11.3.25

Học dịch thuật: vào thời buổi trí tuệ nhân tạo, có còn cần làm những bài dịch ngược và dịch xuôi nữa không?

HỌC DỊCH THUẬT: VÀO THỜI BUỔI TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, CÓ CÒN CẦN LÀM NHỮNG BÀI TẬP DỊCH NGƯỢC VÀ DỊCH XUÔI NỮA KHÔNG?

Tác giả: Anissa Hamza-Jamann

Giảng sư về khoa học ngôn ngữ, Đại học Lorraine

Mặc dù các giảng viên đã thiết lập những mục tiêu sư phạm rõ ràng cho các giờ học dịch ngược và dịch xuôi, nhiều sinh viên vẫn khó nhận ra mục đích của hoạt động này. Shutterstock

“Nếu các công cụ dịch thuật tạo ra những điều kỳ diệu thì tại sao phải luyện tập chuyển các văn bản từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác?”, các sinh viên tự hỏi như vậy. Không phải là vô nghĩa, việc luyện tập này giúp thực sự nâng cao nhận thức nhạy bén với những điều tinh tế và với sự vận hành của ngôn ngữ mà ta đang học.

Học sâu tạo ra những điều kỳ diệu, thế thì tại sao tôi phải học phiên dịch?” một sinh viên tự hỏi như vậy trong một lớp học dịch xuôi.

Các lớp học dịch ngược (dịch một văn bản từ tiếng Pháp qua ngôn ngữ đang học) và dịch xuôi (dịch một văn bản từ ngôn ngữ đang học qua tiếng Pháp) chiếm một vị trí quan trọng trong đào tạo ở bậc đại học của Pháp, từ cử nhân ngôn ngữ cho đến các môn thi tuyển ở bậc đại học.

Ngay từ trung học, học sinh đã khám phá những nét tinh tế gắn liền với việc chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác và, trong khuôn khổ các chương trình giảng dạy về ngôn ngữ và văn hoá thời Cổ Đại, học sinh thường xuyên thực hành dịch thuật.

Trong một bối cảnh chung mà dịch thuật nơ-ron[*], do trí tuệ nhân tạo cung cấp, ngày càng cạnh tranh với dịch thuật do con người, lợi ích của việc học tập này có thể bị đặt lại vấn đề.

Cần làm rõ những mục tiêu của lớp học

Không đề cập đến những cuộc tranh luận trong lịch sử vốn đánh dấu diễn biến của dịch thuật như là phương pháp sư phạm và của nghiên cứu dịch thuật như là một ngành học, ta sẽ thấy rằng nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh đến “tình trạng lạ lùng của dịch thuật ở đại học, thường được thiết lập dựa trên một sự e ngại sai lầm về lợi ích của nó”, theo lời của Fayza El Qasem, một giảng viên đại học.

Mặc dù các giảng viên đã thiết lập những mục tiêu sư phạm rõ ràng cho các giờ học dịch ngược và dịch xuôi, nhiều sinh viên vẫn khó nhận ra mục đích của hoạt động này. Không ai không thấy câu “Chú ý, tuyệt đối không dùng dịch tự động!”, câu này từ lâu là quy định được truyền đạt đến sinh viên, lấy cớ là chất lượng của dịch thuật tự động là rất tồi. Chỉ có việc dùng tự điển là được phép.

Dịch thuật nơ-ron, do trí tuệ nhân tạo cung cấp, ngày càng cạnh tranh với dịch thuật do con người. Shutterstock

Ngày nay, liệu các giảng viên dạy các lớp dịch ngượcdịch xuôi còn có thể tránh các dịch thuật tự động không, mặc dù những dịch thuật này đã được cải thiện rõ rệt

Ta sẽ nhắc lại những năng lực được nhắm đến trong các bài giảng về dịch ngượcdịch xuôi đi từ việc hiểu một văn bản và sự vận hành của các ngôn ngữ qua những phân tích về ngôn ngữ học (ngữ pháp, từ vựng, phương pháp dịch thuật) cho đến việc dịch một đoạn văn như là một cách đánh giá những điều đã học được về các ngôn ngữ. Trích đoạn để dịch thường xuất phát từ bộ tài liệu về văn học hoặc báo chí và hiếm khi hướng đến dịch thuật gọi là thực tế (những văn bản hàng ngày, chuyên nghiệp).

Đã có nhiều phê bình trong những năm gần đây. Những nghiên cứu mới đây đã nhấn mạnh đến lợi ích ngày càng tăng của việc tích hợp những công cụ công nghệ vào việc giảng dạy dịch thuật.

Xa hơn việc dịch thuật, hiểu và phân tích những tinh tế ngôn ngữ học

Tuy nhiên, những bài giảng về dịch ngượcdịch xuôi tạo nên những phòng thí nghiệm ngôn ngữ học thực sự. Ở đó, ta thực hành phân tích sâu một văn bản gốc bằng cách mời gọi những người học mổ xẻ các cấu trúc ngôn ngữ học và ngoài ngôn ngữ học mà các phần mềm dịch thuật còn khó nắm bắt. Trong dịch ngược hay dịch xuôi, không chỉ đơn giản là dịch những đoạn văn đơn lẻ, nhưng còn hiểu rõ nghĩa của toàn cục, tìm ra những lối hành văn hoặc âm điệu, v.v..

Đọc thêm: Deepfakes, vidéos truquées, n’en croyez ni vos yeux ni vos oreilles! Deepfakes, video giả mạo, đừng tin vào mắt lẫn tai của bạn.

Mỗi cấp độ phân tích hẳn nhiên cho phép một bản dịch “chấp nhận được”, nhưng nhất là nó hỗ trợ một thao tác tinh vi của ngôn ngữ, có thể áp dụng được trong các bối cảnh khác. Đó là trường hợp dịch những điều mơ hồ về cú pháp hay các lối chơi chữ, sự hài hước hoặc là những từ mới.

Các công trình của nhà ngôn ngữ học nữ Natalie Kübler và các đồng nghiệp của bà về ngôn ngữ chuyên ngành chỉ ra rõ hơn nữa “những hạn chế của các hệ thống này [dịch tự động][…], đặc biệt là trong việc xử lý các cụm danh từ phức tạp, cũng như ở cấp độ của chính cụm từ (những thay đổi khả dĩ trong sự xếp đặt các hợp phần, nhận diện các hợp phần được kết hợp…) cũng như ở cấp độ văn bản (sự không ổn định các lựa chọn giải pháp dịch thuật, nhận diện thích đáng lĩnh vực chuyên môn…)”.

Dịch thuật tự động, dù tinh vi đến mấy vẫn không hoàn hảo, bất chấp những tiến bộ của nó. Dịch thuật tự động tỏ ra hiệu quả đối với những dịch thuật đơn giản và sát nghĩa đen, nhưng nó thường gặp khó khăn trong việc nắm bắt những chi tiết chính yếu liên quan đến bối cảnh. Do đó, việc dịch những thành ngữ (ví dụ “les carottes sont cuites”, “les dindons de la farce”: [nghĩa là “tình hình là vô vọng”, “người bị người khác lừa và bị thua thiệt”, không liên quan gì đến nghĩa đen - ND]), những hướng dẫn sử dụng hay một số quảng cáo, đôi khi tạo ra những kết quả xa với nghĩa gốc, thậm chí tạo ra sai nghĩa.

Việc dịch các thành ngữ đôi khi tạo ra những kết quả xa với nghĩa gốc. Shutterstock

Những bài giảng về dịch ngượcdịch xuôi có thể là cơ hội để nâng cao nhận thức và hỗ trợ sinh viên hướng đến việc sử dụng dịch thuật tự động một cách có chừng mực. Đó cũng là một không gian luyện tập nhằm tìm ra và sửa chữa những trở ngại đã nêu ra ở trên, đồng thời tăng cường hiểu biết về các hệ thống ngôn ngữ học của các ngôn ngữ đang học. Về lâu dài, năng lực phân tích này mang một tầm quan trọng chính yếu trong bối cảnh nghề nghiệp của họ trong tương lai. Là những người làm truyền thông, nhà báo, người dịch hay các giảng viên ngôn ngữ, những sinh viên này thường sẽ hướng đến nhiều nguồn thông tin, đôi lúc bị méo mó bởi các deepfakes để biện minh cho những thất bại mà dịch tự động có thể gây ra. 

Tăng cường sự hiểu biết liên văn hoá

Ngoài việc tăng cường các yếu tố ngôn ngữ học được hỗ trợ bởi các bài giảng về dịch ngượcdịch xuôi, việc chú ý đến những đặc trưng văn hoá tạo nên một yếu tố học tập đầy đủ, đặc biệt vì dịch thuật là một phương tiện trung gian hoà giải giữa hai nền văn hoá.

Hơn nữa, khi nhà nghiên cứu dịch thuật người Canada Jean Delisle đề cập đến khía cạnh văn hóa của việc dịch thuật, ông sử dụng hình ảnh ẩn dụ “con mãng xà trăm ngàn đầu” để nhấn mạnh bản chất đa dạng và năng động của nó.

Do đó, khả năng phát hiện và hiểu những khác biệt văn hoá giúp phòng ngừa những ngộ nhận có thể rất dễ nảy sinh trong ngoại ngữ và đôi lúc những ngộ nhận này đã tồn tại trong ngôn ngữ gốc. Minh hoạ cho việc này là trích đoạn hài hước của Juste Leblanc với những lầm lẫn giữa trạng từ “juste” và tên riêng “Juste” trong phim Le Dîner de cons [Bữa tối của những kẻ ngốc].

Cuối cùng, bằng cách rời xa tính chất đôi lúc nhân tạo của những cách thực hành được áp dụng trong giảng dạy dịch ngượcdịch xuôi và bằng cách chú ý đến diễn biến kinh tế-xã hội của xã hội được kết hợp với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, những bài giảng này có thể tranh thủ (lại) được mối quan tâm ban đầu của hành trình học ngoại ngữ. Được cập nhật hoá, những bài giảng này có thể cung cấp cho sinh viên một sự hiểu biết rõ ràng hơn về yêu cầu của những nghề liên quan đến ngôn ngữ, ngày nay những nghề này cần có các năng lực đặc thù của con người, bổ sung cho những khác biệt với năng lực của máy.

Ngày nay vấn đề đặt ra không còn là “Tại sao dạy dịch ngượcdịch xuôi và thời buổi trí tuệ nhân tạo?”, mà lại là “Như thế nào?” “Hãy để tồn tại mối liên hệ với các hệ thống trí tuệ nhân tạo, điều mà khắp nơi người ta chỉ thường nói về việc sử dụng chúng, đó cũng chính là dành chỗ cho chiều kích chưa xác định được của trí tuệ không phải của con người của các hệ thống này, như ta có thể đọc trong tác phẩm mang tựa đề L’IA est-elle une chance? [Trí tuệ nhân tạo là một cơ may không?] của Apolline Guillot, Miguel Benasayag vàt Gilles Dowek. 

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Apprendre à traduire: à l'ère de l'IA, faut-il encore faire des exercices de thème et de version?”, The Conversation, 4.02.2024




Chú thích:

[*] dịch máy sử dụng mạng nơ-ron nhân tạo lớn

Print Friendly and PDF