HẠT HIGGS VÀ
MÔ HÌNH CHUẨN
Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Khoa học
Nhóm chủ biên:
CAO CHI – CHU HẢO – PIERRE DARRIULAT
NGUYỄN XUÂN XANH – PHẠM XUÂN YÊM
Trong tháng qua tôi đã trải qua một trong những giai đoạn
kích động nhất, căng thẳng nhất của đời tôi, nhưng cũng lại là thành công nhất.
Tôi không thể nghĩ gì đến việc viết thư được nữa.
Albert
Einstein tâm sự với Arnold Sommerfeld sau khi hoàn tất Thuyết
tương đối rộng
Dưới ánh sáng của nhận thức đã đạt được thì cái đã may mắn
thu hoạch được hiện ra gần như tất nhiên, và mỗi sinh viên thông minh đều hiểu
nó không khó nhọc lắm. Nhưng sự tìm kiếm đầy linh cảm, kéo dài nhiều năm trong
bóng tối với nhớ nhung căng thẳng của nó, luân phiên giữa sự tin chắc và nỗi
tuyệt vọng, rồi với sự bứt phá cuối cùng đạt đến chân lý, những điều đó chỉ có
ai đã tự trải nghiệm mới biết được.
Albert
Einstein cảm nhận sau khi đã hoàn tất Thuyết tương đối rộng
Lời nói đầu. Nhân bài trả
lời phỏng vấn đầy cảm xúc và lôi cuốn của GS Ngô Bảo Châu ngày 4 tháng 9, năm
2020 cho báo LAO ĐỘNG:
“Đó có lẽ là một tình yêu quá lớn”
trong đó ông có nói về ý tưởng từ một bài báo khoa học giúp ông tìm được
phương pháp giải bài toán Bổ đề cơ bản Langlands:
Đúng lúc đó thì tôi đọc lại một bài báo nổi tiếng, lúc đầu thì thấy nó bình thường, nhưng đến một lúc, tôi chợt hiểu đấy chính là cái tôi tìm, chính là cái mô hình cho phép tôi có thể áp dụng cái ý tưởng tôi từng có. Và tôi nhớ khoảnh khắc đúng là niềm vui của sáng tạo khi tôi đang làm việc trong một Viện nghiên cứu ở Pháp. Phát hiện đó tuy rất đơn giản, nhưng nó làm sáng tỏ nhiều điều mà tôi chỉ hiểu một cách mù mờ trước đó. Phát kiến toán học đôi khi là thế, nó là một cái gì đó rất đơn giản nhưng nó như là mở mắt mình trong rất nhiều vấn đề khác bằng cách trổ ra một cửa sổ mới và xếp đặt lại một trật tự mới.
chúng tôi xin đăng lại bài “Đôi lời nói đầu” mà giáo sư Ngô Bảo Châu đã
dành cho số Kỷ yếu Hạt HIGGS năm 2013/14 trong đó ông có nhắc đến một ý tưởng
tương tự mà chúng tôi nghĩ có lẽ là ý tưởng ông muốn nói trong bài báo.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin giới thiệu quyển Kỷ yếu Hạt Higgs và
Mô Hình Chuẩn của một nhóm nhà khoa học, nghiên cứu thực hiện năm 2013
sau khi hạt Higgs đã được tìm thấy ở máy gia tốc LHC tại CERN năm 2012. Đây là
một quyển sách được thực hiện rất công phu, quyển sách đầu tiên cho cộng đồng
Việt Nam để trình bày cuộc hành trình phiêu lưu kỳ thú của hạt HIGGS và Mô hình
chuẩn sau khi nó được tìm thấy ở châu Âu. NXX
Xem thêm:
HẠT HIGGS –
CON ĐƯỜNG PHÁT MINH VÀ KHÁM PHÁ “HẠT CỦA CHÚA” (JIM BAGGOTT)
***
Các nhà hảo tâm đã tài trợ cho số kỷ yếu đặc biệt này:
TS. Bùi Trân Phượng – TS Mai Ninh – GS Trần Thanh Vân –
TS. Trương Văn Tân – GS (giấu tên) – GS (giấu tên) – GS Nguyễn Minh Thọ – GS
Bác sĩ Phạm Duy Thoại – TSKH Trần Hà Anh – GS. Nguyễn Đức Tường – TS Đặng Đình
Thi – Tần Tuấn Dũng – Nhà giáo Phạm Thảo Nguyên – Ủy ban về Người Việt ở Nước
ngoài TP Hồ Chí Minh – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
HÀNH TRÌNH XUYÊN THẾ KỶ CỦA KHÁI
NIỆM HẠT NGUYÊN TỬ
Democritus |
Không có gì tồn tại ngoài các nguyên tử và không gian rỗng; tất cả những thứ khác như màu sắc, vị ngọt, đắng của sự vật đều có tính biểu kiến.
DEMOCRITUS (thế kỷ 5 trước CN)
Bây giờ tôi sẽ tung vào gió khái niệm của các vật thể rắn với khối lượng.
LAMA DROMTONPA (thế kỷ 11)
Do đó có những tác nhân trong Tự nhiên có khả năng làm cho những Hạt của các vật thể bám với nhau bởi những Hấp lực rất mạnh. Và Nhiệm vụ của Triết học thực nghiệm phải tìm ra chúng.
ISAAC NEWTON (thế kỷ 17)
Vật chất, dù chia nhỏ được cao độ, nhưng không phải vô tận. Nghĩa là có một điểm dừng mà vượt quá nó chúng ta không thể chia tiếp được… Tôi đã chọn từ “nguyên tử” để gọi tên những hạt cuối cùng này.
JOHN DALTON (thế kỷ 19)
Tôi yêu cầu quý vị hãy nhìn theo hai cách. Bởi vì con đường đưa tới tri thức về các vì sao đi ngang qua nguyên tử; và tri thức quan trọng về nguyên tử đã được đạt tới bằng các vì sao.
ARTHUR EDDINGTON (thế kỷ 20)
Nếu hạt boson này không có, thì chúng ta cũng sẽ không có mặt ở đây.
PETER HIGGS (thế kỷ 20/21)
Peter Higgs |
Ảnh minh hoạ Mô hình chuẩn bằng hoa và giấy của Nguyễn Hữu Khánh, nhà vật lý hạt thực
nghiệm đã làm việc nhiều năm ở CERN, DESY, SLAC. Thân cây là hạt boson
Higgs. Nhánh phải là các hạt tải lực, bên trái là các hạt vật chất gồm các
quark và lepton.
Trang bìa
trước và sau của Kỷ yếu. Dày hơn 500 trang. In màu. Nxb Tri Thức, ra mắt đầu
năm 2014
***
ĐÔI LỜI MỞ ĐẦU
GS Ngô Bảo Châu, Giải Fields
2010
Vì hiểu biết của tôi về Vật lý lý thuyết không sâu sắc hơn của những người
được coi là quần chúng được khai sáng, tôi thấy mình không đủ khả năng để tổng
kết nội dung những bài viết trong quyển sách này. Tôi cũng không muốn viết lại
những thông tin chung chung mà bạn đọc có thể tìm thấy ở khắp nơi. Trót nhận lời với giáo sư
Darriulat viết lời bạt cho quyển sách này, tôi xin phép kể một câu chuyện có
tính cá nhân: tôi đã gặp ý tưởng của ông Higgs như thế nào, và cuộc gặp ấy đã ảnh
hưởng đến công việc nghiên cứu của tôi ra sao.
Luận án tiến sĩ của tôi bảo vệ năm 1997 chứa mầm mống của ý tưởng mà sau
này là chìa khoá để giải quyết bài toán “bổ đề cơ bản” của Langlands. Cái tôi
thiếu là một mô hình hình học cho các tích phân quỹ đạo, nhân vật chính của bổ
đề cơ bản. Một số mô hình hình học đã được đưa ra từ trước đó, nhưng cái tôi cần
là một mô hình rộng hơn, mềm dẻo hơn, để cho cái ý tưởng còn đang ở dạng mầm mống
kia có chỗ triển khai, một da thịt đủ mầu mỡ để cho nó “đầu thai”.
Vào thời gian cuối những năm 90, lý thuyết Langlands hình học của hai nhà
toán học gốc Xô Viết Beilinson và Drinfeld đang là tâm điểm của sự chú ý của thế
giới toán học. Tôi để ý thấy trong phần tài liệu tham khảo của các bài viết về
Langlands hình học, luôn xuất hiện một bài báo của Hitchin có tên “Diện Riemann
và hệ hoàn toàn khả tích”. Tò mò tìm đọc bài báo của Hitchin, tôi lờ mờ hiểu ra
rằng điểm xuất phát của Hitchin là phương trình vi phân mô tả một hạt cơ bản gọi
là hạt Higgs. Phương trình này có bốn chiều, nhưng để cho đơn giản, Hitchin rút
số chiều xuống thành hai. Khi số chiều hạ xuống còn hai, hệ phương trình có
tính chất bảo giác, và vì thế nó không chỉ có ý nghĩa trên mặt phẳng thực, mà
còn có thể phát biểu cho mọi diện Riemann. Hitchin phát hiện ra rằng không gian
nghiệm là một hệ hoàn toàn khả tích rất đẹp đẽ. Nó có lẽ là một hệ hoàn toàn khả
tích tổng quát nhất mà chúng ta biết.
Bài báo của Hitchin đọc rất dễ hiểu. Tôi đọc rất thích thú tuy không hiểu
có thể dùng nó vào việc gì trong nghiên cứu của mình. Mấy năm sau tôi đọc lại
và có cảm giác giống như thế. Đến năm 2003 tôi đọc lại một lần thứ ba và lần
này tôi hiểu ra rằng hệ khả tích mà Hitchin mô tả chính là mô hình hình học mà
tôi đã đi tìm bao nhiêu năm.
Thí nghiệm gần đây của CERN khẳng định phán đoán của Englert và Higgs về cơ
chế chế tạo khối lượng cho các hạt cơ bản trong mô hình chuẩn thực sự là một khải
hoàn ca cho trí tuệ con người. Người ta không thôi ngạc nhiên bởi cái mà Wigner
gọi là “unreasonable effectiveness” của toán học trong khoa học tự nhiên: những
phương trình của Higgs chính là chìa khoá để khám phá ra một trong những bí mật
mà các hạt cơ bản đã chôn sâu nhất. Đối với tôi, việc chính những phương trình
này lại là chìa khoá để giải mã một trong những bài toán rất khó của lý thuyết
số, là một điều vô cùng kỳ diệu.
Chúc bạn đọc cùng quyển sách này đi ngược thời gian về thời điểm khám phá
ra hạt Higgs. Cảm ơn ban biên tập và các tác giả đã cho chúng ta con tàu để đi
ngược thời gian./.
***
LỜI PHI LỘ
Cho Kỷ yếu
Hạt Higgs Hạt Higgs và Mô Hình
Chuẩn
Nguyễn Xuân Xanh và Phạm Xuân
Yêm
Quý độc giả kính mến,
Các quốc gia phát triển và nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay đều có những hạt Higgs của mình cho độc giả đại chúng. Nay chúng ta cũng có một hạt Higgs cho độc giả Việt Nam.
Quyển sách Kỷ yếu Hạt Higgs mà quý độc giả cầm trên tay là kết quả của những
nỗ lực của các nhà khoa học sống ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại. Nếu tính từ
ngày chúng tôi gửi lời kêu gọi tham gia vào đầu tháng 8 năm 2012 cho đến nay đã
một năm rưỡi trôi qua, một thời gian dài ‘kỷ lục’ trong cuộc đời các số kỷ yếu.
Cao nhất có lẽ là thời gian của Kỷ yếu Đại học Humboldt là một năm. Quả là hạt
Higgs ‘khó tìm’, trong thực nghiệm, cũng như trong dạng một Kỷ yếu, vì nó không
dễ nắm bắt. Nhưng có sao đâu. Thế giới đã chờ 48 năm để tìm hạt boson Higgs thì
chúng ta chờ thêm nửa năm nữa thì có sao đâu. Vả lại, vô tình Giải Nobel 2013
đã ‘hâm nóng’ đề tài hạt Higgs của Kỷ yếu, làm cho nó trở nên ‘hấp dẫn’ gấp bội.
Cơ chế Higgs và Mô Hình Chuẩn, lý thuyết của các hạt cơ bản tạo ra khối lượng
thấy được của vũ trụ, là cuộc hành trình kỳ thú của thế kỷ 20, của các nhà vật
lý lý thuyết và thực nghiệm. Không ai ngờ cơ chế Higgs để tạo khối lượng, mô
hình Quark, sự thống nhất hai lực điện từ và lực yếu, lực mạnh điều khiển và
giam các quark, những viên gạch nhỏ nhất mà loài người muốn đi tìm từ thời cổ đại,
đã xuất hiện một cách rất ngạc nhiên như những mảnh zig zag liên kết nhất quán
với nhau của một bức tranh vô cùng thú vị của tạo hóa. Cơ chế Higgs và gắn liền
với nó là sự phá vỡ đối xứng của thuyết điện yếu thống nhất là ‘chứng tích’ của
sự tiến hóa của vũ trụ, đúng như kịch bản big bang đề ra.
Sự khám phá hạt Higgs là một xác nhận trọn vẹn Mô hình Chuẩn giải thích sự
vận hành và tương tác của các hạt cơ bản tạo ra vũ trụ này, trong đó có chúng
ta, có hành tinh xanh yêu dấu của chúng ta, có dải Ngân Hà kỳ vĩ. Không có hạt
Higgs, không có nguyên tử, không có hành tinh, và không có chúng ta. Ngày 4
tháng 7 năm 2012 do đó là “ngày vĩ đại” của vật lý hạt, và của trí tuệ nhân loại.
Thượng đế tinh tế nhưng không ‘thâm hiểm’ như Einstein nói ư? Chính ông cụ
đi tìm hoài bản đồ tạo hóa, nên bực bội nói thêm: Có thể Thượng đế ‘thâm hiểm’
lắm. Và nhìn vào cấu trúc của các hạt, với những tính chất lượng tử nhiều lớp
không ngờ của chúng, với những lực quản lý và kết chúng lại trong lòng các
nguyên tử cũng rất ư lạ thường, có người cũng đi đến suy nghĩ, “Trời cao có thể
thâm hiểm lắm”, ông không dễ tiết lộ một cách dễ dàng ‘cơ trời’ tạo ra khối lượng
của vật chất của chúng ta đâu. Con người ‘thơ ngây’ và hời hợt, chờ đợi những
cái quá dễ dàng. Thế giới và chúng ta được tạo ra dễ dàng hay sao? Nhưng rồi
qua Mô Hình Chuẩn và Hạt Higgs con người đã bắt đúng mạch tư duy của Thượng đế,
‘y chang’ như Ngài nghĩ.
Vẻ đẹp của Mô Hình Chuẩn và Cơ chế Higgs không trực quan gọn gàng như thuyết
tương đối hay lượng tử. Có những cái cũng trực quan được, dễ hình dung, nhưng
khi đi vào nhiều chi tiết thì tình hình phức tạp hơn. Ở đây chúng ta có ‘vẻ đẹp
lạ’ (strange beauty), như tiêu đề của một quyển sách về Murray
Gell-Mann, ‘vua của hạt cơ bản’, vì rất nhiều thứ đều lạ mắt cả. (Dĩ nhiên thuyết
thương đối hay lượng tử đều lạ mắt cả.) Lạ và, xét về kỹ thuật, cũng phức tạp nữa.
Ở tận cùng đáy sâu của chân lý, tạo vật không quá đơn giản. Vì thế nên nhà vật
lý lý thuyết Sidney Coleman của Đại học Harvard, học trò của Murray Gell-Mann, mới
dám nói một cách ‘khiêu khích’ rằng, một ngàn nhà triết học trong một ngàn năm
cũng không khám phá được những gì mà cuộc cách mạng vật lý của thế kỷ hai mươi
đã mang lại về nhận thức cho nhân loại. Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể hiểu được cả:
“Không phải Chúa biết, tôi biết, mà cuối học kỳ, các bạn cũng sẽ biết” như
một trong những câu nói nổi tiếng của Sidney Coleman.
Mô Hình Chuẩn và hạt Higgs thuộc khoa học cơ bản, trước mắt phục vụ việc
tìm kiếm những nguyên lý tối hậu của vũ trụ, thỏa mãn sự tò mò vô hạn của con
người từ bao đời trong khoa học, chứ không ai nghĩ để làm một ngành công nghiệp
‘quarkonics’ với các hạt cơ bản quark của vật chất, như đã từng xảy ra với
electron. Có thể có người nói nó ‘vô bổ’ và ‘tốn kém’. Tốn kém thì đúng. Nhưng
‘vô bổ’ thì chưa chắc. Sau một buổi diễn thuyết nổi tiếng về hiện tượng điện của
Faraday tại Royal Society, một vị dân biểu của quốc hội Anh hỏi: “Công dụng của
tất cả những thí nghiệm đẹp kia là gì?”. Faraday trả lời một cách gián tiếp:
“Công dụng của một đứa trẻ mới sinh ra là gì?” Đứa trẻ sau đó đã trở thành nền
công nghiệp điện. Khi J.J. Thomson tìm được electron, điện tử, có người đã
‘chúc mừng’ mỉa mai ông, rằng mong hạt đó sẽ ‘sống mãi’. Rồi ngành kỹ nghệ
electronics ra đời.
Trong thời đại Mô Hình Chuẩn, world wide web là một sản phẩm phụ của CERN
nhưng đã có trị giá thương mại nhiều trăm tỉ đô la, nếu không nói hơn, so với đầu
tư tìm hạt Higgs ở CERN vào khoảng 10 tỉ đô la. Đâu ai biết được tương lai xa.
Nhân loại vẫn còn nhiều tham vọng phía trước, bởi tất cả các lực của vũ trụ
chưa được thống nhất vào một mối. Chúng phải xuất phát từ một luật tổng thể nào
thuở xưa khi thế giới còn nóng bỏng, ở đó tồn tại một ‘siêu đối xứng’. Với sự
phát hiện hạt Higgs, một chương mới của lịch sử vật lý mở ra mà người ta chưa
thấy hết được tầm hệ quả. Các chương trình như Grand unification (Đại
thống nhất), Supersymmetry (Siêu đối xứng) và String
theory (Lý thuyết dây) với các chiều dư không-thời gian (space – time
extradimension) là những dự tính còn ở phía trước. Mô hình Chuẩn có thể phục vụ
như một ‘bàn đạp’ hay ‘trạm trung chuyển’, một ‘hệ qui chiếu’ để con người tiến
đến những ‘vì sao’ xa hơn trong vũ trụ tri thức mênh mông.
Kể chuyện hạt Higgs ‘không phải chỉ có hạt Higgs’. Mà phía sau là cả một lịch
sử phát triển của vật lý hạt đầy kịch tính. Khi Peter Higgs được yêu cầu kể về
công trình của ông cho người không chuyên nghiệp nghe, ông bối rối: “Điều đó
khó, vì người ta phải trở về thời xa xôi của lịch sử vật lý cho đến tận những nền
tảng (của nó).” Sau đó ông bắt đầu câu chuyện bằng Big Bang với những tên của
các lực và của những nhà vật lý như những anh hùng với các chiến tích như trong
chuyện cổ tích cho trẻ em.
Nội dung của Kỷ yếu gồm có các phần lý thuyết, lịch sử, cuộc tìm kiếm bằng
thực nghiệm qui mô, và phần nhân văn về mối quan hệ giữa khoa học và xã hội. Phần
lịch sử cuộc tìm kiếm thực nghiệm hạt Higgs của các chương 2-3 và 4 đi vào chi
tiết với các cây bút chuyên gia quốc tế hàng đầu. Hiểu được phần nào công việc
này, mới hiểu thêm cái vinh quang của cuộc tìm kiếm vô cùng công phu. Công
trình này là cả một ‘kỳ quan’ của trí tuệ.
Kỷ yếu đặc biệt vui mừng nhận được « Đôi lời mở đầu » của GS Ngô Bảo Châu.
Đây không phải là lời giới thiệu thông thường để tạo PR cho Kỷ yếu. Thực tế, GS
Ngô Bảo Châu đã tiết lộ sự áp dụng ý tưởng của Cơ chế Higgs để giải quyết Bổ
đề toán học cơ bản Langlands của giáo sư. Đó là một khám phá vô cùng
thú vị. Những lý thuyết của vật lý, khi thành công, có thể có những ảnh hưởng
vào toán học. Và ngược lại, những lý thuyết toán học đi trước bỗng nhiên một
ngày nào đó có ảnh hưởng vào vật lý như ‘đúc’. Đó là một sự thật kỳ thú của lịch
sử.
Chúng tôi hy vọng, quyển kỷ yếu hạt Higgs sẽ góp phần đánh thức sự tò mò,
thúc đẩy không khí yêu thích khoa học, lý thuyết lẫn thực nghiệm hay áp dụng,
đang rất cần cho cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Việt Nam phải làm ‘người
trong cuộc’ của nền khoa học thế giới, và giàu có, phát triển, hoặc làm ‘người
ngoại cuộc’ và nghèo khó, lạc hậu. Khoa học được xuất hiện từ một cấu trúc xã hội,
như một loại cây ghép cành, và trở lại phục vụ xã hội đó một cách đích đáng.
Thành tựu khoa học là sự thể hiện của văn hoá. Phương Tây từ lâu là miền đất
có đầy đủ những điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế thuận lợi nhất để khoa học
phát triển. Phương Tây đã bứt đi khỏi các nền văn hoá khác từ những thế kỷ 16,
17 trở đi dựa trên sức mạnh của các khám phá khoa học, công nghệ. Nhưng các quốc
gia khác cũng đang cải thiện mình và tham gia ngày càng hiệu quả vào sự phát
triển khoa học của thế giới. Khoa học không còn là một ‘độc quyền’. Châu Á, một
châu lục đang vươn lên mạnh mẽ, đã có những đóng góp rất quan trọng cho sự hình
thành của Mô hình chuẩn, từ Nhật bản (với Yukawa, Tomonaga, Sakata, Nambu,
Kobayashi, Maskawa), từ Ấn độ, Pakistan (với Bose, Salam), từ Trung quốc (với
Yang, Lee, Wu, Ting), và từ Hàn quốc (với Benjamin Lee). Lịch sử cho thấy, những
dân tộc nào có óc tò mò cao, thường được đền đáp bằng sự phồn vinh xã hội. Nhật
Bản cũng đang tham vọng xây một máy gia tốc lớn để quy tụ tri thức nhân loại về
châu Á.
Chương cuối của Kỷ yếu đề cập mối quan hệ giữa khoa học và xã hội với nhiều
đóng góp rất thú vị. Xã hội Việt Nam chỉ mới có cột đỡ nhân văn, văn chương thi
phú và tinh thần bất khuất chống ngoại xâm đến cùng, nhưng chưa có cột đỡ khoa
học vững chắc để tạo nên sự phồn vinh, sức mạnh, và đổi mới văn hóa truyền thống
đang thiếu chất sống. Người làm khoa học cảm thấy còn lạc lõng. Ở các xã hội
phát triển, khoa học là nhân tố trung tâm thấm đẫm các định chế của xã hội, và
đại học là những nơi làm ra khoa học, tri thức. Khoa học như các hồng huyết cầu
lưu chuyển trong mạch máu để đem đến sự sống cho từng tế bào cơ thể, trực tiếp
hay gián tiếp, luôn luôn được sinh ra bất tận. Xã hội nào thiếu khoa học thấm đẫm
như thế, xã hội đó yếu ớt và dễ bị bệnh hoạn. Các ‘cuộc chiến kinh tế’ giờ đây
là cuộc chiến của các khoa học, công nghệ. Các cuộc chiến tranh bằng súng đạn lại
càng như thế. Xưa nay vẫn thế. Tương lai vẫn thế. Thế chiến thứ II lại càng chứng
tỏ hơn bao giờ hết là một cuộc chiến tranh của khoa học và công nghệ ở cấp độ
cao cấp nhất, tinh vi nhất. Và khoa học có những qui tắc đạo đức nhất định của
nó đối với lương tâm mà nếu không được tuân thủ, khoa học chỉ là sự dối trá phá
hoại hơn là có lợi cho xã hội, và là ‘một sự tàn rụi của tâm hồn’, như Louis
Pasteur nói.
Chúng tôi mong mỏi quý độc giả quảng bá cho câu chuyện lịch sử Mô hình Chuẩn,
hạt Higgs và cuộc truy tìm nó, cũng như truy tìm các hạt cơ bản, trong tinh thần
thông tin, giáo dục và truyền cảm hứng, là ‘tôn chỉ’ của các số kỷ yếu, và xin
đón nhận kỷ yếu với sự lượng thứ cho những thiếu sót tồn tại do lực bất tòng
tâm.
Xin chân thành cám ơn./.
***
CA NGỢI LÝ
TÍNH và KHOA HỌC
(Paul Hazard, European Thought in the
Eighteenth Century.
Nguyễn Xuân Xanh chọn lọc và chuyển ngữ)
Những ý tưởng từ từ chín muồi, rồi
thình lình bùng lên thành ánh sáng của ngày. Các lý thuyết cho đến nay bị hạn
chế vào độc nhất giới tinh hoa trí thức đã trở thành tài sản của nhiều người.
Những khái niệm trước đây người ta hầu như không dám đưa ra nay mạnh dạn tiến
lên phía trước, và thách thức thế giới một cách tự do.
Nhưng những con người này (người phê
phán) sẽ làm được nhiều điều hơn là những gì họ phá hủy; họ sẽ xây dựng nên cái
mới. Ánh sáng của lý tính, họ tuyên bố, sẽ xua tan những bóng tối che lấp địa cầu.
Họ sẽ phát hiện lại bản đồ của tự nhiên. Một khi họ đã làm điều đó, tất cả những
gì họ cần làm là sống phù hợp với nó, và bằng cách đó tái lập quyền từ lúc sinh
ra đã mất từ lâu, là hạnh phúc.
Lý tính như một tia sáng thần thánh,
một hạt giống của chân lý được ban cho con người, nó sẽ phát triển đến thời điểm
mà, sau khi kinh qua các cánh cửa của vô minh, con người sẽ có thể nhìn Chúa, mặt
đối mặt.
Nó phát triển đến mức độ khổng lồ. Đầu
nó chạm đến trời, chân nó xuống tới vực thẳm, đôi tay dang ra duỗi từ cực này
sang cực kia. Trong tay phải, nó vung lên ngọn đuốc mà những tia sáng lập loè
thắp sáng lên vùng nước mênh mông và xuyên đến tận lòng trái đất. Tên của nó
là thí nghiệm.
Lý tính là độc lập. Bất cứ ai có được
lý tính và sử dụng nó đúng, sẽ không bao giờ lạc lối. Lý tính bước lên đường vững
chắc tới chân lý. Lý tính không cần quyền uy, quyền uy là nguồn gốc của sai lạc.
Lý tính không ngại truyền thống; nó cũng không ngại trường phái cổ đại hay hiện
đại. Tất cả mọi sai lạc đều bắt nguồn từ tin tưởng mù quáng, không xem xét các
sự việc dưới ánh sáng của lý tính.
Từ dân tộc văn minh nhất của thế giới,
đến những người da đỏ Hu-rông của Hồ Michigan, những người Hốt-tan-tô khốn
khổ nhất (ở Nam Phi), mối nối cuối cùng của con người và thú, ở Bắc, Nam, Đông
và Tây, Tự nhiên đều nói bằng một thứ tiếng, tiếng nói của Lý tính.
Lý tính sẽ khai sáng mọi con người
khi bước vào thế giới, bởi vì lý tính chính là ánh sáng.
Trong thời ánh sáng, tầm mắt của họ
tuy có bị che khuất bởi những dãy băng, cha họ, những tổ tiên họ có thể bị mù,
nhưng họ, họ sẽ là những đứa con của ánh sáng.
Những đứa con của Adam nhóm lửa và
thời đại của ánh sáng bắt đầu – die Aufklärung.
Bầu trời của tự do, của độc lập trải
ra trước mắt ta; ta chưa thể đạt đến đó, nhưng ta sẽ bền gan, bởi vì ta ở trên
con đường đúng./.
***
MỤC LỤC
Kỷ yếu HẠT HIGGS
Đôi lời nói đầu |
Ngô Bảo Châu |
|
Giới thiệu |
Ban biên tập |
|
Lời phi lộ |
Nguyễn Xuân Xanh &
Phạm Xuân Yêm |
|
Lời cảm ơn về những đóng góp |
|
|
|
|
|
CHƯƠNG 1. Mô hình chuẩn và Hạt Higgs |
||
Mô hình chuẩn của Vật lý Hạt cơ bản |
Phạm Xuân Yêm |
|
Nhóm tái chuẩn hoá: một cuộc cách
mạng về nhận thức |
Đàm Thanh Sơn |
|
Hạt Higgs và Chúng ta |
Nguyễn Xuân Xanh |
|
Vật lý: Những gì chúng ta biết và
chưa biết |
Steven Weinberg |
|
Siêu dẫn |
Thân Đức Hiền |
|
Boson Higgs và lý thuyết bùng nở
nhanh của vũ trụ |
Nguyễn Tiến Bình |
|
Tiếp sau Higgs là bài toán ED? |
Cao Chi |
|
Câu chuyện “Hạt của Chúa” đã kết thúc? |
Phạm Việt Hưng |
|
Richard Feynman và Vật lý Đương đại
|
Nguyễn Đức Tường |
|
Murray Gell-Mann |
Nguyễn Xuân Xanh |
|
Enrico Fermi |
Nguyễn Xuân Xanh |
|
Hideki Yukawa |
Nguyễn Xuân Xanh |
|
|
|
|
CHƯƠNG 2. CERN: Cuộc phiêu lưu kỳ thú của hợp tác khoa học quốc tế |
||
Máy gia tốc liên hợp |
|
|
Mục đích cao cả |
François de Rose |
|
Một cuộc phiêu lưu kỳ diệu |
Carlo Rubbia |
|
Xây dựng những cầu nối |
Bob Eisenstein |
|
Các đối tác thực thụ và bình đẳng |
Nicolas Koulberg |
|
Mảnh đất màu mỡ |
Robert Cailliau |
|
Trung tâm Lý Thuyết ở CERN |
John Iliopoulos |
|
Con tàu trong chai |
Marzio Nessi |
|
Pakistan và CERN |
Hafeez Hoorani |
|
CERN: một trải nghiệm độc nhất vô
nhị |
Egil Lillestøl |
|
|
|
|
CHƯƠNG 3. Hành trình tìm kiếm
boson Higgs: thí nghiệm ATLAS và CMS tại Máy gia tốc đối chùm hadron của
Michel Della Negra, Peter Jenni và Tejinder S. Virdee |
||
Giới thiệu Những thách thức trong thiết kế |
|
|
Thí nghiệm ATLAS và CMS Chuẩn bị
thí nghiệm |
|
|
Hoạt động của máy gia tốc LHC và các thí nghiệm |
|
|
Khoa học |
|
|
Triển vọng |
|
|
|
|
|
CHƯƠNG 4. Máy gia tốc đối chùm và các hệ đo |
|
|
Tổng quan về máy gia tốc đối chùm LHC |
|
|
Phê duyệt đề án |
Lyn Evans |
|
Ngân sách, chi phí và mua sắm |
Anders Unnervik |
|
Ngày 24 tháng 9 năm 2008 |
Lyn Evans |
|
Ghi nhận hạt tại LHC: Lời giới thiệu
bởi |
Tejinder Virdee |
|
Những kinh nghiệm từ quá trình xây
dựng |
Daniel Froidevaux và
Paris Sphicas |
|
Phân tích số liệu LHC và GRID |
John Harvey, Pere Mato
và Les Robertson |
|
Một câu chuyện sinh động về sản phẩm phụ hữu ích |
Philip Bryant |
|
|
|
|
CHƯƠNG 5. Nhân văn |
|
|
Phản biện để phát triển |
Pierre Darriulat |
|
Khi văn chương vinh danh khoa học |
Cao Huy Thuần |
|
Khoa học công nghệ và “sĩ, nông,
công, thương” thời hiện đại |
Trương Văn Tân |
|
Khoa học và Văn hoá |
Nguyễn Văn Trọng |
|
Đạo đức trong sự vận hành của hệ thống nghiên cứu
khoa học |
Nguyễn Đức Hiệp |
|
HẾT.
Nguồn bài viết: Kỷ yếu Hạt Higgs và Mô hình chuẩn, rosetta.vn, 5 Tháng Chín, 2020.