31.3.25

Marietje Schaake - Say More…

MARIETJE SCHAAKE

SAY MORE

(Chuyên mục phỏng vấn chuyên sâu của Project Syndicate)

serggn/Getty Images

Ngày 8 tháng 10 năm 2024

Tuần này trong mục Say More, PS trò chuyện với Marietje Schaake, cựu thành viên của Nghị viện Châu Âu, Giám đốc Chính sách Quốc tế của Trung tâm Chính sách Không gian mạng tại Đại học Stanford, Nghiên cứu viên Chính sách Quốc tế tại Viện Trí tuệ Nhân tạo lấy con người làm trung tâm (Institute for Human-Centered Artificial IntelligenceHAI) của Stanford và là thành viên của Ủy ban Điều hành Cơ quan Cố vấn Cấp cao của Liên Hợp Quốc về Trí tuệ Nhân tạo.

Project Syndicate: Các công nghệ mạnh mẽ mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo tạo sinh, có thể “làm suy yếu nền quản trị dân chủ”,  đã cảnh báo vào đầu năm nay. Trong cuốn sách của mình, The Tech Coup: How to Save Democracy from Silicon Valley (tạm dịch: Cuộc đảo chính công nghệ: Làm thế nào để cứu nền dân chủ khỏi thung lũng Silicon), lập luận rằng các công ty công nghệ đang làm trầm trọng thêm rủi ro này khi đảm nhận ngày càng nhiều các chức năng vốn “thường thuộc về nhà nước”. Tại sao việc thuê ngoài [outsource] cho khu vực tư nhân này lại đáng lo ngại hơn so với trước đây và nên xem xét lại các khuôn khổ pháp lý như thế nào để ứng phó với những nguy cơ mới?

Marietje Schaake: Có một “hệ sinh thái” các công ty, lớn và nhỏ, nắm giữ quyền lực to lớn vì họ sản xuất hoặc kiểm soát các công nghệ ảnh hưởng đến quyền của mọi người hoặc vai trò của nhà nước. Lượng dữ liệu, sức mạnh tính toán, vốn và tài năng mà họ đã tích lũy được cùng với sự đa dạng của các vai trò thiết yếu mà họ đảm nhận trong thế giới của chúng ta, là điều chưa từng có tiền lệ. Thêm vào đó là các sản phẩm thường không minh bạch, được cá nhân hóa cao độ, luôn thay đổi và không thể đoán trước - như trường hợp của trí tuệ nhân tạo - và việc quản lý các công ty này có thể cực kỳ khó khăn.

Hậu quả là một cuộc đảo chính công nghệ” tạo ra mối đe dọa cho nền dân chủ, vì nó khiến công chúng không thể thực hiện được quyền tự quyết thực sự hoặc buộc các công ty phải chịu trách nhiệm giải trình. Trước các nguy cơ này, cần có các biện pháp đối trọng mạnh.

PS:  viết rằng để “định hướng đổi mới công nghệ” theo cách phản ánh và củng cố các nguyên tắc dân chủ, các chính phủ phải “đào sâu hiểu biết về cách thức hoạt động của các công nghệ này cũng như tác động qua lại giữa chúng”. Cần những bước đi nào để đảm bảo rằng những người ra quyết định không chỉ có quyền tiếp cận chuyên môn cần thiết mà còn “tự trang bị kiến thức về những gì đang thực sự diễn ra ở tuyến đầu công nghệ”?

MS: Vì công nghệ tác động đến hầu hết mọi khía cạnh trong đời sống chúng ta – từ chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp đến an ninh quốc gia và thậm chí là các quyền cơ bản của chúng ta với tư cách công dân – tất cả những người ra quyết định sẽ phải tìm cách xử lý vấn đề này theo cách này hay cách khác. Nhưng chính những nhà vận động hành lang, chứ không phải các chuyên gia độc lập, mới thường là những người định hình cuộc tranh luận về công nghệ và do đó, cũng là định hình chính sách công nghệ.

Một giải pháp là cung cấp cho các nhà lập pháp, chẳng hạn như các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, quyền tiếp cận một nhóm chuyên gia công nghệ độc lập có thể đưa ra những giải thích và hiểu biết sâu sắc cần thiết. Ý tưởng này chẳng có gì mới mẻ: từ trước đến nay, các nhà lập pháp vẫn có thể xin ý kiến về dự thảo luật từ một cơ quan tư vấn pháp lý độc lập và khách quan. Trong khi đó, việc cho các học giả tiếp cận nhiều dữ liệu và sức mạnh tính toán hơn sẽ giúp thúc đẩy nghiên cứu hỗ trợ cuộc tranh luận chính trị dựa trên sự thật nhiều hơn về vai trò của công nghệ trong xã hội chúng ta.

PS: Sản phẩm nhập khẩu từ các công ty nước ngoài – đặc biệt là các công ty ở các quốc gia độc tài như Trung Quốc – cũng mang lại rủi ro cho các quốc gia dân chủ. Như  đã lưu ý vào tháng 3, “luật tình báo của Trung Quốc” cung cấp đủ “lý do chính đáng để lo ngại” rằng dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như dữ liệu do TikTok thu thập, “cuối cùng có thể bị nhà nước sử dụng”. Bà có thấy đề xuất gần đây về việc cấm phần mềm do Trung Quốc phát triển được sử dụng trong ô tô kết nối internet ở Hoa Kỳ là hợp lý không? Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nên tiếp cận lệnh cấm kiểu này như thế nào?

MS: Bước đầu tiên là thực hiện đánh giá toàn diện, không phân biệt quốc gia, để xác định khi nào việc thu thập và truy cập dữ liệu, hoặc việc sử dụng một số phần mềm nhất định, trở nên lợi bất cập hại. Tuy vậy, như tôi lưu ý trong quyển The Tech Coup, tất cả các thiết bị thông minh đều dễ bị tấn công [hack]. Và bản thân Hoa Kỳ cũng thiếu luật bảo vệ dữ liệu liên bang, làm dấy lên lo ngại rằng thông tin mà các công ty công nghệ thu thập có thể rơi vào tay kẻ xấu. Vì vậy, điều thực sự cần thiết không phải là các chính sách hạn hẹp nhắm vào các công nghệ cụ thể hoặc quốc gia xuất xứ, mà là một tầm nhìn toàn diện có tính đến các rủi ro, cho dù là đối với quyền riêng tư cá nhân hay an ninh quốc gia, do số hóa gây ra.

NHÂN TIỆN…

PS: Trong The Tech Coup, cho rằng, mặc dù “nhà nước giám sát toàn diện” của Trung Quốc khó có thể là mô hình để các quốc gia dân chủ noi theo, nhưng nó phản ánh cách tiếp cận “liền mạch, từ trên xuống” đối với quản trị công nghệ, tận dụng năng lực của các công ty công nghệ để thúc đẩy các mục tiêu của nhà nước. Các quốc gia dân chủ có thể học được điều gì, nếu có, từ quản trị công nghệ của Trung Quốc?

MS: Bài học chính mà các quốc gia dân chủ nên rút ra từ quản trị công nghệ của Trung Quốc là nhà nước có thể tạo ra sự khác biệt lớn, nếu họ chọn khẳng định (vai trò của) mình. Ý tưởng cho rằng nhà nước không thể hoặc không nên quản trị lĩnh vực số một cách toàn diện hơn là vô lý. Thật bất ngờ khi các chính trị gia dân chủ, thuộc mọi khuynh hướng chính trị, lại thoái thác trách nhiệm của mình nhiều đến mức đó.

PS:  chỉ ra rằng sự điều tiết không phải là cách duy nhất mà các chính phủ dân chủ có thể tác động đến các công ty công nghệ. Mua sắm công là một cách khác. Các chính phủ nên sử dụng quyền lực này như thế nào? Họ nên nhắm đến những cải cách hoặc kết quả nào trước tiên?

MS: Các tiêu chuẩn được đặt ra trong hợp đồng chính phủ định hình thị trường. Ví dụ, khi chính phủ Hoa Kỳ đưa ra quyết định táo bạo là ngừng sử dụng phần mềm gián điệp thương mại, họ đã vạch ra một ranh giới đạo đức có hiệu lực: Hoa Kỳ sẽ không góp phần thúc đẩy sự đổi mới phản dân chủ như vậy. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp phần mềm gián điệp và những ai có thể sử dụng dịch vụ của họ.

Với ảnh hưởng này, chính phủ nên hành động như một người tiêu dùng công nghệ có ý thức hơn, đưa vào hợp đồng nhiều điều khoản vì lợi ích công, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình hơn. Lý tưởng nhất là chính phủ sẽ tiến xa đến mức triển khai chính sách “ba lần vi phạm”, theo đó các công ty phần mềm và an ninh mạng sẽ mất quyền tiếp cận các hợp đồng của chính phủ sau một vài trường hợp, chẳng hạn như, sự tắc trách hoặc phân biệt đối xử. Các công ty không còn được phép hứa hẹn quá mức nhưng thực hiện kém cỏi mà không bị trừng phạt, đặc biệt là khi những thiệt hại công nghệ của họ gây ra thường do công chúng gánh chịu.

PS: Mặc dù còn lâu mới hoàn hảo, nhưng Liên minh châu Âu chắc chắn là nhà lãnh đạo toàn cầu về quản trị công nghệ, phần nào nhờ những nỗ lực của trong những năm tháng tại Nghị viện Châu Âu. Sáng kiến nào khiến bà tự hào nhất khi đã giúp thúc đẩy (thành công)? Khi nói đến việc tăng cường quản trị hơn nữa, bà có thấy giải pháp nào thực hiện dễ và nhanh hơn không?

MS:  EU dẫn đầu về quản trị công nghệ, cần phải cải thiện việc thực thi các luật đã được thông qua và theo đuổi các khoản đầu tư tham vọng hơn. Hơn nữa, EU phải giải quyết tình trạng phân mảnh pháp lý và quy định – khi các quốc gia thành viên khác nhau theo đuổi các chính sách khác nhau – đang làm suy yếu khả năng đạt được tiềm năng quản trị công nghệ của họ.

Tôi tự hào nhất về công việc của mình trong việc tăng cường bảo vệ quyền con người. Cuối cùng, suy nghĩ của tôi về công nghệ luôn được dẫn dắt bởi một câu hỏi đơn giản: Những kết quả tồi tệ nhất có thể xảy đến với những người dễ bị tổn thương nhất là gì? Ngược lại, ở Thung lũng Silicon, trọng tâm thường là các cơ hội mà công nghệ tạo ra cho những người giàu có và có quyền lực nhất.

Marietje Schaake

Marietje Schaake

Viết bài cho PS từ 2015

Marietje Schaake, cựu thành viên của Nghị viện Châu Âu, là Giám đốc Chính sách Quốc tế tại Trung tâm Chính sách Mạng của Đại học Stanford, Nghiên cứu viên Chính sách Quốc tế tại Viện Trí tuệ Nhân tạo lấy con người làm trung tâm của Stanford, thành viên Ủy ban Điều hành của Cơ quan Cố vấn Cấp cao của Liên Hợp Quốc về Trí tuệ Nhân tạo và Trưởng nhóm Thực hành Quản trị Công nghệ Mới nổi tại Trung tâm Quốc tế về Thế hệ Tương lai.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: An interview with Marietje Schaake on tech overlords, antitrust, data protection, Project Syndicate, Oct 8, 2024.

Print Friendly and PDF