GIẢI NOBEL 2024: KHI KINH TẾ HỌC KHÁM PHÁ LỊCH SỬ
Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã được Hội đồng giám khảo Ngân hàng Thụy Điển khen thưởng vì công trình nghiên cứu về những bất bình đẳng về phát triển giữa các quốc gia.
Từ trái sang phải,
Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson, ba người nhận được giải Nobel
Kinh tế ở Stockholm ngày 14 tháng 10 năm 2024. Ảnh của Christine Olsson/AFP
Tại sao một số quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn những quốc gia khác? Câu hỏi này đã làm đau đầu các nhà kinh tế học – và không chỉ họ – kể từ những bước đầu của ngành khoa học này, cho dù chỉ là với cha đẻ của nó, Adam Smith, với tác phẩm đầu tiên nổi tiếng của ông, Điều tra về bản chất và nguyên nhân của sự thịnh vượng của các quốc gia/Recherches sur la nature et les causes de la richesse des nations (1776).
Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã nhận Giải thưởng của Hội đồng giám khảo Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel (được gọi là “Giải Nobel kinh tế”) năm 2024 vì đã đưa ra câu trả lời của riêng họ cho câu hỏi này hai mươi ba năm trước, trong một bài báo đã trở thành một trong những tài liệu được trích dẫn nhiều nhất trong tất cả các tài liệu kinh tế: “Nguồn gốc thuộc địa của sự So Sánh Phát Triển/The Colonial Origins of Comparative Development” (American Economic Review, n°91, 2001).
![]() |
![]() |
Ba tác giả - mặc dù người đầu tiên có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, hai người còn lại là người gốc Anh, nhưng cả ba đều trải qua cả sự nghiệp của mình ở Hoa Kỳ - đã so sánh bảng tỷ lệ tử vong của những người định cư da trắng ở các thuộc địa khác nhau với tốc độ tăng trưởng hiện tại của các quốc gia được thành lập từ các thuộc địa này. “Họ kết luận rằng ở những nơi mà những người định cư có thể sinh sống/định cư, nhờ môi trường vệ sinh ít khắc nghiệt hơn, những vùng lãnh thổ quan trọng, họ đã có thể tạo ra các thể chế có khả năng đảm bảo các quyền - đặc biệt là quyền sở hữu – và thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và kinh tế. Trong khi ở những nơi môi trường độc hại, họ chỉ biến người lao động bản địa thành nô lệ hoặc nhập khẩu lao động để khai thác các tài nguyên địa phương, nông nghiệp hoặc từ hầm mỏ, nhằm trục lợi,” Philippe Aghion, giáo sư tại Collège de France giải thích.
Nhưng trong các trường hợp khác, cũng chính các tác giả trên, trong một bài báo xuất bản năm sau lấy miền Nam Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19 làm ví dụ (“Reversal of Fortune”, Tạp chí Kinh tế Hàng quý/Quarterly Journal of Economics, số 117, 2002), đã cho thấy các thể chế từng đảm bảo sự phát triển đã trở thành gánh nặng khi môi trường kinh tế thay đổi – như trường hợp của nền kinh tế đồn điền phải đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp.
Tính đến thực tế của các thể chế
![]() |
Sau này, các tác giả đã áp dụng phương pháp trên vào các lĩnh vực khác. Đặc biệt, Daron Acemoglu đã chỉ ra rằng đổi mới công nghệ có thể trở thành tô tức của một tầng lớp thống trị hoặc phục vụ cho số đông dân chúng, tùy thuộc vào bản chất của các thể chế tại chỗ. Simon Johnson đã sử dụng sơ đồ tương tự để phân tích việc chiếm đoạt hệ thống tài chính Mỹ bởi một nhóm tinh hoa ngân hàng hạn hẹp và những cuộc khủng hoảng tài chính mà điều này gây ra.
Cách tiếp cận này đã được phổ biến rộng rãi trong một cuốn sách dành cho công chúng có chữ ký của hai người được giải đầu tiên, Thịnh vượng, Quyền lực và Nghèo đói. Tại sao một số quốc gia lại thành công hơn những quốc gia khác/Prospérité, puissance et pauvreté. Pourquoi certains pays réussissent mieux que d’autres (Markus Haller, 2015, bản dịch tiếng Pháp). Nhưng trên hết, nó đã mở đầu cho sự nở rộ ngoạn mục, trên các tạp chí học thuật chính thống, những bài báo được gọi là “các nghiên cứu bền bỉ/persistence studies”, nghĩa là, các nghiên cứu kinh tế có tính đến lịch sử và thực tế thể chế của các nền kinh tế được nghiên cứu, do đó tương phản với sự thống trị gần như tuyệt đối của các bài viết giải thích sự tăng trưởng thông qua việc áp dụng các mô hình toán học.
![]() |
Robert Boyer (1943-) |
![]() |
Thorstein Veblen (1857-1929) |
Thật vậy, ở Hoa Kỳ với trường phái các học giả “duy thể chế/institutionnaliste” đầu thế kỷ 20 (Thorstein Veblen, John Rogers Commons và Wesley Clair Mitchell), cũng như ở Châu Âu với các nhà kinh tế học theo trường phái điều tiết/régulationnistes (Robert Boyer, Michel Aglietta), thiết lập một một liên kết như vậy cũng chỉ là lẽ thường. Nhưng có một thực tế là, vào thời điểm đó, những người được giải đã thiết lập “mối liên hệ giữa dòng chính thống và những người theo trường phái duy thể chế. Họ đã sử dụng các phương pháp toán-kinh tế của dòng chính thống để chứng minh qua thực nghiệm những gì trường phái thứ hai khẳng định,” Jean Pisani-Ferry, giáo sư kinh tế tại Sciences Po, tóm tắt.
“Phá thế cô lập”
Tuy nhiên, công trình của ba người nhận giải Nobel 2024 đã bị chỉ trích vì cách tiếp cận bộ phận và rất Anglo-Saxon - bởi vì “khẳng định rằng nền tảng của sự thịnh vượng vẫn là, ở mọi lúc và mọi nơi, việc thể chế hóa quyền sở hữu, cũng là đặc quyền của của văn hóa pháp luật Phương Tây,” Pierre-Cyrille Hautcœur, giám đốc nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội/Ecole des hautes études en sciences sociales ở Paris, nhận xét.
![]() |
Denis Cogneau |
![]() |
Người đồng cấp Denis Cogneau, tác giả cuốn sách về lịch sử thuộc địa Pháp (Un empire bon marché/Một đế chế rẻ tiền, Seuil 2023), cho biết thêm: “Giới hạn của các persistence studies là khẳng định rằng có “những thể chế tốt” để đảm bảo sự tiến bộ. Tuy nhiên, bằng cách chỉ xem xét điểm đến và tìm kiếm một nguyên nhân duy nhất trong quá khứ xa xôi, ta lại bỏ qua những gì đã xảy ra ở giữa, tất cả các yếu tố khác cho phép hoặc cản trở sự phát triển. Nói tóm lại, ta không làm công việc của một nhà sử học."
Robert Boyer, một trong những cha đẻ của lý thuyết điều tiết, hoan nghênh, với một chút mỉa mai, sự lựa chọn ủng hộ việc “phá thế cô lập” của kinh tế học của Hội đồng giám khảo ở Stockholm, lưu ý rằng “sự khéo léo của những người nhận giải là xuất phát từ những giới hạn của các lý thuyết cổ điển về tăng trưởng để “khám phá” vai trò của các thể chế bằng cách nghiên cứu các quốc gia thành công. Nếu Hội đồng giám khảo vẫn kiên trì đi theo con đường gần như không chính thống này, thì trong mười năm nữa Hội đồng này có thể chứng minh rằng khoa học kinh tế là xác đáng để hiểu thế giới của chúng ta!”
Tác giả: Antoine Reverchon
Phạm Như Hồ dịch
Chú thích
[*] Antoine Reverchon, nhà báo của Le Monde, chịu trách nhiệm về các diễn đàn và chuyên mục kinh tế trên trang “Idées” của Le Monde. Ông là phó tổng biên tập phụ bản hàng tuần “Le Monde Economie” từ năm 2005 đến 2013 và chịu trách nhiệm về ấn bản hàng năm của “Bilan du Monde” từ năm 2000 đến 2018 (ND).
Nguồn: « Prix Nobel 2024: quand l’économie découvre l’histoire », Le Monde, 14.10.2024.
