26.12.24

Cuộc sống ngắn ngủi và có lý do chính đáng – đây là cách khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn

CUỘC SỐNG NGẮN NGỦI VÀ CÓ LÝ DO CHÍNH ĐÁNG – ĐÂY LÀ CÁCH KHIẾN CUỘC SỐNG CÓ Ý NGHĨA HƠN

Eyasu Utsub/Bapt

Năm 1605, tiểu thuyết gia vĩ đại người Tây Ban Nha, Miguel de Cervantes Saavedra, đã viết, qua nhân vật Don Quixote xứ La Mancha, rằng

người khôn ngoan sẽ giữ mình hôm nay cho ngày mai, và không nên đặt hết trứng vào một giỏ.

Nhưng liệu điều này có thực sự khôn ngoan? Tôi cho rằng hoàn toàn không.

Thật là đỉnh cao của sự ngớ ngẩn khi “giữ mình cho ngày mai” nếu ai đó đang mong muốn một sự tồn tại có ý nghĩa, và điều này chỉ dẫn đến một cuộc đời chưa được sống trọn vẹn, đầy rẫy những khả năng chưa được hiện thực hóa và những điều có thể đã xảy ra. Một người khôn ngoan chắc chắn nên sống một cuộc đời thực tế, phải vậy không?

Tuy nhiên, ít nhất là đối với xã hội thế tục, chúng ta dường như đã khắc cốt ghi tâm lời khuyên tưởng chừng như khôn ngoan này. Nó dường như trở thành nền tảng cho việc tối ưu hóa danh mục đầu tư tài chính, nơi nó xuất hiện dưới dạng câu châm ngôn rằng ta nên “đa dạng hóa danh mục đầu tư” và không nên đặt cược quá nhiều vào một khoản đầu tư cụ thể. Trên bề mặt, điều này có vẻ là một cách sống hợp lý: coi cuộc sống như một vấn đề kinh tế (cách tiếp cận này rõ ràng có giá trị về mặt lợi nhuận đầu tư) và trên hết là giảm thiểu thua lỗ. Càng ít lựa chọn, ta càng ít mạo hiểm. Dù sao đi nữa, việc cam kết thường liên quan đến việc từ bỏ những lựa chọn khác. Điều này mang nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh tâm lý trị liệu (mượn lý thuyết của Carl Gustav Jung), những người sống như thể thời gian là vô hạn, luôn để ngỏ mọi lựa chọn, được gọi là Puer Aeterni: những đứa trẻ vĩnh cửu. Chính bằng cách gắn mình vào thực tế, dấn thân vào thực tại, chọn một con đường hành động, quyết đoán và v.v., người ta mới trưởng thành.

Những người Puer sống một cuộc đời tạm bợ, vì về cơ bản đó là luyện tập né tránh thực tại. Trạng thái làm người này chẳng khác gì việc đọc về cách nếm rượu hay nghe nhạc, hoặc nhìn người khác đạt cực khoái trên màn hình và mong đợi rằng đó sẽ là một phiên bản thay thế đủ đầy cho việc trải nghiệm những điều đó trong thực tế.

Jung đã viết [về điều này] gần một thế kỉ trước. Ngày nay, dường như có một thế lực đặc biệt nào đó đang đẩy chúng ta ngày càng xa rời thực tế hơn. Với COVID-19, chúng ta thấy mình bị cách ly, giảng dạy và họp hành qua Zoom, tình trạng này vẫn tồn tại sau thời gian phong tỏa. Với sự ra đời của “Metaverse”, nhân loại lại càng phải đối mặt với khả năng mất kết nối với thế giới thực và cuộc sống thực nhiều hơn nữa.

Mark Zuckerberg đang sử dụng Metaverse. Eric Risberg/AP

Tất nhiên, công nghệ có thể là một công cụ tuyệt vời, và tôi không phủ nhận sự hữu ích của Zoom và thực tế ảo (vốn dĩ có thể mang lại phiên bản Zoom sống động hơn), nhưng chúng ta phải luôn cảnh giác trước những nỗ lực làm suy yếu khả năng và nhu cầu hiện sinh của chúng ta trong việc đưa ra những lựa chọn có ý nghĩa.

Một xã hội mà con người không sẵn sàng dấn thân hành động để tác động đến thế giới mà họ chịu trách nhiệm chẳng khác gì một xã hội của trẻ con, bất kể tuổi tác theo thời gian của họ là bao nhiêu đi nữa. Thật vậy, nhà phân tâm học Dan Kiley từng tái định nghĩa phức cảm Puer này qua nhân vật mang tính nguyên mẫu của J. M. Barrie, Peter Pan, cậu bé không bao giờ lớn, với châm ngôn là:

Những ngôi sao rất đẹp nhưng chúng chẳng thể tham gia vào bất cứ việc gì, chỉ có thể dõi theo từ xa mãi mãi.

Những Puer có thể có “vô số niềm vui,” nhưng họ cũng sẽ thấy mình, trích lời Barrie một lần nữa, “hóng qua cửa sổ niềm vui duy nhất mà [họ] sẽ luôn bị cấm đoán.” Và điều đó cũng xảy ra với những người không thể cam kết với một tương lai cụ thể, người, công việc, v.v.. Không thể nói rằng họ đang sống hay tương tác đúng cách với thế giới và những người trong đó. Họ đã sống trong một loại giả lập nào đó rồi.

Peter Pan, cậu bé không bao giờ lớn. Xưởng phim hoạt hình Walt Disney

Jung gọi trạng thái này là “cuộc sống tạm bợ”. Tương tự như vậy, trước đó rất lâu, nhà triết học khắc kỷ Lucius Annaeus Seneca, trong cuốn sách Về sự ngắn ngủi của cuộc đời, đã đề cập đến “sự lang thang” hơn là một “cuộc hành trình”, điều tạo ra một con đường xuyên qua không gian của những khả năng có mục đích, thiết kế và thường can đảm. Cuộc sống không chỉ đơn thuần là tồn tại. Nó không chỉ ở đó qua sự trôi đi của thời gian.

Đọc thêm: Seneca sẽ nói gì? Sáu lời khuyên khắc kỷ để sống sót khi bị cách ly

Cam kết như một sự hy sinh

Nhưng có lẽ chúng ta không nên hoàn toàn coi thường việc trốn tránh cam kết như Kiley, Jung và Seneca. Thế giới thực sự đầy rẫy những khả năng. Nhưng một thế giới đầy tiềm năng cũng đầy rẫy những điều không chắc chắn (nền tảng của rủi ro đã đề cập ở phần trên). Và từ sự không chắc chắn này sinh ra nỗi lo âu khi phải đối mặt với rủi ro khi đưa ra các quyết định.

Nguồn gốc cuối cùng của sự lo âu này là gì? Tôi nghi ngờ rằng chính sự hiểu biết tiềm ẩn rằng mỗi hành động có tính quyết định được thực hiện đồng thời là một loại cái chết; một hành động hủy diệt cũng [có tính chất] như một hành động sáng tạo hoặc hữu ích, giết chết các lựa chọn thay thế để chỉ cho phép một lựa chọn duy nhất sống sót.

Một cam kết do đó là một kiểu hy sinh, một sự hy sinh những khả năng khác – đây cũng là sự hy sinh cho khả năng trở thành hiện thực, từ đó nâng cao tầm quan trọng của nó. Sự lo âu chính là sự thừa nhận rằng các quyết định có thể quan trọng một cách căn bản, đối với cả người quyết định và thế giới xung quanh họ.

Do đó, giải pháp được cho là hợp lý chỉ đơn giản là không đưa ra bất kỳ quyết định nào và để ngỏ mọi lựa chọn. Và tất nhiên, vì không gian khả năng của chúng ta ngày càng bị thu hẹp khi chúng ta già đi, chúng ta muốn giữ lại càng nhiều lựa chọn càng tốt, coi chúng như nguồn sống của cuộc đời. Nhưng cuộc sống không có giới hạn chỉ có thể tạo ra một cái ao tù đọng.

Những giới hạn này trở nên rõ ràng nhất khi đối diện với một cuộc khủng hoảng. Có những lúc chúng ta hoàn toàn nhận thức rằng mình đang đứng trước ngã ba đường. Cảm giác đó là sợ hãi, bởi vì chúng ta biết rằng vào những khoảnh khắc như vậy, chúng ta đang loại bỏ một số khả năng theo cách không thể đảo ngược. Thật vậy, từ “khủng hoảng” (tiếng Anh: crisis) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với nghĩa là quyết định: krinein.

Nỗi sợ hãi đó là hợp lý vì đây là điều quan trọng. Tất nhiên, điều này thường xảy ra ở giữa cuộc đời, bởi vì chúng ta biết rằng chúng ta cũng đang ở bước ngoặt: nếu may mắn, chúng ta chỉ mới đi được nửa chặng đường đến điểm cuối. Tại thời điểm này, các quyết định dường như có tầm quan trọng lớn hơn chính bởi vì các lựa chọn của chúng ta đang trở nên bị giới hạn hơn. Tại đây, chúng ta nhận ra rằng cái chết, giống như một chùm ánh sáng, càng tập trung hơn khi nó thu hẹp.

Thông thường, chúng ta nghĩ về những giới hạn (đặc biệt là cái chết, giới hạn cuối cùng) như những điều làm gián đoạn sự tự do của chúng ta, chính vì chúng loại bỏ những khả năng theo cách này. Nhưng nghịch lý thay, các giới hạn lại có thể được nhìn nhận như là nguồn gốc của sự tự do. Hơn nữa, chính sự tự do được sinh ra từ giới hạn này lại là nơi chứa đựng vô vàn ý nghĩa cho tất cả chúng ta.

Đọc thêm: Tiểu luận thứ sáu: về việc nghĩ đến sự thật về cái chết của một người

Bất tử không phải là một ý tưởng hay

Tất cả những điều này rõ ràng tác động đến sự ám ảnh liên tục về sự bất tử. Đây là sự điên rồ nhất trong mọi sự điên rồ. Sống mãi, bất tử, không phải là ý kiến ​​hay nếu bạn muốn có một cuộc đời ý nghĩa.

Trong khi Seneca lập luận rằng “vấn đề không phải là chúng ta có quá ít thời gian để sống, mà là chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian”, tôi cho rằng chính sự ngắn ngủi của cuộc sống thực sự là nguồn gốc chính của ý nghĩa. Cuộc sống ngắn ngủi, và điều này có lý do chính đáng.

Triết gia người Đức Martin Heidegger đã bảo vệ quan điểm tương tự trong cuốn Tồn tại và Thời gian của mình, mà không nghi ngờ gì là một tác phẩm thiên tài, nhưng có một phiên bản dễ tiếp cận hơn của ý tưởng này trong loạt phim truyền hình The Good Place (nơi mà “nơi tốt đẹp” là thế giới vĩnh cửu sau cái chết).

Trong tập áp chót, các cư dân được trao cơ hội thoát khỏi sự tồn tại vĩnh cửu nhạt nhẽo và bước vào sự hư vô, nhiều người vui vẻ chấp nhận điều sau vì ý nghĩa sẽ biến mất nếu không có giới hạn.

Đọc thêm: Hài kịch theo tư tưởng của Kant: triết lý của The Good Place

Cái chết là giới hạn quan trọng nhất vì ranh giới hữu hạn này là điều cần thiết để tạo ra sự lựa chọn giữa các khả năng. Nó chỉ hiện thực hóa một số khả năng nhất định, đồng thời loại bỏ các khả năng còn lại chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng.

Cái chết cho phép chúng ta xây dựng ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Nó dẫn đến điều hoàn toàn ngược lại với thực tế ảo. Cuộc sống, thông qua những lựa chọn của chúng ta, trở thành một dạng dự án kiến tạo thực tại. Đây chính là nơi chứa đựng sự phong phú.

Tất nhiên, nhiều cuộc đời quá ngắn ngủi để có thể tạo ra nhiều hay bất kỳ ý nghĩa nào theo cách này, chẳng hạn khi ai đó mất quá sớm. Không có nhiều điều để nói về sự biện minh cho điều này. Tôi chắc chắn sẽ nói rằng mặc dù cuộc đời là hữu hạn, ngắn ngủi là điều cần thiết cho ý nghĩa, thì ý nghĩa cũng đòi hỏi cuộc sống có một khoảng thời gian đủ dài để ít nhất cho phép con người phát triển đến một mức độ nhất định, nơi họ có khả năng đưa ra quyết định và tạo dựng con đường trong thế giới này. Tuy nhiên, một cuộc đời dài lâu không nhất thiết chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn so với một cuộc đời ngắn ngủi. Như Ralph Waldo Emerson từng nói, thừa nhận rằng chúng ta không phải lúc nào cũng có quyền chọn xem mình có bao lâu để sống, “[không phải] độ dài của cuộc đời, mà là độ sâu của cuộc đời” mới là điều thực sự quan trọng.

Vì vậy, khi chúng ta từ bỏ thuộc tính thần thánh của sự vô hạn khi rời khỏi cuộc đời tạm bợ và cam kết bằng cách đưa ra quyết định và hành động, chúng ta mở cánh cửa đến một khả năng thần thánh khác: sức mạnh sáng tạo và vũ trụ của sự lựa chọn, hiện thực hóa một khả năng từ vô số khả năng có sẵn.

Mặc dù có vẻ như không phải vậy, nhưng cái chết là món quà vĩ đại nhất của chúng ta xét về sự tồn tại ý nghĩa, vì nó chính là nguồn gốc của sự lựa chọn, của việc phải quyết định, chính nhờ hiệu ứng tập trung của nó.

Hành động quyết đoán là bạn đang kiểm soát được những gì xảy ra. Đó là bạn tác động đến thế giới, thay vì để thế giới tác động đến bạn. Đây mới là sự tự do thực sự.

Cuốn sách Life is Short của Dean Rickles được xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Princeton.

Thông tin về tác giả

Dean Rickles

Giáo sư, Đại học Sydney

Tuyên bố công khai

Dean Rickles nhận được tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Úc, Quỹ John Templeton và Quỹ Franklin-Fetzer (thông qua Foundational Questions Institute).

Người dịch: Nguyễn Thị Trà Giang

Nguồn: Life is short, and for good reason – here’s how to make it more meaningful, The Conversation, Dec 16, 2022.

Print Friendly and PDF