28.12.24

Giải thích và thông hiểu

GIẢI THÍCH VÀ THÔNG HIỂU

Một cách giản lược, có thể nói là chủ đề “giải thích” quy về việc làm hiển nhiên những nguyên nhân quyết định hành vi của các chủ thể, trong lúc ý niệm “thông hiểu” phản chiếu việc làm rõ ý nghĩa, động cơ hay các “lí do” mà các tác nhân gán cho hành động của họ vốn thường được xem là không thể rút gọn thành những nguyên nhân. Đương nhiên trong ngôn ngữ thường ngày, cụm từ giải thích xã hội học cũng có thể quy về việc làm rõ những lí do của các tác nhân. Nhưng một cách kĩ thuật hơn, ta sẽ dành ý niệm giải thích cho việc xác định nguyên nhân của hành vi và ý niệm thông hiểu cho việc mô tả những lí do tạo nên động cơ của hành vi.

Trong lĩnh vực các khoa học xã hội, sự đối lập giữa giải thích và thông hiểu phản ánh cương vị của hai thuật ngữ này đối với các khoa học tự nhiên. Thật vậy, ban đầu sự phát triển của các khoa học xã hội diễn ra trong sự nối tiếp của một cách tiếp cận mới tri thức về tự nhiên, được minh họa bằng biểu tượng là Newton. Điều này đã khiến một số triết gia xét đến khả năng áp dụng các mô hình nhân quả thống trị trong việc giải thích những hiện tượng của tự nhiên có thể áp dụng vào đời sống xã hội. Đó là trường hợp của Hume ([1739] 1973), người muốn làm Newton của xã hội. và như vậy công nhận nguyên tắc rút gọn về tính nhân quả. Trái lại, Kant, trong tác phẩm Phê phán lí tính thực hành (1788), lí thuyết hóa sự phân biệt giữa hai đặc tính, đặc tính của nhân quả vận động trong thế giới vật lí và đặc tính của tự do thắng thế trong lĩnh vực của hành động con người thông qua biểu hiện của đạo lí. Đối với Kant, quy chiếu về tính duy lí và tự do của hành động con người đưa vào một sự tách biệt trong trật tự các hiện tượng, và như vậy hành động của con người thoát khỏi sự thống trị của những nguyên nhân chi phối trật tự tự nhiên. Ta gặp lại cách đặt vấn đề này trong các khoa học xã hội, nhưng dưới một dạng có nhiều thay đổi.

Một mặt, đối với xã hội học, A. Comte ([1848] 1972) sẽ là tác giả đầu tiên quan niệm rõ ràng nhất dự án về một sự liên tục giữa các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đối với ông, nghiên cứu xã hội như một hệ thống đặt khoa học này trong sự liên tục của các hệ thống khác về tự nhiên, và như vậy nhiệm vụ chung của công tác khoa học là khám phá những quy luật chi phối các hệ thống này (Comte dựa trên ý niệm quy luật hơn là ý niệm nguyên nhân bị ông đánh giá là quá trừu tượng). Giải thích những hiện tượng xã hội tương ứng với việc làm rõ những quy luật về sự nối tiếp và những quy luật về sự hình thành không thể rút gọn về sáng kiến cá nhân, tuy mặt khác Comte cũng quan tâm đến những biểu trưng cá thể và diễn biến điển hình của các biểu trưng này, và điều này đặt ra vấn đề quan hệ giữa hai chiều kích.

Mặt khác, trong khuôn khổ của cuộc tranh cãi nổi tiếng về các phương pháp diễn ra sau này ở Đức vào cuối thế kỉ XIX và đặt ra mối quan hệ giữa các khoa học tự nhiên và các khoa học tinh thần hay khoa học văn hóa, di sản của Kant sẽ được tái khẳng định và người ta sẽ nhấn mạnh tính đặt thù của hành động con người, không thể quy về việc xác định nhân quả do hành động này, một mặt, gắn liền với một ý nghĩa và một ý định, mặt khác với lịch sử và đặc thù của các xã hội vốn quyết định ý nghĩa này. Như vậy Dilthey ([1843] 1942) sẽ đặt ra nguyên lí không thể thu các khoa học tinh thần vốn hướng đến việc thông hiểu ý nghĩa của hành động con người, về các khoa học tự nhiên, những lĩnh vực vắng bóng phạm trù ý nghĩa và do đó vắng bóng phạm trù thông hiểu.

Do đó, vấn đề quan hệ giữa giải thích và thông hiểu trước tiên phụ thuộc vào vị trí của hoạt động con người trong khuôn khổ của tự nhiên nói chung, và gắn với sự tương phản giữa sự xác định hành động bằng những nguyên nhân hay bằng những lí do (Apel, 2000; Von Wright, 1971). Nhưng một khi dự án về một khoa học xã hội được triển khai, có thể quan niệm được một kiểu xác định thứ hai về nguyên nhân, đặc biệt bởi Durkheim: thật vậy, đến lượt chính bản thân “xã hội”, chứ không phải tự nhiên, có thể được hình dung là nguyên nhân quyết định những hành động cá thể. Nói cách khác, có thể quy giải thích về hai cấp độ: hoặc là về tự nhiên, hoặc là về bản thân xã hội (do đó điều này đặt ra vấn đề quan hệ giữa hai thực thể trên).

Một sự xác định tự nhiên và nhân quả diễn ra như thế nào? Nghiên cứu này diễn ra thông qua ý tưởng về một “tâm lí học” để chỉ sự hoạt động của tinh thần con người (Mill [1843] 1988). Có thể nói rõ rằng tâm lí học là việc nghiên cứu những hiện tượng tinh thần với tư cách chúng cũng là những hiện tượng vật lí. Nhưng quyết định luận tự nhiên thể hiện trước tiên qua ý tưởng là những biểu tượng được cấu trúc hóa một cách tự nhiên, và ít nhiều bị khả năng của một biến đổi văn hóa làm thay đổi. Ở đây ta có một chủ đề thiết yếu của điều sau này sẽ trở thành tâm lí học nhận thức, vốn bắt rễ vào tự nhiên và nhân quả. Quyết định luận tự nhiên này có thể liên quan đến sự hình thành những cảm xúc can dự vào lĩnh vực đạo đức hay thẩm mĩ. Chẳng hạn, Pareto để những hành vi đạo đức ăn sâu vào các résidus xác định những tình cảm tự nhiên được phân bổ ngẫu nhiên trong các quần thể. Trong sự nối dài của kiểu phân tích này, cả một tư liệu hiện đại mô tả những tình cảm đạo đức bằng tự nhiên luận tiến hóa được phát triển.

Quyết định luận có nguồn gốc xã hội đối lập một phần với quyết định luận có nguồn gốc tự nhiên. Về mặt này, sẽ là lí thú khi so sánh hai người kế thừa tinh thần của Comte là J S. Mill và Durkheim. Đối với tác giả thứ nhất, như vừa nêu, sự cần thiết của tâm lí học là do việc ghi nhận tự nhiên những biểu trưng tinh thần dẫn đến việc nghiên cứu những bất biến đặc trưng của hoạt động của tinh thần. Ngược lại, đối với tác giả thứ hai, tâm lí học không thể là một khoa học có tính quyết định cho điều tra xã hội học vì còn thiếu chiều kích xã hội riêng của sự tương tác của con người. Tâm lí học chỉ nghiên cứu những tác nhân biệt lập, trước khi được ghi nhận về mặt xã hội, khiến cho còn thiếu tính đặc thù của sự ràng buộc tương tác này. Sự đối lập tâm lí học với xã hội học tương ứng với việc từ chối để cho nghiên cứu xã hội học dựa trên những bất biến tâm lí học và để nhường hỗ cho việc giải thích hành động bằng cách ghi nhận hành động trong những cấu hình xã hội đa dạng. Durkhein viết như sau: “Thật vậy, mục đích chính của chúng tôi là mở rộng sang ứng xử của con người chủ nghĩa duy lí khoa học bằng cách cho thấy rằng, khi xem xét quá khứ của ứng xử này thì nó quy về những quan hệ nhân quả mà một thao tác không kém phần duy lí có thể biến đổi thành những quy tắc cho tương lai” ([1895] 1987, IX).

Nhưng thêm vào đó còn có một truyền thống giải thích nhân quả xã hội cực kì có ảnh hưởng: việc giải thích hành vi tùy theo việc thuộc về nhóm xã hội này hay nhóm xã hội kia, và đặc biệt là vào giai cấp xã hội. Sau Marx, P. Bourdieu (1979) sẽ là người đi xa nhất trong việc mô tả sự phụ thuộc vào các giai cấp xã hội trong việc xác định tính nhân quả. 

Mặt khác có thể chỉ ra là nếu những nguyên nhân tự nhiên và xã hội có thể đối lập nhau thì cũng có thể xem chúng là bổ sung và phụ thuộc nhau: như vậy có thể xác định một người từ một ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ này bao giờ cũng là đặc biệt và gắn với một nhóm xã hội nhất định. Tuy nhiên học ngôn ngữ này sẽ khiến một cá nhân sau đó sẽ khó phát biểu trong một ngôn ngữ khác mà không giữ khẩu âm của ngôn ngữ xuất thân của mình.

Cho đến đây, hai truyền thống của giải thích trong các khoa học xã hội đã được mô tả, kết hợp ý niệm xác định với những đặc điểm về nhân quả, các đặc điểm này có thể có tính tự nhiên hay xã hội, cả hai quan niệm này có thể kết hợp hoặc cạnh tranh nhau. Tuy nhiên quan hệ giữa giải thích và thông hiểu sẽ được phát triển chủ yếu từ một yếu tố trung tâm được Weber ([1922] 1995) lí thuyết hóa vốn cũng tìm thấy được ở Dilthey và Simmel ([1892] 1984): việc qui chiếu về “ý nghĩa” của hành động con người, do những động cơ hay lí do định hướng, mà không có thể hiểu được bằng nguyên nhân mà phải từ sự thông hiểu. Tự nó bản chất không đồng chất của hành động con người là không có ý nghĩa. Trong từ vựng hiện đại, người ta nói đến tính chuẩn mực của hành động con người (Engel, 2000). Như vậy cả xã hội học của Weber là một xã hội học “diễn giải”, chú ý trước tiên đến việc xây dựng lại ý nghĩa mà các tác nhân nhắm đến và thứ hai đến việc nghiên cứu tác động “nhân quả” của ý nghĩa này trên các hiện tượng xã hội.

Như thế vấn đề mấu chốt là: thế nào là một hành động “hiểu được”, nói cách khác từ lúc nào và theo những phương thức nào một hành động con người là có ý nghĩa hay không? Câu trả lời của Weber ([1913] 1992) là phức tạp và tinh vi. Có thể tóm tắt câu trả lời này bằng nguyên tắc cơ bản của một thứ bậc tăng dần các chứng cứ kiến giải. Sự thông hiểu nằm trong quan hệ giữa hai vị thế, vị thế của người kiến giải và vị thế của người mà hành động được kiến giải. Thế mà đòi hỏi là cần có những chuẩn mực rõ ràng để kiến giải được chấp nhận. Đối với Weber các chuẩn mực này có một cương vị riêng biệt.

Weber phân biệt nhiều mức độ kiến giải hiển nhiên. Mức độ đầu tiên là mức độ của chuẩn mực logic hay chuẩn mực toán học. Mức độ thứ hai là mức độ mục đích luận, qui về một tính duy lí cùng kiểu, tuân thủ một tính duy lí có tính học thuyết giá trị. Từ đây mọi việc trở thành ít rõ ràng hơn với người kiến giải và người này phải vận dụng đến sự “đồng cảm” để thử làm rõ ý nghĩa của hành động của các cá nhân mình nghiên cứu. Weber viết: “Giữa hai thái cực là, một mặt, hoạt động do mục đích (chủ quan) một cách hoàn toàn duy lí và, mặt khác, do những dữ liệu tâm lí hoàn toàn không thể hiểu được định hướng, trong thực tế còn có một phổ là những chuỗi chuyển đổi hoàn toàn không thể định nghĩa được (về mặt mục đích là phi lí) mà theo cách nói thông dụng là có thể hiểu được “về mặt tâm lí”. Tuy nhiên đây không phải là nơi để đề cập, dù là một cách bóng gió, đến những trường hợp đạo đức vô cùng khó xử lí” (nt., 310). Từ trích dẫn này chỉ ra những khó khăn của nhiệm vụ thông hiểu được chính Weber nhận diện rõ ràng, ta có thể nêu một số điểm mốc tổng quát.

Trước tiên, sự thông hiểu được tiến hành từ những chuẩn mực, vốn chủ yếu là những chuẩn duy lí. Như thế ngoài vấn đề biện minh các chuẩn mực này, còn có thêm hai vấn đề đặt ra cho người kiến giải: khi có thể quan sát, làm thế nào kiến giải những hành động lệch lạc so với các chuẩn duy lí này? Nên chăng quy các hành động này về những nguyên nhân (có cương vị phi lí tính) hay về những “lí do” cho phép một cách nghịch lí hiểu được khoảng cách với một chuẩn mực duy lí? Vấn đề thứ hai liên quan đến khả năng mở rộng các chuẩn mực duy lí cho các hành vi xã hội; người kiến giải phải có quyền buộc mọi hành động theo một chuẩn mực duy lí hay có chăng những hành động không thể kiến giải được theo cách này? Ta có thể xem là Weber có một câu trả lời cân bằng khi nhấn mạnh đến những lí do thuộc về tâm lí học xa lạ với những chuẩn mực duy lí, tuy nhiên vẫn hợp nhất các chuẩn mực tâm lí này (được nắm bắt bằng sự đồng cảm) vào phạm vi của ý nghĩa và lí tính, và như vậy kéo tâm lí học sang lĩnh vực của khoa học kiến giải hơn là chỉ sang lĩnh vực mô tả thuần túy. Như vậy ta thấy cách Weber sử dụng ý niệm tâm lí học là phức tạp, và cách sử dụng này không đồng nhất với cách của Mill lẫn với cách của Durkheim.

Ta gặp lại những khó khăn này khi xét hậu vận của phân tích xã hội học kiến giải này mà ở đây chỉ ghi lại hai giai đoạn. Trước tiên đối với Schütz ([1962] 1987), ý niệm này quy chiếu về sự tồn tại của những sơ đồ xã hội cho phép các tác nhân hiểu biết lẫn nhau. Các sơ đồ xã hội này thuộc về một sự kiến tạo xã hội cũng đặt ra vấn đề nguồn gốc và phương thức của các sơ đồ này. Nhưng dù sao Schütz vẫn quan niệm xã hội học kiến giải này như một vũ khí chống lại một tâm lí học kiểu chủ nghĩa hành vi vốn không tính đến các sơ đồ xã hội.

Những công trình của Boudon (1999) nằm trong sự nối tiếp của một quan niệm kiến giải về xã hội học, một lần nữa đưa vào những vấn đề “tâm lí học”. Chủ đề chung trong phân tích kiến giải của Boudon cốt chỉ ra các “lí do” của những tác nhân. Cách sử dụng ý niệm lí do là lỏng lẻo và có thể được mô tả theo những quan điểm khác nhau. Một mặt, ý niệm lí do cho phép lấy lại sự đối lập giữa các nguyên nhân và các lí do, từ chiều kích ý nghĩa gắn kết với các hành động xã hội. Như vậy, Boudon quan niệm sự tồn tại của những lí do đối lập với những kiến giải tự nhiên (tâm lí học hay sinh học) hay xã hội về sự định hướng các mục đích, cho dù sau đó các mục đích này là nguyên nhân của những hành động cá nhân và, thông qua những hành động này, của những hiện tượng xã hội. Thứ hai, trong chừng mực mà ý niệm lí do qui chiếu về một phổ rất rộng những động cơ, thì chúng được lồng vào lĩnh vực của tâm lí học. Tâm lí học không được cảm nhận như một bộ môn có tính giải thích theo một quan điểm nhân quả, nhưng theo truyền thống Simmel như là bộ môn mô tả những động cơ điển hình của các tác nhân trong một số tình huống. Nói cách khác, cách sử dụng theo kiểu Bourdon ý niệm lí do, trước hết có sự mở rộng so với những chuẩn mực nghiêm ngặt về tính duy lí được Weber nêu lên trong sự phân loại rõ ràng của ông ấy, và sự hợp nhất với một chiều kích tâm lí theo một nghĩa “truyền thống”. Như thế không có việc tập trung vào sự đối lập giữa cái bên ngoài với cái bên trong mà là sự hợp nhất trong những động cơ của các tác nhân vào những phạm vi thuộc về tính bên trong của các tác nhân này. Boudon luôn chỉ ra rằng bao giờ Durkheim cũng viện dẫn những động cơ ở cấp độ bên trong này. Cuối cùng cần bổ sung là Boudon, tiếp sau Weber, và như D. Davidson (1993) trong một cấp độ ngôn ngữ khác, cho rằng các lí do là nguyên nhân của hành động. Như vậy việc nhấn mạnh phạm trù ý nghĩa cũng có thể tìm lại nguyên tắc của việc xác định nhân quả của hành động.

Pierre DEMEULENAERE

Đại học Nancy II

 APPEL K.O (1979), Expliquer-comprendre. Une approche pragmatico-transcendentale, Paris, Le Cerf, 2000. – BOUDON R., Le sens des valeurs, Paris, PUF, 1999. – BOURDIEU P., La distinction, Paris, Minuit, 1979. – COMTE A. (1848), “Discours sur l’ensemble du positivisme” in La science sociale, Paris, Gallimard, 1972. – DAVIDSON D. (1980), Actions et évènements, Paris, PUF, 1993. – DILTHEY W. (1883), Introduction à l’étude des sciences humaines, Paris, Aubier, 1942. – DURKHEIM E. (1895), Les règles de la méthode sociologique, Paris, PUF, 1987. – ENGEL P. “L’espace des raisons est-il sans limites?” in Un siècle de philosophie, Paris, Gallimard, 2000. – HUME D. (1739), Traité de la nature humaine, Paris, Aubier, 1973. )– MILL J. S. (1843), Système de logique, Liège, Mardaga, 1988. – SCHUTZ A. (1962), Le chercheur et le quotidien, Paris, Klincksiek, 1987. – SIMMEL G. (1892), Les problèmes de la philosophie de l’histoire, Paris, PUF, 1984. – WEBER M. (1913), “Essais sur quelques catégories de la sociologie compréhensive” in Essais sur la théorie de la science, Paris, Presses Pocket, 1992., (1922), Économie et société, ibid. 1995. – WRIGHT G.-H. von, Explanation and Understanding, London/Ithaca, Cornel Univ. Press, 1971. – ZACCAI-REYNERS N. (éd.), Explication-compréhension. Regards sur les sources et l’actualité d’une controverse épistémologique, Bruxelles, Éd. de l’Université de Bruxelles, 2003.

🡺 Dilthey, Hành động, Học thuyết chức năng, Khoa học luận của các khoa học xã hội, Schütz.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), 2005, Paris, PUF.

----

Bài có liên quan: Khoa học luận của các khoa học xã hội

Print Friendly and PDF