24.10.24

Giải Nobel cho các Thể chế: Một phê bình về khung lý thuyết của Acemoglu và Robinson

GIẢI NOBEL CHO CÁC THỂ CHẾ: MỘT PHÊ BÌNH VỀ KHUNG LÝ THUYẾT CỦA ACEMOGLU VÀ ROBINSON

Tác giả: Dmitry Pozhidaev

Cũng vào cái ngày mà Ủy ban Nobel công bố quyết định trao Giải Nobel Kinh tế năm 2024 cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A Robinson vì công trình nghiên cứu của họ về thể chế và sự thịnh vượng, tôi bỗng tự nhận ra mình đang phê bình khung giải thích của họ trong phạm vi dự án mới của tôi về quản lý công ở Serbia. Lập luận của họ, chủ yếu từ Tại sao các quốc gia thất bại (2012), khẳng định rằng tăng trưởng dài hạn phụ thuộc vào sự hiện diện của các thể chế chính trị và kinh tế dung hợp — các thể chế thúc đẩy sự tham gia dân chủ và các thực hành kinh tế công bằng. Nhưng bằng cách nào lý thuyết này vẫn đứng vững trong trường hợp của Serbia?

Nếu chúng ta xem tăng trưởng GDP như một chỉ báo về năng lực quản trị của Serbia trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xu hướng này tiết lộ một số mâu thuẫn. Tăng trưởng GDP đạt đỉnh vào khoảng năm 2008, ổn định trong khoảng bảy năm, và sau đó tăng tốc vào khoảng năm 2015 — trùng với sự trỗi dậy của chính phủ do Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) lãnh đạo. Theo liên minh đang cầm quyền, sự phục hồi này chứng minh năng lực quản trị vượt trội của họ so với các chính quyền tiền nhiệm.

Tuy nhiên, điều thú vị là Chỉ số Dân chủ Bầu cử (EDI) và tăng trưởng GDP của Serbia diễn tiến cùng chiều cho đến khoảng năm 2012, sau đó chúng lại đi theo các hướng khác nhau. Trong khi các tiêu chuẩn dân chủ của Serbia bị xói mòn, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục tăng, điều đó cho thấy rằng sự thịnh vượng ngày càng ít phụ thuộc vào quản trị dân chủ.

Chỉ số Dân chủ Bầu cử và GDP của Serbia, 2001-2023. Nguồn: Tác giả dựa trên dữ liệu của V-Dem và Ngân hàng Quốc gia Serbia

Quan sát này đặt ra một câu hỏi cơ bản: Hiệu suất kinh tế gần đây của Serbia phù hợp như thế nào với khung lý thuyết của Acemoglu-Robinson?

Khung lý thuyết của Acemoglu-Robinson: Một tổng quan ngắn

Nghiên cứu đạt giải Nobel của Acemoglu và Robinson tập trung vào mối quan hệ giữa các thể chế và sự thịnh vượng. Theo quan điểm của họ, các thể chế dung hợp — các thể chế cho phép sự tham gia của nhiều bên, tôn trọng pháp quyền và hạn chế quyền lực của giới tinh hoa — là thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Một cách tương phản, các thể chế chiếm đoạt, do giới tinh hoa kiểm soát mà không có trách nhiệm giải trình dân chủ, ngăn chặn sự tham gia kinh tế của nhiều bên, dẫn đến tình trạng đình trệ và cuối cùng là suy thoái.

Lý thuyết của họ, được diễn đạt rõ ràng và được biết đến nhiều nhất trong Tại sao các quốc gia thất bại, khẳng định rằng các thể chế dung hợp hiển nhiên là thiết yếu đối với sự phát triển của các nền kinh tế phương Tây. Họ lập luận rằng nếu không có các thể chế như vậy, sẽ không thể có sự cải tiến lâu dài và sự tăng trưởng bền vững, vì giới tinh hoa trong các hệ thống chiếm đoạt có xu hướng ngăn chặn bất kỳ sự phát triển nào đe dọa đến quyền lực của họ.

Sự phân biệt giữa các thể chế dung hợp và chiếm đoạt là trung tâm trong diễn giải của họ về lý do tại sao một số quốc gia giàu có trong khi những quốc gia khác vẫn nghèo. Theo quan điểm của họ, các quốc gia theo các thể chế dân chủ tự do, dung hợp sẽ trải nghiệm sự thịnh vượng, trong khi những quốc gia do giới tinh hoa tìm kiếm lợi nhuận cai trị phải chịu thiệt hại dưới các thể chế chiếm đoạt.

Phê bình: Ngoại lệ của Serbia và hơn thế nữa

Tuy nhiên, Serbia đặt ra một thách thức cho khung lý thuyết này. Mặc cho các tiêu chuẩn dân chủ đang suy giảm và sự tập trung quyền lực ngày càng tăng dưới thời chính quyền SNS, Serbia đang trải qua sự tăng trưởng GDP lâu dài. Sự khác biệt này cho thấy hiệu suất kinh tế ở Serbia không phụ thuộc vào loại thể chế dung hợp mà Acemoglu và Robinson ủng hộ.

Các nhà phê bình đã lưu ý những sự khác biệt tương tự ở nơi khác. Ví dụ, De Vries lập luận rằng mối liên hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế thì phức tạp hơn nhiều so với những gì Acemoglu và Robinson gợi ý. Ông chỉ ra rằng dân chủ là cực kỳ hiếm trong giai đoạn kinh tế cất cánh của hầu hết các quốc gia và không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy quản trị dân chủ là cần thiết cho tăng trưởng — đúng hơn là, có vẻ như trong một số trường hợp điều ngược lại mới đúng. Hơn nữa, dân chủ không đảm bảo tăng trưởng bền vững một khi đã đạt được giai đoạn kinh tế cất cánh.

Branko Milanovic (1953-)

Đây không phải là một phê bình biệt lập. Các học giả như Branko Milanovic đã đặc biệt phê bình khung lý thuyết của Acemoglu và Robinson, mà Milanovic gọi là “Wikipedia với hồi quy”. Ông nhấn mạnh một sự thiếu sót đáng chú ý và không phải ngẫu nhiên trong công trình của Acemoglu và Robinson, sự vắng mặt hoàn toàn của Chủ nghĩa Cộng sản, vốn rõ ràng là một tập hợp các thể chế phức tạp. Điều này là do hoạt động của các thể chế dưới Chủ nghĩa Cộng sản không thể giải thích được trong khung lý thuyết của họ. Chủ nghĩa Cộng sản có các thể chế tồi, nhưng chúng không được đưa vào khung này để phục vụ cho một “thiểu số chiếm đoạt”.

Trong Capitalism, AloneMilanovic chỉ ra thành công kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam, những quốc gia không sở hữu các thể chế “dung hợp” như Acemoglu và Robinson mô tả, nhưng lại là hai trong số các quốc gia đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong Tại sao các quốc gia thất bại, Acemoglu và Robinson không công nhận những thành công của Trung Quốc và Việt Nam vì tính tạm thời, dự đoán rằng tăng trưởng của các quốc gia này sẽ chững lại khi các thể chế chiếm đoạt của họ bắt kịp sự tăng trưởng. Tuy nhiên, dự đoán này vẫn chưa thành hiện thực ngay cả khi Trung Quốc đang tiến gần đến vị thế của một siêu cường kinh tế toàn cầu.

Michael Roberts, phê bình từ một góc nhìn Marxist, nêu bật những giới hạn trong khung lý thuyết của Acemoglu và Robinson. Ông đặt câu hỏi về cách họ giải thích hiệu suất kinh tế của các quốc gia như Liên Xô và Trung Quốc nếu các chế độ này bị dán nhãn là chiếm đoạt. Roberts lưu ý rằng mô hình của họ đơn giản hóa quá mức mối quan hệ phức tạp giữa các cấu trúc chính trị và sự tăng trưởng kinh tế, bỏ qua vai trò của sự phát triển do nhà nước thúc đẩy trong các hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, ông chỉ ra rằng các ví dụ của AJR — như quá trình dân chủ hóa của Anh vào thế kỷ 19 hay sự độc lập của Hoa Kỳ — không tính đến các lực lượng kinh tế rộng lớn hơn, bao gồm sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản, mậu dịch và sự thực dân hóa, vốn đã thúc đẩy sự tăng trưởng.

Một phê bình Marxist rộng hơn

Francis Fukuyama (1952-)

Theo nhiều cách, khung lý thuyết của Acemoglu và Robinson lặp lại luận đề “sự cáo chung của lịch sử” được Francis Fukuyama phổ biến, luận đề tuyên bố rằng nền dân chủ tân tự do theo phong cách phương Tây là đỉnh cao của sự phát triển chính trị và kinh tế. Lý thuyết của họ về bản chất là thu hẹp con đường dẫn đến thịnh vượng thành việc áp dụng các thể chế tự do phương Tây, lờ đi vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản trong việc duy trì sự phát triển không bình đẳng. Như Baran và Sweezy lập luận, chủ nghĩa tư bản ở Phương Nam bị hạn chế về mặt cấu trúc bởi mối quan hệ của nó với Phương Bắc, nơi tiếp tục khai thác giá trị thặng dư từ các nền kinh tế đang phát triển.

Nghiên cứu của tôi (cùng với Boris Kagarlitsky) về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Phương Nam cho thấy cách mà những thể chế dân chủ tự do ở trung tâm [của hệ thống kinh tế toàn cầu - ND] mà Acemoglu và Robinson coi là đỉnh cao của sự phát triển thể chế khai thác giá trị thặng dư ở các quốc gia ​​ngoi vi. Trong trường hp ca Serbia, s tăng trưởng kinh tế dưới mt chế độ không phù hp vi định nghĩa dung hp đã thách thc tư duy nh nguyên đơn gin hóa v các th chế dung hp so vi các th chế chiếm đot. S tăng trưởng ca Serbia nhn mnh cách mà bất bình đẳng toàn cầu, được thúc đẩy bởi chính các cơ chế tư bản chủ nghĩa mà Acemoglu và Robinson không nhận thấy, tiếp tục chuyển thặng dư từ các quốc gia ngoại vi đến các quốc gia trung tâm.

Douglass North (1920-2015)

Acemoglu, Johnson và Robinson đã xây dựng khung lý thuyết của họ trên nền tảng kinh tế học thể chế, lấy cảm hứng chủ yếu từ Douglass North. Tuy nhiên, trong khi North và những người tiếp sau ông đã cung cấp những hiểu biết có giá trị, cách tiếp cận của họ thường quá chung chung, quá trung lập về giá trị và chủ yếu tập trung vào chi phí giao dịch của các thể chế. Vào những năm 1990, khi sự phấn khích trước “sự cáo chung của lịch sử” hậu Cộng sản lan rộng khắp các lĩnh vực trí thức phương Tây — từ triết học đến lịch sử và khoa học chính trị — tồn tại một nhu cầu xã hội ngày càng tăng rằng cần có sự rõ ràng hơn về mặt ý thức hệ. Nhu cầu này cũng lan sang kinh tế học, dẫn đến việc tìm kiếm một khung lý thuyết vượt ra ngoài phân tích có tính trung lập về giá trị của North. Acemoglu, Johnson và Robinson đã đáp ứng nhu cầu này bằng cách phát triển một mô hình theo hướng ý thức hệ nhiều hơn, định vị các thể chế dân chủ tự do là đỉnh cao của sự phát triển.

Boris Y. Kagarlitsky (1958-)

Quan điểm có giới hạn về dân chủ này có những hậu quả quan trọng, đặc biệt là đối với cánh tả. Kagarlitsky cảnh báo trong cuốn sách mới nhất của ông: “Nhưng nếu các khái niệm về dân chủ và tự do của chúng ta bị giới hạn bởi phạm vi hiểu biết của các thể chế chính trị tự do, thì chúng ta, những thành viên của cánh tả, có nguy cơ mất cả các quyền xã hội lẫn các quyền tự do chính trị của chúng ta”. Phê bình này nhấn mạnh mối nguy hiểm khi chấp nhận những định nghĩa hẹp về dân chủ vốn chỉ phù hợp với chủ nghĩa tư bản tự do, từ đó gạt sang một bên những phương án thay thế cấp tiến hơn hoặc những phương án thay thế có tính xã hội chủ nghĩa.

Theo quan điểm của tôi, khung lý thuyết của Acemoglu và Robinson là một sản phẩm của sự chuyển đổi tân tự do diễn ra ở phương Tây vào những năm 1970 và 1980, một giai đoạn đánh dấu sự sụp đổ của Khối Xã hội chủ nghĩa. Theo truyền thống trí thức được Thomas Kuhn mô tả trong Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học, công trình của Acemoglu và Robinson có thể được xem là đỉnh cao của một mẫu hình trong kinh tế học thể chế.

Thomas Kuhn (1922-1996)

Khung lý thuyết của họ đã tự củng cố vị thế của nó như là một phần của diễn ngôn thống trị trong kinh tế học, vốn định hình cách các học giả và các nhà hoạch định chính sách hiểu về sự phát triển trong trật tự tư bản tự do. Công trình của họ cung cấp một sự biện minh có tính ý thức hệ cho sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản tự do phương Tây như là con đường duy nhất dẫn đến sự thịnh vượng. Tuy nhiên, cũng giống như Kuhn đã lập luận rằng các mẫu hình đến cuối cùng sẽ nhường chỗ cho các khung lý thuyết mới và chính xác hơn, những giới hạn của lý thuyết Acemoglu và Robinson chỉ ra rằng lĩnh vực này có thể sớm chín muồi cho một sự chuyển đổi mẫu hình như vậy.

Kết luận

Elinor Ostrom (1933-2012)

Marx đã từng nói, “lý thuyết cũng trở thành một lực lượng vật chất ngay khi thâm nhập vào quần chúng”. Điểm mạnh của công trình của Acemoglu và Robinson không nằm ở độ chính xác thực nghiệm mà ở sự phù hợp của nó với các nhu cầu chính trị và kinh tế của thời đại. Lý thuyết về phát triển thể chế của họ, mặc dù có lỗ hổng, đã trở thành một điểm tham chiếu chuẩn trong các cuộc thảo luận về tăng trưởng kinh tế và quản trị. Acemoglu, Jackson và Robinson đã có những đóng góp đáng chú ý vào việc thiết lập một cách vững chắc các thể chế như một phần quan trọng của kinh tế học và phân tích kinh tế thuộc dòng chính thống. Việc cách tiếp cận của họ phù hợp về mặt ý thức hệ với các lý tưởng thống trị của nền dân chủ tự do đã giúp vượt qua sự do dự và nghi ngờ phổ biến đã tồn tại từ lâu về các thể chế trong khoa học kinh tế, vốn thường xem phân tích thể chế là chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Marx bất chấp những đột phá tiên phong của NorthElinor Ostrom (cả hai đều từng được trao giải Nobel).

Mặc dù tôi đa phần không đồng tình với kết luận của họ, tôi vẫn đưa công trình của họ vào phần đánh giá tài liệu cho dự án mới của tôi về quản lý công của Serbia. Khung lý thuyết của họ, tuy chưa hoàn thiện, đã định hình cuộc tranh luận về các thể chế và sự phát triển theo một cách không thể bị bỏ qua. Bất chấp bằng chứng trái ngược, lý thuyết của họ vẫn tiếp tục có sức ảnh hưởng — giống như trật tự tư bản tự do mà họ ủng hộ. Chỉ ra định hướng có tính ý thức hệ của giải thưởng, Juan Torres lập luận rằng các giải thưởng Nobel về kinh tế về bản chất là thiên vị và có tính ý thức hệ, do một tổ chức phục vụ cho một thế lực thống trị, thế lực khiến thế giới rơi vào một tình trạng bất ổn và rủi ro lớn mà thế giới đang phải đối mặt.

Khi các nhà phân tích như Michael Roberts cho rằng Acemoglu và Robinson gần đây đã tạo ra những công trình tốt hơn và xác đáng hơn, theo một cách nào đó, điều ấy phản ánh sự suy giảm quyền lực của kinh tế học thể chế tư sản tự do. Điều này đặt ra câu hỏi: giải thưởng này có còn phản ánh thực tiễn đương đại hay nó đã chậm một bước? Nếu Giải Nobel được trao cho họ sớm hơn vài năm, phản ứng có thể đã nhiệt tình hơn. Nhưng phản ứng trái chiều trong giới kinh tế hiện nay là một dấu hiệu đầy hứa hẹn. Nó cho thấy lĩnh vực này đã phát triển vượt ra khỏi mẫu hình hạn hẹp do Acemoglu và Robinson hoàn thiện và đang tích cực tìm kiếm những câu trả lời mới, tốt hơn cho những thách thức về phát triển trong thế giới ngày nay.

Tác giả

Dmitry Pozhidaev

Giáo sư, Đại học Makerere

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: The Nobel Prize for Institutions: A critique of Acemoglu and Robinson’s framework, LINKS - International Journal of Socialist Renewal, ngày 17 tháng 10 năm 2024.

Print Friendly and PDF