu nhỏ mà họ ngẫu hứng tái hiện - bia, khoai tây chiên và một chút vũ đạo sau khi thất tình.

Chúng ta thổ lộ hết tâm tình, nhận lời khuyên, tâm sự với nhau... Karaoke như là nơi náu mình tách biệt khỏi thế giới, nơi mà tính cách tập thể đảm bảo sự ấm áp và hiệu quả.

Mỗi xã hội đều có van riêng của mình để xả hơi. Vấn đề nảy sinh đặc biệt đối với những người ngoài thuộc mọi loại, những người không phù hợp với chuẩn mực (vì lý do này hay lý do khác) và do đó thấy mình bị tước đoạt sự hỗ trợ của cộng đồng. Với kết quả là sự cô đơn và tuyệt vọng mà chủ nghĩa cá nhân Phương Tây (kể cả mang tính “phương pháp luận” trong lĩnh vực khoa học nhân văn) chỉ (đo) lường được một cách rất không hoàn hảo.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: Chantons ensemble. Une sociologie du karaoke“, La vie des idées, 25.12.2023




Chú thích:

[1] Chang Kyung-sup, « 진화심리학과 개인화 : 사회적 맥락의 비교검토 » (Tâm lý học tiến hóa và cá nhân hóa: tổng quan về bối cảnh xã hội học), 사회와 이론, Séoul, 2014, vol. 24, p. 43-94.



[*] Christophe Gaudin sống ở Hàn Quốc từ năm 2007. Tiến sĩ xã hội học (Paris-V, 2008), tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Hàn (Ewha, 2010), ông giảng dạy khoa học chính trị tại Đại học Kookmin ở Seoul từ năm 2012. Nghiên cứu của ông thường tập trung vào những biến đổi mà di sản Phương Tây phải trải qua khi xuất khẩu sang Châu Á.

Print Friendly and PDF