CHÂU Á ĐỐI MẶT VỚI BOM CHÙM CỦA NHỮNG THUẾ QUAN CÓ QUA CÓ LẠI CỦA HOA KỲ
Tác giả: Hubert Testard
![]() |
Hàng bom trong một boongke ở Osan, Hàn Quốc. Nguồn gốc: Picryl. DR. |
Trong bộ công cụ của chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, “những quyền lợi có qua có lại” được công bố sẽ áp dụng vào ngày 2 tháng 4 cấu thành một dự án mang tính cách mạng và, nếu thực sự được triển khai, sẽ gây ra sự tan rã của nền thương mại toàn cầu. Ở Châu Á, các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ đang tích cực chuẩn bị đối đầu và đàm phán.
Dự án “những biện pháp có qua có lại” là một dự án mang tính cách mạng. Theo định nghĩa do Nhà Trắng đưa ra trong “sắc lệnh hành pháp” ngày 13 tháng 2, vấn đề là xác định đối với từng quốc gia một mức thuế quan phản ánh chính xác mức thuế mà mỗi đối tác áp dụng cho từng sản phẩm. Chính sách này sẽ được áp dụng cho tất cả các sản phẩm được nhập khẩu hoặc xuất khẩu bởi Hoa Kỳ. Nó cũng sẽ bao gồm các chế độ thuế và đặc biệt là thuế GTGT. Cuối cùng, nó sẽ liên quan đến tất cả các hàng rào được gọi là “phi thuế quan”, có thể rất đa dạng (giấy phép nhập khẩu, tiêu chuẩn, giấy phép tiếp thị, quy định vệ sinh và kiểm dịch thực vật, v.v.). Việc quy đổi các biện pháp phi thuế quan này thành các mức thuế quan tương đương là một bài toán cực kỳ phức tạp có thể dẫn đến những đánh giá hoàn toàn tùy tiện. Quy mô của dự án lớn đến mức “sắc lệnh hành pháp” đã cho các cơ quan chính quyền sáu tháng để đưa ra các đề xuất triển khai. Nhưng Donald Trump đã rút ngắn thời hạn này xuống còn sáu tuần, bắt đầu được thi hành từ ngày 2 tháng 4.
Dự án này được bổ sung vào các mức thuế quan đặc thù đối với một loạt sản phẩm mà chính quyền Hoa Kỳ muốn tăng cường bảo vệ, như chúng ta đã thấy đối với thép và nhôm. Sự bổ sung các biện pháp này gây ra vấn đề nghiêm trọng cho nhiều nước Châu Á.
Danh sách các quốc gia có nguy cơ thay đổi với những biện pháp có qua có lại
Trong một bài viết trước đây, Asialyst đã so sánh mức độ lệ thuộc của các nước Châu Á vào hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Phân tích này cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ không phải là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Danh sách các quốc gia “có nguy cơ” trước tiên bao gồm Việt Nam, sau đó là Đài Loan, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Nhưng theo logic của những biện pháp có qua có lại, trước tiên là khoảng cách trung bình về thuế quan với Hoa Kỳ mới quan trọng, sau đó mới đến các hàng rào phi thuế quan. Hãy gạt Trung Quốc sang một bên, vì nước này đã phải chịu mức thuế bổ sung 20% đối với tất cả các sản phẩm của Trung Quốc, cộng với mức thuế cao hơn đối với một số sản phẩm (ví dụ: 100% đối với ô tô điện). Một nghiên cứu của Nomura Global Economics cung cấp cái nhìn chi tiết về tác động của những biện pháp này đối với các quốc gia Châu Á khác.
![]() |
Nomura Global Economics, India Times. |
Ấn Độ nay ở đầu danh sách khi mức thuế quan trung bình của nước này cao hơn 6,5 điểm so với mức thuế quan trung bình của Hoa Kỳ. 100% kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp có qua có lại, tương đương với 2,2% GDP của Ấn Độ. Thái Lan là quốc gia thứ hai có mức thuế quan trung bình cao. Ngược lại, theo Nomura, Việt Nam có mức thuế quan trung bình thấp hơn mức thuế quan trung bình của Mỹ. Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng sẽ ảnh hưởng trong một số lĩnh vực nhất định như vận tải, hóa chất, nông sản thực phẩm và một số sản phẩm điện tử.
Phân tích của Nomura cho thấy điểm yếu của hầu hết các nước Châu Á là mức độ bảo hộ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm cũng như thiết bị vận tải. Ngược lại, mức thuế quan trung bình của Châu Á (ngoại trừ Ấn Độ) thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ đối với hàng dệt may, quần áo và giày dép. Phân tích này chỉ giới hạn ở thuế quan và không tính đến những hàng rào phi thuế quan chưa được biết. Những thông báo chi tiết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể tiết lộ nhiều điều bất ngờ về vấn đề này và làm trầm trọng thêm cú sốc thuế quan ngày 2 tháng 4.
Châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lĩnh vực mục tiêu của Donald Trump
Các biện pháp có qua có lại không bao gồm toàn bộ các vụ tăng thuế hải quan do Washington áp đặt. Một số lĩnh vực là mục tiêu đặc biệt với các biện pháp đã được áp dụng hoặc các đe dọa được lặp lại: thép, nhôm, dược phẩm, chất bán dẫn, sản phẩm lâm nghiệp, ô tô, đồng, v.v.. Mức độ lệ thuộc của các hàng xuất khẩu của Châu Á đối với các lĩnh vực này nhìn chung là cao.
![]() |
Nomura Global Economics. Tính toán của tác giả |
Hàn Quốc và Nhật Bản đặc biệt bị liên quan với ngành ô tô, chiếm hơn một phần ba kim ngạch xuất khẩu của họ sang thị trường Mỹ. Ngành bán dẫn đứng đầu ở Đông Nam Á và Đài Loan. Ngành này chiếm theo thứ tự, 30% và 26% lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ Malaysia và Philippines. Đối với Ấn Độ, dược phẩm là mặt hàng đứng hàng đầu, còn đối với Indonesia là các sản phẩm lâm nghiệp.
Mỗi quốc gia phản ứng và cố gắng đàm phán
Báo chí Ấn Độ đang xì xào tin đồn về khả năng đạt được thỏa thuận giữa Narendra Modi và Donald Trump. Chính phủ Ấn Độ đã giảm một số loại thuế hải quan trong ngân sách mới nhất, bao gồm các sản phẩm thực phẩm như Bourbon, đồ điện tử và hàng dệt may, cũng như xe máy công suất lớn (nháy mắt đến Harley Davidson) và ô tô điện. Một loạt các sản phẩm khác cũng có thể được giảm thuế, bao gồm pin quang điện và một số sản phẩm hóa học. Ấn Độ cũng đang cân nhắc tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ các mặt hàng quốc phòng và năng lượng (đặc biệt là Khí thiên nhiên hóa lỏng).
Bản thân Donald Trump đã thừa nhận những nỗ lực của Ấn Độ khi phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 3: “Ấn Độ đã áp dụng mức thuế rất rộng lớn và rất hạn chế đối với chúng tôi... Nhưng họ đã đồng ý giảm đáng kể mức thuế của mình vì cuối cùng cũng có người nói cho họ biết họ phải làm gì”.
Seoul hy vọng hiệp định thương mại tự do với Washington sẽ giúp tránh khỏi làn sóng “thuế quan có qua có lại” đang hình thành. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn rất dễ bị tổn thương trong lĩnh vực bán dẫn và ô tô. Samsung đã quyết định đầu tư 37 tỷ đô la vào thị trường Mỹ, kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ khoản trợ cấp 4,75 tỷ đô la theo “Đạo luật Chip” của Joe Biden, đạo luật hiện đang bị đặt vấn đề. Ngoài ra, thông báo tăng 25% thuế hải quan đối với ô tô bắt đầu từ tháng 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất Hàn Quốc. Nhà sản xuất lớn nhất, Hyundai đã công bố ý định tăng công suất lắp ráp tại Hoa Kỳ từ 300.000 lên 500.000 xe.
Nhật Bản cũng gặp phải những vấn đề tương tự như Hàn Quốc trong ngành công nghiệp ô tô. Trở về từ Washington vào ngày 11 tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Yoji Muto thừa nhận rằng ông chưa nhận được bất kỳ đảm bảo nào từ những người đối thoại rằng Tokyo có thể được miễn thuế hải quan trừng phạt sẽ được công bố vào tháng 4. Theo các nhà phân tích ngành ô tô, những mức thuế bổ sung này có thể khiến sản lượng ô tô của Nhật Bản giảm 14% và GDP giảm khoảng 0,3%.
Việt Nam đã thực hiện một loạt các bước đi để xoa dịu Washington. Các đơn đặt hàng máy bay mới – 250 chiếc Boeing 737 MAX cho Vietjet Air và Vietnam Airlines – đang được hoàn thiện. Nước này đã áp thuế chống bán phá giá đối với thép từ Trung Quốc để ngăn chặn việc các nhà sản xuất thép Trung Quốc sử dụng nước này làm quốc gia trung chuyển. Trên mặt trận quân sự, các cuộc đàm phán mua máy bay vận tải Lockheed Martin C-130 Hercules dường như đã tiến bộ rất nhiều. Hà Nội cũng đang nới lỏng các quy định an ninh nội bộ để phù hợp với Starlink và cho phép Elon Musk thành lập một công ty con mà ông sẽ nắm quyền kiểm soát đa số. Bộ trưởng Thương mại bày tỏ sự sẵn sàng mở rộng thị trường Việt Nam hơn nữa cho hàng nông sản xuất khẩu của Hoa Kỳ. Cuối cùng – đỉnh cao của sự việc – Tô Lâm, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản, đang làm những điều cần thiết để tạo điều kiện cho Tổ chức Trump Organization thành lập một sân golf và một khu phức hợp bất động sản cao cấp tại quê nhà của ông.
Đài Loan đang bị kẹt trong thế gọng kìm. Gã khổng lồ bán dẫn Đài Loan TSMC vừa công bố một cách rầm rộ trong chuyến thăm của chủ tịch của hãng tới Washington về khoản đầu tư khổng lồ trị giá 100 tỷ đô la vào thị trường Mỹ, cộng thêm vào các dự án trị giá 65 tỷ đô la đang được triển khai. Phóng viên của tờ Guardian tại Đài Bắc, Helene Davidson, nhắc lại rằng dự án này phải được chính phủ Đài Loan chấp thuận. Bà nhấn mạnh rằng nó đang bị Quốc Dân Đảng (KMT), đảng đối lập chính, chỉ trích mạnh mẽ. Theo một trong những nghị sĩ của đảng này, Ko Ju-Chun, “TSMC càng đầu tư vào Hoa Kỳ thì tầm quan trọng về mặt địa chính trị của Đài Loan sẽ càng giảm và Hoa Kỳ sẽ càng ít tha thiết đến việc giúp đỡ chúng ta.” Để được thực hiện thành công, các dự án đầu tư của TSMC sẽ phải đưa hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên Đài Loan sang Mỹ, với nguy cơ tiềm ẩn về việc “chảy máu chất xám” gây tổn hại đến nguồn lực quốc gia.
Thái Lan đang rèn luyện các vũ khí đàm phán của mình. Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan gần đây đã phát biểu với báo chí: “Các bạn đừng quá lo lắng. Chúng tôi có kế hoạch đàm phán và sẵn sàng điều chỉnh.” Kế hoạch này dường như tập trung vào việc tăng cường mua năng lượng – một đơn đặt hàng ethanol lớn vừa được xác nhận – và việc mở rộng thị trường ô tô (thuế hải quan hiện tại của nước này trong lĩnh vực này là 200%). Đối với nước này, áp lực từ Mỹ được cộng thêm vào áp lực từ Trung Quốc. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm dư thừa của mình với giá cực rẻ sang các thị trường Châu Á, đã dẫn đến việc đóng cửa hơn năm mươi cơ sở công nghiệp mỗi tháng trong hai năm qua. Thái Lan, vốn đang gặp khó khăn về triển vọng tăng trưởng kinh tế, nay phải đối mặt với mối đe dọa đối với vai trò là trung tâm công nghiệp khu vực Đông Nam Á.
Nhìn chung, chính sách cây gậy lớn của Donald Trump sẽ mang lại một số kết quả. Nó sẽ tăng cường sự mở cửa các thị trường Châu Á cho các sản phẩm của Mỹ và có thể sẽ đẩy nhanh một số quyết định đầu tư nhất định tại Hoa Kỳ. Nhưng nó tạo ra bầu không khí chung của sự ngờ vực và bất mãn, thậm chí là tức giận, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và sự vững chắc của các liên minh chiến lược. Tuy vẫn không thực sự giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ, về cơ bản là do tiêu dùng quá mức và đầu tư không đủ.
Về tác giả:
![]() |
Hubert Testard |
![]() |
Hubert Testard là chuyên gia về các vấn đề kinh tế quốc tế và Châu Á. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore về ASEAN. Ông cũng đã từng tham gia vào việc xây dựng các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, dù là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Ông đã giảng dạy từ tám năm nay tại khoa Quan hệ Quốc Tế của trường Sciences Po về phân tích triển vọng của Châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách có tựa đề “Đại dịch, sự chuyển động của thế giới/Pandémie, le basculement du monde”, được xuất bản vào tháng 3 năm 2021 bởi Editions de l'Aube, và ông đã đóng góp cho tạp chí “Tạp chí Kinh tế và Tài chính/Revue économique et financière” số ra tháng 12 năm 2022 dành cho những hệ quả kinh tế và các khía cạnh tài chính của cuộc chiến ở Ukraine.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “L’ Asie face à la bombe à fragmentation des tarifs réciproques americains”, Asialyst, 14.3.2025.
