TÁC GIẢ LÀ CẢ MỘT ĐÁM ĐÔNG
Về cuốn Qu’est-ce qu’un auteur mondial? Le champ littéraire transnational/Một tác giả thế giới là gì? Trường văn học xuyên quốc gia
Qu’est-ce qu’un auteur mondial?/Tác giả toàn cầu là gì? Cuốn sách chắc hẳn sẽ trở thành một tác phẩm kinh điển của khoa học xã hội và nhân văn. Là sự tổng hợp của 25 năm nghiên cứu về xã hội học văn học, cuốn sách của Gisèle Sapiro[**] gây ấn tượng bởi sự trong sáng, phong phú của tài liệu và tầm nhìn sâu rộng của nó. Nó mô tả và tra vấn cơ chế của sự công nhận văn học đồng thời trình bày lịch sử của quá trình toàn cầu hóa trường (văn học - ND). Thế nào là một tên tuổi lớn? Một tác phẩm kinh điển? Một tác phẩm kinh điển thế giới? Nó được chế tạo như thế nào? Dưới đây là một số câu trả lời cho các câu hỏi trên trong cuốn sách hấp dẫn này.
![]() |
Gisèle Sapiro | Qu’est-ce qu’un auteur mondial? Le champ littéraire transnational. EHESS/Gallimard/Seuil, 448 p., 25 € |
Chúng ta đã quá quen với việc liên kết một tác phẩm với tác giả của nó đến nỗi chúng ta kết hợp vinh quang với một cái tên (hoặc sự sỉ nhục, như tiểu luận Peut-on dissocier l’œuvre de l’auteur?/Chúng ta có thể tách tác phẩm khỏi tác giả không? từng cho thấy và được NXB Seuil xuất bản vào năm 2020) mà không đặt quá nhiều câu hỏi. Điều chúng ta học được từ nghiên cứu tỉ mỉ của nhà xã hội học (đồng thời là thành viên ban biên tập của tạp chí En attendant Nadeau) là một tác phẩm kinh điển thế giới được chế tạo, với nhiều tác nhân. Một mạng lưới chặt chẽ các định chế và cá nhân góp phần tạo nên sự công nhận mà cuối cùng chỉ làm nổi bật một cái tên: dịch giả, người trung gian, nhà xuất bản, người đai diện văn học, giám khảo các giải thưởng, cả một đám đông vây quanh tác giả. Giới phê bình văn học từ lâu đã cho rằng tác giả không đơn độc. Tác giả cần độc giả của mình. Với xã hội học văn học, đội ngũ nhân sự được mở rộng và các điều kiện cho phép tác giả nam hay nữ đảm bảo, mở rộng và duy trì khả năng tiếp nhận mình bao gồm nhiều giai đoạn và mạng lưới.
![]() |
![]() |
Peut-on dissocier l’œuvre de l’auteur?/Chúng ta có thể tách tác phẩm khỏi tác giả không? từng được ghi nhận trong sự tiếp nối trực tiếp của suy nghĩ kéo dài của Gisèle Sapiro về trách nhiệm đạo đức và hình sự gắn liền nhà văn với các tác phẩm của mình (xem La responsabilité de l’écrivain. Littérature, droit et morale en France (XIXe-XXIe siècle)/Trách nhiệm của nhà văn. Văn học, luật pháp và đạo đức ở Pháp (thế kỷ 19-21), NXB Seuil, 2011, tái bản năm 2020); và nếu tiểu luận không đưa ra câu trả lời dứt khoát, nó cũng đã trình bày mối liên hệ này như là chắc chắn, ngay cả khi nó đã ngụ ý có những sắc thái và sự khác biệt. Cuốn Một tác giả toàn cầu là gì?, nếu cũng đặt cùng một câu hỏi theo cách riêng của mình, lại trả lời theo cách khác khi được đặt trong khối lĩnh vực nghiên cứu chính thứ hai của Gisèle Sapiro, lĩnh vực quan tâm đến sự lưu hành các tác phẩm, đến công tác dịch thuật, đến không gian văn học thế giới. Các lý do kinh tế giành ưu thế so với các lý do đạo đức, cho dù, đối với tác giả, vấn đề thẩm mỹ vẫn là yếu tố quyết định mối nối hợp hay sự tách rời. Bởi vì cách thức mà vấn đề mang tính biểu tượng của “cực sản xuất hạn chế” (đây là cách Bourdieu gọi văn học khi nó mang giá trị tự tại) kết nối với quá trình toàn cầu hóa tự nó là rất thú vị: điều mà Gisèle Sapiro quan tâm là khu vực phức tạp này, nơi toàn cầu hóa không chỉ dựa trên các sản phẩm tiêu dùng đại trà mà còn khiến cho các dữ liệu mang tính biểu tượng và các mệnh lệnh kinh tế gặp nhau. Trong khi tuân theo quy luật thị trường, khu vực này cũng bị thúc đẩy bởi mong muốn tự chủ khiến nó đầy mâu thuẫn - điều mà Gisèle Sapiro gọi trong phần kết cuốn sách của mình là “nền tảng không trong sạch của quyền tự chủ”.
![]() |
Tuyên bố của Horace Engdahl về người nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 2008 tại Viện hàn Lâm Thụy Điển © CC-BY-SA-3.0/Prolineserver/Wikicommons |
Bản quyền văn học đã phải mất một thời gian dài mới có chỗ đứng trong lịch sử (thực sự là từ giữa thế kỷ 18 ở Châu Âu), nhưng khi nó được xác định, nó đã xóa bỏ mọi thứ đằng sau nó. Chúng ta đã quên rằng tác phẩm có thể có nhiều tác giả, có nhiều phiên bản, có thể không có tác giả hay phiên bản nào, rằng người dịch trở thành chủ sở hữu tác phẩm và ngược lại. Nhưng sự đề cao tác giả (và nữ tác giả, nhưng vào thời điểm đó không nhiều) này đi kèm với phong trào quốc hữu hóa các nền văn học mà các quốc gia cần để được thiết lập và củng cố: di sản dân tộc đã được tích lũy dựa trên tên (của các tác giả) và các hình tượng. Xung quanh thị trường dịch thuật, cho phép tiếp xúc giữa các quốc gia nhưng cũng có sự tranh đua gay gắt (được Pascale Casanova mô tả rất hay trong La République mondiale des lettres/Nền Cộng hòa Văn học Thế giới, Seuil, 1999, tái bản năm 2010) – một trường văn học xuyên quốc gia đã xuất hiện, thiết lập một khuôn khổ luật pháp siêu quốc gia cho sự lưu hành các tác phẩm (được tôn trọng ít hay nhiều tùy thuộc vào việc các quốc gia có tuân thủ khuôn khổ này hay không). Gisèle Sapiro, trong khi mô tả các cơ chế lưu hành xuyên văn hóa, cũng kể một câu chuyện hấp dẫn, đó là quá trình quốc tế hóa tuần tự của trường văn học này trong suốt thế kỷ 20, sau đó là tiến trình toàn cầu hóa từ những năm 1980: giai đoạn sau cùng này được đánh dấu bằng một sự giải trung tâm mang tính địa lý và văn hóa thực sự: sự mở cửa dần đối với các nền văn hóa Phương Nam và các quốc gia không thuộc Phương Tây, cũng như đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số. Các lựa chọn của Viện Hàn lâm Nobel phản ánh sự tiến hóa này, “nhưng sự đa dạng hóa đánh dấu sự thống trị ngày càng tăng của tiếng Anh trong quá trình tuyển chọn”.
![]() |
![]() |
Gisèle Sapiro (1965-) |
Cuốn sách của Gisèle Sapiro là một tổng hợp, dựa trên nhiều nguồn: nhiều cuộc phỏng vấn với những tác nhân nam và nữ trên thị trường sách (ở Pháp, Hoa Kỳ, Đức), kho lưu trữ của nhiều nhà xuất bản, kho lưu trữ của UNESCO và giải Nobel, các cuộc điều tra lâu dài về dịch thuật và sự lưu hành các tác phẩm. Tài liệu phong phú luôn được chú trọng bằng cách giải thích rõ ràng, sinh động và nếu dữ liệu nào đó hơi cũ, nó sẽ tiết lộ những xu hướng và hướng đi không có lúc bấy giờ. Tính dễ đọc của cuốn sách còn đến từ sự luân phiên của các quan điểm và thang đo. Một số chương áp dụng quy mô vĩ mô, khi tác giả giải thích quá trình chế tạo nhà văn (nam hay nữ) toàn cầu hoặc khi tác giả mô tả, trong một số chương khác nhau, tập hợp của các đặc điểm của sự lưu hành xuyên quốc gia – cơ chế bất bình đẳng của nó, lịch sử hình thành của nó; nhiều chương khác được thực hiện với trọng tâm hạn chế hơn nhiều, khi Gisèle Sapiro quan tâm đến quá trình đưa William Faulkner vào văn học Pháp, dựa trên các kho lưu trữ của Gallimard, của người chuyển tải văn học Mỹ William Bradley và của các dịch giả của Faulkner, René-Noël Raimbault và đặc biệt là Maurice-Edgar Coindreau. Điều có vẻ hiển nhiên ngày nay là tác phẩm của Faulkner đã được dịch sang tiếng Pháp, che giấu một quá trình đàm phán lâu dài và căng thẳng, một phần giới thiệu mang tính biểu tượng, một chính sách về tác giả của nhà xuất bản Gallimard, nơi đã xuất bản chín đầu sách Faulkner từ năm 1932 đến năm 1939; nhờ điều này, mười năm sau NXB sẽ được tưởng thưởng khi giải thưởng Nobel được trao cho Faulkner vào năm 1948, giải sẽ góp phần đưa Faulkner vào thế giới văn học kinh điển.
![]() |
Một số chương đưa ra những nghiên cứu điển hình ở quy mô trung bình, chứng minh rõ ràng quá trình quốc tế hóa văn học tuần tự trong khuôn khổ trật tự thế giới mới được thiết lập sau Chiến tranh lần thứ hai: đây là trường hợp của chương trình “Tác phẩm tiêu biểu/Œuvres représentatives” của UNESCO cũng như sự diễn tiến của giải Nobel, một sự tiến hóa không chỉ được nghiên cứu từ các tác giả đoạt giải mà còn dựa trên việc tham khảo thư giới thiệu được các nhân vật trên khắp thế giới gửi đến Viện Hàn Lâm (Thụy Điển) và các báo cáo của Ủy ban. Những nghiên cứu tình huống rộng lớn này tiết lộ hai logic, mà sự xung đột tạo nên luận điểm của Gisèle Sapiro: logic cạnh tranh, bao hàm việc giành được sự công nhận và việc áp đặt hoặc duy trì sự thống trị của mình; một logic theo chủ nghĩa quốc tế nhằm mục đích giảm bớt sự bất bình đẳng hiện có và trao nhiều cơ hội hơn cho các nhóm bị thống trị. “Sức mạnh của định kiến từ lâu đã làm mù quáng những người nắm giữ quyền công nhận - những người đàn ông da trắng thuộc các tầng lớp được ưu đãi – về phẩm chất thẩm mỹ trong tác phẩm của phụ nữ và các tác giả nam và nữ thuộc các nhóm thiểu số, đặc biệt là các nhóm thiểu số chủng tộc bị phân biệt, hoặc các giai cấp bị tước đoạt, ngay khi sự không có phí gia nhập chính thức đã làm cho việc viết lách trở nên dễ tiếp cận hơn với những nhóm bị thống trị này.” Tuy vậy sự cởi mở này, có thật từ những năm 1990 nhờ việc đặt vấn đề các quy tắc quốc gia và toàn cầu, diễn ra có lợi cho việc giảm bớt sự đa dạng về ngôn ngữ: bất bình đẳng vẫn là một nguyên tắc của các cơ chế công nhận cũng như của toàn cầu hóa.
Một trong những khía cạnh thú vị của sự lưu hành toàn cầu là sự biến đổi mà nó gây ra cho các tác phẩm và do đó cho cả tác giả của chúng. Vì vậy, “tác giả thế giới”, đằng sau vẻ chuyển loại rõ ràng của nhân vật (tác giả), có những đặc điểm hay thay đổi. Nếu phân tích bên ngoài do Gisèle Sapiro thực hiện khẳng định đó là một sự thật không thể nghi ngờ, thì cũng cần phải có một phân tích nội bộ để chứng minh điều đó. Tác giả càng có tính toàn cầu thì càng có nhiều biến thể. Nhận định này có thể được đảo ngược. Càng có nhiều biến thể, tác giả càng trở nên toàn cầu hơn. Việc nghiên cứu những biến thể này rất thú vị vì nó tác động đến sự thống nhất được quy ra từ các ý tưởng về tính phổ quát hóa hoặc về sự toàn cầu hóa. Chúng ta thấy trong các nghiên cứu cụ thể được thực hiện về Victor Hugo ở Trung Quốc hoặc Victor Hugo ở Liên Xô[1] nhiều ví dụ về sự chệch hướng, cũng là các quá trình chiếm đoạt (đặc biệt là sự chỉ trích chế độ nhà Thanh đối với bản dịch đầu tiên của Les Misérables/Những người khốn khổ sang tiếng Hoa) hoặc thậm chí bị biến dạng. Những nghiên cứu này mời gọi chúng ta hãy cân nhắc rằng một tác giả toàn cầu không còn chỉ mang tính quốc gia: tác phẩm tiếng Nga của Victor Hugo, tác phẩm tiếng Mỹ hay tiếng Nhật Bản của ông mỗi lần đều độc nhất, vận hành theo những hệ thống phân cấp đặc thù và được ghi nhận trong trường văn học của mỗi khu vực văn hóa. Cả một bộ diễn ngôn được hình thành xung quanh tên tác giả và tập hợp này nay là một phần của tác phẩm, minh chứng cho công dụng và sự triển khai của nó theo thời gian. Điều xác định tác giả là cổ điển hay thế giới là tác phẩm của ông luôn được lấy lại, trích dẫn, chiếm đoạt, dịch chuyển, tóm lại là được viết lại. Theo nghĩa này, câu hỏi “chúng ta có nên viết lại tác phẩm kinh điển không?” là một câu hỏi sai vì những tác phẩm kinh điển là kinh điển vì chúng liên tục được viết lại. Có bao nhiêu phiên bản của Misérables hay của l’Odyssée là có bấy nhiêu nền văn hóa và thời kỳ, từ các bản dịch – trung thành hay không trung thành – đến các bản được viết lại cho giới trẻ, bao gồm cả những tác phẩm nhại, những trích dẫn, những bản sao vui tươi hoặc nghiêm túc, qua tới những bản chuyển thể. Nhận định này, gắn chặt với sự phân tích chính xác của văn bản, cho phép chúng ta ngày nay có mối quan hệ ít phản động hơn với cái được gọi là “văn hóa hủy bỏ/cancel culture” so với hầu hết mọi người.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: « L’auteur est une foule », En attendant Nadeau, 8.10.2024.
----
Đọc thêm:
Chú
thích: [1] Myriam Truel, Victor
Hugo en Russie et en URSS, Classiques Garnier, 2021. WU
Tianchu, Victor Hugo en Chine, Presses de la Sorbonne nouvelle,
2022. [*] Tiphaine
Samoyault là giảng viên đại học, giám đốc nghiên cứu tại EHESS/Trường Nghiên Cứu
Khoa Học Xã Hội Cao Cấp, nhà phê bình văn học và nhà văn Pháp chuyên về Roland
Barthes. [**] Gisèle Sapiro là nhà xã hội học, giám đốc nghiên cứu tại
EHESS. Từng là học trò của Pierre Bourdieu, người đã chỉ đạo luận án tiến sĩ của
Bà. Bà là chủ biên của cuốn Từ điển Quốc Tế
về Bourdieu (ND)
