MÃNH LỰC CỦA Ý TƯỞNG: DI SẢN CỦA SERGE MOSCOVICI
Tác giả: Sandra Jovchelovitch
Serge Moscovici (1925-2014) |
1 Lý thuyết của Moscovici về các ý tưởng được định hình một cách toàn diện trong cuốn Tâm phân học, Hình ảnh và Công chúng |Psychoanalysis, Its Image and Its Public| (Moscovici, 2008), mặc dù chúng ta cũng có thể thấy điều đó rất rõ trong lý thuyết của ông về sự ảnh hưởng của nhóm thiểu số |minority influence| (Moscovici, 1976). Trong nghiên cứu của mình về tâm phân học, Moscovici bắt đầu nghiên cứu cách tâm phân học xâm nhập vào công chúng và trở thành một nhân tố văn hóa. Ở đó, ông nghiên cứu việc một tập hợp các ý tưởng, giả định và cách thực hành di chuyển như thế nào vào lĩnh vực xã hội và được biến đổi khi gặp gỡ với số đông. Đây là một cuốn sách bàn về việc một ngành khoa học, tức tâm phân học, xâm nhập như thế nào vào công chúng, và trong quá trình này, được biến đổi thành một thứ gì đó khác. Điểm mấu chốt của vấn đề là làm thế nào để một hình thái tri thức, tức khoa học, trở thành một thứ gì đó khác, tức lẽ thường |common sense|. Kết quả mà chúng ta biết rõ: một cuốn sách trở thành tác phẩm kinh điển của ngành tâm lý học xã hội nghiên cứu về tri thức và là nền tảng ban đầu cho lý thuyết những biểu trưng xã hội |social representations|. Những biểu trưng xã hội là những ý tưởng mà ta đang sống theo chúng và đôi lúc cũng sẽ chết vì chúng. Được tạo ra và biến đổi qua quá trình tương giao trong công chúng, những biểu trưng xã hội xuất hiện xuyên qua các lịch sử và những câu chuyện, các nền văn hóa và những thế hệ. Chúng thay đổi, chứ không biến mất. Những biểu trưng xã hội tham gia vào các lãnh địa mới song vẫn giữ liên kết với các lãnh địa gốc của chúng và, quan trọng là, với các cộng đồng khởi phát của chúng. Chúng tạo ra sự phá cách nhưng cũng làm quen với sự xa lạ. Trong lý thuyết của Moscovici, những biểu trưng xã hội cung cấp một sự liên tục giữa cuộc sống và tri thức, giữa khoa học và lẽ thường, giữa một ngành tâm lý học về tính duy lý và nhận thức với một ngành tâm lý học về kinh nghiệm, cảm xúc và xã hội (Jovchelovitch, 2007; Marková, 2003).
Tư duy theo và chống cả Marx lẫn Durkheim
Émile Durkheim (1858-1917) |
2 Với lý thuyết những biểu trưng xã hội, Moscovici đề xuất rằng: 1) có sự thông tuệ trong lẽ thường, và 2) tư duy bình dân |lay thinking| là không thể quy giản thành bất kỳ hình thái nào khác của tri thức. Ông viết: “những biểu trưng xã hội, các ngành khoa học dân gian của chúng ta, v.v., không thể bị tri thức khoa học quy giản và cũng chẳng thể thay thế được nó” (1993 a: 46). Hai mệnh đề này thách thức hai giả định phổ biến vốn được cho là thuộc về của cả tư tưởng Marxist lẫn của xã hội học Durkheimian.
3 Giả định đầu tiên là tư duy thông thường [luôn] bị ý thức sai lầm, ngu dốt và xuyên tạc làm hỏng. Cái nhìn ‘thiếu sót’ của tư duy bình dân tràn ngập trong nhiều cuộc tranh luận xung quanh nghiên cứu về thái độ và niềm tin của người bình thường (để thấy tổng quan, hãy xem Hilgartner, 1990). Moscovici (tương giao cá nhân) mô tả định hướng và phương pháp luận của phần lớn tâm lý học là xem nhẹ điều mà người bình thường phải nói bởi vì ‘tư duy của người bình thường là sai; họ thực sự không biết họ đang nói về điều gì’. Cái nhìn này nắm bắt những giả định tiêu cực làm suy yếu tư duy thông thường và bác bỏ phương diện tri thức luận trong những cách hiểu bình dân.
Jean Piaget (1896-1980) |
4 Giả định thứ hai là tri thức tiến triển theo một lộ trình thẳng băng thông qua các giai đoạn phát triển có sự tích lũy. Durkheim, và những tác gia khác bao gồm cả Piaget, đề xuất khái niệm tri thức này. Đối với những nhà tư tưởng này, mà người ta vẫn hay gọi họ là những nhà tư tưởng ‘khai sơn phá thạch’, thì các hình thái biểu trưng văn hóa là các giai đoạn nhỏ hơn của một hình thái cao hơn, ưu việt hơn của sự biết, hình thái mà khoa học biểu thị (Durkheim và Mauss, 1963; Piaget, 1995). Những biểu trưng văn hóa hàng ngày tuân theo một lộ trình phát triển, một lộ trình tiến bộ theo đường thẳng qua các giai đoạn liên tiếp mà đỉnh cao là tính duy lý |rationality| của khoa học. Tôi thảo luận nhiều về giả định này khi đánh giá sự đóng góp của các lý thuyết của Moscovici đối với cách chúng ta hiểu về tri thức theo bối cảnh (hãy xem Jovchelovitch, 2007 và gần đây hơn xem Marková, 2016; Wagoner, 2017). Giả định thứ hai này tự nó dựa trên niềm tin hiện đại – hay, theo tôi là, ảo tưởng – rằng tất cả các nền văn hóa của nhân loại đều tiến bộ theo cùng một mạch văn hóa. Cuối cùng, chúng hội tụ trong một lối tư duy thống nhất rủ bỏ thần thoại, mê tín và tôn giáo. Ảo tưởng này khiến khoa học trở thành hình thái nhận thức đặc quyền và cao cấp, một hình thái nhận thức đứng ở cuối thang đo phát triển, thứ đặt ra tiêu chuẩn cho toàn nhân loại. Chẳng phải tình cờ mà [các xã hội] ở cuối thang đo này đều là các xã hội công nghiệp ‘phát triển’ ở phương Tây.
5 Tuy nhiên, việc nghiên cứu những biểu trưng xã hội của tâm phân học thách thức cả hai giả định trên. Thay vì nghiên cứu cách lẽ thường trở thành khoa học, Moscovici đi theo hướng ngược lại và quyết tâm tìm hiểu cách khoa học trở thành lẽ thường. Mục đích không phải là đem lẽ thường vào giai đoạn cao hơn của tri thức đích thật vốn được khoa học biểu thị, mà là để hiểu cách xã hội nghĩ và lĩnh hội tri thức. Những bối cảnh văn hóa thường nhật là một nguồn tri thức dồi dào; tri thức này có thể là một hình thái tri thức khác với tri thức khoa học và công nghệ, song không kém phần khôn ngoan trong “những cái biết-làm thế nào” |know-hows| và “những cái biết-tại sao” |know-whys| mà nó [tri thức này] chứa đựng. Điều có thể là phi lý hoặc sai đối với người quan sát lại có ý nghĩa đối với những tác nhân của tri thức, và thậm chí chính theo nghĩa này mà một hệ thống tri thức nên được đánh giá: trong mối liên hệ với ý nghĩa và thực tại tâm lý mà nó [hệ thống tri thức] có đối với những người thực sự sản sinh ra nó. Với nhiều người khác, tôi nhận ra hai thách thức đó có liên quan và có tính khai phóng, và trong công trình của chính mình, tôi theo đuổi ý tưởng rằng tri thức luôn có tính ngữ cảnh, sự uyển chuyển và có nhiều giai đoạn: tri thức vừa biểu hiện vừa điều chỉnh con người theo những ngóc ngách văn hóa và theo các cộng đồng chính trị (Jovchelovitch và Priego-Hernandez, 2015; Wagner và Hayes, 2005).
6 Vì thế, trái với quan điểm cho rằng lẽ thường và tri thức bình dân đều có đầy sai sót, ngu dốt và xuyên tạc, thì Moscovici đưa cho chúng ta một lý thuyết khôi phục lẽ thường và tái nối kết tâm lý học với tư duy thường nhật, tự nhiên (Jovchelovitch, 2008). Nhưng Moscovici không tìm cách khôi phục lẽ thường nhằm mô tả nó và chấp nhận nó; công bằng mà nói, tôi nghĩ dự phóng của ông là một cách hiểu, và do đó là một sự chuyển đổi. Việc hiểu về những cách hiểu, như trong truyền thống thông diễn học, vượt xa sự chấp nhận những cách hiểu, sự chấp nhận đầu tiên |a prima facia| của tất cả các kiểu biểu trưng xã hội. Như Gerard Duveen chỉ ra cho tôi nhiều lần, trong tâm lý học của Moscovici cũng có ý tưởng tương tự như ý tưởng của những nhà Marxian cổ điển, ý tưởng của ngành tâm lý học này cho rằng mục đích của tâm lý học không chỉ nhằm diễn giải thế giới mà còn nhằm thay đổi thế giới.
7 Đối với Moscovici, khoa học trở thành lẽ thường, nhưng khoa học cũng có thể ‘soi sáng’ và làm thay đổi lẽ thường. Ông nhận thấy có một sự căng bức diễn ra giữa khoa học và những biểu trưng thông thường, giữa thí nghiệm và kinh nghiệm, giữa sự tao nhã của logic hình thức với niềm đam mê và thực dụng luận của nền văn hóa dân gian. Ông vừa là nhà toán học, vừa là nhà phê bình văn học, vừa là nhà khoa học vừa là nhà triết học, vừa là một nhà thí nghiệm tài giỏi vừa là một nhà quan sát sắc sảo về kinh nghiệm trong đời sống thường nhật. Trọng tâm trong toàn bộ dự phóng của ông là cuộc đấu tranh để vượt qua lằn ranh ngăn cách giữa tâm lý học nhận thức và tính duy lý lạnh lùng với tâm lý học về kinh nghiệm và sự kiến tạo ý nghĩa. Ông đã cố gắng hòa giải sự căng bức này và, ở một chừng mực nào đó, điều này được coi là có hiệu quả bất chấp sự ngăn cách to lớn đã khiến hai dòng chảy [tư duy] này tách biệt nhau trong lịch sử triết học phương Tây.
8 Đối với vấn đề này, tôi muốn đề nghị rằng, Moscovici tiết lộ sự gắn bó sâu sắc của mình với thành quốc |the polis|, với một tâm lý học trong và ngoài công chúng. Khi đọc lại Hannah Arendt, tôi hiểu rằng Moscovici đứng sánh vai cùng Socrates, và di sản của ông để lại cho chúng ta là một hình thái tâm lý học xã hội theo hình thức đối thoại sâu sắc của Socrates (Marková, 2016). Trong phần tiếp theo của khảo lược này, tôi muốn khám phá một số điểm tương đồng, đưa chúng ta trở lại mối quan hệ giữa nhà tâm lý học với thành quốc. Moscovici đặt vấn đề về tư duy tự nhiên và không sợ nhà nước, mặc dù cũng giống như Socrates, ông có những lý do chính đáng để làm vậy.
Tìm kiếm một chuyên ngành tâm lý học Socrates
Hannah Arendt (1906-1975) |
9 Hannah Arendt nhận xét rằng truyền thống triết học của [phương Tây - ND] chúng ta bắt đầu khi phiên tòa và cái chết của Socrates khiến Plato tuyệt vọng về cuộc sống ở thành quốc (Arendt, 2005). Cách lý giải của Arendt đặt sự tuyệt vọng với thành quốc vào những căn nguyên của việc Plato trốn khỏi thế sự. Sự tuyệt vọng này đánh dấu khởi điểm của sự phân chia giữa một bên là vida activa với một bên là vida contemplativa, giữa một cuộc sống sôi động ở trong công chúng, giữa sự tranh luận và tư duy, với một cuộc sống chiêm nghiệm, tức việc sống trong sự chiêm nghiệm đơn côi, phát triển những ý tưởng và tri thức (Billig, 2008). Phản ứng của thành quốc dành cho Socrates thuyết phục Plato rằng sự tranh luận và tư duy không song hành cùng nhau. Tư duy thuộc về cuộc sống chiêm nghiệm và cần một không gian an toàn tránh xa các chuyện đời thường của con người.
10 Sự tuyệt vọng của Plato là có lý: thành quốc hành quyết Socrates. Nó hoàn toàn hiểu nhầm sự phủ nhận của Socrates đối với tri thức và nó xác quyết rằng việc này chẳng có ích lợi gì đối với một triết gia, điều mà chúng ta có thể liên tưởng tới cách thế giới ngày nay bác bỏ vai trò của giới chuyên gia. Sự tuyệt vọng của Plato đã vạch trần dữ dội thường kiến |doxa| — hay ý kiến, sau đó thuật ngữ này lại trở thành một trụ cột cho khái niệm chân lý của ông. Cho tới tận ngày nay, nó bám rễ sâu vào cách chúng ta hiểu về thế giới (Waldenfels và Evans, 1982). Đối với thường kiến, Plato phản đối một chân lý cao hơn, dựa trên những ý tưởng cao hơn mà chỉ có thể thực hiện được bên ngoài thành quốc.
11 Dự phóng của Socrates dành cho triết học đã trở thành một dự phóng khác. Cuộc nghị sự của ông là mang tính xã hội và không tách rời khỏi sự tranh luận và tư duy. Ông đi qua những người dân thường và dạo quanh khu chợ, ngay giữa [các] thường kiến. Khi trò chuyện với họ, qua nỗ lực đối thoại đầy đau đớn, ông phát minh ra phương pháp khơi gợi tri thức của người khác: phương pháp hộ sinh trí tuệ hay còn gọi là phương pháp gợi hỏi. Một cuộc trò chuyện bao gồm những câu hỏi và hồi đáp gây khốn đốn và làm rối trí có thể hiển thị những điều tiềm ẩn và nằm sâu dưới bề mặt. Socrates cuốc bộ trong thành phố với mong muốn giúp đỡ những con người giống mình tìm ra chân lý trong thường kiến của họ, làm nảy sinh tư duy mà chính họ đang thai nghén. Arendt nói, ông ấy muốn “khiến cho thành phố trở nên trung thực hơn không phải bằng cách phá hủy thường kiến mà bằng cách tiết lộ sự chân thật của nó”.
12 Sự khác biệt với Plato là có tính quyết định. Socrates không muốn giáo dục những người dân thường và rao giảng những chân lý triết học. Hành động của ông không tìm cách để triết học chống lại thường kiến, hay biến thường kiến thành triết học. Vấn đề đối với ông là đưa ra chân lý của thường kiến, thông qua đối thoại mà những người đối thoại có thể cùng nhau hướng đến một sự hiểu về thế giới. Sự soi sáng [của thường kiến] không phải là đặc tính có sẵn trong tính duy lý nhận thức của kẻ trí cô độc; nó nổi lên như một hành động tương giao giữa những người có lập trường khác nhau mà nhờ việc đối thoại, họ đạt được một sự hiểu và có tri thức tốt hơn về các vấn đề hiện tại.
Jürgen Habermas (1929-) |
13 Chương trình này trở thành nền tảng của lý thuyết hành động tương giao của Habermas và của việc ông ấy nghiên cứu lại tiềm năng giải phóng được gắn trong ý tưởng về lý tính (Habermas, 1992). Theo quan điểm của tôi, chương trình của chính Moscovici về việc nghiên cứu những biểu trưng xã hội và tầm nhìn bao khắp của ông về tâm lý học như một ngành khoa học cũng không kém phần mẫu mực. Hơn thế nữa, chương trình này có tính dẫn giảng về cách bản thân ông đối phó với những sự kiện định hình cuộc đời mình và là nguồn cảm hứng để ta xem xét tình thế hiện tại của chính mình.
Tâm lý học trong và ngoài công chúng
14 Một giải pháp dễ dàng cho những căng bức giữa thường kiến và triết học là ý tưởng rằng tất cả thường kiến đều đáng được khen ngợi. Cái nhìn này dành cho thường kiến chuyển thành nhiều cuộc thảo luận đương đại về khoa học và lẽ thường, người ta nâng cái này bằng cách đè cái khác và ngược lại. Phần lớn phê phán ở tầm tri thức của giới chuyên gia ngày nay phản ánh xu hướng này. Đó là một sự phê phán ký sinh trên nền tảng của sự thông tuệ dân gian cổ xưa bị khinh miệt quá đáng, vốn thường tự cao tự đại để có thể đánh giá tính thực dụng của cuộc đời. Thường kiến, cũng như lẽ thường, liên quan tới cuộc sống và những tất yếu mang tính thực dụng của nó; triết học, và nền móng nhận thức luận cao hơn mà khoa học chiếm giữ, liên quan tới sự tách biệt khỏi thành quốc, có thể là trong không gian có tính bảo vệ của phòng thí nghiệm hay trong các căn phòng học của những tòa tháp ngà.
15 Tuy nhiên, Moscovici chưa bao giờ lãng mạn hóa lẽ thường. Ngược lại, ông nghiên cứu nó bằng thí nghiệm và tìm cách hiểu logic của nó, cả về tiềm năng lẫn về những đặc trưng có phần hạn chế và đôi khi lại khá nguy hiểm của nó. Để mô tả hình thái của sự biết này như là những niềm tin không thể cưỡng lại, Moscovici (1993 a) cho rằng chúng là cơ sở cho những đời sống tinh thần của chúng ta. Ông lập luận rằng tâm lý học cá nhân sẽ còn phiến diện và hời hợt nếu nó vẫn không xem xét tới cơ sở xã hội-tình cảm-nhận thức mà mỗi cá nhân đều sẽ dựa trên đó để bắt đầu tư duy, nhận biết và nói. Ông hiểu rõ những nguồn lực của lẽ thường, tính duy lý bản năng |intrinsic rationality| của nó và năng lượng liên kết, ràng buộc của nó, đóng vai trò chính trong việc dựng nên chất kết dính chung giúp ổn định tính bấp bênh của cuộc sống cùng nhau của chúng ta. Nhưng mặc dù nền tảng của chúng ta có là gì đi nữa, thì lẽ thường là chuyện “phàm phu, quá đỗi phàm phu” và những khám phá của Moscovici về những biểu trưng xã hội tập trung không chỉ vào việc hiểu thường kiến, mà còn vào mặt tiềm ẩn và khá đen tối trong chân lý của thường kiến, và ông tài tình bóc trần chúng ra trong các nghiên cứu của mình về vụ Dreyfus, về chủ nghĩa toàn trị, về tâm lý học vô thức và tâm lý học đại chúng (Moscovici, 2000a, 1993a, 1991, 1985b).
16 Công trình nghiên cứu của Moscovici về vụ Dreyfus, và Proust được quan tâm đặc biệt ở đây. Trong nghiên cứu này, ông khám phá phương diện tâm động |psychodynamic| của những cảm giác bài Do Thái, thứ cảm giác sớm gây ra thảm cảnh diệt chủng và thay đổi mãi mãi cuộc đời ông. Quan trọng hơn, Moscovici thảo luận về sức mạnh của nhóm thiểu số nhằm chống lại và tạo ra sự thay đổi kết hợp với nỗi đau riêng mà những người không còn thuộc về số đông phải trải qua khi bị số đông áp đặt. Việc xua đuổi những người Dreyfusards và người Do Thái ra khỏi thành quốc cho thấy “chủ nghĩa bài Do Thái xuất hiện trong vụ Dreyfus là một loại hình mới, bắt nguồn từ sự đồng hóa những người Do Thái, từ cuộc sống của họ bên trong xã hội Pháp, chứ không phải bên ngoài như tình huống đã xuất hiện trước đây” (Moscovici, 2000a: 198).
17 Từ việc trải qua một số kiểu đồng hóa, người Do Thái giờ đây trở thành những người không được hoan nghênh |persona non grata|, tốt hơn nên tránh xa tầm mắt của công chúng, chứ không trở thành những người mà công chúng muốn được nhìn thấy. Việc loại bỏ các nhóm thiểu số bất đồng ra khỏi công chúng sang nhóm cá biệt và tước quyền của họ đối với thành phố và do đó việc được nhìn thấy và việc được xã hội công nhận trở thành bi kịch của Swann và, với ông, của cả một dân tộc. Vì thế, Moscovici viết rằng “Những người Dreyfusards tiếp tục tồn tại trong các kẽ hở của đời sống xã hội mà không tồn tại đầy đủ ở đó, vừa có thể vừa không thể được nhìn thấy. Họ hệt như những người phải rời bỏ quê hương sau Thế Chiến thứ hai” (sđd: 192). Ngoài ra, chúng ta có thể nghĩ tới những người tị nạn ngày nay. Họ từng sinh sống và là một phần của thành quốc ở quê hương của họ, giờ đây họ bị loại ra và trục xuất khỏi thành quốc: “Vấn đề không còn chỉ là tồn tại hay không tồn tại mà còn là thuộc về hay không thuộc về nữa” (sđd: 190).
18 Nghiên cứu mặt tối của thường kiến là trọng tâm trong công trình của Moscovici và cách ông hiểu có thể dễ dàng thôi thúc bản thân mình đồng nhất hóa với Plato. Sự tuyệt vọng của Plato đối với các chuyện đời thường của thành quốc cũng có sẵn trong Moscovici; thực sự, nó cũng có sẵn trong mỗi chúng ta. Moscovici không bị xét xử và bị giết; ông vẫn sống sót, nhưng suýt bị như thế. Những điều ông thấy và trải qua có thể đã nuôi dưỡng hàng ngàn lần muốn rút khỏi các chuyện đời thường của thành quốc. Vậy mà, ông vẫn không quay lại. Thay vào đó, ông tiếp tục sống và làm việc ở giữa thành quốc.
19 Hannah Arendt tin rằng tư duy và kinh nghiệm đan quyện vào nhau; thực sự bà coi kinh nghiệm là gốc rễ của sự sống trí óc (Arendt, 1971). Lời kể của bà về sự tuyệt vọng của Plato cho tôi một sự thấu nhận |insight| mới về cách tư duy của Serge Moscovici giao thoa với cuộc đời ông và mang lại cho chúng ta một di sản đậm chất Socrates hơn chất Platon. Ông đi dạo trong thành quốc như Socrates, tò mò về những điều kiện mà tư duy, lời nói và hành động trở nên khả thi. Có lẽ cuộc đời ông thúc đẩy ông hòa mình vào cuộc sống của thành quốc và phát triển một nhánh tâm lý học của và về công chúng. Tuy nhiên, ông không bao giờ tự mãn với thường kiến và khoa học; nếu có, ông thấy rõ sự đan quyện vào nhau và những nguồn gốc mà hai hình thái tri thức này cùng có chung. Với khái niệm nhiều giai đoạn nhận thức |cognitive polyphasia|, ông mô tả những điều mà chứng cứ tích lũy được trong lĩnh vực của chúng ta cho thấy: sự trộn lẫn giữa tri thức và thường kiến với tư cách là những toán tử nhận thức (Moscovici, 1992c).
Những nhận xét kết luận
20 Làm sao chúng ta có thể quan niệm về mối quan hệ giữa thường kiến và khoa học vào đầu thế kỷ 21 này? Các tri thức luận chưa bao giờ là tĩnh, và các sự kiện địa chấn năm 2016 đưa chúng vào chuyển động mạnh trở lại. Hầu hết chúng đều được coi như là những sự thay đổi cuộc sống, bao gồm vụ Brexit ở Anh, vụ Trump ở Hoa Kỳ, việc luận tội Roussef ở Brazil, việc từ chối thỏa thuận hòa bình ở Colombia, sự trỗi dậy từ từ của phe cực hữu ở châu Âu và bầu không khí thù địch công khai đối với nhóm thiểu số lại trở thành một phần của dòng chủ lưu. Đồng thời, các lời hứa và những điều không tưởng gắn liền với toàn cầu hóa cũng bị đặt dấu hỏi, điều này được thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Chúng ta thường cảm thấy như thể các phạm trù khái niệm của mình không thể nắm bắt những sự kiện này và khiến chúng trở nên dễ hiểu (Kalampalikis và Haas, 2008).
21 Một số người đề nghị chúng ta hãy quay về với Marx và khái niệm hệ tư tưởng |ideology| [của ông] với nét nghĩa ý thức sai lầm. Những người khác đề nghị rằng chúng ta hãy trở lại với Nietzsche và với ý tưởng về sự căm phẫn của ông ấy (Mishra, 2017). Trong tâm lý học, tôi tin rằng di sản của Serge Moscovici phục vụ tốt cho chúng ta. Mãnh lực của lý thuyết của ông về các ý tưởng dựa vào tầm nhìn trí tuệ rộng lớn, với khả năng liên kết tâm lý học xã hội với nhiều lĩnh vực và những cuộc tranh luận rộng lớn hơn, trong việc nối kết chúng ta với các vấn đề xã hội cấp thiết, cấp bách. Giọng nói của ông biểu lộ sự thông tuệ của một học giả nhưng cũng có chiều sâu kinh nghiệm của một người từng chứng kiến và sống sót sau giai đoạn phá hủy luân lý và chính trị sau Thế Chiến thứ hai. Kinh nghiệm này thấm vào [hướng nghiên cứu] tâm lý học xã hội của ông, và khiến tư tưởng của ông phần nào mang một màu sắc u sầu và đáng sợ. Tuy nhiên, tôi luôn tìm thấy ở ông niềm tin rằng có sự thông minh và tốt đẹp ở những người đàn ông và đàn bà bình thường, những người vẫn ngày ngày buôn bán mưu sinh. Đối với tôi, ông vẫn là một người theo chủ nghĩa nhân văn và là một người tin tưởng vào quyền năng của đời sống thường nhật. Moscovici coi lẽ thường không phải là một nguồn gốc của những niềm tin sai lầm và sự xuyên tạc. Các lý thuyết của ông về các nhóm thiểu số có sự chủ động và những biểu trưng xã hội được xây dựng dựa trên niềm tin này.
22 Nền tảng vững chắc của Moscovici để nghiên cứu lẽ thường và khiến cho nó trở nên lôi cuốn, mà không lãng mạn hóa nó hay quên đi mặt tối của nó diễn ra như thế nào, vẫn tiếp tục xác đáng cho đến tận ngày nay. Cuộc đời và công trình của ông truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ các nhà tâm lý học tương lai gìn giữ một mối quan hệ bền chặt với thành quốc và tiếp tục phát triển một chuyên ngành tâm lý học Socrates, nhánh tâm lý học nối kết tư duy với sự tranh luận (Billig, 2008), nối kết bản thân với tha nhân (Marková, 2016), nối kết cá nhân với xã hội (Himmelweit và Gaskell, 1990), nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai với nhau (Farr, 1993). Tôi kết thúc khảo lược này bằng chính lời của ông: “Một mặt, người ta nghĩ rằng họ có thể dựa vào tảng đá cứng của khoa học; mặt khác, người ta cũng nghĩ rằng họ có thể tìm lại được độ phong phú và độ tươi mới của kinh nghiệm và thực tại, những thứ thường bị môi trường điều kiện hóa của phòng thí nghiệm loại bỏ […] điều mà Pascal gọi là ‘óc hình học và óc tế nhị’ |l’esprit de géométrie et l’esprit de finesse|. Việc tái thống nhất những điều đã tách biệt, tức là tái thống nhất giữa thí nghiệm và kinh nghiệm, có thể khắc phục sự bất tiện này và mở ra một lĩnh vực mà các nhà tâm lý học xã hội có thể phô diễn năng lực phát kiến của họ, thứ mà họ luôn luôn sở đắc trong người.” (Moscovici, 1991: 266-67).
© Éditions de la Maison des sciences de l’homme, 2019
THÔNG TIN TÁC GIẢ
Giáo sư Tâm lý học xã hội, Khoa Tâm thức và Khoa học Hành vi |Psych and Behav Science|, Trường Kinh tế London |London School of Economics|.
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: The Power of the Idea: The legacy of Serge Moscovici, Books Openedition, 2019.